PHẬT ĐẢN VÀ CÁCH MẠNG - Tác giả: Hoàng Nguyên Nhuận (Australia)

Leave a Comment

 

PHẬT ĐẢN VÀ CÁCH MẠNG

*

Hai mươi chín năm trước đây Phật giáo Việt Nam đi vào lịch sử hiện đại bằng ngày Phật Đản 8.5.1963. Với 8 Phật tử bị tàn sát tại Đài Phát Thanh Huế, với 8 cuộc tự thiêu của các Tăng Ni và Phật tử, với một thỏa ước đã không được nghiêm túc thừa nhận ngay từ đầu giữa chính quyền với Phật giáo - thường được gọi là Thông Cáo Chung 16.6, với hàng vạn Phật tử vào tù 65 ngày sau khi văn kiện đó được ký kết, và cuối cùng, với một triều đại cáo chung và cái chết đau thương của 3 anh em nhà Ngô xảy ra 72 ngày sau khi chính quyền phát động chiến dịch Nước Lũ chớp nhoáng đồng loạt và đều khắp triệt hạ hoàn toàn phong trào đấu tranh của Phật giáo trong đêm 20 rạng ngày 21.8.1963. 

(Tác giả Hoàng Nguyên Nhuận)

Biến cố Phật Đản 1963 đã đẩy Phật giáo ra khỏi mái chùa tĩnh lặng, buộc mỗi người Phật tử phải ý thức rõ hơn thực tế đạo không lìa đời và hạnh phúc của mình chỉ có với hạnh phúc của kẻ khác, và bằng hạnh phúc của kẻ khác. Biến cố đó cũng đem lại cho người Phật tử thêm một lối tu chứng mới. Tu ở ngoài đường. Các cuộc vận động của Phật giáo kể từ biến cố đó đã được gọi là những “cuộc xuống đường”, có lẽ cũng vì lý do đó. Kể từ biến cố đó, người Phật tử đã lựa chọn thêm một lối tu mới ngoài hai lối tu cố hữu là tu chùa và tu nhà. Lối tu mới đó là một hình thức tu chợ trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ.

Cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 nhằm vào 3 điểm. Thứ nhất,chấm dứt nạn kỳ thị tín ngưỡng mà Phật giáo là nạn nhân. Phật giáo đòi hỏi chính quyền thực hiện bình đẳng tín ngưỡng trên căn bản công bằng xã hội, cụ thể là phải ngưng áp dụng Dụ số 10 về quy chế hiệp hội. Văn kiện nầy được ban hành từ thời Pháp theo đó các tôn giáo hiện hành đều được “hưởng” quy chế dành cho các hội tương tế, hội thể thao. Chỉ có Công giáo không lệ thuộc vào những quy định nầy. Thứ hai, bồi thường cho các nạn nhân trong vụ Đài Phát Thanh Huế. Thứ ba, hủy bỏ công điện cấm treo cờ Phật giáo đã châm ngòi cho biến cố Phật Đản 1963 bùng lên. Chính quyền chỉ đáp ứng nửa vời nguyện vọng thứ ba; yêu sách thứ hai thì chính quyền rửa tay đẩy cho ỏcộng sảnõ. Yêu sách thứ nhất thì để chờ... thời gian.

Từ lúc cuộc vận động của Phật giáo khởi phát cho đến khi chính quyền sụp đổ là 178 ngày. Nhưng thực tế cuộc vận động của Phật giáo chỉ kéo dài 104 ngày, nghĩa là từ ngày Phật Đản 8.5 đến lúc chính quyền triệt hạ phong trào Phật giáo vào đêm 20 rạng 21 tháng 8. Sau ngày đó cuộc vận động 1963 của Phật giáo với chính quyền hoàn toàn chấm dứt. Cho nên, Phật giáo thực tế không chủ trương hay vận động thực hiện biến cố 1.11.1963, dù biến cố đó có sự hiện diện của người Phật tử. Nếu Phật giáo có trách nhiệm về sự sụp đổ của chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa thì trách nhiệm ấy chính là chỗ Phật giáo đã tạo cơ hội cho những thành phần trực tiếp liên hệ với chính quyền thấy rõ hơn thực chất của chính quyền để từ đó có những phản ứng thích hợp. Những thành phần đó là Hoa Kỳ, quân đội và dân chúng. Hoa Kỳ gạt bỏ chính quyền vì chính quyền không còn ích gì cho đường lối chống Cộng theo cách thức của Hoa Kỳ lúc đó; dân chúng bỏ rơi chính quyền vì chính quyền không còn tôn trọng ý dân nữa mà cách chính quyền đối xử với Phật giáo là một ví dụ; quân đội phản lại chính quyền vì chính quyền bị dân chúng và Hoa Kỳ bỏ rơi.

*

Phật giáo không phải là thành phần đầu tiên chống chính quyền, và lại càng không phải là thành phần lật đổ chính quyền. Chiến dịch ổn định chính trị buổi đầu đã đặt hai tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở miền Tây Nam Phần là Hòa Hảo và Cao Đài thành kẻ thù câm nín của chính quyền. Rồi phong trào vận động chính trị của nhóm Caravelle ở Sài Gòn, vụ chiến khu Ba Lòng ở Quảng Trị, cuộc đảo chánh 11.11.1960 của Nguyễn chánh Thi, vụ ném bom Dinh Độc Lập của Phạm phú Quốc và Nguyễn văn Cử, cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa chính quyền và lãnh tụ của những người Công giáo di cư là Giám Mục Lê hữu Từ và Linh Mục Hoàng Quỳnh, chiến dịch đàn áp Quốc Dân Đảng điển hình qua vụ Nguyễn tường Tam, phong trào tố cộng nhắm vào những người kháng chiến cũ đã từ bỏ cộng sản khiến những người nầy hoặc trở thành đối lập phía bên này hoặc phải chạy trở về với phía bên kia. Tất cả đã là những mầm loạn khiến cho chính quyền ngày càng cô lập và bị động. Điều nầy phần nào giải thích tại sao chính quyền quyết thẳng tay khi Phật giáo công khai đối đáp với chính quyền. Chính quyền mạnh tay một phần có lẽ vì nghĩ rằng với vị thế và ảnh hưởng của mình, Phật giáo có thể muốn đào huyệt chôn mình như các thành phần kể trên, hoặc trở thành nơi quy tụ cho những thành phần nầy hăm dọa chính quyền một cách nghiêm trọng. Do đó chính quyền quyết không để Phật giáo bảo chính quyền phải làm gì, dù đó là những khuyến cáo không có gì quá đáng. Thế nên, sau cuộc tự thiêu đã làm chấn động thế giới của Hòa Thượng Quảng Đức và hàng trăm cuộc biểu tình, tuyệt thực, đình công, bãi thị, bãi khóa Phật giáo mới thuyết phục được chính quyền ký Thông Cáo Chung để ghi nhận và hứa giải quyết các nguyện vọng của Phật giáo.

Phật giáo xem Thông Cáo Chung là khởi điểm và là căn bản đối thoại nghiêm chỉnh với chính quyền, chính quyền lại chỉ xem đó như một kế hoãn binh để chuẩn bị triệt hạ Phật giáo. Đêm 20.8, chính quyền ban hành tình trạng khẩn trương và lệnh giới nghiêm toàn quốc để khởi sự chiến dịch Nước Lũ. Bằng hành động quyết liệt đó, chính quyền đã vô tình giúp Phật giáo chứng minh những điều Phật giáo ta thán không phải là quá đáng. Chính quyền không hề muốn cho Phật giáo được tự do sống đạo và hành đạo. Bằng hành động quyết liệt đó, chính quyền cũng đã thực sự chứng minh dù có muốn Phật giáo cũng không thể lật đổ chính quyền bằng những biện pháp phi dân chủ. Mặt khác nếu có bầu cử tự do lá phiếu của người Phật tử có thể đánh bại chính quyền. Nhưng bầu cử tự do là điều đã không bao giờ xảy ra. Cho nên Phật tử phải “xuống đường”, không phải để vào Dinh Độc Lập mà để vào tù.

*

Chính thức lật đổ chính quyền Ngô đình Diệm là Mỹ và quân đội. Nhưng thực tế quân đội và Mỹ chỉ dẹp một cái ngai vàng đã gãy đổ. Kẻ làm cho cái ngai vàng đó lung lay trầm trọng chính là những người trong nội bộ chính quyền mà hai kẻ chịu trách nhiệm chính là cố vấn Ngô đình Nhu và Tổng Giám Mục Ngô đình Thục. Với hai người nầy, chính quyền không phải là phương tiện để theo đuổi các mục tiêu quốc gia mà chỉ là bàn đạp thực hiện tham vọng cá nhân. Ông Thục và ông Nhu đã bỏ bao nhiêu tâm sức cơ mưu để tạo nên hai lực lượng nòng cốt chống đỡ chính quyền là Đảng Cần Lao Nhân Vị và quân đội. Điều bi hài là đến lúc họ cần hai lực lượng đó nhất thì một đã bỏ rơi và một đã phản lại họ. Ông Thục, ông Nhu thất bại và rồi kéo theo ông Diệm, ông Cẩn.

*

Có người trách các tướng tá trong việc hạ sát ông Diệm, ông Nhu. Đây không phải là lần đầu quân nhân muốn hại gia đình nhà Ngô. Cuộc đảo chính của Nguyễn chánh Thi, vụ ném bom của Phạm phú Quốc hẳn cũng không tránh khỏi chết chóc nếu thành công. Thể thức thăng thưởng và lề lối lãnh đạo của gia đình họ Ngô đã đẩy tướng tá vào vị thế tuân phục cá nhân chứ không phục vụ mục tiêu quốc gia. Cho nên, một khi tướng tá đứng lên làm binh biến thì họ sẽ nhân danh mục tiêu quốc gia để loại bỏ những cá nhân mà họ đã tuân phục. Họ không thể yên lòng thế chỗ những cá nhân đó nếu những cá nhân đó không hoàn toàn bị loại bỏ. Cho nên nếu tướng tá có nghĩ đến chuyện phải nhổ cỏ tận gốc thì cũng chẳng có gì khó hiểu trong một chế độ mà quân đội đã bị coi như một thứ Ngự Lâm Quân, một thứ gia nô của những nhà lãnh đạo. Nhưng giết anh em nhà Ngô có phải là một quyết định hoàn toàn tùy thuộc các tướng tá? Thượng Tọa Trí Quang nhờ kế ve sầu thay vỏ nên thoát khỏi lao tù và vào ẩn náu trong Tòa Đại Sứ Mỹ thì Mỹ giữ lại không giao cho chính quyền Việt Nam. Ở Huế, Ngô đình Cẩn vào ẩn náu trong Dòng Chúa Cứu Thế thì bị xua đuổi phải chạy sang Tòa Lãnh Sự Mỹ. Tòa Lãnh Sự Mỹ chở Ngô đình Cẩn vào Sài Gòn giao cho Nguyễn Khánh xử tử. Nguyễn Khánh là kẻ đã lật Dương văn Minh và nhóm tướng tá 1.11. Dương văn Minh hay một ai khác trong nhóm nầy có thể đơn phương và đột biến hạ sát ông Diệm, ông Nhu và đặt Hoa Kỳ trước một sự đã rồi. Nhưng giao Ngô đình Cẩn cho Nguyễn Khánh xử tử thì hẳn không phải là một việc bất ngờ vậy. Cho nên hoàn toàn quy trách cho Dương văn Minh về cái chết của hai ông Diệm, Nhu cũng như cho rằng Nguyễn Khánh đã giết Đại Úy Nhung để báo thù cho anh em nhà Ngô đều là những giả thuyết quá đơn giản. Lại nữa, đối với gia đình nhà Ngô, Dương văn Minh cũng không phải là một Judas chính hiệu. Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn Khánh, Trần thiện Khiêm, những người đã được tưởng thưởng xứng đáng sau khi nhà Ngô bị triệt hạ và nhóm Dương văn Minh bị lật đổ mới là những người khả dĩ đáng nhận danh hiệu đó. Mặt khác,Vatican đã không hề có một cử chỉ phản đối - ngay cả bằng hình thức nhẹ nhàng hợp tình hợp lý nhất là một lễ cầu hồn chính thức cho anh em nhà Ngô. Tóm lại, không phải chỉ có bàn tay của nhóm Dương văn Minh dính máu anh em nhà Ngô thôi và chủ trương nhổ cỏ tận gốc không hẳn là một quyết định hoàn toàn của tướng tá Việt Nam.

*

Ánh đuốc Quảng Đức đã làm cho thế giới bàng hoàng rúng động. Nếu từ đầu Hoa Kỳ đã “lợi dụng” vụ Phật giáo thật thì Kennedy đã không buột miệng hỏi “Họ là ai vậy?” sau khi vụ tự thiêu xảy ra. Vụ tự thiêu đó xảy ra 39 ngày sau vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế thế mà Kennedy vẫn chưa biết Phật giáo là ai, thực lực thế nào thì Kennedy lợi dụng vụ Phật giáo từ bao giờ và như thế nào đây? Cho nên khó mà nghĩ rằng Kennedy đã lợi dụng vụ Phật giáo ngay từ đầu. Kennedy đã sáng mắt ra vì vụ nầy thì đúng hơn. Sáng mắt ra để thấy rõ hố ngăn cách giữa chính quyền và dân chúng địa phương để rồi thúc đẩy chính quyền Việt Nam phải cố gắng lấp cạn hố ngăn cách đó. Chính vì vậy mà liên hệ giữa chính quyền và Phật giáo càng căng thẳng thì áp lực của Mỹ đối với chính quyền càng gia tăng. Hiểu theo nghĩa đó thì may ra mới có thể nói - vào một lúc nào đó khi vụ Phật giáo đã bùng nổ, Hoa Kỳ quả có lợi dụng vụ nầy để làm áp lực với anh em nhà Ngô. Nhưng áp lực để làm gì?

Có giả thuyết cho rằng Hoa Kỳ muốn loại bỏ nhà Ngô vì nhà Ngô không muốn tiến hành chiến tranh theo kiểu Mỹ và muốn dàn xếp với Bắc Việt để hất Hoa kỳ khỏi Nam Việt. Giả thuyết nầy còn hàm ý rằng không có ông Diệm nên Miền Nam mất và do đó Phật giáo, tướng tá phản ông Diệm và Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Miền Nam. Giả thuyết nầy có giá trị như thế nào?

Nhà Ngô không muốn tiến hành chiến tranh kiểu Mỹ? Giả thuyết nầy cho rằng Mỹ muốn đẩy mạnh chiến tranh, ồ ạt đưa quân vào Nam Việt. Ông Diệm chống lại điều đó nên bị loại. Nhưng ồ ạt đưa quân sang Việt Nam là chủ trương của Johnson chứ không phải của Kennedy và Kennedy là người loại bỏ ông Diệm trong khi Johnson lại lên án hành động đổi ngựa giữa dòng đó. Mặt khác, Kennedy là người chủ trương “rút bớt một số cố vấn quân sự” Mỹ ở Việt Nam về vào năm 1964, nghĩa là đã âm thầm nghĩ đến một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam về lâu về dài. Miền Nam có ổn định thì Kennedy mới hy vọng làm việc đó được, cho nên việc Kennedy gây áp lực với nhà Ngô giải quyết êm đẹp và nhanh chóng vụ Phật giáo có lẽ nằm trong mưu định tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Khi Kennedy chết và Johnson lên thay thì viễn ảnh chính trị đó bị gạt bỏ và chỉ còn giải pháp quân sự thuần túy mà thôi. Cho nên giả thuyết Mỹ muốn loại bỏ nhà Ngô để đẩy mạnh chiến tranh chỉ đúng nếu kẻ loại bỏ ông Diệm là Johnson. Nhưng Johnson lại là người công khai ủng hộ ông Diệm từ đầu đến cuối! Vào thời điểm đó, có lẽ nói Kennedy loại bỏ nhà Ngô một phần vì nhà Ngô ngăn cản dự tính rút quân và tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam thì may ra ít xa thực tế hơn? Nhưng nói như thế thì cũng không hợp với giả thuyết cho rằng lúc đó nhà Ngô cũng có nghĩ đến chuyện bắt tay với Hà Nội. Nếu Kennedy quả có nghĩ đến một giải pháp chính trị cho Việt Nam thì hẳn Kennedy phải tán trợ - hay ít ra là phải làm ngơ, cho anh em nhà Ngô đi đêm với Hà Nội chứ sao lại triệt hạ họ? Vì thế, chỉ còn một giả thuyết đó là “kẻ” muốn loại bỏ ông Diệm cũng chính là kẻ muốn loại bỏ Kennedy để đơn phương theo đuổi giải pháp quân sự thuần túy ở Việt Nam. Nói thế khác, nếu có kẻ muốn lợi dụng Phật giáo vào thời điểm đó để loại bỏ ông Diệm thì kẻ đó hẳn không phải là Kennedy - và lại càng không phải là Bắc Việt. Vì Kennedy không muốn đẩy mạnh chiến tranh và Bắc Việt cũng chưa chắc đã muốn đối đầu với lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Tóm lại, giả thuyết cho rằng Phật giáo bị Hoa Kỳ và Hà Nội xúi dục chống lại nhà Ngô chỉ là một suy diễn không tưởng để đánh bóng sự sụp đổ của nhà Ngô và bôi bẩn cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963. Phe có lợi đầu tiên nếu Mỹ ép được chính quyền Miền Nam làm hòa được với Phật giáo là dân chúng Miền Nam. Anh em nhà Ngô bị Mỹ bỏ vì họ đã không muốn làm chuyện đó. Chưa kể là đã làm cho Mỹ nghĩ rằng họ có thể qua mặt Mỹ để bắt tay với Hà Nội, nghĩa là họ có thể “phản” Mỹ. Nếu anh em nhà Ngô làm được chuyện ấy - hay ít ra cũng có ý làm chuyện ấy thật, thì họ đã là những thánh tử của dân Việt. Điều bi đát là chuyện “phản” đó lại chỉ là một hành động giận lẫy hay hờn dỗi với Hoa Kỳ. Lẫy sẩy cùi. Anh em nhà Ngô đã tháu cáy và đã thua vì nghĩ rằng Hoa Kỳ không thể nào bỏ họ. Nguyễn văn Thiệu đã học rất thuộc bài học đó năm 1975.

*

Năm 1954, “quốc gia” Miền Nam đã được sinh thành như một đứa con èo ọp thiếu tháng. Nhưng Miền Nam đã trưởng thành, tạo điều kiện cho người dân tạm thời an lạc sau 80 năm Pháp đô hộ, sau 9 năm chiến tranh Pháp - Việt và sau cơn ác mộng chia cắt đất nước do Hiệp Định Genève gây ra. Nhà Ngô không phải không có công lao gì trong việc đó. Thế rồi chỉ qua 9 năm, Miền Nam đã lâm vào tình cảnh hổn loạn và khánh tận. Nhà Ngô không phải không có trách nhiệm gì trong việc đó và không thể hoàn toàn trút hết cho Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đường lối nội trị lún dần vào vũng lầy độc tôn độc thiện và quyền lợi cá nhân. Hận thù bị kích động bằng ý thức hệ, được hâm nóng bằng tôn giáo và nuôi dưỡng bằng áp lực ngoại viện. Người Việt dần dần bị đẩy vào cảnh coi nhau không phải như anh em khác chính kiến mà như những tay sai của người ngoài, phải giết nhau cho đến người chót, phải đánh nhau cho đến hạt gạo cuối cùng. Phật giáo không chấp nhận trò chơi hóa thân đẩm máu đó nên bị xa lánh, hoài nghi, canh chừng, kỳ thị, trấn áp và triệt hạ. Việc chính quyền cấm treo cờ Phật giáo năm 1963 chỉ là giọt nước cuối cùng rớt vào ly nước đã đầy tận mép.

*

Thời Pháp đô hộ, Phật giáo bị đối xử cứ như một đoàn thể mê tín dị đoan thoái hóa về phương diện văn hoá, vừa như một thế lực chống thực dân về phương diện chính trị. Trong cảnh nước mất nhà tan, cửa Thiền thường là nơi quy ẩn của những người đã hơn một lần thất bại về tay kẻ cướp nước và những tên tay sai đồng lõa. Vì “anh hùng mạt vận bán quy Tăng” và vì hễ có cơ hội là những người nầy lại đứng lên, nên không có một cuộc biến loạn nào là không có bóng dáng của những kẻ đầu tròn áo vuông. Phật giáo bị chính quyền thực dân kỳ thị, canh chừng, hoài nghi, xa lánh vì lý do đó.

Năm 1945, cách mạng mùa Thu bùng vỡ. Phật giáo cũng đã có mặt trong hàng ngũ những người yêu nước để rồi phải âm thầm bứt rức rút lui vì cuộc đấu tranh cứu nước thời hiện đại đã không chỉ được phấn kích bởi lòng yêu nước mà còn bị lũng đoạn bởi cuồng vọng độc tôn chính trị do ngoại nhân gán ép hơn là do chính người Việt tự phát.

Chín năm chiến tranh Việt - Pháp, Phật giáo đã sống trong một hoàn cảnh chẳng khác gì mấy thời đô hộ trước cách mạng mùa Thu. Chỉ khác một điều lần nầy Pháp phải nhẹ tay hơn vì nhu cầu tuyên truyền chính trị cũng như thêm bạn bớt thù trước một đối thủ ngày càng hoạt động mạnh.

Phật giáo không tán đồng những ý hệ ngoại lai và cũng không thể chấp nhận thực dân ngay cả dưới dạng thức biến thái “quốc gia” hữu danh vô thực. Hoàn cảnh đã đẩy đưa Phật giáo vào một tình trạng khó khăn và khó xử, và Phật giáo đã học được một bài học thiết thực đó là muốn thoát khỏi tình trạng đó như một thế lực thì Phật giáo phải tự chuẩn bị để trở thành một thế lực. Không có con đường nào khác hơn là tổ chức để thống nhất nội bộ. Phong trào chấn hưng hay hiện đại hóa Phật giáo khởi sự từ thập niên 20 và ngừng lại vì cách mạng mùa Thu được tái tục xúc tiến. Trong lúc Phật giáo đang tiến hành củng cố và hiện đại hóa tổ chức thì Dụ số 10 được ban hành năm 1950. Đây là tiếng chuông báo động đối với Phật giáo, và Phật giáo đã phản ứng. Tháng 5. 1951, tất cả các đoàn thể Phật giáo rời rạc khắp toàn quốc đã thống họp lại thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Cuộc đấu trí và đấu lực giữa chính quyền và Phật giáo đã thực sự bùng nổ dù âm thầm, yên lặng. Chính quyền đang bù đầu với chiến tranh nên không khiêu khích lộ liễu. Lại nữa, nếu cần trấn áp thì chính quyền chỉ cần nhắm vào cá nhân những người hữu trách của Phật giáo mà chụp cho cái mũ Việt Minh là xong. Đa số những nhà lãnh đạo Phật giáo thời đó đều đã hơn một lần bị đọa đày vì cái tội Việt Minh đó. Thảm trạng đó tạm thời chấm dứt khi Pháp thua trận, chia đôi đất nước và rút khỏi Việt Nam.

Pháp lui, Bảo Đại bị truất phế, chế độ Cộng Hòa được khai sinh, nhưng Dụ số 10 vẫn còn đó như cái niền sắt siết đầu Phật giáo, mở đường cho “những hành vi lợi dụng danh nghĩa chống cộng sản để phát triển Thiên Chúa giáo và lấn áp Phật giáo” (Bản Phụ Đính bản Tuyên Ngôn ngày 10.5.1963 của Tổng Hội Phật Giáo). Năm 1957, lễ Phật Đản không còn được chính thức thừa nhận. Năm 1960, Phủ Tổng Thống quy định các hiệp hội tôn giáo muốn bán bất động sản và nhận bất động sản do kẻ khác hỷ cúng đều phải có phép của Tổng Thống (Công Văn số 166-TTP/TTK/1 ngày 23.9.1960). Ngày 20.2.1962, Phật giáo gởi cho Tổng Thống và Quốc Hội một hồ sơ những vụ khủng bố, đàn áp, trả thù, bắt cóc, thủ tiêu điển hình mà Phật tử là nạn nhân. Hồ sơ nầy đính kèm một giác thư ôn hòa kêu gọi chính quyền can thiệp. Tổng Thống không trả lời và Quốc Hội cũng câm nín. Ly nước đã đầy, chỉ cần thêm một giọt nước. Giọt nước đó là công điện cấm treo cờ Phật giáo nhân lễ Phật Đản 1963.

*

Cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 là cuộc vận động cho tự do tín ngưỡng trong khuôn khổ công bằng xã hội. Nói thế khác, Phật giáo biết rõ tín đồ chỉ được tự do sống đạo và hành đạo khi xã hội có công bằng, khi người dân có những cơ hội thăng tiến ngang nhau.

Tự do tín ngưỡng là vấn đề tôn giáo, công bằng xã hội thuộc lãnh vực chính trị. Thượng Tọa Thiện Minh từng nói: “Nếu nói đến việc đấu tranh cho công bình xã hội thì cuộc đấu tranh của Phật giáo không bao giờ chấm dứt.” (Quốc Tuệ - Cuộc Đấu Tranh của Phật Giáo Việt Nam, tr. 542). Thượng Tọa Thiện Minh là người đã tham gia cách mạng mùa Thu, đã rời bỏ Việt Minh, đã bị Pháp bắt giam, đã ở tù thời Ngô đình Diệm, đã bị mưu sát thời Nguyễn cao Kỳ, đã ở tù thời Nguyễn văn Thiệu, và đã chết trong tù thời Lê Duẫn. Thượng Tọa đã sống như một nhà tu, đã tranh đấu như một nhà tu, đã chết như một nhà tu, nhưng không hề trói buộc mục tiêu tranh đấu của Thượng Tọa vào những quyền lợi và trọng tâm cá biệt của Phật giáo. Muốn làm tín đồ thì phải biết làm người, muốn làm người thì phải biết làm dân. Tín ngưỡng không thể rời xa công bình xã hội. “Cuộc đấu tranh của Phật giáo không bao giờ chấm dứt”, chỉ có những chế độ lần lượt cáo chung.

Lịch sử Việt Nam hiện đại đã có ba chế độ: thực dân, quốc gia và xã hội chủ nghĩa. Chế độ thực dân dành công bằng xã hội cho những kẻ đã quên mình là ai. Chế độ quốc gia chỉ dành công bằng xã hội cho những người đấu thầu chống cộng. Chế độ xã hội tiên quyết dành công bằng xã hội cho những kẻ có lý lịch đảng viên. Với đa số người Việt, thực tế đầu đen máu đỏ ai cũng như ai là một lý tưởng xa vời, một tô phở “ngày mai ăn khỏi trả tiền”. Ngày mai đó sẽ xa vời hơn nữa nếu đồng bào được nhìn nhận không phải như một tín đồ, một công dân, một con người, mà chỉ là một đồng lõa chính trị.

Hòa bình thống nhất đã xóa đi những lằn ranh địa lý chính trị, nhưng lằn ranh tâm lý chính trị vẫn còn. Kiếp người có thể qua đi nhưng nổ lực đấu tranh xoá mờ lằn ranh tâm lý đó để mở đường cho công bằng xã hội và bình đẳng cơ hội lên ngôi sẽ không kết thúc khi nào con người vẫn còn vong thân lận đận vì thiên kiến đồng lõa chính trị.

*

Phong Trang tháng Tư 1992

Địa chỉ(đang cập nhật).

Email(đang cập nhật).

Điện thoại(đang cập nhật).

 

 


 

 

 

- TRẦN ANH QUÂN giới thiệu -

(Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 01.12.2020.

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

.

0 comments:

Đăng nhận xét