Giới thiệu sách ĐIỂM YẾU CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG HIỆN ĐẠI - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

Leave a Comment

ĐÔI LỜI ĐẦU SÁCH
*
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến)
Thưa bạn!
Trải qua suốt thời gian dài dằng dặc của lịch sử, với các hình thái chế độ xã hội, hình ảnh người đàn ông vẫn luôn được khắc họa bằng những đường nét bất di bất dịch: Cứng rắn, lạnh lùng, tàn nhẫn, sáng tạo và thống trị. Biết bao tác phẩm nghệ thuật đề cao và nhấn mạnh tính cứng rắn của người đàn ông để hình ảnh người đàn ông được củng cố vững chắc hơn trong “ý thức hệ” của toàn nhân loại, mặc cho những thiên niên kỷ qua đã có đôi lần, hình ảnh người đàn ông truyền thống, người đàn ông cứng rắn và thống trị bị chao đảo bởi những cuộc “nổi loạn” đòi bình quyền của phái nữ. Nhưng đó là ở những thế kỷ trước, những thiên niên kỷ trước, còn ở thế kỷ XXI này thì sao? Hình ảnh người đàn ông truyền thống sẽ ra sao khi “sự công nghiệp hóa được đẩy mạnh”, sự bình quyền giữa nam và nữ ngày càng được nới rộng?
Xã hội càng phát triển, sự bình quyền giữa hai giới càng được khẳng định thì vai trò “thống trị” của người đàn ông trong xã hội cũng bắt đầu bị lung lay, dần tiến tới sự rạn nứt, sụp đổ. Hình ảnh người đàn ông truyền thống đứng khá vững qua bao thăng trầm của lịch sử thì nay, ở thế kỷ XXI này đang bị rệu rạo, có nguy cơ bị tan rã, tráo đổi. Không ít những công trình nghiên cứu về “hình ảnh người đàn ông truyền thống” trong những thập kỷ gần đây của các nhà khoa học thế giới như: A.Levant, S.Freud, P.Thuillier, S.F.Morin, Cooper Thompson, G.Herek, John Moreland, D.J.Levinson, Erik Erikson... đã cất lên những hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy nhìn nhận lại nhân dạng người nam, chấp nhận những gì nằm trong bản chất thực của người nam, để xây dựng một hình ảnh người đàn ông mới, với đích thực những gì thuộc về người đàn ông mà tạo hóa đã tạo ra.
Ai trong chúng ta cũng biết rằng: Để tạo ra người đàn bà, nhiễm sắc thể phải là XX, còn tạo ra người đàn ông thì nhiễm sắc thể phải là XY. Nhưng Alfred Jost, nhà sinh lý học, thư ký vĩnh viễn của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, bằng thực nghiệm khoa học đã khẳng định: Giới tính nữ là giới tính cơ bản của con người. “Vì giới tính nữ là giới tính cơ bản nên trong người đàn ông vừa có tính nam và vừa có tính nữ. Song qua hàng ngàn năm chế độ phụ hệ, người đàn ông quên mất tính nữ của mình” - (Nguyễn Xuân Khánh - Nhân dạng nam); hoặc cố tình phủ nhận tính nữ trong cơ thể người đàn ông của mình vì hình ảnh người đàn ông đã được bao thế hệ cố công gọt rũa, khắc họa bằng những đường nét đối lập hoàn toàn với hình ảnh của phái nữ.
Nguyên lý phổ quát và vĩnh hằng về tính nam đã chi phối con người mà không để ý, thậm chí còn phủ nhận quan điểm của Rousseau: “Con đực chỉ đực ở vài thời điểm, con cái thì cái trong toàn bộ thời thanh xuân”. Sự thừa nhận tính nữ nguyên sơ ở trong cơ thể người đàn ông là một việc cực kỳ khó khăn, vì nếu thừa nhận điều đó sẽ xảy ra sự khủng hoảng trầm trọng về nhân dạng nam, về tính nam (tính đực) tưởng như là vĩnh hằng, bất biến qua không gian, thời gian và tuổi tác của đời người. Sự thừa nhận tính nữ trong cơ thể người đàn ông là để tạo ra một người đàn ông hòa giải (theo E.Badinter), làm tròn bổn phận người nam của mình với gia đình, với xã hội trong điều kiện của cuộc sống văn minh, hiện đại chứ không phải để nữ hóa người nam, làm mất đi tính nam (tính đực) của người đàn ông và càng không phải để cổ súy những khuynh hướng tình dục thiểu số như: Đồng tính, lưỡng tính hoặc cận tình dục... Nhưng sự thừa nhận “tính nữ nguyên sơ trong cơ thể người nam” luôn gặp phải sự cản trở mạnh mẽ của hình mẫu người đàn ông truyền thống đang ngự trị trong nghĩ suy của bao thế hệ, mặc dù nhìn vào thực tế những năm cuối thế kỷ XX, hình ảnh người đàn ông truyền thống đã dần dần bị rạn vỡ để vạch ra những nét phác họa ban đầu về khuôn mẫu người đàn ông hòa giải ở tương lai.
Hình ảnh người đàn ông truyền thống với những nét vẽ cương cường, nhiều khi cứng rắn đến mức tàn nhẫn có tác dụng rất lớn trong việc duy trì tính nam (tính đực) để thúc đẩy xã hội phát triển nhưng chính hình mẫu người đàn ông truyền thống ấy ở thế kỷ XXI này e rằng sẽ không còn là khuôn mẫu bất di bất dịch, bởi nhiều người đàn ông ở thế kỷ XXI, với sức ép của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là sức ép từ chính phái nữ buộc phải nhìn nhận lại chính mình, tiến hành nhân dạng nam của chính mình, nhằm thích ứng với nhu cầu thiết thực của gia đình, của xã hội trong việc chăm sóc, giữ gìn hạnh phúc gia đình trong bối cảnh xã hội đang có nhiều những biến đổi.
ĐIỂM YẾU CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG HIỆN ĐẠI nằm trong đề tài TÌM HIỂU TÍNH NAM CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG THẾ KỶ XXI, không phân tích tính nữ nguyên sơ ở trong cơ thế người đàn ông để lý giải tại sao lại như vậy? tại sao lại như thế?... mà chỉ đề cập đến một phần nhỏ những điểm yếu của người đàn ông trong cuộc sống hiện đại.
Thực hiện đề tài này, chúng tôi không có tham vọng đi vào phân tích những điểm yếu của người đàn ông, càng không nghĩ đến sẽ đưa ra, dù chỉ một vài nét chấm phá về hình ảnh người đàn ông ở thế kỷ XXI sẽ như thế nào, vì điều đó là quá sức, vượt quá khả năng, trình độ của người biên soạn. Chúng tôi chỉ có mong muốn nho nhỏ là cùng bạn đọc tìm hiểu một phần nhỏ trong đời sống tình cảm của người nam với những gì đích thực của họ, để hiểu thêm về phái mạnh, để trả lời được một số câu hỏi về người đàn ông mà văn hóa truyền thống không chấp nhận nên khó lý giải.

Mời thư giãn với nhạc phẩm TÔI LÀ TÔI
của Vũ Quốc Bình, qua tiếng hát Quách Thành Danh:
           
*
Hà Nội, những ngày cuối năm 2002
Hoàn chỉnh lại lần cuối tháng 10 năm 2006
ĐẶNG XUÂN XUYẾN



. .....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét