THƯ SINH HỌ
ĐỔNG
*
CHÙA HOANG Ở ĐÔNG TRIỀU
(Tác giả: Nguyễn Dữ)
Đời nhà Trần, tục tin thần quỷ, thần từ, phật tử
chẳng đâu là không có. Các chùa như chùa Hoàng Giang, chùa Đồng Cổ, chùa An
Sinh, chùa An Tử, chùa Phổ Minh, quán Ngọc Thanh dựng lên nhan nhản khắp nơi;
những người cắt tóc làm tăng làm ni, nhiều gần bằng nửa số dân thường. Nhất là
vùng huyện Đông Triều, sự sùng thượng lại càng quá lắm. Chùa chiền dựng lên,
làng lớn có đến hơn mười nơi, làng nhỏ cũng chừng năm, sáu. Bao ngoài bằng rào
lũy, tô trong bằng vàng son, phàm người đau ốm, chỉ tin theo ở sự hư vô; gặp
các tuần tiết thì đàn tràng cúng vái rất là rộn rịp. Thần, phật xem chừng cũng
ứng giáng, nên cầu gì được nấy, linh ứng lạ thường. Bởi vậy người dân càng kính
tin, không dám ngạo mạn. Song đến đời vua Giản Định nhà Trần, binh lửa liên
miên, nhiều nơi bị đốt; số chùa chiền còn lại mười không được một mà cái số còn
lại ấy, cũng mưa bay gió chuyển, đổ ngã xiêu nghiêng, tiêu điều đứng rũ ở giữa
áng cỏ hoang bụi rậm. Sau khi quân Ngô lui, dân trở về phục nghiệp, có viên
quan là Văn Tư Lập đến trị huyện ấy, thấy những cảnh hoang tàn đổ nát bèn róng
rả dân đinh các xã, đánh tranh ken nứa mà sửa chữa lại ít nhiều. Ngồi ở huyện
ấy được một năm, thấy dân quanh huyện khổ về cái nạn trộm cắp, từ gà, lợn,
ngỗng, ngan đến cá trong ao, quả trong vườn, phàm cái gì có thể ăn được đều bị
mất hết. Tư Lập than rằng:
- Ta ở vào địa vị một viên ấp tể, không có cái minh
để xét ra kẻ gian, cái cứng để chế phục kẻ ác, vì nhân nhu mà hỏng việc, chính
là cái lỗi tự ta.
Song Tư Lập cho là những đám trộm cắp vặt ấy, cũng
không đến nỗi đáng lo ngại lắm, nên chỉ sức các thôn dân, đêm đêm phải canh
phòng cẩn mật. Trong khoảng một tuần, tuy canh phòng chẳng thấy gì cả, nhưng
những việc trộm cắp vặt cũng vẫn như trước.
Lâu dần càng không thấy chúng kiêng sợ gì, đến nỗi
lại vào bếp để khoắng hũ rượu của người ta, vào buồng ghẹo vợ con người ta, khi
mọi người đổ đến vây bắt, thì kẻ gian đã biến đi đằng nào mất, chẳng thấy gì
cả. Tư Lập cười mà nói:
- Té ra lâu nay vẫn ngờ oan cho lũ kẻ trộm, kỳ thực
đó là loài ma quỷ, hưng yêu tác quái đó mà thôi. Những sự quấy rối bấy nay, đều
tự vật này cả.
Sau đấy đi mời khắp các thầy phù thủy cao tay, xin
bùa yểm trấn, làm thuyền bè mã mà tống tiễn. Song càng bùa bèn trừ yểm, sự quấy
nhiễu càng tệ hơn trước. Tư Lập cả sợ, họp người dân thôn lại bàn rằng:
- Các người khi trước vẫn thờ Phật rất kính cẩn,
lâu nay vì việc binh hỏa mà đèn hương lễ bái không chăm, cho nên yêu nghiệt
hoành hành mà Phật không cứu giúp. Nay sao chẳng đến chùa kêu cầu với Phật,
tưởng cũng là một cách quyền nghi may có thể giúp ích cho mình.
Mọi người bèn đi đốt hương lễ bái ở chùa chiền khấn
rằng:
"Lũ chúng sinh này kính thờ Trời Phật, quy y
đã lâu, hết lòng trông cậy ở Phật pháp. Nay ma quỷ nổi lên, quấy nhiễu dân
chúng, họa hại cả đến loài lục súc, vậy mà Phật ngồi nhìn im lặng, chẳng cũng
từ bi quá lắm ư? Cúi xin mở lượng thương xót, ra uy trừng phạt, khiến thần,
người chẳng lẫn, dân vật đều yên, hết thảy chúng sinh, đều được đội ơn nhiều
lắm. Song loạn lạc vừa yên, sinh kế chưa khôi phục được, tấc gỗ mảnh ngói khó
lòng xoay xở vào đâu. Đợi khi làm ăn giàu có sẽ lại xin sửa lại chùa chiền đền
công đức ấy".
Đêm hôm ấy, trộm cắp hoành hành lại dữ hơn trước.
Tư Lập chẳng biết làm sao được; nghe Vương tiên sinh ở huyện Kim Thành là người
giỏi bói dịch, bèn đến bói một quẻ xem sao. Vương tiên sinh bói rồi nói rằng:
Cưỡi trên ngựa tốt,
Mặc áo vải săn.
Túi da tên thiếc,
Đích thị người thần.
Lại dặn rằng:
- Ông muốn trừ được nạn ấy, sáng mai nên theo phía
tả cửa huyện đi về phương Nam, hễ thấy người nào vận mặc như thế, mang xách như
vậy, quyết là người ấy có thể trừ hại được, nên cố thỉnh mời, dù từ chối cũng
đừng nghe.
Hôm sau, Tư Lập cùng các phụ lão đúng theo lời của
Vương tiên sinh để trông ngóng xem, những kẻ đi, người lại đầy đường, chẳng
thấy ai giống như thế cả. Trời đã xế chiều ai nấy chán nản sắp muốn về, chợt có
một người từ trong núi bước ra, mình mặc áo vải, đeo cung cưỡi ngựa. Mọi người
cùng chạy ra phục lạy ở phía trước mặt. Người ấy ngạc nhiên hỏi, mọi người cũng
kể rõ bản ý của mình. Người ấy cười mà nói rằng:
- Các ông sao mà quá tin bói toán thế. Tôi từ nhỏ
làm nghề săn bắn, mình không rời yên ngựa, tay không rời cung tên. Hôm qua nghe
nói ở núi An Phụ có nhiều giống nai, báo, thỏ tốt nên nay định đến để săn, nào
có biết lập đàn thầy pháp, bắt ma vô hình là công việc thế nào.
Tư Lập nghĩ bụng người này tất là một vị pháp đàn
cao tay vì không muốn nổi tiếng về thuật bùa bèn, vì sợ mang lụy vào thân, nên
mới nhởn nhơ trong chốn khe núi, giấu mình ở thú chơi cung mã, bèn nhất định cố
mời kỳ được. Người kia xem chừng không thể từ chối, phải gượng nghe lời. Tư Lập
mời người ấy về huyện để ở trong nhà quán xá, giường chiếu màn đệm rất sang
trọng, săn sóc kính cẩn như một vị thần minh.
Người ấy nghĩ riêng rằng:
- Họ tiếp đãi kính cẩn với ta như thế này, chỉ vì
cho ta là có tài trừ quỷ. Nhưng thực thì ta chẳng có tài gì về việc đó, thế mà
đi hưởng sự cung cấp của người, sao cho đành tâm. Nếu không sớm liệu trốn đi
thì có ngày xấu hổ.
Hôm ấy ước chừng nửa đêm, thừa lúc mọi người đã ngủ
say, người ấy bèn rón rén ra khỏi huyện lỵ. Khi đến phía Tây cái cầu ván bấy
giờ trời tối lờ mờ, trăng khuya chưa mọc, thấy có người hình thể to lớn, hớn hở
từ dưới đồng đi lên, người ấy bèn lẻn vào chỗ khuất, ngồi rình để xem họ làm
trò gì. Một lát, thấy họ thò tay khoắng xuống một cái ao rồi bất cứ vớ được cá
lớn cá nhỏ, đều bỏ vào mồm nhai nuốt hết, lại nhìn nhau mà cười mà nói:
- Những con cá con ăn ngon lắm nên ăn dè dặt mới
thấy thú, há chẳng hơn những thức hương hoa nhạt nhẽo họ thường dâng cúng chúng
mình ư? Đáng tiếc là đến bây giờ, chúng mình mới được biết những vị ngon ấy.
Một người cười mà nói:
- Chúng mình thật to đầu mà dại, bấy nay bị người
đời chúng nó lừa dối; ai lại đem cái oản, một vài lẻ gạo để lấp cái bụng nặng
nghìn cây mà đi giữ của cho chúng nó bao giờ. Nếu không có những buổi như buổi
hôm nay mà cứ trường chay mãi như trước thì thật là một đời sống uổng.
Một người nói: - Tôi xưa nay vẫn ăn đồ mặn không
phải ăn chay tịnh như các ông. Nhưng hiện giờ dân tình nghèo kiết, chúng nó
chẳng có gì để cúng vái mình. Bụng đói miệng thèm, không biết mùi thịt là cái
gì đã trải qua một thời gian lâu lắm, chẳng khác chi đức Khổng Tử ở nước Tề ba
tháng không được đụng đến miếng thịt. Song đêm nay, trời rét, nước lạnh, khó
lòng ở lâu chỗ này được, chi bằng lên quách vườn mía mà bắt chước Hổ đầu tướng
quân ngày xưa.
Đoạn rồi họ dắt nhau đi lên, vào vườn mía, nhổ trộm
mà tước mà hít. Người kia đang ngồi núp một chỗ, liền dương cung lắp tên, thình
lình bắn ra, tin luôn ngay được hai người. Bọn gian kêu ấm ớ mấy tiếng rồi ồ
chạy cả, chừng độ mấy chục bước đều mờ khuất hết. Song lúc đó còn thấy có tiếng
mắng nhau:
- Đã bảo ngày giờ không tốt thì đừng nên đi, không
nghe lời ta, bây giờ mới biết.
Người kia kêu réo ầm ĩ lên, dân làng quanh đấy giật
mình tỉnh dậy, cùng đốt đèn thắp đuốc chia nhau mỗi người đi đuổi một ngả. Họ
soi thấy dấu máu vấy trên mặt đất, bèn theo dấu máu ấy đi về phía Tây. Chừng
hơn nửa dặm đến một cái chùa hoang, vào thấy hai pho tượng Hộ pháp xiêu vẹo
trong chùa, trên lưng mỗi tượng đều có một phát tên cắm vào sâu lắm . Mọi người
đều lắc đầu lè lưỡi, cho là một sự lạ xưa nay chưa có bao giờ. Họ liền hẩy đổ
hai pho tượng. Trong lúc ấy còn nghe có tiếng nói rằng:
- Vẫn tưởng kiếm cho no bụng, ai ngờ phải đến nát
thân. Nhưng bầy ra mưu mẹo là tự lão thủy thần kia. Hắn là chủ mưu mà được
thoát nạn còn chúng ta theo hắn mà phải chịu vạ, thật cũng đáng phàn nàn lắm.
Đó rồi họ sai người đến miếu Thủy thần, thấy pho
tượng thần đắp bằng đất, bỗng biến sắc, mặt tái đi như chàm đổ, mấy cái vẩy cá
còn dính lèm nhèm trên mép, lại phá hủy luôn cả pho tượng ấy.
Quan huyện Văn Tư Lập dốc hết hòm rương để trả ơn,
người kia chở nặng mà về. Từ đấy yêu tà tuyệt tịch không còn thấy bóng tăm đâu
nữa.
QUYỂN SÁCH MA
(Tác giả: Người Khăn
Trắng)
Cô giáo Sương đưa cho Thoa cả chùm chìa khóa và
dặn: - Tất cả các phòng đều có chìa trong này, em xem cái nào xài được thì
dùng, cái nào không được thì để riêng ra. Có những chìa từ rất lâu, đổi ổ khóa mấy
lần rồi mà vẫn chưa bỏ.
Thoa nhìn xâu chìa khóa mà ngao ngán: - Em chỉ dùng
mỗi một cái cho phòng của em thôi. Nếu cần thêm thì cũng là chìa mở cổng, mở
cửa trước, sau. Chớ lấy chi quá nhiều vậy...
Nhưng cô Sương vẫn đưa: - Thì em cứ giữ. Bởi nhà
này bây giờ trở đi thì chỉ có mình em thôi. Chỉ có điều, chị hỏi thật em, ở một
mình có sợ không?
Thoa cười: - Từ nào đến giờ ở đâu em cũng chỉ một
mình, quen rồi. Vả lại chị ở đây đã bao đời rồi, có gì đâu mà sợ, phải không?
Chị Sương gật đầu: - Nhà này tuy rộng và vắng vẻ,
nhưng chưa hề xảy ra chuyện gì bất thường. Vả lại, ban đêm thì ông già Tư Sang
sẽ về ngủ canh nhà. Ông ấy là người tốt. Đêm nào ổng cũng thức tới nửa khuya.
Có gì cần, em cứ bấm chuông trên đầu giường thì ông ấy sẽ có mặt.
- Dạ, cám ơn chị.
Cô Sương soạn xong va ly thì xách đi ngay:
- Chị phải ra xe lửa cho kịp chuyến. Thôi, em ở nhà
ráng giữ gìn sức khỏe nghe!
- Dạ, chị Sương đi cũng chịu khó ăn, ngủ, để khi về
còn lên được vài ký chớ!
Hai chị em tuy không bà con, nhưng đã dạy chung trường
được vài năm, hiểu tính nết nhau, nên lại càng yêu thương nhau khi về ở chung
ngôi nhà này. Đây là nhà của một người bạn chung của hai hgười, anh ta thường
được hai cô quen gọi là anh Đức, chớ thật ra tên đầy đủ là Thành Đức, một chủ
nhà in kiêm kinh doanh bất động sản có cỡ. Anh ta khá giàu, mua nhiều nhà đất
để dành bán lấy lãi. Ngôi nhà này anh ta mua đã khá lâu nhưng chưa sửa sang
lại, bởi anh ta còn có nhiều kế hoạch cấp thiết hơn. Sở dĩ anh cho hai chị em ở
mà không lấy tiền thuê nhà là có lý do: Anh ta bận đi ra nước ngoài gần hai năm
mà không có ai trông nhà. Đức quen với cả Thoa và Sương, bởi hai đứa con của
anh ta đều học với hai cô, một người dạy văn, một người dạy toán.
Có lần anh ta nói vui:
- Khi nào con gái tôi về đây ở thì khỏi phải thuê
người dạy kèm nữa, đã có sẵn hai cô dạy hai môn cơ bản rồi!
Đứa con gái mười bốn tuổi của Đức học hành khá
giỏi, nó lại mến hai cô Thoa và Sương, nên trước khi đi ra nước ngoài theo mẹ
trong mấy năm, nó còn hứa hẹn: - Khi trở về thế nào con cũng nhờ hai cô dạy
thêm cho!
Về chuyện cô bé Ái Lan này, tuy mới 14 tuổi mà đã
khá trưởng thành trong cách suy nghĩ, đôi lần nó nói riêng với cả Thoa và
Sương:
- Tại thấy má bệnh nên con mới theo má ra nước
ngoài, chữa bệnh cho má lại vừa học, chớ con muốn ở lại với ba hơn.
Thoa biết phần nào về tình cảnh riêng của vợ chồng
Đức. Anh ta là một doanh nhân thành đạt giàu có, nhưng cuộc sống vợ chồng thì
hình như có nhiều điều âu lo. Bà vợ Ái Liên thì mắc chứng trầm cảm, ít nói, nên
nhiều khi cả tháng không nghe hai vợ chồng nói chuyện với nhau.
- Khóa cổng giùm chị, Thoa ơi!
Nghe chị Sương gọi, Thoa vội ra khóa cổng, rồi trở
về phòng riêng. Từ ngày dọn về đây hơn ba tháng rồi, Thoa ở trên lầu một, bên
cạnh còn ba phòng nữa bỏ không, nhưng chưa bao giờ cô bước qua đó xem. Kể cả có
lần Đức tới thăm và có ý bảo cô: nếu không vừa ý phòng đang ở thì có thể chuyển
sang bất cứ phòng nào trong các phòng còn lại. Nhưng Thoa cũng chưa có ý đó.
Vừa bước vào phòng, bỗng Thoa nhìn thấy một góc
phòng bị thấm nước, có lẽ do đường thoát nước bị hư, nước thấm ướt rất khó
chịu. Cô bước lại xem cái rương sách để ở góc phòng và giật mình:
- Ẩm hết rồi!
Thoa là người rất kỹ lưỡng trong việc bảo tồn sách
vở, nên một quyển sách bị ẩm là điều tối kỵ của cô. Vừa lấy khăn sạch ra lau
vừa lầm bầm:
- Kiểu này sẽ hư hết sách!
Là cô giáo dạy văn, ham đọc sách, nên đối với Thoa
sách còn quý hơn cả tiền bạc.
Lúc đầu tưởng chỉ ẩm ướt có vài cuốn, nhưng sau khi
xem lại Thoa mới giật mình, hầu như cả rương sách đều chịu chung số phận! Thì
ra từ hôm dọn nhà tới nay nó đã bị thấm nước, mà Thoa không để ý.
Đem trải mấy chục cuốn sách ra phơi, chợt Thoa nhớ
ra:
- Sao mình không chuyển phòng?
Ý nghĩ đến kịp lúc, hợp thời, nên chỉ sau mấy phút
Thoa đã dùng chìa khóa mở căn phòng bên cạnh. Phòng trống, có sẵn một cái tủ,
một bàn viết, và lại có cả bàn phấn nữa.
- Hình như... của bà vợ ông Đức trước đây?
Điều đó có thể đúng, trước khi bà ta chuyển về ở
ngôi nhà mới rồi đi nước ngoài trị bệnh.
Xem thêm căn phòng bên cạnh nữa, nó cũng giống như
phòng kia, tuy nhiên nó không có bàn viết, mà điều đó đối với Thoa nó quan
trọng còn hơn là giường nằm. Cô quyết định chọn căn phòng đầu tiên.
Thay vì chờ đến tối có ông quản gia Tư Sang về
giúp, Thoa quyết định một mình chuyển dần đồ đạc qua. Cũng may, Thoa không có
nhiều đồ, chỉ chiếc rương quần áo, hai rương sách.
Chỉ nửa giờ sau là mọi thứ đâu vào đó. Vừa chuẩn bị
đi tắm thì nhìn chiếc tủ gỗ, Thoa có ý định sẽ dùng nó và cho hết sách vào đó.
Nghĩ là làm, cô mở được cửa tủ một cách dễ dàng, bởi cửa không khóa. Bên trong
còn sót lại một ít sách cũ. Có lẽ là sách không quan trọng nên khi dọn đi bà
chủ đã không mang theo.
Có tất cả sáu quyển sách. Đúng là sách đã quá cũ,
có cuốn đã sờn gáy, có cuốn chỉ còn lại phân nửa với bìa đã rách nát. Duy nhất
có một quyển là còn nguyên, lại không là sách in, mà được viết tay, khá công
phu với chữ viết nắn nót, đẹp như người ta viết thư pháp!
Thoa gọi đấy là một quyển sách, bởi tuy nó viết
tay, nhưng được đóng gáy khá công phu như một quyển sách in, ở bìa vải có dòng
chữ đề tựa mạ vàng: TÌNH HẬN.
Nội cái tựa thôi đã có sức hút để đọc, mà lại còn
thêm tên người viết là Ái Liên nữa, bảo sao Thoa không giữ chặt nó trên tay và
quên cả việc cho sách của mình vào tủ để cất.
“Viết cho vong hồn người đã vĩnh viễn ra đi...”
Dòng đầu tiên của quyển sách đã khiến cho Thoa quên
hết công việc, cô leo lên chiếc nệm vừa trải ra, chưa kịp trải vải phủ, đọc như
sợ ai giật mất!
“Nửa đêm 23 tháng 3 năm 1953...”
“Vẫn là những đêm dài chờ đợi, nhưng sao đêm nay
đối với Ái Liên nó dài như bất tận. Bởi người mình chờ hầu như không bao giờ
tới nữa và hình như có điều gì đó bất an đang rình rập đâu đây!”
“Quân ơi, sao anh lại bỏ em một mình trong thời
khắc này! Lúc mà em cần có anh nhất! Sao anh không tới để giữ lại chút hy vọng
mong manh trong tay. Nó sắp mất rồi, mà em thì yếu đuối quá, bạc nhược quá,
không làm sao giữ được cho chúng mình!”
“Trách anh, nhưng em biết làm sao anh tới được khi
mà sáng nay người ta đã âm thầm đưa anh đi cách xa em đến nửa ngàn dặm! Họ đã
quyết chia lìa chúng ta bằng thủ đoạn vu khống cho anh tội lỗi rồi đưa đi an
trí ở chốn xa xăm đó. Nhưng nó cũng chưa xa bằng chỉ vài giờ nữa thôi, khi trời
sáng thì em của anh sẽ bị đem tới một nơi còn xa hơn nữa. Nơi đó không có cự ly
nhưng mà còn hơn vạn dặm, nó được gọi là HÔN LỄ! Sáng mai này em sẽ lên xe hoa
rồi, Quân ơi! Sao anh không tới để cứu em đi? Chỉ còn quãng thời gian ngắn nữa
thôi, mối tình hơn tám năm của mình sẽ tan như bọt nước!”
“Anh biết rồi đó, Ái Liên của anh đã thề rằng: một
là ta mãi sống bên nhau, hai là em sẽ biến mất khỏi cõi đời này! Em thề và sẽ
giữ lời, tin em đi Quân. Bởi vậy, nếu mai này anh có trở lại và hay tin em chết
thì cũng đừng than khóc làm gì. Coi như em đã làm tròn lời nguyện ước. Kiếp này
em chỉ có anh là người tình!”
“Vĩnh biệt Quân của em!”
“Đau đớn thay cho em, Quân ơi! Điều em muốn đã
không thành! Em đã lao đầu vào xe đang chạy, muốn một cái chết thật đau, vậy mà
em lại rơi vào một cơn hôn mê sâu, êm ái, nhẹ nhàng... Để rồi khi tỉnh lại em
mới biết rằng mình đã được cứu, bởi chiếc xe mà em lao đầu vào đã kịp thắng
lại, chỉ gây thương tích nhẹ cho em mà thôi. Và dù không có mặt trong lễ rước
dâu, nhưng hôn lễ của em vẫn được cử hành. Người ta đã đưa em về nhà chồng từ
bệnh viện.”
“Sáu tháng sau ngày Ái Liên lấy chồng...”
“Người ta đưa về nhà mẹ Quân một cái xác nằm trong
quan tài. Đó là Quân! Nơi giam giữ Quân chỉ gửi về một tờ giấy ghi gọn mấy
dòng: Chết do bệnh sốt rét trong thời gian thụ án!”
“Lúc nhận được tin dữ thì Ái Liên đang mang thai
được hơn năm tháng! Nàng đã ngất đi mấy lượt và từ phút đó cô gái tên Ái Liên
không còn là Ái Liên nữa, mà chỉ còn là một Liên tâm thần...”
Đoạn truyện đến đó là kết thúc. Nó là một phần của
quyển sách vốn là một tuyển tập gồm nhiều truyện ngắn, nhưng những phần tiếp
theo cũng là một điệp khúc, gồm nhiều phân đoạn trong một trường đoạn bi thảm,
mà người viết lúc thì tỉnh táo, lúc thì viết như người từ một cõi nào, viết về
mình mà như viết chuyện của ai. Khi gọi người tình chung của mình mà như gào
thét tên ai trong một thế giới ảo nào đó!
Đọc qua mấy truyện đầu tiên, tự dưng nước mắt của
Thoa chảy ướt cả gối. Cô buông quyển sách và buột miệng: - Tội nghiệp chị ấy!
Thì ra cuộc đời của bà chủ nhà này lại bi thảm đến như thế. Thảo nào trông bà
ta như người cõi trên.
Thoa nhớ lại ánh mắt xa xôi, buồn bã của cô bé Ái
Lan mỗi khi nhắc tới mẹ. Giờ đây Thoa mới hiểu phần nào... Đặt quyển sách trên
đầu nằm, Thoa nhắm mắt lại nhốt hình ảnh người đàn bà đáng thương đó trong đầu.
Định nghỉ một lát sẽ dậy đọc tiếp...
Nhưng chẳng hiểu sao, Thoa đã ngủ một cách ngon
lành. Ngủ mãi đến khi trời tối.
- Cô Thoa! Sao cô ngủ mà không bật đèn lên, tối lắm
rồi!
Nghe tiếng của ông già Tư Sang, Thoa giật mình
choàng dậy. Cô hỏi vọng ra:
- Mấy giờ rồi chú Tư?
- Đã hơn 8 giờ rồi. Tôi về hồi 7 giờ, thấy cô ngủ
ngon quá nên không kêu. Cô dậy rồi ăn cơm đi, bữa nay tôi nấu luôn cả phần cơm
của cô nữa. Cô cứ ăn tự nhiên nhé.
Thoa bước ra vừa phân trần:
- Tại hồi trưa cháu dọn phòng, chuyển qua bên này
để không bị thấm nước, nên mệt quá ngủ quên.
Ông già Tư mau mắn:
- Sao cô không chờ tôi về, tôi giúp cho. Đàn bà con
gái làm chi chuyện nặng nhọc đó.
- Dạ, cháu làm được mà. Chú Tư cứ ăn cơm đi, cháu
không đói.
- Không được. Thấy cô ngủ quên, biết cô không kịp
nấu cơm nên tôi đã nấu luôn, đủ cho cả mấy người ăn lận!
Ông trở xuống bếp, lát sau bưng lên một mâm cơm với
ba món thức ăn đang bốc khói:
- Già này sống một mình lâu nay nên tự nấu được
nhiều món ăn, ngon không thua gì mấy bà đâu nhé!
Không tiện từ chối nên Thoa cùng ăn. Lựa lúc ông
già Tư vui chuyện, đột nhiên Thoa hỏi:
- Chú ở trong nhà này lâu lắm rồi phải không, chắc
là rành mọi chuyện?
Ông già chừng như từ lâu không được dịp nói chuyện
cùng ai, nên tuôn ra một hơi:
- Tôi ở làm cho nhà này từ thời ông chủ đồn điền
Thành Công còn cai quản cơ ngơi này, đến khi cậu chủ Thành Đức nối nghiệp tôi
cũng ở đây. Tính gọn cũng đã hơn hai chục năm rồi.
- Có nghĩa là chú ở đây từ khi anh Đức chưa có gia
đình?
- Ồ chưa! Hồi đó chính tôi đứng ra lo đám cưới cho
cậu Đức, bởi khi ấy ông Thành Công bị bệnh nằm một chỗ, mà bà chủ cũng bị đau
không đi đứng được, kể cả việc tôi còn phải đưa cô dâu từ nhà thương về...
Kể tới đây, chừng như biết mình quá lời, ông già Tư
ngừng ngang... Biết đây là thời cơ tốt nhất để khai thác chuyện mà mình đang
thắc mắc, nên Thoa đánh bạo hỏi:
- Xin cho cháu hỏi, có phải bà chủ bị bệnh gì đó về
tâm thần phải không?
- Phải.
Ông già trả lời vừa thở dài, rồi như được dịp tuôn
hết ra những điều lâu nay không biết nói với ai, ông ta tiếp: - Vợ cậu Đức bị
tâm thần từ ngày hôn lễ. Có một người đàn ông tên Quân chen vào chuyện của họ.
Đó là nguyên do dẫn tới bao rắc rối cho tới bây giờ... Bởi vậy cô thấy đó, con
bé Ái Lan lúc nào cũng chỉ muốn sống bên mẹ nó, mặc dù nó cũng rất thương cha.
Đấy, gia đình họ rắc rối lắm...
Thoa đột ngột hỏi: - Có phải người đàn ông tên Quân
đã chết rồi không?
Nhìn sững Thoa, phải mất mấy giây ông già Tư mới
đáp:
- Đúng, cậu ấy chết rồi!
Thoa thở hắt ra:
- Như vậy đúng rồi!
Già Tư ngạc nhiên:
- Cô nói cái gì đúng?
- Dạ không. Cháu nói... cháu nghĩ đúng như lời chú Tư
nói.
Thoa không muốn cho ông ta nghi ngờ chuyện mình đọc
được quyển tập ghi chép của bà Ái Liên. Cô ăn xong nhanh bữa cơm khen lấy lòng:
- Chú Tư quả là nấu thức ăn ngon quá!
Tiếp ông già dọn mâm chén bát xuống bếp, Thoa trở
lên ngay phòng mình để đọc nốt quyển sách.
Nhưng vừa bật đèn lên, bỗng Thoa kêu lớn:
- Đâu rồi? Quyển sách để ở đầu giường không cánh mà
bay mất!
Thoa chạy đi tìm ông già Tư:
- Chú Tư à! Chú có thấy cuốn sách cháu để trên
giường không?
Ông già Tư ngạc nhiên:
- Sách gì? Nãy giờ tôi ngồi ăn cơm với cô mà, có
thấy sách vở gì đâu?
Thoa nhớ lúc ông Tư kêu mình dậy, khi bật ngồi lên,
tay cô còn chạm quyển sách đúng nơi cô để trước lúc ngủ. Không thể nào...
Ông Tư hỏi lại:
- Mà cô nói quyển sách gì? Trong nhà này chỉ có cô
và tôi, mà tôi thì không bao giờ...
Thoa phải nói trớ đi:
- Dạ, chắc cháu nhớ lộn rồi. Có thể cháu còn để ở
phòng bên kia...
Đợi ông già Tư ra khỏi nhà xong, Thoa tuần tự mở
hết các phòng còn lại. Có một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của Thoa khi cô mở
căn phòng nhỏ trên sân thượng. Trong phòng là cả một kho sách cũ!
Và còn lạ lùng hơn, quyển sách TÌNH HẬN đang nằm
trang trọng trên chiếc bàn viết duy nhất trong phòng. Ngay bên cạnh quyển sách
có bức ảnh chân dung của một người thanh niên, đã khá cũ, ở một góc ảnh đã có
dấu hiệu ố vàng.
Tò mò, Thoa cầm tấm ảnh lên và lật phía sau xem, cô
càng giật mình khi thấy dòng chữ, đúng là nét chữ của Ái Liên:
“Ngàn thu chỉ còn lại cái bóng của anh thôi, Quân
ơi!”
- Thì ra đây là Quân, người tình của Ái Liên.
Thoa suýt buông rơi bức ảnh xuống sàn, khi nghĩ tới
việc Quân đã vào phòng mình để lấy quyển sách! Trong khi anh ta là một... hồn
ma!
Đáng lý Thoa đã bỏ chạy khỏi phòng ngay lúc ấy,
nhưng chẳng hiểu sao sau khi phân vân một chút, cô lại bước tới các kệ sách đặt
quanh tường. Toàn là những cuốn sách rất lạ, mà hầu hết là những đề tài huyền
bí bằng Anh văn, Pháp văn. Cầm một vài quyển lên xem thử thì cuốn nào cũng có
hai chữ ký, một của Ái Liên, còn một là của... Quân!
Đúng nơi đây là thư viện riêng của bà chủ Ái Liên,
nhưng tại sao bà ta lại để những quyển sách của mình và người tình ngay trong
nhà này, cả bức ảnh chân dung nữa! Vậy còn ông chủ Đức thì sao?
Hơn nửa giờ say mê với kho sách, Thoa chưa muốn
rời, nếu không bất chợt nhìn thấy dấu vết bùn in hình một cặp đế giày khá lớn
trên sàn nhà. Dấu còn mới, bùn còn ướt!
- Ai vậy? Ông già Tư đâu có đi giày kiểu này?
Nỗi tò mò trỗi dậy, Thoa không thể kiềm chế được
nên lần theo dấu giày xem thử nó đi đâu? Ra tới khu vườn rộng phía sau nhà, nơi
có một lối mòn đất đỏ mà cơn mưa liên tục mấy hôm nay đã làm cho sũng nước.
Những dấu giày còn in rõ ràng, đang hướng về phía
tường rào cuối vườn. Đến tận cuối vườn thì mất dấu, nhưng cũng không khó khi
sau đó Thoa nhìn thấy một cánh cửa sắt cũ dẫn ra ngoài. Thì ra...
Thoa giống như một nhà thám hiểm, nhìn trước sau
không thấy ai, cô bước lần theo dấu chân tiếp tục in trên đường đất đỏ. Đó là
con đường duy nhất dẫn về một ngôi nhà thấp thoáng phía chân đồi. Ngoài ngôi
nhà đó hầu như chung quanh không có nhà nào khác.
Cũng có hơi ngại, nhưng đã trót đi rồi Thoa đành
phải bước tiếp. Khoảng năm phút sau thì Thoa đã đặt chân tới trước cửa ngôi
nhà. Hình như bên trong có chút khói bay lên, chứng tỏ là nhà có người. Thoa
hơi yên dạ, cô rụt rè lên tiếng:
- Có ai trong nhà không, cho tôi hỏi thăm...
Tiếng chân bước đều ra, cửa xịch mở, và...
- Chú Tư!
Trước mặt Thoa là ông già Tư quản gia. Ông hơi ngạc
nhiên khi nhìn thấy Thoa, nhưng kịp trấn tĩnh ngay, ông vội hỏi:
- Sao cô biết đây mà tới?
Thoa lúng túng: - Dạ, cháu... cháu...
- Thôi, đã tới thì vào nhà đi.
Thoa bước theo ông già vào trong và một lần nữa cô
giật mình khựng lại, khi nhìn thấy trước mặt mình thay vì là một phòng khách
thì lại là... một ngôi mộ đá, ốp đá cẩm thạch đen sì!
- Sao... sao...
Bây giờ Thoa không còn bình tĩnh như lúc đầu nữa,
phải vịn tay vào cột nhà mới đứng vững. Ông già Tư giải thích:
- Đây là nhà mồ của cậu Quân!
Thoa kêu lên:
- Quân, người yêu của bà Ái Liên?
Ông già gật đầu, rồi im lặng. Thoa nhìn một lượt
chung quanh, không có gì khác ngoài ngôi mộ này.
Cô chưa kịp hỏi thêm thì ông Tư đã nói:
- Cô biết rồi đó, Quân chết sau hôn lễ của cô Ái
Liên và cậu Đức được sáu tháng. Cậu ấy bị người ta ám hại, mà cụ thể là ông chủ
lớn Thành Công. Chỉ bởi ông ta quyết ngăn cản mối tình giữa hai người, nên
nhiều lần nói mà Liên và Quân không nghe, nên ông ta đã mượn tay một tên cò mật
thám
Thoa bỗng hỏi:
- Chú là sao với Quân?
Ông già Tư giọng trầm hẳn xuống:
- Tôi là cha ruột của nó. Chỉ vì nó là con của một
quản gia nghèo như tôi, nên nó phải chết oan như vậy đó cô!
Ông bật khóc sau câu nói! Tiếng khóc của một ông
già nghe thảm thiết vô cùng. Thoa cũng phải khóc theo vì xúc động. Một lúc sau,
Thoa hỏi:
- Có phải vì muốn cưới Ái Liên bằng được cho con
trai mình mà ông chủ đồn điền Thành Công đã quyết hại Quân?
- Điều đó ai mà không biết. Tôi cũng biết ngay từ
đầu, nhưng không ngờ ông ra tay độc ác quá như vậy, nên tôi trở tay không kịp,
phải đành nhận xác con mà khóc thôi!
Thoa quá bức xúc nên hỏi đại:
- Sao chú không tố cáo chuyện ấy? Mà tại sao vẫn
tiếp tục ở lại nơi này?
Ông già Tư nhẹ thở dài:
- Tôi cũng biết hận, biết điên lên vì cái chết của
con mình. Tôi đã đôi ba lần định trả thù bằng chính bàn tay mình cho hả. Nhưng
rồi khi nhìn thấy Ái Liên đau khổ trong vòng tay người chồng giàu có mà nó
không yêu thương, tôi đã nguôi được hận thù. Tôi quyết làm một việc gì đó cho nó,
con dâu hụt của tôi.
Thoa hơi rụt rè một chút, rồi lại hỏi:
- Sao nhà họ giàu như vậy mà không chữa cho chị
Liên hết bệnh tâm thần? Nghe nói chị ấy cũng chỉ bị hoang tưởng thôi...
Ông già chợt thở hắt ra:
- Chỗ này coi như tôi đã trả được thù rồi!
Thoa ngạc nhiên: - Chú nói vậy là sao?
- Con Ái Liên đã hết bệnh từ lâu rồi!
Câu nói làm cho Thoa trố mắt nhìn, hỏi lại:
- Chú nói thật? Nhưng sao chị ấy còn phải đi nước
ngoài chữa bệnh?
Đột ngột đứng dậy và đi thẳng ra nhà sau, một lát
ông già trở lại với một phụ nữ mặc y phục toàn đen. Người đó lặng lẽ đi bên
cạnh ông già, tuy im lặng nhưng hoàn toàn tỉnh táo, bước đi khoan thai. Đến gần
Thoa, ông Tư lên tiếng:
- Chào cô giáo đi con. Chính cô đây là cô giáo dạy
cho Ái Lan. Nó mến cô Thoa này lắm.
Ông quay sang người phụ nữ, giới thiệu:
- Đây là... Ái Liên, con dâu tôi!
Thoa kêu lên:
- Chị Liên mà chú kể nãy giờ?
- Nó đó.
- Thế chị không phải đang ở nước ngoài?
Người phụ nữ không đáp, chỉ nhẹ mỉm cười rồi lắc
đầu. Ông già Tư phải nói thay:
- Đi nước ngoài là cách nói của thằng Thành Đức mà
thôi. Bởi nó không muốn ai biết vợ chồng nó trong hoàn cảnh này. Đã từ mấy năm
nay rồi, con Ái Liên bỏ nhà đi và về đây ở với tôi, với mộ chồng của nó, mà Đức
và mọi người không ai biết. Kể cả con Ái Lan cũng chỉ mới biết gần đây thôi...
- Ái Lan? Cháu bây giờ ở đâu?
Từ đằng sau, một cô bé chậm rãi bước vào. Vừa thấy
Thoa, nó đã nhào tới ôm chầm lấy:
- Cô! Sao cô biết con ở đây mà tới?
- Cô tưởng con...
Con bé liến thoắng:
- Con ở đây với mẹ chớ có đi nước ngoài đâu! Con
nhớ cô lắm, nhưng mẹ con nói để tháng sau mới cho con về thăm cô, cho giống như
con mới đi nước ngoài về.
Bấy giờ người phụ nữ mới lên tiếng, giọng dịu dàng,
dễ nghe:
- Cháu nó đòi chạy về thăm cô hoài, nhưng tôi chưa
cho. Mỗi năm mẹ con mới có dịp ở với nhau mấy tháng hè mà...
- Vậy ra...
- Cháu nó ở đây với tôi từ mấy tuần nay. Tuy thiếu
tiện nghi, nhưng nhiều cảnh đẹp, vả lại bên cạnh cháu còn có... cha cháu đây!
Ông già Tư chen vào:
- Lúc đầu khi mới về đây chơi với mẹ nó, con bé sợ
nấm mộ này lắm, nhưng lần hồi nó chẳng những không sợ, mà trưa nào cũng ra đây,
leo lên mộ nằm chơi.
Thoa không thể tưởng tượng nổi những điều ông già
vừa kể. Phải đến khi bé Lan chợt buông cô ra, chạy tới ôm lấy ngôi mộ một cách
trìu mến, như ôm một người thân! Ái Liên kéo tay con và nói:
- Sao con không mời cô vào phòng mình chơi. Con lấy
tặng cô những con bướm đẹp mà con bắt hổm rày đi!
Bé Ái Lan reo lên:
- Vào đây cô Thoa!
Thoa ngạc nhiên khi nhìn căn phòng phía sau. Nó tuy
không rộng lắm, nhưng cũng đầy đủ tiện nghi cho một phụ nữ sinh sống. Bé Ái Lan
hồn nhiên chỉ vào một cái lồng đầy những bướm:
- Chính con bắt đó cô. Ban đầu con không biết bắt,
nhưng nhờ mẹ chỉ, nên bây giờ con bắt hay lắm rồi! Để lát nữa con dẫn cô ra
ngoài kia bắt bướm, hái hoa, nhiều hoa đẹp lắm!
Buổi trưa hôm đó, mặc dù tìm đủ cách để từ chối,
nhưng Thoa cũng phải ở lại ăn với họ một bữa cơm. Trong khi ăn, Ái Liên chỉ yêu
cầu:
- Cô nhìn thấy cảnh sống của tôi rồi đó. Tôi hoàn
toàn tỉnh táo, nhưng tôi không thể trở về cuộc sống kia được nữa. Tôi đã thề là
sẽ sống ở đây cho đến ngày chết. Hay ít nhất cũng đến ngày con gái chúng tôi
đến tuổi trưởng thành, lập gia đình riêng...
Thoa ngạc nhiên:
- Chị nói... con chúng tôi, nghĩa là sao?
Ái Liên ôm con vào lòng, vừa đáp:
- Nó là giọt máu mà Quân đã để lại trong tôi khi
anh ấy bị đưa đi an trí và chết.
Nếu không trực tiếp nghe người phụ nữ này kể thì
chắc Thoa khó mà tin được. Cô liếc mắt nhìn sang ông già Tư, ông nhẹ gật đầu
như xác nhận điều Ái Liên nói là đúng. Thoa cảm giác như mình vừa nhận được một
tin vui của chính mình. Cô nhìn mẹ con họ mà như muốn ôm họ và chúc mừng thật
nồng nhiệt!
Biết là không nên ở lâu, Thoa đứng lên kiếu từ:
- Xin phép chú Tư, xin phép chị, em về. Em xin hứa
với chị là không bao giờ nói lại chuyện này với ai. Nếu chị cho phép thì thỉnh
thoảng em tới đây thăm chị và cháu Lan. Ái Liên vui lắm:
- Cám ơn cô nhiều. Tôi tin cô.
Tiễn chân Thoa ra tới nửa đoạn đường, ông già Tư
mới nói:
- Còn chuyện này nữa, cô có biết tại sao thằng Đức
nó cho cô và cô Sương tới ở ngôi nhà đó không?
- Dạ, nghe nói do nhà bỏ trống quá lâu, nên cần có
sinh khí...
- Không đúng đâu. Ngôi nhà này là nỗi ám ảnh của
nó! Từ mấy năm nay nó có bước về đâu, chỉ vừa rồi khi đưa hai cô tới ở nó mới
về. Nhưng sau chuyến đó thì rồi nó sẽ không bao giờ trở lại đây nữa!
Thoa kinh ngạc:
- Sao vậy chú?
- Nó đang bệnh rất nặng! Đó là hậu quả mà nó phải
nhận từ thằng Quân.
Thoa càng không hiểu:
- Vậy là sao?
- Hồn ma thằng Quân chớ sao.
Thoa trố mắt:
- Anh Quân thành ma?
- Tôi nói ra điều này cho mình cô biết, đừng nói
lại với ai. Ngôi nhà cô đang ở chỉ cô và cô Sương ở được, bởi hai cô là cô giáo
của con Ái Lan. Còn ngoài ra không ai bước chân tới được, nhất là thằng Đức.
Oan hồn thằng Quân không để cho ai tới đó. Ấy là nguyên nhân lâu nay thằng Đức
bỏ hoang ngôi nhà. Nó sợ bị trả thù!
Thoa hơi run: - Nhưng cháu... cháu...
Ông Tư trấn an: - Tôi có thể đoan chắc với cô, con
trai tôi là ma với ai, chớ với người ơn của nó thì không bao giờ. Trái lại, nó
còn là người bảo vệ cho cuộc sống yên lành của cô nữa. Tin tôi đi, đừng sợ.
Thoa gật đầu. Nhưng suốt ngày hôm đó cô cứ ngay
ngáy lo... Vậy mà suốt ba tháng hè Thoa vẫn sống yên ổn, vui vẻ trong ngôi nhà
đó. Ngày ngày cô vẫn lui tới thăm mẹ con Ái Liên.
Nửa tháng sau, cô nghe tin Thành Đức chết vì căn
bệnh lạ. Như vậy, phải chăng mọi điều tốt đẹp sẽ tới với Ái Liên, Ái Lan...
CHIẾM ĐOẠT
(Tác giả: Tam Tang)
Sáu năm trước đây nhân kỳ nghỉ hè, tôi cùng với mẹ
về thăm ông bà ngoại tôi ở Ban Mê Thuột. Gia đình của ngoại tôi sống ở cây số 5
và gia đình cậu Ba tôi ở cách đó chừng 2 cây số. Vùng này có nhiều đồn điền
cafe và cao su do người Pháp trồng từ mấy chục năm trước. Nhiều người sống ở
vùng này là công nhân cho các đồn điền của những người Pháp này.
Mẹ tôi lập gia đình và theo chồng về Nha Trang vì
bố tôi làm việc ở đó. Tôi rất thích chạy nhảy dưới các tàng cây cao su được
trồng thẳng tắp bát ngàn này. Mùa hè cũng là mùa cafe nở hoa, mùi thơm dịu dàng
của hoa cafe cũng làm tôi sảng khoái lắm. Nhìn những chùm bông trắng mọc dày kịt
trên các cành cafe làm ta liên tưởng đến các cành hoa anh đào ở xứ Nhật!
Tôi cũng thường tới nhà cậu Ba tôi chơi và ngủ lại
ở đó. Vợ chồng cậu Ba rất dễ dãi và vui vẻ, họ chưa có con nên quý tôi lắm. Có
một điều lúc đầu làm tôi hơi sợ là có nhiều sự kiện lạ xảy ra trong nhà cậu.
Như có lúc cả nhà đang chơi đánh cờ cá ngựa với nhau thì tự dưng các con cờ bị
hất đổ cả xuống sàn nhà. Tôi sợ xanh cả mặt nhưng cậu tôi chỉ cười rồi nói
"Vui nhỉ, làm ơn xếp lại cho tôi nhờ". Thế là các con cờ lại như có
cánh bay trở lại chổ cũ trên bàn. Cậu tôi trấn an tôi và mọi người lại tiếp tục
chơi. Cũng có vài sự việc lạ khác xảy ra ở nhà cậu, nhưng tôi thấy mọi người
tỉnh queo nên riết rồi tôi cũng coi những việc này là sự thường. Vợ cậu nói
chuyện với mẹ tôi là cậu tuy là có Đạo (Thiên Chúa) nhưng hay giao du với những
người Thượng làm trong cùng đồn điền và học cách giao tiếp với ma quỷ ở thế
giới bên kia! Chỉ có vợ cậu và tôi tin là cậu có thể thông tin với thế giới bên
kia vì chúng tôi đã chứng kiến những sự kiện lạ thường xảy ra trong nhà, còn
những người khác thì chỉ mỉn cười chứ trong lòng họ không tin chuyện đó là có
thật.
Một hôm Chủ Nhật mọi người rủ nhau đi chơi ở thác
Trinh Nữ (sở dĩ thác này có tên là Trinh Nữ vì cứ mỗi năm đến dịp Noel và Tết
Nguyên Đán, nam thanh nữ tú rủ nhau đến thác này chơi rất đông, và một điều
đáng nói là hằng năm thường có một vài cô bị trượt chân và chết ở thác này, các
cô này thường còn trẻ nên người ta đặt tên là thác Trinh Nữ). Khi mọi người đến
thác thì cũng đã quá trưa nên cùng nhau trải bạt và dọn thức ăn ra để ăn trưa.
Ở trên bờ sông có nhiều tảng đá rất to cao, trên có mọc các cây nhỏ và dây leo
trông rất đẹp, có những tảng đá khổng lồ hợp với nhau thành một hang khá rộng
mà người ta gọi là Hang Dơi, trong hang không khí ẩm thấp và hôi vì mùi dơi và
phân của chúng. Nói chung thì cảnh vật rất hùng vĩ và đẹp. Thật ra thác Trinh
Nữ nên được gọi là gềnh thì đúng hơn vì nó không đổ từ trên cao xuống như những
thác ta thường thấy, nó chỉ là dòng nước xoáy xiết khi chảy ngang qua các tảng
đá khổng lồ nằm chặn ngang qua giòng sông. Có rất nhiều tảng đá lớn nhỏ và
người gan dạ có thể nhảy từ hòn này qua hòn nọ và băng qua sông. Trên các tảng
đá này rêu mọc xanh dờn và rất trơn trợt. Cũng vì ham ra các tảng đá để nhìn
ngắm dòng chảy mà đã có nhiều cô trợt chân té xuống giòng nước xiết và bị cuốn
chìm kẹt trong các hốc đá mà chết.
Khi mọi người ăn xong và nằm nghỉ mát dưới các bóng
cây, cậu tôi leo lên các tảng đá ở giữa giòng và kêu mọi người ra xem sự gan dạ
của mình. Mặc cho ông bà Ngoại tôi và các người khác kêu réo cậu trở vào! Cậu
vẫn nhảy thoăn thoắt từ tảng này qua tảng khác! Và rồi việc kinh hoàng đã xảy
ra! Cậu tôi trượt chân té nhào xuống giòng nước đang cuồn cuộn chảy xiết trong
những tiếng kêu thất thanh của mọi người. Không ai dám nhảy xuống để cứu vì có
xuống cũng sẽ bị hút chìm theo giòng xoáy mà thôi. Ông tôi vội chạy đi kêu cứu
và gần một tiếng sau trở lại với mấy người thợ lặn cát (những người này làm
nghề lặn lấy cát ở dưới lòng sông lên bán). Họ lặn xuống kiếm cả gần hai tiếng
mới tìm thấy xác cậu bị vướng dưới một khe đá cách thác chừng 100 mét.
Ngày đi chơi hóa ra ngày đại nạn cho gia đình. Mọi
người đều ủ rủ chở xác cậu về nhà để lo việc an táng. Bà ngoại và mợ tôi thì đã
ngất xỉu và được chở về nhà từ trước rồi.
Ngày an táng đến và sự kiện lạ bắt đầu xảy ra ở nhà
cậu Bạ Vợ cậu mặc đồ tang nhưng không biết nên chọn áo ngực màu gì, cái màu đen
hay cái màu trắng, cuối cùng mợ chọn cái màu trắng mặc và rồi đi kiếm cái nhẩn
đính hôn để đeo. Mợ không tìm thấy nó trong hộp nữ trang mà mợ đã cất giữ. Mợ
chạy đến nhà ông bà ngoại và nói điều này, bà ngoại nói lấy cái nhẩn của bà đeo
đỡ cũng được. Khi mợ mở cái hộp nữ trang của bà ngoại thì lạ thay cái nhẩn đính
hôn của mợ nằm ở trong đó! Không ai biết làm sao cái nhẫn lại nằm trong đó
được!
Trong khi cử hành nghi thức chôn cất ở nghĩa trang,
tôi luôn cảm thấy như có ai đó nhìn tôi từ trên cành cây cao phía trên đầu tôi.
Tôi cứ ngước mắt lên nhìn để xem có ai núp trên đó không! Tuyệt nhiên không có
ai trên đó cả, nhưng cái cảm giác đó vẫn bám lấy tôi suốt buổi lễ. Khi ra về mẹ
hỏi tôi làm gì mà cứ nhìn lên cành cây trên đầu vậy, tôi nói là có ai núp nhìn
tôi từ trên cành cây đó. Mẹ tôi chỉ buông một câu "Mẹ biết!"
Sau khi mọi người ăn cơm xong ở nhà ông bà ngoại,
mợ Ba xin cáo từ ra về. Khi về tới cửa nhà, mợ giật thót mình vì cái áo ngực
màu đen nằm chình ình trước ngưởng cửa như muốn nói là "cái này mới chính
là cái cô nên mặc". Mợ mỉm cười và nghĩ đó là do cậu Ba làm ra! Mợ vào nhà
lục các thư mà cậu mợ viết cho nhau trước khi cưới đem đi đốt hết vì sợ thấy
chúng càng làm mợ đau lòng thêm.
Một hai tuần trôi qua, những sự việc nhỏ xảy ra như
các thư mà cậu Ba viết cho mợ khi xưa lại xuất hiện chổ này chổ khác trong nhà,
mặc dù những thư này mợ đã đốt đi từ hôm chôn cất cậu rồi! Cửa nhà được gài
khóa lại nếu mợ quên khóa nó khi đi ngủ. Mợ cho đó là do cậu làm để muốn bảo vệ
cho mợ thôi. Rồi thì mợ bắt đầu đi chơi với bạn bè cho khuây khỏa, nhưng cũng
từ đó sự kiện xảy ra trong nhà có khác biệt hơn, không còn những việc như có
tính cách tình tứ hay chăm sóc bảo vệ nữa, mà thay vào đó là những đồ vật mợ
cần thì bị mất một cách bí mật, cửa phòng mở ra đập vào giữa đêm khuya, chén
dĩa bị rớt vỡ sổn sảng trong nhà bếp. Mợ không ngủ yên được trong đêm vì các
tiếng động này, thêm vào đó mợ luôn nghe có tiếng chân bước quanh giường mợ
trong đêm.
Bữa kia mợ đang trang điểm để đi ăn đầy tháng con
của một người bạn thì phấn son đang ở trên bàn như bị ai hất bay cả xuống đất.
Tức quá mợ thét lên "Có để chúng lại chổ cũ cho tôi không thì bảo!!"
rồi mợ rời phòng. Khi quay trở vào thì các vật đã trở về chổ cũ. Rồi những sự
việc bực mình như thế cứ xảy ra hàng ngày làm cho mợ từ bực mình đâm ra sợ hãi!
Mợ nghĩ có thể hồn ma phá phách mợ không phải là câu Ba! Mợ đã đoán đúng điều
này, hồn ma trong nhà không phải là cậu Ba...
Mợ Ba thật sự không tin là cái hồn ma trong nhà là
cậu Ba, vì nếu là cậu thì làm thế nào mà cậu lại làm những điều có hại cho mợ
được vì cậu rất thường yêu mợ mà! Mang ý nghĩ đó trong đầu, một hôm mợ quyết
định tới gặp một thày phù thuỷ ở buôn ALê B. Khi mới bước vào nhà sàn của thày
phù thuỷ, ông ta trợn mắt nói: - Trời ơi! Cô đang trải qua một thời kỳ hải hùng
trong đời cô! Chồng cô vừa chết trong vòng 3 tháng trở lại đây có đúng không?
Mợ Ba hoảng kinh vì mợ còn chưa nói cho ông ta biết
mợ là ai nữa vậy mà ông ta có vẻ nói trúng phóc những gì đang xảy ra cho mợ! Mợ
trấn tỉnh rồi làm bộ hỏi lại:
- Thày nói chuyện gì vậy?
- Tôi thấy âm khí bao phủ đầy người cô đó! Nó quyện
lẫn đầy sự thất vọng, buồn rầu, và sự ganh ghét! Cô có thể để tôi tới thăm nhà
cô được không?
Mợ đồng ý để ông phù thuỷ tới thăm nhà, và mợ rồi
trở về nhà mình. Khi mở cửa nhà thì một cảnh tượng xáo trộn chưa từng thấy ở
trong nhà mợ! Bàn ghế bị lật đổ , bóng đèn bị đập vở, trên tường nhà đầy những
vết cào xước! Mợ nghĩ ra ngay là con ma trong nhà không thích việc mợ đi gặp
thày phù thuỷ! Nhưng là một người gan dạ, mợ không để việc này làm thay đổi
điều mà mợ đã đồng ý cho thày phù thuỷ tới nhà!
Hôm sau ông phù thuỷ tới nhà và gỏ cửa. Một giọng
đàn ông trầm trầm nói tiếng Pháp mời thày vào nhà. Thày vào trong nhà và cảm
thấy có sự hiện diện lạnh lùng của một ai đó trong nhà! Thày ngồi đợi ở phòng
khách và rồi mợ từ trong bếp bước ra. Mợ rất kinh ngạc vì thấy thày phù thuỷ
đang ngồi trên ghế! Mợ hỏi:
- Thày đến hồi nào vậy? Tôi đâu nghe tiếng gỏ cửa
của thày đâu? Làm sao thày vào nhà được vậy?
Thày nói cho mợ biết các điều đã xảy ra và mợ cho
thày biết là khi cậu Ba còn sống thỉnh thoảng cậu cũng có giao lưu với hồn của
một người Pháp, người Pháp này chết từ năm 1945 khi Việt Minh nổi dậy đánh
chiếm chính quyền ở đây. Mợ còn cho biết thêm là cái hồn này nhiều lần yêu cầu
cậu Ba cho nó được giao lưu với mợ Mợ thường cảm thấy có ai đó nhìn và mơn trớn
mợ mỗi khi mợ tắm hay thay quần áo! Nhưng mợ cho thày biết là cái hồn này lâu
nay đã rời nhà khi mợ vô tình đốt một gói giấy gì đó của cậu, vì từ đó mợ không
còn cảm thấy bị có ai nhìn lén nữa! Tuy thế mợ cho là cái hồn ma này cũng tử tế
chứ không dữ dằn gì cả! Nghe xong câu chuyện, thày xin phép đi xem vòng vòng
trong nhà, mợ gật đầu. Thày đi chậm chậm vòng vòng trong nhà chừng 10 phút rồi
bổng đứng khựng lại.
Thày quay lại phía mợ, mặt trắng bạch nói trong hơi
thở:
- Cô phải rời nhà này càng sớm càng tốt!
- Có chuyện gì vậy thày? Làm ơn cho tôi biết đi?
- Không thể chần chờ được! Mau đến nhà tôi ngay đi
rồi tôi sẽ nói cho cô nghe! Chúng ta cần phải rời căn nhà này gấp!
Khi cả hai về đến nhà thày phù thuỷ, thày mới nói:
- Cô đoán đúng! Cái hồn ma trong nhà không phải là chồng cô! Nó là một người
Pháp, và cũng có thêm mấy hồn ma người Thượng khác, nhưng hồn ma Pháp là kẻ cầm
đầu. Ngay cả khi chồng cô còn sống cái hồn này đã có ý thích cô rồi, cũng vì
thế mà nó làm cho chồng cô bị trượt chân rớt xuống thác chết để độc quyền chiếm
lấy cô đó! Nó phá cô vì nó ghen tuông đó mà!
Mợ Ba nhớ lại là thời gian đầu sau khi chồng chết
thì con ma đối xử với mợ rất nhả nhặn, và có vẻ chăm sóc mợ lắm. Nhưng từ khi
mợ bắt đầu đi chơi với bạn bè thì nó bắt đầu trở nên hung bạo! Có lẽ nó ghen
với mợ thì phải! Mợ chợt nhớ ra điều gì vội hỏi:
- Lúc ở nhà tôi có gì ghê gớm xảy ra sao tôi thấy
mặt thày trắng bạch ra vậy?
- Tôi cảm thấy một luồng khí lạnh bao trùm lấy tôi
và một giọng ồm ồm bằng tiếng Pháp bảo tôi là hãy để cô yên vì cô là của hắn
ta, hắn còn nói là nếu tôi mà không nghe lời hắn thì hắn sẽ thanh toán tôi! Rồi
hắn đuổi tôi ra khỏi nhà ngay lập tức đó! Nhưng tôi thấy tội nghiệp cô nên tôi
mới khuyên cô rời nhà đó! Cô hãy nghe tôi đừng trở lại ngôi nhà đó nữa nhe
chưa!
Mợ đồng ý và đêm đó mợ ngủ lại nhà của bà ngoại.
Nhưng mợ cần một số quần áo và vật dụng cá nhân cho nên chiều tối đó mợ nhờ một
người bạn trai tên Tài (làm cùng sở với mợ) chở mợ về nhà để thu nhặt các thứ
cần dùng. Khi cả hai vào trong nhà thì đồ đạc cũng lại bị lật tung lên, ngã đổ
ngổn ngang! Chú Tài thấy cảnh tưởng như vậy mới hỏi lý do, mợ nói sơ sơ về hoàn
cảnh của mợ! Chú ta không tin và cho là chắc có kẻ nào đó thích phá phách mợ
thôi! Mợ nói đó là sự thật và nếu chú ấy muốn nghe thì mợ sẽ kể cho chú ấy
nghe. Cả hai ngồi ở phòng khách và mợ bắt đầu kể đầu đuôi câu chuyện cho chú ấy
nghe.
Trong khi kể thì chú Tài thường ngắt quảng và đưa
ra các câu hỏi và những nhận xét của mình. Khi mợ chấm dứt câu chuyện thì đồng
hồ cũng đổ 9 giờ đêm. Mợ vội vàng vơ vài thứ cần thiết và nói với chú Tài mau
rời khỏi nhà. Cả hai vừa định bước ra phía cửa thì nghe có tiếng đập nhè nhẹ Ở
cửa, cả hai lắng nghe và tiếng đập mỗi lúc một mạnh hơn. Rồi tiếng đập như là
có ai đang đấm vào cửa vậy. Chú tài lấy hết can đảm bước tới phía cửa để mở!
Khi chú ấy còn cách vài bước thì hai cánh cửa chợt như long bản lề bay về phía
chú làm chú phải nhảy lùi lại để tránh! Nhưng cái cánh cửa không ngã xuống mà
bay trở về vị trí cũ như không có gì xảy ra hết! Mặt mợ và chú Tài đều sợ dến
trắng bạch cả ra, và chú ôm lấy hai tai rồi la lớn là phải rời khỏi nhà ngay
lập tức.
Cả hai tông cửa chạy ra ngoài, chú Tài leo lên mở
khoá và đạp cho chiếc Honda nổ máy! Nhưng không biết vì quá sợ hay vì lý do nào
đó mà cái xe không chịu nổ! Gió thổi vi vu lạnh buốt, không biết chú Tài thấy
gì hay vì lạnh mà tay chú run lẩy bẩy, miệng chú đánh bò cạp! Chú ấy sợ muốn
đái cả ra quần! Cuối cùng chú ấy bật lên được một câu:
- Tôi để cô ấy một mình! Hãy cho tôi đi!
Xe bổng nổ máy và chú ấy nhảy lên xe dọt mất! Mợ Ba
sợ quá cắm đầu phóng ra đường và chạy một mạch về nhà ông bà ngoại tôi! Từ đó
mợ Ba không bao giờ dám bước chân về căn nhà đó nữa. Ông bà ngoại tôi là người
đứng ra bán căn nhà đó. Nghe nói người chủ sau có mời một vị Linh Mục tới làm
phép trừ ma cho căn nhà và họ sống yên lành trong căn nhà đó.
Sau ngày đó mợ thỉnh thoảng muốn nói chuyện với chú
Tài khi họ gặp nhau trong sở làm, nhưng chú ấy luôn lẫn tránh. Sau cùng chú ấy
xin nghỉ và đi làm ở chổ khác để tránh việc chạm mặt mợ Ba!
Cuối cùng mợ tái giá và theo chồng về Nha Trang.
Tôi cũng thỉnh thoảng đến thăm mợ vì ở cùng một thành phố! Một hôm mợ có cho
tôi coi một bức thư của chú Tài trong đó chú nói là xin lỗi mợ vì đã bỏ rơi mợ
lại đêm đó và đã làm ngơ không chuyện trò với mợ từ đêm xảy ra sự cố! Chú ấy
nói là lúc cánh cửa long ra rồi ghép lại thì chú ấy nghe tiếng nói cùng khắp
nhà vang lên. Chúng kêu lên là mợ là của chúng và nếu chú không rời mợ thì
chúng sẽ giết chú hay làm chú trở nên điên khùng. Cũng vì sợ mà chú đã làm
những điều không nên làm đối với mợ. Mợ cũng đã viết thơ trả lời và thông cảm
với những điều mà chú ấy đã đối xử với mợ!
Từ khi bỏ nhà đi và sau đó căn nhà được vị Linh Mục
trừ quỷ thì mợ Ba, chú Tài, và tất cả những người trong gia đình không còn bị
quấy rầy bởi cái hồn ma Pháp và mấy tên đầy tớ Thượng nữa! Có lẽ Bề Trên đã đem
chúng về chổ chúng phải được ở sau khi chết. Chúng đã lẩn trốn và lang thang
trên trần thế cả mấy chục năm rồi!
(Chú thích:
Viết theo ý của một chuyện ma mà tôi được nghe kể
bởi một người bạn trước sống ở Ban Mê Thuột nay sống ở
Rất nhiều người Thượng (nhất là những người già)
trên Cao Nguyên biết nói và đọc tiếng Pháp vì trong thời Pháp thuộc vùng này
thuộc quyền cai trị của người Pháp chứ không phải dưới sự cai trị của vua quan
nhà Nguyễn.)
THƯ SINH HỌ ĐỔNG
(Tác giả: Bồ Tùng Linh)
Thư sinh họ Ðổng, tên tự là Hà Tư, người ở ấp Tây
đất Thanh Châu. Vào tháng đông, trời gần tối, trải chăn ra giường và đốt mẻ
than dưới gầm. Ðang định thắp đèn lồng thì vừa có người bạn mời đi uống rượu,
bèn đóng cửa mà đi.
Ðến chỗ bạn, thấy trong bàn tiệc có một thầy lang
sành xem mạch thái tố, chẩn mạch cho khắp mọi người. Sau cùng, nhìn đến thư
sinh Vương Cửu Tư và chàng Ðổng, ông thầy nói:
- Tôi xem cho người đã nhiều, chưa thấy ai có mạch
lạ như hai ông; mạch thì sang mà có điềm hèn, mạch thọ mà có điềm yểu. Thật bỉ
nhân chẳng dám hiểu ra sao nữa. Mà riêng ông Ðổng lại càng lạ lắm.
Mọi người cùng kinh ngạc nhao lên hỏi. Ông lang
đáp: - Thuật của tôi chỉ biết đến đấy là cùng rồi, không dám đoán liều nữa. Chỉ
xin hai ông tự mình cẩn trọng mà thôi.
Hai người mới nghe sợ lắm, sau rồi cùng nghĩ là câu
nói nước đôi mơ hồ, nên bỏ qua chẳng để tâm nữa.
Nửa đêm, Ðổng ra về, thấy cửa nhà học khép hờ, ngờ
quá. Trong cơn say, cố nhớ lại, tất là khi đi vội vã, quên khoá cửa. Vào phòng,
chưa kịp đốt đèn lên, hãy đưa tay sờ vào trong chăn trước xem có ấm hay không.
Vừa mới thọc tay vào, đụng ngay da thịt mịn màng của ai đang nằm sẵn, kinh ngạc
hết sức, vội rụt tay lại. Ðốt gấp đèn lên, thì ra một cô em tuyệt mỹ, mặt sáng
sủa, tuổi còn non, không khác gì thần tiên. Mừng cuống cuồng, đùa bỡn, đưa tay
xuống phần dứơi cơ thể, thì xù xì một nắm lông đuôi. Hốt hoảng quá định chạy,
thì cô gái đã tỉnh dậy, đưa tay ra nắm lấy cánh tay hỏi:
- Chàng định đi đâu?
Ðổng càng sợ, người run lên, năn nỉ xin người tiên
tha cho. Cô gái cười, nói:
- Thấy cái gì mà cho người ta là tiên?
Ðổng đáp:
- Tôi chẳng sợ phần đầu mà sợ phần đuôi.
Cô gái lại cười bảo:
- Ðuôi đâu mà đuôi? Anh lầm rồi.
Ðoạn cầm tay Ðổng kéo vào cho sờ lại, thì thịt ở
đùi mềm mại như mỡ, chỗ xương cụt nhẵn thín.
Cô gái cười nói:
- Thế nào? Rượu say mê mẩn, chẳng biết thấy gì đâu
đâu mà lại vu cho người ta như vậy?
Ðổng vốn thấy người đẹp đã thích rồi, nay hết sợ
lại càng mê mẩn, nghĩ lại tự trách mình là lầm. Nhưng vẫn còn điều nghi ngờ,
không hiểu nàng vì sao mà đến. Nàng đáp:
- Anh không nhớ cô bé tóc vàng nhà hàng xóm phía
Ðông sao? Bấm đốt ngón tay, từ lúc dời đi nơi khác, đến nay đã được mười năm
rồi. Lúc ấy tôi chưa cài trâm, mà anh cũng còn để tóc trái đào cơ đấy.
Ðổng chợt nhớ ra, hỏi:
- Thế em là cô Toả nhà họ
Nàng đáp: - Phải đấy.
Ðổng nói:
- Bây giờ em nói, anh mới mang máng nhớ lại. Mười
năm không gặp, thế mà đã thành người yểu điệu thế này rồi đấy! Nhưng sao mà lại
đến được đây?
Cô gái nói:
- Thiếp lấy phải thằng chồng đần, được đâu bốn, năm
năm, cha mẹ chồng theo nhau qua đời, lại chẳng may chồng cũng vừa mới mất, còn
lại một mình thiếp, bơ vơ không nơi nương tựa. Nhớ lại người quen biết thuở nhỏ
chỉ còn có mình chàng, nên cố gượng tìm đến gặp. Vừa tới cổng thì trời tối, xảy
lại có người đến mời chàng đi uống rượu, bèn lén nấp để đợi chàng về. Ðợi đã
lâu, chân lạnh cóng, nổi cả da gà lên, nên phải nhờ cái chăn cho ấm người lên
một chút, xin chớ ngờ nhau.
Ðổng mừng, cởi áo cùng ngủ, lấy làm đắc ý lắm.
Ðược hơn một tháng, người gầy rộc hẳn đi. Người nhà
lấy làm lạ, thì nói là cũng không biết tại sao. Càng lâu mặt mũi càng gầy võ.
Mới đâm hoảng, vội đi tìm ông thầy chẩn mạch giỏi hồi trước, nhờ chẩn cho. Thầy
lang đáp: - Ðây là mạch bị yêu quái ám rồi. Cái điềm chết ngày trước, nay quả
đã nghiệm. Bệnh không thể làm gì được nữa.
Ðổng khóc hu hu không chịu đi. Thầy lang bất đắc dĩ
phải châm cho ở tay, đốt ngải cứu cho ở rốn, rồi đem thuốc tặng cho, dặn rằng:
- Nếu có gặp ai đấy thì phải gắng mà dứt đi.
Ðổng cũng tự biết nguy hiểm. Về đến thư trai, cô
gái cười cợt đứng đón. Chàng tức mình nói:
- Ðừng dan díu với nhau nữa. Tôi sắp chết rồi đây.
Nói rồi bước đi không ngoái lại. Cô gái xấu hổ quá,
cũng tức lên mà nói: - Mày còn muốn sống nữa ư?
Ðến đêm, Ðổng uống thuốc rồi ngủ một mình. Vừa mới
chợp mắt, đã thấy giao hợp cùng cô gái, tỉnh dậy thì tinh đã xuất ra rồi. Càng
sợ, bèn dời giường vào nhà trong, vợ con đốt đèn canh giữ. Nhưng vẫn mơ thấy
như cũ. Lén nhòm cô gái thì không thấy đâu nữa. Ðược mấy hôm, Ðổng thổ ra hơn
một đấu huyết mà chết.
Vương Cửu Tư đang ở trong phòng học, thấy một cô
gái tìm đến, mê thích vì sắc đẹp nên ăn nằm cùng nàng. Hỏi ở đâu đến thì đáp:
- Thiếp là láng giềng nhà Hà Tư. Anh ấy trước thân
thiết với thiếp lắm, không ngờ bị hồ mê hoặc mà chết. Cái giống yêu quái ấy
thật đáng sợ. Phàm người đã đọc đến sách vở, phải nên cẩn thận đề phòng.
Vương càng phục, bèn ân ái vui vầy với nhau. Ðược
vài hôm, đâm mê hoảng, gầy ốm. Chợt mộng thấy Ðổng về bảo: - Kẻ đang cùng anh
mặn nồng là hồ đấy. Giết hại tôi rồi, nó lại còn múôn giết hại cả bạn tôi nữa.
Tôi đã kiện nó ở dưới Âm ty, để rửa mối hờn. Trong vòng bảy hôm, cứ đêm đêm anh
nên thắp hương ở bên ngoài phòng ngủ nhà mình đừng có quên.
Tỉnh dậy, lấy làm lạ, nói với cô gái:
- Tôi ốm lắm, e sắp bỏ thân nơi ngòi rãnh đến nơi,
có người khuyên nên kiêng chuyện chung chạ.
Cô gái đáp: - Mệnh đáng thọ, dẫu gần đàn bà vẫn
sống, mệnh không thọ thì không gần đàn bà vẫn chết.
Lại ngồi kề bên mà cười đùa. Vương kìm lòng không
đậu lại cùng nàng mây mưa. Xong rồi thì hối, nhưng vẫn không sao dứt hẳn được.
Ðến tối, cắm hương ở trên cửa. Cô gái đến, nhổ vứt
đi. Ðêm lại mộng thấy Ðổng về, trách sao làm trái lời dặn. Ðêm hôm sau, ngầm
dặn người nhà chờ lúc mình với ả ngủ rồi hãy lén đốt hương lên. Cô gái đang ở
trên giường bỗng hoảng hốt nói:
- Lại đốt hương nữa đấy à?
Vương đáp: - Không biết.
Nàng vội trở dậy tìm thấy hương bẻ dụi tắt đi, rồi
trở vào nói: - Ai xúi anh làm như vậy?
Vương đáp:
- Có thể là đàn bà con gái trong nhà lo tôi đau ốm,
tin lời thầy bói, thắp hương để trừ tà đấy thôi.
Cô gái bối rối không vui. Người nhà lén dòm thấy
hương tắt, lại đốt nén khác. Cô gái chợt thở dài, bảo:
- Phúc trạch nhà anh còn dầy thật. Tôi đã lầm lỡ
giết Hà Tư rồi lại chạy đến với anh, thật đúng là lỗi của tôi. Tôi sắp phải
cùng anh ta đến đối chất trước toà án Âm ty. Nếu anh không quên chút tình cũ,
xin chớ làm hỏng mất cái túi da của tôi.
Nói xong, rụt rè bước xuống giường, ngã lăn ra đất
mà chết. Ðốt lửa soi, đã thành một con chồn. Còn sợ nó sống lại, vội gọi người
nhà lột da, treo lên.
Bệnh Vương rất nặng, thấy hồ hiện về nói:
- Tôi đã kêu oan ở pháp toà. Pháp toà bảo chàng
Ðổng thấy gái mà mê, chết là đáng tội. Nhưng cũng buộc tội tôi mê hoặc người
không đúng, thu mất viên kim đan, rồi lại cho sống lại. Vậy bộ da của tôi ở
đâu.
Ðáp: - Người nhà không biết đã đem lột mất rồi.
Hồ thảm đạm nói rằng:
- Ta giết người đã nhiều, nay chết kể cũng đã muộn.
Nhưng anh thật nhẫn tâm thay!
Hờn giận mà bỏ đi. Vương ốm tưởng nguy, nửa năm mới
khỏi.
TIỂU THỦY
(Tác giả: Bồ Tùng Linh)
Quan Thái Thường họ Vương, người đất Việt, lúc còn
trái đào, ban ngày nằm ngủ trên sập. Bỗng trời tối sầm, sấm sét nổi lên ầm ầm,
một vật gì to hơn con mèo đến nằm phục bên cạnh mình, quanh quẩn mãi không rời.
Một lúc trời quang tạnh, con vật liền bỏ đi. Nhìn xem, không phải là mèo, mới
sợ, gọi anh ở buồng bên, anh nghe thấy, mừng nói:
- Em tất sẽ hiển quý to. Ðấy là giống hồ đến tránh
sấm sét đó.
Sau quả nhiên tuổi trẻ đỗ tiến sĩ, rồi từ huyện
lệnh vào kinh là thị ngự. Sinh được một trai là Nguyên Phong, rất mực ngây ngô,
mười sáu tuổi vẫn chưa biết thế nào là đực cái, vì thế mà người quanh vùng
không ai gả con cho. Vương lo lắm.
Chợt có người đàn bà đưa một cô gái đến nhà, tự xin
gả cho Nguyên Phong. Trông người con gái, thấy nhoẻn cười tươi xinh thật là
phẩm tiên. Vương mừng, hỏi họ tên. Tự nói là họ Ngu, con gái tên Tiểu Thu, tuổi
vừa đôi tám. Bèn đến tiền sính lễ, nói: - Trước đây, nó ở với tôi, rau cháo
không đủ no, nay một sớm được gởi thân chốn nhà cao cửa rộng có kẻ hầu người
hạ, thừa miếng ngon của lạ, nó được vừa mà tôi cũng thỏa nguyện, có phải bán
rau đâu mà nói giá!
Phu nhân mừng lắm, tiếp đãi rất hậu. Người đàn bà
liền bảo cô gái lạy Vương và phu nhân, dặn rằng: - Ðây là bố chồng, mẹ chồng
của mày, phải hầu hạ cẩn thận. Ta vội lắm, phải đi, vài ba hôm nữa sẽ trở lại.
Vương sai đầy tớ thắng ngựa đưa về. Người đàn bà
nói: - Làng tôi không xa, không dám phiền bày vẽ.
Bèn ra cửa đi.
Tiểu Thu cũng không có vẻ buồn bã quyến luyến, liền
mở hòm lấy đồ trang sức ra.
Phu nhân cũng yêu thích cô gái lắm.
Mấy hôm sau, người đàn bà không đến. Hỏi quê quán,
cô gái cũng ngớ ngẩn, không nói rõ được đường sá thế nào. Bèn sắp đặt cho một
căn nhà riêng, cho vợ chồng làm lễ thành hôn. Họ hàng nghe thấy Vương vơ quàng
con nhà bần tiện làm dâu ai cũng chê cười. Khi trông thấy cô gái thì đều kinh
ngạc, những lời bàn tán từ đó mới thôi.
Cô gái lại rất thông minh, biết dò đón ý tứ mừng
giận của bố mẹ chồng. Vợ chồng Vương yêu quý con dâu quá thói thường, lại lo
ngay ngáy chỉ sợ vợ nó chê con trai mình ngây; thế mà cô gái vẫn một mực vui
cười, không lấy thế làm điều. Chỉ có cái hay đùa; lấy vải khâu làm quả cầu, đá
chơi; đi đôi hài da nhỏ, đá quả cầu xa đến vài chục bước rồi đánh lừa công tử
chạy ra nhặt; công tử và thị tỳ thường toát mồ hôi chạy theo.
Một hôm, Vương tình cờ đi qua, quả cầu bỗng bay vụt
đến, trúng ngay vào mặt. Cô gái và thị tỳ chạy mất, còn công tử vẫn nhảy nhót
đuổi theo. Vương nổi giận, lấy đá ném, chàng mới lăn ra mà khóc.
Vương đem chuyện về kể với phu nhân, phu nhân sang
mắng cô gái, cô gái cúi mặt cười tủm, lấy tay xoa mép giường. Phu nhân về rồi,
lại đùa nghịch như trước, lấy phấn trát vào mặt công tử loang lổ như quỷ.
Phu nhân trông thấy, giận lắm, gọi đến mắng thậm
tệ. Cô gái dựa vào ghế, mâm mê giải lưng, không sợ, cũng không nói năng gì.
Phu nhân không làm thế nào được, nhân lấy roi đánh
cậu con. Nguyên Phong kêu ầm lên, cô gái mới biến sắc, quỳ xuống xin tha.
Phu nhân nguôi ngay cơn giận, vứt roi trở về.
Cô gái vừa cười, vừa lôi công tử vào nhà, rũ bụi ở
quần áo, lau nước mắt, xoa những vết roi đòn, lấy quả táo và hạt dẻ cho ăn.
Công tử bèn thôi khóc, lại vui ngay. Cô gái đóng cánh cửa thông ra sân, lấy mũ
áo thắng bộ cho công tử đóng vai Bá Vương, làm người sa mạc, còn mình thì trang
điểm, bó lưng lại, rồi súng sính múa điệu "Dưới Trướng". Hoặc có khi
lấy lông đuôi chim trĩ, cài vào mái tóc, gẩy đàn tỳ bà, tiếng tình tang réo rắt
mãi; cười vang cả nhà; lâu ngày coi là thường.
Vương thấy con mình ngây, không nỡ trách dâu, dù
thoảng nghe thấy cũng bỏ qua.
Cùng ngõ, có một viên quan cấp gián họ Vương, ở
cách nhau hơn mười nhà, nhưng vốn không ưa nhau. Bấy giờ, gặp lúc triều đình ba
năm xét công các quan lại. Cấp gián ghen Vương được giữ ấn đạo Hà
Ruổi ngựa đến cổng nhà Cấp gián tức thì lại lấy roi
đánh người theo hầu, nói rằng:
- Ta đến thăm Thị ngự họ Vương chớ đâu có đến thăm
Cấp gián họ Vương!
Quay ngựa mà về. Ðến cổng nhà, người canh cổng ngỡ
là thật, chạy vào báo Vương. Vương vội dậy ra nghênh tiếp, mới biết là con dâu
đùa. Giận lắm, bảo với phu nhân: - Người ta đương rình từng kẽ hở của mình, mà
mình lại đem cái xấu xa trong phòng khuê đến tận cổng nhà người ta mà tâu thì
tai họa đến nơi rồi!
Phu nhân giận, chạy sang nhà cô gái mắng thậm tệ,
cô gái chỉ ngớ ngẩn cười, chẳng cãi lại câu nào. Ðánh không nỡ mà đuổi thì
không cửa không nhà, hai vợ chồng buồn bực suốt đêm không ngủ.
Thời bấy giờ, quan Tể Tướng đương triều rất hách,
nghi vệ, phong thái, xiêm áo, quan hầu so với những kẻ giả trang của cô gái thì
không khác chút gì.
Vương cấp gián cũng nhầm, tưởng là thật; Mấy lần
sai người đến tận cửa nhà Vương dò, mãi đến nửa đêm mà chưa thấy khách ra, ngờ
rằng Tể Tướng với Vương mưu tính chuyện cơ mật.
Hôm sau vào chầu sớm, gặp mặt hỏi rằng:
- Ðêm qua Tướng công đến nhà ngài đấy ư?
Vương ngỡ là hắn diễu mình, chỉ đỏ mặt dạ, không
nói thêm nữa. Cấp gián càng nghi, không dám mưu hại nữa, mà từ đó càng cố kết
giao lấy lòng với Vương, Vương dò biết sự tình, mừng thầm, nhưng vẫn dặn ngầm
phu nhân khuyên cô gái sửa đổi những việc làm trước. Cô gái cười xin vâng.
Hơn một năm sau, Tể Tướng bị bãi. Nhân có người
viết thư riêng cho Vương, lại gửi nhầm vào nhà Cấp gián. Cấp gián mừng lắm.
Trước hãy nhờ người quen biết Vương đến hỏi mượn một vạn lạng vàng. Vương từ
chối. Cấp gián thân hành đến nhà, Vương tìm khăn áo, mãi cũng không thấy. Cấp
gián đợi lâu, giận Vương xược với mình, bực tức định quay ra. Bỗng thấy công
tử, áo cổn mũ miện, có người con gái từ trong cửa đẩy ra. Cấp gián hãi quá,
đoạn rồi lại cười và vỗ về công tử, lột lấy áo mão của chàng cuốn lại mang đi.
Vương vội ra, thì khách đã đi xa; nghe kể duyên do,
sợ mặt nhợt như đất thó, khóc òa lên mà rằng:
- Ðây là họa nàng dâu đây. Bất nhật sẽ giết cả họ
nhà ta thôi!
Liền cùng phu nhân vác gậy chạy sang. Cô gái đã
biết trước, đóng chặt cửa, tha hồ cho chửi mắng.
Vương giận, lấy búa phá cửa. Cô gái ở trong nhà mỉm
cười nói: - Thầy chớ giận. Có con dâu ở đây, đao kiếm búa rìu con dâu cũng xin
chịu, quyết không để phiền lụy đến thầy mẹ. Thầy làm thế là muốn giết dâu để
bịt miệng nhân chứng ư?
Vương bàn thôi. Cấp gián về, quả dâng sớ tâu Vương
mưu phản, đem mũ miện áo cổn ra làm bằng. Chúa thượng giật mình, xét nghiệm ra
thì tua mũ miện làm bằng lõi cây cao lương, cây bố, áo bào khâu bằng vải nát
lấy ở khăn bao vàng.
Vua giận Cấp gián vu cáo, lại cho triệu Nguyên
Phong đến, thì thấy dáng điệu ngây ngô lộ rõ, mới phì cười nói: - Thế này mà
cũng làm vua được ư?
Bàn giao việc cho Pháp tì xét. Cấp gián lại kiện
nhà Vương có yêu quái. Pháp tì tra hỏi nô bộc trong nhà, đều nói không có ai,
chỉ có nàng dâu điên và anh con trai ngây, suốt ngày cười đùa. Hàng xóm láng
giềng cũng không khai gì khác. Bấy giờ án mới định; cấp gián bị xung làm lính ở
Vân
Vương từ đấy mới biết cô gái là kỳ dị, lại thấy mẹ
nàng lâu không đến, ngờ không phải là người trần. Bảo phu nhân dò, nàng chỉ
cười không nói. Hỏi gạn mãi thì bưng miệng đáp:
- Con là con gái Ngọc Hoàng, mẹ không biết ư?
Không bao lâu, Vương được thăng chức Kinh Khanh.
Ngoài năm mươi tuổi vẫn lo không có cháu. Cô gái ăn ở đã ba năm mà đêm đêm vẫn
nằm riêng, hình như chưa có sự chung chạ gì. Phu nhân sai khiêng sập đi, dặn
công tử nằm chung với vợ. Ðược vài hôm, công tử nói với mẹ: - Mượn sập của con
mang đi, sao ngang bướng không mang trả? Tiểu Thu cứ đêm đêm gác chân lên bụng,
thở chả được, lại quen tay, cứ cấu vào đùi người ta nữa!
Con hầu, vú ở, không ai nhịn được cười; phu nhân
nạt, phát cho mấy cái, bảo đi.
Một hôm cô gái tắm ở trong buồng, công tử trông
thấy đòi tắm chung, cô gái bật cười ngăn lại, dỗ bảo đợi một lúc. Ra rồi nàng
mới thay nước nóng đổ vào vại, cởi quần áo của chàng ra, cùng thị tỳ đỡ vào.
Công tử cảm thấy hơi nóng ngột ngạt hét to lên đòi ra; cô gái không nghe, lấy
chăn chùm lên. Một lát, không thấy kêu nữa, mở ra xem thì đã tắt thở. Nàng vẫn
cười nói thản nhiên, không sợ, kéo ra đặt lên giường, lau khô mình mẩy, đắp
thêm chăn cho.
Phu nhân nghe thấy, vừa khóc vừa chạy vào mắng: -
Con điên kia, sao giết con tao?
Cô gái nhoẻn cười đáp:
- Con ngây như thế chẳng thà không có.
Phu nhân càng giận, lấy đầu húc cô gái, bọn thị tỳ
xô vào kéo ra khuyên can. Ðương lúc ồn ào, một con thị tỳ chạy đến bảo: - Công
tử rên được rồi!
Phu nhân thôi khóc, sờ vào mình con thì thấy hơi
thở nhỏ nhẹ mà mồ hôi ra như tắm, ướt cả chăn chiếu. Một lát, mồ hôi không chảy
nữa, bỗng mở mắt trông bốn bên, nhìn khắp gia nhân như không quen ai cả, nói:
- Bây giờ nhớ lại những việc trước, cứ như nằm
mộng! Sao vậy nhỉ?
Phu nhân nghe câu nói không có vẻ ngây, lấy làm lạ
lắm, dắt về thăm bố. Hỏi thử mấy lần, quả không ngây. Mừng rỡ như bắt được của
báu. Ðến tối sai khiêng trả sập về chỗ cũ, sắp sửa chăn gối để xem sao.
Công tử vào buồng, đuổi hết thị tỳ đi. Sáng ra, ngó
xem thì sập vẫn bỏ không. Từ đấy, không thấy ngây và điên nữa, mà sắc cầm hoà
hợp quấn quít như hình với bóng. Hơn một năm. Vương lại bị bè đảng của Cấp gián
đàn hặc, đòi bãi chức, nên quan trên cũng khiển trách. Trước kia quan Trung Thừa
Quảng Tây có tặng Vương một bình ngọc, giá đáng nghìn vàng, bấy giờ định đem ra
đút lót để gỡ tội. Cô gái cũng thích, cầm xem chơi, bỗng tuột tay rơi vỡ, xấu
hổ, chạy đến tự thú. Vợ chồng Vương đang buồn nghe về nỗi bị người dèm báng đòi
cách quan, nghe thế giận lắm, cùng nhiếc mắng thậm tệ.
Nàng trỗi dậy đi ra, nói với công tử:
- Tôi ở nhà anh, những cái bảo toàn được không phải
chỉ một cái bình, sao không nể mặt nhau một chút? Nói thực với anh: tôi không
phải là người. Vì mẹ tôi gặp nạn sấm sét, ơn sâu được thầy che chở, lại vì đôi
ta có duyên phận năm năm với nhau, cho nên tôi đến đây để đền ơn, và cũng để
cùng anh trọn nguyền đấy thôi. Thân tôi bị nhiếc mắng đã nhiều, nhổ tóc mà đếm
cũng không xuể, sỡ dĩ không đi ngay là vì cái duyên năm năm chưa trọn. Bây giờ
thì làm sao còn nán lại được nữa. Ðọan hầm hầm bước ra. Ðuổi theo thì đã biến
mất. Vương ngẩn người ra, hối hận đã không kịp nữa. Công tử vào trong nhà, nhìn
phấn thừa, thoa cũ, khóc lóc muốn chết, ăn ngủ không ngon, ngày càng gầy mòn
héo hắt. Vương lo lắm, vội toan cưới vợ khác cho con để giải phiền, mà công tử
thì không vui, chỉ tìm thợ vẽ giỏi họa tranh Tiểu Thu, ngày đêm thắp hương khấn
vái.
Gần hai năm sau, tình cờ có việc từ làng khác về.
Trăng sáng vằng vặc. Ngoài thôn vốn có một khu vườn cảnh của nhà Vương; công tử
vừa cưỡi ngựa đi qua bên ngoài tường, bỗng nghe có tiếng cười, liền dừng cương,
sai đầy tớ nắm hàm thiếc rồi đứng lên trên yên trông vào, thì thấy hai người
con gái đang chơi đùa trong đó. Vì bóng trăng bị mây phủ mờ mờ, không trông rõ
lắm. Chỉ nghe một cô áo xanh nói: - Con ranh này, phải đuổi ra ngoài cổng mới
được!
Một cô áo đỏ nói: - Mày đang ở ngay trong sân viện
nhà tao, lại còn định đuổi ai?
Cô áo xanh nói: - Con ranh, không biết thẹn. Làm vợ
không đắt, bị người ta tống về, lại còn nhận vơ sản nghiệp của người ư?
Cô áo đỏ nói: - Chẳng hơn cái đứa đến già vẫn không
ai thèm ngó đến!
Nghe giọng nói giống hệt Tiểu Thu, công tử vội cất
tiếng gọi to. Cô áo xanh bước đi, nói: - Tao không cãi vã với mày nữa, đức ông
chồng nhà mày đã đến kia kìa. Ðọan rồi cô áo đỏ đi tới, quả là Tiểu Thu. Công
tử mừng lắm. Cô gái bảo trèo lên tường để mình đỡ xuống, nói: - Hai năm không
thấy mặt mà xương gầy còn một nắm rồi!
Công tử cầm tay khóc, kể nỗi nhớ nhung. Cô gái nói:
- Thiếp cũng biết thế, nhưng không còn mặt nào trông thấy người nhà được nữa.
Hôm nay cùng chị cả chơi đùa, nào ngờ lại gặp nhau ở đây, mới biết duyên lứa
trước không thể tránh được.
Mời cùng về, nàng không nghe; xin nàng ở lại trong
vườn thì bằng lòng. Công tử bèn sai đầy tớ chạy về thưa với phu nhân. Phu nhân
giật mình ngồi kiệu đến, mở khóa vào. Cô gái chạy đến, sụp xuống lạy. Phu nhân
nắm lấy cánh tay nâng dậy, chảy nước mắt nhận hết lỗi xưa, hồ như không thể
dung thứ cho mình nói:
- Nếu con không chấp nhận chuyện cũ thì xin hãy
cùng về cho mẹ vui tuổi già.
Nàng đáp rằng không được, lời lẽ quả quyết. Phu
nhân lo ngôi đình Tể hoang vắng, định cho nhiều người đến hầu hạ. Cô gái cười
nói:
- Con không muốn gặp ai cả, duy chỉ có hai đứa thị
tỳ ngày trước, sớm tối theo con, không thể không quyến luyến chúng. Ngoài ra
chỉ xin một người lão bộc trông coi cổng, còn thì không cần gì nữa.
Phu nhân thảy theo như lời nàng; lại nói thác đi
rằng công tử dưỡng bệnh trong vườn, rồi hàng ngày mang thức ăn vật dụng ra mà
thôi.
Cô gái thường khuyên công tử lấy vợ khác, công tử
không nghe; hơn một năm sau, sắc mặt, tiếng nói của nàng dần dần đổi khác, lấy
bức vẽ ra, rõ ràng là hai người. Lấy làm lạ. Cô gái nói: - Trông thiếp bây giờ
có đẹp như ngày xưa nữa không?
Công tử đáp: - Bây giờ thì vẫn đẹp, nhưng so với
trước thì hình như không bằng!
Cô gái nói: - Nghĩa là thiếp đã già rồi!
Công tử nói:
- Người ngoài hai mươi, làm gì lại già ngay được!
Cô gái cười, đốt bức vẽ đi, giật lại thì đã cháy
thành tro. Một hôm nàng nói với công tử:
- Ngày trước khi còn ở nhà, mẹ chàng thường bảo
thiếp đến chết cũng không làm kén được. Bây giờ thì thầy mẹ đã già, chàng lại
là con một, thiếp thực không sinh nở được, sợ nhỡ việc nối dõi của chàng! Xin
lấy vợ về nhà, sớm tối hầu hạ thầy mẹ, chàng đi lại cả hai nơi, cũng không có
gì là không tiện.
Công tử bằng lòng, nạp sính lễ ở nhà quan Thái sử
họ Chung. Gần đến ngày cưới, nàng tự khâu áo giày cho cô dâu, rồi đưa về chỗ
phu nhân.
Ðến khi cô dâu vào cổng thì tiếng nói, nét mặt, cử
chỉ không khác gì Tiểu Thu chút nào. Chàng lấy làm lạ lắm. Trở lại khu vườn
cảnh thì cô gái đã đi đâu không biết. Hỏi thị tỳ, thị tỳ đưa ra một chiếc khăn
hồng, nói:
- Nương tử tạm về thăm bên ngọai, để lại vật này
cho công tử.
Mở khăn, thấy có buộc cái quyết bằng ngọc , bụng đã
biết nàng không trở lại nữa, bàn đem cả thị tỳ cùng về. Tuy giây lát không quên
được Tiểu Thu nhưng may mà đối diện với vợ mới cũng như trông thấy người xưa.
Mới chợt hiểu rằng cái duyên với cô gái họ Chung, Tiểu Thu đã dự biết, nên thay
đổi dáng mặt của nàng trước, để khuây khoả nỗi nhớ của chàng ngày sau.
THÔI MÃNH
(Tác giả: Bồ Tùng Linh)
Thôi Mãnh, tên tự là Vật Mãnh, con nhà thế gia ở
Kiến Xương. Tính cương nghị. Thuở nhỏ đi học, bọn trẻ hơi có gì xúc phạm đến
thì lập tức vung tay đánh liền. Thầy học nhiều lần răn đe nhưng vẫn không chừa.
Tên và tự đều do thầy đặt cho. Ðến mười sáu mười bảy tuổi thì võ nghệ cao cường
tuyệt luân. Lại có thể chống sào dài nhảy lên nóc nhà. Rất thích giúp người
khác và rửa sạch bất bình. Vì vậy, người làng đều cảm phục. Trong nhà ngoài cửa
thường đứng đầy những người đến bẩm bạch, tố cáo.
Thôi ưa chế ngự kẻ mạnh, nâng đỡ người yếu, không
sợ oán thù. Ai ho he dám chống lại thì gạch, đá, gậy gộc choảng luôn, kỳ cho
đến tay chân thân thể phải tàn tật. Mỗi lần thịnh nộ bốc lên, không ai còn dám
khuyên can. Duy chàng thờ mẹ rất có hiếu, hễ mẹ đến là nguôi giận ngay.
Mẹ trách quở đủ điều, Thôi dạ dạ vâng lời, nhưng ra
khỏi cửa lại quên mất.
Liền bên nhà, có một người đàn bà rất hung hãn,
ngày ngày ngược đãi mẹ chồng. Mẹ chồng đói lả gần chết, con trai lén cho ăn,
chị ta biết được, thét mắng trăm điều, vang động khắp bốn bên hàng xóm.
Thôi giận lắm, vượt tường sang xẻo luôn tai, mắt,
mũi, môi, lưỡi. Mụ chết ngay. Mẹ hay tin kinh hoàng, gọi anh hàng xóm qua, hết
lòng xót thương an ủi, gả cho anh ta một con hầu trẻ, việc mới yên.
Mẹ phẫn chí khóc lóc không chịu ăn. Thôi sợ, quỳ
xuống xin chịu đòn, lại thưa rằng đã biết hối. Mẹ cứ khóc, không thèm nhìn. Vợ
Thôi họ
Bà mẹ thích đãi cơm các nhà sư và đạo sĩ, thường
mời họ dùng bữa no nê. Xảy có một đạo sĩ ở trước cửa thì Thôi đi qua. Ðạo sĩ
nhìn Thôi mà nói:
- Tôi xem lang quân có nhiều khí hung hoạnh, sợ khó
giữ được cho tròn tuổi thọ. Nhà tích thiện đáng ra không có người như vậy.
Thôi vừa mới nhận lời răn của mẹ, nay nghe được
điều đó thì tỏ cung kính mà nói: - Chính tôi cũng tự biết thế, nhưng hễ thấy
bất bình, thì khó mà kìm được. Gắng hết sức sửa đổi, hoặc giả có tránh được
không?
Ðạo sĩ cười nói:
- Hẵng đừng hỏi tránh được hay không tránh được, mà
trước xin tự hỏi có thể sửa đổi hay không sửa đổi thôi. Chỉ nên tự mình ức chế
thật riết; nếu muôn phần được một thì tôi sẽ mách anh một phép giả tử.
Bình sinh Thôi không tin bùa phép, nên chỉ cười mà
không nói gì. Ðạo sĩ nói tiếp:
- Tôi biết lang quân không tin, nhưng lời tôi nói
chả phải như lời bọn đồng cốt. Cứ làm được cũng đã là thịnh đức, dẫu không công
hiệu cũng chẳng hại gì.
Thôi xin được nghe lời dạy bảo. Ðạo sĩ bèn nói:
- Vừa có một kẻ hậu sinh đi qua trước cửa kia, anh
nên kết giao thật hậu tình với hắn; sau này có phạm tội chết, thì người ấy có
thể cứu sống anh được.
Nói rồi gọi Thôi ra chỉ cho biết người đó. Thì ra
đó là thằng bé con nhà họ Triệu, tên là Tăng Kha.
Triệu là người đất Nam Xương, gặp năm đói kém phải
đến ngụ cư ở Kiến Xương. Từ đấy Thôi bèn cùng Triệu giao kết thân tình, mời dọn
sang ở nhà mình, cung cấp cho rất hậu. Tăng Kha tuổi mới mười hai, lên nhà lạy
mẹ, nhận nhau làm anh em.
Năm sau, đến vụ canh tác mùa xuân. Triệu đem gia
quyến đi, từ đó không có tin tức gì.
Bà cụ họ Thôi, từ khi người đàn bà hàng xóm chết,
răn con càng cẩn mật; có người nào đến kêu nài, cầu cứu gì, bà đều xua gạt đi.
Một hôm, cậu ruột Thôi mất, chàng theo mẹ sang viếng, giữa đường gặp mấy người
đang trói giải một người đàn ông, vừa mắng chửi vừa thúc đi cho nhanh, lại còn
đánh đập. Người xem nghẽn cả đường, xe không tiến lên được. Thôi hỏi duyên do,
thì những người biết Thôi đều xúm đến mách bảo.
Nguyên trước đây cậu con trai một vị chức sắc lớn,
là tên Giáp nọ, ngang ngược nhất làng, dòm thấy vợ chàng Lý Thân có nhan sắc,
muốn chiếm đoạt, nhưng không có cớ gì, bèn bảo người nhà dụ anh ta đánh bạc,
đưa tiền cho vay, lấy lãi rất nặng, bắt đem cả người vợ ghi vào khế văn, thua
hết lại cho vay, một đêm nợ đến vài nghìn. Ðược nửa năm thì nợ mẹ đạ nợ con đã
hơn ba mươi nghìn. Thân không sao trả được, cậy thế đông người chúng đến cướp
lấy người vợ. Thân đến cửa mà khóc lóc, Giáp giận, bắt trói, treo lên cây, đánh
bằng roi, cứa bằng dao, và bức phải làm tờ "giấy không kêu nài".
Thôi nghe nói, nộ khí bốc lên ngùn ngụt, gia roi
cho ngựa tiến lên, ý muốn dụng võ.
Mẹ Thôi vén rèm xe, gọi lại bảo:
- Chà, lại thế đấy hả?
Thôi đành phải làm nhịn.
Viếng tang xong trở về, không nói cũng không ăn,
chỉ ngồi sững, mắt nhìn thẳng, như đang giận dữ người nào. Vợ căn vặn cũng
không buồn đáp. Ðến đêm, mặc cả áo ngoài, nằm trên giường, trằn trọc mãi đến
sáng. Ðêm sau cũng vậy, chợt mở cửa đi ra rồi lại trở vào nằm, cứ như thế đến
ba bốn lần. Vợ không dám hỏi, chỉ lo lắng nín im để xem sao. Thế rồi lại ra đi,
rất lâu mới về, khép cửa lên giường ngủ say. Cùng đêm ấy, có người đã giết tên
Giáp trên giường nằm, phanh bụng rút ruột ra ngoài; thây của vợ Thân cũng loã
lồ nằm ở dưới giường.
Quan nghi cho Thân, bắt về tra xét, cùm kẹp tàn
khốc, lòi cả xương mắt cá chân nhưng vẫn không cung xưng; hơn một năm không
chịu nổi cực hình, phải nhận liều, bị ghép vào tội tử hình.
Vừa gặp lúc mẹ Thôi mất. Chôn cất xong, chàng bảo
vợ rằng: - Kẻ giết tên Giáp, chính là ta. Chỉ vì còn mẹ già, không dám tiết lộ.
Nay việc lớn đã xong, cớ sao một người làm lại để kẻ khác vạ lây? Ta sắp ra
nhận tội chết trước nhà chức trách.
Vợ kinh hãi, túm áo kéo lại, chàng dứt chéo mà đi,
tự ra thú nhận ở pháp đình. Quan ngạc nhiên, cùm lại, tống vào ngục, mà tha cho
Thân.
Thân không chịu, chứ một mực nhận tội. Quan không
thể quyết, giam cả hai. Họ hàng thân thuộc chê trách Thân.
Thân nói:
- Cái việc mà công tử làm, là việc ta muốn làm mà
không làm được. Công tử đã làm thay cho ta, mà ta lại nở lòng ngồi nhìn công tử
chết hay sao? Nay ta cứ coi như công tử chưa ra đầu thú là được rồi.
Rồi cứ giữ nguyên, không đổi lời khai, lại cố tranh
tội với Thôi. Lâu về sau nha môn cũng biết duyên cớ, bắt Thân phải ra khỏi
ngục, để Thôi phải chịu tội. Ngày xử quyết đã gần đến, xảy có quan Tuất Hình
Triệu Bộ Lang tới duyệt các án tù. Ðọc đến tên Thôi Mãnh, ông gạt hết mọi người
ra rồi cho gọi vào.
Thôi vào, ngẩng nhìn lên công đường, thì là Tăng
Kha. Vừa buồn vừa mừng, nói hết tình thực.
Triệu bồi hồi một lúc lâu, rồi vẫn truyền tống
giam, dặn lính ngục phải đối đãi tử tế. Dần dần lấy cớ là đã biết tự thú được
giảm đẳng, sung làm lính thú Vân
Thân cũng được đi theo để phục dịch. Chưa đầy một
năm, được viện lệ ân xá mà về, đều là nhờ sức của Triệu cả.
Sau khi đã về, Thân vẫn theo không rời, nhận làm
quản gia cho chàng, nhưng trả tiền không lấy, chỉ những thuật leo trèo đánh đá
là chú tâm tập luyện.
Thôi đãi ngộ rất hậu, cưới vợ cho và cấp cho ruộng
đất. Riêng Thôi, từ đó cố gắng sửa đổi tính nết cũ, mỗi khi sờ đến vết kim châm
trên cánh tay, thì ràn rụa nước mắt.
Trong làng xóm có xảy ra việc gì, thì Thân tự thác
mệnh Thôi lo liệu dàn xếp mà không bẩm cho Thôi hay.
Có viên giám sinh họ Vương, là nhà hào phú, bọn vô
lại bất nhân bốn phương thường hay thậm thụt ra vào cửa hắn. Những nhà khá giả
trong ấp phần lớn đều bị chúng cướp bóc, nếu có ai dám trái ý, hắn sai bọn cướp
giết ngay ngoài đường. Con hắn cũng dâm bạo. Vương có một bà thím goá chồng. Cả
hai cha con cùng gian dâm với bà. Vợ là Cừu thị mấy lần can ngăn Vương, Vương
liền thắt cổ nàng cho chết.
Anh em họ Cừu kiện lên quan thì Vương đút lót để
người cáo giác mình phải mang tội vu khống. Hai anh em chịu oan uất không có
cách gì phân giải được, bèn tìm đến Thôi để kêu cầu, tố cáo.
Song bị Thân cự tuyệt đuổi đi. Vài ngày sau có
khách đến, gặp lúc không có người hầu ở nhà. Thôi bảo Thân pha trà, Thân làm
thinh đi ra nói với người khách rằng:
- Tôi với Thôi Mãnh chẳng qua cũng là bạn bè thôi.
Theo nhau đi đày ở ngoài muôn dặm, không thể nói là không tận tình. Thế mà đã
không trả công cho đồng nào lại sai khiến như đầy tớ, thì chịu sao cho nổi.
Nói xong, hằm hằm sắc mặt bỏ đi. Có người nói lại
với Thôi. Thôi lấy làm lạ sao Thân đổi tính thay nết như vậy, nhưng cũng chưa
coi là kỳ cho lắm. Bỗng Thân lên quan kiện Thôi ba năm không trả tiền công cho
mình.
Thôi kinh dị quá, phải thân đứng ra đối chất. Thân
phẫn uất tranh cãi. Quan cho là lý không ngay thẳng, trách mắng, đuổi đi.
Lại mấy ngày sau, bỗng đang đêm Thân vào nhà họ
Vương bắt cả hai cha con, người thím, người dâu giết tất rồi dán giấy vào vách,
tự viết tên họ mình. Khi cho truy bắt thì đã đào vong mất tích.
Nhà họ Vương nghi cho Thôi Mãnh là chủ mưu. Quan
không tin.
Thôi mới hiểu, câu chuyện kiện tụng Thân bày ra
trước đây là vì sợ giết người sẽ liên lụy đến mình. Các địa đầu châu ấp phụ cận
truy nã rất gắt. Vừa lúc giặc Sấm nổi loạn, việc ấy mới xếp lại.
Chẳng bao lâu nhà Minh mất ngôi. Thân đem gia quyến
về, lại nối tình thân với Thôi như xưa. Lúc bấy giờ, giặc cỏ tụ tập như ong.
Vương có đứa cháu họ tên là Ðắc Nhân, tập họp bọn vô lại do chú chiêu mộ ngày
trước, chiếm cứ núi non làm giặc kéo đi đốt cướp xóm làng.
Một đêm, chúng dốc hết cả sào huyệt kéo đến, rêu
rao là để phục thù. Lúc đó Thôi không có nhà. Khi giặc phá cửa, Thân mới tỉnh
dậy vượt qua tường nấp trong bóng tối.
Giặc sục sạo tìm Thôi, không thấy, bắt vợ Thôi, vơ
vét của cải rồi đi. Thân trở vào, chỉ có một người đầy tớ, phẫn chí đến cực
điểm, bèn cắt một sợi dây thừng thành mấy chục khúc, đem những khúc ngắn trao
cho người đầy tớ, còn mình giữ lấy những khúc dài. Dặn người đầy tớ phải vượt
qua sào huyệt giặc, trèo lên lưng chừng núi, châm lửa vào dây thừng rồi treo
lên các bụi gai, xong thì cứ bỏ đấy về ngay, đừng ngoái lại. Người đầy tớ vâng
lời ra đi.
Thân nhìn thấy bọn giặc đứa nào cũng thắt dây lưng
đỏ, và buộc miếng the đỏ trên mũ, bèn cũng bắt chước nguỵ trang như vậy. Có một
con ngựa cái đã già, mới đẻ con, giặc bỏ lại ngoài cửa. Thân buộc con ngựa con
lại, cưỡi ngựa mẹ, ngậm tăm ra đi, thẳng đến ổ giặc.
Giặc đóng ở một thôn lớn.
Thân buộc ngựa ngoài thôn, trèo tường vào, thấy bọn
giặc còn lăng xăng, rối rít, giáo mác cầm trên tay chưa kịp buông. Thân vờ hỏi
mấy đứa, biết vợ Thôi còn ở chỗ tên Vương.
Một lát, nghe truyền lệnh cho quân nghỉ, tiếng dạ
như sấm ran. Bỗng có người báo núi phía Ðông có lửa. Bọn giặc cùng nhau đứng
trông. Lúc đầu mới chỉ có một hai chấm, rồi thì nhiều như sao sa.
Thân dồn hơi kêu lên rất gấp rằng mé núi phía Ðông
có động! Tên Vương cả kinh, nai nịt lại, dẫn quân ra.
Thân thừa dịp tụt lại phía sau bọn chúng rồi quay
mình đi luôn vào trong trại. Thấy hai tên giặc đứng canh ở dưới trướng.
Chàng phỉnh chúng, nói: - Vương tướng quân bỏ quên
thanh bội đao ở đây!
Hai tên thay nhau tìm kiếm. Thân đứng đằng sau chém
tới, một tên ngã nhào, đứa kia ngoảnh lại nhìn, Thân liền chém nốt. Rồi cõng vợ
Thôi vượt tường mà ra, mở ngựa trao dây cương dặn:
- Nương tử không biết đường, cứ để mặc cho ngựa đi.
Ngựa nhớ con bon bon chạy. Thân theo sau, đến một
hẻm núi, chàng châm lửa vào sợi dây thừng, treo khắp nơi rồi mới chạy về.
Ngày hôm sau Thôi trở về nhà, cho là điều đại sỉ
nhục, bồn chồn, tức tối ra mặt, muốn đơn phương độc mã đi dẹp giặc. Thân phải
can ngăn mới thôi. Bèn triệu tập người làng cùng bàn tính mưu kế.
Chúng đều khiếp sợ, không ai dám hưởng ứng. Giảng
giải khuyên dụ đến vài bốn lần mới được hơn hai mươi người dám đi. Nhưng khổ
nỗi lại không có khí giới. Vừa khi ấy lại trói hai tên gian tế trong một nhà bà
con của Ðắc Nhân. Thôi muốn giết ngay, Thân không cho, hạ lệnh cho hai mươi
người cầm gậy, dàn ra trước mặt, rồi cắt tai cả hai đứa mà thả cho về. Mọi
người đều oán, nói rằng:
- Một đám quân gia thế này, đang sợ giặc nó biết
được, thế mà lại cho hai thằng kia nhìn thấy hết. Nếu bất chợt chúng dốc toàn
đội kéo xuống đây thì đóng cổng làng, cũng không sao giữ được!
Thân đáp:
- Chính tôi muốn cho chúng nó xuống!
Bèn cho bắt kẻ giấu giặc trong nhà đem giết đi. Rồi
sai người đi mọi nơi mượn cung nỏ, súng kíp, lại lên ấp mượn hai cỗ pháo lớn.
Trời vừa tối, chàng dẫn tráng sĩ đến chỗ hẻm núi,
đặt pháo vào nơi xung yếu, cho hai người cầm lửa nấp ở đấy, dặn hễ thấy giặc
mới phát hoả.
Lại đi đến phía Ðông cửa hang, chặt cây đặt lên dốc
núi.
Thế rồi Thân và Thôi mỗi người lĩnh một suất hơn
mười người chia ra mai phục hai bên bờ. Gần hết canh một, xa xa nghe tiếng ngựa
hí, ngầm xem xét, giặc quả ồ ạt kéo đến từng xâu dài, liên miên không dứt. Chờ
chúng đã đi vào cả trong lũng rồi, bèn đẩy cây lăn xuống để chặn đường về.
Một lát, tiếng pháo nổ ran, tiếng hò reo chuyển
động cả khe núi. Giặc rút mau, dẫm đạp lên nhau, đến chỗ hẻm phía Ðông, không
thoát ra được, dồn cục một đống. Hai bên bờ, tên đạn giáp công, khí thế như mưa
bay gió cuốn. Quân giặc, đứa đứt đầu, đứa gãy chân, nằm gối lên nhau, ngổn
ngang trong rãnh, chỉ sót lại hai mười đứa, quỳ gối xin chuộc mệnh; bèn sai
người trói cả lại giải đi.
Thừa thắng tiến thẳng lên sào huyệt giặc. Bọn giặc
giữ trại nghe hơi chạy trốn sạch; bao nhiêu đồ đạc đều lục tìm kỳ hết đem về.
Thôi cả mừng, hỏi Thân về mưu kế đốt lửa.
Thân nói:
- Ðốt lửa ở phía Ðông, vì sợ chúng đuổi ở bên Tây;
dùng thừng ngắn là để cho mau cháy hết, vì sợ chúng dò biết là không có người;
lại đốt ở cửa hang, vì sợ cửa hang rất hẹp, một người cũng đủ chặn giữ. Bọn
chúng đuổi tới, thấy lửa, tất phải sợ. Ðó đều là hạ sách, mạo hiểm mà dùng
trong lúc nhất thời thôi.
Bắt mấy tên giặc lên hỏi thì quả nhiên khi đuổi đến
cửa hang thấy lửa, chúng đều hoảng sợ mà chạy lui bước.
Hơn hai mươi tên cướp bắt được đều bị xẻo tai cắt
mũi rồi thả cho về. Từ đó, họ Thôi và họ Thân uy danh lừng lẫy. Những người tị
nạn xa gần theo về như chợ, vì vậy mà tổ chức được một đoàn dân binh hơn ba
trăm người.
Bọn cường hào ở các nơi không dám phạm đến nữa; cả
một vùng nhờ đó mà được yên.
THƯ
SINH HỌ ĐỔNG
Chịu trách nhiệm xuất bản:
BÙI
CAO TIÊU
Biên tập:
NGUYỄN CẨM HƯƠNG
Sửa bản in: GIANG MINH TRƯỞNG
Trình bày bìa: SONG THÀNH
In 1.200 cuốn khổ 13x19cm, tại Xưởng in NXBGTVT
Số trích ngang xuất bản: 380-2009/CXB/27-53/ThaH,
In xong và nộp lưu chiểu Quý IV năm 2010
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét