HỮU THỈNH ƠI: ÔNG HÈN? HAY ÔNG NGU? - Tác giả: Vũ Hữu Sự (Hà Tây)

Leave a Comment

HỮU THỈNH ƠI:
ÔNG HÈN? HAY ÔNG NGU?
*
(Tác giả Vũ Hữu Sự)
Sáng ngày 9/1/2019, tại lễ tổng kết hoạt động của liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã “vui mừng” loan báo: Các hội vẫn tiếp tục được nhà nước tài trợ. Và, với vẻ mặt không gì có thể hớn hở hơn, ông reo “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”.
Tôi thấy cần phải có mấy lời thưa lại với ông chủ tịch.
Thứ nhất, “anh em chúng ta” ở đây chỉ là bản thân ông Hữu Thỉnh và những tay chân, bậu sậu vẫn bám theo ông Hữu Thỉnh để được ngậm ké cùng ông cái vú sữa của nhà nước, dù đó chỉ là thứ sữa cặn. Cái câu “nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta” của ông, về bản chất, không khác gì câu “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại...” của một thằng bị gậy. Trừ ông và đám ấy ra, tuyệt đại đa số anh chị em văn nghệ sỹ chẳng ai cần đến những đồng tiền bố thí đó. Tất cả vẫn lăn lộn kiếm sống bằng đủ các nghề khác để lấy tiền nuôi mình và nuôi cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Người thì làm kỹ sư, người làm công chức, người làm chủ doanh nghiệp, người buôn bán, người biểu diễn, người viết báo... Ngay bản thân tôi, vào hội nhà văn Việt Nam năm 1993, nhưng từ đó đến nay tôi không cần một đồng nào gọi là của nhà nước nuôi nhà văn, tôi sống bằng đủ thứ nghề : Bốc vác, đóng gạch, gác cầu phao, phóng viên. Bây giờ, tuy đã nghỉ hưu rồi nhưng hàng tháng tôi vẫn đều đặn viết 20 bài theo đơn đặt hàng của các báo, với rất nhiều bút danh khác nhau. Số tiền nhuận bút đó đủ cho tôi sống, nuôi vợ và sáng tác một cách phong lưu.
Thứ hai, nhà nước làm gì có tiền mà cho? Tiền đó là tiền thuế, là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Nó bị nhà nước chiếm lấy làm của mình rồi mang bố thí cho ông Hữu Thỉnh và đám tay chân, bậu sậu của mình. Chẳng lẽ ông Hữu Thỉnh không hiểu cái điều mà đứa trẻ con cũng hiểu đó.
Thứ ba, đã ăn của nhà nước, thì ông Hữu Thỉnh cùng đám tay chân, bậu sậu của mình sẽ chỉ được viết những gì nhà nước muốn viết, nói những gì nhà nước muốn nói, làm gì còn được tự do tư tưởng, tự do suy nghĩ, tự do sáng tác nữa. Ông và bậu sậu của ông sẽ chỉ là một lũ vẹt không hơn không kém.
Đối với một văn nghệ sĩ, điều quan trọng nhất, quan trọng hơn cả mạng sống, chính là quyền tự do tư tưởng, tự do nghĩ, tự do viết, tự do nói những gì mà mình cho là đúng. Thân thể có thể bị giam cầm, nhưng tư tưởng vẫn có thể bay xa ngàn dặm. “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao” là thế. Mất đi cái tự do đó, văn nghệ sĩ sẽ chỉ còn là cái xác không hồn. Những tác phẩm hay chỉ có thể được ra đời khi văn nghệ sĩ lăn mình trong cuộc sống, trải nghiệm cuộc sống, thét lên những tiếng thét của hàng triệu người dân đang quằn quại trong đau khổ, bị áp bức, phải chịu bất công, bị cướp đoạt hết đất đai, nhà cửa và quyền sống, trở thành “dân oan” nằm đường ngủ chợ. Tác phẩm sẽ trở thành thứ gì khi tác giả của nó được nhà nước nuôi ngập trong rượu thịt và nhung lụa. Một lần, sứ thần Pháp sang Tây Ban Nha. Sau khi làm xong công vụ, vị sứ thần đòi được đến thăm nhà văn Miguel de cervantes Saavedra, tác giả tiểu thuyết Don quijote. Thấy nhà văn sống quá nghèo khổ, lúc trở lại, sứ thần Pháp trách vua Tây Ban Nha, rằng Tây Ban Nha là một nước giầu có, vậy hẹp hòi gì mà không nuôi nổi tác giả của Don quijote, để ông sống nghèo khổ như vậy. Nhà vua Tây Ban Nha trả lời: Ngài có điều không biết. Phải để nhà văn bươn chải, tự kiếm sống, thì thế giới mới có tác phẩm hay mà đọc. Nếu nuôi ông, thì ông sẽ chìm ngập trong rượu thịt, nhung lụa, văn chương của ông chỉ còn là cái xác chữ nghĩa chứ làm gì còn hồn vía? Làm gì còn tác phẩm hay nữa.
Hớn hở vì còn được vục đầu vào đống cơm thừa sữa cặn. Hữu Thỉnh ơi, ông hèn? Hay ông ngu?
*
VŨ HỮU SỰ
Địa chỉ: thôn Sơn Hà, xã Đắc Sở
huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
Điện thoại: 091.2019256
                                            .


.

.............................................................................................................
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 09.02.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét