*
Nhà thơ Hàn Mặc Tử là một trong những tên tuổi nổi bật
trong thi đàn Việt Nam thế kỷ 20, là người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện
đại Việt Nam.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, được sinh ra
trong một gia đình có 8 người con được đặt tên rất ý nghĩa là: Nhân, Lễ, Nghĩa,
Trí, Tín, Hiếu, Hiền, Thảo. Tổ tiên của ông là họ Phạm, nhưng do liên quan đến
quốc sự bị truy nã nên đổi thành họ Nguyễn.
Hàn Mặc Tử mang vóc mình ốm yếu, tính tình hiền từ, giản
dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Do cha ông là
Nguyễn Văn Toản làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều
nhiệm sở, nên dù được sinh ra ở Quảng Bình nhưng Hàn Mặc Tử đã theo học ở nhiều
trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn, Bồng Sơn (1921–1923), Pellerin Huế
(1926).
Hàn Mặc Tử có tài năng làm thơ từ rất sớm khi mới 16
tuổi, từng có duyên gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sĩ
này. Sau này, ông nhận một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với
Phan Bội Châu nên đành đình lại. Hàn Mặc Tử quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp,
năm ông 21 tuổi; lúc đầu làm ở Sở Đạc Điền.
Đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho
tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên
báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan
Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.
Theo gia đình Hàn Mặc Tử thì vào khoảng đầu năm 1935, họ
đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng
không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể. Cho
đến năm 1936, khi ông được xuất bản tập “Gái Quê”, rồi đi Huế, Sài Gòn, Quảng
Ngãi, vào Sài Gòn lần thứ hai, được bà Bút Trà cho biết đã lo xong giấy phép
cho tờ Phụ nữ tân văn, quyết định mời Hàn Mặc Tử làm chủ bút, bấy
giờ ông mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Nhưng ý ông là muốn chữa cho dứt hẳn
một loại bệnh thuộc loại “phong ngứa” gì đấy, để yên tâm vào Sài Gòn làm báo
chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y. Năm 1938 – 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ
dội. Tuy nhiên, ở bên ngoài thì không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào
thét ở trong thơ mà thôi. Trước ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn
Bá Tín, em ruột của nhà thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau: Da anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn
tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy,
trông như mang chiếc “găng” tay bằng da thô. Toàn thân khô cứng.
Thời đó, vì thành kiến sai lầm rằng đây là căn bệnh
truyền nhiễm nên bệnh nhân thường bị hắt hủi, cách ly, xa lánh, thậm chí bị
ngược đãi. Hàn Mặc Tử cũng không là ngoại lệ. Lúc này, gia đình ông phải đối
phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay tin ông mắc căn bệnh truyền nhiễm,
đòi đưa ông cách ly với mọi người. Sau đó gia đình phải đưa ông trốn tránh
nhiều nơi, xét về mặt hiệu quả chữa trị là phản khoa học vì lẽ ra phải sớm đưa
ông vào nơi có đầy đủ điều kiện chữa trị nhất lúc bấy giờ là Bệnh viện phong
Quy Hòa. Trong câu chuyện với người em của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bác sĩ Gour Vile
cũng nói rằng kinh nghiệm từ các trại cùi, không có bệnh nhân nào chỉ đau có
từng ấy năm mà chết được. Ông trách gia đình Hàn Mặc Tử không đưa nhà thơ đi
trại phong sớm. Bác sĩ cho rằng, Hàn Mặc Tử qua đời do nội tạng hư hỏng quá
nhanh vì uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong
Quy Hòa.
Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20
tháng 9 năm 1940) mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng
sáng 11 tháng 11 năm 1940 tại đây vì chứng bệnh kiết lỵ, khi mới bước sang tuổi
28.
Cuộc đời Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại
Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định.
Ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để
lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông – có những người ông đã gặp, có những
người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc,
Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.
Hàm Mặc Tử làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu là Phong Trần
rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi
hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. “Hàn Mạc Tử” nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống
trải. Sau đó bạn bè gợi ý ông nên vẽ thêm Mặt Trăng khuyết vào bức rèm lạnh lẽo
để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật. “Mặt Trăng khuyết” đã được “đặt vào” chữ
“Mạc” thành ra chữ “Mặc”. Hàn Mặc Tử có nghĩa là “chàng trai bút nghiên”.
Trong âm nhạc, ca khúc nổi tiếng nhất viết về cuộc đời
của thi sĩ Hàn Mặc Tử chính là ca khúc mang tên Hàn Mặc Tử của nhạc sĩ Trần
Thiện Thanh, nổi tiếng qua tiếng hát Trúc Mai cả trước và sau năm 1975. Trước
khi mất vài năm, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã về nước và xây lại một ngôi mộ
tươm tất cho người thi sĩ tài hoa bạc mệnh đó.
---------------------------------------------
Hàn
Mặc Tử - từ chối mọi định vị giới tính
Ngày 22/9, hội thảo “Một số cách đọc khác về
Hàn Mặc Tử” do Viện Văn học tổ chức đã đưa ra rất nhiều ý kiến mới lạ về thơ
Hàn.
Thơ
Hàn Mặc Tử không thuộc dòng văn học lãng mạn
Quả bom đầu tiên do Tiến sĩ Hoàng Tố Mai bung
ra: Hàn Mặc Tử ảnh hưởng gián tiếp từ Edgar Allan Poe (nhà văn, nhà viết kịch,
nhà phê bình thơ Mỹ, ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự) thông
qua Baudelaire (nhà thơ thuộc trường phái tượng trưng có ảnh hưởng lớn nhất ở
Pháp vào thế kỷ 19).
Baudelaire tiếp nhận từ Poe khuynh hướng nghệ
thuật vị nghệ thuật, và trạng thái spleen (buồn bã, u uất, chán chường) rất thường
thấy trong các tác phẩm của Poe.
Trong những cây bút Thơ mới thì người tiếp nhận
Baudelaire sâu đậm và từ đó tạo ra những vần thơ ấn tượng, dị biệt hơn cả là
Hàn Mặc Tử. Lúc sinh thời, Hàn Mặc Tử không giấu giếm sự ngưỡng mộ của mình
trước Baudelaire. Chế Lan Viên đã từng viết trong hồi ký của mình: “Tử trong
thời gian chúng tôi gần chỉ nói về Baudelaire”. Những hình ảnh dị thường, bạo
liệt từ thơ Baudelaire đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong nhiều bài thơ của
thi sĩ họ Hàn. Trong đó rõ nhất là những bài thơ “máu” mang đậm sắc thái tự hủy
hoại.
“Ta
nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng). “Lụa
trời ai dệt với ai căng/ Ai thả chim bay đến Quảng Hàn/ Và ai gánh máu đi trên
tuyết/ Mảnh áo da cừu ngắm nở nang” (Cuối thu)
Nhà phê bình Cao Việt Dũng có ý kiến: không nên
xếp thơ Hàn Mặc Tử vào dòng lãng mạn bởi vì những định kiến về sự bay bổng, trữ
tình. Theo anh, những bài thơ về nỗi đau thân thể, sự bạo liệt còn lớn hơn giá
trị trữ tình trong thơ Hàn.
Nhiều nhà phê bình trong hội thảo có chung ý
kiến: thơ Hàn Mặc Tử vô cùng khó đọc. Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên cho rằng: 10 bài
thơ Hàn chỉ có ba bốn bài là xuất sắc, còn lại là những bài ai làm cũng được.
Tác
hại của việc gắn thơ Hàn với bệnh tật
Thạc sĩ Đặng Hà có một tiểu luận rất được hoan
nghênh: Thơ Hàn từ những góc nhìn thân thể và bệnh tật. Theo chị Hà, xưa nay
người ta thường định danh Hàn như là “thi sĩ của đau thương và bất hạnh”, các
nhà phê bình khi nói đến Hàn là nói đến “thảm sử kinh hoàng của số mệnh”, nghệ
thuật thơ, theo đó, cũng đơn thuần là sản phẩm nảy sinh từ “những kinh nghiệm
của đau thương”, và lời thơ, không gì khác, là “tiếng kêu rên của một linh hồn
đang ngất đi, hết sức lực”.
Việc xuất phát từ lối đọc đồng nhất thi phẩm –
“bệnh phẩm” ấy, mang tính độc quyền rõ nét khi nó từ chối mọi cách diễn giải
khác về nghệ thuật ngôn từ hay cách thức xây dựng hình tượng. Nó quy tài năng
của Hàn Mặc Tử vào một căn nguyên duy nhất là bệnh tật, chấp nhận độc nhất một
cách giải thích những yếu tố dị kì trong thơ Hàn là những triệu chứng bệnh lí.
Cao Ngọc Đoan Trang nhận ra trong lối phê bình
tiểu sử này, ngoài việc vô tình khước từ vị thế chủ động của cả người đọc cũng
như người viết; còn có một nỗ lực “lãng mạn hóa”, nếu không muốn nói là “người
hùng hóa” cuộc đời và số phận nhà thơ.
Cái tên Hàn Mặc Tử bởi thế mà không ngừng được
bao bọc trong những tầng lớp huyền thoại. Vấn đề bệnh tật và cái chết xuất hiện
trở đi trở lại trong những phê bình thơ Hàn như một cách để cố định hóa một
hình dung thương cảm trong tâm trí cộng đồng, đồng thời giữ vai trò như một hệ
quy chiếu đơn giản để phân tích giá trị thơ Hàn, trong khi bỏ qua/xem nhẹ ý đồ
hiện đại hóa thi ca như một chủ đích cơ bản trong hành vi sáng tạo của Hàn Mặc
Tử.
Hàn
Mặc Tử - một đại diện của Queer
Các nghiên cứu và tài liệu để lại đều nhấn mạnh
đến việc Hàn Mặc Tử là một thi nhân đa tình và nhiều người yêu. Theo Tiến sĩ
Trần Ngọc Hiếu, nếu đọc kỹ thơ Hàn, sẽ thấy dùng các định vị giới tính áp dụng
vào ông đều không ổn. Chính xác với trường hợp Hàn Mặc Tử là “queer”: chỉ những
bất ổn về mặt căn tính cá nhân.
Hàn Mặc Tử là một thi sĩ từ chối mọi định vị căn
tính cá nhân trong những cái có sẵn. Ông chỉ chú trọng đến cái tôi cá nhân tự
do của mình. Tiến sĩ Hiếu cho rằng, có thể vì bệnh tật khiến Hàn muốn nhân bội
bản ngã của mình lên. Cái tôi trong thơ ông là tôi trữ tình nhập vai: thơ nam
nhưng có nhu cầu nhập vai nữ, để tạo ra một bản dạng khác. Những ví dụ như “Em sợ
lang quân em biết được/ Nghi ngờ đến cái tiết trinh em” (Bẽn lẽn) có thể tìm
thấy rất nhiều trong thơ Hàn.
TS Trần Ngọc Hiếu cũng đánh giá, Hàn Mặc Tử và
Bùi Giáng là hai huyền thoại của làng thơ. Bùi Giáng là huyền thoại trong giới
trí thức. Còn Hàn Mặc Tử là huyền thoại của bình dân, thuộc dòng bolero. Cuộc
đời ông được chuyển thành cải lương, kịch, nhạc rất nhiều. Người bình dân có
thể không đọc thơ Hàn nhưng sẽ thuộc một vài câu. Chẳng hạn như trường hợp “Đây
thôn Vỹ Dạ”.
HẠNH ĐỖ
*
TÁC GIẢ (đang cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
.
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến)
..
0 comments:
Đăng nhận xét