ĐẠO GIÁO TRUNG HOA VÀ CÁC TÔNG PHÁI NỔI BẬT - Tác giả: Đoàn Mạnh Thế (Hà Nội)

Leave a Comment

 

ĐẠO GIÁO TRUNG HOA

VÀ CÁC TÔNG PHÁI NỔI BẬT

*

(Tác giả Đoàn Mạnh Thế)

I. KHỞI NGUỒN

Về khởi nguồn chính thức của Đạo Giáo thì rất mơ hồ, vì nó là một phần trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, người Trung Quốc thờ thần gì, có thần thoại gì thì gần như Đạo Giáo thờ vị thần ấy. Truyền thuyết về Vũ Vương phạt Trụ sáng lập nhà Chu lưu truyền trong dân gian có thể coi là câu chuyện cổ xưa nhất về việc hình thành và phát triển của đạo giáo vậy. Theo Phong Thần Diễn Nghĩa thì thủy tổ của Đạo Giáo là Hồng Quân Lão Tổ, ông này thu nhận được 3 đệ tử là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn và Đạo Đức Thiên Tôn. Ba vị này truyền bá tư tưởng, phép tu tiên cho các đệ tử của mình. Trung Hoa từ xưa đã có nhiều người chán kiếp hồng trần, muốn tu luyện thành tiên để vượt ra ngoài sự luân hồi sinh tử nhân gian, nên ba vị này không sợ thiếu đệ tử. Vấn đề nảy sinh là ... nhiều người đi tu quá, đến lúc ai cũng đủ đạo hạnh và công lực mà chỗ trên thượng giới thì chỉ có hạn, thế là ba vị tôn sư Ngọc Đảnh Chân Nhân (Nguyên Thủy Thiên Tôn), Thông Thiên Giáo Chủ (Linh Bảo Thiên Tôn) và (Thái Thượng Lão Quân) Đạo Đức Thiên Tôn ngồi lại với nhau để "quy hoạch và cơ cấu" lại đám đệ tử của họ. Theo đó một trận chiến sẽ nổ ra và các đệ tử sẽ lựa bên để tham gia, rồi tùy theo chiến tích và đóng góp của từng người sẽ chọn ra ai thành tiên, ai kém hơn thì phải chịu làm thần. Từ đó hình thành nên vũ trụ thần linh của người Trung Quốc, trong đó có những vị mà chúng ta còn thờ phụng đến tận ngày nay như Thần Tài, Na Tra, Lục Đinh Lục Giáp, Thiên Lôi,...

Rồi sau đó tới thời Xuân Thu - Chiến Quốc, lúc này nhà Chu đã suy yếu, nơi nơi chư hầu nổi lên đánh giết lẫn nhau tranh quyền bá chủ. Trong cơn binh lửa, nhiều nhà tư tưởng đề ra những đường lối, phương pháp để yên thiên hạ, đưa dân chúng thoát khỏi cảnh binh đao. Tại nước Chu có một người họ Lý tên Đam, hơn 60 năm làm chức thủ thư trong thư viện nhà Chu, đọc hết tất cả các sách trong ấy, cộng thêm thiên tư mẫn tiệp, một ngày nọ ngộ ra chân lý và ông gọi đó là Đạo. Ông xưng là Lão Tử và khuyên mọi người nên sống vô vi, thuận theo tự nhiên, theo đạo lý, nhưng khi đó đang là thời chinh chiến, những gì ông nói ko có mấy người hiểu và nghe theo. Một ngày nọ, Lão Tử leo lên lưng trâu đi về phía tây, từ đó đi đến ải Hàm Cốc nước Tần, tại đây ông lưu lại 3 ngày, viết ra những điều tâm niệm của mình, chính là Đạo Đức Kinh sau này. Ông trao bộ sách này lại cho Doãn Hy, quan giữ ải vì nhận ra ông này có căn cơ, còn dặn rằng cứ theo sách này mà tu luyện thì sẽ thành tiên, thế rồi Lão Tử tiếp tục leo lên lưng trâu đi mãi về phía tây, vào tận trong sa mạc, từ đó về sau ko còn ai trông thấy.

Quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian, có nhiều điểm tương đồng với nhân sinh quan của những người theo phái Âm Dương Gia - Ngũ Hành, từ đó họ dùng cuốn sách này để hoàn thiện thêm cho học thuyết, thêm mấy trăm năm nữa, cả hai trường phái này hòa làm một và được gọi là Đạo Giáo. Lão Tử được tôn xưng là thủy tổ của Đạo Giáo và được ban xưng là Thái Thượng Lão Quân, tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng Lão Tử chỉ là một hóa thân giáng trần của Đạo Đức Thiên Tôn - Thái Thượng Lão Quân mà thôi.

 

II. CÁC TÔNG PHÁI ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠO GIÁO

Theo chiều dài của lịch sử Trung Hoa, đạo giáo trải qua nhiều cơn hưng khởi và suy tàn, hầu như trong mỗi triều đại do người Hán lập ra ở Trung Hoa đều có sự dính dáng ít nhiều với Đạo Giáo. Trước khi nhà Hán thành lập, Trương Lương, được người đời xưng tụng là Mưu Thánh từng nhận Hoàng Thạch Công - một trong ba ẩn sĩ nổi tiếng thời chiến quốc làm thầy. Đến thời Tam Quốc, nhà Hán suy vi, khi đó nổi lên Thái Bình Đạo.

1/ Thái Bình Đạo

Vu Cát là một ẩn sĩ ở Sơn Đông, có viết ra một quyển Thần Thư, sau này gọi là Thái Bình Thanh Lĩnh Kinh, gọi tắt là Thái Bình Kinh. Một đệ tử của Vu Cát đã dâng sách này cho vua Hán Thuận Đế (tại vị 126-144). Được xem là kinh điển tối yếu trong giai đoạn ban đầu hình thành Đạo giáo, quyển đạo kinh này bàn về phụng thờ trời đất, thuận theo âm dương ngũ hành, tảo trừ đại loạn, giúp thiên hạ thái bình, sách còn bàn sự hưng phế của quốc gia, phương pháp dưỡng sinh, cách tu luyện thành thần tiên, bùa chú, v.v... Triều đình cho rằng đây là sách tà đạo nên tịch thu. Ai đọc Tam Quốc Chí đều biết rằng sau này Vu Cát đến đất Cối và Ngô (nay là huyện Cối Kê của Chiết Giang và huyện Ngô của Giang Tô) lập tịnh xá, đốt hương tụng đọc đạo thư, tế tạo phù lục bùa chú, lấy nước trị bệnh, thu hút đông đảo quần chúng. Tôn Sách cho là tà đạo nên giết Vu Cát, nhưng đó là chuyện về sau.

Tuy triều đình tịch thu sách nhưng Thái Bình Kinh lại lưu truyền trong dân gian. Bấy giờ là cuối đời Đông Hán, bọn ngoại thích và hoạn quan lũng đoạn triều chính, cường hào và địa chủ nắm giữ đất đai, lại thêm bệnh dịch lưu hành, nên nông dân điêu linh thống khổ đến nỗi đã nổi loạn. Nhân dịp này, Trương Giác người huyện Cự Lộc, tỉnh Hà Bắc đã lợi dụng Thái Bình Kinh để lập giáo, tên gọi là Thái Bình Đạo, qua đó quy tụ nông dân để khởi nghĩa gọi là Hoàng Cân - triều đình nhà Hán gọi là giặc Khăn Vàng. Ông kết nạp được 36 vạn giáo chúng, cứ 1 vạn người thì lập thành 1 "phương", mỗi phương đặt ra 1 đại soái. Ba mươi sáu phương đó được phân bố ở 8 trong tổng số 12 châu lớn của lãnh thổ nhà Đông Hán là Thanh, U, Từ, Ký, Kinh, Dương, Duyện, Dự. Năm 184, Trương Giác thống lĩnh giáo đồ làm loạn Trung Nguyên, triều đình phái ba cánh quân đi đánh dẹp là Lư Thực, Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn đi dẹp. Cũng trong năm đó thì Trương Giác bệnh chết, nốc bùa uống đan cũng đếch ăn thua Em ông là Trương Lương lên thống lĩnh quân sĩ, không lâu sau bị Hoàng Phủ Tung đánh bại hoàn toàn. Hoàng Phủ Tung tìm đến mộ ông, sai quân băm xác, chặt đầu mang về Lạc Dương dâng Hán Linh Đế. Tuy Trương Giác, Trương Lương, Trương Bảo đã chết nhưng dư đảng của Thái Bình Đạo vẫn lẩn trốn trong chốn dân gian, lâu lâu lại có những bậc kỳ nhân dị sĩ xuất hiện như Nễ Hành, Vu Cát, ...

2/ Ngũ Đấu Mễ Đạo

Ngũ Đấu Mễ Đạo – dịch nôm là "đạo Năm Đấu Gạo", cũng gọi Thiên Sư Đạo, là một giáo phái ra đời cuối đời Đông Hán, do Trương Lăng (34–156) sáng lập. Người đời sau gọi họ Trương là Trương Thiên Sư, nên Ngũ Đấu Mễ Đạo còn có tên khác là Thiên Sư Đạo. Lăng người đất Phong (nay là huyện Phong, tỉnh Giang Tô), một hậu duệ của Trương Lương. Trương Lăng từ nhỏ đã nghiền ngẫm về Đạo Đức Kinh, thiên văn, địa lý, Hà Đồ, Lạc Thư, thông đạt Ngũ Kinh; khi trưởng thành từng làm quan lệnh ở Giang Châu, thuộc Ba Quận (nay là Trùng Khánh, Tứ Xuyên), thời Hán Minh Đế. Về sau, ông từ quan, ẩn cư trong núi Bắc Mang Sơn học đạo trường sinh. Thời Hán Thuận Đế, Trương Lăng vào Ba Thục, tu đạo ở núi Hạc Minh Sơn (cũng gọi Cốc Minh Sơn), xưng là Tam Thiên Pháp Sư Chính Nhất Chân Nhân, nói rằng mình được Thái Thượng Lão Quân truyền đạo Chính Nhất Minh Uy, phong làm Thiên Sư. Vì vậy, dân gian gọi đạo của ông là Thiên Sư Đạo.

Do người nhập đạo phải nộp 5 đấu gạo, do đó đạo này gọi tên là Ngũ Đấu Mễ Đạo (đạo 5 đấu gạo), đạo này chịu ảnh hưởng nặng nề của Vu thuật – phép phù thủy của dân tộc thiểu số tại Ba Thục như lên đồng, nhập xác, phù chú, bùa yểm, độc trùng… nên chủ yếu phát triển ở phía Tây Nam Trung Quốc, còn phương đông thì lại chuộng đạo Thái Bình như đã kể ở trên. Khi Trương Lăng mất, con là Trương Hành kế thừa việc truyền đạo. Khi Trương Hành qua đời, con của Trương Hành là Trương Lỗ kế vị. Cả ba đời ông cháu được người đời gọi là Tam Trương, nhưng trong nội bộ đạo phải gọi là Tam Sư: Trương Lăng là Thiên Sư, Trương Hành là Tự Sư, và Trương Lỗ là Hệ Sư. Trương Lỗ cai trị khu vực Ba Thục và Hán Trung gần 30 năm với một chính quyền hợp nhất tôn giáo với chính trị. Đến năm Kiến An 20 (tức năm 215), tháng 3, Tào Tháo đánh Hán Trung. Đến tháng 11, Trương Lỗ thua, phải dắt gia quyến và thuộc hạ về Nghiệp Thành quy hàng Tào. Tào Tháo dùng lễ trọng đãi Trương Lỗ để lợi dụng thế lực và ảnh hưởng của Trương Lỗ. Tào Tháo phong Trương Lỗ làm Trấn Nam Tướng Quân, tước Lương Trung Hầu. Năm người con của Trương Lỗ cũng được phong tước hầu. Tào Tháo và Trương Lỗ còn kết thông gia với nhau. Chính quyền của Trương Lỗ tại Ba Thục và Hán Trung bị diệt. Tuy nhiên Ngũ Đấu Mễ Đạo vẫn phát triển, dù tổ chức bị hỗn loạn, nhất là sau khi Trương Lỗ bệnh và mất. Tín đồ mạnh ai nấy truyền đạo, không theo phép tắc gì cả. Nhiều thành phần lợi dụng tôn giáo để làm việc bất chính, hoang dâm. Sau đời Tam Quốc đã có mấy phen giáo đồ Ngũ Đấu Mễ Đạo nổi dậy chống chính quyền nhưng đều bị dập tắt. Ngũ Đấu Mễ Đạo đã trải qua hai cuộc cải cách do đạo sĩ Khấu Khiêm Chi (Bắc Ngụy) và đạo sĩ Lục Tu Tĩnh (Nam Triều Tống) tiến hành. Khấu Khiêm Chi cải cách Ngũ Đấu Mễ Đạo (tức Thiên Sư Đạo) ở phương bắc nên nhánh này gọi là Bắc Thiên Sư Đạo, còn Lục Tu Tĩnh cải cách Ngũ Đấu Mễ Đạo ở phương nam nên nhánh này gọi là Nam Thiên Sư Đạo. Đến đời Tùy, Nam và Bắc Thiên Sư Đạo hợp nhất làm một. Sau đời Đường, cháu của Trương Lăng tức là Trương Thịnh (cháu đời thứ tư của Trương Lỗ) tiếp tục truyền giáo tại Long Hổ Sơn ở Giang Tây. Núi này dần trở thành một trung tâm truyền bá Thiên Sư Đạo và giáo phái mang tên mới là Long Hổ Tông theo tên của nơi truyền đạo là Long Hổ Sơn, và giáo phái này bước qua một giai đoạn lịch sử mới.

Thời Nguyên giáo phái này lại hưng thịnh trở lại, và mang tên là Chính Nhất Đạo, liên tục qua các triều đại, hậu duệ họ Trương luôn là giáo chủ giáo phái, đến tận năm 1949, Trương Ân Phổ giáo chủ đời 63, tự là Hạc Cầm tiên sinh di cư sang Đài Loan, và năm 1950 sáng lập Đạo giáo hội của Đài Loan. Năm 1957 ông thiết lập Đạo giáo cư sĩ hội và Đạo giáo đại pháp sư hội. Năm 1969, Trương Ân Phổ chết, Trương Uyên Tiên cháu họ Trương Ân Phổ lên chấp vị chưởng giáo năm 1971 do con trai của Trương Ân Phổ mất sớm. Năm 1992, ông này quay về Đại Lục và sáng lập Hiệp hội Thiên sư đạo Trung Quốc. Năm 2008, Thiên sư Trương Uyên Tiên lâm bệnh qua đời nhưng không có con trai kế thừa, nội bộ gia tộc họ Trương nổi lên sự tranh quyền kế vị Thiên sư. Tại Đài Loan có Trương Ý Tướng, Trương Mỹ Lương, Trương Ý Phượng, Trương Đạo Trinh. Tại đại lục có Trương Kim Đào, Trương Kế Vũ, Trương Quý Hoa. Ngày 10 tháng 6 năm 2009 (tức ngày 18 tháng 5 Âm lịch), nhân ngày Tổ sư Trương Đạo Lăng thọ đản, Trương Ý Tướng tổ chức lễ kế vị tại Đài Bắc xưng là Thiên sư đời thứ 65. Cùng lúc, Trương Đạo Trinh cũng tổ chức lễ kế vị, xưng Thiên sư đời 64 tại Nam Đầu. Cho đến nay, cục diện 2 vị Thiên sư cùng tồn tại vẫn diễn ra.

 

III. CÁC TÔNG PHÁI ĐẠO GIÁO TỪ ĐỜI BẮC TỐNG TRỞ ĐI

Thời nhà Tống, thiên hạ loạn lạc, chiến tranh liên miên, nhiều bậc trí giả chán cảnh sinh linh đồ thán nên bỏ lên núi tu tiên, Đạo gia vì thế lại tiếp tục phát triển. Trong chính trị, các hoàng đế Tống độc tôn Nho học nhưng về mặt tinh thần thì phụ thuộc Đạo giáo, hầu như tất cả các vua Tống đều xuất gia tu đạo và đều có pháp hiệu như đạo sĩ (tất nhiên, chỉ là mặt hình thức).

Thật ra cũng có nguyên do sâu xa: Thời Nam – Bắc triều, có người phụ nữ lấy chồng, người chồng đi chiến chinh, một hôm loạn quân sắp kéo đến, bà vợ chỉ vội thu vén đồ đạc, đặt 2 đứa con trai lên hai cái sọt rồi quẩy đi bằng đòn gánh để chạy cho lẹ. Ngang qua núi Hi Di, có một người trung niên chạy ra đón bà vào nhà nghỉ ngơi, cho thức ăn nước uống rồi chỉ vào hai đứa trẻ mà bảo rằng: Lão đây vốn lên núi lánh đời, tránh xa trần thế, hôm nay đứng trên núi nhìn thấy hai công tử của phu nhân đây có hào quang rực rỡ bao quanh, chính là khí thiên tử vậy, phu nhân hãy nuôi dạy hai công tử cho tốt. Có lý nào cả 2 con tôi đều làm vua ? – Kiến nghiệp là anh nhưng giữ nghiệp là cậu em vậy. Và hai đứa trẻ ấy chính là Triệu Khuông Dẫn và Triệu Quang Nghĩa, hai ông vua đầu tiên của Đại Tống sau này. Ông già kia là Trần Đoàn, người khai sinh ra môn Tử vi đấu số.

Tuy nhiên vì môn tử vi đấu số của Trần Đoàn khá phức tạp và nặng về tính toán nên đời sau không thịnh, Càng khảo sát chi tiết về mặt thời gian thì càng đòi hỏi trình độ cao trong luận đoán. Dễ nhất là khán lá số ở mức độ nguyên thủy, tính cách nói chung, khó hơn là khán ở mức độ Đại Vận, và khó nữa là mức độ Lưu Niên. Một số nhà nghiên cứu tử vi có trình độ cao có thể phán chính xác đến tận hạn ngày, thậm chí chính xác tới hạn giờ tai nạn thông qua lá số tử vi. Ở Trung Quốc hiện nay không thịnh môn này, thay vào đó Hồng Công, Đài Loan và Việt Nam thì lại khá phát triển.

1/ Toàn Chân Đạo

Thành tiên là ước mơ cháy bỏng từ xưa của con người, cách thức cổ xưa nhất là đi tầm sư học đạo, tích lũy công lực rồi chờ đến ngày đến giờ phi thăng thành tiên. Nhưng sau khi bảng Phong Thần đóng lại thì hình như cõi trên đã hết “tiêu chuẩn”, nên những người tu phép tiên thì cứ tu, nhưng số người thành tiên được thì rất hiếm hoi. Đến đời Đường thì xuất hiện một dị nhân nổi tiếng, có thể coi là người tạo ảnh hưởng lên các hệ phái của Đạo Giáo sau này, ấy là Lữ Động Tân. Quá trình tu đạo, thành tiên của Lữ Động Tân thì dài dòng, kể ra chắc phải có riêng một bài, xin hẹn hôm khác. Nhưng rất nhiều bậc đạo sĩ về sau đều nói là có duyên gặp Lữ và được ông truyền cho bí kíp để tu đạo, từ đó khai sinh ra các tông phái mới, Toàn Chân Đạo là một trong số đó.

Vương Trung Phu sinh năm 1113 có tên tự là Duẫn Khanh, sinh ra tại Hàm Dương trong một gia đình giàu có. Thuở nhỏ ông chăm chỉ, tinh thông cả văn lẫn võ, nhờ vậy mà nổi tiếng gần xa. Khi người Kim xâm lấn, ông tụ họp nhân dân nổi dậy chống lại nhưng không thành công, sau đó ông chán chuyện thế sự nên bỏ nhà lên núi đi tu, nhưng tôi đồ rằng trốn nã thì có. Năm 1159, ông được gặp Lã Động Tân, được truyền thụ khẩu quyết luyện đan là Toàn Chân. Ý nói bảo toàn tam bảo (toàn tinh, toàn khí, toàn thần) hội tụ trung cung, kim đan thành tựu. Từ đó ông chuyên tâm nghiên cứu Đạo giáo, đổi tên là Triết, tự là Tri Minh, thành lập ra Toàn Chân giáo. Tôn chỉ của Toàn Chân giáo là cứu giúp chúng sinh nên nhân dân rất kính trọng. Học trò tìm đến ông rất đông, nhưng ông dạy dỗ nghiêm khắc, thường đánh đập và la mắng đệ tử nên chúng trốn sạch, sau cùng chỉ còn lại bảy người. Đó chính là Toàn Chân thất tử lừng danh trong Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Trong thất tử toàn chân, người có thành tựu cao nhất, học được tinh túy nhất là Trường Xuân Chân Nhân, nhị đệ tử Khâu Xứ Cơ. Khâu Xứ Cơ từng được Thành Cát Tư Hãn mời đến để đàm đạo về bí kíp trường sinh và đạo an dân trị quốc, có điều đếu hiểu lão mũi trâu chỉ bảo cách nào mà sau chuyến đi ấy trở về cả Thành Cát Tư Hãn lẫn ông đều … nghỉ thở cùng năm 1227. Sau khi ông chết, các đồ đệ của ông lập ra

Toàn Chân Long Môn phái, riêng phái Toàn Chân trái với suy nghĩ của đông đảo anh em chỉ xem kiếm hiệp mà ít chịu google, là cho rằng Toàn Chân bị bọn Mông Cổ tiêu diệt, cái này tôi chê vì mới vừa năm 2017 đây thôi, Toàn Chân Giáo Trung Hóa vừa kỷ niệm nhiệt liệt 850 năm ngày Vương Sư Tổ lập giáo truyền đạo với khoảng … 5000 tín đồ, diệt diệt cái con khỉ, nhé! – À quên, đường lối tu luyện của Toàn Chân là chú trọng luyện đan, sau này thì còn lại dưỡng sinh, nạp khí, không chú trọng phù chú pháp thuật.

2/ Mao Sơn Tông

Mao Sơn Tông là tên một giáo phái phổ biến của Đạo giáo, lấy Mao Sơn (núi cỏ mao), nằm ở giữa hai huyện Kim Đàn và Cú Dung của tỉnh Giang Tô, làm tổ đình. Mao Sơn có tên xưa là Cú Khúc Sơn, Địa Phế Sơn, Cương Sơn, Kỷ Sơn. Đây là ngọn núi thuộc hàng động thiên phúc địa nổi tiếng.

Đào Hoằng Cảnh là người đời Nam – Bắc triều vốn tính thông minh hiếu học từ nhỏ, lên 4 lên 5, đã bắt đầu lấy cọng lau làm bút vẽ trên tro; lên 10 đọc ‘Thần tiên truyện’ của Cát Hồng, chịu ảnh hưởng rất nhiều của ông này. Sau khi nhà Nam Tề thành lập, ông vào triều làm chúc Thị độc cho các vua, được vua quan ưa chuộng, là tổ sư đời thứ 9 của Thượng Thanh Phái (không chú trọng phù lục). Năm Vĩnh Minh thứ 10 (492), ông từ chúc về ở ẩn nơi núi Mao Sơn, chuyên lo luyện đơn và chú thuật, cặm cụi suốt 40 năm sáng lập ra Mao Sơn Tông (coi trọng phù lục), lại lấy tên núi làm tên giáo phái. Trong thời gian này, triều đình lần lượt mời ông ra làm quan, ông đều không nhận. Nhưng vì học vấn của ông uyên bác, mối quan hệ của ông với hoàng thất rất mật thiết, cho nên mỗi khi quốc gia có việc lớn đều đến hỏi ý kiến ông. Vì vậy người đương thời gọi ông là ‘Tể tướng ở trong núi’ (Sơn trung tể tướng). Ông học rộng, nhiều tài, ngoài việc tinh thông bản thảo, y thuật đều có nghiên cứu về thiên văn, lịch pháp, sơn xuyên, địa lý, họa đồ vật sản, luyện đơn, đúc kiếm, v.v... Ông lại còn giỏi cầm kỳ, khéo viết chữ thảo, chữ lệ, chế tạo được ‘hỗn thiên tượng’ (một loại máy để xem thiên văn). Ông một đời viết sách kể có 44 loại, sách về y dược có ‘Bản Thảo Kinh Tập Chú, ‘Ngoại Khuyết Trửu Hậu Bách Nhất Phương’, là một trong tứ đại thần y trong lịch sử Trung Hoa.

Mao Sơn được mọi người biết đến với uy danh đệ nhất khưu tà trừ ma, pháp thuật thần thông quản đại cao siêu và còn lập đàn, bố trận pháp. Mao Sơn phái có các đời tông sư rất nổi tiếng, qua nhiều thời, sáng tạo ra những pháp thuật xuất chúng, có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đạo giáo Trung Hoa. Là một môn phái lớn với những pháp như: Hành thông linh pháp (đi xuyên âm giới), Thiên nhãn thông, Luyện thi, Thần phù ... Ngoài những pháp thuật kể trên Mao Sơn cón có những trận pháp vô cùng huyền diệu như: Cửu đăng liên hoa trận, Cửu tiền bôi đỉnh trận, Bát quái trận,... Cho đến nay Mao Sơn không cón phát triển rộng rãi như ngày xưa, do quá trình hiện đại hóa của xã hội, nhưng vẫn còn những người biết và tìm đến học đạo thuật Mao Sơn. Ngày nay Mao Sơn thuật được biết đến rộng rãi qua phim ảnh, tiểu thuyết, đặc biệt là loạt phim cương thi do Lâm Chánh Anh, cố diễn viên nổi tiếng chuyên vào vai đạo sĩ trừ tà hồi thập niên 80 – 90 của điện ảnh Hồng Kông.

*

ĐOÀN MẠNH THẾ

Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai

quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.        

Điện thoại: 039.627.97.29

.

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.10.2017.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

0 comments:

Đăng nhận xét