LUÂN HỒI
HUYỀN THOẠI
VÀ SỰ THẬT
*
Luân hồi là niềm tin phổ biến
trong nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Nó cho rằng con người
có thể sống không chỉ một mà nhiều kiếp, mỗi kiếp cần một cơ thể mới. Vì thế nó
thường gắn với các hiện tượng như mượn xác hay đầu thai. Nó có thể đi kèm hay
không đi kèm với quan niệm linh hồn bất tử, tức sự tồn tại sau cái chết...
Cần nhấn mạnh rằng, không chỉ
người dân, mà hiện nay không ít nhà khoa học cũng tin là có linh hồn. Điều đó
thực ra không lạ, khi lưu ý rằng, linh hồn bất tử là ước nguyện rất tự nhiên
của con người, vì đó chính là cách thức cuối cùng để con người bớt sợ hãi trước
cái chết.
Một số trường hợp điển hình (Tác giả Đỗ Kiên Cường)
Ngày 19/7/1985, cô gái Ấn Độ 17
tuổi Sumitra chết và gia đình đang chuẩn bị an táng. Bỗng nhiên cô sống lại, tự
xưng là Shiva và không biết một ai xung quanh. Cô nói cô mượn xác Sumitra để
sống lại.
Shiva là một phụ nữ 22 tuổi
chết hai tháng trước. Thi thể cô tìm thấy trên đường tàu hỏa với nhiều vết
thương trên đầu. Được đưa về gia đình Shiva, Sumitra nhận ra người thân, bạn
bè, láng giềng, đồ vật cá nhân; viết đúng nét chữ và văn phong Shiva, trong khi
Sumitra vốn không biết chữ! Quan niệm luân hồi rất phổ biến tại Ấn Độ, nên nhà
Shiva tuyên bố Sumitra đúng là con gái họ vừa từ cõi chết trở về.
Năm 1956 cuốn Truy tìm Bridey
Murphy của
nhà thôi miên Mỹ Morey Berstein được ấn hành, viết về bà Ruth Simmons với biệt
danh Virginia Tighe. Khi được thôi miên, Tighe nhập về kiếp trước ở Ireland thế
kỉ 19. Khi đó bà nói thứ tiếng Ireland nặng và mô tả chính xác cuộc sống hằng
ngày của tầng lớp bình dân thời đó. Bà gọi tên người bán tạp phẩm, cha cố, dân
làng, người thân thích và cũng biết nhảy một vũ điệu địa phương. Cuốn sách trở
thành best-seller và được dựng thành phim. Dân chúng tổ chức các buổi dạ tiệc
về “kiếp trước”. Một chú bé ở Shaunee, Oklahoma, tự sát bằng súng vì muốn tự
mình khám phá sự thật.
Tranh cãi về nghiên cứu của Stevenson
GS tâm thần Ian Stevenson, ĐH
Virginia, Mỹ, là người tiên phong trong nghiên cứu luân hồi. Từ hàng ngàn tư
liệu, ông chọn ra các trường hợp tiêu biểu và xuất bản cuốn Hai mươi trường hợp
gợi ý về luân hồi, cho rằng luân hồi có thể có thật.
Các nhà khoa học không đồng ý
với Stevenson. Trên tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ năm 1994, của Ủy ban điều
tra khoa học các tuyên bố dị thường (nay đổi thành Ủy ban yêu cầu nghi ngờ),
Leonard Angel khảo sát trường hợp luân hồi điển hình nhất của Stevenson và kết
luận, nó thất bại trong sáu đặc trưng căn bản của luân hồi. Nhà triết học Paul
Edwards, 2002, xem các bằng chứng của Stevenson mang tính giai thoại.
Phản bác mạnh nhất là lập luận
không có bằng chứng về các quá trình vật chất mà nhờ chúng, một nhân cách có
thể tồn tại sau cái chết và được “cấy” vào một cơ thể khác. Chính Stevenson,
với tư cách nhà khoa học, cũng nhận thấy hạn chế này khi trả lời phỏng vấn trên
BBC (vì mọi quá trình tư duy, nhận thức, tình cảm... liên quan với “linh hồn”
đều dựa trên các quá trình vật chất cụ thể trong bộ não). Một phản bác khác là
tại sao chúng ta không nhớ kiếp trước của mình, nếu luân hồi là sự thật? Trước
phản bác hợp lý này, có ý kiến cho rằng, luân hồi không dành cho tất cả mọi
người, mà chỉ dành cho những cái chết bi thảm mà thôi. Vậy tại sao những người
tài cao đức trọng nhưng chết yên bình thì không được luân hồi, mà một kẻ xấu xa
lại có thể được ban đặc ân, miễn là chết đuối hoặc nhảy lầu?
Một số nhà khoa học cho rằng,
bằng chứng luân hồi là kết quả của kí ức chọn lọc, trí nhớ sai hay một số hiện
tượng tâm lý đặc biệt như đa nhân cách, nhân cách phân ly và kí ức ẩn giấu.
Đa nhân cách, nhân cách phân ly và ký ức ẩn giấu
Đa nhân cách là rối loạn tâm
thần hiếm gặp, với chỉ hơn 200 trường hợp trên y văn thế giới được phát hiện
trong 100 năm qua. Hội chứng được dư luận chú ý đầu tiên vào năm 1957, do tác
phẩm Ba khuôn mặt của Eve của hai nhà tâm thần Thigpen và Cleckley về một nữ
bệnh nhân có ba nhân cách là Eve trắng, Eve đen và Jane. Trong ba nhân cách thì
hai Eve thường cãi nhau, còn Jane đóng vai hòa giải! Sau điều trị, người phụ nữ
lấy lại được nhân cách gốc của mình. Tờ Thời báo New York ngày 11/3/1994 đăng
tải bài viết về một người đàn ông có 11 nhân cách, trong đó 8 nhân cách tuyên
bố biết một số chi tiết của một vụ án. Vì thế quan tòa thẩm tra xem lời khai
của từng nhân cách có khớp với nhau và với vụ án hay không.
Các nhân cách có thể nổi lên
lần lượt hay đồng thời. Đó là lý do một cô gái bỗng tự xưng là một thanh niên
hoàn toàn khác, dân gian gọi là “ma nhập”. Dễ bị nhập nhất là người thần kinh
yếu ớt và lúc nhỏ bị ngược đãi. Ngoài ra là người ưa thích và có khả năng phân
thân. Vì thế các nghệ sĩ duy cảm dễ lên đồng, xuất hồn hay bị ma nhập hơn giới
khoa học duy lý.
Nhân cách phân ly là khi người
bệnh khăng khăng xem mình là người khác, như một cách thoát ly khỏi thực tế
không mong muốn. Nếu trong đa nhân cách, một người có thể vào vai hàng chục
nhân cách khác nhau, thì trong nhân cách phân ly, thường chỉ có hai nhân cách
(nhân cách gốc và nhân cách phân ly) mà thôi. Đa nhân cách và nhân cách phân ly
thường gắn với các hiện tượng như cầu hồn, thoát xác, ma nhập, đầu thai hay
luân hồi.
Ký ức ẩn giấu là hiện tượng tâm
lý đặc biệt, khi ta nhìn, nghe, đọc hay thu nhận được một số thông tin mà không
biết là ta đã biết chúng. Vì không biết nên chúng ẩn giấu trong vô thức (hay vì
ẩn giấu nên ta không biết). Thuật ngữ xuất hiện do một nhà tâm lý Canada thôi
miên để người bệnh nhớ về “kiếp trước”. Dưới thôi miên, người bệnh viết và nói
một thứ tiếng xa lạ, mà khi tỉnh lại anh không biết nó là gì và từ đâu ra. Các
nhà nghiên cứu kết luận đó là Oscan, tiền thân của tiếng Latin. Mãi sau mới
biết rằng, khoảng một năm trước, trong thư viện, người bệnh ngồi bên một người
đang nghiên cứu một văn bản cổ bằng tiếng Oscan. Chỉ một thoáng nhìn ở mức vô
thức, do kí ức ẩn giấu mà người bệnh biết thứ ngôn ngữ tối cổ đó!
Lý giải các bằng chứng luân hồi
Hiện nay, hầu hết bằng chứng
luân hồi đều dựa trên lời kể của các em bé. Báo chí phương Tây từng nhắc tới
những em bé chỉ vài ba tuổi nhưng có thể kể đúng một số chi tiết đời tư hay
tính cách của các vị Lạt ma Tây Tạng quá cố, khiến nhiều người xem đó là bằng
chứng của luân hồi.
Khoa học lại đưa ra cách giải
thích khá đơn giản về nguyên lý. Đầu tiên, do hiện tượng đa nhân cách hay nhân
cách phân ly mà em bé đóng vai người khác, chứ không phải kiếp trước của em là
một Lạt ma hay “linh hồn” của vị đó đang “nhập” vào em. Trong lúc đang thế vai,
một số động tác, lời nói, cách ăn ngủ, chơi bời... của em có thể ngẫu nhiên phù
hợp với hành vi của một người đã chết nào đó. Với những ai tin tưởng luân hồi,
đó chính là bằng chứng của sự đầu thai!
Thêm nữa, có thể thông tin về
người chết đã được kể trước mặt em, và vô thức của em nắm bắt được qua ký ức ẩn
giấu. Lớn lên một chút, thông tin phát lộ ở ý thức, giúp em có thể kể lại, lúc
đúng lúc sai. Và hiện tượng ký ức chọn lọc của môn tâm lý sẽ giúp ta chỉ nhớ
những thông tin đúng mà quên hết mọi thông tin sai để đi đến kết luận, em bé
chính là kết quả của sự luân hồi.
Vậy tại sao em bé “đầu thai” có
thể phân biệt được người thân, nhà cửa hay đồ chơi của người khác? Đó là do
hiệu ứng Hans thông minh, tức đọc ám hiệu từ ngôn ngữ cơ thể của người xung
quanh (ngựa Hans đầu thế kỉ 20 tại Berlin “biết làm toán” do đọc ngôn ngữ cơ
thể người đối diện). Vì quá mong muốn người chết sống lại qua luân hồi, nên gia
đình tạo nhiều ám hiệu chủ ý và không chủ ý. Bắt được các gợi ý, em bé “đầu
thai” có thể vượt qua mọi thử thách (thực ra là đơn giản) của một gia đình đang
xúc động. Và chắc chắn em sẽ thành công khi phát ra tín hiệu được mong đợi: con
chính là người mà cha mẹ đang cần.
Tại sao thường chỉ em bé dăm ba
tuổi mới “luân hồi”, còn khi lớn hơn thì ít quan tâm tới “kiếp trước”? Nhỏ hơn
độ tuổi này, nhân cách chưa hình thành nên không thể “phân ly nhân cách” để
đóng vai người khác. Lớn hơn độ tuổi này, nhân cách gốc ngày càng vững, nên bé
khó hay không muốn thế vai nữa.
Về những trường hợp nêu trên Thể thao và Văn hóa
Các hiện tượng tâm lý đã nêu có
thể áp dụng cho mọi trường hợp luân hồi, chứ không chỉ cho ba trường hợp trên Thể thao và Văn hóa. Bé Bình - Tiến nói đúng chuyện chết đuối và “mẹ em làm nghề đánh đánh
như thế này này” (đánh máy) chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hàng ngàn em bé
khác nói và hành động như thế hằng ngày, nên nếu vài em tạo nên sự chú ý thì
cũng không lạ. Do nhân cách phân ly mà Bình đóng được vai Tiến, với những chỉ
dẫn chủ ý và không chủ ý của bố mẹ Tiến. Việc biết đường đi, nhận ra nhà... là
do hiệu ứng Hans thông minh. Một chú ngựa còn biết làm toán hay biết ai là Tổng
thống Mỹ, tại sao một em bé “đầu thai”, vốn rất nhạy cảm để có thể đóng vai người
khác, lại không biết cần phải làm gì để cả người lớn và bản thân đều hài lòng?
*.
ĐỖ KIÊN
CƯỜNG
Địa chỉ: Viện Vật lý Y Sinh học, 109A Pasteur,
phường Bến
Nghé, quận I, tp Sài Gòn.
.
........................................................................................
- Cập nhật
từ email: phamchienthang@yahoo.com.vn ngày 29.11.2018.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng
ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
.
0 comments:
Đăng nhận xét