ĐĨ CŨNG CÓ
ĐĨ YÊU NƯỚC
*
Câu này vừa nói ra thì 10 người chắc 9 đã biết nguồn gốc
ở đâu ra rồi phải không? - Cùng với: "Câu kết gian dương đại đạo, hiếp dâm
con heo, đẩy bà già xuống biển" thì đây là câu thoại kinh điển của Tinh
gia - Châu Tinh Trì. Tế Công (năm 1993) bộ phim kinh xuất hiện câu thoại rằng
"Đĩ cũng có đĩ yêu nước".
Trong phim, Tiểu Ngọc - số trời đã định làm đĩ chín kiếp
bị một đám phụ nữ vây đánh. Đúng lúc đó Tế Công - Tinh gia đứng ra và nói:
"Các người đều là phụ nữ với nhau, cần gì phải tàn sát lẫn nhau như
vậy?" - "Nhưng cổ là đĩ đó" - "Đĩ cũng có đĩ yêu
nước"... Những người phụ nữ kia sau khi nghe được liền bật khóc. Xung
quanh còn có người nói "phải đó, thật xấu hổ quá, xấu hổ quá..."
Vì sao chỉ một câu nói của Tinh gia lại khiến mọi người
bật khóc và xấu hổ như vậy? Hẳn là phải đề cập tới câu chuyện nào đó bi thương.
Dù các bạn xem phim dù xem nhiều lần, dù trích đi trích lại câu này nhiều lần,
cũng chưa chắc đã hiểu hết. Do vậy chúng ta sẽ đi sâu phân tích tìm hiểu một
chút.
Xét về bối cảnh, câu chuyện về Tế Công trong phim sinh
vào năm Thiệu Hưng thứ 18 đời Tống (tức năm 1148). Trong khoảng thời gian đó kỳ
thực có một kỳ nữ anh hùng tên Lương Hồng Ngọc.
I. TRAI GIANG HỒ VÀ GÁI THANH LÂU
Thời Bắc Tống còn mạnh, kẻ thù của Tống lúc bấy giờ là
Liêu - Hạ. Vua Tây Hạ thường mang quân quấy nhiễu nhà Tống. Năm 1106, một thanh
niên trẻ tên là Hàn Thế Trung (nhưng nhiều nơi đọc trại là Hàn Thái Trung) đăng
lính sung quân. Trung có sức khỏe, võ nghệ hơn người, khi ra trận luôn xung
phong đi đầu. Hàn Thái Trung từng dẫn quân cảm tử đột kích đồn giặc trên núi
Cao Bình, chém chết phò mã Tây Hạ là Hư Trúc, à quên, là Ngột Di bêu đầu lên
ngọn cờ, quân Tây Hạ khiếp đảm mà lui. Có thể nói, Hàn Thế Trung như một phiên
bản ver.2 của Nhạc Phi vậy (giỏi võ, liều mạng và đều đi lên từ lính trơn). Tuy
nhiên, khi còn trẻ, Hàn Thế Trung là người ngay thẳng, ưa kết giao, khi nhậu
say thì thường ăn nói bỗ bã nên quan trên nhiều người không thích. Sau chiến
thắng Tây Hạ ở núi Cao Bình, thượng cấp ghi công cho Trung và gửi biểu về triều
xin ban thưởng nhưng gian thần Đồng Quán cho rằng tướng ngoài biên ải tâu quá
lên sự thật nên phê vào tờ biểu chỉ cho Trung thăng 1 cấp. Buồn tình, phẫn uất,
Trung xin giải ngũ và đi nhậu. Trong một lần như vậy, Trung ghé qua kỹ viện nổi
tiếng nhất ở Kinh Khẩu.
Lương Hồng Ngọc không rõ lai lịch, xuất thân. Năm 15 tuổi
tự bán mình làm kỹ nữ là gái phong trần kỹ nữ. Tuy là kĩ nữ, nhưng Hồng Ngọc
chỉ đàn ca và cho khách ôm (bán nghệ bất bán thân) chứ không chịu ngủ với bất
cứ ai, má mì hay bảo kê cũng không ép được, vì ngoài xinh đẹp và đàn hát giỏi,
võ nghệ của Hồng Ngọc cũng rất khá. Một ngày nọ, Hàn Thế Trung bước vào kỹ viện
Kinh Khẩu và như Từ Hải gặp Thúy Kiều, hai người cảm mến nhau ngay lần đầu. Hàn
Thế Trung bỏ món tiền lớn chuộc Hồng Ngọc ra và lấy làm vợ (đừng hỏi tiền ở
đâu, tôi cũng cóc biết đâu !!!). Về sau con đường binh nghiệp của Thế Trung
thuận lợi, nhiều lần được thăng chức, dần trở thành một đại tướng Tống triều.
Sử sách ghi lại rằng mỗi lần ra trận Lương Hồng Ngọc đều trang điểm thật xinh
đẹp trước khi ngồi lên ngựa chỉ huy hàng nghìn quân lính. Nhưng khi vào trận
thì vung roi thét ngựa, chém tướng đoạt cờ, dũng cảm xông vào trận địa nguy
hiểm nhất. Bà cùng chồng thường cùng lao động với quân sĩ, thu dụng lưu dân.
II. DẸP LOẠN
Năm 1127, quân Kim đánh xuống Biện Kinh bắt thái thượng
hoàng Huy Tông và vua Khâm Tông. Em Khâm Tông là Triệu Cấu chạy về Giang Nam
lập ra nhà Nam Tống, tức là Tống Cao Tông. Cao Tông sợ quân Kim là 1, sợ cha và
anh trở về lấy mất vương vị là 2 nên không muốn khôi phục trung nguyên, chỉ
muốn dời đô về Hồ Nam, cuối cùng là dời về Lâm An thuộc Hàng châu. Điều đó
khiến nhiều tướng sĩ bất mãn. Hai đại thần Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn bèn làm
binh biến, bắt giữ Cao Tông và định buộc nhường ngôi cho thái tử Triệu Phu. Đại
thần Trương Tuấn họp các tướng Lã Di Hạo, Hàn Thế Trung cùng bàn việc cứu Cao
Tông. Trong lúc ấy thì Hồng Ngọc và con trai Hàn Thế Trung là Hàn Lượng bị kẹt
lại ở Lâm An. Hàn Thế Trung tiến quân được nửa đường thì dừng lại, Miêu - Lưu
quyết định dụ hàng, bèn đem tờ chiếu phong chức cho Thế Trung và cho Lương Phu
Nhân đi trước để khuyên chồng. Gặp lại được chồng, Lương phu nhân khuyên Hàn Thế
Trung tương kế tựu kế, giả vờ mang quân đi Tú Châu, không vào Lâm An nữa. Quả
nhiên Miêu - Lưu không phòng bị, chớp thời cơ, Lương phu nhân cho người giải
cứu con trai nhỏ ra. Ở trong quân, Hàn Thế Trung biết tin vợ con an toàn lập
tức xé tờ chiếu, chém sứ giả, hành binh quay lại Lâm An. Ít lâu sau, Miêu - Lưu
đều bị bắt sống và xử tử.
III. DANH TƯỚNG KHÁNG KIM VÀ KẾT CỤC
Năm 1130, Hàn Thế Trung nhận lệnh trấn thủ Trấn Giang.
Tương truyền hai vợ chồng Hàn Thế Trung - Lương Hồng Ngọc đích thân xung trận, chồng
xung phong, vợ đánh trống trợ uy, dùng tám ngàn quân vây khốn 10 vạn quân của
Kim Ngột Truật tại Hoàng Thiên Đãng trong 40 ngày. Tuy nhiên, cuối cùng những
gì xảy ra ở đèo Thermophyne (Hy Lạp - phim 300 và Leonidas) trùng hợp thay cũng
xảy ra ở Hoàng Thiên Đãng: Trong lúc quân Kim đang tiến thoái lưỡng nan thì một
"cư dân địa phương" đã bày kế cho chủ soái quân Kim - Ngột Truật: Cho
lính đào kênh thông từ vũng Hoàng Thiên ra Trường Giang rồi ngồi thuyền mà chạy
về bắc. Quân Tống chỉ biết tin khi kênh đã đào xong, Hàn Thế Trung lập tức xua
quân đánh gấp. Trận đó lửa cháy thấu trời, Hàn Thế Trung tắm máu địch, Lương
Hồng Ngọc đứng giữa mưa tên, quan sát tình hình, chỉ huy chiến đấu. Quân Tống
thấy vậy, sĩ khí càng cao, nhưng quân Kim có viện binh tới cứu, lại vượt trội
về quân số nên đã chạy thoát. Trận này tính ra quân Tống thua nhưng có được sĩ
khí và đánh tan được ý đồ nam hạ của quân Kim.
Trong nhiều năm sau đó, hai vợ chồng Thế Trung - Hồng
Ngọc còn lập nhiều đại công, đánh thắng quân Kim nhiều lần, giữ lại nửa mảnh
giang sơn cho nhà Tống. Cùng với Nhạc Phi, Hàn Thế Trung là một trong những
"đầu tàu" chống Kim mạnh mẽ nhất, cũng là những cột trụ của phe chủ
chiến trong triều đình. Tiếc là Tống Cao Tông luôn bị ám ảnh vì sự trở về của
cha và anh như đã nói ở trên nên nhiều lần ... phá game. Tần Cối là đại diện
phe chủ hòa, liên tục cản đầu cản đuôi các tướng, vu oan, hãm hại Thế Trung và
Nhạc Phi. Những năm sau này, còn có thêm Trương Tuấn - chỉ huy cũ của Hàn Thế
Trung, nay đã bị ... "tự diễn biến, tự chuyển hóa" về phe Tần Cối.
Các tướng Nhạc Phi và Thế Trung có thời điểm được cho ngồi chơi xơi nước, chỉ
khi quân Kim đánh rát quá thì lại mời ra, xong việc lại cho về. Năm 1141, Ngột
Truật lại dẫn quân Kim nam hạ nhưng lại bị quân Nhạc Phi đánh cho đại bại tại
Yển Thành - Hà Nam, khi Hàn Thế Trung cũng dẫn quân tới thì quân Kim chạy
trước, không dám đánh. Quân Tống áp sát Khai Phong, khí thế ngút trời, chuẩn bị
lấy lại Bắc Hoang Hà thì một lần nữa Cao Tông lại nghe Tần Cối, một ngày quăng
ra 12 đạo kim bài buộc Nhạc Phi lui quân. Không lâu sau đó, Nhạc Phi bị luận
tội và thụ án tại Phong Ba Đình.
Giai thoại kể rằng, Hàn Thế Trung đã quát hỏi Tần Cối:
Nói rằng Nhạc Phi mưu phản, thế bằng chứng đâu? - Tần Cối trả lời: Không có,
nhưng mà cũng không có nghĩa là không có. Mấy chữ "không có nghĩa là
không" (莫須有; mạc tu hữu) từ đó gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng
Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo. Sau vụ án Nhạc Phi, Hàn Thế Trung vẫn
hay gặp mặt Tần Cối nhưng khi ra vào chỉ ra hiệu tay, không nói một lời nào để
tỏ sự khinh miệt. Dân gian kể rằng: Tần Cối cũng không vừa, định thảo tiếp tờ
biểu để vu vạ cho Hàn Thế Trung thì đột nhiên tay cứng đờ, rồi liệt hẳn không
sao cầm bút viết được. Cối định đọc ra cho người viết thay thì hôm sau lại bị
cấm khẩu luôn, rồi từ lưng mọc ra cái nhọt lớn dần, đau đớn không thể nằm hay
đứng thẳng được, chỉ có thể quỳ khom khom. Cuối cùng thì chết.
Cuối đời, Hàn Thế Trung theo đạo Phật, đạo Lão, tự xưng
là Thanh Lương cư sĩ. Năm 1151, Hàn Thế Trung qua đời, thọ 63 tuổi. Hàn Thế
Trung cùng tề danh với Nhạc Phi. Hơn 20 năm chinh chiến, trải qua hàng trăm
trận lớn nhỏ, trên người đầy vết thương, chi chít sẹo; 10 ngón tay chỉ còn 4
ngón nguyên vẹn. Lương Hồng Ngọc quy ẩn về Tây Hồ sau đó cũng mất. (Nay Tây Hồ
- Hàng Châu còn miếu thờ Nhạc Phi, trong miếu có hẳn một gian thờ Hàn Thế
Trung). Khoảng thời gian này, đất nước bị quân Kim dày xéo, là thời điểm nhục
nhã nhất của triều đình nhà Tống. Xét thời điểm trong phim, Tế Công đang khoảng
18-20, như vậy thì cách thời điểm hai vợ chồng Hàn Thế Trung - Lương Hồng Ngọc
mất chỉ vài năm. Bởi vậy khi Tế Công nhắc "Đĩ cũng có đĩ yêu nước"
chính là nhắc mọi người Tiểu Ngọc này tuy là kỹ nữ, nhưng cũng có thể là người
yêu nước như kỹ nữ Lương Hồng Ngọc. Một câu thôi khiến toàn bộ phụ nữ bưng mặt
khóc. Đàn ông nghe phải che mặt xấu hổ tự thẹn không bằng.
*
TÁC GIẢ (đang
cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
.
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến)
.
0 comments:
Đăng nhận xét