ĐƯỜNG ĐI CỦA PHẬT TỬ VIỆT NAM - Tác giả: Hoàng Nguyên Nhuận (Australia)

Leave a Comment

 

ĐƯỜNG ĐI CỦA PHẬT TỬ VIỆT NAM

*

Nhìn theo quan điểm lý và sự, đâu là con đường tu hành của Phật tử trong hoàn cảnh hôm nay?

Làm thế nào để tu hành vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đồng bào và đồng loại?

Nhưng trước hết, theo đạo Phật, thế nào là tu ?

 

PHẬT GIÁO KHÔNG PHẢI LÀ TÔN GIÁO

(Tác giả Hoàng Nguyên Nhuận)

Đạo Phật là con đường Thích Ca Mâu Ni từng đi để thành Phật, và khuyến khích thế nhân tự thắp đuốc lên mà đi để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời.

Người Tây phương dùng chữ Bouddhisme hay Buddhism để chỉ đạo Phật, cũng như Judaism hay Judaisme để chỉ Do Thái giáo, Christianism hay Christianisme để chỉ Ky-Tô giáo, Catholicism hay Catholicisme để chỉ Công giáo hay Ky-Tô giáo Vatican, Protestantism hay Protestantisme để chỉ Thệ Phản giáo hay Tin Lành giáo, Islamism hay Islamisme để chỉ Hồi giáo.Tất cả đều giống nhau ở tín điều về một Thượng Đế và sự lệ thuộc của con người vào Thượng Đế đó. Nhưng trong truyền thống Tam giáo, đạo Phật cũng như đạo Lão và đạo Khổng không phải là những ISME hay ISM theo nghĩa đó, nhất là đạo Lão ráo riết tránh ngôn từ tranh biện và hệ thống hóa tư tưởng đến độ cực đoan.

Đạo Phật cũng có một vũ trụ quan tuy đơn sơ nhưng lại rất hiện đại, nhất là quan niệm vô thủy vô chung của vũ trụ và thời gian, và quan niệm về những chuyển biến chủng loại, nhưng cơ bản, đạo Phật cũng như đạo Khổng là những nhân sinh quan về bản chất và ý nghĩa đời người và những quan niệm về cách thức tổ chức quốc gia xã hội để thành đạt ý nghĩa hay mục tiêu nhân sinh đó.

Cho nên, để tránh ngô nhận, có lẽ nên nói đến Đạo Phật thay vì Phật giáo. Vì gọi đạo Phật là Phật giáo như một ISM hay ISME tức là vô tình đồng hóa đạo Phật với những tôn giáo cho rằng vạn vật, kể cả chúng sinh và riêng nhân loại, là do một đấng tối cao toàn thiện toàn chân toàn mỹ trên thiên đàng tạo ra. Tín điều này cho rằng đấng toàn năng tạo ra những cái tốt đẹp nhất, nhưng không giải thích tại sao đấng toàn năng này lại tự dưng bày ra những cái xấu xa tồi tệ nhất như hỏa ngục, động đất, tsunami, thánh chiến, tàn phá môi sinh, bom nguyên tử, lò hơi ngạt, vi khuẩn HIV, vi khuẩn cúm gia cầm... và bao nhiêu điều tàn ác khác mà vật thụ tạo của đấng toàn năng đó có thể tưởng tượng ra. Đại diện của đấng toàn năng ở trần gian là những giáo chủ với những giáo triều độc quyền giữ chìa khóa thiên đàng và mọi định lệ sinh hoạt, kể cả giáo lệnh thiêng liêng rất thánh về thuốc ngừa thai và bao cao su.

Từ sau vụ 11/9/2001 ở Mỹ đến nay, nhân loại phát sốt từng cơn vì nguy cơ thánh chiến giữa Hồi giáo với Do Thái giáo, Công giáo Vatican và một vài hệ phái Tin Lành. Nguy cơ này dần dần thế chỗ chiến tranh ý thức hệ tàn lụi khi Bức Tường Sắt đổ nhào theo Bức Tường Berlin năm 1989. Tôn giáo được dùng để nuôi dưỡng một thứ chiến tranh lạnh mới có lúc đã nóng sôi lên bằng bom đạn như ở New York-Washington, ở Madrid, London, Bali, hay ở Afghanistan và Iraq. Đối diện với thực trạng mắt đổi mắt răng đền răng mà đi đến cùng không khéo sẽ chỉ còn những người mù húp cháo đó, ai mà không có lúc ân hận là đã theo tôn giáo, hay ít ra ai mà không có lúc ao ước thà mất đấng tối cao toàn năng còn hơn là mất hòa bình và sinh mạng cá nhân? 

Cũng bởi vì không chấp nhận một đấng tối cao theo nghĩa tôn giáo nên một thời đạo Phật đã bị tố cáo là vô thần, theo ngôn ngữ thời thượng 'vô thần Cộng Sản', khiến cho một số Phật tử hoặc không dám nhận là theo đạo Phật mà chỉ nhận là theo đạo ông bà.

Mặt khác, cũng vì ngộ nhận đạo Phật là một tôn giáo tôn thờ một đấng tối cao trên thiên cung như thế nên một số Phật tử mới loay hoay bắt chước thiên hạ biến chư Phật, chư Bồ Tát thành Phạm Thiên hay Ngọc Hoàng Thượng Đế với cung vàng điện ngọc rập theo khuôn mẩu thiên cung theo trí tưởng tượng của các nghệ sĩ Tây phương để làm vừa lòng các giáo chủ ham mê xa hoa quyền quý. Phật từ bỏ địa vị Thái Tử và ngai vàng trong tương lai không phải là để làm vua, khoan nói là vua của các vua. Trong truyền thống đạo Phật, cũng như đạo Khổng, đạo Lão, không hề có chuyện thay vì gọi kẻ đứng đầu một tôn giáo là giáo chủ, trưởng lão, giáo phụ, tổ, tăng thống... thì người ta gọi vị đó là 'giáo hoàng', nghĩa là hoàng đế của vương quốc tôn giáo như Công giáo Vatican.

 

GIẢI NGHIỆP

Phật tử là người có tâm nguyện theo đạo Phật, nghĩa là nương theo con đường Phật đã đi qua.

Người Việt đa số vẫn nghĩ ở đời muôn sự của chung, hay ngàn muôn năm âu cũng thế ni. Hay nói như nhà bác học Lavoisier, chẳng có gì diệt, chẳng có gì sinh. Thành trụ hoại không chỉ là biến tướng của nghiệp. Nghiệp là nguồn của mất còn sinh diệt, nghiệp là nguồn của trầm luân đau khổ. Con đường Phật đi là con đường dẫn ra khỏi nghiệp đạo. Con đường Phật đi là con đường dứt nghiệp, chuyển nghiệp để đoạn lìa tái sinh, để ra khỏi cái vòng sinh diệt, cái vòng mất còn có không. Chuyển được nghiệp là thoát được luân hồi, dứt được nghiệp là dứt được luân hồi.

Hai điểm đặc thù bất nhị của đạo Phật là thứ nhất, con người có thể tự mình ra khỏi xa lộ một chiều sinh diệt, và thứ hai, con người có thể làm được chuyện đó ngay trong kiếp này, ngay trong cuộc đời hiện tại. Bằng cách nào? Bằng 84.000 cách, nghĩa là có đến 84 ngàn bảng chỉ đường, hay 84 ngàn cách đi! 

Giữ năm giới nghe đã nặng, huống nữa là 84 ngàn giới. Cho nên, dù số 84.000 là một con số tượng trưng ví von chăng nữa thì cụm từ 'tám vạn bốn ngàn pháp môn' cũng đủ làm gây chới, vừa tạo tuyệt vọng vừa gây hi vọng.

Trong rừng pháp trùng trùng mênh mang ấy, làm sao khỏi lạc? Cuộc tranh luận cần cù lau gương sáng giữa Thần Tú và Huệ Năng, hay mẩu đối thoại khai tâm giữa sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Khả đã đem lại một hi vọng cho người đang chới với trước rừng pháp. Hi vọng của một đồ tễ nháy mắt buông dao. Hi vọng của con đường trung dung vô cầu, làm mà không bám vào thành quả, tu mà không bám vào chánh quả, hành mà không bám vào phước đức, giác ngộ bằng cách cùng giác ngộ với kẻ khác, như người trên thuyền, muốn đến bến thì cùng chèo với kẻ khác, chèo cho kẻ khác trên thuyền. Nhìn theo quan điểm trung dung vô cầu đó thì trong hoàn cảnh hôm nay, con đường tu tập và hành đạo của các hàng Phật tử cũng có thể tóm lược vào ba điểm, đó là giải nghiệp, giải thực và giải hoặc. 

Tam giáo đồng hành. Đạo Phật và đạo Khổng là những hệ thống tư tưởng chuẩn bị cho con người vào đời và ở đời một cách có ý nghĩa và có trách nhiệm, trong khi đạo Lão chuẩn bị cho con người ra khỏi cuộc đời mà không tiếc nuối hay bất mãn oán hận. Quan niệm duyên nghiệp của đạo Phật chú trọng vào cách con người đến với đời. Quan niệm tam cương ngũ thường của đạo Khổng chú trọng vào con người ở đời, và quan niệm vô vi của đạo Lão chỉ cách cách rút lui khỏi cuộc đời.

Dù truyền thống Việt Nam là 'tu đâu cho bằng tu nhà' hay 'tu nhà tu chợ tu chùa', nhưng xuất gia là lối tu hành gắt gao nhất, đòi hỏi một quyết tâm cao, được coi là lý tưởng nhất, chắc ăn nhất. Chính quyết tâm này tạo nên giá trị của người xuất gia. Chính quyết tâm giữ Ba La Đề Mộc Xoa đã biến hàng xuất gia thành một trong ba báu vật tối thượng của Phật tử. Và dĩ nhiên chư tôn túc tăng ni cũng hiểu rõ xuất gia hay tu chùa là tự nguyện chứ không phải là một tình nguyện hi sinh như kiểu đi kháng chiến, đi làm cách mạng, đi làm việc thiện hoặc đi nghĩa vụ quân sự. Phải hiểu rõ điều đó để khỏi sai lầm trong sự nghiệp pháp thí, đức thí cho hàng Phật tử sơ cơ.

Đã tâm nguyện theo Phật không thể không nhớ nếu Phật cũng ưa nhàn hạ thong dong thanh nhàn thì xong 49 ngày đêm nhập định thành công, Phật cứ đi tuốt về Niết Bàn cho yên thân. Hoặc nếu Phật cũng nghĩ ai làm gì mặc ai mình lo tu thân mình trước đã, thì sau khi giác ngộ và tiếp đó là 21 ngày đêm trăn trở tiến hay lùi, nhập hay xuất, hay ít ra sau thời pháp đầu tiên cho U Ba Ca về nghiệp lực và giải nghiệp, hay sau thời pháp thứ hai kế tiếp cho năm anh em đồng chí cũ Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, Phật cứ ngồi một chỗ nhờ họ chạy vạy kiếm tiền xây chùa và chờ đàn na tín thí đến dâng cúng cái ăn, cái mặc, cái ở để Phật khỏi phải hàng ngày ôm bình bát lặn lội tìm về thế nhân để bố giáo suốt 45 năm? Cho nên, Phật là một kẻ lữ hành nhập thế chứ không phải lánh xa phồn hoa đô hội để trốn nợ đời. Đã lên đỉnh cao để 'trường khiếu nhất thanh hàn thái hư' rồi thì phải trở về phồn hoa vinh nhục. Đã nhảy qua bờ giác thì cũng phải nhảy trở lại bờ mê để độ những kẻ còn mê. Trong cương vị một vị thầy, một tấm gương sáng.

Phật không tu dùm cho ai cả. Phật không tự nhận là đấng cứu thế và cũng không ra điều kiện cho bất cứ ai nếu chịu nhận Phật là đấng tối cao thì sẽ được đương nhiên lên Niết Bàn. Phật là kẻ đã đi, đã đến, và Phật chỉ đường cho mà đi, chỉ đích cho mà đến, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm. Phật không có quyền bắt ai xuống địa ngục vì không chịu nhận Phật là Phật, vì không chịu rửa tội theo Phật.

Con đường Phật đi là con đường tìm đến thế nhân để cho và nhận. Cho giáo pháp và nhận thực phẩm, áo quần, thuốc men, nơi trú ngụ. Phật là kẻ tay làm hàm nhai đúng với nguyên tắc bất tác bất thực. Bởi vì thường xuyên dấn thân vào đời nên những điều Phật dạy luôn thiết thực, cập nhật, sống động và rất có lý và rất người. Do đó mà ngay sau khi Phật niết bàn, kỳ kiết tập thứ nhất do A Nan chủ trì chỉ chú trọng vào luật và kinh. Bao nhiêu năm sau Luận tạng mới được triển khai. Bởi thánh chúng cũng đã hiểu ý Thầy chú trọng đến những gì thiết thực, cập nhật và sống động, để làm chứ không để nói, ta làm được mình làm được chứ không phải đợi thành thánh rồi mới làm mới giữ.

Con đường Phật đi là con đường hành động, chứ không dậm chân tại chỗ. Trên con đường vừa đi vừa tu, đi không biết bao giờ đến, tu không biết bao giờ thành đó, những người có tâm nguyện theo Phật chỉ có thể nói mình đang LÀM Phật tử, chứ không dám chắc mình đã LÀ Phật tử. Làm đến đâu hay đến đó, quý hồ là quyết chí làm và quyết chí tu. Trên con đường đó, Phật tử gặp chính mình, gặp tha nhân và có duyên may thì gặp được những người đã đến đích, như những đệ tử của chư Phật, chư Tổ thời quý ngài còn tại thế.

Vô cầu là con đường tự giác nhi giác tha. Bởi lý, có xác thân là có trú sở, có trú sở là có quê hương tổ quốc. Hành vô hành, tu vô cầu là bí quyết làm Phật tử, quyết sống cho ra người của Phật tử Việt Nam, nhất là trong những thời kỳ nhiễu nhương cần chung sức đoàn kết để cứu cá nhân mình, cứu gia đình, cứu quê hương. Phật tổ cũng là Phật tổ Hồng Bàng thị như thi sĩ cách mạng Nguyễn Quyền trong phong trào Duy Tân ngày xưa từng nói. Trong lúc sơn hà nguy biến thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê hay thời kháng chiến chống thực dân, người Phật tử, sáng tụng kinh trưa ra trận, chiều sống sót trở về, cơm nước xong, tối tụng kinh đi ngủ để ngày mai tiếp tục... Đó là nhịp sống và chiến đấu đặc thù của Phật tử Lý, Trần, Lê.

Phật tử vẫn tự hào đạo Phật là đạo của bảy, tám mươi phần trăm công dân và có lúc nào thống tâm tự hỏi sao bảy, tám mươi phần trăm ấy có thể để cho những vụ như vụ Năm Cam hay PMU 18 xảy ra không? Chư tôn túc tăng già, thân chính cũng như đối chính, đã có một cảnh giác nào về những vụ này không hay chỉ đợi cho Năm Cam bị xử tử rồi làm lễ cầu siêu, và các tòng phạm ở tù rồi mới làm lễ cầu an?

*

HOÀNG NGUYÊN NHUẬN

Địa chỉ(đang cập nhật).

Email(đang cập nhật).

Điện thoại(đang cập nhật).

 

 

 

 

 

- TRẦN ANH QUÂN giới thiệu -

(Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 01.12.2020.

Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

.

0 comments:

Đăng nhận xét