VIẾT GÌ VỀ TRUYỆN NGẮN ‘BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC’ - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment

 

(Nhà Trần đại thắng quân Nguyên)

VIẾT GÌ VỀ TRUYỆN NGẮN

‘BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC’

*

Mọi người muốn tôi viết một bài về truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” của nhà văn trẻ Trần Quỳnh Nga, đăng trên báo Văn nghệ số 50, 2017. Người phát hiện truyện ngắn này là cụ Hoàng Quốc Hải. Cụ nói chuyện với tôi qua điện thoại với sự giận dữ về “một áng văn chương phản lịch sử”.

Đọc đi đọc lại, tôi thấy không có gì đáng viết. Tốt nhất hãy để tờ báo văn nghệ này chết hẳn trong lòng bạn đọc hơn là viết cái gì về nó. (...) Thôi thì lỡ hứa với cụ Hoàng Quốc Hải nên phải viết, coi như giúp cho tờ báo mình thích một thời sống thêm. Hơn nữa, viết cho em nó vài dòng để giúp em nó nổi tiếng cũng đáng bậc mày râu.

Báo Văn Nghệ số 50 (16-12-2017, các trang 19-20-21)

...

Thực ra, văn chương phản lịch sử là chuyện thường tình. Xưa nay từng có không ít tác phẩm văn học phản lịch sử, bằng hư cấu mênh mông ngoài sự kiện, thậm chí bác bỏ lịch sử để thay đổi nhận thức về lịch sử. Ngay từ thời cổ đại, Aristotle đã từng khẳng định: “Thơ thật hơn lịch sử”. Thơ mà ông nói ấy mang nghĩa văn chương nói chung, gồm sử thi, bi kịch và hài kịch. Hư cấu không là chuyện mơ mộng viễn vông mà là khơi sâu vào bản chất của sự kiện, đánh thức sự kiện, làm cho cái xác của sự kiện trỗi dậy thành sinh thể có hồn. Sử gia không thể và không được phép làm điều nhà văn vẫn làm, bởi chức năng của anh ta là chỉ tái hiện sự kiện và đánh giá trên cái xác của sự kiện. Lịch sử chỉ là nấm mộ của quá khứ điêu tàn. Văn chương sống động bởi cái quá khứ ấy được thổi vào một linh hồn sống động như là cái hiện tại đang diễn ra. 

(Tác giả Chu Mộng Long)

Xét đến cùng, lịch sử hay văn chương đều là các diễn ngôn chứ không là sự thật đúng như nó vốn có. Với tư cách là diễn ngôn, điều quan trọng là bằng mọi cách thể hiện, chúng mang lại hiệu lực của niềm tin. Cả lịch sử lẫn văn chương đều bị chi phối bởi một tư tưởng hệ nhất định và tư tưởng hệ đã áp đặt lên lối viết của tác giả và niềm tin của bạn đọc. Nhưng văn chương với tư cách là hư cấu, so với lịch sử, nó có những khoảng trống để thoát khỏi tư tưởng hệ thống trị và tự do biểu đạt tư tưởng khác, mang lại cái nhìn khác và một niềm tin khác. Điều quan trọng là sức mạnh sáng tạo của nó có đủ sức phản công lại lịch sử làm biến hóa lịch sử để mang lại nhận thức và niềm tin mới về lịch sử hay không. Khi gắn sự kiện với nhân vật lịch sử, điều khó nhất đối với nhà văn là làm thay đổi cái tượng đài lịch sử mà sử gia đã xây dựng thành lòng tin, thậm chí tín ngưỡng trong lòng nhiều thế hệ. Rất ít nhà văn làm được ngoài cách hư cấu thêm mắm muối cho lịch sử, và hậu quả, văn chương thành công cụ minh họa cho lịch sử. Phải tài năng như Tư Mã Thiên, như La Quán Trung, như Nguyễn Huy Thiệp… mới có thể làm được.

Một nhà văn trẻ như Trần Quỳnh Nga để làm điều lật trời đổ nước đó là bất khả.

Truyện của Quỳnh Nga không phải giải lịch sử, giải thiêng, hay giải huyền gì cả. Nó không giống lịch sử nhưng lại trùng khít với tư tưởng hệ đang thống trị trong lòng nhiều người cả xưa và nay: tư tưởng thần phục thiên triều và hữu nghị môi răng giữa hai quốc gia dân tộc.

Mới đọc qua, người đọc rất dễ trôi tuột vào không khí mùi mẫn của motif tình yêu trong chiến tranh. Cái không khí này được tô đậm bởi các hoạt cảnh cổ trang, có sơn thủy hữu tình, có vườn ngự uyển của cung đình tràn ngập hoa đào xứ Bắc, và có vó ngựa Nguyên-Mông hùng tráng. Các đoạn miêu tả thiên nhiên, dù gắn với dòng sông Tam Trĩ, núi Am Váp của xứ Việt nhưng lại mang màu sắc thủy mặc Tàu: “Mùa này nước lớn, dòng sông bị kẹp giữa hai bên vách núi dựng đứng, cao vút khiến dòng sông giống như một khe nước vừa sâu, vừa hẹp, với địa hình vô cùng hiểm trở. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống chỉ thấy mây trắng bồng bềnh, những ghềnh đá lởm chởm, những khúc cua nghiêng ngả rợn ngợp”. Ngay cả vườn ngự uyển của kinh thành Thăng Long, dù miêu tả sơ sài (vì làm sao tác giả quan sát được?), nhưng cũng được miêu tả y chang như trong cung đình của phim Tàu: “Vườn ngự đẹp quá, những cành hoa sà xuống gần mặt đất non tơ cỏ xanh làm sáng cả một góc vườn. Nó gợi lên trong lòng Thoát Hoan về một kinh thành tinh tế và hoa lệ nhưng cũng rất đỗi gần gũi thân thuộc. Ở Trung nguyên đại lục của hắn thiếu gì những cảnh sắc đẹp đẽ. Nhưng đẹp đến bi uất như chốn kinh thành Thăng Long tiêu điều này thì đến bây giờ Thoát Hoan mới nhận ra được”. Chắc chắn tác giả quan sát từ phim Tàu và tìm cách Việt hóa Tàu để khỏi mang tiếng lấy truyện Tàu kể chuyện ta.

Tuy nhiên, cấu trúc truyện và giọng văn thì sến sáo đúng chất cải lương Nam Bộ. Chiến tranh với vó ngựa Nguyên Mông tái hiện lại các vở tuồng cải lương thời Việt Nam cộng hòa như Kiếp nào có yêu nhau, Tình người trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang… Riêng đoạn 6, đoạn nàng An Tư múa điệu Thiên y vũ thì lại đúng như copy từ phim Trung Quốc được cải lương hóa, những cảnh mà các nàng công chúa bị tiến cống cho giặc để làm nội gián hoặc mỹ nhân kế. Chất cải lương xuyên suốt truyện, thấm đến giọng điệu và từng câu chữ. “Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc- Đệ tam hoàng tử của tông thất nhà Trần thông minh hơn người, làu thông kinh sử, văn chương hơn người lại am tường võ nghệ trong thiên hạ ít người có thể sánh nổi. Người đã từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương quy về một mối. Người đã nhân từ đưa tay mình ra nắm lấy tay An Tư khi nàng trở nên lạc lõng trong chính gia tộc của mình…Con người toàn tài cả về phẩm chất lẫn tư cách đang được kính trọng đó trong một đêm binh biến đã trở thành tội đồ, trở thành vết nhơ cho cả hoàng tộc” (Lời An Tư nói về Trần Ích Tắc). “Muội là công chúa thì phẩm chất của muội cũng phải là một công chúa, phải biết đối nhân xử thế, biết thương dân như thế muội mới được nhân dân tôn trọng và nghe theo được. Học kiếm phổ cũng thế, hiểu được tuyệt kĩ của nó tự khắc con người ta sẽ đạt được đến đoạn tịnh độ. Muội hãy cố gắng học được Bạch Vân kì kiếm để phòng thân khi không còn ta bên cạnh để lo cho muội...” (An Tư nhớ lại lời Trần Ích Tắc nói với mình). “Sống trên lưng ngựa với cung kiếm và những trận chinh phạt trải dài từ nam chí bắc Thoát Hoan hiểu được rằng, dòng dõi Đại hãn không bao giờ được yếu đuổi hay để chuyện riêng tư làm ảnh hưởng đến gia tộc hùng mạnh của mình.” (Lời Thoát Hoan)…

Nhiều người ngộ nhận đây là truyện ngôn tình, nhưng thực ra không có tình yêu nào cả. Có chăng chỉ nằm ở phần kết thúc, nhưng được miêu tả rất giả tạo. An Tư cảm phục Thoát Hoan và tìm cách giải thoát cho Thoát Hoan, trong khi Thoát Hoan hoàn toàn nhận ra An Tư chỉ làm công cụ chính trị cho kế mỹ nhân của vua Trần với thái độ thù hằn và khinh miệt, kể cả hành xử sặc mùi bạo lực: “Ta đã từng nghĩ rằng ta sẽ bóp chết nàng như bóp chết một con nhạn”, “Hắn sẽ sống không bằng chết”… Tấm chăn bằng lụa điều An Tư khoác lên người Thoát Hoan và cả hai cùng lên yên ngựa trong đêm trăng đầy lãng mạn được thay cho chiếc ống đồng quân lính khiêng chạy một cách nhục nhã trong lịch sử không nói lên được điều gì về tình yêu hóa giải chiến tranh và hận thù như trong motif tuồng cổ.

Đoạn này khó phân biệt với lời thoại của những đôi tài tử - giai nhân trong cái motif phạm tội phản bội và bỏ trốn sau chiến tranh. Thoát Hoan nói với An Tư: “Nàng cũng đã vì ta mà mang tội che giấu kẻ thù với triều đình. Nếu cả hai việc đều bị vỡ lở thì không chỉ ta, cả nàng cũng bị xử tội. Chi bằng chúng ta hãy chọn mở đầu để kết thúc mọi chuyện. Chúng ta sẽ sống cho cuộc đời của chúng ta. Sẽ biến mất khỏi cuộc chiến này một cách vĩnh viễn”. Motif này nằm trong gốc chuyện Phạm Lãi và Tây Thi, cũ như không thể cũ hơn, nhưng lại giả tạo hơn những thứ tình yêu giả tạo từng có.

Nghệ thuật đòi hỏi phải mới và những cái mới phải đủ sức mạnh làm đổi thay cái cũ, đặc biệt là ở thể tài lịch sử, nếu nhà văn không muốn mình nô dịch hay minh họa cho lịch sử.

Trong nghĩa ấy, truyện của Quỳnh Nga mới ở tư tưởng phản lịch sử. Gần như chảy suốt câu chuyện là dòng tâm tư của An Tư về nhân vật lịch sử đầy tai tiếng Trần Ích Tắc. Quỳnh Nga có mượn lại lịch sử với những chi tiết về tài năng của Trần Ích Tắc. Và có lẽ đó là căn cứ để Quỳnh Nga thác lời An Tư với lập luận một tài năng như thế không thể là kẻ bán nước cầu vinh. Lập luận thật trẻ con, vì An Tư (và cả Quỳnh Nga) chưa thoát khỏi suy nghĩ của trẻ vị thành niên, chỉ biết thần tượng hóa người mình tôn thờ. Tôi tin chắc, đến khi trưởng thành, Quỳnh Nga sẽ hiểu sâu sắc hơn khi biết rằng, những kẻ “văn võ toàn tài” ấy mới có tham vọng tiếm đoạt vương quyền, tráo trở và bán nước cầu vinh, đúng như các sử gia Việt lẫn sử gia Nguyên đã viết. Và thật ngộ nghĩnh khi Quỳnh Nga để cho An Tư xác tín niềm tin một Trần Ích Tắc yêu nước thương dân, sẵn sàng hy sinh cả gia thế và sự nghiệp của mình để làm gián điệp qua lời của Thoát Hoan: “Chiêu văn vương Trần Ích Tắc, một kẻ ngông cuồng, một kẻ vì nước mà hi sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình để làm một kẻ nội gián đáng chết”. Dựa vào lời của giặc để xác tín cảm xúc, suy nghĩ của mình là khách quan, nhưng lại chẳng có gì thuyết phục trong tình huống Thoát Hoan muốn chiếm đoạt trái tim An Tư bằng kế vừa ly gián vừa mua chuộc xảo quyệt: “Ta đã từng nghĩ rằng ta sẽ bóp chết nàng như bóp chết một con nhạn nhưng ta không thể. Vì nàng đã chạm đến trái tim ta chứ không phải mưu lược của anh nàng khiến ta bị lừa gạt. Chẳng lẽ, nàng không muốn gặp lại hoàng huynh của người sao?”. Hư cấu như vậy là vụng hơn mèo bới đống tro, bởi phía dưới đống tro đầy nghi hoặc của kẻ cướp nước kia lại chính là kẻ bán nước mà mình đang tin tưởng. Không có chuyện phủ định của phủ định bằng cách lấy nghi ngờ chồng lên nghi ngờ để có được lòng tin, rằng Trần Ích Tắc là một nhà yêu nước. Tự dối lòng mình sẽ thành dối trá hơn cả dối trá.

Vô tình hay hữu ý, Quỳnh Nga đồng nhất Thoát Hoan với Trần Ích Tắc để đi đến một tình yêu đậm màu sắc xung đột cải lương: “Không ai khác chính nàng sẽ tự tay giết chết hắn. Nàng nghĩ thế nhưng rồi khi chạm phải ánh mắt của Thoát Hoan làm nàng chùng lòng. Ánh nhìn đó khiến nàng nhớ đến ánh mắt của hoàng huynh khi đưa tay nắm lấy tay nàng hồi thơ bé”. Thì ra cái gọi là tình yêu đây ư? Nó chẳng phải là tiếng sét ái tình, cũng chẳng phải là vô thức của con tim. Đó là một cảm xúc lãng xẹt, chỉ có một logic trớ trêu là tác giả xem kẻ bán nước và cướp nước là một để đi đến đồng cảm.

Không nghi ngờ điều đó khi trong truyện tác giả dựng lên nỗi lòng của Thoát Hoan khi nói về tư tưởng thần phục thiên triều: “Trước cảnh hoa đào đẹp đến lặng lẽ như thế, đột nhiên thôi, trong lòng hắn thoáng chút bồn chồn nuối tiếc “giá Đại Việt cứ khuất phục đi, khuất phục làm chư hầu như bao đời nay vẫn thế thì có phải những chốn thiên thai này sẽ còn lại mãi mãi?” Đây không là tư tưởng hòa bình, lấy tình yêu chiến thắng chiến tranh, bởi kẻ gây chiến không là nhà Trần mà là quân Mông-Nguyên. Có chăng là một luận điệu bịp bợm, ru ngủ tinh thần đấu tranh của một dân tộc trước họa xâm lăng. Hóa ra với cái luận điệu đó, phe chủ chiến với tinh thần Sát Thát của quân dân nhà Trần là có tội với lịch sử, tội đưa đất nước và kinh thành hoa lệ vào hoang tàn, tội đưa nhân dân vào cảnh đầu rơi máu chảy. Quỳnh Nga đang nói về quá khứ hay thực tại hữu nghị môi răng đây?

Giải oan cho Trần Ích Tắc theo cách ấy liệu có đủ sức mạnh làm thay đổi nhận thức lịch sử không, hay chỉ gây phẫn nộ cho cả một dân tộc kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành lấy chủ quyền suốt nghìn năm lịch sử? Sự thật, nhà Trần đại thắng quân Mông - Nguyên đến ba lần, giữ vững cơ đồ đến 200 năm, chứ không phải là bên thua cuộc chóng vánh như nhà Hồ, lẽ nào không đủ cơ hội và thời gian để chiêu tuyết cho Trần Ích Tắc, phải đợi đến gần ngàn năm sau một nhà văn tầm như Quỳnh Nga đứng ra minh oan bằng những hư cấu đồng bóng? Hay Quỳnh Nga là một tên khác của nhà ngoại cảm Bích Hằng?

Rốt cuộc, cả “bắt đầu” lẫn “kết thúc” đều không có gì ngoài một áng văn mang cảm hứng đồng bóng với mục đích thần tượng hóa kẻ thù. Cũ rích và nhạt thếch của lối văn nô. Đọc xong tất cả đều bốc hơi, chẳng để lại dư vị gì. Có chăng là một mùi ô uế bốc lên từ luận điệu của kẻ cướp nước với chủ nghĩa bá quyền và kẻ bán nước với luận điệu ru ngủ dân chúng. Tôi không tin Quỳnh Nga có tư tưởng ấy mà chẳng qua bị nhồi sọ quá nặng. Nếu truyện này được đăng trên Hoàn Cầu hay Phượng Hoàng của Trung Hoa thì có lẽ thích hợp hơn là trang Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

*.

CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)

Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,

thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Điện thoại: 0982.03.61.75

..

.

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn ngày 29.10.2020

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét