NHẬN ĐỊNH VỀ BÀI VIẾT ‘SỨC MẠNH CỦA CHỦ NGHĨA NGU DÂN’ CỦA DƯƠNG THU HƯƠNG - Tác giả: Chu Tất Tiến (Hoa Kỳ)

Leave a Comment

 


NHẬN ĐỊNH VỀ BÀI VIẾT

‘SỨC MẠNH CỦA CHỦ NGHĨA NGU DÂN’

CỦA DƯƠNG THU HƯƠNG


(Tác giả Chu Tất Tiến)

Tuần lễ cuối tháng 11 năm 2023, khi tiếng bom đạn đang dội lên từ phía Do Thái và dải Gaza, dư luận trên các văn đàn Việt đột ngột bùng lên với những bài xã luận, nhận định về bài viết của Dương Thu Hương: Sức Mạnh của Chủ Nghĩa Ngu Dân, dù bài này đã đăng trên Việt Báo, Nam California từ ngày 3 tháng 7 năm 2014, với người ký tên là Sơn Diệu Mai (Dương Thu Hương).

https://vietbao.com/a223646/suc-manh-cua-chu-nghia-ngu-dan

Đọc những lời nhận định phía dưới bài báo và một số bài phản biện của các tác giả thuộc Cộng Đồng Việt Di Tản trên hệ thống Email, người ta thấy hầu như tất cả đều không chấp nhận lý luận của Dương Thu Hương, chỉ trừ một tiếng nói lẻ loi cất tiếng hoan hô “lý lẽ sắc bén như dao cạo” của tác giả.

Riêng người viết bài này, sau khi đọc đi đọc lại vài lần bài viết của Dương Thu Hương, đã nhìn thấy một số điểm quan trọng trong lý luận của bà, từ những nhận định có tính trung thực, đến các suy nghĩ còn lờ mờ, và trên hết là các tư duy hoàn toàn sai lịch sử, có lẽ vì bà bị nhồi sọ từ nhỏ trong chế độ Cộng Sản, nên cho dù sau này có phản tỉnh, cũng không tránh khỏi những kẽ hở không sao lấp đầy, những sai phạm không thể sửa chữa. Dĩ nhiên, đó là một sự kiện “logic”, vì là một con người có tim óc, có tình cảm, có suy tư, thì không thể một sớm một chiều, tẩy đen thành trắng được.

Vì thế, bài viết này mang theo một mong muốn là gửi đến một vài thông tin trung thực cho tác giả, để tác giả tự suy nghĩ và điều chỉnh lại những điểm còn lấn cấn trong suy tư của mình, hầu có được một chỗ đứng vững vàng trong diễn đàn Văn Học của một người Việt công chính. Với tâm tư của một người viết Văn nhìn vào lịch sử Việt Nam bằng trái tim Quốc Gia chân chính, người viết bài này cố gắng trình bầy quan điểm một cách khách quan, không thiên vị, không hận thù, không cay đắng cho dù là kẻ đã bại trận vì bị đồng minh phản bội.

Bài viết của Dương Thu Hương có những điểm nổi bât sau đây:

 

1- Chân thực: Phải công nhận rằng Dương Thu Hương đã thẳng thắn phê bình cuộc chiến một cách mạnh bạo. Bà cũng không tỏ ra môt chút nào kiêng nể nhóm Việt Kiều Yêu Nước cũng như giới lãnh đạo và tướng lãnh Cộng Sản Việt Nam. Điều này đã giải tỏa được một số câu hỏi của một số người Quốc Gia là có thể bà được sang Pháp với nhiệm vụ “nằm vùng, gián điệp”.

- Tôi biết rõ rằng, đối với nhóm Việt kiều này cuộc chiến tranh chống Mỹ là cần thiết, là niềm kiêu hãnh, là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, đó là sự nhầm lẫn lớn nhất trong lịch sử, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất, tàn khốc nhất đã xảy ra trong một tình thế đen trắng lẫn lộn, các khái niệm bị đánh tráo, kẻ tham gia cuộc chiến ởphía Bắc nhầm lẫn do trói buộc bởi ngôn từ, kẻ tham chiến ở phương Nam bị cuốn vào dòng chảy của cuộc Chiến tranh Lạnh, và cả hai bên đều bị đặt vào thế đã rồi.

- Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là bài học đau đớn nhất, nhục nhã nhất cho dân tộc Việt Nam, mà kẻ chịu trách nhiệm không chỉ là người Mỹ mà còn là chính những người lãnh đạo cộng sản phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh ấy, dân tộc Việt tự biến mình thành vật đệm giữa hai toa tầu, là đám lính đánh thuê cho hai hệ thống tư tưởng trái chiều đang tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh.

- Đám tướng lĩnh không dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng đều hiểu ngầm rằng lãnh tụ của họ là một kẻ vĩ cuồng. Nhờ Đường nói với ông bạn của Đường là về Việt Nam chớ mở mồm mà bảo mấy ông tướng là ngu. Bởi vì, rất nhiều hạ sĩ quan thời đó (trung uý, đại uý, thiếu tá…) biết rõ rằng sinh mạng họ được bảo tồn là nhờ những ông tướng thực sự thương lính và không ham thành tích như tướng Vũ Lăng. Bây giờ, nếu không giải ngũ họ cũng đã leo lên đại tá hoặc thiếu tướng. Nếu ông Y mở mồm bảo tướng của họ là thằng ngu hẳn họ sẽ cho một báng súng vào đầu, hiền hoà nhất họ cũng khạc vào mặt.

- Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Khổ nạn Thuyền nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối. Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp.

- Tôi đã thuật lại cho họ nghe sự tổn thất to lớn của dân tộc khi những người lãnh đạo mắc chứng vĩ cuồng. Rất nhiều trận xảy ra khi lực lượng trinh sát thăm dò địa hình địa vật không kỹ, bộ phận hậu cần chuẩn bị khí tài chưa đủ nhưng cấp chỉ huy ham lập thành tích nên cứ đẩy lính ra chiến trường, kết quả là đại bại. Trong khi ở chiến trường xác lính chết ngập suối, nước không chảy được, chim cắt chim kền kền ăn thịt no đến mức không bay lên nổi, lệnh ở Hà Nội vẫn tiếp tục giục tấn công.

- Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng, thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm. Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.

 

2 - Rất tiếc, là văn phong của bà vẫn là văn phong huyên hoang của những kẻ tự coi mình như “cái rốn của vũ trụ”, coi thường tất cả mọi sự việc trên đời, muốn tư tưởng của mình là Kim Chỉ Nam cho mọi thời đại:

-Vì lẽ ấy, theo tôi, cả người thắng lẫn người thua phải biết sám hối, và nếu muốn lật trang cho lịch sử đất nước, trước hết kẻ thắng phải biết câm mồm lại đừng huyênh hoang nữa; còn kẻ thua cũng phải biết câm mồm lại, thôi chửi rủa, cả hai phía không nên tiếp tục đào bới cái thây ma lên mà ngửi. 

Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, cự bất khả tri không chỉ xẩy ra giữa hai nền văn hoá Đông-Tây mà còn xẩy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một dòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới…

Dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Anbert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.”

Thứ ngôn ngữ ồn ào, khoa trương này không hề có trong các tác phẩm của những Nhà Văn nổi tiếng trên thế giới như Jean Paul Sartre, Maxim Gorki, Herman Hess, Ernest Hemingway, Mart Twain, Leon Tolstoi. Các nhà văn nổi tiếng của miền Nam cũng không hề có loại ngôn ngữ khoa trương này.

 

3 - Sai lạc:

a) Sai lạc thứ nhất: Cũng trong câu viết: “còn kẻ thua cũng phải biết câm mồm lại, thôi chửi rủa, cả hai phía không nên tiếp tục đào bới cái thây ma lên mà ngửi.”, Dương Thu Hương đã chứng tỏ là nhận thức của Bà yếu kém. Giữa những nhận định trí thức, bà vẫn để lộ ra cái gốc “bần cố nông”, từng vén quần lên tận bẹn, hướng sang hàng xóm mà chửi kiểu “mất gà”, mong rằng những câu chửi thâm độc của mình phóng ra như những mũi tên độc làm kẻ thù lăn đùng ra mà chết. Thế nào là “đào bới cái thây ma lên mà ngửi”? Thây ma nào? Bà cho rằng chế độ Miền Nam là một cái thây ma chăng? Bà quên rằng, chỉ có Việt Nam Cộng Hòa mới là quốc gia được 92 nước thuộc đủ Năm Châu, đặt quan hệ ngoại giao cấp Đại Sứ (kể cả Vatican), và 3 quốc gia đặt quan hệ cấp Lãnh sự.

Châu Á: Ả Rập Xê Út, Ấn Độ (cấp lãnh sự), Hàn Quốc, Indonesia (cấp lãnh sự), Iran, Israel, Jordan, Kuwait, Lào, Liban, Malaysia, Cộng hòa Khmer, Miến Điện (cấp lãnh sự), Nepal, Nhật Bản, Philippines, Qatar, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Trung Hoa Dân Quốc, Bahrain.

Châu Âu: Cộng hòa Ireland, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Áo, Iceland, Bỉ, Bồ Đào Nha, Síp, Đan Mạch, Tây Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Luxembourg, Monaco, Na Uy, Pháp, San Marino, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, và Ý.

Châu Mỹ: Argentina, Bolivia, Brasil, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, El Salvador, Canada, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Hoa Kỳ, Honduras, Jamaica, Mexico, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Trinida, Tobago, Uruguay, và Venezuela.

Châu Phi: Ethiopia, Gambia, Ghana, Botswana, Tchad, Swaziland,  Kenya, Lesotho, Liberia, Malawi, Maroc, Niger, Nigeria, Rwanda, Sierra Leone,  Thượng Volta, Togo, Cộng hòa Trung Phi, Tunisia, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Nam Phi, và Zaire.

Châu Úc: Fiji, New Zealand, Tây Samoa, Tonga, Úc.

Việt Nam Cộng Hòa là môt quốc gia Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập thực sự, có Tam Quyền Phân Lập minh bạch. Dân chúng được tự do bầu các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, không có Đảng nào chỉ thị hoặc ép buộc. Tự do di chuyển và cư trú, tự do tư tưởng, tự do phát biểu (trừ phát biểu tư tưởng Cộng Sản), tự do chọn lựa khuynh hướng chính trị. Nông dân được hưởng chính sách “Người cầy có ruộng”, đời sống công nhân được bảo đảm. Kinh tế vững vàng. Vì thế đồng bạc Việt Nam Cộng Hòa được coi trọng trên khắp thế giới, một Đô La Mỹ chỉ ăn khoảng 40-50 đồng bạc Việt Nam mà thôi. 

Ngược lại, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa miền Bắc của bà chỉ được Trung Cộng, Liên Xô và vài nước nô lệ, chư hầu Cộng Sản công nhận như CHDCND Triều TiênĐông Đức, Tiệp Khắc,  RomaniaBa LanHungary , Bulgaria, Albania, Mông Cổ. Ấn Độ cũng chỉ giao dịch cấp Lãnh Sự. Đồng bạc miền Bắc hoàn toàn vô giá trị với thế giới, cho dù có đổi 1 triệu đồng lấy 1 đô la Mỹ cũng không ai nhận. 

Như thế, sao bà lại gọi chế độ Việt Nam Cộng Hòa là “thây ma?”

b) Sai lạc thứ hai: Trong bài viết, Dương Thu Hương luôn gọi cuộc chiến 1954-1975 là “Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ”. Điều này lại chứng tỏ là tác giả bị nhồi sọ từ thuở mới sinh đến già, không thể tẩy não được.

Việt nào? Mỹ nào? Bà viết ù ù cạc cạc, không dám nói thẳng ra là cuộc chiến xâm lăng do Cộng Sản Việt Nam tức Việt Cộng, được lệnh từ Trung Cộng và Liên Xô, tấn công vào chính thể Việt Nam Cộng Hòa, được sự “yểm trợ giai đoạn” của Mỹ và Đồng Minh. Nói là “yểm trợ giai đoạn” vì Mỹ chỉ yểm trợ Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 đến 1971, rồi từ từ ngưng viện trợ. Đến 1973, sau khi buộc miền Nam phải ký hiệp ước đầu hàng 1973, thì hoàn toàn rút quân đội ra khỏi miền Nam và chấm dứt viện trợ. Sau 1973, không còn quân nhân Mỹ nào ở miền Nam, mà miền Bắc vẫn tiếp tục tấn công, như vậy mà dám viết là “cuộc chiến tranh Việt-Mỹ” thì kể ra Dương Thu Hương đã bị “tẩu hỏa nhập ma” khá nặng.

Với tình trạng “tẩu hỏa, nhập ma” này thì cũng dễ hiểu khi Dương Thu Hương viết: chiến tranh Việt-Mỹ, mỗi lần B52 bay qua, chỉ hai ba phút, dân thường, thanh niên xung phong chết hai trăm, ba bốn trăm, thậm chí nơi đông hơn sáu trăm người. Nếu mà chết nhiều như vậy chỉ trong hai, ba phút, thì với hơn 17 năm Mỹ chiến đấu ở Việt Nam, có cả chục triệu người thanh niên, nam nữ “Sinh Bắc, Tử Nam” chết tan nát. Miền Bắc trống rỗng, hết dân.

Cuối cùng, điều lộ ra quá khứ đồng quê của Dương Thu Hương là khi bà dịch các câu hỏi của một nhà văn Pháp: “Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?”, “Mày không đùa đấy chứ?”

Thực tế, chỉ những người nhà quê, nhà mùa mới dịch chữ “vous” là “mày”! Ngôn ngữ Việt chính thống có thiếu gì chữ để dịch chữ này một cách văn hoa, lịch thiệp. Tội nghiệp cho nhà văn lớn tuổi, viết lách tửng tửng.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Các bài viết của (về) tác giả Chu Tất Tiến0

- Các bài viết của (về) tác giả Quách Hạo Nhiên0

- Các bài viết của (về) tác giả Sương Nguyệt Minh0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe VN Thu Quan đọc truyện ngắn

“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

 

CHU TẤT TIẾN (sinh năm 1945 tại Hà Nội)

Định cư tại: Quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Email: vietnguyen2016@aol.com.

 

 


 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 12.09.2024.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét