MA XÓ SI TÌNH
*
CUỘC BÁO THÙ CỦA
NHỮNG GIỌT MÁU
(Tác giả: Người Khăn Trắng)
Rừng U Minh những năm 1940...
Con kênh thứ Mười, phía trái tính từ Sông Cá Lớn,
chảy ra biển, từ một năm nay có một gia đình từ xa đến định cư xây nhà ở ngay
ngã ba kênh. Hai vợ chồng tuổi trên bốn mươi, chỉ có một mụn con, lại là gái,
nhưng xem ra họ sống khá hạnh phúc. Người chồng giỏi giang. Ngoài nghề đi rừng
mật ong, còn có biệt tài đặt trúm bắt lươn. Cả vùng gần đó điều thán phục tài
đặt ba chục ống trúm thì tất cả đều có lươn chui vào. Có người cho rằng Năm Tỵ,
tên người đàn ông, có bí quyết pha chế mồi, cho nên quyến rũ lũ lươn bằng mọi
cách phải chui vào trúm. Cũng có người đồn rằng do Năm Tỵ có "bùa
ngãi" nên lươn hay rắn hễ đi ngang qua trúm đều phải chui vô!
Năm Tỵ mặc cho những lời đồn đại, anh ta cứ ngày
ngày làm công việc của mình, kiếm cơm nuôi vợ con. Mùa nước nổi năm đó lươn cá
quá nhiều, nên có đêm Năm Tỵ phải ra đồng thăm trúm hai lần, mà lần nào cũng
bắt được vài chục con lươn vàng ngậy. Bà vợ Năm Tỵ đem ra chợ bán đến đỗi
"dội chợ", nên có người khuyên sao không chế biến ra những món ăn
khác bán cho thiên hạ ăn bớt vì số lươn quá nhiều.
Và Năm Tỵ đã nghe theo. Vợ chồng anh cùng cô con
gái 16 tuổi mỗi buổi sáng sớm và xế trưa đều nấu nồi cháo lươn bán cho mọi
người ăn sáng và ăn giặm buổi chiều. Ban đầu tính làm chơi, không ngờ hàng cháo
ở ngã ba kênh lại bán chạy như tôm tươi! Thứ nhất là do cây nhà lá vườn nên chủ
quán bán giá rẻ, vừa túi tiền của người nghèo, nhưng quan trọng hơn có lẽ là do
chất lượng cháo.
Nhiều người ở xa nghe nói một nông dân mà nấu cháo
lươn ăn ngon thì không tin. Nhưng khi đã một lần đến ăn thử thì đều phải công
nhận là đúng. Có người thắc mắc hỏi bí quyết nấu thì Năm Tỵ thật thà nói:
- Đâu có gì đâu, bởi trước đây tui sống ở Biển Hồ
Campuchia, nên có học theo cách nấu cháo lươn của bản xứ, họ nấu cháo bỏ thêm
huyết lươn, nên nước ngọt hơn bình thường.
- Hèn chi...
Nhìn cái màu cháo hơi nâu nâu, có người hơi nhợn,
nhưng nhiều người vẫn công nhận:
- Đúng là có máu lươn vào nó ngọt lạ thường!
Từ ấy người ta gọi luôn món cháo đó là cháo huyết
lươn.
Cái quán lá của Năm Tỵ bắt đầu nổi tiếng như cồn!
Đến nỗi ông chủ quán không còn đủ sức đêm đêm đi ra ruộng đặt trúm bắt lươn
nữa, mà phải dặn nhiều mối lái mang lươn tới mới đủ bán.
Qua mùa nước nổi thì lượng lươn bắt được ít đi, nên
vợ Năm Tỵ phải đi ra các chợ xa để thu mua. Một hôm Năm Tỵ bảo:
- Để tui qua bên chợ Thứ Mười Một coi có mối chở
lươn từ vùng khác tới bán không, tôi sẽ mua rồi dặn họ mang tới tận nhà cho
mình.
Anh chèo ghe đi từ sáng sớm mà mãi tới khi mặt trời
lên khá cao mới tới nơi. Chợ đã tan gần hết, nhất là dãy bán cá, lươn, chỉ còn
lại đúng một người bán. Năm Tỵ hơi thất vọng, nghĩ là mình đã lỡ chuyến chợ hôm
nay, tuy nhiên cũng bước tới hỏi thăm:
- Chị còn gì để bán không?
Câu trả lời thật bất ngờ:
- Chỉ còn có lươn, còn cá tôm thì hết sạch rồi.
- Ừ, thì lươn. Tôi cần mua lươn.
Chị bán hàng mau miệng:
- Lươn còn nhiều, tui bán hạ giá cho anh, để còn về
sớm.
Nhìn chiếc thùng thiếc lớn đậy nắp kín. Năm Tỵ biết
là nhốt lươn trong đó, tiện tay giở nắp ra,vừa hỏi:
- Còn nhiều không chị?
- Cả một thùng luôn! Chẳng biết bữa nay gặp ngày gì
mà bán từ sáng tới giờ chỉ được có nửa ký lươn buồn ngủ gần chết.
Nhìn vào thùng lươn thấy nước toàn một màu đỏ như
máu, Năm Tỵ giật mình:
- Sao vậy chị? Bộ chị cắt cổ lươn trong thùng hả?
Chị ta thở dài, chán nản:
- Cũng tại ông chồng say xỉn của tôi mà ra cả. Ai
đời dặn bắt lươn bỏ vô thùng đem bán mà do quá xỉn, ổng bỏ lộn cái thùng bên
trong có lớp thiếc đục lỗ, làm cho đám lươn luồn lách trầy da, xứt thịt, máu
chảy tùm lum, nên chẳng ai dám mua, họ chê lươn bị rách da, bị bịnh!
- Ủa, sao lại có cái thùng như vậy để làm gì?
Lúc này chị ta mới kể rõ:
- Vợ chồng tui là dân gốc ở Biển Hồ mới về, hồi ở
bên đó chồng tui chuyên bắt lươn nấu cháo. Chuyện cái thùng có lót lớp thiết
đục lỗ lật ngược cạnh bén vào trong là để nhốt lươn, cho chúng luồn lách chảy
máu mà khỏi cần phải cắt cổ hay cắt đuôi lấy huyết. Khi về đây, tụi tui bỏ nghề
nấu cháo huyết lươn nên cái thùng này đem dẹp qua một bên, đâu ngờ tối qua ổng
lộn hồn lộn vía...
Năm Tỵ hiểu ra, anh lẩm bẩm:
- Tui cũng có nghe nói người ta lấy huyết lươn bằng
cách đó, nhưng về đây tui không dám làm vậy, mà chỉ chặt đuôi lươn cho máu chảy
từ từ, huyết hứng vô tô. Như vậy đỡ làm hư da lươn.
Rồi anh ta lại hỏi:
- Chị nói anh nhà trước cũng làm nghề bán cháo
huyết lươn hả? Tui cũng đang làm...
Chị kia thở dài:
- Cái nghề đó dễ làm, dễ kiếm tiền, nhưng từ khi
thằng con lớn tui bị lươn cắn chết thì vợ chồng tui bỏ nghề luôn.
- Lươn sao cắn chết người được?
- Vậy mà thằng con trai lớn của tui chết thảm bởi
những con lươn quỷ quái.
Năm Tỵ cười khẩy, bởi anh ta quá rành những con
lươn. Anh càng muốn chứng tỏ là chị nói nhảm, nên vừa nói vừa thọc tay vô thùng
lươn:
- Tôi sẽ mua hết số lươn này, miễn là chị bán rẻ rẻ
một chút.
- Được rồi, tôi bán nửa giá thôi.
Chị ta vừa nói dứt câu, thì chợt nghe Năm Tỵ thét
lên một tiếng, vừa giựt tay ra khỏi thùng lươn! Chị bán hàng há hốc miệng khi
nhìn thấy nguyên cánh tay của Năm Tỵ đều bị những con lươn cắn và đeo dính vào,
rồi quấn chặt lấy! Có đến ngót chục con lươn trên cánh tay, thật khủng khiếp!
- Trời ơi, bớ người ta!
Hình ảnh trước mắt giống hệt như xảy ra với con
trai chị cách đây không lâu!
Nhiều người nghe kêu đã bu lại xem và ai nấy đều
lạnh toát mồ hôi trước cảnh tượng chưa từng nhìn thấy bao giờ. Vài người ù té
chạy như bị ma đuổi. Tội nghiệp Năm Tỵ chỉ trong phút chốc, cả thân người to
khỏe đã từ từ teo tóp lại rồi ngã vật ra đất, nằm bất động!
Năm Tỵ chết được mười ngày thì chợt chiều hôm đó có
một ông già người Miên ghé qua nhà, ông xưng mình là Thạch Xà Uôn và lên tiếng
hỏi ngay khi nhìn thấy bàn thờ giữa nhà:
- Thằng này chết vì những giọt máu phải không?
Vợ Năm Tỵ đang đau buồn vì chồng, lại nghe hỏi
ngang như vậy thì xẵng giọng:
- Liên can gì tới ông?
Ông già Miên vẫn cái giọng đó:
- Tao tới sớm một chút thì nó không chết. Nhưng mà
cũng phải thôi, làm ác gặp ác?
- Ai nói chồng tui làm ác?
- Giết cả ngàn sanh mạng mà không ác sao?
Con gái Năm Tỵ từ trong bước ra cãi:
- Ba tui chỉ nấu cháo lươn bán, chớ giết ai bao
giờ!
Ông già Miên nghiêm giọng:
- Ta từ Biển Hồ về đây cũng chỉ vì chuyện này. Ta
nói cho mà biết, những con lươn theo truyền thuyết thì nếu sống quá mười năm sẽ
biến hình thành con vật khác, chúng là những con vật có linh hồn, máu của nó
giống như máu người, vì vậy...
Ông nhìn quanh rồi chỉ vào những dụng cụ nấu cháo
vừa nói:
- Mỗi ngày giết vài chục sanh mạng bằng cách cho
máu nó chảy từ từ như vậy đâu phải là việc tốt. Ta có lòng tốt, ta khuyên các
người từ nay nên bỏ hẳn cái kiểu ăn uống bất nhơn này đi và dẹp quán ngay, nếu
không muốn hậu quả kinh khiếp hơn!
Nói xong ông ta bước ra ngoài rồi mất dạng...
Từ đó không ai còn thấy người còn lại trong gia
đình Năm Tỵ mở cửa quán. Và lạ hơn nữa, từ ấy món cháo huyết lươn chẳng hẹn mà
cũng biến mất luôn...
HỒN OAN LINH MIÊU
(Tác giả: Người Khăn Trắng)
Ở một mình trong ngôi biệt thự cổ rộng mênh mông là
điều mà Thúy Liễu không bao giờ nghĩ tới. Vậy mà giờ đây cô phải chịu đựng. Chỉ
bởi một lý do bất khả kháng: Về nhà cũ để bốc mộ cho cha mẹ và người chị gái.
Mộ ông bà thì nằm ngay ở sau vườn gần nhà, còn mộ người chị thì chẳng hiểu sao
lại chôn ngay trong nhà hầm!
Lúc về để chuẩn bị công việc thì có nhiều người,
nhưng khi sắp thực hiện thì bỗng dưng cả bốn người trong nhóm thợ đào huyệt đều
ngã bệnh lạ, mà căn bệnh cũng rất lạ, tất cả họ đều bị chảy máu mũi, rồi tay
chân đau nhức lạ thường, thậm chí không lê bước được.
Bởi vậy, lúc đầu Thúy Liễu chỉ tính ở lại có một
ngày đêm, nhưng gặp sự cố như thế nên cô đã phải lưu lại đến ngày thứ ba rồi
mới chỉ đào có hai huyệt của cha mẹ. Trong ba ngày mà phải thay đến bốn kíp
thợ. Tốp đầu thì bị ngã bệnh như đã nói, còn ba tốp sau thì lần lượt người thì
bị cuốc nhầm vào chân, người bị miểng chai văng trúng mắt, còn hai người nữa
trên đường tới chỗ làm việc thì bị tông xe! Tuy gặp điềm gở như thế, nhưng Thúy
Liễu vẫn không nản chí, cứ hô hào mọi người tiếp tục, mặc dù phải trả tiền công
cao gấp đôi. Bởi một lý do thầm kín mà Liễu không hề tiết lộ với ai: Trước đấy
hai tuần, liên tiếp trong ba đêm Liễu đều mơ thấy ba mẹ mình về báo mộng, bảo
phải bốc hết mộ ra khỏi ngôi nhà, bởi nơi đó sắp bị san bằng và ô nhiễm nặng.
Quả nhiên, chỉ mấy ngày sau thì Thúy Liễu, người
thừa kế duy nhất của ngôi nhà cổ đã nhận được một thông báo di dời có đền bù,
để người ta xây dựng ở đó một... lò hỏa táng!
Lúc sắp bắt đầu công việc thì Liễu gặp khó. Bởi cô
chỉ biết vị trí hai ngôi mộ của cha mẹ, riêng mộ của chị Thúy Lan thì không
biết ở đâu. Lúc sinh tiền cha mẹ Liễu cũng chưa bao giờ tiết lộ cụ thể, chỉ nói
là "chôn trong đất nhà mình". Cuối cùng Liễu phải đi tìm bà vú già
năm xưa từng nuôi nấng chị Thúy Lan thì mới được tiết lộ là Thúy Lan được chôn
ngay trong nhà hầm của ngôi nhà cổ! Hỏi tại sao vậy thì bà Vú Mười chỉ lắc đầu,
không nói, có lẽ ngại điều gì đó...
Cuộc khai quật mộ Thúy Lan tiến hành sau cùng.
Nhưng trước đó vài giờ lại xảy ra chuyện. Cả bốn người thợ đào mới thuê đều kêu
đau đầu rồi lăn lộn rên la! Hoảng quá, Thúy Liễu phải đối hương khấn vái vong
hồn chị mình, xin phù hộ cho công việc được suôn sẻ. Cuộc cúng vái phải lập lại
đến lần thứ ba thì nhang đèn mới chịu cháy, có nghĩa là người khuất mặt đã chứng
giám cho!
Người ta phải giở lớp đá dầy cả tấc lên, rồi lại
đào thêm gần cả mét nữa thì mới chạm vào nắp quan tài. Thúy Liễu đứng chứng
kiến đã thầm nghĩ, có lẽ do quá thương cô con gái chết trẻ nên cha mẹ cô đã cho
chôn xác con ngay trong nhà và làm mộ huyệt khá kiên cố như vầy...
Chiếc quan tài được đưa lên và cạy nắp một cách cẩn
thận... Tuy nhiên khi nắp vừa bật ra thì cả Thúy Liễu và bốn người thợ đều ngớ
người, mồm há hốc! Bởi trong quan tài không hề có xác hay hài cốt người, mà chỉ
có xác một con mèo đen! Nhưng càng lạ hơn nếu tính theo ngày chôn Thúy Lan thì
đến lúc đó đã trên năm năm, có nghĩa là dù xác người hay thú, thì điều đã phân
hủy. Vậy mà xác con mèo vẫn nguyên vẹn như lúc mới chôn!
Trong lúc mọi người còn đang quá đỗi ngạc nhiên thì
chuyện lạ lùng không thể tin được đã xảy ra: Xác con mèo đen bỗng phóng ra khỏi
quan tài và lao vút đi như ánh chớp rồi mất dạng ngoài màn đêm!
Người đầu tên xuất hiện tại ngôi nhà cổ ngay sáng
hôm sau khi sự cố xảy ra lại là bà Vú Hai. Sự có mặt của bà làm cho Thúy Liễu
ngạc nhiên, nhưng cô lại mừng vô cùng, bởi vú là người duy nhất biết về cái
chết của Thúy Lan. Không đợi Liễu kể, vú đã hỏi ngay:
- Có phải đào lên gặp con linh miêu không?
Thúy Liễu kinh ngạc:
- Linh miêu là gì?
Bà Vú kể:
- Hôm trước tôi chưa dám kể, chớ thật ra cô Thúy
Lan chết vừa được vài giờ thì có con mèo đen lạ, chẳng biết từ đâu nhảy vào nhà
rồi phóng qua xác cô chủ nhỏ. Lúc ấy ai cũng sợ điếng hồn, nhưng im lặng không
dám nói. Chỉ có tôi là lo sợ, tôi có nhắc bà chủ, nhưng do sợ, bà cũng chẳng
nói lại với ai. Đêm qua, đang ngủ thì đến nửa đêm tôi nghe có tiếng kêu khóc
của ai nghe quen quen. Khi tôi tỉnh lại thì tôi thấy cô Thúy Lan ngồi khóc
ngoài cửa sổ! Tội nghiệp cô, hồi đó trẻ đẹp, trắng trẻo, vậy mà nay xanh xao,
già đi thấy rõ. Tôi hỏi nguyên do thì cô nói từ khi chết đến giờ hồn không siêu
thoát được, do bị con linh miêu nó canh giữ miết một bên. Nay thì...
Bà chỉ tay vô chiếc quan tài hôm qua đào lên rồi
xảy ra chuyện nên còn để nguyên trên sàn nhà hầm, vừa nói:
- Cô Liễu coi có phải xác cô Lan ở trong đó không?
Chính mắt Thúy Liễu đã trông rất rõ lúc bốc mộ hôm
qua, nhưng cũng nghe lời bà vú, cô bước tới xem và... kêu rú lên:
- Bộ hài cốt!
Quả vậy, trong quan tài lúc này có hẳn một bộ xương
người! Nhìn bộ tóc dài quá lưng, vú Hai khóc nức nở:
- Cô Lan đây mà.
Làm một lễ cúng xong, vú Hai nói khẽ với Liễu:
- Như vậy là cô Lan đã siêu thoát được rồi.
- Nhưng còn...
- Cô Ba muốn hỏi con linh miêu chớ gì? Theo tôi
biết thì một khi con linh miêu ấy thoát ra khỏi quan tài thì nó chẳng còn quay
lại được nữa. Ngày xưa tôi từng nghe bà nội tôi kể như vậy và tôi tin chắc là
lần này cũng vậy thôi. Cô yên tâm và lo đưa ba bộ hài cốt về nơi an toàn hơn để
an táng đi. Và tốt hơn hết là cô cũng không nên lưu lại nơi đây lâu.
Không nói ra, nhưng trong lòng Thúy Liễu đã quyết
sẽ không bao giờ trở lại lần nữa...
NGÔI MỘ CÔ ĐƠN
(Tác giả: Người Khăn Trắng)
Vừa chọn bộ đồ để trên giường, định khi tắm xong
trở ra Son sẽ mặc, thì lại biến đâu mất! Son tưởng mình đãng trí nên tự đi tìm
lại trong tủ, tất nhiên là không có.
- Chị Năm ơi...
Son vừa cất tiếng gọi đã im bặt ngay, bởi cô nhớ ra
mình... không có gì trên thân mình!
Bên ngoài có tiếng của Năm, cô người làm:
- Cô Ba kêu tôi có gì vậy?
Bước lùi vào nhà tắm, Son hỏi vọng ra:
- Nãy giờ chị có vào phòng tôi không?
- Dạ đâu có. Tôi đang làm bếp với bà mà.
- Vậy...
Thay xong quần áo khác, Son bước ra, thấy Năm Lành
còn đứng đó, cô gay gắt:
- Nhà này bây giờ có ma hay sao mà thứ gì vừa để
cũng mất!
Năm Lành hơi khó chịu:
- Cô Ba nói vậy tội cho em.
- Vậy chứ bộ đồ tôi mới để đây biến đâu?
- Cô để ở đâu?
- Trong phòng tôi chứ đâu!
- Phòng cô Ba thì lúc nào cũng khóa cửa, ai mà vào
lấy được.
Lời nói của Năm đúng hoàn toàn, bởi khi nãy cô mở
cửa ra thì cửa ở tình trạng còn khóa chốt bên trong. Vậy thì...
Son thừ người ra, lẩm bẩm:
- Không thể nào...
Trở vào phòng, vừa đến bàn viết Son phát hoảng, bởi
quyển nhật ký cô đang viết đêm qua đã không cánh mà bay!
- Năm Lành. Vào đây mau!
Năm Lành vừa quay xuống nhà bếp, nghe gọi vội quay
trở lại. Vừa thấy mặt nó Son đã quát ầm cả lên:
- Cuốn sổ tôi để trên bàn đâu?
Lành ngơ ngác:
- Dạ, em đâu có biết cuốn sổ gì! Nó ở trong phòng
cô mà.
Lời nhắc này lại một lần nữa khiến Son ngỡ ngàng.
Rõ ràng những gì trong phòng cô thì không thể hỏi người làm được. Xưa nay phòng
riêng của Son là tuyệt đối không một ai được vào, chứ đừng nói là vào lấy đồ.
Bất cứ người làm nào muốn gì thì chỉ được phép đứng bên ngoài nói vào thôi. Năm
Lành vốn là người được cắt đặt phục vụ riêng cho Son, nhưng cũng chưa một lần
được bước chân vào trong.
Tuy biết là vậy, nhưng Son vẫn hỏi:
- Vậy nó ở đâu?
- Cô Ba thử kiếm kỹ lại coi.
- Kiếm rồi. Đâu chị vào tìm lại giùm tôi coi!
Năm Lành tới bên bàn viết chợt cô nhìn ra cửa sổ và
kêu lên:
- Cô Ba không thấy cái gì sao!
Theo tay chỉ của Lành, Son nhìn thấy một chiếc áo
phụ nữ nằm vắt ngang nhánh cây bên ngoài cửa sổ.
- Của ai vậy?
Lành ngạc nhiên:
- Cái áo không phải của cô sao?
Son lắc đầu:
- Tôi đâu có loại áo này. Chị với tay được thì kéo
vào thử xem?
Năm Lành thò tay ra cửa sổ vừa mở, chỉ cần rướn tay
một chút là lấy được chiếc áo vào. Lúc này chị mới phát hiện áo chỉ còn lại vạt
trước, vạt sau đã bị đứt ngang.
Kiểu may của áo, màu sắc, thoạt nhìn đã phân biệt
được ngay, nó là của một người trẻ, nhưng được may cách đây khá lâu, nhất là
kiểu cổ áo, thuộc loại khá xưa.
Son lắc đầu:
- Đây chắc là áo của ai phơi rồi bị gió bay, mắc
trên đó. Chị đem bỏ ra ngoài đi.
Năm Lành cầm chiếc áo lên xem kỹ lại lần nữa. Chợt
có một cơn gió thốc thổi chiếc áo bay vèo ra ngoài cửa, khiến Son giật mình:
- Coi chừng!
Chiếc áo như cánh diều bay một vòng, trước khi hạ
thấp độ cao và cứ thế là đà trên mặt cỏ bay đi về cuối khu vườn và mất hút! Son
quá đỗi ngạc nhiên trước hiện tượng vừa rồi, cô hỏi:
- Sao kỳ vậy chị Năm!
Năm Lành cũng không thể hiểu được, chỉ đáp:
- Có thể do luồng gió...
Tự dưng Son bắt rùng mình, cô giục:
- Thôi, chị đóng cửa lại đi.
Chờ cho Năm Lành gài chặt cửa sổ lại, Son bảo:
- Thôi, hông tìm nữa. Mà chị cũng đừng nói cho ai
biết chuyện này. Kể cả chuyện vừa rồi nữa.
- Dạ, chuyện gì vừa rồi cô Ba?
- Thì chuyện chiếc áo bay.
Chẳng hiểu ý cô chủ, nhưng không dám hỏi, Năm Lành
bước ra ngoài mà lòng chưa hết thắc mắc.
Phần Son, khi đứng lại một mình trong phòng, cô cứ
bị ám ảnh mãi chiếc áo và cứ nghĩ là cách bay của nó phải chăng là muốn hướng
dẫn tới một nơi nào đó.
Với suy nghĩ đó mà gần suốt đêm hôm ấy, Son không
tài nào ngủ ngon giấc. Hễ mỗi khi nhớ tới thì cô bật dậy và kêu lên một cách
ngẫu nhiên, như được ai mớm lời:
- Ở ngoài nơi lạnh lẽo đó!
Chính Son cũng không biết mình nói về ai. Chỉ thấy
trong lòng càng lúc càng thấy bồn chồn, như muốn đi ra ngoài.
Cho đến khi trời rạng sáng thì nỗi bồn chồn không
còn kìm giữ được, Son khoác vội chiếc áo khoác mỏng, rồi lẻn đi ra ngoài, không
để ai phát hiện.
Khu vườn nhà Son rất rộng, trước đây khi ba cô còn
sống thì đã từng trồng một vườn lan khá lớn, với nhiều giống lan nổi tiếng nhất
vùng cao nguyên này. Khi ba cô mất thì những giò lan cũng từ từ tàn tạ theo,
bởi không ai chăm sóc, nhưng hình như vẫn còn những giò bám vào các gốc cây to
trong vườn, theo hơi sương sớm tỏa hương thơm ngát.
Son đi nhanh theo lối mòn mà từ nào đến giờ cô chưa
một lần đặt chân tới. Chợt nhận ra một mảnh vải màu giống như màu chiếc áo lúc
nãy, Son dừng lại nhìn và kêu lên:
- Đúng là vạt áo ấy!
Cô cầm lên xem kỹ và không khỏi kinh ngạc, bởi đó
là vạt áo sau mà chiếc áo lúc nãy bị mất.
- Đây là...
Có một vật gì đó rơi mạnh ngay sau lưng, Son giật
mình nhìn lại và không khỏi sửng sốt.
- Quyển sổ!
Thì ra đó chính là quyển nhật ký mà cô đã bị mất.
Cầm trên tay mà Son chưa tin là thật, cô đưa mắt nhìn quanh nhưng chẳng thấy
bóng dáng ai. Cũng chẳng có một tiếng động nào chứng tỏ có người gần đó...
Nỗi bồn chồn trong người lại trỗi dậy, Son bỏ phần
vạt áo lại đó bước tiếp theo con đường mòn. Qua khỏi khu trồng lan cũ, đến một
bãi đất trống, lúc này Son mới phát hiện ra còn có một khu đất rộng khác tiếp
nối với khu vườn. Thì ra đất của ba cô rộng hơn cô tưởng nhiều, vậy mà khi chết
ông trăng trối lại Son phải cai quản toàn bộ đất đai này, đừng để ai xâm chiếm.
Đi một quãng nữa thì ra tới một nơi mà phía trước
mặt có hai cây cổ thụ nằm trơ trọi giữa bãi cỏ lớn. Xa xa mới là chân đồi. Như
vậy có nghĩa là đất đai nhà Son ra tận ngoài đó.
Đi nữa hay thôi? Đúng ra bình thường thì Son sẽ
không bao giờ tiến tới một nơi như thế này, nhưng lúc này hầu như là ai đi chứ
không phải cô. Cho nên khi bước vào mấy chỗ có nhiều cỏ gai, Son vẫn gồng mình
mà bước. Một lát sau, cô dừng lại chỗ gốc hai cây cổ thụ và ồ lên kinh ngạc khi
thấy dưới gốc có một ngôi mộ nằm cô quạnh!
Và càng ngạc nhiên hơn khi ngay trước bia của ngôi
mộ có một vật mà vừa nhìn thấy Son đã reo lên:
- Bộ quần áo!
Thì ra đó là bộ quần áo mà Son bị mất trong phòng!
- Sao nó lại ở đây?
Giữa quyển nhật ký vừa được ném trả lại và bộ quần
áo này nằm cách nhau không xa, nhưng điều khiến cho Son ngạc nhiên là chỗ để bộ
đồ. Tại sao là trước ngôi mộ? Mộ này của ai?
Đến khi nhìn lên bia mộ thì Son càng ngạc nhiên hơn
với dòng chữ tên người chết trên đó: Nguyễn Thị Son.
Tại sao lại có sự trùng hợp đến lạ lùng như thế Son
đứng thừ người, đầu óc cô quay cuồng một cách khó hiểu...
Có lúc Son tưởng chừng như mình không còn đứng
vững. Cô phải đưa tay vịn vào đầu bia mộ để không bị ngã...
- Cô Ba, sao cô lại nằm ngoài này? Cô bị ai làm gì
vậy?
Son mở mắt ra nhìn thấy Năm Lành thì ôm chầm lấy và
giục:
- Cho tôi ra khỏi đây ngay!
Lành ngạc nhiên:
- Ra khỏi đây, vậy lúc nãy cô vào làm gì mà bây giờ
đòi ra?
Nghe hỏi, Son đưa mắt nhìn và ngạc nhiên vô cùng,
bởi nơi cô đang nằm không phải là chỗ đầu mộ, mà một căn phòng hoàn toàn xa lạ.
- Đây là chỗ nào?
- Là nhà thờ dòng họ. Là từ đường nhà họ Lưu mà từ
lâu cô Ba không bao giờ bước vào và còn dặn tôi tớ khác, ngoài tôi ra không ai
được vào đây nữa. Hồi nãy nếu tôi không tình cờ đi ngang qua đây và nghe tiếng
rên trong này thì chắc khó mà phát hiện ra cô đang nằm. Tôi mạo muội vào đây để
cứu cô, mong cô đừng rầy.
Son bắt đầu hoàn hồn, nhớ lại chuyện khi nãy, cô
hỏi:
- Ngôi mộ ngoài kia của ai vậy?
- Mộ nào?
- Ở tuốt ngoài bãi cỏ trống, phía sau vườn lan.
Lành lắc đầu:
- Tôi không biết. Chỉ biết là nhà mình có một khu
nghĩa trang riêng ở cách đây vài cây số. Mộ ông bà chôn ở đó.
- Tôi không hỏi ở đó, mà là ngôi mộ. Dưới cây cổ
thụ ngoài kia kìa. Tại sao...
Cô định hỏi về cái tên Nguyễn Thị Son nhưng thấy
không tiện, vả lại vừa khi ấy chợt nhìn thấy có bức ảnh chân dung thờ riêng,
tách biệt với những nhà thờ khác trong phòng, cạnh lư hương có vật gì đó mà vừa
thoạt nhìn Son đã giật mình:
- Cái gì kia?
Cô nhào tới ngay và reo lên:
- Đồ của tôi mà.
Đó là bộ quần áo và cuốn sổ nhật ký! Những thứ này
cùng với Son nằm ở chỗ ngôi mộ, mà sao...
- Bàn thờ này thờ ai vậy chị Năm?
Năm Lành hơi lúng túng:
- Vật này chính ông gửi lại cho tôi. Ông dặn đến
khi nào cô lấy chồng thì mới đưa. Nhưng nay tôi nghĩ...
Son hơi rụt rè khi tiếp nhận vật ấy, cô nhẹ giọng:
- Tôi xin lỗi chị. Tôi tôn trọng những gửi gắm của
ba tôi với chị, nhưng...
Năm Lành nói:
- Cũng đã đến lúc rồi cô Ba. Lâu nay chỉ vì mấy thứ
này mà níu kéo tôi ở lại đây, chứ đúng ra tôi đã đi lấy chồng rồi. Cô chưa có
chồng, nhưng giờ cô là người thừa kế, cai quản hết sản nghiệp này, nên có đủ tư
cách để xem những gì ông để lại. Cô cứ đem về phòng và từ nay giữ lấy.
Son muốn mở gói đó ra ngay, nhưng nghe Lành nói, cô
cầm đem về phòng mình. Vừa mở ra, Son đã giật mình khi thấy đúng là chữ viết
của ba cô ngay bên ngoài một quyển sổ: "Những điều con gái ba phải biết
trước khi đi lấy chồng".
Trong số con của ba thì Son là đứa duy nhất thuộc
giới nữ. Còn lại hai người con trai thì một đã chết, một thì mất tích ngay từ
nhỏ. Vậy đích thực đây là vật ba để lại cho mình rồi! Son thẫn thờ một lúc mới
từ từ mở quyển sổ ra... Đây là một tự truyện mà ba cô viết y như thật. Đọc đến
đâu, câu chuyện như sống lại với đầy đủ các chi tiết...
"Phan Rí mùa hè năm 1958... Sửa soạn xong hành
lý, chưa kịp xách đi thì Chu Sa giật mình khi thấy có ai đó kéo cái vali của
mình lên.
- Hành lý của cô đã bị đánh cắp!
Nghe giọng nói, Sa không cần quay lại cũng biết đó
là ai. Cô nghiêm giọng:
- Người ta đi có người vui lắm mà! Mà vui cũng
phải, hết còn kỳ đà cản mũi nữa rồi!
Anh chàng Lợi xịu mặt:
- Người ta sợ trễ không kịp tiễn nên ba chân bốn
cẳng chạy về, còn giận nữa...
- Ai mà dám giận hờn. Người ta có nơi để mà giận
rồi, còn cần gì nữa mà làm bộ.
- Kìa, Sa, sao em lại nói vậy? Bộ muốn anh cắn lưỡi
tại đây để em đi mới hài lòng sao!
Lợi nói chưa dứt lời đã ngã chúi xuống đất, đầu đập
thẳng vào nền nhà vang lên một tiếng làm cho Sa hốt hoảng:
- Anh điên hả? Làm gì vậy, trời ơi là trời!
Cô cúi xuống thì thấy máu từ đầu của Lợi tuôn ra
ướt đẫm cả cổ áo. Lợi thì nằm bất động!
- Lợi ơi, em xin lỗi. Em nói đùa mà!
Cô đang sợ thất thần, chưa biết phải làm sao thì
chợt Lợi ngồi bật dậy, cười như mếu:
- Nghe em nói vậy anh hết đau rồi!
Tuy nói là hết đau nhưng Lợi phải dùng tay bịt chỗ
vết thương ở đầu, mặt thì xanh dờn. Sa phải gắt lên:
- Đưa em xem vết thương coi sao đã!
Lợi tự lấy khăn tay của mình cột ngang đầu và trấn
an:
- Không sao mà. Lúc đập đầu xuống anh đã chọn bên
không nguy hiểm, chứ ai lại...
- Chọn chọn cái nỗi gì, anh chứng nào vẫn tật nấy,
lỡ trúng chỗ nghiệt thì sao? Chết liền không nói gì, chạm thần kinh rồi... điên
điên khùng khùng ai chịu nổi!
Lợi đưa tay lên định nắm tay người yêu nhưng khi
nhận thấy tay mình đầy máu, anh vội nói:
- Chờ anh rửa tay một chút rồi đưa em ra ga. Còn
kịp giờ mà!
Chính Sa theo Lợi ra sau nhà và cũng chính cô rửa
vết thương, thấy vết thương không sâu cô mới yên tâm, nhưng vẫn cằn nhằn:
- Bộ anh tính làm nũng để em ở lại hả? Em nói rồi,
em chỉ đi trước ít bữa, rồi đầu năm học anh cũng vào mà, chứ có bỏ đi luôn đâu
mà dữ vậy? Hôm qua anh nói gì nhớ không, em giận lắm.
Lợi xuống giọng:
- Hôm qua anh bậy, nói năng càn quấy, em tha cho.
Cũng chỉ vì anh nghe người ta nói... em đi chuyến này là đi để lấy chồng, bỏ
anh!
Sa trừng mắt:
- Họ nói vậy mà anh cũng tin hả? Nếu tin thì... em
đi luôn!
Cô bỏ ra nhà trước, Lợi ôm đầu chạy theo, năn nỉ:
- Anh xin lỗi mà. Không tin em thì tin ai.
- Đi tìm con Mỹ Hoa xóm chài đi, nó tuyên bố với
mọi người nếu không lấy được anh thì nó thề đi bằng đầu xuống đất đó!
- Chuyện đó anh giải thích rồi mà. Tuyên bố là của
nó, còn có gì hay không là ở anh, em không tin sao?
- Tin gì nổi!
Vừa nói Sa vừa xách va li đi một nước ra thẳng
đường, Lợi đành phải chạy theo nhưng chợt Sa quay lại quát lớn:
- Anh để quần áo đầy máu me như vậy ra ga hả?
Lợi chợt nhớ, anh vội nói:
- Vậy em đi ra đó trước, anh tạt qua nhà thay áo
đã!
- Không cần! Trong nhà có sẵn cái áo của anh mắc
mưa hôm trước, em giặt ủi rồi, treo chỗ móc áo.
Lợi chạy bay vào nhà thay áo. Khi trở ra anh thấy
Sa vẫn đứng đợi. Vậy là cả hai cùng cười và nắm tay nhau đi như chưa có gì xảy
ra. Đôi tình nhân này như vậy đó, yêu rồi giận, giận rồi lại yêu. Và sau mỗi
lần như thế thì tình yêu của họ càng tăng thêm.
Ra tới ga, vừa kịp lúc xe chạy, siết chặt tay người
yêu Sa nói qua màn nước mắt:
- Mau mau vào với em. Đừng để em đợi lâu.
- Anh sẽ vào ngay tuần sau!
Tàu chạy khá xa rồi mà bóng Lợi vẫn còn đứng yên
trên sân nhìn theo và nghe nỗi đau gặm nhấm tâm hồn. Vết thương trên đầu có làm
cho anh đau, nhưng thật ra nỗi đau trong lòng mới là cơn đau thật sự. Nhớ đến
gương mặt của Sa lúc lên xe, lòng Lợi càng quặng đau.
Thẫn thờ khi bước về nhà, Lợi như người mất hồn.
Chợt có tiếng gọi từ sau:
- Anh Lợi đi đâu mà em kiếm suốt từ sáng tới giờ!
Một cô gái đẹp sắc sảo, ăn mặc ra dáng con nhà
giàu, vừa bước xuống chiếc xe hơi riêng vừa ôm lấy vai Lợi, nũng nịu:
- Người ta chờ muốn chết luôn! Ba má đang đợi anh ở
nhà, có việc quan trọng lắm, anh lên xe ngay đi, về với em!
Lợi lưỡng lự, nhưng chợt thấy có bóng người quen ở
đằng xa, nên anh đành phải leo nhanh lên xe để tránh mặt. Thấy đầu Lợi có vết
thương, cô gái lo lắng:
- Anh bị sao vậy?
Lợi sợ cô nàng chạm vào vết thương, nên vội lấy tay
ngăn lại:
- Hoa đừng đụng vào.
Thì ra cô gái này là cô Mỹ Hoa, cô đã từng tuyên bố
"nếu không lấy được Lợi thì tôi sẽ đi bằng đầu!". Lợi ngồi im ở góc
ngoài của băng sau thì cô nàng đã kéo mạnh vào sát với mình:
- Bộ sợ em lây bệnh hả, sao ngồi xa vậy!
Cô ta quay về phía tài xế:
- Anh cho xe chạy ra nhà hàng Tân Hòa Lợi chứ đừng
về nhà!
Lợi ngạc nhiên:
- Sao em nói hai bác đợi ở nhà?
Hoa chẩu môi ra:
- Không về có được không? Bữa nay phải bắt anh uống
rượu cho bò luôn, để trị cái tội cứ lần lựa mãi chưa chịu chọn ngày cưới! Mà
tôi cũng thông báo luôn, lát nữa tôi sẽ chính thức tuyên bố...
Lợi hoàn toàn bị động trước cô ả này, nên suốt
trong buổi cùng ngồi tại nhà hàng chỉ toàn nghe cô ả nói, còn Lợi thì toàn nghe
và gật. Gần cuối bữa tiệc, trong lúc Lợi đã phải uống đến ly thứ sáu, uống gần
hết nổi thì Mỹ Hoa lại rót đầy một ly nữa, cùng cụng ly:
- Anh hãy uống hết ly này nữa, coi như đoạn tuyệt
tất cả những gì còn lại. Quên luôn con nhỏ Chu Sa nghèo khổ của anh đi!
Trong cơn say bí tỉ, nhưng nghe câu nói đó, Lợi
phản ứng ngay:
- Cô nói ai là nghèo là khổ? Người ta nghèo khổ
nhưng đâu có ăn nhờ ăn xin gì của cô!
Mỹ Hoa phá lên cười:
- Coi kìa, vừa động đến người yêu bé bỏng thì đã
giãy nảy lên rồi. Nó nghèo thì tôi nói là nghèo, có sao đâu mà bắt bẻ!
Lợi đứng dậy định sấn tới thì... bất chợt ngã chúi
tới trước, nằm bất động. Mấy người phục vụ trong quán nháo nhào chạy tới định
đỡ lên ghế thì đã nghe Mỹ Hoa bảo:
- Khiêng luôn anh ta lên phòng 101 trên lầu. Phòng
tôi đã thuê sẵn rồi.
Lợi được đưa lên phòng trong tình trạng say như
chết. Và một màn kịch bắt đầu...
Khoảng nửa giờ sau, có một chiếc xe hơi đỗ trước
nhà hàng khách sạn Tân Hòa Lợi: Trên xe có bốn người bước xuống gồm ba má của
Mỹ Hoa: ông bà Phán Hòa và... cha mẹ của Lợi: ông bà Bảy Khá!
Họ đi thẳng vào khách sạn, không cần hỏi ai, họ
xông thẳng lên lầu đến trước phòng 101 và không cần gõ cửa, cứ xô thẳng vào!
Mấy người phục vụ không kịp can ngăn thì đã bị bà Phán Hòa đuổi đi:
- Mấy người không có việc gì ở đây, xin đi cho. Đây
là chuyện riêng của gia đình chúng tôi, để chúng tôi giải quyết!
Khi mấy người phục vụ đi ra hết thì đích thân ông
Phán Hòa đẩy tung cửa vào. Người kêu lên đầu tiên là bà Bảy Khá:
- Trời ơi!
Trước mắt họ là một cảnh tượng làm xốn mắt bốn
người lớn! Lợi đang trần truồng cùng với Mỹ Hoa... trên giường. Và hình như hai
người đang ngủ say sau một giấc vu sơn!
Bà Phán gào lên:
- Trời ơi là trời! Con gái tôi... nó... nó...
Ông Phán thì gầm lên:
- Thằng khốn này, nó dám... nó...
Ông nghẹn lời, trong lúc bà Bảy thì thất thần. Chỉ
có ông Bảy Khá thì lặng người đi, vừa quay chỗ khác vừa lẩm bẩm:
- Nghiệp chướng nè trời ơi!
Rồi tất cả họ đều lặng thinh. Có lẽ sợ làm ầm lên
thì xấu hổ... Nhìn nét mặt đỏ bừng của ông Phán Hòa đủ biết ông giận ghê gớm.
Rồi bằng giọng nhẹ nhàng hiếm thấy, bà Phán bảo:
- Gọi tụi nó dậy rồi về nhà tôi, mình giải quyết,
chứ làm ầm ĩ ở đây thì ích lợi gì!
Chú Bảy Khá lẳng lặng bỏ xuống nhà và ông lầm lũi
đi bộ về nhà mà không chờ xe và bà vợ tội nghiệp của mình.
Buổi tối đó, người đi chài lưới bắt gặp chú Bảy nằm
thoi thóp trên bãi. Nếu không kịp khiêng chú lên thì thủy triều kéo chú ra xa
và coi như xong một đời. Khi người ta đem được chú về nhà thì thím Bảy ngồi
khóc rưng rức bên cạnh Lợi nằm như xác chết!
Thấy chú, thím Bảy lại càng khóc dữ hơn:
- Ông chỉ biết cho thân ông thôi, còn để tôi với lũ
người quyền thế đó. Họ nhục mạ, mắng chửi đã đời rồi còn đặt điều kiện này điều
kiện nọ, mà mình có quyền đâu mà cãi cọ, từ chối.
Đang trong trạng thái kiệt sức, vậy mà chú Bảy cũng
gượng dậy, hỏi:
- Họ bắt cái gì?
- Thì còn gì nữa, con mình đã làm chuyện tác tệ với
con gái họ, họ không thưa kiện cho đi tù là may.
Chú Bảy gào lên:
- Tôi biết thằng con trai tôi, nó đâu có ưa gì con
nhỏ đó mà lấy!
- Nhưng chứng cớ ràng ràng ra đó còn chối gì nữa!
- Chứng cớ gì...
Nói được mấy tiếng rồi chú ngất đi. Mấy người đưa
chú về thuật lại:
- Hồi chiều thấy ông ấy uống thật nhiều rượu rồi đi
ra biển trầm mình dưới đó cho đến tối, muốn tự tử hay sao mà khi kéo ông ấy lên
ông ấy còn kháng cự.
Đến lúc đó thì Lợi mới tỉnh lại. Vừa bật dậy, thấy
cha mẹ như thế Lợi hốt hoảng:
- Có chuyện gì vậy má?
Thím Bảy thuật lại đầu đuôi rồi hỏi giọng nghiêm:
- Bộ mày thèm khát chuyện đó sao làm vậy hả Lợi?
Lợi ngơ ngác:
- Con có làm gì đâu! Con chỉ...
Anh nhớ lại rồi kêu lên:
- Chết rồi, con bị phục rượu rồi! Con bị...
- Phục hay không má không biết, chỉ thấy con và con
đó trần như nhộng trong phòng khách sạn. Vợ chồng Phán Hòa cũng thấy và họ làm
dữ, họ đòi bồi thường tiết trinh con gái họ và còn đòi...
Lợi quá phẫn uất:
- Con gái họ đã gây ra chuyện này mà còn làm lớn
chuyện nữa sao!
Thím Bảy thuật rõ hơn:
- Chính con Mỹ Hoa nói rằng khi thấy con uống quá
say đã nhờ người khiêng về phòng khách sạn, định giúp con dã rượu, nào ngờ con
nổi thú tính, cưỡng hiếp nó. Nó chống cự không lại nên xuôi tay.
Lợi thật sự không chắc mình đã làm gì trong cơn
say, nhưng chuyện ấy thì chắc là không. Anh cố giải thích:
- Con thề với má là con không bao giờ!
- Má tin con, nhưng họ đâu có tin. Mà họ thì quyền
thế trong tay, lại giàu có nhất làng này, mình làm sao đối đầu lại với họ, con!
Bà lại khóc nức nở. Lợi bất nhẫn nhìn mẹ mình, đột
nhiên anh đứng dậy dợm bước ra ngoài. Thím Bảy hốt hoảng:
- Con còn tính đi đâu nữa?
- Con phải qua nhà nói cho họ hiểu!
Thím Bảy nắm tay con lại:
- Má xin con, đừng làm lớn chuyện mà thiệt thân.
Chỉ việc họ thưa con cưỡng hiếp con gái họ thì con trả lời sao? Ba má nghèo,
đâu có tiền đi hầu tòa hay đền bù hả con!
Lợi ngồi xuống, ôm lấy đầu, rên rỉ:
- Rồi con ăn nói sao với Sa đây! Cô ấy cũng nghèo
nên mới đi Sài Gòn làm mướn, trước khi đi cô ấy còn căn dặn con là hãy ráng giữ
mình, ít bữa cùng lên đó với cô ấy để cùng làm thuê làm mướn kiếm tiền gửi về
cho gia đình...
Thím Bảy cũng nói:
- Tao với ba mày mới vừa gặp bên gia đình con Sa,
hứa với họ là Tết này sẽ đưa sính lễ qua để làm đám hỏi cho tụi bay. Bây giờ
biết tính sao đây...
Chú Bảy đột ngột ngồi dậy, chú không nhìn vợ con,
mà nhìn thẳng lên trời cao, nói như nói với ông trời:
- Tình thế này thì chỉ có cái chết mới hết nhục thôi.
Chú bật đứng dậy, nhưng bị ngã trở xuống. Nhìn cha
như vậy, tự dưng bao nhiêu phẫn uất trong lòng của Lợi như đợt sóng trào, anh
hét lên một tiếng rồi lao vút ra ngoài.
- Con ơi, đừng...
Tiếng kêu thảng thốt, tuyệt vọng của người đàn bà
tội nghiệp...
Đêm hôm đó Lợi đã quậy phá nhà vợ chồng Phán Hòa.
Nhưng cuối cùng anh đã bị trói gô đưa về đồn. Tên đại úy trưởng đồn lệnh cho
thuộc hạ còng tay chuyển ngay Lợi lên tỉnh trong đêm đó. Hay tin, bà Bảy Khá đã
đến đứng ngoài đồn gào khóc và bị đánh đập nặng tay. Những việc đó đã diễn ra
trước mặt Lợi, nên anh càng đau lòng...
Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau thì có lệnh thả Lợi
ra, sau khi anh chịu ký vào tờ giấy thú nhận việc làm sai trái với Mỹ Hoa, và
hứa chịu trách nhiệm danh dự với gia đình Phán Hòa.
Được thả ra nửa ngày sau thì đích thân vợ chồng
Phán Hòa sang nhà cha mẹ Lợi làm hòa. Chính ông Phán đã tuyên bố.
- Chẳng qua hiểu lầm. Nay cháu Lợi nó biết hối thì
vợ chồng tôi cũng không hẹp hòi gì mà không tha thứ cho nó. Ngay ngày mai, anh
chị cứ để tụi tôi lo hết mọi chuvện, lễ hỏi sẽ được tổ chức. Một tuần sau thì
đám cưới luôn!
Vợ chồng Bảy Khá chỉ còn nước lặng thinh chấp nhận.
Lợi thì như kẻ mất hồn, người ta nói gì anh cũng dạ dạ, vâng vâng.
Đám hỏi cử hành mà mọi thứ từ quần áo, nữ trang,
cho đến việc đãi đằng đều do nhà gái lo liệu.
Cho đến ngày cưới cũng vậy. Khi lễ cưới vừa xong
thì xảy ra một cuộc cãi vã dữ dội giữa Lợi và Mỹ Hoa. Bởi vừa lột áo cô dâu ra,
Mỹ Hoa đã không giấu được cái bụng đã to lên của mình trước mặt Lợi! Anh chàng
điếng người:
- Như vậy là cô gạt tôi phải không?
Mỹ Hoa cười đầy thách thức:
- Bây giờ mới biết sao? Bộ mấy người tưởng dễ lấy
được tôi hả? Chỉ có đổ vỏ thì mới tới anh thôi, hiểu chưa!
Không dằn được, Lợi sấn tới đánh cho con đàn bà
lăng loàn hai tát tai, và thế là cô ả la bài hãi, khiến cả nhà rung động. Vợ
chồng Phán Hòa hăm dọa:
- Mày có thái độ này thì lập tức cả mày, cha mẹ mày
đều tù rục xương. Mày có nhớ cái giấy mày ký trước khi được thả ở đồn cảnh sát
không?
Ông ta ném tờ giấy trước mặt Lợi và bảo:
- Đây là bản sao y từ nguyên bản, có chứng thực của
chính quyền, mày đọc lại coi!
Lợi không muốn đọc làm gì cái tờ giấy nhục nhã đó,
tuy nhiên khi liếc qua anh phát hiện có điều là lạ, anh cầm lên và kinh hoảng:
- Tại sao có thêm điều khoản này?
Phán Hòa cười khẩy:
- Điều khoản nào?
- Thì điều sau này. Hồi tôi ký đâu có điều này?
Ông Phán giằng lấy, đọc to lên:
- Tôi cam kết nếu sau này bội ước với gia đình cô
Mỹ Hoa thì sẽ chịu bồi hoàn số tiền coi như đền danh dự là mười lượng vàng
ròng. Nếu tôi thất tín thì tôi và cha mẹ tôi sẽ chịu hình phạt trước pháp luật,
nhà cửa tôi sẽ bị tịch biên để bù vào.
Đọc xong, ông Phán hỏi lại:
- Cậu còn lớn lối nữa hết?
Lợi vẫn la to:
- Điều này là bịa đặt! Lúc ký tên tôi không hề thấy
điều này. Tôi không thừa nhận!
Một viên lục sự tòa án hình như đã được mời sẵn từ
trước, xuất hiện và nghiêm giọng bảo Lợi:
- Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu cậu không gây rắc
rối gì cho gia đình! Bằng không thì ngay lúc này, tôi sẽ lập biên bản và cậu sẽ
nhận mọi hậu quả!
Chuyện diễn ra chóng vánh chỉ trong vài mươi phút,
vậy là Lợi lại đưa cổ vào thêm một cái tròng nữa. Anh đổ gục xuống trong nỗi
thất vọng ê chề...
Ngay lúc đó, có một người xuất hiện trước cổng nhà.
Người ấy nhìn vào theo dõi bóng của Lợi từ lúc anh bước xuống xe hoa cùng với
vợ. Cô đứng nép vào một góc tối khóc một mình. Đó là Sa.
Rồi đột nhiên cô ngã xuống. Có lẽ do đứng lâu và
cũng bởi do quá xúc động. Chẳng một ai hay biết, cho đến khi có người đi qua
phát hiện họ liền chở đi bệnh viện. Tại đây, người ta đã cứu tỉnh được Sa,
nhưng vị bác sĩ trực đã lo lắng nói:
- Chẳng biết thân nhân cô này ở đâu. Cô ấy có thai
hơn bốn tháng rồi!
Mãi đến lúc có người biết chuyện chạy đi báo tin
cho Lợi hay, anh tới bệnh viện thì Sa đã đi mất! Chỉ có một mảnh giấy nhỏ được
đề gửi tên anh ở đó với nội dung thật ngắn gọn: "Em mang trong mình dòng
máu của anh và em sẽ nuôi dưỡng nó. Em đặt tên con là Son, để nhắc cho anh nhớ,
lòng em lúc nào cũng son sắt và cũng cho nó có nghĩa giống tên em. Em là Chu Sa
cũng là Son..."
Nghe các bác sĩ trong bệnh viện kể lại, Lợi biết là
Sa cũng mang thai bằng với cái thai trong bụng của Mỹ Hoa, và đó đúng là kết
quả của những lần vụng trộm giữa anh và Sa cách đây hơn bốn tháng...
- Cậu Hai, cô Hoa đang đợi ngoài xe.
Lợi giật mình, thì ra con quỷ cái đó lúc nào cũng
bám sát anh, nhất cử nhất động của anh đều không qua mắt được nó! Lợi ức lắm,
nhưng cũng đành phải trở ra. Vừa thấy mặt anh, Mỹ Hoa đã đay nghiến:
- Chung tình dữ há? Thăm viếng "bà bầu"
mà sao không mang theo quà cáp gì hết, đây tôi đưa cho quà nè, tìm mà cho nó!
Lợi trừng mắt với cô ta:
- Cô muốn gì đây?
Hoa cười nửa miệng:
- Có muốn gì đâu ngoài việc đem tiền tới cho nó mà
nó làm cao không nhận. Đồ ngoan cố, không biết thân biết phận, cho chết đường
chết chợ, đáng đời.
Lợi giận tím ruột bầm gan, anh muốn giết chết ả rồi
ra sao cũng được, nhưng vừa nắm bàn tay lại thì chợt nhìn thấy cái bụng đang
mang thai của ả. Dẫu không là con mình, nhưng nó vẫn là một sinh linh vô tội.
Lòng của Lợi dịu xuống, anh thở dài, nhắm nghiền
mắt, mặc cho số phận... Giọng cô ả vẫn đều đều:
- Tôi tiếc là lúc nãy bị cái bụng bầu này nên không
đuổi theo kịp khi nó lên xe lửa xuôi Sài Gòn, chứ không thì cho nó một trận!
Những lời độc địa đó dẫu sao cũng cung cấp cho Lợi
một tin tức biết được là Sa vẫn trở về nơi mà trước đây cô đã đến.
- Có muốn đi thăm nó không? Ngày mai này tôi theo
ba tôi đi Sài Gòn, mà không chừng kỳ này mua nhà luôn trong đó nữa!
Lợi không buồn trả lời. Để cho ả ta muốn nói gì thì
cứ việc nói. Khi xe chạy về tới nhà thì Lợi đã ngủ từ lúc nào rồi.
MA XÓ SI TÌNH
(Tác giả: Người Khăn Trắng)
I.
Khi được phân công phụ trách lai tạo giống cho đồn
điền cao su, Điền ngại nhất là chuyện phải tìm chỗ trọ. Bởi nông trường chỉ
định anh ở chung với nhiều người trong một ngôi nhà mới xây thì Điền ngán ngẩm,
lắc đầu:
- Tính tôi không chịu được sự chung đụng quá đông
người, phải chi có nhà riêng, nhỏ cũng được...
Tiêu chuẩn của công ty là như vậy, bắt buộc nhân
viên phải tuân theo. Tuy nhiên, sau bữa cơm chiều hôm đó. A Tư, một thầy cai
gốc người địa phương, đã kéo tay Điền ra ngoài và chỉ:
- Cậu kỹ sư có thấy xóm nhà bên kia không?
- Nhà của công nhân ở?
- Đó là xóm cư dân địa phương, một số họ làm công
nhân trong này, còn lại đi làm rẫy làm rừng và các nghề khác. Cậu kỹ sư có muốn
qua ở bên xóm đó không?
Điền nghe là thích thú liền:
- Có được không? Người ta có cho mướn nhà à?
A Tư cười:
- Vùng này không có chuyện thuê mướn nhà. Người ta
thích thì cho ở không thôi.
Điền chán nản:
- Vậy làm sao ở được. Bởi tôi mới tới, chưa quen ai
ở đây, làm gì có được người thích hay ưa.
A Tư cười khó hiểu:
- Có người thích mà cậu kỹ sư không biết đó thôi!
- Ai?
- Cậu có muốn biết không?
- Sao lại không!
A Tư kéo tay Điền:
- Giờ này còn sớm, vậy cậu theo tôi qua bên kia
chơi.
- Bên xóm nhà đó?
- Phải! Ở đó cậu sẽ biết ai là người thích mình!
Họ đi xuyên qua nhiều luống cao su thì tới xóm nhà
tranh. Đúng hơn đó là những nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lúc này A Tư mới nói:
- Tôi ở đây. Nhà tôi chỗ có hai con trâu cột dưới
sàn đó.
Vừa bước lên sàn, Điền đã nghe có tiếng chân chạy
rung rinh sàn nhà. A Tư cười bảo:
- Nó mắc cỡ khi có đàn ông về nhà đó!
A Tư có vợ và hai đứa con lên tám, chín tuổi. Họ
không chào khách theo kiểu người Kinh, mà kéo nhau chạy biến vào nhà trong. A
Tư phải lên tiếng:
- Có khách quý tới nhà, Mèng Lan đâu không ra đón?
Vợ anh ta nói vọng từ bếp:
- Nó trốn rồi!
- Đi kêu nó về đây, tôi có chuyện nói!
Một đứa con của A Tư, chạy ra nói nhỏ vào tai bố,
nhưng những lời của nó chẳng khác nào hét cho mọi người nghe:
- A cô đâu có đi đâu, nấp trong nhà kia kìa!
A Tư cười ngất:
- Con trẻ chúng tôi như vậy đó, chúng không biết
nói lén!
Rồi anh quay vào trong nhà, lát sau nắm tay một cô
gái đi ra. Vừa trông thấy cô nàng thì tim của Điền muốn loạn nhịp! Anh phát
lúng túng:
- Đây... đây là...
- Nó là em gái tôi, tên là Mèng Lan, mà người Kinh
các anh hay gọi là Mường Lan đó. 17 tuổi, chưa có đứa nào ngấp nghé!
Nghe ông anh mình giới thiệu, cô gái thẹn đỏ mặt,
quay người định chạy. Nhưng A Tư đã đoán trước nên nắm chặt cô ta lại, nghiêm
giọng:
- Ở lại nói chuyện đàng hoàng!
Rồi anh quay sang Điền, bảo:
- Người mà anh muốn biết có thích mình hay không!
Điền không tin trong bản làng rừng rú này lại có
một cô gái đẹp lạ thường như thế này. Mà lại là người thích mình.
- Anh Tư nói... giỡn chi vậy! Tôi... tôi...
A Tư cười lớn:
- Anh là con trai người Kinh mà rụt rè như con gái.
Rồi anh chủ động nắm tay em gái mình đến gần Điền:
- Nó tới kiếm tôi ở chỗ làm, thấy cậu kỹ sư một lần
mà về nhà cứ nhắc hoài! Con gái dân tộc một khi đã nhắc tới cậu trai nào thì
coi như... yêu người ấy!
Điền la lên:
- Sao có chuyện đó được. Lỡ cô đây... không ưa tôi
thì sao?
Không ngờ vừa khi ấy cô gái lại vọt miệng nói:
- Ai nói tôi không ưa?
Câu nói bất ngờ của cô gái khiến cho Điền ngơ ngác.
Anh thật sự lúng túng:
- Cô... cảm ơn cô. Cô...
A Tư nói chen vào:
- Nó tên Mèng Lan, mà thôi, kêu Mường Lan cho dễ
nhớ! Em gái tôi cũng không biết nói khác lòng mình. Thích thì nói là thích. Cậu
kỹ sư thì sao, có thích nó không?
Điền như gà mắc tóc:
- Thì... thì... thích chứ! Nhưng mà...
A Tư vỗ mạnh lên lưng em gái:
- Mày không phải ê chề bởi bị từ chối đấy nhé! Sao
không tạ ơn người ta đi!
Mường Lan bất ngờ chụp vào bàn tay của Điền, cúi
xuống hôn vào đó một cái, rồi vụt chạy vào nhà! Điền còn ngơ ngác thì A Tư lại
nói:
- Thủ tục coi như xong rồi đó. Cậu kỹ sư về lo
chuẩn bị chuyển đồ qua đây đi.
Điền lại một phen ngạc nhiên:
- Đồ đạc gì?
- Thì quần áo, đồ đạc của cậu đó. Coi như nhà này
chấp nhận cho cậu tới ở rồi đó!
Anh ta sợ Điền không hiểu nên giải thích thêm:
- Nhà người Thượng, nếu muốn quyết định điều gì thì
phải hỏi con vợ hay con đàn bà trong nhà, nó nói nó thích là nó đồng ý! Mường
Lan thích cậu, tức là nó cho cậu ở nhà này!
- Nhưng mà...
A Tư nghiêm giọng:
- Người Thượng ghét nhất là bị từ chối lòng tốt của
mình. Cậu khó mà sống được ở đất này nếu cậu không đáp lại sự mời mọc của nó!
Anh ta lấy ra chén rượu cần, mời Điền cùng uống:
- Cậu phải say với tôi bữa nay, bắt đầu từ ngày mai
thì khi tôi muốn mời cậu uống rượu thì phải xin phép.
Tưởng anh ta nói chơi, nhưng Mường Lan nghiêm giọng
nói:
- Đúng là như vậy. Con trai người Kinh có sợ mà bỏ
chạy không?
Đã bắt đầu hiểu về tính cách của người thiểu số,
nên Điền bớt sự ngỡ ngàng, anh bắt đầu dạn dĩ hơn trong nói chuyện và cũng biết
đùa:
- Chừng nào sợ thì chạy cũng không muộn!
Cô nàng cười khúc khích:
- Để rồi coi, chạy có thoát không!
Tối hôm đó tuy chưa chính thức chuyển tới ở, nhưng
do uống quá nhiều rượu nên Điền phải ngủ lại. Anh ngủ một giấc ngon lành mãi
đến quá nửa đêm.
Lúc Điền tỉnh giấc không phải do tự nhiên, mà anh
cảm giác như có ai đó nắm chặt bàn chân mình và cào nhẹ vào đó, gây nhột khó
chịu, mà nhột là việc mà Điền chịu đựng dở nhất, anh vùng kéo chân ra. Nhưng
càng kéo thì như bị giữ chặt hơn. Đến khi Điền vùng ra được thì nghe ai đó cười
thành tiếng trong trẻo rồi vụt chạy rất nhanh ra ngoài cửa...
Không suy nghĩ, Điền tức tốc đuổi theo ra ngoài,
xuống cầu thang nhà sàn thì bắt gặp bóng người chạy không nhanh phía trước
mình.
- Mường Lan, cô này quá quắt thật!
Vừa lẩm bẩm, Điền vừa đuổi theo nhanh hơn. Chỉ vài
trăm thước thì bóng người chạy trước chậm lại và cuối cùng nhoài người về phía
trước nửa như nằm xuống, nửa như bị ngã! Điền nghĩ là cô nàng muốn đùa với mình
nên vừa chạy tới cũng ngã nhoài theo, chống tay, kề mặt mình rất gần mặt nàng
ta, vừa hổn hển nói:
- Cô này ác thật, nửa đêm mà bắt người ta chạy gần
chết luôn!
Nàng im lặng không nói gì. Điền gọi khẽ:
- Mường Lan!
Gọi đến lần thứ hai vẫn chưa thấy cô nàng động đậy.
Điền hốt hoảng gọi to hơn lần nữa:
- Lan!
Và nhanh tay chụp lấy vai nàng kéo nàng nằm quay
mặt trở lên, và...
- Trời ơi!
Trước mặt Điền không phải là Mường Lan, mà là một
gương mặt xanh như chàm, đôi mắt không có tròng đen và ở miệng chiếc lưỡi lè ra
gần cả tấc! Điền choáng váng và cố lắm cũng chỉ bò được vài bước rồi ngất đi...
Sáng hôm sau, cũng chính Mường Lan đi rẫy sớm đã
phát hiện ra Điền nằm bất động ngoài rừng. Cô nàng không ngại, đã cúi xuống đỡ
anh dậy và hô to lên:
- Cứu người với!
Lúc A Tư và vợ chạy ra thì họ ngơ ngác hỏi:
- Sao vậy?
Mường Lan kể lại và giục anh mình:
- Cho anh ta vào nhà đi, người không còn chút ấm
nào!
Điền được đưa lên nhà sàn và người lo lắng nhất là
Mường Lan, cô nhìn anh mình như cầu cứu, xem làm cách nào đó giúp Điền tỉnh
lại. A Tư bảo:
- Phải giúp nó có lại hơi ấm thôi. Mày làm đi!
Mường Lan sau một chút e ngại, đã bất thần nằm
nguyên thân mình lên người của Điền, theo kiểu thân trùm lên thân. Quả nhiên
chỉ sau một lúc thì Điền nhẹ cử động, lúc đó Mường Lan vẫn chưa hay, cô vẫn nằm
một cách vô tư. Khi tỉnh hẳn, Điền vùng bật dậy thật nhanh, khiến cho cả thân
thể Mường Lan bị hất tung sang bên!
- Nó! Nó...
Điền hốt hoảng, không kịp nhìn Lan, anh đã đứng lên
tính chạy. A Tư phải níu lại và nói:
- Cậu bị ngất ngoài rừng, chính con Mường Lan đã
gặp và cứu cậu về đây!
- Nhưng, chính là nó...
- Là Mường Lan đó, nó phải dùng hơi ấm của mình để
cứu cậu đó!
Lúc ấy Mường Lan cũng vừa bật dậy, cô nhăn mặt:
- Làm người ta đau gần chết!
Đã trông thấy mặt Mường Lan rồi, nhưng Điền vẫn còn
bị ám ảnh bởi gương mặt hồi đêm, anh bước lùi lại mấy bước, giọng run run:
- Cô... cô không phải là... là con quỷ đó sao?
A Tư cũng ngạc nhiên:
- Cậu nói gì vậy, con quỷ nào?
- Tôi... tôi bị...
Mường Lan chợt lên tiếng:
- Hay là anh bị...
Vừa nói tới đó thì bỗng dưng cô nàng ngã lăn ra,
người lạnh ngắt! A Tư hốt hoảng:
- Mèng Lan, mày sao vậy?
Anh và vợ cùng đỡ Lan dậy, nhưng cô nàng mắt nhắm
nghiền, hơi thở yếu ớt...
Sau tai nạn đêm hôm đó xảy ra, tự dưng Điền trở nên
ít nói hẳn. Tuy cũng chuyển tới ở nhà A Tư, nhưng giữa anh và cô nàng Mường Lan
như có một khoảng cách. Hai người tránh gặp mặt nhau, mà nếu có gặp thì cũng
rất ngượng, không nói chuyện và chào hỏi. Điều này không lọt khỏi mắt A Tư. Một
hôm, anh này kêu em gái mình ra và hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Lan cũng tránh cả việc trả lời anh mình, bằng cách
bỏ chạy đi nơi khác. Suốt cả tháng trời như vậy. Một buổi tối, tình cờ A Tư bắt
gặp Lan ngồi khóc một mình trong góc nhà, anh dò hỏi mãi thì cô mới nói được
đúng một câu:
- Người ta không cho nói!
Thế thôi. Rồi Lan lủi mất trong bóng tối. Cả ngày
hôm sau cũng không thấy cô nàng đâu. Hoảng quá, A Tư phải cầu cứu tới già
Phang, được coi như thầy mo trong bản. Ông không cần phải suy nghĩ lâu, đã nói:
- Phải đuổi ngay người lạ đó ra khỏi nhà thì con
nhỏ mới trở về được!
A Tư ngạc nhiên:
- Người lạ nào?
- Thì cái người khiến nó không dám về nhà!
A Tư lẩm bẩm:
- Cậu kỹ sư?
Hỏi gì thêm ông già Phang cũng không nói. A Tư lo
quá, cuối cùng ông đành phải đem chuyện nói với Điền. Chẳng ngờ chính Điền lại
là người chủ động nói trước:
- Chắc là tôi phải dọn trở về công ty ở quá, A Tư.
A Tư ngạc nhiên thật sự:
- Sao cậu kỹ sư có ý đó?
- Nói thật, từ hôm dọn về đây đến giờ tôi thấy như
mình đã gây ra một điều gì đó không phải, cho nên cô Mường Lan cứ tránh mặt
hoài. Hồi tối qua, tôi đang ngủ thì có người tới đuổi tôi đi, dọa nếu còn ở lại
thì họ sẽ không tha mạng!
Hỏi thêm gì Điền cùng không nói, cứ lẳng lặng xách
túi ra đi. Vợ A Tư đứng trong nhà nhìn theo và khẽ thở dài, quay vào một góc,
nói rất khẽ:
- Đi rồi!
Chẳng biết chị ta nói với ai nhưng sau đó nghe có
tiếng khóc nức nở trong ấy...
Hồi lâu sau, khi A Tư từ ngoài vào thì bắt gặp ở
góc bếp có chiếc áo thun của Điền, anh cầm lên và nói:
- Cậu ta vội đi nên quên, để lát nữa đi làm tôi đem
theo trả cho cậu ta.
Nhưng bà vợ anh đã giằng lại và nói:
- Cái này mà mất thì con Mèng Lan cũng sẽ không về!
Chị ta giành lại và nhét nó lại đúng chỗ lúc nãy. A
Tư tái mặt:
- Chẳng lẽ con Lan đã... đã...
Anh ta không dám nói hết câu, mà chị vợ cũng không
dám đứng đó nữa, vụt chạy ra ngoài. Tần ngần một lúc, A Tư vừa bước đi vừa than
một mình:
- Giàng không còn thương nhà này nữa rồi!
Và anh ta khóc. Chẳng hiểu vì sao!
II.
Điền tìm được nơi ở mới. Không phải khu tập thể
trong công ty, mà nhà riêng. Có một người công nhân dư một căn nhà nhỏ cách văn
phòng công ty hơn cây số, nằm bên đường nhựa chạy ra lộ cái. Tuy không khang
trang lắm, nhưng chỉ cho một người độc thân như Điền ở. Anh dọn về đó có vẻ yên
tâm, mặc dù trong lòng như có chút gì đó vương vấn, bồn chồn mỗi lần hướng về
phía xóm nhà của A Tư.
Ngay tối đó, để dỗ giấc ngủ. Điền ngồi uống rượu
một mình, cửa nẻo đã gài chặt, nên anh chàng ung dung nhâm nhi, nghĩ nếu có lỡ
say thì ngã đại ra sàn nhà mà ngủ cũng chẳng sao. Và anh đã như thế thật.
Khi nhậu và lúc say nằm ngủ, Điền vẫn để nguyên bộ
quần áo đi làm về. Nhưng sau một giấc ngủ vùi, lúc mở mắt ra với cái đầu còn
nặng vì hơi men, bỗng Điền hết sức ngạc nhiên khi nhận ra mình đang nằm trên
gối, mền hẳn hoi, và trên người anh cũng đã không còn bộ đồ đi làm nữa, thay
vào đó là bộ đồ mặc ở nhà!
Điền bật dậy rất nhanh, nhìn quanh một lượt và còn
ngạc nhiên hơn nữa khi thấy một mâm cơm đã dọn sẵn trên sàn. Hơi nóng từ thức
ăn còn bốc lên, chứng tỏ cơm mới vừa được dọn!
- Ai trong nhà?
Điền thốt lên và quay đi tìm. Ngôi nhà sàn tuy
không lớn lắm, nhưng do ở một mình, lại không có bày biện đồ đạc gì, nên phải
một lúc sau Điền mới tìm được khắp. Cửa nẻo vẫn gài chặt bên trong, sàn nhà,
vách nhà cũng không có nơi nào trống để một người nào đó có thể lẻn vào. Lại
càng không thể có chuyện ai đó nấp bên trong...
Định không ăn mâm cơm dọn sẵn đó, nhưng vừa khi ấy
tự dưng bụng Điền lại cồn cào, khó cưỡng nổi, nên cuối cùng anh đành phải ngồi
xuống cầm đũa và nói như khấn trước khi ăn:
- Của ai chẳng biết, đã có lòng với người độc thân
này thì xin nhận. Ăn vào nếu có vấn đề gì thì cũng không dám trách.
Điền ăn một cách ngon lành. Ăn xong, anh tự dọn vào
một góc để đó. Lúc ấy anh mới kịp nhận ra, hầu hết những chén, tô và vật dụng
đựng thức ăn không phải là đồ trong nhà mình! Mà tất cả những thứ đó nó trùng
khớp đến lạ lùng những món phải đi mua sắm mà Điền đã liệt kê vào một tờ giấy
khi dọn về nhà mới, chưa kịp đi mua sắm. Định ngày nghỉ sẽ làm việc này...
Ăn no thì trong bụng Điền đã hết cồn cào. Điền nhìn
đồng hồ tay thì thấy mới có hơn một giờ sáng, nên chẳng còn cách nào hơn là
phải nằm lại chờ sáng. Tuy nói là chờ sáng nhưng có lẽ do cái bụng dễ chịu, nên
vừa nằm một chút là Điền lại ngủ say.
Đến khi gà gáy vang thì Điền mở mắt ra, và một lần
nữa quá đỗi ngạc nhiên khi cả mâm chén bát đêm qua đã được ai đó rửa sạch!
- Ai trong nhà tôi vậy? Nếu không ra thì từ bây giờ
tôi phải bỏ đi, không dám ở nữa!
Mặc cho Điền nói, chung quanh anh vẫn hoàn toàn im
lặng. Sáng hôm đó khi đi làm Điền không nói lại với ai chuyện lạ ở nhà mình.
Khi ra chỗ vạt rừng ươm cây giống, anh gặp A Tư ở đó, anh ta có vẻ ngại khi
phải nói chuyện với Điền:
- Anh ở chỗ mới có tốt không?
Điền vui vẻ:
- Cũng được, nhưng không được như ở nhà anh. Cô
Mường Lan có khỏe không?
Câu hỏi vô tình chạm vào nỗi ưu tư của A Tư. Anh ta
thở dài:
- Nó bỏ nhà đi từ bữa đó không thấy về. Chẳng biết
là đi đâu nữa...
Điền lo lắng:
- Sao anh không nhờ người đi tìm lỡ có chuyện gì
thì sao?
A Tư lắc đầu:
- Chắc là không sao.
Điền tự trách mình:
- Trong việc này có trách nhiệm của tôi nữa. Nếu
tôi không dọn tới ở thì đâu có chuyện này...
A Tư trầm ngâm một lúc rồi bảo:
- Cái số của nó như vậy. Nhưng chắc là rồi cũng
không có điều gì. Nó sẽ về thôi.
- Nhưng anh và cô ấy đâu có bà con gì ở gần đây?
Vậy cô ấy đi đâu, ở đâu?
A Tư không tiện nói ra điều đang nghĩ trong lòng,
anh ta chỉ lửng lơ:
- Con gái xứ này khó mà chết vì hùm beo trong rừng
lắm. Giàng không hại nó mà.
Điền quả quyết:
- Ngày mai chủ nhật, tôi sẽ cùng với anh và một số
anh em khác tổ chức đi tìm cô ấy. Tôi phải tìm cho được Mường Lan về mới yên
tâm. Mai mình đi nhé!
Lời động viên của Điền không khiến cho A Tư phấn
khởi lắm, mặc dù anh ta cũng gật đầu:
- Được rồi, mai tôi sẽ báo cho cậu biết.
Nhưng chuyện đi tìm Mường Lan vào ngày mai đã không
thực hiện. Bởi ngay chiều hôm đó cô đã trở về. Nhìn thấy Mường Lan với nét mặt
tươi tỉnh, không một chút mệt nhọc sau mấy ngày vắng nhà, vợ chồng A Tư muốn
hỏi nhưng còn ngại, thì chính cô nàng đã tự nói:
- Tôi về để lấy đồ đạc ra nhà chồng ở!
Nói xong cô đi soạn một số đồ đạc riêng, rồi rút
vào góc trong ngôi nhà ngồi một mình rất lâu. Theo phong tục của bộ tộc thì khi
không còn cha mẹ, thì người vợ của anh ruột, tức bà chị dâu của Mường Lan sẽ
đứng ra lo liệu chuyện hôn nhân của cô em gái. Nhưng ở đây, khi nghe Mường Lan
tuyên bố như vậy thì chẳng nghe A Tư có ý kiến gì. Một lúc sau chị mới kéo tay
chồng vào một nơi riêng, nói nhỏ:
- Làm sao mình làm được việc đó, khi cô em này đâu
có chịu nghe mình. Cô ấy có người bảo cho nghe rồi, cứ để cho người ta lo.
Chị ta nói như vậy rồi lẳng lặng bỏ đi ra ngoài. A
Tư hiểu phần nào nên cũng im lặng, để mặc cho Lan. Tối hôm đó bà vợ anh bảo:
- Con Mèng Lan đã tìm được chỗ để "về nhà
chồng" rồi đó!
Sáng ra mới biết, nơi "về nhà chồng" của
Mường Lan là cái góc ngôi nhà ông già của A Tư cất này xưa, dùng làm nơi chứa
vật dụng lưu trữ làm mùa. Lan đóng kín cửa cầu thang không cho ai ra vào. A Tư
muốn hỏi chuyện với em cũng phải đứng dưới đất nói vọng lên:
- Mày làm gì cũng phải nhớ ông cha vẫn còn hồn
phách ở đây, là máu mủ ruột rà, tao không bỏ mày được nghe chưa!
Đối với người thiểu số thì những câu nói như vậy là
đầy tình nghĩa, đầy trách nhiệm với nhau, nên chỉ cần nói bấy nhiêu đó rồi A Tư
bỏ đi vào nhà. Anh dặn vợ hằng ngày phải cơm nước đầy đủ mang ra cho cô em và
không được hỏi han bất cứ chuyện gì, nếu Mường Lan không hỏi.
Nhưng chỉ được hai ngày, bỗng vợ A Tư chạy đi tìm
chồng và báo tin:
- Tôi lo cơm nước đầy đủ cho cô ấy, mình ăn gì thì
cho cô ấy ăn như vậy, nhưng hai ngày rồi, bữa nào cô Mèng cũng bảo tôi dọn mâm
giống như nấu cho người Kinh ăn, sao cô ấy lại quen ăn mấy thứ đó?
A Tư trầm ngâm một lúc rồi đáp:
- Thì ráng mà chiều nó đi. Bà đóng vai mẹ có con về
nhà chồng mà!
Chị Phèng Liu vốn là người tốt bụng, nên tuy có cực
vì yêu cầu của cô em chồng, nhưng cũng ráng lo. Chị ta không quen nấu món ăn
của người Kinh, cũng phải cố ra chỗ bếp công ty học cách nấu của mấy người đầu
bếp ngoài đó.
Lạ một điều là mỗi ngày Mường Lan chỉ ăn một lần
vào buổi chiều tối. Buổi sáng và trưa thì không hề thấy cô nàng đâu. Ra nương
rẫy thì thấy mọi việc đồng áng vẫn được Mường Lan làm chu đáo, chẳng biết từ
lúc nào, bởi lúc A Tư và vợ ra dòm ngó thì chẳng hề gặp Mường Lan đâu.
Chị Liu nói với chồng:
- Cô ấy có chồng thật rồi. Vậy mình cũng phải tính
việc xây nhà riêng cho cô ấy chứ.
A Tư cũng đồng tình:
- Phần đất phía bên kia bụi tre ngày trước tính xây
cái nhà hội dòng tộc, nay mình xây cho nó cái nhà với số vật liệu dự trữ đó.
Nhưng hỏi nó xem, nó có chịu không đã!
Chị Liu bảo:
- Cô ấy đời nào chịu nhận, mình cứ việc xây rồi
giao sau. Nhưng nếu có ai hỏi việc này thì làm sao trả lời?
A Tư bảo:
- Tôi sẽ bảo mọi người là con Mèng Lan có lời hứa
với con trai xứ khác, ở nhà riêng để chờ cưới. Phong tục người mình có điều đó
mà.
- Nhưng sau này biết lấy ai để trám vào chỗ con
trai xứ khác đây?
- Chuyện đó thì để rồi tính. Bộ bà không thấy bây
giờ mình cũng đâu có giải quyết được gì trong chuyện của nó.
Họ quyết định như vậy và âm thầm đi kêu người chuẩn
bị cất nhà. Tuy nhiên đến bữa cơm chiều, khi chị Liu mang cơm ra thì nghe Mường
Lan nói vọng từ trong nhà ra:
- Xây nhà sao không xây kiểu người Kinh?
Chị Liu giật mình:
- Cô biết chuyện rồi sao?
Lan nói rõ ý hơn:
- Có xây thì xây nhà theo kiểu người Kinh, đừng xây
nhà sàn người ta không chịu!
- Người ta là ai? Mà làm sao mình xây nhà theo kiểu
người Kinh ở giữa xóm thượng được.
- Xây cho người Kinh ở thì phải theo kiểu của họ
chứ.
Chị Liu vô cùng ngạc nhiên:
- Cô sẽ lấy chồng người Kinh?
Lan gắt lên:
- Đã lấy rồi chứ còn sẽ gì nữa!
- Kìa, cô Mèng...
Mường Lan ra nhận mâm cơm rồi đóng sầm cửa lại,
giận dỗi:
- Không thì thôi, đừng hỏi nhiều quá!
Chị Liu chạy nhanh về kể cho chồng nghe, A Tư giật
mình nói:
- Lấy chồng người Kinh? Vậy sao bữa trước nó một
hai đuổi cậu kỹ sư đi? Cậu cũng là người Kinh...
Ngừng một lúc, A Tư nói:
- Biết vậy lúc đó tôi nói thẳng ra ý mình, để cậu
ấy đừng ra đi.
- Ý gì?
- Thì tôi có ý muốn ghép đôi cho cậu ấy với Mèng
Lan nhà mình. Con Mèng Lan đầu tiên cũng thích cậu ấy lắm, chính nó đã xúi tôi
mời cậu ấy về nhà đó chứ. Chẳng hiểu sao chỉ được một lúc thì lại xảy ra chuyện
ghét nhau đến không muốn nhìn nhau như hai đứa nó?
Chị Liu bảo:
- Tôi thì lại nghĩ khác. Trong chuyện này có những
điều như tôi nói với ông đó. Cứ để coi...
A Tư đã được vợ cảnh báo một số điều, nhưng anh còn
bán tín bán nghi, nên cho đến giờ này anh vẫn chưa nói ra. Kể cả việc riêng với
kỹ sư Điền, đáng lý ngay hôm Điền dọn đi, anh cần phải nói một số việc cho Điền
biết, nhưng chẳng hiểu sao anh lại thôi.
Buổi sáng chủ nhật đẹp trời, Điền vừa tính thay đồ
qua thăm nhà A Tư thì có tiếng xe hơi ngừng trước nhà. Do ở ngay trục đường
lớn, nên xe cộ chạy qua khá nhiều nhưng ngừng ngay trước cổng thì ít khi.
Nhìn ra thấy chiếc xe hơi nhà khá sang trọng thì
Điền lại càng ngạc nhiên hơn. Anh nghĩ chắc là xe nào đó ngừng đổ nước hay nghỉ
xả hơi gì đó nên cũng không bước ra. Tuy nhiên, vừa lúc đó có tiếng gọi đúng
tên anh:
- Điền ơi, anh có nhà không?
Tiếng gọi thật quen, Điền phải bật dậy chạy ra ngay
và anh kinh ngạc kêu lên:
- Phương Dung!
Cô gái vừa bước xuống xe và đang vẫy tay từ dưới
đường khiến cho Điền vừa mừng vừa sửng sốt. Quả thật Điền không ngờ anh có
người khách này tới đây.
- Không mời người ta vào nhà hả?
Mãi sững sờ nên Điền bị giật mình, lúng túng:
- Vào... vào nhà đi. Trời ơi, sao em lại lên được
đây?
Phương Dung nheo mắt:
- Vậy mới tài chứ!
Cô quay lại dặn ai đó trên xe:
- Chú cứ đi đi mai hay mốt ghé lại đón cháu cũng
được!
Người trên xe có lẽ là tài xế riêng của gia đình
Phương Dung, sau một tiếng dạ, anh ta cho xe vọt đi ngay. Phương Dung tay xách
va li, bước nhanh vào nhà, vừa đến gần Điền, bất ngờ cô nàng bỏ va li xuống, ôm
chầm lấy anh hôn tới tấp vào mặt mũi, khiến Điền phải cuống lên:
- Em... em đừng làm vậy. Người ta...
Nhưng Dung hầu như không còn nghe gì nữa, cô nàng
cứ ghì lấy và hôn như sợ bỏ ra sẽ mất!
Đến khi Dung vừa buông ra thì Điền thở không muốn
kịp. Anh trố mắt nhìn cô nàng, tưởng chừng như Dung muốn hôn để trả thù anh. Mà
quả vậy, Phương Dung nói thẳng ra ý mình:
- Cho chừa cái tội bỏ người ta đi biệt cả mấy tháng
nay!
Sợ những người qua đường nhìn thấy, Điền kéo nàng
ta vào nhà, đóng cửa lại rồi mới nói:
- Ai chỉ em biết anh ở trên này?
- Cũng may là có người còn tốt bụng chỉ cho em biết
nơi anh trốn, chứ nếu không thì em có hóa đá chưa chắc gì gặp lại anh!
Bị trách móc một hơi nhưng Điền vẫn bình tĩnh:
- Làm sao em biết nhà?
- Em tới công ty hỏi thì người ta chỉ. Họ còn nói,
không biết anh đã dọn về đây hẳn chưa, hay còn ở trong buôn người Thượng. Bộ
anh muốn lấy vợ Thượng sao vào tận buôn của họ mà ở?
Điền biết tính của cô nàng, nên vội chuyển hướng:
- Sao em không giữ tài xế lại, để lát nữa anh ta
chở em ra thị trấn tìm khách sạn, chứ ở đây làm sao anh có giường nệm cho cô
tiểu thư nhà họ Đoàn ở đây.
Phương Dung nổi máu ngang ngạnh lên liền:
- Bây giờ đuổi phải không? Mà càng đuổi thì con này
lại càng bám chặt luôn. Tính ở chơi mai mốt về, mà đã nói vậy thì đằng này ở
luôn, ở thật chứ không ở chơi nữa!
Định cúi xuống lấy va li để đem vào giường ngủ của
Điền như một cách khẳng định quyết tâm của mình, nhưng bỗng cô nàng kêu lên:
- Ủa, cái va li mới đây mà?
Chẳng còn chiếc va li mà rõ ràng Phương Dung mới
đặt xuống. Chính Điền cũng ngạc nhiên:
- Ủa, đâu có ai lấy. Anh cũng mới thấy nó đây mà...
Cả hai tìm một lượt trong nhà, rồi mở cửa ra ngoài,
cũng chẳng thấy. Dung phải gắt lên:
- Cái xứ gì kỳ cục quá, đồ đạc để trong nhà cũng
mất! Làm sao bây giờ hả Điền?
Điền cũng bối rối, anh đành phải nói:
- Trong va li nếu chỉ có quần áo không thì mình có
thể ra chợ mua lại một ít. Chỉ sợ có thứ gì quý thì khó...
Phương Dung ấm ức, cứ tắc lưỡi, bặm môi mãi. Cô
nàng hỏi lại lần nữa:
- Ở đây bộ kẻ cắp nhiều lắm sao? Vậy anh ở mà làm
gì. Đúng là...
Điền trừng mắt:
- Em đừng hồ đồ. Nơi đây nhà xa nhau cả trăm thước
không có người tham, cho dù em để tiền ngay trước mặt cũng không lấy, đừng nói
là...
Vừa lúc đó chợt có người gọi ngoài cửa:
- Cậu kỹ sư ơi, cái này phải của nhà cậu không, nó
bay tung tóe ở ngoài đường nè.
Điền chạy ra thấy chiếc va li bị mở tung, quần áo
đổ ra ngoài, vài cái bay theo gió, nên quay lại hỏi:
- Phải cái va li của em không?
Phương Dung nhìn ra và mừng rỡ:
- Đúng là của em! Mà sao lại...
Điền sợ cô nàng bước ra sẽ gây chú ý cho mọi người,
nên chạy nhanh ra vừa dặn lại:
- Để anh ra lấy cho!
Anh ra ngoài cổng và nhìn thấy chiếc va li bị mở ra
có lẽ do bị rơi chứ không phải do bị mở và lục lạo, bởi hầu như mọi vật còn đầy
đủ. Gom tạm lại ôm vào nhà, vừa đặt xuống sàn anh đã bảo:
- Em kiểm lại coi có mất thứ gì không? Nếu là trộm
thì người ta đã không kêu cho mình lấy lại!
Phương Dung hơi ngượng, nhưng vẫn kiểm tra lại thật
cẩn thận. Sau cùng cô nàng xác nhận:
- Còn đủ cả. Mà lại có dư cái này!
Cầm sợi dây chuyền đan bằng sợi cỏ nhuộm màu như
vải thổ cẩm của người dân tộc đưa lên, Phương Dung phải buột miệng khen:
- Cái này ở đâu đẹp quá! Mà sao nó lại lẫn trong đồ
đạc của em. Chắc là...
Tuy xác định không phải là của mình, nhưng bởi thấy
nó khá xinh, nên cứ cầm ngắm mãi. Trong lúc Điền lại buột miệng:
- Mường Lan!
Dung hỏi lại:
- Cái gì là Mường Lan? Mường Lan là tên vật này hả?
Túng thế, Điền đành gật đại:
- Đúng rồi.
Anh đã nhận ra, chiếc vòng cỏ đó là của Mường Lan
hay đeo trên cổ. Cô nàng khéo tay nên cứ chiếc này cũ thì lại tự tay đan, bện
chiếc khác để đeo. Nó là của riêng, không lẫn với ai được, nên vừa nhìn thấy là
Điền nhận ra ngay.
Phương Dung tỏ ra thích thú, cô thuận tay đưa lên
cổ và đeo nhanh vào, khoe với Điền:
- Anh thấy em đeo có đẹp hơn mấy cô người Thượng
không nào?
Điền hốt hoảng:
- Sao em làm vậy? Đừng...
Nhưng không còn kịp nữa. Tự dưng tim của Điền đập
nhanh, anh có cảm giác như mình vừa phạm phải một sai lầm gì đó...
- Sao mặt mày anh xanh lè vậy, Điền? Bệnh hả?
Điền xua tay:
- Không, anh chỉ hơi chóng mặt...
Tuy nói vậy, nhưng khi đến ngả lưng xuống giường
thì Điền không dậy được nữa. Người anh nóng bừng khiến cho Phương Dung phải
hoảng lên:
- Trời ơi, làm sao bây giờ, anh nóng quá chừng Điền
ơi!
Lạ nước lạ cái, lại gặp trường hợp khó xử này nên
Dung quýnh lên, sợ thất thần. Cô chưa biết phải làm sao thì chợt có mấy người
hàng xóm chẳng biết do ai báo tin, đã kéo sang và lo lắng nói:
- Cậu kỹ sư có cần chở đi bệnh viện không?
Tuy hỏi vậy, chứ họ đã gọi sẵn chiếc xe cấp cứu của
nông trường, người ta tức tốc đưa Điền ra chợ cách đó gần mười cây sô. Phương
Dung đòi theo nhưng họ không cho, còn bảo:
- Người bệnh mà có con gái bên cạnh không tốt!
Họ chở Điền đi khá lâu rồi mà Dung vẫn chưa hoàn
hồn. Trước nhất là lo cho bệnh của Điền, thứ hai là chẳng biết cô ta đêm nay
phải đối phó làm sao trong ngôi nhà vắng và lạ này.
Nói là nhà của Điền, nhưng khi không có anh ở nhà,
lại ở một xóm hết sức lạ lẫm này, liệu Dung có chịu đựng nổi sự sợ hãi đêm nay
không?
Muốn đi tắm nhưng lưỡng lự mãi, cuối cùng Dung mới
mò được vào cái gọi là phòng tắm. Cô ngao ngán tự hỏi:
- Sao sống như thế này mà Điền chịu được?
Nhớ lại khi hay tin Điền đột nhiên biến mất khi sắp
tới ngày làm lễ đính hôn giữa hai người, Dung lúc nãy muốn trách móc, nói ra
hết cơn bực dọc giận dỗi của mình, nhưng chưa kịp nói thì Điền đã bị như thế
rồi. Giữa Điền và cô đã xảy ra vài hiểu lầm, thậm chí là bất đồng quan điểm trong
việc tiến tới hôn nhân, nhưng không thể vì thế mà anh ta lại bỏ hết ở thành
phố, lên xứ khỉ ho cò gáy này để sống cuộc sống quá kham khổ như thế này.
Đành rằng cô là con nhà giàu, còn Điền có gia cảnh
không bằng nàng, nhưng là một kỹ sư mới ra trường, vừa tài năng vừa đẹp trai
lại có một tương lai xán lạn khi có được sự trợ giúp của gia đình bên vợ như
gia đình Đoàn đại gia lừng lẫy trong thương trường như cha mẹ cô, anh ta sẽ
phất lên mấy hồi, cũng lên xe xuống ngựa, cũng là bậc vương tôn công tử, chứ đâu
phải là hạng khố rách áo ôm...
Mải lo suy nghĩ và tức tối, Phương Dung quên cả giữ
ý, cứ cởi phăng quần áo ra, ngồi bên lu nước tắm mà không có gì che chắn. Tuy
nhiên cửa nẻo đã khóa chặt, lại ở nhà chắc chắn là chỉ có một mình, nên cô nàng
yên tâm tắm táp cho đã. Phải đến hơn mười lăm phút sau thì cô nàng mới thôi
tắm, đồng thời nhìn lại thấy lu nước đầy lúc nãy chỉ còn lại phần cặn bên dưới.
Cô ta đã tắm hết cả phần của Điền trong hai ngày liền. Cô ta đâu có biết là
vùng này nước quý như vàng!
Sau khi lau khô thân thể, Dung định lấy quần áo ra
mặc thì một lần nữa phát hoảng lên, bởi cái va li đó lại biến mất! Tất cả quần
áo ở trong đó, kể cả bộ quần áo dơ vừa thay ra cũng không còn.
Cô nàng cuống cuồng, lấy chiếc mền quấn người lại
và người thì run rẩy, hai hàm răng cứ va vào nhau liên hồi. Chuyện gì đang xảy
ra ở đây? Một câu hỏi mà dẫu có biết cô ta cũng không dám trả lời.
Ở thế cùng, Phương Dung đành phải tới chỗ để quần
áo của Điền, chọn đại một bộ mặc trong nhà mặc vào. Nó rộng thùng thình, nhưng
như thế còn hơn là tênh hênh.
Đến lúc này, cô ta mới cảm thấy đói bụng. Suốt từ
khi rời khỏi nhà, do ăn sáng muộn nên buổi trưa cô không ăn dọc đường, tới đây
rồi hết chuyện này tới chuyện khác, trong bụng của Dung hầu như trống rỗng.
Định tới chỗ đặt bếp xem có gì có thể ăn được, thì chợt cô trông thấy một mâm
cơm đã dọn sẵn, tuy có hơi nguội nhưng chưa có ai ăn.
- Có lẽ Điền dọn mà chưa kịp ăn đây!
Phương Dung nghĩ vậy nên ngồi xuống ăn ngon lành.
Ăn gần xong, cô mới để ý và buột miệng khen:
- Anh chàng có một mình mà cũng nấu đủ món, giỏi
thật đó!
Ăn đến no, không nghĩ tới việc phải chừa cho Điền.
Xong xuôi cô nàng ngã lưng ra giường như nhà của mình. Cơn buồn ngủ kéo đến
thật nhanh khiến cho cô ta không còn kịp nghĩ về chiếc va li bị mất một cách bí
hiểm!
Đến quá nửa đêm...
Khi giật mình tỉnh giấc thì cái cảm giác đau râm
ran trong bụng bắt đầu tăng lên. Một lúc sau thì cơn đau quặn đến chịu không
nổi, Dung phải nhảy xuống giường định tìm chỗ đại tiện. Nhưng tìm ở đâu nếu
không ở bên ngoài, ở vùng rừng núi này mọi người vẫn đi vệ sinh ngoài đồng,
bụi, nhưng làm sao cô nàng dám làm chuyện đó?
Cơn đau càng lúc càng dữ dội, đến nỗi Dung đã ngã
nhoài trên sàn nhà, và để mặc cho những gì bụng dạ cô không chịu nổi cứ tống
ra. Nó lại tống ra bằng miệng. Cô nàng nôn ói một trận không thể tưởng nổi!
Phải đến hơn nửa giờ sau thì cơn đau mới dịu lại và cơn tháo dạ cũng chấm dứt.
Lúc này nhìn lại Dung mới bàng hoàng, không tin vào
mắt mình nữa. Bởi những gì cô ta nôn ra vừa hôi thối lại vừa kỳ dị! Nó gồm toàn
những con vật gớm ghiếc, toàn những con ếch, nhái, ễnh ương, sâu bọ, chuột con,
thậm chí có cả vài con rắn con bị cắn đứt nhiều khúc!
- Trời ơi!
Cô ta kêu lên vừa bật dậy, và cứ thế bò lê lết về
phía bếp. Vô tình cô nàng bò ngang qua chỗ mâm cơm lúc nãy và một lần nữa cô
thét lên kinh hãi:
- Bớ!...
Cô nàng nhìn thấy trong mâm cơm còn lại những con
vật giống như vậy! Có nghĩa là lúc nãy cô nàng đã ăn cơm bằng những thứ gớm
ghiếc này chứ không phải là món ngon vật lạ!
- Trời ơi, bớ ngưới ta!
Vừa kêu xong thì cô ta ngã chúi về phía trước,
người bất động. Vài người hàng xóm nghe la đã chạy tới dộng cửa gọi lớn:
- Cậu kỹ sư ơi!
Có người lại nói:
- Cậu ấy được chở đi nhà thương lúc chiều, đã về
đâu!
- Vậy sao có tiếng kêu cứu trong đó?
Bàn nhau chán, có người đánh bạo tông cửa vào.
Nhưng khi nhìn thấy cảnh tượng bên trong thì họ không khỏi bàng hoàng. Tất cả
đều phải bịt mũi mới không phải ngửi thứ mùi hôi thối lạ lùng. Rồi không ai bảo
ai, họ cũng lần lượt rút lui, để mặc cho cô ả nằm đó với ễnh ương, cóc nhái...
Phần Điền thì khi ra tới bệnh viện, anh đã tỉnh lại
như chưa từng có bệnh!
Chính anh cũng ngạc nhiên tự hỏi:
- Mình sao vậy?
Đến nửa đêm hôm đó thì Điền đã hiểu vì sao anh lại
ngã bệnh đột ngột như thế. Bởi lúc nằm mơ màng ngủ thì anh nghe có người nói
bên tai:
- Hãy nằm ngủ cho ngon, đến khi nào cô ả chán bỏ về
thì hãy về nhà. Anh đâu có ưa gì cô ả phải không?
Giọng nói nghe quen lắm, nhưng khi mở mắt ra thì
chẳng thấy ai. Điền giả vờ nhắm mắt lại ngủ, cố chờ xem cô ta có trở lại hay
không. Nhưng hình như cô ta biết nên cho đến lúc ngủ lại thật Điền không hề
nghe gì nữa!
Sáng sớm hôm sau khi vừa mở mắt ra, Điền lại một
phen giật mình khi nhìn thấy chiếc va li của Phương Dung đang nằm ở cạnh
giường!
Điền nhớ lại cảnh Phương Dung phải khổ sở đến cỡ
nào khi không tìm thấy va li quần áo này, cũng như cảnh cô nàng phải một mình ở
lại trong ngôi nhà xa lạ đó. Dù không còn thương cô gái đỏng đảnh này nữa,
nhưng Điền cũng thấy tội nghiệp và lo lắng cho nàng ta. Anh có ý muốn xin về
thì cô y tá trực bác bỏ ngay:
- Giờ này mới sáng sớm, bác sĩ khám bệnh chưa vào,
làm sao cho anh về được. Việc gì cũng phải đợi đến mười giờ. Nhưng lúc tối qua
có người dặn lại chúng tôi là phải để cậu nghỉ trong này vài hôm, đợi ổn định
hẳn rồi mới được về!
Điền ngạc nhiên:
- Ai dặn?
- Một cô gái trẻ, nói là vợ cậu!
Điền ngồi bật dậy kêu lên:
- Ai là vợ tôi? Làm gì có...
Cô y tá cười ý nhị:
- Mấy cậu trai trẻ có vợ đẹp lại thường giấu giếm.
Chẳng bù với phụ nữ, như cô vợ cậu, dù trẻ nhưng vẫn một điều chồng tôi hai
điều chồng tôi ngọt xớt!
- Tôi đã nói rồi mà, người đó...
Cô y tá vẫn trêu:
- Vợ hay người yêu sắp cưới cũng như nhau thôi.
Trông cô ấy đẹp và dễ thương lắm, lại ăn nói thật thà, dễ thương nữa!
Chị ta móc trong túi ra một sợi dây cỏ nhiều màu
đưa cho Điền xem:
- Vợ cậu dễ thương lắm, mới gặp tôi lần đầu mà đã
tặng cho món quà thật đẹp mấy chị em trong bệnh viện ai cũng thích, cứ đòi đợi
cô ấy trở lại để xin thêm!
Điền giật mình:
- Người thăm tôi là cô gái cho chị cái này?
Chị y tá ngạc nhiên:
- Bộ ngoài cô này cậu còn có nhiều cô khác nữa sao?
Thật, sợ mấy ông đàn ông luôn, đủ thứ cô!
Điền xua tay:
- Chị hiểu lầm rồi. Tôi muốn hỏi có đúng là cô ấy
vào đây không? Đó là cô gái người dân tộc, da ngăm đen nhưng duyên dáng...
- Đúng, cô ấy còn xưng tên mình là Mường Lan nữa!
Nhìn sắc mặt rạng ngời lên của Điền, cô y tá cũng
vui lây:
- Có được cô vợ như vậy còn hơn lấy tiên rồi, còn
đòi gì nữa!
Chị ta nói xong bỏ đi ra ngoài rồi mà Điền vẫn còn
ngẩn ngơ. Anh lầm bầm như trong cơn mơ:
- Mường Lan, cô ấy...
Điền không nghĩ là Lan vào tận đây thăm mình và còn
xưng là vợ nữa. Anh quay sang người bệnh nằm bên cạnh dặn:
- Nếu tôi có ngủ quên mà cô gái nào đến kiếm, anh
làm ơn kêu tôi dậy gấp giùm!
Mấy người chung quanh che miệng cười. Điền ngạc
nhiên:
- Sao vậy?
Anh bệnh nhân nằm cạnh nói:
- Anh dặn có cô nào nữa, có nghĩa là sẽ còn nhiều
cô khiến tụi tôi phát ớn lạnh! Chỉ cái cô mà y tá vừa nói thôi, cậu cũng đủ mệt
rồi, nói chi tới mấy cô nữa! Cậu có biết cô gái ấy dặn tụi tôi sao không? Cô ấy
bảo, nếu thấy cô nào khác vào đây thì tụi tôi phải bước ra khỏi phòng này, nếu
không muốn mang họa lây!
Một người nữa lại thêm:
- Cô gái đó đẹp mà coi bộ ghen lắm à nghen! Nhưng
xem ra cô ấy thương cậu dữ lắm, nhà không biết ở đâu mà từ hôm qua tới nay thấy
đến cả chục lần! Hình như cô ấy ở đâu đó bên ngoài hành lang bệnh viện này chứ
không về nhà.
Điền nghe vậy vụt bước xuống giường chạy bay ra
ngoài, đi dọc hành lang tìm. Cũng có vài chục người nằm ngủ theo hành lang
nhưng không có cô nàng...
Đến khi Điền trở lại phòng thì nghe anh chàng lúc
nãy nói:
- Cô ấy mới vừa vào lấy cái va li đi rồi!
Điền không còn đủ sức để chạy theo nữa. Anh đứng
lặng đó mà không biết nên buồn hay vui...
Nhưng sự háo hức trong lòng đã nói rằng anh chấp
nhận một người vợ như vậy!
Nôn nao đợi, nhưng cũng phải hơn 10 giờ Điền mới
được bác sĩ cho xuất viện. Vừa nhận được giấy ra viện, Điền đã không kịp cảm ơn
đã chạy bay ra ngoài.
Còn đang hỏi thăm xe về nông trường thì chợt anh
nghe tiếng còi xe sau lưng. Quay lại. Điền giật mình khi thấy đó là chiếc xe
chở Phương Dung tới nhà bữa trước!
Còn đang khó chịu vì nghĩ cô nàng đỏng đảnh lại tới
tận bệnh viện thăm, thì người tài xế nhoài người ra gọi:
- Cậu có về không tôi chở về luôn?
Nhìn lên xe thấy chỉ có tài xế. Điền ngạc nhiên:
- Cô Dung đâu?
- Dạ, em đi qua Đơn Dương từ bữa đó, nay mới quay
về đón cô ấy. Vừa rồi khi chạy tới gần đây thì có một cô gái đón xe lại, và cho
biết cậu đang nằm viện ở đây, bảo tôi ghé đón, cô ấy còn cho cả số phòng cậu
nằm nữa.
Điền ngơ ngác:
- Rồi cô ấy đâu?
Tài xế cười:
- Cô ta xuống ở đầu con dốc, nói là đi có việc.
- Cô ta có nói tên là gì không?
- Dạ không. Chỉ nói gửi trả cô Dung cái va li.
Nhìn thấy chiếc va li trên xe, Điền im lặng một
lúc, hình như anh hiểu anh phải làm gì. Anh tài xế phải hỏi lại:
- Cậu có về không?
Điền đáp nhanh:
- Cảm ơn anh, anh về nói cô Phương Dung là bệnh tôi
cần phải chuyển về Sài Gòn điều trị đi xe của bệnh viện, nên không cùng đi với
cô ấy được.
Nói xong, Điền bước nhanh sang hướng khác. Vừa đi
được vài chục bước, anh đã nghe có người gọi:
- Cậu kỹ sư!
A Tư đang đứng bên đường với chiếc xe thồ cọc cạch,
mắt rạng ngời, vẫy tay cho Điền:
- Về nhà đi thôi!
Điền tiến tới bên anh đưa chiếc giỏ quần áo cho anh
ta, chẳng hỏi gì thêm, leo lên xe cho anh ta chở. Chạy được một đoạn A Tư mới
nói, giọng phấn khởi:
- Về nhà tôi luôn nghe. Tôi đã cất xong cho cậu cái
nhà kiểu người Kinh, đẹp lắm, và cũng có người đang chờ!
Điền ngạc nhiên:
- Sao lại cất nhà cho tôi?
- Thì về đi sẽ biết!
Đường xa đến hơn chục cây số, vậy mà anh ta đạp xe
đi vù vù, chẳng có vẻ gì là mệt. Và lạ hơn nữa là chỉ chưa đầy mười lăm phút
sau là đã về đến xóm nhà.
Quá đỗi ngạc nhiên trước ngôi nhà mới cất theo lối
người Kinh nằm lọt giữa khu nhà sàn kiểu người Thượng. Điền không tin vào mắt
mình nên cứ nhìn tới nhìn lui và hỏi lại:
- Anh cất thật đây sao?
- Còn thật với giả gì nữa. Hãy bước vào khai trương
nhà mình đi!
Điền còn đang rụt rè thì đã thấy bóng của Mường Lan
xuất hiện ngay ngạch cửa với nụ cười thật tươi:
- Người ta thì rể đi đón dâu, còn đây dâu chờ đón
rể. Vậy thì vào đi.
Ngẩn ngơ trước sắc đẹp rạng rỡ của nàng ta, Điền
thầm kêu lên:
- Còn đẹp hơn hôm trước nữa! Nhưng sao...
Lúc anh bước qua ngang chỗ nàng đứng thì nghe nàng
hỏi thật nhỏ:
- Ngạc nhiên là sao mới ở ngoài bệnh viện mà bây
giờ đã ở nhà rồi, phải không?
Điền nhìn sững cô nàng, chưa kịp hỏi lại thì nàng
đã vụt biến mất vào bên trong mang theo nụ cười mê đắm!
Nhìn thấy trong nhà bày biện đủ mọi thứ giống như
cách của người Thượng, mà món nào cũng mới toanh, Điền chưa kịp hỏi thì đã nghe
nàng nói vọng từ trong ra:
- Của bạn bè anh gửi tặng đó. Bộ ghế tiếp khách này
của anh kỹ sư Thông ở Biên Hòa, còn cái bàn và tủ áo của anh giám đốc nông
trường. Chỉ có giường, màn, chiếc gối là của em thôi!
Điền không thể nào tin:
- Sao mấy người đó biết? Sao họ lại tặng?
- Quà cưới mà!...
A Tư giục:
- Vào nhà nhanh lên đi, để còn chuẩn bị đón khách!
Trưa nay họ tới đó!
Điền trố mắt:
- Ai tới?
- Thì bạn bè cậu. Và còn có... cha mẹ cậu nữa!
Điền chẳng còn kiềm chế được nữa, anh kêu lên:
- Sao cha mẹ tôi lại tới đây. Họ... họ...
Mường Lan nói vọng từ trong ra:
- Đám cưới con trai mà cha mẹ không có mặt sao
được!
Đến lúc này thì Điền chỉ còn biết ngẩn ngơ. Anh
lóng ngóng trong ngôi nhà được gọi là nhà cưới của mình đến tội nghiệp! Lát
sau, A Tư kéo anh ra một góc và nói:
- Nếu không giải thích thì chắc là cậu không hiểu.
Mấy ngày qua một mình con Mèng Lan đã làm hết mọi chuyện, chỉ vì nó... thương
cậu. Mặc dù...
Anh ta ngập ngừng, phải một lúc sau mới tiếp lời:
- Mặc dù nó đang mang thân phận là một... con ma
xó!
Điền sửng sốt đến độ tim muốn ngừng đập luôn:
- Anh... anh nói...?
A Tư vẫn chậm rãi nói:
- Nó bị hồn một con ma xó nhập, cho nên có lúc nó
muốn đuổi cậu đi. Chứ thật ra trong lòng nó thương cậu lắm, nó muốn lấy cậu làm
chồng...
Điền chen ngang hỏi:
- Lúc đầu tôi vẫn thấy cô ấy bình thường mà?
A Tư gật đầu:
- Nó bình thường cho đến cái hôm mà cậu chạy đuổi
theo một người con gái nào đó ra ngoài rừng rồi bị ngất ở ngoài đó.
Nhớ lại chuyện ấy, Điền kêu lên:
- Đúng rồi! Bữa đó khi đang ngủ tôi bị ai đó cào
vào chân, tôi dậy thì thấy cô gái chạy ra ngoài, tôi tưởng đâu là Mường Lan nên
đuổi theo. Đến khi cô ấy ngã, tôi ngã ập lên người cô ấy, và... chợt thấy bộ
mặt ma chứ không phải người, tôi sợ quá và đã ngất đi!
- Con Mèng Lan đã cứu cậu đem vào nhà, nhưng cũng
chính vì vậy mà nó bị hồn con ma xó nhập vào.
Điền hốt hoảng:
- Vậy là cô ấy thành ma luôn sao?
A Tư thở hắt ra một hơi:
- Cũng may là không hẳn như vậy. Tôi nói để cậu rõ
hơn, xứ Mường chúng tôi có mấy loài ma, nào là ma trành, ma lai, ma xó. Trong
số này thì ma xó là hiền lành nhất, chỉ có bám theo người để được... yêu mà
thôi. Tuy con Mèng Lan bị hồn ma nhập, nhưng là con ma xó cũng hợp với nó, bởi
nó cũng đang muốn theo cậu.
Điền lo lắng:
- Nhưng dẫu sao thì cô ấy cũng...
A Tư nói đầy tự tin:
- Vừa rồi tôi đã nhờ thầy xem kỹ, người ta nói con
Mèng Lan bị con ma xó đó nhập hồn chỉ nhằm mục đích chính là... thương cậu.
Chính nó đã giúp cho Mèng Lan làm những việc mà chỉ có hồn ma mới làm được mà
thôi. Ví dụ như... ghen, như bám theo cậu như hình với bóng. Nó là một hồn ma
hiền lành và nó sẽ rời bỏ cậu, để cho Mèng Lan trở lại thành người bình thường
khi nào cậu với Mèng Lan có con!
Điền chẳng biết làm sao trong lúc này. Anh cứ ngây
người ra. Chừng như hiểu ý anh, A Tư đi đâu một lúc, khi trở vào đã nói khẽ:
- Cậu đừng nghĩ đến chuyện bỏ đi. Ma xó hiền lành
nhưng một khi nó đeo ai thì đừng hòng thoát. Cậu muốn trốn về thành phố nó cũng
theo suốt đời!
