ĐỜI TƯ CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA: NAM TỀ ĐÔNG HÔN HẦU CHU THIÊN BẢO QUYỂN - Chuyển ngữ: Trần Đình Hiến (Hà Nội)

Leave a Comment

 

NAM TỀ ĐÔNG HÔN

HẦU CHU THIÊN BẢO QUYỂN:

 tiếc tiền không tiếc thân

*

Kể rằng, thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, Tống Tề Lương Trần đều ở tả ngạn Trường Giang. Nguỵ phân đất cho Tề Chu ở phía Bắc. Trong số 26 quân vương của bốn nhà đó (Tống 8, Tề 4, Lương 8, Trần 5), ngoài mấy ông làm vua ra, số còn lại thì gần 2/3 là quân vương vô đạo. Nếu chỉ mê muội thì còn khả dĩ, đằng này trong số hôn quân đó; rất nhiều người là bạo quân hoang dâm vô đạo, gây ra biết bao tai hoạ cho dân. Họ bất chấp dân chúng sống chết ra sao, chỉ chăm lo cho những thú vui vật chất của mình được thoả mãn. Tiêu Bảo Quyển, ông vua thứ sáu của vương triều Tề là một trong số những ông vua hoang dâm đó.   

(Dịch giả Trần Đình Hiến)

Tiêu Bảo Quyển, sinh năm 483, chết năm 501, là con thứ hai của vua Tề Cao Tông Minh Hoàng đế Tiêu Loan. Ông ta chỉ sống trên đời có 19 năm và trong đó chỉ có hai năm làm vua, xong những trò của ông nhiều hơn tất cả những trò của  toàn bộ các đế vương cộng lại.

 

1. TÁNG TẬN THIÊN LUÂN, CHA GIẾT CON KHÔNG KHÓC. ĐIỆN KIM LOAM TÔN NGHIÊM DÙNG ĐỂ NUÔI CHUỘT.

Từ tháng 10 năm 494 đến tháng 3 năm 498, trước sau không đến  năm năm cái vương triều bé nhỏ Tiêu Tống lên thay nhà Tống này đã liên tiếp xẩy ra một số chuyện mà các nhà sử học cho là nghiêm trọng:

Tề Minh đế Tiêu Loan dùng thủ đoạn không gì làm sạch sẽ cướp lấy chính quyền từ cháu, sau đó lại giết hại tôn thất bừa bãi. Chỉ một thời gian ngắn, những người trong hoàng tộc như An Lạc Vương Tiêu Kinh, Tấn Yên Vương Tiêu Lục, Nghi Đô Vương Tiêu Kiên, Quế Dương Vương Tiêu Huyện, Hàng Dương Vương Tiêu Quân, Giang Hạ Vương Tiêu Phong, Kiến An Vương Tiêu Tử Chân, Ba Lăng Vương Tiêu Tử Luân ... đều trở thành quỉ không đầu dưới lưỡi gươm của Tiêu Loan. Lòng căm thù đối với hoàng tộc, Tiêu Loan đến chết vẫn chưa nguôi, trước lúc lâm chung còn sai người bắt giữ tất cả những người trong tôn thất, định dùng tiêu thang là loại thuốc cực độc để tàn sát những người em ruột thịt. Vì có mấy đại thần liều chết can ngăn mới không xẩy ra cuộc đại tàn sát đó.

Có lẽ thấm nhuần tư tưởng của cha “Không độc ác thì không phải trượng phu” mà “đã hành động thì phải ra tay trước”, lúc chưa lên ngôi, Tiêu Bảo Quyển đã lòng lim dạ đá, khi làm vua thì ác như ôn thần.

Sử chép rằng, khi Minh đế Tiêu Loan chết, Thái tử Tiêu Bảo Quyển không tỏ ra thương xót chút nào, ngay cả làm vẻ đau thương cũng không, đúng là cái chuyện có một không hai ở cái thời ông ta sống.

Theo tư tưởng Nho gia thống trị Trung Quốc đã mấy ngàn năm, trong trời đất không ai thân hơn cha con, nhất là khi người cha – dù đã là người cha độc ác - đã dồn hết tình thương cho đứa con, người con đó nếu không tròn đạo hiếu thì thật là táng tận thiên lương.

Các số mệnh đại thần như Thượng Thư Bộc Xự Giang Hựu, Dương châu thứ sử Tiêu Diệu Quang, Lãnh Quân Tướng quân Lưu Huyên ra sức khuyên nhà vua đến khổ trước linh cữu vua cha đã quá cố.

Các vị đại thần không bao giờ có thể nghĩ rằng, Tiêu Bảo Quyển không nói dài dòng, mà chỉ trở vào họng mà nói:

- Trẫm đau họng – Rồi khệnh khạng cùng đám tiểu hoàng ôn (thái giám trẻ) bỏ đi.

Bọn Giang Hựu tức đến nỗi lặng đi hồi lâu mới bình tĩnh lại.

Lưu Huyên vì là Lãnh Quân Tướng quân, thống lĩnh lính cấm vệ, thường được gặp mặt vua, thở dài nói:

- Thưa đại nhân Giang và Tiêu theo ti chức thì nên khởi sự đi.

- Vắng Thiên tử thì tang lễ khởi sự sao được?

- Không được thì còn cách nào khác? Khó mà lay chuyển được ý Thánh thượng, là Thiên tử (con trời) thì chỉ có trời mới nói nổi, chúng ta là thần dân khác nhau một trời một vực! – Lưu Huyên trả lời – lại nữa, chắc các đại nhân chưa biết, thiên tử của chúng ta còn có một thú chơi lạ lắm.

- Lạ như thế nào? – Giang Hựu không hiểu nổi hỏi lại.

Thấy xung quanh không có ai, Lưu Huyên dùng ngón tay trỏ viết lên mặt thẻ gỗ hai chữ “chuột cống”.

- “Chuột cống”? Phải chăng là “chuột cống” trong “Kinh thi”? Xuất thân khoa bảng, nên lối tư duy của Giang Hựu thường gắn với nghề của ông, hỏi – Lưu Tướng quân, Bệ hạ đọc “Kinh thi” thì có chuyện gì đâu, đây không phải chuyện dở, vì  vậy sao ông cứ thở ngắn thở dài như vậy?

- Tiêu Diêu Quang quì lâu quá mỏi cả người, vừa đứng lên vừa nhìn xung quanh, thấy không có người thì nói nhỏ:

Giang đại nhân, ông đúng là người quân tử, “Chuột cống” mà Lưu Tướng  Quân vừa nói, không phải là “chuột cống” trong kinh “Kinh Thi. Thạc thử” – Nối đến đây, Tiêu Diêu Quang nhìn tứ phía không thấy ai, bèn nói tiếp - Đại nhân không biết đấy thôi, ông vua con này khi còn ở Đông cung có bao giờ thích học, làm sao có tâm linh thanh nhã để đọc thơ? Ông thế này này... – Vừa nói vừa giơ tay làm hiệu vờn chuột – chơi với chuột.

Chơi với chuột?

Đúng thế, chơi với chuột.

Sao vậy được? Nói gì thì nói, ông ấy cũng là vua. Vua một nước ai lại chơi với chuột trong điện Kim Loan? Huóng hồ đây là lúc có quốc tang.

- Có gì mà “sao vậy được” Ông có nghĩ quá đến mấy cũng đúng – Lưu Huyên làm như quên hết sự đời.

- Trời ạ, nếu quả như thế thì thần dân nước Tề chúng ta phải đọc chương “Chuột cống” trong “kinh thi mất” – Giang Hựu nghĩ thầm.

“Chuột cống, chuột cống, đừng ăn thóc của ta,  ba năm nuôi mày, mày không thèm ngó, ta tiêu mày đi, về nơi lạc thổ” – Câu thơ trong Kinh thi chốc chốc lại trở lại trong đầu Giang Hựu.

 

2. LÀM VIỆC GẪY RĂNG RÁCH MIỆNG MÀ VẪN KHÔNG BỎ CUỘC, GIỠN QUẦN THẦN, TẤU CHƯƠNG BỎ ĐÓ, THÁI GIÁM CŨNG DÙNG LÀM GIẤY GÓI THỊT.

Năm 497, khi Tề Minh đế Tiêu Loan chưa chết, Tiêu Bảo Quyển khi đó là Thái tử ở Đông cung, việc triều chính chưa đến tay để giải quyết, nhưng lại bận rộn túi bụi hơn cả vua cha.

Thì ra Thái tử đang làm một việc theo Thái tử thì vô cùng quan trọng: nghiên cứu phát minh “trụ đế bằng miệng”.

“Trụ” là công cụ bằng gỗ dùng khi biểu diễn xiếc, thông thường dùng vai và tay để đỡ, rồi cho mấy người nhẹ cân nhưng cường tráng trèo lên, nhào lộn trên đó để mua vui. Điều kiện chủ yếu để biểu diễn trụ đế là khả năng trụ, yêu cầu này khá cao so với các công tử sống trong nhung lụa, nhưng so với Tiêu Bảo Quyển thì dễ như trở bàn tay. “Nam Tề thư. Đông Hôn Hầu kỷ” ghi chép như sau; “Nhà vua có sức khoẻ, trụ được cột Bạch Hổ”. Tiêu Bảo Quyển ỷ vào sức khoẻ như trâu của mình, trụ một cây cột dài hơn bảy thước trên vai, rồi cho những kẻ làm xiếc trèo lên nhào lộn, vậy mà nhà vua vẫn đứng vững không nhúc nhích.

Tất nhiên, chuyện trên đây là chuyện đã qua. Gần đây, Tiêu Bảo Quyển cảm thấy nếu dùng vai hay tay đỡ trụ như chưa thi thố hết bản lĩnh của mình, nên nhà vua suy nghĩ ngày đêm tìm ra một kỹ xảo mới, chuyển trụ để từ vai sang miệng. Chuyện này nghĩ thì đơn giản, nhưng làm thì khó, vì răng miệng làm sao khoẻ bằng vai, hơn nữa, Tiêu Bảo Quyển lại sắp lên ngôi vua, mà miệng vua là “miệng vàng răng ngọc”.

Tiêu Bảo Quyển bất chấp tất cả, để “ý tưởng hùng vĩ” được thực thi, Thái tử không nghĩ đến “miệng vàng rằng ngọc”, khổ luyện ngày đêm, đến nỗi răng cửa bị gãy, khoé miệng ứa máu. Tài ba không phụ kẻ có công, sau mấy tháng luyện tập gian khổ, Tiêu Bảo Quyển đã thành công. Trong lúc đắc ý.

Tiêu Bảo Quyển đặt tên cho trò này là “trụ miệng”.

Để phối hợp với nội dung tiết mục, Tiêu Bảo Quyển còn thiết kế cho mình một loạt trang phục biểu diễn có tên là “tạo sắc cẩm kỹ y”, gồm mũ nhọn mầu vàng và ngọc kính. Vậy là Thái tử đã biến hoàng cung thành sân khấu.

Đã mải chơi thì bỏ bễ việc triều chính.

Tháng 8 năm 498, Tiêu Bảo Quyển lên ngôi.

Tháng 11 năm ấy và tháng 3 năm sau, lần lượt nổ ra hai cuộc phản loạn chống triều đình của Thái uý Trần Hiển Đạt và Bình Tây Tướng quân Thôi Cảnh Tuệ. Tiếp đó, người Thục là Triệu Tục Bá khởi binh, dân Vu châu là Vương Huệ Định khởi nghĩa, khói lửa ngút trời, sinh linh khốn khổ. Quần thân thay nhau dâng thư, dâng biểu, đề nghị nhà vua nắm lấy chính sự. Nhưng vua Tiêu Bảo Quyển làm ngơ, vẫn cùng bọn tiểu hoàng môn chơi với ngựa ở trong triều, cùng bọn thân tín, ca kỹ hát xướng thâu đêm, thường thì rạng sáng mới đi ngủ, đến bữa ăn mới dậy, mấy tháng liền không ngó qua tấu chương của các  đại thần, chuyện này lại khiến cho bọn nội thần rất thích.

Thái Luân thời Đông Hán đã phát minh ra giấy viết, nhưng mấy trăm năm sau đó, do thiên tai địch hoạ, việc sản xuất giây trên qui mô lớn có nhiều khó khăn. Thời Nguỵ Tấn, giấy được coi là của quí. Mọi người đều biết điển tích “quí như giấy Lạc Dương”, đều hiểu nguyên nhân vì sao. Vì vậy, đến triều Tề, chỉ các đại thần mới được dùng giấy để viết biểu chương. Các quan nội thị tuy được vua sùng ái, nhưng chẳng có duyên với giấy. Cái gì hiếm thì quí, nay thấy nhà vua không xem tấu chương, các quan thái giám hoàng môn bèn lấy trộm các tấu chương đó, lấy giấy gói thịt cá, coi như tận dụng “đồ bỏ đi”.

 

3. MẶT ĐẤT RẢI SEN VÀNG, CHẠM TRỔ DẦM XÀ VÌ NGƯỜI ĐẸP. TRÊN ĐƯỜNG VÂY LỮ KHÁCH, CHIẾU ĐẤT TRÀN LAN HẠI DÂN LÀNH.

Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 500, hậu cung của nhà Tề phát sinh hoả hoạn. Đám cháy cực to, biến hậu viên hoàng cung vốn đẹp đẽ là thế, thành đống tro tàn.

Ngọn lửa thiêu đốt bao nhiêu là thứ. Nhưng tính cố chấp một cách ngu xuẩn của Tiêu Bảo Quyển thì vẫn nguyên. Lúc này, Tiêu Bảo Quyển vừa dẹp xong cuộc phản loạn Thôi Tuệ Cảnh do mượn được quân của Thử Sử Nam Dự châu, cho rằng “không kẻ nào dám động đến mình” nên nhà vua chơi bời phóng đãng đến cùng cực.

Lên ngôi được ít lâu, Tiêu Bảo Quyển rất sùng ái bọn lộng thần trong triều. Để tỏ thái độ thân cận, nhà vua dùng chữ “Quỷ” để đặt tên cho bọn này, như quỉ Hồng, quỉ Tôn, quỉ Tạ, quỉ Lý ... nhiều vô kể. Nhưng quỉ này không có tài gì khác ngoài cái tài vào hùa với vua để quậy phá, như quỉ Hồng chỉ giỏi làm xiếc, quỉ Tôn giỏi chọi gà, quỉ Tạ giỏi đánh võ, nay chỉ có quỉ Triệu là biết chữ, nghe nói có thể đọc thuộc lòng “Tây Kinh chú” và thường khoe học vấn của hắn.

Thấy nội dung cháy sạch,  và vì ăn không ngồi rồi không biết làm gì, quỉ Triệu vốn thích khoe chữ, tỏ ra rất vui. Hắn liền dẫn “Tây Kinh phú” để khuyên Tiêu Bảo Quyển xây dựng lại cung thất, Tiêu Bảo Quyển vốn có ý định này nên tán thành ngay, trọng thưởng cho quỉ Triệu và lập tức sai người xây dựng lại hai điện Tiên Hoa và Ngọc Thọ. Chạm rồng vẽ phượng, tường được phủ một lớp nước xạ hương, màm loan trướng rủ, rèm cửa lồng châu ngọc, sự xa hoa không thể kể hết. Tiêu Bảo Quyển đốc thúc thợ thuyền làm suốt ngày đêm cho chóng xong. Vật liệu sợ không đủ, cho gỡ cả những thứ quí hiếm ở chùa, đem về bổ sung cho cung điện.

Khi đã xong, quỉ Triệu muốn lấy lòng nhà vua và Phan phi đang được vua sùng ái, lại tâu:

- Đẹp thì có đẹp, nhưng mặt đất bình thường qúa, chưa khiến cho người ta phải dưng lại để ngắm.

- Vậy nhà ngươi bảo nên làm thế nào? – Tiêu Bảo Quyển hỏi. Ông vua này có hai điều sợ trong đời: một loại người khác có thứ đẹp hơn của mình, hai là sợ của mình không phải là thứ đẹp nhất.

- Nên thực hiện đồ án hoa sen vàng ở tất cả nơi nghỉ và những nơi Phan phí qua lại, mặt đất dát vàng, gót sen người đem, hoa nở theo bước chân, vàng trải đầy dưới gót, tất cả đem lại điều lành.

- Hay, hay lắm! - Tiêu Bảo Quyển vỗ đùi khen, một mặt ra lệnh thưởng cho quỉ Triệu, một mặt sai người cứ theo ý của Triệu mà thực hiện. Quả nhiên Phan phi vô cùng vui vẻ.

Tiếp đó, để được lòng Phan phi hơn, Tiêu Bảo Quyển ra lệnh họp “choẹ” ngay trong hoa viên hoàng cung, mời Phan phi làm Thị Lệnh, còn nhà vua thì làm chức Thị Khôi (dưới quyền Thị Lệnh). Thỉnh thoảng nhà vua lại cố ý làm sai đôi chút để Phan phi dùng roi vụt khẽ, nhằm chứng tỏ nhà vua là “con người biết phép tắc”.

Quả thật, với những phụ nữ được nhà vua sủng ái, Tiêu Bảo Quyển đúng là một “đàn ông”, bằng mọi giá để được lòng người đẹp. Nghe nói chiếc xuyến trên cổ tay Phan phi trị giá một triệu bảy mươi vạn lạng. Còn đối với trăm họ mà nhà vua không yêu, thì Tiêu Bảo Quyển chưa bao giờ là một vua hiền. Nhà vua luôn ra sức chà đạp dân lành. Sử chép rằng, những nơi nhà  vua đi qua, dân chúng bị đuổi sạch. Từ cổng Vạn Xuân (Tây thành) đến Đông giao dọc ngang mấy chục dặm không một bóng người. Nhà vua còn sai dựng màn để ngăn đầu đường ngõ phố, bên ngoài có người canh gác, bên trong là bọn tiểu hoàng môn đi tuần. Hễ người dân nào lõ lọt vào đó, là Tiêu Bảo Quyển đích thân cầm xà mâu đâm chết.

Đồn rằng có lần nhà vua đâm chết một phụ nữ có thai chỉ vì đánh cuộc với một tên thái giám, đoán xem là con trai hay con gái.

 

4. TIN QUỈ TIN THẦN, CHỈ CÓ NGƯỜI LÀ KHÔNG TIN, YÊU TIỀN NHƯ ĐỒ VẬT, CHỈ CÓ NƯỚC LÀ KHÔNG YÊU.

Tháng 11 năm 500, Thái Sử Ung châu Tiêu Diễn thuộc phái thực lực ở nước Tề, khi hay tin Tiêu Bảo Quyển định hại ông ta, liền khởi binh chống triều đình. Vì ông ta giương lên ngọn cờ “chống nhà vua mê muội bạo ngược” như vua Trụ, nên đến tháng 10 năm sau, vì được lòng dân, Tiêu Diễn đã đánh tới kinh thành Kiến Khang của Tề.

Lúc này trong thành Kiến Khang có 7 vạn quan, nếu biết phép dùng binh thì có thể giữ được thành. Nhưng Tiêu Bảo Quyển trong tình hình nguy cấp không tin vào người mà tin vào quỉ thần.

Khi bình định Thôi Tuệ Cảnh, Tiêu Bảo Quyển tin lời tên nịnh thần là Nhự Pháp Trân, phong thần cho một “Tưởng Tử Văn” nào đó là “Giả Hoàng Việt, sử kỳ tiết, Tướng Quốc Thái Tể Đại Tướng quân Lộc Thượng Thư sự, Dương châu Mục, Chung Sơn Vương”, lúc này gặp nguy, lại ôm chân Phật cầu cứu, Tiêu Bảo Quyển tăng cường lễ bái, phong cho Tưởng Tử Văn là vua – vua phong vua cho thần, cũng có thể coi là trò cười thiên cổ.

Tiếp đó, Tiêu Bảo Quyển ra lệnh rước thần tượng Tưởng Tử Văn cùng một số “tạp thần” khác vào hậu viện hoàng cung, lệnh cho bà đồng mà nhà vua rất tin cậy là Chu Quang Thượng ngày đêm phù phép trừ tà. Tiêu Bảo Quyển tin rằng, phù phép có thể chống lại 10 vạn đại quân.

Do ảnh hưởng nhà vua “không tin người thật mà tin quỉ”, quân sĩ giữ thành Kiến Khang mất hết ý chí chiến đấu, được lệnh xuất kích, nhưng ra khỏi thành được mươi bước chân đã cởi giáp ngồi lì tại chỗ, không chịu tiến.

Do hai cuộc phản loạn trước đây của Trần Hiển Đạt và Thôi Tuệ Cảnh không thành công, Tiêu Bảo Quyển rất coi thường “nghĩa quân”, nên chỉ nghĩ đến việc cầu thần phù hộ là đủ. Tới khi quân đội nhà vua thua trận liên tiếp sĩ khí quá sa sút, các Lãnh binh đề nghị nhà vua xuất tiền kho để khao quân cổ vũ sĩ khí, Tiêu Bảo Quyển thốt ra một câu “danh ngôn”:

- Giặc đến bắt mỗi mình ta, vậy sao các ngươi lại lấy tiền của ta?

Do phải gia cố công sự giữ thành, các Lãnh Quân đề nghị nhà vua cho sử dụng số vật liệu làm đạo cụ xiếc, nhà vua trợn mắt quát:

- Ở đó không có gỗ thì làm gì có vật liệu mà lấy? Ta còn dùng cho biểu diễn – Dẫm chân bành bạch, nhà vua nói tiếp – Các ngươi đừng có lấy quân địch đông ra dạo Trẫm. Để khi giặc rút, Trẫm sẽ hỏi tội các ngươi.

Sự ngoan cố của nhà vua khiến quan Kiêu Tướng, Quan Quân Tướng Trân Quốc giận điên lên. Ông ta cùng Thị Trung Trương Xã, Hậu Các Xá Nhân Tiền Cường, Ngự Đạo Phong Dũng bàn nhau giết hôn quân, lập vua mới.

Ngày Bính Dần tháng 12 năm 501, Tiền Cường, Phong Dũng xách gươm vào cung, cùng Thái giám Hoàng Thái Bình giết chết Tiêu Bảo Quyển.

Tiêu Bảo Quyển chết được một năm thì nhà Tề diệt vong.

*

TRẦN ĐÌNH HIẾN

Địa chỉ: số nhà 45 phố Phan Bội Châu,

Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

 

 

 

.............................................................................................................

- Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền. 

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét