THƠ TRIẾT LÝ VỀ TÌNH YÊU ĐÔI LỨA
GIỮA KIM TRỌNG VÀ THÚY KIỀU
*
(Tác giả Lê Thanh Long) |
Kim
Trọng và Thúy Kiều Kiều gặp nhau trong Lễ tảo mộ và Hội đạp thanh “44. Lễ
là tảo mộ hội là đạp thanh”. Tình yêu của “người quốc sắc” và “kẻ thiên tài”
đến nhanh như tia chớp “163. Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như
đã mặt ngoài còn e”. Nàng Kiều trở về nhà mà lòng “ngổn ngang trăm mối bên lòng”,
lòng tự hỏi lòng “181. Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì
hay không?” Nàng Kiều nghĩ vơ vẩn suốt đêm không ngủ, tới tận sáng “241. Hiên
tà gác bóng nghiêng nghiêng/ Nỗi riêng, riêng chạnh tấc riêng một mình”. Nguyễn
Du buông một câu thơ triết lý, bình luận về việc này “243. Cho hay là
giống hữu tình/ Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong”. Mới biết, “cho hay”, “là” cái “giống”
có tình ý với nhau rồi, “hữu tình”, thì “đố ai” có thể “gỡ” cái “mối” tơ tình
ràng buộc với nhau như “tơ mành” đó ra “cho xong” được.
Nỗi
tương tư của chàng Kim còn ghê gớm hơn “245. Chàng Kim từ lại thư song/
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây/ Sầu đong càng khắc càng đầy/ Ba thu
dồn lại một ngày dài ghê”. Chàng sống, đi về trong cõi hồng trần, mà suốt đêm
ngày lúc nào cũng nghĩ đến nàng, mơ tưởng đến nàng, bỏ cả đàn hát, học hành,
đối với chàng bây giờ, ngoài nàng Kiều ra, không còn cái gì để chàng chú ý đến
nữa “249. Mây Tần khóa kín song the/ Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao/
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao/ Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng/ Buồng
văn hơi giá như đồng/ Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan/ Mành tương phất
phất gió đàn/ Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”.
Chàng si tình Kim
Trọng than “257. Ví chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành
trêu ngươi”. Rồi chàng quyết chí đi tìm nàng “265. Nghề riêng nhớ ít tưởng
nhiều/ Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”. Nguyễn Du buông một câu thơ triết lý
đùa vui về anh chàng si tình này “269. Lơ thơ tơ liễu buông mành/ Con oanh
học nói trên cành mỉa mai”.
Sau hai tháng “mai
phục” ở gần nhà nàng, một buổi nọ, thoáng thấy “có bóng hồng thướt tha”, khi
chàng chạy ra thì đã không thấy đâu nữa “người đà vắng tanh”, chỉ thấy cành kim
thoa trên cây đào, chàng liền “295. Giơ tay với lấy về nhà/ Này trong khuê
các đâu mà đến đây/ Gẫm âu người ấy, báu này/ Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai
cầm”. Chàng Kim nghĩ không phải duyên phận với nhau, sao cành kim thoa này lại
rơi vào tay mình. Rồi chàng tương tư không ăn không ngủ, chỉ ngắm nghía cành
kim thoa “299. Liền tay ngắm nghía biếng nằm/ Hãy còn thoang thoảng hương
trầm chưa phai”.
Sau đó hai người
gặp nhau, trao nhau của tin “352. Một lời vàng tạc đá vàng thủy chung/
355. Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Từ ấy Kim -
Kiều luôn nhớ nhau ngơ ngẩn, mà không có dịp gặp nhau “363. Từ phen đá
biết tuổi vàng/ Tình càng thấm thía lòng càng ngẩn ngơ”. Nguyễn Du hạ một câu
thơ tuyệt hay, nói về sự xa cách một cách hình tượng, một con sông tương tư,
với một con sông Tương thật “nông sờ”, trông thấy đáy, sờ thấy đáy, mà người ở
bên này, người ở bên kia, không đến được với nhau, chỉ biết chờ đợi nhau “365. Sông
Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”.
Một dịp may hiếm
có, cả nhà về dự lễ sinh nhật bên nhà ngoại, nàng Kiều có dịp đến với chàng Kim
“377. Thời trân thức thức sẵn bày/ Gót sen thoăn thoát dạo ngay mé tường/
Cách hoa sẽ dắng tiếng vàng/ Dưới hoa thấy đã có chàng đứng trông”. Chàng Kim
trách yêu nàng Kiều “381. Trách lòng hờ hững với lòng/ Lửa hương chốc để
lạnh lùng bấy lâu/ Những là đắp nhớ đổi sầu/ Tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa
râm”. Nàng Kiều thanh minh khéo với chàng “385. Nàng rằng: Gió bắt, mưa
cầm/ Đã cam tệ với tri âm bấy chầy/ Vắng nhà được buổi hôm nay/ Lấy lòng gọi
chút ra đây tạ lòng”. Nàng Kiều chủ động “sấn tay mở khóa động đào” để hai
người cùng vào cõi Thiên Thai “391. Sấn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông
tỏ lối vào Thiên Thai”. Nàng Kiều thể hiện tài thơ họa của mình khi nhận xét
bức tranh tùng của chàng Kim. Bức tranh lột tả “được vẻ thiên nhiên” chịu gió
sương, “phong sương”, của cây tùng và tỏ lời khen ngợi nét bút mặn mà, ý nhị, “mặn
khen nét bút càng nhìn càng” thấy “tươi”. Chàng Kim khen tài nàng Kiều hơn cả
nàng Ban Siêu và Tạ Đạo Uẩn, hai người có tiếng văn hay, chữ đẹp “405. Khen:
Tài nhả ngọc phun châu/ Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này/ Kiếp tu xưa ví chưa
dày/ Phúc nào đổi được giá này cho ngang”. Chàng Kim vui mừng nói rằng: Nếu tôi
“kiếp” tu trước, “tu xưa”, “ví” bằng “chưa” tu được “dày”, thì làm gì có cái “phúc
nào” sánh ngang để “đổi được” cái “giá này”, cái giá có được người xứng đáng
như nàng “cho ngang”.
Nàng Kiều cũng dùng
những lời có cánh để khen chàng Kim “409. Nàng rằng: Trộm liếc dung quang/
Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn/ Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn
xanh biết có vuông tròn mà hay”. Rồi nàng nghĩ đến lời thày tướng số đoán vận
mênh cho mình “413. Nhớ từ năm hãy thơ ngây/ Có người tướng sĩ đoán ngay
một lời/ Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Nàng
lo lắng cho tương lai, cho nhân duyên của mình “417. Trông người lại ngẫm
đến ta/ Một dày một mỏng biết là có nên”. Chàng Kim động viên, an ủi nàng Kiều
và tỏ rõ lòng quyết tâm đi đến cùng “419. Sinh rằng; Giải cấu là duyên/
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều/ Ví dù giải kết đến điều/ Thì đem vàng
đá mà liều với thân”. Trong thâm tâm nàng Kiều vẫn phân vân và lo ngại về mối
lương duyên của mình “443. Bây giờ rõ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng
là chiêm bao”.
Sau đó đôi trai gái
ghi lời thề ra hai tờ giấy hoa tiên, cắt tóc ăn thề “đinh ninh hai miệng một
lời song song” có vầng trăng giữa trời chứng giám “447. Tiên thề cùng thảo
một chương/ Tóc mây một món dao vàng chia đôi/ Vầng trăng vằng vặc giữa trời/
Đinh ninh hai miệng một lời song song/ Chén hà sánh giọng quỳnh tương/ Dải là
hương lộn bình gương bóng lồng”. Nguyễn Du tả hai người đứng trước gương, như
thể ngày nay ta đang chụp một bức ảnh chung.
Rồi nàng Kiều gảy
đàn cho chàng Kim nghe, niềm vui của đôi trai gái vừa mới bắt đầu, thì tin dữ
đưa đến, chàng Kim phải về Liêu Dương xa xôi chịu tang chú. Đôi trai gái dặn dò
nhau và chàng Kim hứa hẹn một lòng chung thủy và dặn dò nàng Kiều mọi điều và
giữ lòng chung thủy “539. Sự đâu chưa kịp đôi hồi/ Duyên đâu chưa kịp một
lời trao tơ/ Trăng thề còn đó trơ trơ/ Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng/ Ngoài
nghìn dặm chốc ba đông/ Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy/ Gìn vàng giữa ngọc
cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Nàng Kiều “ruột rối bời bời”
than thở “549. Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”
và nàng hứa với chàng Kim “551. Cùng nhau trót đã nặng lời/ Dẫu thay mái
tóc dám dời lòng tơ/ Quản bao tháng đợi năm chờ/ Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót
thầm/ Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”. Và nàng
Kiều còn nhắn nhủ khéo chàng Kim là không biết khi trở về còn nhớ đến người hôm
nay nữa không “557. Còn non còn nước còn dài/ Còn về còn nhớ đến người hôm
nay”. Và nàng nhớ đến những lời nhắn nhủ trân trọng của chàng Kim mà “châu sa
mấy hàng” “559. Dùng dằng chưa nỡ rời tay/ Vầng đông trông đã đứng ngay
nóc nhà/ Ngai ngùng một bước một xa/ Một lời trân trọng châu sa mấy hàng”.
Nỗi lòng của chàng
Kim khi chia tay “563. Buộc yên quẩy gánh vội vàng/ Mối sầu sẻ nửa bước
đường chia hai/ Buồn trông phong cảnh quê người/ Đầu cành quyên nhặt cuối trời
nhạn thưa”. Nguyễn Du nhận xét về nỗi lòng của chàng Kim “567. Não người
cữ gió tuần mưa/ Một ngày nặng gánh tương tư một ngày”. Và tâm trạng của nàng
Kiều “569. Nàng thì đứng tựa hiên tây/ Chín hồi vấn vít như vầy mối tơ/
Trông chừng khói ngất song thưa/ Hoa trôi dạt thắm liễu xơ xác vàng”.
Nguyễn Du thật là
kỳ công, sâu sắc và cao tay, ông mô tả mối tình quá sâu sắc, quá nặng lòng, hứa
hen chung thủy giữa đôi trai gái Kim - Kiều. Càng sâu sắc, càng nặng lòng, càng
hứa hẹn bao nhiêu thì sau này càng đau khổ, ân hận bấy nhiêu.
*.
LÊ THANH LONG
Địa chỉ: Phòng 1132, nhà
HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,
xã
Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Email: lethanhlong321@gmail.com
Điện thoại: 0822.098.772
...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
12.10.2020
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét