ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA: U VƯƠNG CƠ CUNG NIẾT - Chuyển ngữ: Trần Đình Hiến (Hà Nội)

Leave a Comment

 

U VƯƠNG CƠ CUNG NIẾT

đời Tây Chu: Đánh đổi non sông lấy nụ cười

*

Những năm cuối đời Tây Chu, xã hội rất rối ren loạn lạc. Năm 841 trước công nguyên, tại quốc đô triều Tây Chu đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của nhân dân trong nước đánh đuổi ông vua hoang dâm tàn ác Chu Lệ Vương, công việc triều chính tạm thời do đại thần Chu Công, Triệu Công giải quyết, sử gọi là "Cộng hoà Chu Triệu". Năm ấy cũng là năm đầu tiên có thể tra cứu về niên đại trong lịch sử Trung Quốc.   

(Dịch giả Trần Đình Hiến)

Mười bốn năm sau, Chu Lệ Vương ốm chết, hai ông Chu, Triệu một lòng trung nghĩa với nhà Chu, đã lợi dụng sự mê tín để làm dịu sự phẫn nộ của dân chúng, đưa con trai của Lệ Vương là Cơ Tịnh lên ngôi thiên tử, tức Chu Tuyên Vương.

Sau khi kế vị, Chu Tuyên Vương cũng tỏ ra hăng hái trong việc trị nước, nhưng về cuối đời, nhà vua trở nên cố chấp, bắt nước Lỗ bỏ con đường lập con út, người nước Lỗ không phục, nha vua cất quân đi đánh Lỗ. Đại thần là Đỗ Bá can ngăn, nhà vua giết Đỗ Bá. Đỗ Bá chết không lâu, Cơ Tịnh cũng bị bạo bệnh mà chết.

Ngôi vua cuối cùng của Tây Chu truyền cho U Vương.

U Vương họ Cơ, Tên Cung Niết, là con cả của Tuyên Vương Tịnh, lên ngôi sau khi Tuyên Vương chết, không rõ ngày sinh, mất năm 771 (trước công nguyên), chỉ làm vua được mười một năm. Trong mười một năm trị vì thiên hạ, Cung Niết đã làm được những gì?

 

1. THẢ HỔ HẠI THÁI TỬ, MẤT HẾT LUÂN THƯỜNG

Một học giả khi bàn về sự thay thế các vương triều trong lịch sử Trung Quốc có nói rằng, từ góc độ tín sử (ghi chép xác thực) mà xét, Chu u Vương là ông vua đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc chết dưới lưỡi dao của con đẻ. Lời nhà học đúng mà không đúng. Căn cứ vào chữ nghĩa thì Chu U Vương chết dưới lưỡi dao của quân Khuyển Nhung, chứ không phải của con trai mình. Nhưng nếu xét theo nghĩa rộng, cái chết của Cơ Cung Niết và cả sự diệt vong của vương triều Tây Chu, đều liên quan đến Cơ Nghi Cựu, con trai của U Vương.

Chu U Vương có hai thái tử, một là Cơ Nghi Cựu do Thân Hoàng Hậu sinh ra, một là Cơ Bá Phục, con của Bao Tự. Xét về tuổi thì Cơ Nghi Cựu là trưởng, nhưng không được nhà vua yêu bằng Cơ Bá Phục, lí do cũng đơn giản: "con được hiển quí là nhờ ở mẹ", đây là câu giải thích đầy đủ nhất trong trường hợp này.

Ai cũng biết rằng Cơ Bá Phục là con trai Bao Tự, bà phi được nhà vua sủng ái nhất. Về bà này, có bao nhiêu chuyện đã trở thành truyền thuyết.

Đồn rằng, voà thời vua Khổng Giáp nhà Hạ, có một con rồng sa xuống giữa sân chầu, và đã để lại một ít tinh dịch. Khi đó thầy bói của cung đình cất tinh dịch đó trong một cái hộp gỗ nhỏ, lưu truyền cho các đời sau.

Đến đời Chu Lệ Vương cũng không ai dám mở ra. Một hôm vì quá rỗi rãi, Lệ Vương tản bộ đến chỗ cất chiếc hộp gỗ tại một cung điện, nhà vua hỏi: Đây là cái gì? Sao niêm phong kỹ thế?

- "Muôn tâu thánh thượng, đây là chiếc hộp đựng tinh dịch của rồng, lưu giữ từ đời vua Khổng Giáp nhà Hạ, không được mở ra một cách tuỳ tiện" - một cung nhân tỏ ra am hiểu trả lời nhà vua.

- "Có gì mà nhà ngươi sợ run lên như vậy? Bất quá chỉ là chiếc hộp cũ. Mở ra, Trẫm đã từng nhìn thấy tinh dịch lợn ngựa, nhưnh chưa bao giờ thấy tinh dịch rồng".

- "Tâu thánh thượng, tinh dịch rồng cũng không có gì hay mà xem, hộp lại không được mở tuỳ tiện, nếu không hậu quả không biết đâu mà lường!".

-"Câm mồm, mở hộp ra! Chẳng lẽ trẫm phải tự tay mở ra hay sao?"

Sự tình đã như vậy, người cung nhân già đành phải mở cái hộp ra. Thế là, một thứ dịch mầu trắng và dính như hồ chảy tản mát ra tứ phía, không sao ngăn lại được. Nhà vua bèn lệnh cho các cung nữ "cởi hết quần áo ra để tinh dịch thẹn mà quay lại". Kể cũng lạ dòng tinh dịch chui vào trong  cơ thể cung nữ xinh đẹp, tuổi vừa đôi tám, khiến cô thụ thai. Cái thai trong bụng rất nhiều năm, mãi đến thời Tuyên Vương mới sinh một bé gái. Sau đó, âm dương xoay vần thế nào mà người con gái đó lưu lạc đến đất Bao (thuộc đất của nhà Chu) làm con nuôi Bao Chước, người nước Bao. Bao Chức vì lỡ xúc phạm Chu U Vương nên bị bỏ ngục, người nhà cô ta bèn đem cô gái dâng cho Cơ Cung Niết. Nhà vua hỏi họ tên, cô gái nói tên là Bao Tự, từ đó gọi nàng là Bao Tự. Bao Tự mặt hoa da ngọc, mi thanh mặt tú, răng trắng môi hồng, đẹp đến nỗi chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường. U Vương yêu như hòn ngọc trên tay, đưa vào hậu cung, sinh được một trai đặt tên là Cơ Bá Phục.

Từ hôm Cơ Bá Phục chào đời, Bao Tự ngày đêm suy tính, tìm cách để Bá Phục thay thế Nghi Cựu, nối ngôi U Vương. Có hai biện pháp để trở thành nhà vua trong tương lai: một là phế bỏ Thân hậu, người đã sinh ra Nghi Cựu, hai là tìm cách loại bỏ Cơ Nghi Cựu. Về biện pháp thứ nhất thì các đời sau người ta vẫn dùng để bỏ trường lập thứ, nhưng Bao Tự lại không dùng. Vì sao vậy? Vì đằng mẹ đẻ Thân hậu - nước Thân vốn là nước mạnh trong các nước chư hầu, nay l;oại bỏ Thân hậu, chắc chắn sẽ bị Thân Hầu trả thù.

Biện pháp thứ nhất không thông, Bao Tự hướng sang biện pháp thứ hai. Lúc này, Chu U Vương đã bị Bao Tự dắt mũi, bảo sao nghe vậy, ngoại trừ lên trời hái trăng, xuống biển bắt rồng, còn thì Bao Tự muốn gì là nhà vua sai người làm bằng được.

Một hôm, sau khi chăn gối, Bao Tự nũng nịu bên tai nhà vua, vẫn là chuyện loại bỏ Cơ Nghi Cựu, lập Cơ Bá Phục. Lúc đầu Cơ U Vương còn do dự, vì hổ dữ không ăn thịt con, huống hồ Nghi Cựu là con đẻ của nhà vua. Nhưng dù phụ tử tình thâm vẫn không thắng nổi "lời tỉ bên gối". Cuối cùng U Vương đành nghe theo lời Bao Tự, hơn nữa còn nâng hành động lên trình độ nghệ thuật. Thế là sảy ra một chuyện tưởng chừng ngẫu nhiên.

Đó là một buổi hoàng hôn đầu thu, Cơ Nghi Cựu một mình lững thững đi dạo trong vườn Thượng Lâm, có lẽ phải suy nghĩ điều gì đó. Thái tử đi vào khu nhốt hổ mà không hay. Khu này xây dựng đầu đời Tây Chu, nhốt các loại mãnh thú như hổ, báo, gấu, tì (một loại ác thú) để kỷ niệm cuộc gặp gỡ giữa Tây Bá và Chu Công, một cuộc giai ngộ của "rồng mà không phải rồng, hổ mà không phải hổ, gấu mà không phải gấu", một cuộc gặp mà nên nghiệp bá, nhưng về sau thì nơi đây chỉ để thuần tuý thưởng ngoạn. Bình thường thì bổ báo đều được nhốt trong cũi. Vì vậy, Nghi Cữu khi phát hiện ra đây là khu hổ báo nhưng trong lòng không chút lo sợ. Tuy vậy, đi trước vài bước, Thái tử cảm thấy có điều không bình thường: trong vườn không một bóng người, những người trông nom vườn thú đều không thấy mặt. Đang phân vân thì chợt có tiếng gầm dữ dội, con hổ vằn vốn được nhốt cẩn thận, đã vọt ra khỏi chuồng, Thái tử thoáng thấy một bóng người phía sau chuồng hổ thì chợt hiểu đây là một âm mưu.

 Giữa lúc nguy cấp, Thái tử lại tỏ ra rất bình tĩnh. Khi con mãnh thú chồm tới, Thái tử không hốt hoảng bỏ chạy, trái lại cũng tiến đến đối mặt với con hổ và bất giác cũng gầm lên một tiếng khiến con hổ giật mình lùi lại, nằm phục xuống. Nghi Cựu nhân đó mà thoát thân.

U Vương mưu kế không thành rồi cũng quên đi, chỉ có Bao Tự thì không quên, không bao giờ cười nữa. Trước tình hình đó, U Vương lo thắt ruột, ngày đêm suy nghĩ làm sao để Bao Tự lại cất tiếng cười.

 

2. ĐÁNH ĐỔI GIANG SƠN LẤY TRẬN CƯỜI, ĐỐT LẦU PHONG HOẢ ĐỂ MÀ CHƠI

Một buổi sáng tháng 12 năm 722 (trước công nguyên0 tại quốc đô Cảo Kinh (nay là tây nam thành phố Tây An, Thiểm Tây), rất nhiều ngưòi xôn xao bàn tán trước bản cáo thị viết trên giấy da dê. Thì ra đây là một giải thưởng. Cáo thì nói rằng, quốc mẫu Bao Tự vì lo việc nước, không thiết mở miệng cười, vì vậy, ai có kế lạ khiến quốc mẫu cười, lập tức được thưởng ngàn vàng.

Cáo thị vừa ban bố, lập tức có kẻ hiếu kỳ chạy đến nước Bao, báo cho bố nuôi của Ba Tự là Bao Chước. Bao Chước tham ngàn vàng, nghĩ ra một kế: đề nghị U Vương trữ rất nhiều lụa. Thì ra, hồi nhỏ Bao Tự rất thích nghe tiếng xé lụa, Bao Chước nghĩ rằng cứ xé thật nhiều lụa chắc chắn Bao Tự sẽ cười. Nào ngờ "tích cũ diễn lại" không ăn thua, Bao Tự hoàn toàn không còn thích tiếng xé lụa, nói gì đến mở miệng cười? Bao Chước không những không được thưởng, mà còn bị một phen bẽ mặt.

U Vương thấy ngay cả cha nuôi của Bao Tự cũng không thể làm  cho nàng cười thì trong lòng rầu rĩ, liền tăng tiền thưởng.

Người ta có câu; "Cứ thưởng lớn, tất có kẻ bạo gan", liền thưởng lên đến hai ngàn vàng, liền có người hiến kế.

Người hiến kế là ai? Đó là Qoắc Thạch Phụ. Ông này thuộc loại "trên đầu có bướu", một con người đầy mưu mẹo. Nói ra thật xấu hổ, ông ta cũng là đại thần nhà Chu, có điều, ông ta không giúp vua trở thành Nghiêu Thuấn, trái lại rắp tâm đẩy chủ vào tà đạo. Thấy nhà vua cuống quýt. Ông ta hiến ngay một kế: đốt lầu phong hoả để ghẹo các chư hầu.

Số là, cuối đời Tây Chu, vua mê muội, bề tôi ngu dốt, rất nhiều nước trong số "tám trăm nước chư hầu" của vương thất nhà Chu không chịu thần phục. Minh văn khắc trên "Vũ đỉnh" chép rằng, khoảng giữa và cuối thời kỳ chấp chính của Chu Tuyên Vương (cha của U Vương), Ngạc Hầu vốn thuộc nhà Chu đã liên kết với Đông Di và Nam Hoài Di tấn công vương thất nhà Chu, đánh thẳng tới vùng phụ cận của kinh thành. Vua Tuyên Vương dốc hết binh lực trong nước, lại được một số chư hầu có bụng trung thành đem quân giải vây, mới đánh bại được quân phiến loạn. Cuộc chiến đã cho thấy sự suy yếu về thực lực quân sự của nhà Chu nên một số bộ tộc thiểu số láng giềng như Khương Nhung, Khuyển Nhung liên tiếp xâm phạm, gây bao phiền phức cho vương thất nhà Chu. Để đề phòng sự quấy nhiễu của Khuyển Nhung, tập đoàn thống trị Tây Chu cho xây dựng hơn 200 đài phong hoả trên núi Li gần Cảo Kinh. Thời xưa, việc thông tin liên lạc còn rất nguyên thuỷ, chỉ dựa vào sức người để truyền đạt, nên tính thời hiệu rất thấp. Sau khi có đài phong hoả, hễ có địch, liền đốt phân chó sói trên đài (nghe nói đốt bằng phân chó sói thì khói bốc rất cao), trong vòng mấy dặm đều trông thấy. Đài nọ báo cho đài kia, chỉ một thoáng, tình hình quân sự trong vòng mấy chục dặm đã sáng tỏ. Nghe  nói đài phong hoả trên núi Li Sơn của Chu U Vương là để gọi các chư hầu đến cấp cứu. Nói cách khác , khi đài phong hoả đốt lên, các lộ chư hầu đều biết là có giặc uy hiếp kinh thành, bất kể ngày đêm đem quân về cứu. Quắc Thạch Phụ coi đây là một tuyệt chiêu, xui U Vương cứ đốt đài phong hoả, khiến chư hầu bị hẫng khi đem quân về cứu ứng, gây cười cho Bao Tự.

U Vương rất đỗi vui mừng. Nhà vua hoàn toàn không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng của việc đốt đài phong hoả bèn lệnh cho người đốt đài, còn nhà vua thì dắt Bao Tự lên đài bí mật quan sát tình hình.

Lại nói các lộ chư hầu thấy các đài phong hoả trên Li Sơn đều bốc cháy, tưởng rằng Khương Nhung, Khuyển Nhung lại đem quân đến vây hãm kinh thành, liền đi gấp ngày đêm, người không cởi giáp, ngựa không tháo yên, xộc thẳng tới Li Sơn.

Lúc này đang là tháng mười hai, nước đóng băng. Khi các lộ quân cần vương kéo quân đến châ núi Li Sơn, ai nấy đều trở thành "Bạch mã tướng quân", băng tuyết bám đầy khôi giáp, như con ngựa trắng.

Bao Tự ngồi uống rượu trên đài cao trông thấy tình cảnh đó, nhất là khi nghe U Vương tuyên bố "Đây chỉ là một trò đùa nho nhỏ, chẳng có giặc giã gì đâu" thấy các lộ hầu tỏ ra vô cùng thất vọng, ngơ ngác và ủ rũ, Bao Tự không nhịn được, bật cười một tiếng. Đúng là tiếng cười sáng bừng khuôn mặt. Khiến U Vương thấy bao tâm huyết của nhà vua là đáng giá, lập tức ban thưởng cho Quắc Thạch Phụ hai nghìn lạng vàng. Hoa nào cuống ấy, lại nói sau khi Thá tử Cơ Nghi Cựu trốn khỏi Cảo Kinh, chạy một  mạch sang nước của cậu ruột là Thân Hầu. Cơ Cung Niết đã không biết thẹn với con mình đẻ ra, trái lại còn hạ lệnh bắt tội luôn cả Thân Hầu, người đã chứa chấp Thái tử. Sự tình đã đến bước này, Thân Hầu đành liên kết với Khuyển Nhung cất quân đánh Cảo Kinh. Quân đến dưới thành tiến sát hào thành, Cơ Cung Niết mới biết, liền ra lệnh đốt khói trên lầu phong hoả. Bọn vệ sĩ dưới quyền tuân lệnh, nhưng các chư hầu đã bị lừa một lần, không thích bị lựa lần thứ hai, ai cũng cho rằng đây lại là câu chuyện ngụ ngôn cho sói làng nước ơi, nên không một chư hầu đến ứng cứu.

Quân lính phòng thủ Cảo Kinh vốn oán ghét Cơ Cung Niết mê muội thiếu sáng suốt, bất mãn với hành động ngang ngược của Quắc Thạch Phụ, nên không một ai thật lòng cứu giúp nhà vua, sau một hồi hò la lấy lệ, quân lính tản mát, bỏ đi sạch. Thấy tình thế bất lợi, Cơ Cung Niết dẫn Bao Tự và Bá Phục chạy trốn, trên đường đi, lại sai đốt khói lần nữa, nhưng vẫn không một ai đến ứng cứu. Cơ Cung Niết bị vây chặt không còn lối thoát, chết trong đám loạn quân, Bá Phục cũng trở thành qui không đầu, còn người đẹp Bao Tự thì trở thành chiếm lợi phẩm của vua Khuyển Nhung.

Thật là:

Dòng lệ đắng chảy tràn

Câu chuyện sao quái đản!

Bảo rằng U Vương ngu,

Đâu biết U Vương khổ!

Còn bị người giết,

Vợ làm vợ người ta!

Manh danh một ông vua,

Mà đời như canh bạc!

Để lại một chuyện cười,

Hoang đường vào bậc nhất!

*

TRẦN ĐÌNH HIẾN

Địa chỉ: số nhà 45 phố Phan Bội Châu,

Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

 

 

.............................................................................................................

- Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền. 

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét