THIỀN
TẬP VỚI TRẺ EM
*
Câu hỏi là: Làm sao dạy cho trẻ em cách giữ tâm an bình
và tỉnh thức với tất cả những gì hiển lộ trong và ngoài chúng ta? Vẫn có nhiều
cách. Các nhà giáo quốc tế đã nhìn thấy lợi ích của thiền tập, và đang tìm
những cách đơn giản để dạy trẻ em biết giữ tâm tỉnh thức. (Tác giả Nguyên Giác)
Nhiều người đã nhìn về thiền tập như là những gì rất gian
nan, rất khó cho người trong đời thường. Thực tế, đúng là sẽ rất khó khăn, nếu
chúng ta thử ngồi yên trong nửa giờ — chỉ nói ngồi yên thôi, chưa cần nói
tới việc liên tục giữ được tâm tỉnh thức an tịnh (như pháp chỉ) hay liên tục
giữ được tâm tỉnh thức quán sát (như pháp niệm thân, thọ, tâm, pháp).
Bước đầu tất nhiên là gian nan. Nhất là khi học Thiền
Tông theo truyền thống, dù là để nhập lý trước, hay nhập hạnh trước. Đường đi
nào cũng đầy vách núi gian nan. Người thành niên còn thấy khó, huống gì là với
trẻ em.
Thí dụ, khi học tới một bài thơ thường được dẫn của Bàng
Uẩn Cư sĩ:
Đản tự vô tâm ư vạn
vật
Hà phương vạn vật
thường vi nhiễu
Thiết ngưu bất phạ
sư tử hống
Cáp tự mộc nhân kiến
hoa điểu
Mộc nhân bổn thể tự
vô tình
Hoa điểu phùng nhân
diệc bất kinh
Tâm cảnh như như kỳ
cá thị
Hà lự bồ đề đạo bất
thành.
Có thể dịch là:
Chỉ tự lòng mình không khởi
tâm gì với vạn pháp
Thì nào có ngại vạn pháp quấy
nhiễu mình
[Giữ tâm lặng lẽ như] trâu sắt
nào có sợ gì sư tử rống
[Chỉ như] người gỗ nhìn thấy
chim và hoa
Bản thể người gỗ vốn không
khởi tình [ưa hay ghét gì]
Chim và hoa kia có gặp người
cũng chẳng kinh động
Nhìn tâm và cảnh như như chỉ
là như thế đó
Thì lo gì đạo Bồ đề chẳng
thành.
Tâm cảnh như như? Có vẻ như Thiền Tông khó vô cùng tận.
Nhưng khi đối chiếu với Tạng Pali, sẽ thấy đúng y hệt lời Đức Phật dạy về pháp
như thị cho ngài Bahiya:
“Bahiya, hãy tu như thế
này: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe sẽ chỉ là
cái được nghe…”
Và đó cũng là bài thơ của ngài Bàng Uẩn, rằng hãy để các
pháp hiện ra như thị, hiện ra như thế, gọi là [đản tự] vô tâm cũng được, hay vô
niệm cũng được – nhưng hễ níu vào ngôn ngữ khái niệm thì không còn là cái trước
mắt, cái bên tai…
Tới đây, câu hỏi là: Làm sao dạy cho trẻ em cách giữ tâm
an bình và tỉnh thức với tất cả những gì hiển lộ trong và ngoài chúng ta? Vẫn
có nhiều cách. Các nhà giáo quốc tế đã nhìn thấy lợi ích của thiền tập, và đang
tìm những cách đơn giản để dạy trẻ em biết giữ tâm tỉnh thức.
Rất nhiều khái niệm trừu tượng về thiền tập – thí dụ,
“bây giờ và ở đây” là hai khái niệm về thời gian và không gian. Trái với khái
niệm trừu tượng sẽ là cảnh cụ thể, như hình ảnh và âm thanh. Cái bàn, cái ghế
trước mắt, hay tiếng xe hơi chạy… là những gì chúng ta có thể chỉ ra cho các em
thấy, nghe. Nhưng nói về khái niệm trừu tượng trong tâm, hẳn là các em từ lớp
ba hay lớp bốn trở lên mới có thể hình dung, và cũng chỉ là mường tượng, vì
phải chỉ vào kim đồng hồ, hay vị trí đang ngồi, đang đứng – nghĩa là, tạm giải
thích.
Khó là, làm sao cho các em bậc tiểu học có thể ngồi lặng
lẽ trong vài phút và cảm nhận được hạnh phúc, cảm thọ an lạc ngay trong các khoảnh
khắc đó. Không thể nào bảo rằng các em nên tập thiền hôm nay để nhiều năm sau
sẽ gặt hái thành quả, vì các em không mấy khi kiên nhẫn quá vài phút đồng hồ.
Bởi vậy, thiền tập với trẻ em là những gì phải cực kỳ đơn giản, và phải thấy an
vui gần như tức khắc.
Như ở Úc châu, thông tấn ABC Radio Canberra hôm 25/5/2017
có bản tin tựa đề “Mindfulness and movement program teaching students to relax
and focus” (Chương trình tỉnh thức và vận động dạy học trò thư giãn và chú ý).
Trường tiểu học này có tên Gold Creek Primary School, ở
phía bắc thành phố Canberra. Hơn 700 học sinh trong 25 lớp học tại trường này
đang thử nghiệm một chương trình tập thiền tỉnh thúc trong lớp mỗi tuần.
Hai học trò lớp 6 tên là Uzair Iqbal và Jessica
Harmer nói với đài ABC rằng thiền tập giúp các em chú tâm hơn.
Uzair nói: “Tập xong, ai cũng dịu dàng và bình lặng,
chúng em thấy thư giãn, và có ít tiếng ồn hơn và ít có chuyện gián đoạn trong
lớp hơn. Em nghĩ là nếu em sắp vào kỳ thi và em tập kỹ thuật tỉnh thức trước
khi thi, em sẽ thấy có một tâm sáng tỏ hơn để không phải lo âu nhiều quá và rồi
vào kỳ thi. Tuyệt vời khi biết một cách để thư giãn trong khi bận rộn.”
Lớp thiền tỉnh thức hàng tuần này kéo dài 20 phút, dạy
thở và cách chú tâm vào các cử động dịu dàng.
Đó là chuyện bên Úc châu. Hay ở Hoa Kỳ. Bản tin trên đài
truyền hình WIVB kể rằng trường West Hertel Academy tại thị trấn North Buffalo
ở tiểu bang New York có một phòng thiền tập, với một nhà giáo giữ chức vụ tư
vấn thiền tập (meditation consultant) để hướng dẫn các em pháp Thiền tỉnh thức.
Vị tư vấn đó làm việc ba ngày một tuần cho trường. Trường này có các lớp PK-8,
tức là từ lớp tiền-mẫu-giáo tới lớp 8.
Bản tin AP ngày 20/5/2017 cũng kể về chương trình dạy
Thiền tỉnh thức cho học trò tiểu học ở thành phố Dillon, tiểu bang Colorado. Đó
là trường Summit Cove Elementary.
Bản tin kể về cách cô giáo Jen Leslie hướng dẫn 21 em
trong lớp tập thiền. Cô nói: “Các em hãy chú tâm vào hơi thở, hơi vào và hơi ra
nơi mũi. Nếu muốn, có thể nhắm mắt. Ghi nhận lồng ngực phồng lên và xẹp xuống
với từng hơi thở vào và ra.”
Chương trình Thiền tỉnh thức nơi đây dạy các em từ lớp
tiền-mẫu-giáo (pre-kindergarten) cho hết lớp 5.
Sau đây, chúng ta sẽ liệt kê một số phương pháp dạy Thiền
tỉnh thức theo cách đơn giản, thích nghi cho trẻ em, dựa vào các hướng dẫn đang
dạy ở Hoa Kỳ và Úc châu.
Tập lắng nghe. Cô giáo yêu cầu các em trong lớp ngồi
thẳng lưng, hai bàn chân áp sát mặt đất, hai tay đặt trên bàn, nhắm mắt, và
lắng nghe tiếng khánh (hay tiếng chuông) do cô giáo gõ một tiếng — hãy nghe từ
khởi đầu âm thanh vang lên, tới khi âm thanh này im bặt. Nếu dùng loại singing
bowl của Nhật Bản, âm thanh có thể ngân dài tới 1 phút đồng hồ. Cô dặn, khi em
nào nghe dứt tiếng chuông, nhớ đưa hai tay lên cao, đưa từ từ, đưa thật chậm,
và khi tay cao tột cùng sẽ đưa tay từ từ hạ xuống, cũng giữ tâm vào cử động của
hai cánh tay. Như thế, là xong 2 phút thiền tập.
Tập thở với thú cưng bằng nhựa hay bằng vải. Yêu cầu các
em nằm dài xuống, lưng áp sát đất, để một con thú vải (thí dụ, chó, mèo, khủng
long, sư tử… hay búp bê may bằng vải, hay bằng nhựa) đặt trên bụng. Không cần
dạy đếm hơi thở, vì các em còn nhỏ có thể sẽ đếm nhầm, hoặc chưa học đếm. Dạy
các em rằng hãy quan sát bằng cảm giác nơi ngực và bằng mắt nhìn lim dim: khi
hít hơi thở vào nhẹ nhàng, chú ý thấy con thú vải trên người nâng lên theo lồng
ngực của em; khi thở hơi ra nhẹ nhàng, chú ý thấy con thú vải hạ xuống theo
lồng ngực. Cô giáo có thể cho tập như thế vài phút.
Tập niệm thân. Cho các em ngồi, thẳng lưng, thở dịu dàng
vài hơi, rồi yêu cầu các em nhận biết từng cử chỉ và từng cảm giác: hãy xoa dịu
dàng hai lòng bàn tay vào nhau, cho ấm hai lòng bàn tay một chút, rồi yều
cầu các em dịu dàng áp sát hai lòng bàn tay vào mặt bàn, cảm nhận hơi nóng
trong lòng bàn tay giảm đi trong khi cảm nhận hơi mát từ mặt bàn. Sau đó, yêu
cầu các em co các ngón tay vào lòng bàn tay, tạo ra cảm giác căng ở các bàn
tay, và từ từ duỗi các ngón tay ra, cảm nhận từng cảm giác nơi các ngón tay,
bàn tay… Thời lượng có thể chỉ 1 hay 2 phút.
Tập nghe nhịp tim. Yêu cầu các em tập thể dục 1 phút,
hoặc nhảy xổm hoặc chạy một chỗ, rồi yêu cầu ngồi xuống, nhắm mắt lại, cảm nhận
nhịp tim đập, hoặc cảm nhận mạch máu đập ở các nơi trong thân.
Tập niệm thân trước khi ngủ. Buổi trưa, khi các em ngủ
trưa, nằm duỗi toàn thân, yêu cầu các em chú tâm vào cảm thọ từ dưới bàn
chân (có thể tự nhúc nhích ngón chân để dễ nhận ra cảm giác), rồi từ từ chú tâm
lên đầu gối, lên mông, tới lưng đang áp sát sàn gạch bông, tới cổ (có thể cử
động cổ nhẹ nhàng để dễ nhận ra), tới mắt, đỉnh đầu… rồi hư giãn toàn thân, giữ
cảm thọ toàn thân…
Tập đi thiền hành. Nếu đi trong phòng, nên chân trần, yêu
cầu các em cảm nhận bàn chân từng bước nhấc lên và đặt xuống, chạm vào mặt gạch
bông và cảm nhận mát lạnh nơi lòng bàn chân. Nếu đi bộ ngoài vườn, cần mang
giày hay dép, yêu cầu các em lắng nghe bất kỳ tiếng nào chung quanh, như tiếng
xe, tiếng chim kêu, tiếng nước chảy róc rách, vân vân.
Tập tỉnh thức khi ăn. Khi tập, tránh ăn các quả có hột,
như cam hay quýt vì có thể sơ ý làm hột cam, hột quýt rơi vào cổ. Tránh ăn quá
cay, quá ngọt, hay quá mặn, vì sẽ tán tâm. Nên lấy một mẩu bánh mì, yêu cầu các
em từ từ xé nhỏ bánh mì, rồi đưa một mẩu bánh vào, nhai thật chậm, thật kỹ, cảm
nhận vị ngọt trong bánh…
Tỉnh thức ngửi. Để giữa bàn một bánh làm bằng táo, quế,
dâu, chuối… mới nấu chín. Yêu cầu các em ngồi quanh bàn, nhắm mắt, thở dịu
dàng, ngửi dịu dàng 1 hay 2 phút, rồi nói xem có thấy mùi trái cây gì không nơi
bánh mới nấu. Không nên nói rằng có em nào kém nơi đây, vì tất cả cùng đáng
khen, vì trẻ em ngồi thiền lặng lẽ trước bánh đều là tuyệt vời.
Tỉnh thức rửa tay. Trước khi ăn, yêu cầu các em rửa tay,
chú ý cảm nhận nước chảy trên hai bàn tay, hơi lạnh, hơi mát, lau tay…
Tỉnh thức với hơi thở. Bất kỳ đi đứng nằm ngồi, yêu cầu
các em nên thở dịu dàng, thở lặng lẽ, lắng nghe hơi thở, cảm nhận hơi thở lan
toàn thân….
Đó là một số cách đơn giản dạy Thiền tỉnh thức cho trẻ
em, dựa vào các phương pháp tại một số trường tại Hoa Kỳ và Úc châu. Quý thầy
cô có thể sẽ thấy nhiều cách đơn giản tương tự. Chỉ vài phút tập tỉnh thức trong
các việc nhỏ đời thường, sau này sẽ trở thành những hành trang Phật giáo cực kỳ
quý giá cho các em vào đối mặt cuộc đời.
*
Cư sĩ NGUYÊN GIÁC
(tên thật: Phan Tấn Hải)
Địa chỉ: California, Hoa Kỳ.
Emai: nguyengiac@gmail.com
...............................................................................................................
- Cập nhật từ email: thaiquocmuu1@aol.com ngày 23.10.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại..
.
0 comments:
Đăng nhận xét