ĐIỆN ẢNH HONG KONG, HUY HOÀNG VÀ BÓNG TỐI - Tác giả: Khuyết Danh

Leave a Comment

 


ĐIỆN ẢNH HONG KONG,

HUY HOÀNG VÀ BÓNG TỐI

*

I. LỊCH SỬ

Nói ra điều này chắc nhiều người không tin: Nền công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc có tuổi thọ thuộc vào hàng lâu đời trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia thứ hai ở Châu Á sản xuất một bộ phim, người Pháp đã làm ra bộ phim đầu tiên trong lịch sử vào năm 1895, 6 tháng sau, người Anh quay một bộ phim ở Ấn Độ. Còn bộ phim đầu tiên của Trung Quốc được quay ở Trung Quốc là tại Thượng Hải ngày 11 tháng 8 năm 1896. Bộ "phim" đầu tiên, Định Quân Sơn, một vở kinh kịch quay lại bằng kỹ thuật điện ảnh, được thực hiện tháng 11 năm 1905. Trong giai đoạn đầu này, phần lớn các công ty làm phim nằm trong tay những người phương Tây, mãi đến năm 1916 nền điện ảnh nội địa của Trung Quốc mới thực sự hình thành với các hãng phim tập trung ở Thượng Hải, trung tâm công nghiệp và là thành phố lớn nhất của vùng Viễn Đông châu Á. Trong số các hãng phim mới ra đời này đáng chú ý có Công ty điện ảnh Minh Tinh và Tianyi Film Company, tiền thân của hãng phim Thiệu Thị (Shaw Brother - TVB) nổi tiếng sau này. Minh Tinh chính là hãng phim đã sản xuất Lao công chi ái tình (1922), bộ phim điện ảnh cổ nhất của điện ảnh tiếng Hoa còn lưu giữ đến ngày nay. Phải chờ đến thập niên 1930 nền điện ảnh nói tiếng Hoa mới thực sự khởi sắc với trào lưu nghệ thuật cấp tiến của những người cánh tả, những trí thức Trung Hoa du học từ Âu Mỹ trở về. Tiêu biểu là các bộ phim Xuân tằm 1933, dựa theo tiểu thuyết của Mao Thuẫn, Đại lộ 1935, hay Thần nữ 1934, do Ngô Vĩnh Cương đạo diễn. Các bộ phim theo trào lưu cấp tiến này đã mang lại màu sắc mới cho điện ảnh Trung Quốc khi khắc họa rõ nét sự xung đột giữa các tầng lớp trong giai đoạn chuyển đổi chính trị từ phong kiến sang cộng hòa, đồng thời đề cập trực tiếp đến cuộc sống đời thường, như một gia đình nuôi tằm trong Xuân tằm hay nghề mại dâm trong Thần nữ. Với những thành công của các bộ phim mang đề tài xã hội này, thập niên 1930 có thể coi là giai đoạn hoàng kim đầu tiên của điện ảnh tiếng Hoa. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự ra đời lớp diễn viên điện ảnh nói tiếng Hoa nổi tiếng đầu tiên với các ngôi sao điện ảnh như Nguyễn Linh Ngọc, Chu Tuyền hay Triệu Đan.

Năm 1937, Chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ, trung tâm điện ảnh Thượng Hải rơi vào tay quân đội Nhật và giai đoạn hoàng kim đầu tiên của điện ảnh tiếng Hoa chấm dứt. Hầu như tất cả các hãng phim lớn (trừ hãng Tân Hoa) đóng cửa cơ sở tại Thượng Hải và rất nhiều nhà làm phim phải chạy khỏi thành phố này để đến lánh nạn ở Hồng Kông hoặc Trùng Khánh. Tuy vậy một số nhà điện ảnh vẫn ở lại các khu tô giới của người nước ngoài ở Thượng Hải để tiếp tục thực hiện các tác phẩm mới. Đáng chú ý đạo diễn Bốc Vạn Thương đã cho ra đời bộ phim Mộc Lan tòng quân năm 1939 lấy từ điển tích Mộc Lan tòng quân chống ngoại xâm để kêu gọi lòng yêu nước ngay giữa Thượng Hải bị chiếm đóng. Ngày 7 tháng 12 năm 1941, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai chính thức bùng nổ giữa phe Trục và phe Đồng Minh, các khu tô giới bị quân Nhật tịch thu nốt và việc làm phim của các nhà điện ảnh cấp tiến ở Thượng Hải phải ngừng lại. Điện ảnh ở Đại lục thời gian này gần như chỉ có hãng Mãn Châu Quốc là hoạt động với những bộ phim gây nhiều tranh cãi vì chịu ảnh hưởng của chính quyền Nhật hoàng. Sau khi quân Nhật đầu hàng năm 1945, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, đặc biệt là ở Thượng Hải nhanh chóng phục hồi. Nhiều hãng phim mới được thành lập, còn Tân Hoa, hãng phim đã ở lại Thượng Hải trong giai đoạn chiếm đóng, trở thành công ty có quyền lực bậc nhất của cả nền điện ảnh tiếng Hoa. Năm 1946, đạo diễn nổi tiếng Thái Sở Sinh trở về từ Hồng Kông đã tái lập hãng phim Liên Hoa, sau đổi tên thành Côn Luân, sau này trở thành một trong các hãng phim quan trọng nhất của điện ảnh Trung Quốc với nhiều bộ phim đáng nhớ như Nhất giang xuân thủy hướng đông lưu 1947 hay Ô nha dữ ma tước (Quạ đấu chim sẻ 1949). Những bộ phim này đều tiếp tục với xu hướng thiên tả và thể hiện sự không đồng tình với chính sách đàn áp của Quốc Dân Đảng Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu. Cùng lúc này, một số hãng phim khác như hãng Văn hóa lại tách khỏi trào lưu cấp tiến để phát triển các bộ phim chính kịch riêng. Tác phẩm đáng nhớ nhất theo hướng đi này có lẽ là Tiểu thành chi xuân (1948), bộ phim sau này đứng đầu trong danh sách Phim tiếng Hoa hay nhất nhân kỉ niệm 100 năm ngày ra đời điện ảnh Trung Quốc. Sau năm 1950, nềm điện ảnh Trung Quốc chịu ảnh hưởng của các biến động chính trị, từ đó chia thành điện ảnh Trung Quốc, điện ảnh Đài Loan và điện ảnh Hongkong.

 

II. ĐIỆN ẢNH HONG KONG

Bộ phim đầu tiên được quay ở Hongkong vào năm 1913 là phim Trang Tử Hí Thê - Tức là Trang Tử thử vợ (ai ko biết tích này thì mở cải lương lên mà coi, ko nghe nổi cải lương thì đọc ở cmt, thế nhé). Phim này do một ông chủ người Mỹ bỏ kinh phí ra cho Lê Dân Vĩ làm đạo diễn, ông Vĩ sau này được tôn là Cha đẻ điện ảnh Hongkong. Cho đến tận những năm 1940s, các phim Hongkong chỉ được xem như dòng phim loại 2 vì đa phần diễn viên nói tiếng Quảng, còn Trung Hoa dân quốc thì ưu tiên cho các phim nói tiếng Quan Thoại hơn. Nhưng sau năm 1950, một loạt các đạo diễn tên tuổi, các ông chủ hãng phim và cả các diễn viên đã lần lượt di cư từ Đại Lục sang Hương Cảng, tạo nên cú nhảy thần kỳ cho nền điện ảnh xứ cảng đảo này. Năm 1963, bộ phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (tên tiếng Anh là Lovers) đã thoát ra khỏi "cái bóng" của kinh kịch trở thành một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa và thu được tiếng vang trong cộng đồng Hoa Ngữ và sau đó vượt biên giới Hongkong vươn ra Châu Á. Rất nhanh, những nhà đầu tư phương tây nhận ra thị hiếu của thị trường Châu Á đã hình thành và tiềm năng của nền công nghiệp điện ảnh Hongkong và họ bắt đầu đổ vốn vào nó.

Đến giữa thập niên 60s, những tác phẩm võ hiệp của Lương Vũ Sinh, Kim Dung và Cổ Long bắt đầu trở thành một hiện tượng trong văn hóa đọc của cộng đồng Hoa Ngữ. Theo sau nữa thì có dòng tiểu thuyết ướt át lãng mạn của nữ văn sĩ Quỳnh Giao. Nói không ngoa, văn của Quỳnh Giao xứng đáng gọi là bà cố nội của những Lục Xu, Diệp Lạc Vô Tâm ... sau này. Nếu như cánh mày râu thập niên 60 đắm chìm trong những chuyến phiêu lưu truy cầu chân lý, hành hiệp trượng nghĩa thì những cô gái tuổi mới lớn từng thổn thức, từng khóc cạn nước mắt với những Hải Âu Phi Xứ, Yên Vũ Mông Mông (Dòng Sông Ly Biệt), Xóm Vắng ... Lại quay về điện ảnh, thời kỳ này do ảnh hưởng của trào lưu kiếm hiệp, hoài cổ nên đa phần phim Hongkong thời kỳ này là thể loại phim võ thuật với sự hòa trộn của nghệ thuật diễn xuất, võ thuật, nghệ thuật xiếc và kịch. Sự hoàn thiện về mặt nghệ thuật này gắn liền với hai đạo diễn Hồ Kim Thuyên, người thực hiện bộ phim Đại túy hiệp và Khách sạn Long Môn cùng chiếu năm 1966 và Trương Triệt, đạo diễn của bộ phim mang tính đột phá Độc tý đao (Độc thủ đại hiệp) năm 1967. Thế hệ ngôi sao phim võ thuật đầu tiên cũng ra đời với các tên tuổi như Trịnh Phối Phối và Vương Vũ. Hai hãng phim lớn ở Hồng Kông thời kỳ này là Thiệu Thị và Công ty kinh doanh điện ảnh quốc tế - MP&GI. Thiệu Thị là một hãng phim gia đình do hai anh em Thiệu Dật Phu và Thiệu Dật Mai lập ra. Thời kỳ đầu, Thiệu Thị cạnh tranh gay gắt với MP&GI. Năm 1964, sau cái chết của Lục Vận Đào, chủ tịch MP&GI, Thiệu Thị bắt đầu chiếm ưu thế và thực sự trở thành hãng phim đầu đàn của Hồng Kông sau khi MP&GI chấm dứt lĩnh vực sản xuất phim vào năm 1970. Còn một mình một chợ, Thiệu Thị bắt đầu hùng bá thị trường phim điện ảnh Hongkong, dưới trướng Thiệu Thị là những tên tuổi lừng danh một thời như Lý Lệ Hoa, Lăng Ba, Lạc Đế, Trịnh Phối Phối... nam thì có Địch Long, Khương Đại Vệ, Tạ Hiền, sau này còn có Hồng Kim Bảo, Lương Gia Huy, Trịnh Thiếu Thu ... đều là những tên tuổi lớn của điện ảnh Hongkong.

Tuy nhiên, thường thứ gì độc quyền thì thường ... bị người ta ghét. Thiệu Thị từ những năm 70 bị tố là chèn ép diễn viên và buộc họ ký những hợp đồng bất bình đẳng (diễn viên lĩnh lương tháng, ở nhà tập thể, tiền cát-xê ăn theo phim hầu như chỉ có cho vui, vân vân và mây mây). Năm 1970, lãnh đạo cao cấp của Thiệu Thị là Trâu Văn Mạn tách ra thành lập một hãng phim mới, hãng Gia Hòa. Nói đến tên Gia Hòa nhiều người thấy lạ, nhưng nói tên tiếng Anh của nó: Golden Harvest chắc nhiều người sẽ biết. Với cách kinh doanh năng động hơn Thiệu Thị vốn đã thống trị thị trường quá lâu, Gia Hòa đã nhanh tay ký được hợp đồng với các ngôi sao lớn nhất của điện ảnh Hồng Kông lúc này là Lý Tiểu Long và anh em họ Hứa. Từ cuối thập niên 1970, Gia Hòa bắt đầu chiếm ưu thế và đã góp phần đưa Thành Long trở thành một trong những ngôi sao phim võ thuật hài xuất sắc nhất của điện ảnh Hồng Kông. Thiệu Thị dần mất chỗ đứng của mình và cuối cùng phải tách bỏ hoàn toàn bộ phận sản xuất phim điện ảnh năm 1985 để tập trung vào mảng truyền hình. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may: Cùng với sự bùng nổ của tivi ở các gia đình Châu Á trong thập niên 80, phim truyền hình Hongkong mà cụ thể là TVB lại trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các gia đình Hongkong và Đông Nam Á. Chính phim truyền hình là "bệ phóng" cho một loạt lớp diễn viên sau này của HK, tạo ra thế hệ vàng với những cái tên như: Tứ Đại Thiên Vương - Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu, Quách Phú Thành, Lê Minh, vua phim hài Châu Tinh Trì, Lâm Thanh Hà, Lê Tư, Quan Chi Lâm, Ôn Bích Hà, Cổ Thiên Lạc, Châu Nhuận Phát.... (kể nữa chắc hết mẹ bài viết). Trong thời hoàng kim của mình, Hongkong là trung tâm sản xuất và xuất khẩu phim ảnh lớn thứ 3 thế giới, sau Hollywood và Bolywood.

Quay ngược một chút về hãng Gia Hòa. Năm 1966, Lý Tiểu Long khi đó chỉ là một võ sinh người Hoa đi du học ở Mỹ. Rồi tình cờ Lý tham gia vào một bộ phim truyền hình của Mỹ thời đó là Green Hornet. Thế quái nào nhân vật của Lý tuy chỉ là phụ nhưng lại chiếm cảm tình của người xem còn hơn cả nhân vật chính. Sau đó thì nhà đài quê độ nên ngưng luôn bộ phim này vào năm 1967. Năm 1971, Lý Tiểu Long cũng quay về Hongkong để thu xếp cho mẹ sang Mỹ. Lúc này ở Hongkong, bộ phim Green Hornet lại được trình chiếu, tên tuổi của Lý trở nên vang dội khắp xứ cảng. Trâu Văn Hoài cũng xem bộ phim này và khi nghe tin Lý đang có mặt ở Hongkong, ngay lập tức ông đã linh cảm rằng Lý sẽ mang lại một điều gì đó lớn lao hơn cho hãng Gia Hòa mới thành lập. Ông Trâu chộp ngay lấy cơ hội đó và ký hợp đồng mời anh tham gia một trong những bộ phim võ thuật đầu tiên của hãng, Đường sơn đại huynh. Lý Tiểu Long nhận lời và được cấp một căn hộ với đầy đủ nội thất ở đường số 2 Man Wan - khu Cửu Long. Gia Hòa bỏ ra 400.000 đô-la Hong Kong, đưa đoàn phim sang tận Thái Lan để quay ở đúng nơi câu chuyện diễn ra. Diễn viên chính trong phim ban đầu là Điền Chân, còn Lý chỉ đóng vai thứ. Bộ phim khởi quay tháng 7/1971 tại một vùng thị trấn nhỏ hẻo lánh tại Thái Lan. Nhưng khi quá trình sản xuất bộ phim đã trôi qua vài tuần, thì xảy ra những bất ổn trong nội bộ đoàn phim. Nhà sản xuất Trâu Văn Hoài tức tốc bay sang Thái Lan để giải quyết.

Đạo diễn phàn nàn với ông chủ Hãng Gia Hòa rằng Lý Tiểu Long chẳng biết làm gì ngoài việc chỉ đá liên tiếp 3 cước rồi thôi. Còn Lý thì nói rằng đạo diễn này không biết làm phim võ thuật, nên những cú máy chậm chạp của ông ta đã làm giảm sự dữ dội của các cú ra đòn. Ông Trâu Văn Hoài xem lại các thước phim nháp và đồng ý với nhận xét của Lý Tiểu Long, đồng thời ông lại rất ấn tượng trước những cú ra đòn không màu mè nhưng đầy uy lực của Lý, đặc biệt là những cú đá liên tiếp 3 cước chưa từng thấy ở Hong Kong trước đó.

Trâu Văn Hoài đi đến một quyết định - mà sau này được xem là bước ngoặt định mệnh của Hãng Gia Hòa và điện ảnh Hong Kong - đổi đạo diễn, thay vào đó là La Duy, một đạo diễn chỉ mới làm 1 phim võ hiệp đầu tay. Nhưng quyết định quan trọng nhất là chuyển Lý Tiểu Long từ vai thứ lên đóng vai chính Trương Triều An với thù lao 15.000 đô-la Hong Kong. Chuyện sau đó đã trở thành lịch sử, Lý Tiểu Long còn đóng thêm 4 phim nữa với Gia Hòa thì đột tử ngày 20/7/1973. Dù Lý qua đời nhưng hình mẫu cho dòng phim hành động pha lẫn kungfu mà Lý đã xây dựng ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà làm phim và diễn viên Hongkong sau này rất nhiều. Sau khi Lý Tiểu Long không còn, đạo diễn Willie Chan phát hiện ra một diễn viên cũng có căn cơ võ thuật rất tốt là Trần Cảng Sinh và định rằng sẽ xây dựng anh này trở thành một hình mẫu Lý Tiểu Long thứ hai. Tuy nhiên giữa mong muốn và thực tế lại có khoảng cách rất xa, năm 1976 Trần Cảng Sinh đóng vai chính trong Tân Tinh Võ Môn nhưng bộ phim không thành công về mặt doanh số. Đạo diễn La Duy đã ép Sinh mô phòng các thế võ và tuyệt kỹ như Lý Tiểu Long nhưng đó là chuyện rất khó, nếu bắt chước được đòn thế thì lại không có cái thần, cái hồn như Lý. Sau đó, Sinh được đem cho một hãng phim khác mượn và được một đạo diễn khác, tên là Viên Hòa Bình cho phép được tự do hành động theo sở trường của anh ta, thật bất ngờ, bộ phim sau đó thành công vang dội, chính là bộ phim Xà hình Điêu Thủ, ngay trong năm đó, hãng quay tiếp bộ phim thứ hai là Túy Quyền – đến ngày nay vẫn được xem như một tượng đài của dòng phim võ thuật Hongkong và từ đó, người ta chấp nhận một ngôi sao mới, với phong cách mới trên màn ảnh: Thành Long.

Khác với nhiều nền điện ảnh khác, công nghiệp điện ảnh Hồng Kông không được chính phủ hỗ trợ trực tiếp về tài chính hoặc chính sách (hạn chế phim nước ngoài). Vì lý do này nền điện ảnh Hồng Kông mang tính thương mại hóa rất cao, hay còn gọi theo cách ở Việt Nam là ... mì ăn liền. Các bộ phim được làm ra thường với tiêu chí đầu tiên là phải thu hút được công chúng, việc này giải thích cho các thể loại phim thế mạnh của điện ảnh nước này là phim võ thuật (trong đó có phim cổ trang), phim hành động hoặc phim hài. Từ giữa thập niên 1990, điện ảnh Hồng Kông lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi lượng khán giả đến rạp giảm làm doanh thu giảm sút nghiêm trọng. Đến cuối thập niên này, số lượng phim đã giảm tới hơn một nửa, từ khoảng 200 phim vào đầu thập niên xuống còn chừng 100 phim. Những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này có thể kể tới cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã giáng mạnh vào nền kinh tế chung của Hồng Kông, thêm vào đó là việc sản xuất phim ồ ạt làm giảm sút chất lượng nghệ thuật và lòng tin của khán giả, cuối cùng là sự cạnh tranh của các bộ phim bom tấn đến từ Hollywood. Việc trở về với Đại lục năm 1997 cũng không giúp nền điện ảnh hòn đảo này phục hồi và công nghiệp điện ảnh Hồng Kông xuống đến đáy vào năm 2003. Đây có thể coi là năm đen tối nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông khi nó phải đối mặt với sự đóng cửa hàng loạt của các rạp chiếu phim do ảnh hưởng của đại dịch SARS. Ngoài ra, sự phổ biến của internet vào đầu thập niên 2000 cùng với sự thay đổi thị hiếu của đông đảo quần chúng đã kết liễu luôn mảng phim truyền hình vốn là thế mạnh của điện ảnh Hongkong hơn hai chục năm. Từ năm 2000 trở đi, làn sóng Kpop mạnh mẽ càn quét khắp Châu Á đã tạo nên một nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc và thành công đến tận hôm nay. Cách thức tiếp cận của phim truyền hình xứ Hàn cũng đã khác rất xa so với phim Hongkong khi xưa: Người ta có thể ngồi trước máy tính xem free một bộ phim Hàn Quốc cùng thời điểm với chính quốc chứ không còn phải xếp hàng đợi thuê băng như cha mẹ họ khi xưa. Hình ảnh cả nhà ngồi trước màn hình tivi bên những chồng băng từ giờ đây chỉ còn là ký ức của những người hoài cổ...

 

III. GÓC TỐI SAU HÀO QUANG

Tất nhiên, với một nền công nghiệp hái ra tiền, mau thu hồi vốn như điện ảnh thì kiểu gì cũng có xã hội đen dính vào. Từ cuối thập niên 60s, đã có một tài tử nổi tiếng người Đài Loan được đồn đại là có giới giang hồ chống lưng. Tài tử này từng là diễn viên được trả cát xê cao nhất Hongkong những năm 1970s, là nam thần chuyên trị các vai nam chính trong những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Quỳnh Dao. Người này từng đến Sài Gòn năm 1973 và trong thập niên 80 được rất nhiều các mẹ các chị nhớ mặt gọi tên qua bộ phim đình đám Mùa thu lá bay qua vai công tử Mẫu Vân Lâu – chính là tài tử Đặng Quang Vinh. Người ta nói rằng Vinh là bạn thân hoặc anh em kết nghĩa với Lưu Vinh Câu (biệt danh Câu răng sâu), một đại ca của nhóm xã hội đen Liên Công Nhạc. Sau này Câu răng sâu đi bán muối thì nhóm này nằm dưới sự quản lý của Đặng Quang Vinh. Vinh cùng với Trương Xung, Tạ Hiền (bố Tạ Đình Phong, nổi tiếng với vai Long Tứ), Trần Tự Cường,Trần Hạo, Tần Tường Lâm và Thẩm Điện Hà đã kết nghĩa anh em gồm 6 nam và 1 nữ được người đời gọi là “ Thất ngân thử - 7 con chuột bạc” (trong đó Vinh ở vị trí thứ 6). Người ta nói rằng, chính vì có Vinh đứng sau nên Thẩm Điện Hà – “bà béo” nổi tiếng của showbiz Hongkong luôn giữ vị trí chị đại trong nhiều năm, ai ai cũng phải nể mặt. Không tự nhiên Trịnh Thiếu Thu – nam thần cổ trang vào thập niên 70 lại thề sống thề chết, bỏ vợ cũ để nên duyên vợ chồng với chị Thẩm để sau đó sự nghiệp lên như diều gặp gió (nhưng cũng phải công nhận là Thu ca cũng có tài năng xuất chúng chứ không phải loại vừa). Năm 1985, khi Trịnh Thiếu Thu sang Đài Loan đóng Sở Lưu Hương Tân Truyện đóng cặp với nữ diễn viên Đài Loan Quan Tinh Hoa, hai người đã nảy sinh tình cảm. Quan Tinh Hoa lại là con gái của ông trùm băng nhóm xã hội đen khét tiếng - Trúc Liên. Ở Đài Loan, đây được xem là "thiên hạ đệ nhất bang", là băng đảng lớn nhất trực thuộc Hội Tam Hoàng nổi tiếng thế giới. Ngày 30 tháng 05 năm 1987, Trịnh Hân Nghi – con chung của Trịnh Thiếu Thu và Thẩm Điện Hà ra đời, khi Hân Nghi được 8 tháng tuổi, Thu ca đột ngột tuyên bố ly hôn với Thẩm Điện Hà. Năm 1989, anh cùng Quan Tinh Hoa kết hôn tại Đài Loan, sinh được hai đứa con gái: Trịnh Vịnh Ân (sinh năm 1990) và Trịnh Vịnh Nghi. Sau khi Thẩm Điện Hà qua đời vào năm 2008, Đặng Quang Vinh có trách móc Thịnh Thiếu Thu là loại bạc tình, ấy thế nhưng khi còn sống, dù đã đường ai nấy đi nhưng nói chung quan hệ giữa chị Hà và Thu ca vẫn khá tốt, trước khi qua đời, Thẩm Điện Hà còn ủy thác con gái Trịnh Hân Nghi và toàn bộ tài sản cho Trịnh Thiếu Thu giám hộ. Nhân tiện, Đặng Quang Vinh cũng là người tài bồi, nâng đỡ cho đạo diễn Vương Gia Vệ, Lưu Đức Hoa và Trương Quốc Vinh. Đặc biệt Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung – nhảy lầu tự tử năm 2003) được xem như gà cưng của Đặng, chưa bao giờ bị ai o ép hay có người dám đắc tội. Bộ phim A Phi chính truyện năm 1990 do Trương Quốc Vinh đóng chính, Vương Gia Vệ làm đạo diễn, là bộ phim nghệ thuật để đời của điện ảnh Hongkong, đưa tên tuổi Trương Quốc Vinh lên hàng ngôi sao Châu Á, mặc dù khi bộ phim công chiếu, nó khiến Đặng Quang Vinh đã thua lỗ … gần 1 triệu đô la Hongkong.

Tới tận ngày hôm nay, nhiều người vẫn cho rằng cái chết của Lý Tiểu Long năm xưa là do có sự nhúng tay của Hội Tam Hoàng, dù quả thật là có một giai đoạn Lý Tiểu Long đi ra ngoài phải dắt súng trong người nhưng ra tay hạ sát một nhân vật quá nổi tiếng với công chúng như Lý luôn là điều tối kỵ với xã hội đen. Huống chi Lý vốn sinh sống và thành danh trước hết ở Hoa Kỳ, sau mới về Hongkong nên ít dây dưa với xã hội đen bản xứ. Nhưng cùng thời với Lý Tiểu Long, ở HK cũng có một diễn viên có căn cơ võ thuật rất tốt là Trần Huệ Mẫn, khác với Lý, Mẫn sống lăn lộn ngoài đường từ nhỏ và không hề che giấu quá khứ giang hồ của mình, thậm chí còn thừa nhận đã từng bán xì ke, từng chém người, và ngoài đời Trần Huệ Mẫn cũng là một đại ca có vai vế thứ thiệt. Người Hongkong thường có câu nói: Cước Lý Tiểu Long, quyền Trần Huệ Mẫn là nói đến sở trường của hai người này, tiếc rằng họ chưa hề có cơ hội giao đấu với nhau, cả trên phim lẫn ngoài đời. Lại đá về kungfu, ta quay lại với Thành Long, sau những thành công vang dội những năm đầu thập niên 80s, tên tuổi Thành Long bắt đầu được nhiều người biết tới, tiền tài, danh tiếng cũng đổ về theo. Vốn xuất thân trong gia đình lao động, Thành long nhanh chóng ăn chơi trác táng, nhậu nhẹt thâu đêm. Hai thú chơi thời thượng của minh tinh thời đó là đồng hồ và xe hơi thì Thành Long bập vào cả hai món. Khoảng năm 88 – 89, có tin đồn Thành Long cặp kè với nữ danh ca số 1 Đài Loan là Đặng Lệ Quân nhưng sau đó đường ai nấy đi vì cô Đặng không chịu nổi độ ăn chơi quậy phá của Thành Long…

Có lẽ nhiều người đã quên, nhưng vào thời còn đi học, bản thân tôi từng nghe đám bạn kháo nhau về thể loại … phim cấp 3, ngày nay người ta gọi là phim khiêu dâm nhưng thời những năm 90s, do ảnh hưởng của cách gọi từ Hongkong mà có tên gọi này. Như đã nói ở trên, do hướng tới yếu tố thương mại nên những gì dễ câu kéo khán giả, dễ hốt bạc thì những nhà sản xuất phim hồi đó đều làm. Tuy nhiên, bình thường mà bảo đi đóng phim cấp 3 thì chắc chả ma nào thèm đóng, thế là lại phải có sự tác động của … xã hội đen. Những tên tuổi lớn của điện ảnh Hongkong bị ép đóng phim cấp 3 nam thì có Huỳnh Thu Sinh, Từ Cẩm Giang, Lưu Đức Hòa, Ngô Khải Hoa … nữ thì có Thư Kỳ, Ôn Bích Hà, Khâu Thục Trinh … với những bộ phim đình đám một thời như: Liêu Trai, Nhục bồ Đoàn, Kim Bình Mai, Biển động kinh hồn, Mãn Thanh thập đại khốc hình… Tất nhiên, có người vì áp lực mà phải đóng như Huỳnh Thu Sinh vì gia cảnh nghèo khó, Lưu Đức Hoa phải trả nợ làm ăn thua lỗ, một năm quay tới … 13 phim mà không được đọc trước kịch bản, khi biết là phim cấp 3, tính rút thì được dí súng vào đầu kèm theo đe dọa: Quay tiếp hay ăn đạn? – Các sao nữ lại càng thảm hơn, có người bị ép đóng, có người bị “lợi dụng” khi đóng phim cấp 3, như Thư Kỳ khi vào vai trong bộ phim Linh hồn và Thể xác đã bị Kha Trấn Hùng “làm thật” luôn ngay tại trường quay, từ đó chết vai những phim 18+ mãi đến chục năm sau mới thoát khỏi cái bóng ma ấy. Ngoài ra, còn có thể kể đến những bi kịch của Lưu Gia Linh và Lam Khiết Anh, cùng học một lớp đào tạo diễn viên, cùng nổi tiếng cùng thời và … cùng bị các đại ca xã hội đen cưỡng hiếp (nghi can mà mọi người hay đồn là Thái Tử Minh và Tăng Chí Vỹ). Sau này, Lưu Gia Linh may mắn khi gặp được Lương Chí Vỹ nương tựa một đời thì Lam Khiết Anh lại bạc mệnh hơn, không vượt qua được cú sock tâm lý, thêm vào những biến cố từ phía gia đình đã khiến ngọc nữ năm nào trở thành bà điên nơi đầu đường xó chợ và lặng lẽ qua đời vào năm 2018.

Một thể loại đặc trưng khác của phim Hongkong thời xưa là phim về ... xã hội đen. Tất nhiên, khi nắm trong tay cả nền công nghiệp điện ảnh rồi thì tội gì mà các đại ca không làm phim về cuộc đời của chính mình? Kể từ những seri A Better Tomorrow của Châu Nhuận Phát năm 1989, dòng phim xã hội đen bắt đầu lên ngôi. Lưu Đức Hoa thành công được như ngày nay, chính nhờ những vai "đo ni đóng giày" trong các bộ phim như Thiên Nhược Hữu Tình, Long Tại Giang Hồ, Long Tại Biên Giới ..., Lưu đóng giang hồ đạt quá, khiến một họa sĩ truyện tranh là Ngưu Lão quyết định sử dụng hình tượng của Lưu để xây dựng một nhân vật trong seri truyện tranh mới của ông, chính là Trần Hạo Nam - Nàm Lèng Chảy - Nam đẹp trai trong bộ truyện tranh giữ kỷ lục dài nhất thế giới mới kết thúc hồi tháng 5 - 2020 mới đây, bộ truyện Cổ Hoặc Tử hay còn gọi là Người Trong Giang Hồ. Khuôn mặt, thần thái thì lấy theo Lưu Đức Hoa, còn mạch truyện chính của khoảng 200 chương đầu, họa sĩ Ngưu Lão lấy theo cuộc đời của một gã đại ca khu vực Loan Tử là Trần Diệu Hưng và các huynh đệ kết nghĩa. Năm 93, Trần Diệu Hưng bị bắn chết ở Ma Cao, cuộc đời của Trần Diệu Hưng lại là cảm hứng cho bộ phim Giấc Mộng Mãnh Hổ nổi tiếng một thời. Năm 1994, Cổ Hoặc Tử được chuyển thể thành phim và trở thành bộ phim "phải xem" của hầu hết thiếu niên choai choai muốn trở thành giang hồ. Bộ phim này có một cố vấn sản xuất cũng là dân đại ca thứ thiệt tham gia, chính là Ngô Chí Hùng, vai đại ca B trong phim, nên sự máu lửa, khốc liệt và thâm hiểm trong phim giống y như thật, đã làm nên sức sống của loạt phim. Hình ảnh Trần Hạo Nam trên phim (Trịnh Y Kiện đóng) với con rồng vắt vai trở thành cái mốt của những cậu ấm tập làm đại ca nửa sau những năm 90.

Xã hội đen trên phim Hongkong thường thể hiện là những người hiệp nghĩa, do các biến cố cuộc đời mà tay trót nhúng chàm nhưng vẫn trọng nghĩa khí, thế nhưng ngoài đời thì khác xa: Các đại ca giang hồ chỉ quan tâm đúng hai thứ: Tiền và Mặt mũi. Người ta kể rằng đại ca Kha Trấn Hùng kể ở trên, trong một lần vào quán bar ở Đài Bắc chơi thì được giới thiệu là có nhà văn Cổ Long đang ngồi ở bàn bên. Thời đó, Cổ Long đang hot với những tác phẩm Tiểu Lý Phi Đao, Sở Lưu Hương ... họ Kha muốn ra uy với đàn em nên qua bàn Cổ Long chạm ly. Nhà văn Cổ Long thường ít khi từ chối rượu nên cũng vui lòng cạn chén, họ Kha lại đòi ông hát vài bài cho ... có không khí thì Cổ Long từ chối vì ông lùn xủn lại ko biết hát. Chỉ có thế thôi mà đám đàn em Kha Trấn Hùng làm căng, rồi biến thành ẩu đả. Trong lúc hỗn chiến, một ai đó dùng dao chém vào tay Cổ Long, vết thương không nặng nhưng làm đứt động mạch, máu tuôn ào ạt, nghe nói Cổ Long mất hơn 2 lít máu (anh chị nên biết máu trong cơ thể người ta khoảng 4-5 lít tùy thể trạng người, khi mất hơn một nửa máu có thể mất mạng). Sau đó Cổ Long vào viện phải truyền máu của người mang bệnh gan nên sức khỏe của ông cũng đi xuống từ đó, cộng thêm tật uống nhiều rượu nên đến năm 1985 thì phát ung thư và chết.

Họ Kha may mắn vì Cổ Long không muốn rắc rối nên không khởi kiện, thế nhưng có người không may mắn như thế, vì thích ra oai nên phải trả giá bằng cả tính mạng: Mai Diễm Phương là thế hệ diễn viên cùng thời với Lưu Đức Hoa, được người hâm mộ ưu ái gọi bằng biệt danh Bách Biến Thiên Hậu - tức là có khả năng hóa thân vào nhiều loại vai khác nhau trên phim. Mai Diễm Phương cũng là một ca sĩ nổi tiếng bên cạnh nghề diễn viên. Một buổi tối năm 1992, Mai Diễm Phương cùng bạn bè đến một quán karaoke, tình cờ sau đó ông trùm Hoàng Lãng Duy cũng dẫn đàn em tới chơi, biết có minh tinh nổi tiếng ở phòng bên, Duy qua mời rượu, Mai Diễm Phương biết Duy là loại người nào nên cũng vui vẻ uống. Đến khi Duy nổi hứng, đề nghị Mai Diễm Phương hát vài bài góp vui thì cô từ chối. Tất nhiên, ca sĩ nổi tiếng làm sao hát mua vui trong quán xá tào lao được? - Thế là Duy quê độ với đàn em, xông đến bạt tai Mai Diễm Phương mấy cái, cô hoảng sợ chạy về phòng hát, đóng sập cửa, bên ngoài gần 20 rồi 100 tên giang hồ kéo đến, đòi chém đòi giết. Mai Diễm Phương đành cầu cứu "anh chị nuôi" - vợ chồng Hướng Hoa Cường. Lập tức ít phút sau đích thân Tần Lam - Vợ Hướng Hoa Cường có mặt tai quán hát, dẫn theo hơn 100 người giải cứu cho cô em. Hai tháng sau, Hoàng Lãng Duy bị hơn 20 người phục kích chém chết trong loạn đao, người ta nói đó là cái kết cho kẻ dám đụng vào con gà đẻ trứng vàng của Hướng thị. Trước đó tháng 4 năm 1992, quản lý của Lý Liên Kiệt là Thái Tử Minh cũng bị nã 9 phát súng vào đầu vì quá ngạo mạn, dám bắt cóc và chụp hình nude Lưu Gia Linh (đã kể ở trên), Gia Linh cũng là gà cưng của nhà Hướng thị. Sau vụ của Thái Tử Minh, phải nhờ một vị đại ca có vai vế trong giới mở lời, Lý Liên Kiệt mới "xin" được về dưới trướng Hướng thị, từ đó đóng đinh với vai diễn bất hủ Hoàng Phi Hồng rồi sau đó vươn tầm thế giới. Năm 2003, Mai Diễm Phương lâm bạo bệnh qua đời, năm 2013, nhân 10 năm ngày mất của cô em nuôi, Hướng Hoa Cường tổ chức một buổi lễ tưởng niệm long trọng quy tụ hầu hết minh tinh Hongkong, thế quái nào Thành Long lại đến muộn, ông Hướng thân hành ra cửa đón và bảo Thành Long ... quỳ ở cửa 1 giờ mới cho vào, Thành Long quỳ thật, dù xét về tuổi đời lẫn tuổi nghề, Thành Long còn là bậc trưởng bối của Mai Diễm Phương, như thế đủ thấy được thế lực nhà họ Hứa trong giới showbiz Hongkong lớn như thế nào. Ấy vậy mà vợ chồng Hướng Hoa Cường lại phải bó tay trước một người: Châu Tinh Trì.

Dòng phim hài Hongkong bắt đầu là từ các phim kungfu hài của Thành Long. Sau đó thì tách thành một dòng riêng biệt, phim hài Hongkong tựu trung lại chỉ ở một cái tên Châu Tinh Trì, còn gọi là Tinh Gia. Ngày nay Châu Tinh Trì là cái tên bảo chứng phòng vé cho nhiều bộ phim, dù có những phim ông chỉ đóng vai trò nhà sản xuất. Trong thập niên 90 là chuỗi thời gian thành công nhất của họ Châu, đưa anh lên vị trí cây hài hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, ít ai biết trong qua khứ, Châu Tinh Trì vào nghề từ rata sớm, tận những năm 80 - 81, thời đó, ông vua phim hài từng phải đi phụ việc hậu đài, làm diễn viên quần chúng, mãi đến năm 1989 mới có được vai chính đầu tiên trong bộ phim truyền hình của TVB, bộ phim Cái Thế Hào Hiệp với vai chính Đoạn Phi nổi tiếng với câu nói: Có chuyện gì thì ngồi xuống uống ngụm trà, ăn miếng bánh (câu này được một bộ truyện dành cho thiếu nhi sao chép lại). Sau đó đến vai nam phụ trong phim Đổ Thánh đóng chung với Lưu Đức Hoa, từ đó khiến khán giả nhớ mặt, nhớ tên anh chàng diễn viên tưng tửng này. Tuy nhiên, Châu Tinh Trì được như ngày hôm nay chính là nhờ "ân sư" Lý Tu Hiền. Bản thân vua hài cũng từng công khai cảm ơn thầy rất nhiều lần, nhưng Lý Tu Hiền không hề đón nhận. Ngược lại, ông còn không tiếc lời sỉ vả học trò cũ. Theo lời ông, Châu Tinh Trì là kẻ vong ân bội nghĩa, tự cao tự đại, xấu tính và nhỏ nhen. Đây cũng là những tính từ xấu xí mà các trang báo những năm gần đây hay dùng để nói về vua hài.

Chuyện bắt đầu từ năm 1988, sau 8 năm ròng rã đóng các vai quần chúng trên phim trường, Châu Tinh Trì (lúc đó 26 tuổi) được nhà sản xuất Lý Tu Hiền để mắt đến, cho một vai có nhiều đất diễn trong bộ phim Phích lịch tiên phong. Nhờ vai diễn này, Châu Tinh Trì đoạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải Kim Mã. Nhiều công ty lớn giành giật, nhưng Châu Tinh Trì vẫn không động lòng. Anh biết rõ nếu không có Lý Tu Hiền, sẽ không có Châu Tinh Trì lúc đó. Thế nhưng sau cùng, Lý Tu Hiền đã chuyển nhượng hợp đồng của anh cho Vĩnh Thịnh - công ty của ông trùm xã hội đen/điện ảnh Hướng Hoa Cường. Lẽ dĩ nhiên, Lý Tu Hiền vẫn phụ trách trả lương, Vĩnh Thịnh là đối tác đứng ra sản xuất. Châu Tinh Trì liên tiếp đóng 7 bộ phim doanh thu gần 900 tỷ đồng thời đó, Lý Tu Hiền và Vĩnh Thịnh chia mỗi bên một nửa, còn người cống hiến nhiều nhất cho phim là Châu Tinh Trì chỉ được hơn 2 tỷ đồng. Càng về sau này, tên tuổi của Châu Tinh Trì càng nổi, bộ phim Lộc Đỉnh Ký do Châu Tinh Trì vào vai Vi Tiểu Bảo năm 1992 được chính Kim Dung ra rạp xem và khen tặng mấy chữ: Bất tác đệ nhị tưởng - Không có người thứ hai, và cũng nhiều lần Kim tiên sinh công nhận Vi Tiểu Bảo của Châu Tinh Trì là Vi Tiểu Bảo thành công nhất. Bộ phim thành công đến độ quay luôn phần 2 và ra rạp cùng với phần 1 trong cùng năm 1992. Dàn vợ của Vi Tiểu Bảo là những cái tên hot nhất của showbiz Hongkong khi đó: Khâu Thục Trinh, Trương Mẫn (phần 2 thay bằng Lâm Thanh Hà), Lý Gia Hân, Ngô Quân Như, Trần Đức Dung, Viên Khiết Doanh ... đến ngày nay vẫn là một tổ hợp "hiếm có khó tìm" trong làng giải trí Hoa Ngữ.

Đạo diễn phim Đường Bá Hổ điểm Thu Hương Lý Lực Trì từng tiết lộ, khi đó phần lớn thoại trong phim đều do Châu Tinh Trì tự nghĩ ra rồi tìm biên kịch thảo luận. Trên phim trường, Châu Tinh Trì nhúng tay vào mọi việc, thậm chí phần ánh sáng trong Cửu phẩm chi mã quan cũng do một tay anh làm. Người ta gọi anh là "vị đạo diễn vô hình", bởi đạo diễn, biên kịch đều có phần anh, nhưng cuối cùng trong danh sách lại không có tên anh. Ít ai biết khi đã trở thành diễn viên hài nổi tiếng nhất Châu Á, cái tên đảm bảo doanh thu có một không hai trong làng điện ảnh Hoa ngữ, Châu Tinh Trì vẫn nhận cát xê của một diễn viên hạng hai. Không những vậy, anh còn bị ép đóng khá nhiều phim hài nhảm như Tình thánh, Truyền nhân của rồng... Những bộ phim này dù hài hước nhưng thực chất không phù hợp với cách làm việc nghiêm túc, kỹ lưỡng, tận tâm của Châu Tinh Trì. Đây cũng chính là lý do anh có biệt danh "vua hài nhảm", cũng là nguyên nhân Châu Tinh Trì dần giữ khoảng cách với ân sư, đến cuối cùng mang tiếng vong ân bội nghĩa. Cuối cùng, sức chịu đựng có hạn, khi hết hợp đồng, để thoát khỏi thế kìm kẹp giữa Lý Tu Hiền và Hướng Hoa Cường, Châu Tinh Trì mở công ty riêng. Năm 2001, anh được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải Kim Tượng với phim Thiếu Lâm túc cầu. Khi lên nhận giải, Châu Tinh Trì không quên gửi lời cảm ơn tới Lý Tu Hiền. Nhưng "thầy" vẫn cay cú, đến tận bây giờ vẫn lên tiếng bôi nhọ học trò cũ mọi lúc mọi nơi. Thậm chí vợ chồng Hướng Hoa Cường cũng hùa theo, có dịp là mắng chửi họ Châu thậm tệ nhưng chỉ nói mồm mà không dám hành động gì vì theo nguồn tin cho biết Châu Tinh Trì cũng có một thế lực trong chính quyền Trung Quốc rất hâm mộ anh và đã ngầm đỡ đầu cho Tinh gia.

*

TÁC GIẢ (đang cập nhật)

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

- ĐỖ ANH TUYẾN giới thiệu -

- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 16.07.2020.

 - Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

.

0 comments:

Đăng nhận xét