Nghĩ là anh ta nói đúng, nên sau đó Điền phấn khởi
trở lại, bắt tay vào lo công việc sắp tới. Nhất là mỗi khi nhìn vào bếp, thấy
Mường Lan với khuôn mặt rạng rỡ thì bao nhiêu lấn cấn trong lòng Điền như tan
biến hết...
MỒ HOANG HUYỆT LẠNH
(Tác giả: Người Khăn Trắng)
I.
Làm chủ một lúc bốn quán bar ở khắp nơi, từ Sài Gòn tới
Vũng Tàu, chuyên phục vụ quân đội viễn chinh Pháp vào những năm 1952, bà
Jacqueline Liễu, thường được gọi bằng cái tên tắt là Giắc-Cơ-Lin Liễu hay MaĐàm
Liễu, được giới kinh doanh nể nang. Họ nể MaĐàm Liễu không bởi tài năng kinh
doanh hay tài sản lớn của bà ta, mà nể nhất là tài chạy áp phe nhiều phi vụ làm
ăn béo bở, qua mặt cả các đại gia nổi tiếng!
Có người cho rằng sở dĩ MaĐàm Liễu thành công là do biết
khai thác tối đa ưu thế nữ sắc của mình. Nhưng điều đó chỉ đúng một phần, bởi
dẫu sao thì bà ta tuổi tác cũng đã gần năm mươi, có quyến rũ thì cũng chỉ đủ
sức quyến rũ những lão già hết gân, chớ còn những hạng trẻ hơn, họ đâu khoái
sưu tầm đồ cổ. Chính xác như lời một người am tường nhận xét:
- Mụ Liễu đi qua cửa nào cũng lọt là nhờ biết tận dụng
hai ưu thế, tiền đút lót và... gái đẹp!
Gái tức là những cô gái loại hoa nhường nguyệt thẹn, mơn
mởn đào tơ! Mà những thứ này thì MaĐàm Liễu thuộc loại siêu phàm. Trong giới
kinh doanh nhà hàng, quán ba thường kháo nhau:
- Nếu muốn tuyển hoa hậu quán bar hay vũ trường thì phải
tìm lính của mụ Liễu!
Tiếng dữ đồn xa, nên bất cứ dân chơi nào một khi đi chơi
đêm thì luôn tìm vào các quán của mụ Liễu. Ở Vũng Tàu (thời 1952 người ta quen
gọi Ià Cap Saint Jacques hay Ô Cấp-TG) có quán Les Chattes Noir (Những con mèo
cái đen) được dân chơi đặc biệt quan tâm. Bởi nơi đó có một hoa khôi làng chơi,
cô Ánh Hồng!
Và có một tay khách chơi lắm của nhiều tiền, chịu chơi số
một, tên gọi lão Tư Đại. Lão là khách ruột của những con mèo cái, nên hôm đó
lão tới quán sớm và vừa ngồi xuống chiếc bàn quen thuộc thì cô cai gà (tài
phán) đã bước tới đon đả chào:
- Dạ, đại ca vẫn như cũ!
Lão ta gật đầu, nheo mắt và kèm theo một tờ giấy bạc
thẳng nếp, loại giấy hai mươi đồng Đông Dương (gọi là giấy cảnh - vingt
piastres) được lão nhét tận ngực áo cô ả. Tài pán Xuân Đào hô một tiếng lớn:
- Chai Hennessy, xô đá uống cồng-xom-ma-xông!
Đó là thức uống quen thuộc của lão Đại này. Mỗi bữa lão
ta và đào ruột chỉ uống chừng nửa chai, còn lại mấy tay bồi bàn hưởng! Bởi vậy
bồi nào cũng khoái phục vụ đại ca.
Tái pán Xuân Đào còn quay sang một trợ lý dặn nhỏ:
- Bảo Ánh Hồng xuống nhanh lên, anh Tư tới rồi!
Ả trợ lý nhanh chân chạy lên lầu, nơi Ánh Hồng có một
phòng trang điểm riêng. Gõ cửa đến lần thứ hai vẫn không nghe động tĩnh bên
trong, cô nàng Hai Nga gọi lớn hơn:
- Cô Hồng ơi, khách đang đợi!
Vẫn không trả lời. Một cô đào khác đang trang điểm phòng
kế bên lên tiếng:
- Nó mới vào đó mà!
Hai Nga sốt ruột nên đẩy đại cửa phòng vào.
- Trời ơi!
Chị ta kêu lên và bước lùi lại một bước. Trước mặt chị ta
là một người nằm úp mặt trên bàn phấn, máu đọng thành vũng chung quanh!
- Bớ người ta! Cô Ánh Hồng... cô Ánh...
Chị ta líu lưỡi không nói tiếp được. Mấy tiếp viên khác
đổ xô tới, có người chạy vào vực nạn nhân dậy. Ánh Hồng chết do một con dao đâm
sâu vào ngực từ phía sau lưng!
Chỉ một phút sau thì cả quán đã náo động. Dĩ nhiên người
kinh hãi nhất là Tư Đại, bởi Ánh Hồng là đào ruột của ông ta. Gần như ông ta
bao đứt cô hoa khôi này. Hầu như ngày nào ông ta có mặt thì Ánh Hồng không được
ngồi với ai.
Bằng giọng xúc động cực độ, ông ta hỏi mọi người:
- Ai thấy kẻ nào làm chuyện này?
Ai cũng lắc đầu:
- Tụi này đâu bao giờ được vào phòng riêng của cô ấy đâu
mà biết. Chỉ thấy khoảng mười lăm phút trước, cô ta từ ngoài bước vào rồi đóng
cửa phòng lại cho tới lúc này!
Tài pán Xuân Đào cũng xác nhận:
- Trưa nay nó nói đi sắm vàng ở chợ, nhưng chỉ lát sau
thì về. Em còn thấy mặt nó tươi rói, chứng tỏ đang trúng mánh! Nó còn khoe với
em chiếc lắc tay mới mua, nặng đúng một lượng!
Mọi người lúc ấy mới chú ý nhìn vào tay và cổ nạn nhân,
hầu như các loại nữ trang đều còn đủ.
- Như vậy đâu phải cướp của!
Ai đó nói, vừa lúc ấy nhà chức trách đến. Một điều tra
viên sau khi nhìn kỹ cán dao ló ra trên lưng nạn nhân đã nói to lên:
- Dao này của Pháp sản xuất, có ghi người sở hữu nó, ông
Lê Hữu Đạt, chủ hãng tàu biển Đại Dương!
Câu nói vừa phát ra khỏi cửa miệng anh ta tức thì Tư Đại chụp
cổ hắn vừa quát lớn:
- Mày giỡn mặt với tao hả?
Tay điều tra viên vẫn bình tĩnh:
- Tôi đang làm việc, đâu giỡn với ai. Yêu cầu ông bỏ tay
ra để tôi tiếp tục.
Mọi con mắt đang đổ dồn về phía Tư Đại, bởi câu xướng
danh vừa rồi chính là... tên của ông ta. Quán này ai mà không biết!
Buộc lòng Tư Đại phải buông tay thả điều tra viên ra,
nhưng vẫn hậm hực nói:
- Đừng có giỡn kiểu đó nghe chưa!
Nhưng điều tra viên đâu có giỡn, bởi vừa khi ấy chính mắt
của Tư Đại cũng nhìn vào con dao và nhận ra đó chính là con dao của mình!
- Sao... sao lại thế này?
Một điều tra viên có biết Tư Đại, anh ta quay sang hỏi:
- Con dao này là của ông?
Tư Đại hơi mất bình tĩnh:
- Nhưng mà... mà... tôi đâu có làm việc này! Ai đó đã...
Trước tang chứng rành rành như vậy nên cuối cùng Tư Đại
phải theo điều tra viên về trụ sở cảnh sát. Tại đây người ta còn đưa ra một
bằng chứng khác, đó là mảnh giấy nhỏ trên đó có ghi mấy dòng chữ: "Em mà
không tới thì đừng có trách! Tư Đại này chưa nói suông bao giờ!"
- Chữ viết này có phải của ông không?
Làm sao phủ nhận được khi hai năm rõ mười như thế, cho
nên Tư Đại phải gật đầu:
- Đúng, nhưng mà...
Điều tra viên nói:
- Ông khoan nói gì khác, yêu cầu cứ trả lời đúng những gì
chúng tôi hỏi. Ông viết giấy này cho cô Ánh Hồng lúc nào, bởi chúng tôi lấy được
nó từ trong túi áo cô ấy khi khám nghiệm tử thi.
- Sáng nay tôi có hẹn với Hồng đi ăn sáng, nhưng trước đó
cô ấy tỏ ý mệt không muốn đi. Tôi viết mấy chữ đó và cho một đệ tử mang tới.
- Rồi cô ấy có ra nơi hẹn để gặp ông không?
- Có! Chỉ nửa giờ và cô ấy được tôi đón taxi cho về.
- Ông có theo về quán không?
- Ngay lúc ấy thì không. Mãi tới hơn 7 giờ tối tôi mới
tới và hay tin cô ấy bị...
- Lúc xảy ra án mạng ông ở đâu?
- Tôi ngồi trong quán, ở tầng dưới, có mọi người trong
quán nhìn thấy. Còn phòng cô ấy ở trên lầu.
- Vậy ông lý giải thế nào về con dao của mình đâm ngập
vào thân thể cô ấy?
Tư Đại đã bắt đầu mệt mỏi với những lời hỏi cung, nếu là
bình thường thì ông ta đã quát vào mặt của mấy điều tra viên, bởi họ chỉ là cấp
thừa hành, còn lão ta thì quen với cấp cao hơn của họ!
Tuy nhiên, lúc này Tư Đại thấy chưa cần phải lớn tiếng,
ông ta hỏi nhát gừng nhân viên điều tra:
- Xong chưa? Tôi về được chưa?
Trưởng toán điều tra nói thẳng:
- Ông còn phải ở lại. Có một số điểm chưa rõ ràng.
Tư Đại không còn kiềm chế được nữa, gắt lên:
- Bộ các người cho là tôi giết người sao? Tôi đi giết
người tôi yêu thương nhất đời sao?
- Xin lỗi ông, chúng tôi chưa kết luận. Chỉ làm nhiệm vụ
điều tra của mình thôi. Mong ông thông cảm.
Phải mất hơn một giờ nữa cuộc điều tra mới tạm kết thúc,
Tư Đại được cho về nhưng được lưu ý:
- Chúng tôi sẽ mời lại ông bất cứ lúc nào khi chưa tìm ra
nguyên nhân tại sao hung khí giết người lại là của ông.
Chính Tư Đại cũng không thể nào hiểu được tại sao lại như
vậy?
MaĐàm Liễu buồn còn hơn lão Tư Đại khi mất Ánh Hồng, bởi
Hồng là nguồn thu quan trọng của quán. Nhan sắc của cô ta và sự quyến rũ đã
khiến khách kéo tới càng lúc càng đông, mặc dù nhiều người vẫn biết Tư Đại độc
quyền bao hoa khôi hương sắc này. Lúc đưa tang Ánh Hồng mụ Liễu đã khóc sưng vù
cả hai mắt và tuyên bố đóng cửa quán ba ngày, coi như để tang cho một kiếp hồng
nhan bạc phận.
Khi qua ba ngày, lúc mở cửa khai trương lại, chưa có
khách nào tới thì có một cô gái mặc nguyên bộ áo dài màu xanh ngọc thật sang
trọng từ ngoài bước vào cất tiếng hỏi ngay:
- Ai là chủ ở đây?
Nếu là ai khác mà hỏi như vậy ắt sẽ bị mụ Liễu chỉnh
ngay, nhưng trước nhan sắc quá ấn tượng của khách, khiến mụ chủ cao thủ cũng
phải ngẩn ngơ, mụ hỏi lắp bắp:
- Cô... cô hỏi ai?
Nàng ta vẫn giữ giọng lúc nãy:
- Hỏi chủ?
- Tôi... tôi là chủ. Chẳng hay...
Bấy giờ khách mới cười nhẹ:
- Thì ra đứng trước thái sơn mà tiện nữ lại không hay.
Kính chào MaĐàm Liễu! Xin tự giới thiệu, tôi là Xuân Hằng, một người thất
nghiệp đi tìm việc!
Mụ Liễu đứng lên chụp lấy tay của khách, vồn vã ngay:
- Nếu có vài ngàn người thất nghiệp như cỡ cô thì chị sẽ
xây thêm mười cái quán này để rước về làm việc! Chào em Xuân Hằng!
Cô nàng rất tự tin kéo ghế ngồi đối diện chủ nhà, vừa lặp
lại lời lúc nãy:
- Em là người thất nghiệp đi xin việc, chị Liễu có nhận
không?
Mụ Liễu còn chưa hết ngất ngây trước tấm nhan sắc lạ lùng
này, nên đáp hơi chậm:
- Nhận, nhận chớ! Ngu sao không nhận cái sắc nước hương
trời này! Chỉ có điều, e rằng em thích hợp vai bà chủ hơn!
Nàng khiêm tốn:
- Cóc thì làm sao leo cột đình được! Em nói thật, nghe
danh chị nên em mạo muội tới đây xin việc. Em tình nguyện làm bất cứ gì,
miễn... có được việc làm thôi!
Không ngờ ngồi buồn gặp chiếu manh thế này, mụ Liễu lắc
tay cô nàng, giọng mừng rỡ:
- Em là cứu tinh của chị! Không biết em có biết chuyện
đào số một của chị mới vừa đột tử hay không, rõ ràng là chị đang cần một người
để thay thế nó. Em tới thật đúng lúc, quả là trời thương quán này mà!
Chẳng tỏ vẻ mừng vui hay đắc ý, Xuân Hằng nói bình thản:
- Cũng may cho em, vừa mất việc ở nơi kia thì có ngay chỗ
làm mới, quá tốt.
Mụ Liễu tò mò:
- Trước khi tới đây em làm ở đâu?
- Làm... người tình!
Trước câu nói pha trò có duyên của cô nàng, mụ Liễu cũng
đùa:
- Làm người tình mà tay nào đó để mất em như vậy tay ấy
là... thằng ngu. Xin lỗi em, chị nói hơi nặng nhé.
Nàng thích thú cười thành tiếng:
- Trái lại, hắn không ngu. Bởi nếu tiếp tục làm người
tình của em thì hắn chỉ có nước... đi ăn mày!
Không ngờ gặp phải một đối thủ còn quá trẻ mà tầm cỡ như
vậy, nên mụ Liễu thật sự bội phục:
- Mới quen em và so về tuổi tác thì em còn nhỏ nhiều,
nhưng chị xin tôn em làm sư phụ! Làm đàn bà phải được như em, hiểu chuyện như
em thì mới xứng danh là... đàn bà!
- Chị Liễu lại quá khen rồi, em chỉ nói chơi thôi. Sự
thật nếu em mà siêu như vậy thì đâu phải đi xin việc như thế này!
- Em phải đi xin việc là vì chị chưa biết, chứ nếu biết
thì chị sẽ đích thân tới rước em về ngay lập tức! Em biết không, con Ánh Hồng
nhà chị tuy cũng đẹp như em, nhưng lúc nó mới vào nghề thì đâu được bản lĩnh và
sức quyến rũ dữ như em bâv giờ. Chị phải mất bao công sức và thời gian mới tạo
dựng được một Ánh Hồng như trước lúc nó bạc mệnh.
Không hỏi gì về Ánh Hồng, cô nàng nhìn khắp quán một lượt
và đột nhiên hỏi:
- Ở đây nghe nói có mấy đại gia si tình phải không?
Mụ Liễu ngạc nhiên vừa thích thú:
- Em mà cũng biết nữa sao? Đúng là có. Có nhiều nữa là
khác! Mà chỉ si tình cỡ như Ánh Hồng. Và bây giờ...
Mụ nhìn Xuân Hằng nheo mắt:
- Bây giờ tới phiên em!
Nàng hỏi nghiêm túc:
- Chị cho em thay thế cô Ánh Hồng?
- Tất nhiên! Chị đang mất ăn mất ngủ mấy hôm rày chỉ vì
chưa biết lấy ai thay Ánh Hồng, thì có em...
Một cuộc họp để giới thiệu Xuân Hằng được triệu tập ngay.
Cũng như bà chủ, hầu hết nhân viên trong quán đều ngẩn ngơ trước nhan sắc của
người mới. Quản lý Xuân Đào phát biểu đầu tiên:
- Tôi chưa chấy ai mà đẹp như con nhỏ này.
Một người khác nói:
- Còn đẹp hơn cô Ánh Hồng nữa!
Xuân Đào phân tích:
- Mỗi người có nét đẹp khác nhau. Cô này hơn Ánh Hồng ở
chỗ khi mới tới đã có sức thu hút ngay. Còn ngày xưa cô Hồng phải qua hơn một
năm được bà chủ huấn luyện thì mới nổi trội lên. Tóm lại, cỡ sắc đẹp và độ
quyến rũ này thì cả hai đều đủ sức hạ gục bất cứ đàn ông nào!
Trong lúc mọi người đang thầm thì bàn tán, thì ngoài
trước, mụ Liễu đã mời Xuân Hằng lên lầu, chỉ phòng cũ của Ánh Hồng, bà nói:
- Đây là phòng riêng của con Hồng, chị muốn dành riêng để
thờ nó. Vậy em nên ở phòng bên cạnh, phòng này vốn là của mấy đứa nó, để chị
cho tân trang lại theo sở thích của em.
- Không cần đâu chị, em sẽ ở ngay trong phòng của Ánh
Hồng và em sẽ nhang khói cho chị ấy. Chị em cùng hội cùng thuyền mà, chắc chắn
là chị ấy sẽ độ cho em.
Còn niềm vui nào bằng, mụ Liễu xúc động nói:
- Được người có tấm lòng như em chị như bắt được vàng!
Không ngờ người hương sắc như em lại có tấm lòng Bồ Tát!
Xuân Hằng tỏ ra thích thú với cách bài trí phòng của
người ở trước, cô khen thật lòng:
- Đây là người đáng cho em ngưỡng mộ. Chị ấy có óc thẩm
mỹ và tính tình hiền dịu, dễ thương.
Mụ Liễu giật mình:
- Sao em biết?
- Nhìn cách xếp đặt đồ đạc và màu sắc đồ dùng là biết
ngay. Con người này đúng ra đâu phải sống ở chốn này?
Mụ Liễu buột miệng:
- Đúng vậy! Nó... nó...
Mụ ta hình như lỡ lời, nên vội im bặt một cách khó hiểu.
Chỉ thoáng thấy Xuân Hằng nhếch mép cười và không nói gì thêm...
Vừa khi ấy, Xuân Đào bước vào thì thầm gì đó, mụ Liễu bực
mình lầm bầm:
- Đã chưa hết rắc rối sao còn tới với lui nữa! Mày cứ bảo
lão ta ngồi dưới phòng đợi tao.
Nhưng đã nghe tiếng của lão ta ngay bên cạnh:
- Hết xôi rồi việc phải không!
Mụ Liễu hơi lúng túng, nhưng bản lĩnh của một con người
từng trải chốn lầu xanh trướng hồng đã cho mụ sự tự tin rất nhanh. Mụ hỏi lại:
- Ông tới đây làm gì nữa, bộ những lời khai vu oan của
ông với tôi ở phòng điều tra chưa đủ hay sao? Bộ người ta không tin hả?
Tư Đại hất hàm:
- Ai cho phép bà nói với điều tra viên rằng tôi có dính
tới cái chết của Ánh Hồng?
Mụ Liễu cười khẩy:
- Thì hai năm rõ mười rồi, cần gì phải chứng minh. Vậy
con dao và bức thư của con Hồng là cái mà điều tra viên có được là đồ giả chắc?
Và những gì ông nói với họ là tôi cũng có nhúng tay là lời nói gió bay chắc?
Ông bảo tôi ngồi yên, trong lúc ông mới chính là thủ phạm!
Lời nói của mụ khiến cho lão đại gia này tím mặt, điên
tiết lên. Lão ta mặt đỏ bừng vì giận, miệng nói mà tay run run:
- Bà nói gì nói lại tôi nghe coi, ai giết Ánh Hồng?
Mụ Liễu không đáp thẳng mà từ từ đứng lên tới bên bàn
phấn, kéo hộc tủ ra, lấy từ trong đó một cuốn sổ tay, đem tới đặt ngay trước
mặt vị khách đại gia:
- Ông cứ đọc những dòng trong đó đi, ắt biết!
Lão ta giở trang đầu tiên đã giật mình! Bởi ngay dòng đó
Ánh Hồng đã viết: "Nếu muốn giết em thì anh cứ đâm thẳng vào con tim này,
cần gì phải thuê người để hại em như thế. Em đã sửng sốt khi nghe Hai Địa nói
rằng chính anh đã thuê hắn hai lượng vàng để giết em rồi vứt xuống sông! Hỏi lý
do, nó nói là do anh đã có người con gái khác, mà em là vật cản cần phải thủ
tiêu!..."
Đợi lão đọc xong, mụ Liễu mới từ từ nói, giọng đầy cay
độc:
- Cuốn sổ này mà tôi đưa cho điều tra viên họ xem thì ông
nghĩ sao? Có đủ để tiêu tan sự nghiệp chưa?
Tư Đại giận mất khôn, lão lồng lên và nhào tới toan chụp
lấy mụ Liễu. Vừa khi ấy, có tiếng một người cất lên:
- Gì mà dữ quá vậy anh yêu!
Người vừa cất tiếng đó chính là Xuân Hằng! Cô nãy giờ
đứng nép trong phòng, nghe và thấy hết cuộc đốp chát giữa mụ Liễu và Tư Đại,
rồi lên tiếng đúng lúc.
Lão Tư dừng tay lại, sững sờ nhìn và kêu tên:
- Cô... cô...
Sự sững sờ của lão ta có lẽ bởi sắc đẹp quá sắc sảo của
cô nàng, hơn là có quen nhau. Nhưng Xuân Hằng thì giọng lạnh lùng:
- Chưa quên nhau sao, ông chủ tàu biển?
- Cô...
Lão cố tình bước lùi mấy bước, trong lúc Xuân Hằng vẫn
giọng đanh hơn:
- Vừa rồi ông đọc điều gì trong quyển sổ kia vậy? Thơ
tuyệt mệnh của cô Ánh Hồng phải không?
Mụ Liễu cũng bất ngờ với tình tiết đang diễn ra, mụ ngạc
nhiên:
- Em... em quen ông ta? Lão ta là nhân tình của Ánh Hồng,
người dính líu tới cái chết của nó.
Mụ đưa cuốn sổ tận tay Xuân Hằng và giục:
- Em đọc đi, để biết lão đại gia này ác như thế nào!
Xuân Hằng đọc rất nhanh và không cần suy nghĩ, cô ta nói
ngay:
- Người con gái khác nói trong này chính là tôi.
Mụ Liễu kêu lên:
- Thảo nào!
Trái lại, Tư Đại thì biến sắc lắp bắp:
- Cô... cô... hại tôi! Cô...
Lão bất thần đổ sụp xuống và gào lên trong tuyệt vọng:
- Chúng hại tôi rồi!
Mụ Liễu vẫn cố tình đổ thêm dầu vào lửa:
- Đúng là trời cao có mắt! Chị đâu ngờ em lại là nhân
chứng sống hết sức giá trị như thế này! Chị một lần nữa cám ơn em, Xuân Hằng!
Cô nàng không đợi hai người nói gì thêm, đã chủ động bước
ra khỏi phòng. Mụ Liễu gọi giật lại:
- Em ở lại và làm luôn hôm nay đi, khai trương mà!
Xuân Hằng nói với lại:
- Em tới chỗ mấy điều tra viên với quyển sổ này. Rồi em
sẽ trở lại ngay. Chào chị!
Tư Đại như con mãnh thú bị thương, lao tới chụp nàng ta
lại, nhưng cơn giận đã khiến cho lão yếu đi bất ngờ và ngã sấp trên sàn, nằm
bất động ở đó, cho đến khi Xuân Hằng bước đi mất dạng...
Mụ Liễu đậu xe ở ven lộ, xuống xe và đi bộ vào xóm.
Người trong xóm đa số là dân lao động nghèo, ăn mặc lam
lũ, cho nên sự xuất hiện của một phụ nữ phục sức sang trọng, vòng vàng đeo đỏ
tay đã gây sự chú ý. Bỗng có người reo lên:
- Chị Liễu! Phải chị Liễu bán đậu phộng hồi trước ở xóm
Giá không vậy?
Nghe có người gọi đúng tên, đúng nghề của mình ngày còn
trẻ, mụ ta khựng lại nhìn, rồi ngượng nghịu:
- Phải... phải Sáu Thà không?
Người phụ nữ mặc quần ống cao ống thấp, cười đưa cả hàm răng
cái còn cái mất ra:
- Tôi đây chớ ai! "Mèn" ơi, con này bây giờ
sang trọng quá, trẻ như con gái mười tám!
Hơi khó chịu bởi bị nhận diện và điểm chân tướng không
lấy gì làm vẻ vang lắm, nhưng mụ Liễu đành phải chịu trận, đứng lại nói chuyện.
- Sao bây giờ tàn quá vậy. Chồng con ra sao rồi?
Sáu Thà đưa tay chỉ về phía cuối xóm:
- Tôi ở đằng kia, nhà nghèo lắm, chồng con đi làm mướn
kiếm ăn hằng ngày. Chồng tôi chắc bà còn nhớ, Ba Sự chuyên cõng bà qua mương
lúc còn đi học chung đó.
Mụ Liễu nhớ ngay:
- Sự "ghẻ" phải không? Hồi đó mỗi lần anh ta
cõng, mình sợ lây ghẻ thấy mồ!
- Bây giờ hết ghẻ rồi, nhưng già lắm, chắc bà gặp nhìn
không ra đâu!
Rồi chị ta kéo bạn cũ vào lề, hỏi dồn:
- Bà đi đâu mất biệt mấy chục năm nay vậy? Ờ, mà hồi năm
đó bà có về một lần, tôi nhớ rồi, bà về ghé nhà Năm Lực, dẫn đứa con gái anh ấy
đi cho tới bây giờ...
Bị nhắc điều mà mụ Liễu không muốn nhắc, nên mụ ta đánh
trống lảng:
- Bạn bè mình ở đây còn mấy người?
Sáu Thà lắc đầu:
- Đâu còn ai. Một số theo chồng con đi xứ khác, còn vài
người thì chết. Bà nhớ con Xuân Lai không? Con nhỏ chuyên đeo chiếc vòng kiềng
ở chân đi học, bị tụi mình ghẹo là mang vòng xích chó đó!
- Ờ, nhớ chớ! Nó sao rồi?
- Chết cách đây mấy năm. Mà chết thảm lắm, bị thằng chồng
uống rượu say siết cổ chết!
- Trời đất!
Sáu Thà thuộc loại khoái tọc mạch chuyện người khác, nên
được dịp tuôn ra một hơi luôn:
- Mà đã hết đâu, mới đây một đứa con gái của nó do thất
tình nên đã thắt cổ chết khi tuổi mới hai mươi!
- Có chuyện đó nữa sao? Thật tội nghiệp!
- Bà sẽ còn tội nghiệp hơn nữa nếu bà biết đứa con gái
của nó thuộc loại đẹp nhất xứ này! Nó đẹp đến nỗi người ta quở, cho rằng nhan
sắc đó không phải là người cõi trần, bởi vậy yểu mạng!
Mụ Liễu hễ nghe nói ai đẹp là chú ý đến ngay:
- Con gái nghèo xứ này mà cũng có đứa đẹp như vậy sao? Mà
nó làm nghề gì đến nỗi bị phụ tình?
- Bán bar! Nghe nói nó là hoa khôi của quán bar nào đó ở
Sài Gòn, cặp với một công tử nhà giàu nào đó, rồi bị thằng đó phụ rẫy nên nó
hận đời, và trong một phút thiếu kiềm chế, nó đã treo cổ tự tử. Thật như người
ta nói, mấy đứa có tên bắt đầu bằng chữ Xuân, như Xuân Lai mẹ nó, rồi Xuân Hoa
dì nó, rồi đến nó Xuân Hằng, đều yểu mạng hết trọi!
Mụ Liễu như bị điện giật:
- Bà nói cái gì? Tên con nhỏ đó là... là Xuân Hằng?
- Bà có quen hả?
Mụ Liễu không giấu:
- Nó trùng với tên một đứa làm cho tôi. Nó cũng đẹp mê
hồn, cũng trẻ như vậy, đang ăn khách, hái ra tiền, vậy mà chỉ làm được chưa đầy
một tháng đã đột nhiên biến mất! Tôi đi về đây cũng bởi việc mất nó đã ảnh
hưởng tới việc làm ăn, định đi tìm đứa khác lên thay. Nó cũng tên là...
Nhưng mụ lắc đầu:
- Trùng tên, nhưng con nhỏ Xuân Hằng này còn sống. Nó mới
bỏ đi cách đây mấy ngày.
Sáu Thà nhanh nhảu:
- Bà có muốn ghé nhà đốt cho Xuân Lai nén nhang không?
Nhân tiện xem ảnh của con nhỏ tôi nói nãy giờ, xem có đúng là hồng nhan bạc
phận không!
Hơi lưỡng lự một chút, rồi mụ Liễu cũng gật đầu:
- Ừ, ghé thử coi.
Việc mới có được Xuân Hằng trong vòng chưa đầy một tháng
đã giúp cho quán bar của mụ ta phất lên vùn vụt bởi khách ái mộ cô nàng này
không thua gì Ánh Hồng ngày trước. Nhất là khi lão Tư Đại bị thất sủng sau vụ
dính líu tới nghi án giết Ánh Hồng, bị điều tra, bị giam mấy tháng rồi được cho
tại ngoại hầu tra có điều kiện, đã khiến tay chơi khét tiếng này bớt chơi, ít
tới quán, giúp cho các khách chơi khác thoải mái hơn, đến quán đông hơn. Vậy mà
đột nhiên Xuân Hằng bỏ đi, chẳng biết là đi đâu!
Việc mụ Liễu về quê cũ một phần là đi tìm Xuân Hằng, mà
cũng vì một chuyện khó nói... Số là, liên tiếp trong mấy đêm liền mụ ta cứ mơ
thấy Ánh Hồng, cô hiện về kêu là mình chưa thể yên được trong cõi âm, bởi một
khi chưa tìm ra thủ phạm giết hại mình thì người ta sẽ không cho hồn phách
người mới chết được yên ổn. Rồi cũng trong giấc mơ đó, Ánh Hồng cứ liên tục gào
khóc đòi mụ ta phải trả mạng cho mình! Mụ Liễu rung động vì lời đòi mạng đó,
nên mụ quyết định phải trở về nơi mà trước đây mụ đã dắt Ánh Hồng ra đi. Sẽ gặp
người mà vừa rồi Sáu Thà có nhắc, đó là Năm Lực!
Mụ ta tính sẽ về trong âm thầm, giải quyết công việc cũng
trong lặng lẽ rồi âm thầm ra đi. Không ngờ lại gặp Sáu Thà, để giờ chuyện thêm
rắc rối.
- Đi bà. Mình ghé nhà Xuân Lai một chút.
Miễn cưỡng bước theo mà mụ Liễu cứ mong cho mau xong
chuyện để còn lo công việc riêng của mình. Ghé vào một ngôi nhà nhỏ, Sáu Thà
giới thiệu:
- Đây là nhà của Xuân Lai.
Không cần phải gõ cửa, bởi hình như nhà không cần khóa,
cũng chẳng có ai ra hỏi. Vừa bước vào thì bỗng mụ liền khựng lại, kêu lên thành
tiếng:
- Trời ơi!
Trước mắt mụ, khung ảnh trên bàn thờ đã khiến mụ muốn
đứng tim! Bởi ảnh đó chính là... Xuân Hằng!
Nghe mụ kêu trời, Sáu Thà ngạc nhiên:
- Có chuyện gì vậy?
Mụ Liễu không tin vào mắt mình, nên bước tới thật gần,
nhìn sát vào bức ảnh, rồi thất thần kêu lên lần nữa:
- Như thế này là sao, hở trời?
- Chuyện gì vậy bà? Quen con nhỏ này hả?
Mụ ta thều thào:
- Chính là nó. Con nhỏ mới bỏ đi hai ngày qua!
Sáu Thà la lên:
- Con này chết cách đây đã ngót hai tháng rồi. Nó thắt cổ
chết ngay sau hè nhà này, chỗ cây xoài, nên mấy hôm này người ta đồn ầm lên
chuyện con ma gốc xoài hiện hồn nhát mọi người. Không biết chuyện đó có hay
không, nhưng chắc chắn là nó đã chết, mả đã gần xanh cỏ rồi!
Mụ Liễu vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
- Không thể được! Không thể có hai người giống nhau như
đúc vậy được!
- Ai giống ai?
- Con Xuân Hằng trong ảnh đây với con nhỏ làm cho tôi
cũng tên Xuân Hằng, giống nhau không thể phân biệt được!
Sáu Thà thật thà:
- Chắc là người giống người thôi.
Bỗng ngoài cửa có người gọi vào:
- Có ai ở nhà không?
Sáu Thà nghe tiếng thì nhận ra ngay:
- Năm Lực đó. Bà nhớ Năm Lực không, ba của con Ánh Hồng.
Mụ Liễu giật thót tim! Mụ ta lúng túng thấy rõ:
- Sao... sao ông ta lại tới đây?
Một người đàn ông ăn mặc kiểu nông dân, xuất hiện với bó
nhang trên tay, vừa nhìn thấy mụ Liễu, ông đã khựng lại và rồi kêu lên:
- Cô Liễu! May quá, tôi không biết tìm cô ở đâu, thì
không ngờ...
Rồi ông nói mà không chờ hỏi:
- Hai đêm rồi tôi chiêm bao thấy con Ánh Hồng người đầy
máu về gọi tôi cứu nó! Tôi hỏi nó bị làm sao thì nó chỉ khóc mà không nói, rồi
sau cùng chỉ nói một câu trước khi biến mất, bảo tôi phải qua nhà cô Xuân Lai
sẽ gặp được nó!
Sáu Thà nói chen vào:
- Nhà Xuân Lai giờ còn đâu mà qua. Anh Năm không nhớ sao,
Xuân Lai đã chết từ lâu rồi, còn đứa con gái bạn con Ánh Hồng là Xuân Hằng thì
kia, anh nhìn lên bàn thờ sẽ biết.
Năm Lực sững sờ nhìn ảnh chân dung, rồi bất giác ông kêu
lên:
- Nó đây mà.
Sáu Thà hỏi:
- Nó là ai?
- Cô này! Chính con nhỏ này hôm qua tôi thấy đứng cạnh
con Ánh Hồng của tôi!
Rồi ông quay sang mụ Liễu:
- Con Ánh Hồng từ mấy năm nay không về nhà, tôi cũng
không nhận được tin tức gì của nó, định lên Sài Gòn tìm cô, bởi hồi đó cô dẫn
nó đi nói là cho nó ở chung với cô. Nhưng chưa kịp đi thì tôi chiêm bao thấy kỳ
quá. Cô Liễu, con Ánh Hồng ra sao rồi?
Bị hỏi dồn, mụ Liễu bối rối:
- Con Hồng... nó... nó....
- Nó chết rồi!
Nghe tiếng nói vang lên mà không thấy người. Cả Sáu Thà,
Năm Lực và mụ Liễu đều ngơ ngác nhìn quanh rồi đưa mắt nhìn nhau. Năm Lực hỏi
lại:
- Có đúng vậy không, cô Liễu?
Mụ Liễu như người mất hồn, lạc cả giọng:
- Nói... nói bậy!
Lời mụ ta vừa dứt thì bức ảnh lộng kiếng của Xuân Hằng
trên bàn thờ bỗng văng xuống đất, vỡ tan thành nhiều mảnh. Sáu Thà hốt hoảng:
- Sao vậy?
Chị ta toan chạy ra nhà sau tìm ai đó thì đã có người sợ
hãi chạy lên hỏi:
- Ai làm ngã bàn thờ vậy?
Thấy quá đông người nên người đó đứng khựng lại. Đó là
một cô gái lớn tuổi, tuy có vóc dáng giống như Xuân Hằng, nhưng gương mặt bị
sạm đen một bên, trông dị hình dị tướng. Sáu Thà nói liền:
- Đây là Xuân Nhi, chị ruột con Xuân Hằng.
Cô gái tên gọi Xuân Nhi đó sau khi nhìn một lượt khách
khứa, đã bình tĩnh lên tiếng:
- Mấy cô mấy bác tới có chuyện gì vậy? Mà sao hình của em
cháu lại bể?
Cô ta vừa hỏi vừa ngồi xuống nhặt từng miếng kiếng bể gom
lại, sau cùng nâng niu tấm ảnh chân dung lên, như sợ nó biến mất! Rồi bất thần
cô ta òa lên khóc, giọng tức tưởi:
- Em tôi nó khổ lắm rồi, nó chết thê chết thảm mà vẫn
chưa yên thân sao!
Mụ Liễu đã sợ thất thần rồi, nhưng cũng ráng hỏi:
- Cô Hằng này chết được bao lâu rồi?
Nhìn đăm đăm vào mụ ta, Xuân Nhi càng tức tưởi hơn:
- Chết cả tháng nay rồi mà có ngày nào yên thân đâu! Hôm
đầu tiên khi còn treo cổ trên dây thòng lọng thì đã bị ai đó nhập hồn vào la
hét vang trời, khiến không ai dám đụng vào xác, phải mất cả buổi mới lấy xác
xuống được. Không biết dòng họ tôi có ở ác với ai, có hận thù gì với ai không,
mà từ má tôi cho tới con Hằng, không ai chết được yên cả, trời ơi!
Rồi đột nhiên cô quay sang Năm Lực:
- Con Ánh Hồng nhà chú từ nhỏ đã chơi thân với con Hằng,
coi nhau như chị em, sao bây giờ lại coi nhau như thù địch, cứ kêu la đòi mạng
là nghĩa lý gì?
Năm Lực hỏi dồn:
- Con Ánh Hồng đòi mạng ai? Con tôi sao lại đòi mạng,
trong khi nó...?
Xuân Nhi bớt khóc, kể khá rành mạch:
- Ngay bữa chôn con Hằng thì không đóng nắp hòm của nó
được, bởi cứ nghe tiếng ai đó kêu gào, bảo phải để xác đó cho họ đưa đi đòi
mạng ai đó. Tôi phải van xin, cầu khấn hết lời mới hạ huyệt được. Nhưng chôn
xong thì nửa đêm hôm đó, tôi lại nghe tiếng khóc của ai đó lạ lắm ngoài mộ con
Hằng! Tiếng khóc của một đứa con gái khác...
Câu nói đó khiến cho Năm Lực điếng hồn, ông ta lại nhìn
sang mụ Liễu và hỏi:
- Sao cô Liễu, con Ánh Hồng tôi ở đâu?
Mụ Liễu lắc đầu, vừa xua tay lia lịa như không muốn nghe
hỏi gì thêm. Mà điều đó càng khiến cho Năm Lực thêm nghi ngờ, ông ta bất thần
chụp tay mụ và gào lên:
- Con gái tôi đâu?
Mụ Liễu vùng mạnh ra và thoát được, rồi vụt chạy nhanh ngoài
sự phán đoán của mọi người. Chỉ sau đó vài chục giây thì không còn thấy bóng
dáng mụ đâu nữa. Sáu Thà cũng phải ngạc nhiên:
- Con này sao vậy cà?
Năm Lực sau vài chục giây hoang mang, đã định thần lại,
vụt chạy theo ra đường cái. Nhưng ông ta ra tới nơi thì chỉ còn thấy chiếc xe
hơi của mụ Liễu mờ mờ sau lớp bụi đường.
Sau hôm trở về từ chuyến đi, hầu như mụ Liễu không ra mặt
ở quán bar, mọi việc mụ ta để cho người quản lý điều hành. Trong quán có hai
quản lý, Xuân Đào là quản lý nhân sự, còn một quản lý nữa là anh ruột của mụ
Liễu.
Người này lâu nay không trực tiếp có mặt, nhưng ai cũng
biết quyền hành lại nằm trong tay ông ta.
Vốn là một cựu mật thám Pháp, nên lão Hăngry Đỗ rất có
nghề trong việc quản lý về mặt giao tế, áp phe.
Chính một tay lão đã giúp cho em gái mình có được một thế
lực mạnh trong thương trường. Ẩn mặt từ lâu, nay phải chường mặt ra là chuyện
bất đắc dĩ, bởi mụ Liễu tha thiết van xin anh mình. Mụ ta bị khủng hoảng tinh
thần, đồng thời do một ẩn tình nào đó, không thể ra mặt lúc này.
Mở cửa quán bar trong tình trạng liên tục bị mất hai bông
hoa hương sắc chỉ trong một thời ngắn là một chuyện khó khăn, tuy nhiên lão Đỗ
vẫn tự tin vào tài ngoại giao của mình sẽ đủ sức thu hút khách chơi trở lại. Do
đó vào chiều hôm ấy, lão ta gọi Xuân Đào vào và dặn:
- Cô cho gom hết các em út lại, lựa ra những đứa dưới hai
mươi tuổi, cho tập trung lại phòng riêng của tôi trên lầu, để tôi sinh hoạt với
họ. Những ai trên tuổi đó thì cho nghỉ bán vài hôm, chờ tôi giải quyết xong
công việc mới tính tới.
Đúng giờ, lão ta có mặt cùng khoảng trên mười cô gái trẻ.
Mặc dù ít trực tiếp điều hành, nhưng lão Đỗ lại có một trí nhớ đặc biệt khi lão
chỉ từng người một và nói tên:
- Hoa Lan phải không? Còn đây là Hương Lý. Kia là Mộng
Nguyệt, bên này là Bích Ngọc và ngồi sau là Tuyết Nhung.
Lão ta nói vanh vách tên của từng người, không sai người
nào. Đến cô gái cuối cùng, lão ta hơi nhíu mày và hỏi:
- Sao tôi lại chưa biết cô này. Vào bán lâu chưa?
Cô gái khá đẹp, có gương mặt lạnh lùng, lễ phép đáp:
- Dạ, em là Hồng Nga, vào làm được một tháng.
Cố nhớ, nhưng lão Đỗ vẫn không nhớ ra:
- Hồng Nga, sao tôi không thấy tên ghi trong danh sách
hành nghề?
- Dạ có, nhưng dưới tên khác, tên Oanh Hồng. Bà chủ nói
cái tên đó gợi nhớ đến chị Ánh Hồng nên bà bảo đổi thành Hồng Nga.
- Có sao đâu. Ánh Hồng này mất thì có Ánh Hồng khác.
Nhiều khi trùng tên lại khiến người lầm, nhất những người khách mới, họ nghe
đồn về Ánh Hồng trước đây, nay tò mò... và biết khi gặp Oanh Hồng này họ lại mê
như khách từng mê Ánh Hồng thì sao?
Rồi lão dặn Xuân Đào:
- Từ nay gọi cô này là Ánh Hồng nghe chưa! Có hỏi thì cứ
ỡm ờ trả lời, không chừng ta lại có một đào chánh mới cũng nên!
Mấy cô khác không hài lòng lắm về cách tính toán của lão
ta, nhưng họ im lặng. Sau đó, lão dặn kỹ từng người:
- Dù em nào ở đây cũng đã làm trên dưới một năm, nhưng
nay tất cả đều thay tên, đổi tuổi, đồng thời nói với khách là chỉ mới vào làm
vài tuần, đến cao lắm là một tháng! Tâm lý chung của khách chơi Ià thích gái
mới, gái nai. Vậy không em nào được chài mồi khách quá lố, không được tỏ ra quá
sành sỏi. Em nào làm không đúng lời dặn sẽ bị cho nghỉ việc lập tức.
Sau đó lão lại họp riêng với những cô gái tuổi lớn hơn.
Lão cũng nói trúng tên từng người và sau cũng căn dặn:
- Các em cũng phải đổi tên, thay tuổi. Phải tạo cho mình
một hoàn cảnh riêng thật ấn tượng. Em thì báo với khách rằng em trốn chồng bỏ
đi ngay đêm tân hôn, đứa thì nói chỉ lấy chồng được đúng ba ngày, gặp phải
thằng chồng quá thô bạo, chịu không nổi! Tóm lại, phải đưa ra nhiều tình cảnh
càng bi thương, ngang trái chừng nào càng gây cho khách sự chú ý, thích thú. Có
nghĩa là tất cả các em đều bị hoàn cảnh mới phải vào đây chứ không phải tự
nguyện, không phải vì đồng tiền.
Rồi lão ta triết lý:
- Làm quán bar, nuôi em út mà để cho khách có ấn tượng
rằng nơi ấy chỉ toàn gái làm tiền, gái sành đời thì xa lắm rồi! Mấy đứa thấy
không, như con Ánh Hồng thật ra nó cũng vì cần tiền nên mới theo cô Liễu lên
đây, làm nghề như mọi người. Chỉ hơn các em là nó có sắc đẹp chân chất hơn, có
vẻ hoa đồng nội hơn, nên được mấy đại gia mê đắm mà làm nên cơ nghiệp!
Bỗng có người nói chen vào:
- Làm nên cơ nghiệp sao gia đình nó ở quê vẫn đói khổ, nó
chết đi chẳng có được một đám tang cho ra hồn! Vậy sao gọi là ngôi sao?
Người vừa nói chính là cô Oanh Hồng, vừa được sửa tên là
Ánh Hồng. Sự xuất hiện của cô ta khiến lão Đỗ khó chịu, bởi vừa rồi lão đã
chẳng ra lệnh nhóm của cô này giải tán rồi hay sao?
- Ai cho phép cô trở lại đây?
Cô ta ngang bướng đáp lại:
- Thì chính anh bảo em phải giả làm Ánh Hồng thứ thật,
được phép ở phòng riêng của Ánh Hồng trước đây, và bây giờ em đang về phòng của
mình!
Lúc ấy lão Đỗ mới chợt nhớ là phòng riêng của Ánh Hồng ở
kế bên. Tuy nhiên, câu hỏi chen vào lúc nãy của cô ta khiến cho lão khó chịu:
- Cô biết gì mà xía vô chuyện của Ánh Hồng?
Cô ta cười khẩy:
- Ở đây mà không biết ấy mới lạ! Ánh Hồng vẫn đêm đêm
hiện về đòi mạng, ai mà không từng gặp!
Lão Đỗ còn chưa kịp hỏi thì hầu như cô nào cũng nói:
- Nó nói đúng! Tối qua đây thôi, chính em cũng nghe Ánh
Hồng về đây kêu hãy giúp nó đòi mạng. Nó bị...
Cô ta nói chưa dứt lời đã bị lão Đỗ chụp tay bóp thật
mạnh:
- Mày mà nói bậy thì đám thằng Công sẽ cho biết tay.
Công Đầu Bò là tên anh chị cầm đầu nhóm thủ hạ của mụ
Liễu và lão Đỗ, chúng đánh người chỉ có tàn phế, giết người chẳng để lại dấu
vết! Bởi vậy em nào mà bị hù là sợ hết vía. Các cô muốn nói thêm gì đó, nhưng
thấy Lão Đỗ hỏi:
- Mấy đứa nói thấy con Ánh Hồng về đòi mạng mà đòi ai?
Cô gái nói dở câu nói lúc nãy, chẳng biết có uống thuốc
liều hay không, chợt nói:
- Đòi bà chủ phải trả mạng cho nó!
Lão Đỗ như giẫm phải lửa:
- Ai nói?
Lão ta thấy mình lố bịch, bởi cô gái kia không vừa nói
đòi mạng mụ Liễu hay sao?
- Tào lao, đứa nào mà nói chuyện này ra ngoài, tao sẽ
giết không tha!
Trong lúc nóng giận, lão ta đã vô tình để lộ bản tính côn
đồ của mình, lão có hơi giật mình:
- Tôi... tôi không được bình tĩnh. Tôi nói quá lời...
Không khí chùn hẳn xuống, trong khi các cô gái thì len
lén nhìn nhau ra dấu rút lui, trong khi lão Đỗ cứ thừ người ra, đầu óc căng
thẳng. Hồi lâu, lão mới ngẩng lên hỏi:
- Còn ai thấy gì nữa?
Lúc ấy lão mới biết là tất cả các cô đều đã rút đi hết.
Nhìn về phía phòng của Ánh Hồng thấy cửa còn mở, cô gái
tên Oanh Hồng vừa mới bước vào, lão Đỗ bước theo, với ý định hỏi thêm vài
chuyện. Nhưng khi lão vừa đẩy cửa vào thì...
- Trời ơi!
Nghe tiếng kêu kinh hoàng của lão, mấy người từ tầng dưới
chạy lên, hỏi lớn:
- Có chuyện gì vậy?
Người ta chỉ thấy một lão Đỗ đứng như trời trồng, hai mắt
trợn trừng chẳng khác một tượng sáp!
- Ông chủ!
Xuân Đào gọi lớn vừa nhìn vào phòng trống trơn. Cô càng
ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy ông Hăng-Ry?
Mãi một lúc khá lâu lão Đỗ mới hồi tỉnh. Lão ta la thất
thanh như người vừa gặp cơn ác mộng:
- Chặn nó lại! Đừng để nó... đừng cho nó giết...
Xuân Đào phải chụp tay lão ta, trấn an:
- Đâu có ai đâu, ông Hăngry?
Đưa tay chỉ vào phòng, mắt lão ta vẫn còn trợn trừng, vừa
gào lên:
- Nó kìa! Nó... treo cổ!
Chẳng riêng gì Xuân Đào, mọi người đều nghĩ lão ta bị
điên. Bởi vậy vài người nói nhỏ với nhau:
- Chắc lão điên vì quán hôm nay ế khách!
Người khác lại nói:
- Chắc tại vì cùng một lúc mất đến hai người đẹp làm ra
tiền nên đầu óc lão và bà Liễu bị đứt mạch rồi cũng nên!
Mất thêm hơn năm phút nữa lão Đỗ mới hết kích động. Nhưng
hễ nhìn vào phòng là lão lại nói:
- Nó treo cổ trong đó!
Xuân Đào hỏi:
- Ông nói ai treo cổ?
Lão trả lời như một người trả bài:
- Con Ánh Hồng. Nó treo cổ chết, lè lưỡi dài tận ngực!
- Đâu có ai trong phòng?
Lão ôm lấy đầu, rên rỉ:
- Đuổi nó đi giùm. Năn nỉ nó cũng được, đừng để nó ở đó
nữa.
Xuân Đào không muốn lôi thôi nên ra dấu cho mọi người rút
hết xuống. Bây giờ cô mới nhỏ giọng hỏi:
- Ông thấy Ánh Hồng phải không? Nhưng phòng này bây giờ
do con Oanh Hồng ở mà. Nó mới đây...
Cô quay tìm Oanh Hồng thì chẳng thấy đâu. Mãi một lúc sau
mới có người tìm thấy cô chui vào trong phòng vệ sinh, mặt mày tái mét, vừa run
vừa lắp bắp nói:
- Cho... cho tôi nghỉ làm! Tôi xin nghỉ...
Rồi từ phút ấy, cô ta gần như không còn tỉnh trí nữa, cứ
vừa run vừa kêu gào, điên loạn.
Phải mất nhiều công sức Xuân Đào mới dỗ được cô ả tỉnh
lại. Đào hỏi khẽ:
- Em thấy gì mà như vậy?
Phải nửa phút sau, cô ả mới đáp tròn câu:
- Ánh Hồng. Cô ấy... bắt em phải chết! Phải chết để cho
bà Liễu lão Đỗ này mang tội giết người!
- Và em đã...?
- Em nghe lời nên leo lên giường, tròng cổ vào dây thòng
lọng và... Nếu lúc ấy không có tiếng la lớn của lão ấy thì em đã chết rồi! Em
bị ngã xuống và chạy trốn! Em sợ lắm chị Đào ơi. Cho em rời khỏi nơi đây ngay!
Đã bắt đầu lờ mờ hiểu câu chuyện đang xảy ra, Xuân Đào
nhẹ giọng bảo:
- Em cứ bình tĩnh, chưa cần phải đi đâu hết. Chị nghĩ là
chị sẽ có cách nói chuyện với Ánh Hồng.
Câu nói của Đào khiến mấy người đứng gần đó đều ngạc
nhiên, và có người nói vào:
- Cứ đợi đêm đến cầu là Ánh Hồng nó hiện về ngay. Tối qua
tôi thấy nó đứng khóc ở cầu thang kia mà không dám kể lại, e mọi người sợ bỏ
việc hết!
Xuân Đào kéo Oanh Hồng về chỗ của mình, vỗ về:
- Em cứ vào phòng chị mà ở, chị tin chắc Ánh Hồng sẽ
không làm gì đâu. Sở dĩ em bị như thế là do hồi nãy em nhận lời lão ta đóng giả
vai Ánh Hồng. Con nhỏ chết oan nên linh lắm, bây giờ mình cúng vái nó, nói rõ
lòng mình thì chị nghĩ nó sẽ không hại ai trong số chị em mình hết.
Oanh Hồng chừng như nhớ ra điều gì, cô nói khẽ:
- Lúc em thấy oan hồn của Ánh Hồng thì bên cạnh có một
người con gái khác nữa, em nhớ ra rồi...
- Ai vậy?
- Con Xuân Hằng mà bà Liễu ưu ái, trọng dụng, nhưng chỉ
mấy hôm rồi nó bỏ đi mất đó!
Xuân Đào thảng thốt:
- Đúng rồi! Con nhỏ đó có sắc đẹp không phải của người
trần!
II.
Mụ Liễu gần như bị choáng khi nghe lão Đỗ thuật lại mọi
chuyện vừa xảy ra ở quán bar. Mụ đích thân đóng cửa cẩn thận rồi mới hỏi rất
khẽ:
- Anh có dặn mấy đứa như con Xuân Đào, thằng Tân tài xế
là không được chỉ nhà riêng của em cho ai lạ không?
- Dặn rồi, nhưng xem ra đám con Xuân Đào đã bắt đầu xầm
xì nhiều chuyện lắm. Nhất là con nhỏ tên Oanh Hồng, nó biến đi đâu mất kể từ khi
xảy ra vụ nó treo cổ trong phòng con Ánh Hồng.
- Tại anh hoa mắt hay sao đó, chớ nếu con Ánh Hồng hiện
hồn về thì nó đâu để anh yên ổn tới giờ này!
Lão Đỗ có vẻ dao động:
- Tao thấy không xong rồi. Cũng tại mày hết, phải chi hồi
đó sau khi ép nó bán trinh cho thằng "xì thẩu" xong, mày lấy số tiền
lớn rồi thủ tiêu nó lúc ấy cho xong chuyện. Mày bày đặt dụ nó làm nghề, hứa sẽ
giữ tiền làm được của nó rồi đưa về cho ba nó xây nhà chi cho rối rắm, phiền
phức!
Mụ Liễu gắt lên:
- Tôi không trách thì thôi, anh còn nói nữa. Hồi đó ai đã
mê nó, bảo sau khi bán trinh nó rồi để nó lại cho anh hưởng xái nhì. Tôi mới
để! Rồi cũng chính anh, khi thấy số tiền nó để dành quá nhiều thì động lòng
tham ra tay thủ tiêu nó, khiến cho rắc rối càng ngày càng lớn, thấy không?
Lão Đỗ chùn xuống:
- Ai mà ngờ...
Rồi lão tự tin trở lại:
- Lúc chôn xác nó, tao đã có nhờ ông thầy Tu yểm bùa
tránh cho nó không thành ma thành quỷ. Ông thầy hay lắm. Tao tin rằng...
Mụ Liễu không dằn được bực dọc:
- Hay cái con khỉ! Hay mà nó hiện hồn về tùm lum.
Lão Đỗ xìu lại:
- Chuyện đó chẳng hiểu sao... mà tao không tin.
- Không tin sao anh quýnh lên khi thấy nó thắt cổ trong
phòng Theo tôi thì bây giờ ta phải coi lại vụ yếm bùa này. Phải chăng thằng cha
thầy đó làm không linh.
- Không lý nào...
Mụ Liễu quyết liệt:
- Ta phải ra tận nơi chôn xác nó để làm lại. Tôi có quen
một ông làm vụ đó tài lắm, tôi sẽ đích thân tới đó mời. Bây giờ anh đi với tôi.
Lão Đỗ có vẻ do dự:
- Hay là... mày đi với lão ta đi. Tao...
Mụ Liễu gắt lên:
- Nhát cáy như vậy thì còn làm ăn gì nữa! Anh nhớ là số
tiền trên một trăm lượng vàng anh hưởng của con Ánh Hồng, coi chừng phải nhả ra
đó!
Nghe nhắc tới điều đó, lão ta lại xìu hẳn:
- Ừ thì đi...
Đích thân mụ Liễu lái xe đi. Trước nhất mụ ghé nhà ông
thầy yểm, nhờ ông ta giúp. Ông ta đưa cho một mảnh vải màu vàng và bảo:
- Cô cứ một mình tới đó, đào mộ lên rồi đặt lá bùa này
xuống quan tài nó, như vậy muôn đời nó sẽ không trở lên được. Chịu khó một
chút, phải đích thân đào không được thuê mướn người khác sẽ lộ chuyện.
Từ hôm về quê lên tới nay, đây là lần đầu tiên mụ ta đi
ra ngoài, lại đi làm cái việc đụng chạm trực tiếp tới Ánh Hồng nữa, nên mụ ta
có phần hơi run. Vừa lái xe, mụ ta cứ đảo mắt chung quanh, chốc chốc lại ngoái
nhìn phía sau, như sợ có người theo dõi.
Tới một nghĩa địa hoang vắng, toàn mồ mả cỏ cây mọc um
tùm, hầu hết là không còn mộ bia. Mụ hỏi:
- Phải ở đây không? Anh nhớ chỗ chôn nó không?
Lão Đỗ gật đầu:
- Sao không nhớ. Tao có làm dấu bằng cây thập tự có ghi
hai chữ tắt AH tên đó nữa.
Họ tới đúng ngôi mộ đất còn mới, cỏ chỉ mọc lưa thưa. Mụ
Liễu bảo:
- Tôi đứng canh, anh tự đào lên đi.
Lão Đỗ lần đầu tiên phải làm việc này nên lúng túng thấy
rõ. Lão lại vừa sợ nữa, nên việc diễn ra rất khó khăn... Phải mất hơn nửa giờ
thì nhát cuốc mới chạm vào quan tài bên dưới. Mụ Liễu giục:
- Nạy nắp quan tài ra mau, bỏ đạo bùa xuống rồi lấp lại
liền. Tôi sẽ giúp anh lấp đất cho nhanh!
Lão Đỗ tay chân run rẩy nên việc nạy nắp quan tài cũng
phải mất khá lâu. Khi nắp bật ra thì...
- Trời đất ơi, xác nó đâu?
Trong quan tài trống không! Mụ Liễu run rẩy nói không còn
rõ câu:
- Anh Hai... Sao... sao thế này? Nó... nó đâu?
Lão Đỗ buông rơi cây cuốc xuống, thất thần:
- Không lẽ... nó... đội mồ sao?
- Đội mồ!
Mụ Liễu không còn bình tĩnh được nữa, mụ bước lùi mấy
bước suýt ngã:
- Không xong rồi! Không xong rồi...
Mụ vừa bỏ chạy vừa run lẩy bẩy, vấp ngã mấy lượt mà vẫn
cố chạy cho thật xa ngôi mộ. Trong khi lão Đỗ thì chôn chân ở đó, bởi có muốn
rút chân ra để chạy theo cô em gái thì cũng không làm được, chừng như có ai đó
ghì lão lại, kéo xuống càng lúc càng mạnh!
- Liễu!
Lão cố gọi theo, nhưng mụ kia nào có nghe thấy gì, mà cho
dù có nghe thì mụ ta đâu còn đủ can đảm để mà dừng lại.
Khi mụ ra tới ngoài xe, rồ máy chạy đi thì trong nghĩa
địa, lão Đỗ cũng vừa lún sâu tới ngang ngực. Lão cảm nhận rõ ràng có bàn tay
của ai đó kéo ghì lão thật mạnh, quyết liệt, lão ta hoàn toàn bất lực trong
việc tự thoát nên chỉ biết nhắm nghiền mắt lại, khóc thét lên trong nỗi tuyệt
vọng!
Nghĩa địa vắng lặng. Dù là giữa ban ngày, nhưng hầu như
không một bóng người. Một cơn gió lạnh thổi thốc qua như muốn cuốn phăng người
đang ngập gần hết thân mình dưới mộ huyệt.
Lão Đỗ, con người mà cả một đời chỉ biết ngập chìm trong
những âm mưu, lòng dạ tính toán hiểm ác, nay tự dưng dẫn xác tới bên nấm mồ chỉ
có hai chữ AH trên thập tự giá và... bỏ mạng ở đó.
Lão ta làm cái việc mà đúng ra phải là của mụ em gái đáo
để của mình...
Hầu như không một ai hay biết chuyện con người tên
Hăng-Ry Đỗ chôn xác trong huyệt mộ mà trước đó chính lão đào, để chôn mộ nạn
nhân là chính lão.
Chuyện mụ Liễu dẫn xác về lại ngôi làng mà chỉ cách đó
chưa đầy một tuần, chính mụ đã bỏ chạy trối chết khỏi đó là một điều khó ai ngờ
được. Mụ lại về lúc nửa đêm mới lạ hơn.
Hình như ma đưa lối quỷ đưa đường sao đó, nên tuy không
đèn đóm, vậy mà mụ ta đi một cách không mấy khó khăn vào đúng khu vườn nhà của
Xuân Lai! Lần tới đúng bên ngôi mộ chôn xác của Xuân Hằng, mụ dừng lại hồi lâu
rồi từ từ ngồi xuống ngay trước đầu mộ. Đã có chuẩn bị trước, nên mụ lấy ra bó
nhang, bật diêm đốt luôn cả nắm và bắt đầu vái rất thành kính. Trong lúc vái mụ
nhắm nghiền mắt lại, nên không thấy có một bóng người từ trong bóng tối như mực
bước tới gần, đứng lặng sau lưng một hồi lâu...
- Cái huyệt lạnh đó bà có biết dành cho ai không?
Mở choàng mắt ra, mụ Liễu ngơ ngác:
- Ai? Ai như là...
- Bà vẫn còn nhận ra tôi sao? Bà về đây là bởi chính tôi
phải không?
- Xuân Hằng.
- Xuân Hằng chỉ đúng có một nửa. Bởi từ trước khi tôi
được chôn xuống đây thì cái tên đó đúng, còn từ lúc tôi đón vong hồn của người
mà bà đã gây ra cái chết cho cô ấy thì tôi không còn mang tên đó nữa! Tôi là
Ánh Hồng.
Mụ Liễu còn đang ngơ ngác thì lại có giọng một người đàn
ông nghe quen quen cất lên phía sau:
- Nếu không có chuyện hồn nhập xác này thì làm sao tôi
biết con gái mình đã chết dưới bàn tay của anh em nhà bà!
Mụ quay lại và kêu lên, dù người đàn ông ấy đứng trong
bóng tối:
- Năm Lực!
Đúng là Năm Lực, ông không hề ngại khi bước tới đứng cạnh
cái bóng trắng mờ ảo mang giọng nói của Xuân Hằng:
- Anh em bà giết chết con Ánh Hồng để chiếm đoạt tiền mồ
hôi nước mắt của nó, rồi giấu xác, ém nhẹm. Con nhỏ chạy về đây mộng cho tôi và
đúng lúc gặp đứa bạn cũ là con Xuân Hằng đây vừa yểu mạng lìa đời. Hồn nó nhập
vào xác Xuân Hằng trở lên Sài Gòn tìm và để tính sổ, nhưng bản chất hiền lương
của nó đã không cho phép nó làm được chuyện đó, nên lại trở về đây. Tuy nhiên,
khi anh em bà lại lấn sâu vào tội ác, vu oan hãm hại Tư Đại, là người đã giúp
con Ánh Hồng nhiều trong thời gian nó làm công cho bà. Số tiền hơn trăm lượng
vàng nó có được và gửi bà giữ, trong đó có đến hơn hai phần ba là của con người
háo sắc nhưng tốt bụng đó. Nó bất nhẫn trước việc bà và ông ta gần tiêu tan sự
nghiệp nên lần này lại phải ra tay. Bà còn gì để nói nữa không?
Mụ Liễu hầu như không còn nói được lời gì để biện bạch,
nên chỉ biết co người lại, vừa bò lui trong thế muốn thoát thân. Nhưng mụ ta
chỉ lùi được mấy nhịp thì bỗng hụt tay, rơi xuống một khoảng trống, một hố sâu
ai đó đã đào sẵn. Một huyệt mộ thì đúng hơn!
Giọng của Xuân Hằng lạnh hơn là khí trời đêm lúc ấy:
- Người chết rồi đâu muốn sống lại làm gì. Nhưng nơi này
cũng còn đủ chỗ cho những người cần phải chết hơn, vậy thì xin nhường!
Vừa dứt lời thì cái bóng màu trắng như sương khói ấy vụt
bay đi. Còn lại Năm Lực, ông ngửa mặt lên trời nói mà không cần biết có ai bên
cạnh:
- Từ nay dẫu con đã chết, nhưng cha con mình thật sự được
gần bên nhau, Ánh Hồng ơi, con hãy về nhà với cha!
Rồi ông lầm lũi bước trong màn đêm...
Cái quán bar của mụ Liễu tái khai trương lần thứ ba mà
không có mặt mụ chủ lẫn ông anh họ Đỗ của mụ ta. Chẳng ai để ý sự biến mất của
họ, mà chỉ quan tâm đến người chủ mới của quán, đó là... lão Tư Đại! Ông này đã
thoát khỏi những rắc rối trước đây và trở lại tiếp quản cái quán bar này, mặc
dù không còn tài sản lớn như trước đây, nhưng lão ta lại vui mừng và háo hức
hơn bao giờ hết trong vai trò mới: Chủ quán bar!
Tư Đại giữ lại hầu hết nhân viên cũ, trong đó có Xuân
Đào. Nhưng cô này bây giờ ngoài nhiệm vụ quản lý các tiếp viên còn kiêm thêm
một công việc quan trọng khác: giữ liên lạc hàng tháng với ông Năm Lực cha của
Ánh Hồng ở quê, bằng cách đưa tiền về nuôi ông và các đứa em còn lại của cô ấy.
Ông Năm Lực được xây cho một ngôi nhà khang trang bằng số
tiền hơn một trăm lượng vàng vốn là tài sản của Ánh Hồng bị chiếm đoạt bằng mưu
đồ xấu xa của anh em nhà mụ Liễu.
Từ đó, tuy quán bar đó không còn những bông hoa hương sắc
nổi trội cỡ Ánh Hồng hay Xuân Hằng, nhưng khách chơi tới vẫn đông và lão Tư Đại
phất lên không mấy hồi. Lão này dần lấy lại vị thế trong thương trường, nhưng
không như lần trước, lão biết dùng đồng tiền kiếm được của mình vào một mục
đích ý nghĩa hơn nhiều: làm từ thiện. Tư Đại nổi tiếng với danh nghĩa bảo trợ
cho bốn viện mồ côi và nhiều việc làm tốt đẹp khác.
Đặc biệt hơn, khi Tư Đại có ý muốn tìm xác của hai người
con gái chết thảm kia để lập mộ thì không làm sao tìm được. Một đêm, vong hồn
cả hai về báo rằng họ bấy giờ không còn thân xác nữa, muốn chôn họ thì nên lập
một cái miếu nhỏ nơi phần đất trong nhà ông Năm Lực, họ sẽ lưu ở đó và sẽ độ
trì cho những ai có lòng tin nơi họ.
Đó bắt đầu một câu chuyện khác về một ngôi miếu, gọi là
Miếu Hai Cô linh hiển về sau
MA XÓ SI TÌNH
Chịu trách nhiệm xuất bản:
BÙI CAO TIÊU
Biên tập: NGUYỄN
CẨM HƯƠNG
Sửa bản in: GIANG MINH TRƯỞNG
Trình bày bìa: SONG THÀNH
In 1.200
cuốn khổ 13x19cm, tại Xưởng in NXBGTVT
Số trích
ngang xuất bản: 377-2009/CXB/27-53/ThaH,
In xong
và nộp lưu chiểu Quý III năm 2010
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét