NGUYỄN HUY THIỆP VÀ BÁT PHỐ - Tác giả: Nguyễn Bảo Sinh (Hà Nội)

Leave a Comment

 

NGUYỄN HUY THIỆP

 BÁT PHỐ

*

Thiệp và Bát Phố là hai người bạn văn thơ hiếm hoi trong làng văn học. Suốt ba mươi năm trời, gần như ngày nào hai người cũng ngồi với nhau, có khi cả thâu đêm suốt sáng. Thời gian Thiệp và Bát Phố (bút danh của Nguyễn Bảo Sinh) ngồi với nhau còn gấp nhiều lần Bá Nha và Tử Kỳ. Thế nhưng, có điều kỳ diệu, ba mươi năm Bát Phố đến chơi nhà Thiệp ở Thôn Cò, Khương Hạ mà vốn tính lơ đãng nên thường lạc.  

(Tác giả Nguyễn Bảo Sinh)

Ba mươi năm ngồi với nhau, Bát Phố phải nghe những câu chuyện Thiệp kể đến hàng nghìn lần mà vẫn chịu được. Thiệp chưa mở đầu câu chuyện, chỉ mới mấp máy môi, Bát Phố đã biết ngay Thiệp định kể chuyện gì, đầu năm biết cả chuyện cuối năm Thiệp sẽ nói.

Trong buổi ra mắt sách “Giăng lưới bắt chim” tái bản lần thứ tư tại quán café La Ca, 24 Lý Quốc Sư, Bát Phố được chỉ định phát biểu. Tất nhiên ở chốn cung đình, theo đúng đẳng cấp các loại vĩ nhân văn học: Phạm Xuân Nguyên, Trần Đăng Khoa, Trần Đình Sử… phát biểu trước, Bát Phố phát biểu gần bét. Những mặt triết lý, uyên bác các vĩ nhân đã phân tích đủ cả, Bát Phố chỉ phát biểu trên phương diện tình bạn giữa hai người, sự cô đơn của các danh nhân:

“Người mạnh nào cũng cô đơn

Vì rằng kẻ yếu đông hơn rất nhiều”

“Tuyệt đỉnh vinh quang, tận cùng cay đắng

Ngoảnh đầu nhìn không một bóng thân thương

Đành ôm trong lòng một vầng trăng khuyết

Để nhớ về những giấc mộng đế vương”

Những ngôi sao văn học đều có cách sống khác thường nên cũng thường làm khổ cho đời:

“Đừng trách đời làm khổ ta

Ta làm khổ họ gấp ba bốn lần

Nên khi nhắm mắt lìa trần

Chỉ xin được nói một lần: “Sorry”

Tôi đọc đoạn kết Nguyễn Huy Thiệp viết về Bát Phố trong tập Giăng lưới bắt chim: “Tôi quen Nguyễn Bảo Sinh do nhân duyên, quen từ lúc tóc còn xanh, nay đầu đã bạc”.

Mọi người thường phỏng vấn tôi vì đâu hai người thân nhau thế. Tôi trả lời, vì tính trái ngược nhau, nếu giống có lẽ đánh nhau từ lâu rồi. Nhưng thực ra tôi và Thiệp về bản thể hoàn toàn giống nhau như âm bản và dương bản của cùng một bức ảnh.

Bát Phố sinh ra từ vô sở cầu, còn Nguyễn Huy Thiệp tính mục đích rất rõ. Thiệp thích đi đến đâu Bát Phố cũng theo. Thiệp thích làm gì Bát Phố cũng ô kê. Vô sở cầu như chân không chứa được hết:

“Vô vi quán, quán vô vi

Vào trong xem thử có gì mua chơi

Ở đây bày cả đất trời

Vô vi quán chỉ mời người chân không”

Vô vi quán, quán vô vi

Khách chân không thấy cái gì cũng mua

Túi càn khôn chớ có đùa

Chân không chứa đủ cả vua lẫn trời

Vô vi quán, quán vô vi

Quán “không” nên chẳng có gì bán mua

Buồn đem tạo hoá ra đùa”

Bài Thiệp viết về “Nguyễn Bảo Sinh – Nhà thơ dân gian” trong “Giăng lưới bắt chim” lẫn lộn cả đúng lẫn sai nhưng Bát Phố vô vi quán – vô sở cầu: thị phi, sai đúng chỉ là một, nếu tranh luận đến cùng thì đời còn đâu là đôi bạn văn tri kỉ Thiệp - Sinh.

“Mọi sự thì đều quân bình

Mọi lý đều chứa bất bình ở trong”

Bài viết về Bát Phố của Thiệp ảnh hưởng rất lớn trong làng văn thơ về cả sai lẫn đúng. Cách đây 20 năm, báo chí rất ít, báo An Ninh Thế Giới cuối tháng được cả nước đón đọc nên báo vừa phát hành đã được nhạc sĩ kiêm hoạ sĩ Nguyễn Đức Toàn báo tin chúc mừng bài “Nguyễn Bảo Sinh – Nhà thơ dân gian” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Bài báo này tạo ra một định kiến về Nguyễn Bảo Sinh. Tờ báo An Ninh Thế Giới bìa in ảnh Bác Hồ, trong in ảnh Bảo Sinh to tướng nên nhiều khi đi nhà nghỉ chỉ đưa tờ báo ra coi như thay giấy chứng minh, vì nhiều người thời đó coi báo công an chứng nhận là quá đủ về nhân thân.

Khi đi biên giới Mường Khương – Lào, Bát Phố đọc thơ suýt bị công an biên phòng bắt vì nghi là gián điệp. Bát Phố phải đưa tờ báo An Ninh Thế Giới có ảnh Bác Hồ phía ngoài, ảnh Bát Phố bên trong mới được tha. Nhiều người biết đến Bảo Sinh nhờ Nguyễn Huy Thiệp trích dẫn thơ Bảo Sinh vào tác phẩm. Mọi người thường nghĩ, nhà văn số một Việt Nam như Thiệp giới thiệu thì chắc chắn phải tuyệt hay. Nhưng cái hoạ của bài Thiệp viết về Bát Phố cũng lớn như cái phúc:

“Buông thõng hai tay đi vào chợ

Hoạ phúc mua đều có hoá không”

“Duyên ai phận nấy

Thuận đường mà đi

Hoạ nào phúc ấy

Có gì mà mong”

Nguyễn Bảo Sinh là nhà thơ bác học uyên bác, diễn đạt bằng cách dân gian chứ không phải hoàn toàn là nhà thơ dân gian.

“Câu thơ khi tỏ khi mờ

Lý trên bác học, tình thừa dân gian”

Thiệp bảo Bát Phố là nhà thơ dân gian chỉ đúng một nửa. Một nửa cái bánh là một nửa cái bánh, nhưng một nửa chân lý không phải là một nửa chân lý. Nhà văn hoá Hữu Ngọc – tổng biên tập báo Thế Giới đọc bài văn Thiệp viết về Bát Phố giận lắm:

- Thiệp có thù gì mà lại viết bài bôi nhọ Bát Phố thế?

Tôi cười bảo:

- Tôi và Thiệp rất quý nhau. Cách nghĩ của Thiệp cũng là cách nghĩ của số đông, số đông cũng không phải hoàn toàn là chân lý. Đúng với người này không có nghĩa là đúng với người kia. Đúng lúc này không phải là đúng lúc khác.

“Chối bỏ cách sống một người

Là mình chối bỏ cái trời sinh ra

Chối bỏ cách nghĩ người ta

Là mình tự cắt thịt da của mình”

Định kiến dân gian Thiệp đặt cho thơ Bát Phố đủ cả hoạ lẫn phúc. Bát Phố có viết những câu thơ bậy bạ mọi người cũng tha vì bảo đấy là thơ dân gian đầu đường xó chợ, chấp làm gì. Tệ hơn nữa, có người lại bảo, Bảo Sinh là thơ hậu bút tre.

“Bước qua cánh cửa huyền vi

Thì ta mới hiểu huyền thi là gì

Bước cánh cửa bút tre

Thì ta chỉ hiểu cái ghe là thuyền”

Bát Phố buông thõng hai tay mà đi, chấp nhận cả hoạ lẫn phúc.

“Nếu ta bị bắt trên đời

Thì cũng đúng tội đúng người đúng tên

May ra đắc đạo thành tiên

Trời phật cũng gọi đúng tên đúng người”

Mấy hôm sau, cụ Hữu Ngọc mang bản thảo bài báo tranh luận với Nguyễn Huy Thiệp về Bảo Sinh có phải là nhà thơ dân gian không. Tôi nói với Hữu Ngọc:

- Cụ không cần viết bài báo thanh minh cho tôi làm gì.

Cụ Ngọc đưa bản thảo cho tôi và bảo: “Tuỳ bác”.

Tôi cất bài báo vào tủ, mấy chục năm cũng chưa đọc lại và chẳng biết nó còn hay mất nữa. Tôi nghĩ, có thể lừa một người nhiều lần, nhiều người một lần, chứ không thể lừa nhiều người nhiều lần. “Dở hay sẽ có thiên thu luận bàn”.

“Đẩy thuyền, lật thuyền đều là nước

Trên trung ương còn có đại ương”

Thiệp định danh xếp chiếu cho tôi hoàn toàn chủ quan do thiện tâm, quý mến bạn bè mà viết. Tôi cũng nhờ Nguyễn Huy Thiệp mà được nhiều người biết đến hơn.

“Chỉ sờ một chỗ mà thôi

Thầy bói định nghĩa được voi là gì

Nếu hiểu đủ lẽ huyền vi

Sẽ không định nghĩa được gì về voi”

“Sờ đuôi, sờ đít, sờ đầu

Xem voi thầy bói cãi nhau suốt đời

Vì cho chân lý là lời

Cho nên thế giới loài người đánh nhau”

Thật ra, Thiệp và Hữu Ngọc đều thống nhất với nhau về bản thể, chỉ khác nhau về lời. Thiệp bảo thơ Bát Phố là dân gian và triết lý sâu sắc, cũng thống nhất với Hữu Ngọc coi thơ Bát Phố trên cả bác học, là đạo học, truyền đạt bằng cách dân gian. Nói khí không phải, nếu tôi không được cho là nhà thơ dân gian, thơ hậu bút tre, thơ tục tĩu thì có lẽ bị bắt lâu rồi. Tôi cảm ơn số phận trong tinh thần bát phố:

“Tự nhiên chờ cái đến

Thanh thản tiễn cái đi

Yêu những điều không muốn

Tâm nhàn hơn mây trôi”

*.

NGUYỄN BẢO SINH

Địa chỉ: Nhà số 30, ngõ 167, Trương Định

Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội

 

 

 

 

 

  ......................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 19.12.2020

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

0 comments:

Đăng nhận xét