GIỚI HẠN VỚI
NHỮNG CÁI “NHƯNG”
*
Nỗ lực
vươn đến những mục tiêu cao đẹp, luôn luôn là động lực sống của hầu hết mọi con
người, mọi quốc gia. Tuy nhiên, đó cũng còn là một “cuộc chiến” gian khổ, mà
không phải lúc nào cũng thành công. Les Brown (1945)-nhà diễn thuyết, tác gia,
chính trị gia người Mỹ, cho rằng: “Giới
hạn duy nhất cho những triển vọng của ngày mai là những cái “nhưng” bạn sử dụng
hôm nay”. Vậy thì những cái “Nhưng”
cụ thể của ngày hôm nay là gì? Rõ ràng để tránh hoang tưởng, gây ra đổ vỡ-bi
kịch, nhất thiết phải nhận ra đầy đủ những cái “Nhưng” đang bủa vây chủ thể, để
rồi thấy được cái giới hạn đang chờ đợi kia. Từ đó nhận ra những vật cản, những
hạn chế, cũng như những mục tiêu khả thi, hay bất khả thi. (Tác giả Dương Quốc Việt)
Quả
thật, chính những cái “Nhưng” đã tạo ra những bức tường cản ngăn, thậm chí đôi
khi còn chặn đứng những nỗ lực của con người, đến với những mục tiêu. Vậy rút
cục những cái “Nhưng” thường xuất phát từ đâu? Thật không khó để nhận ra, chúng
thuộc về chủ thể, hay thuộc về khách quan, những cái “Nhưng” hiển hiện, hay
cũng có thể tàng ẩn, không dễ thuyết phục, không dễ thừa nhận, không dễ nhận
ra...
Một
người quyết chí luyện quặng để lấy vàng, nhưng tiếc thay thứ mà anh ta đang
luyện lại chỉ là những quặng sắt. Bởi thế mà mục đích ra vàng không thể đạt
được. Nhưng thật trớ trêu, câu chuyện “luyện sắt thành vàng”, lại không hiếm
xảy ra trong lịch sử và trong cuộc sống. Đó chính là những đeo đuổi các mục
tiêu bất khả thi, không xuất phát từ thực tế, hay không đánh giá đúng thực tế.
Và chính những điều này, đã từng gây nên những cảnh đau thương, tang tóc cho
hàng triệu người.
Nguyên
nhân của hiện tượng trên, có thể do người ta không nhận ra-cái vật liệu đang
được luyện kia chỉ là quặng sắt. Hoặc còn là do: “Đôi khi người ta không muốn nghe sự thật, bởi vì họ không muốn ảo tưởng
bị đánh vỡ”, như Friedrich Nietzsche (1844-1900)-triết gia, nhà văn, nhà
phê bình văn hóa Đức-người có ảnh hưởng sâu sắc tới nền triết học phương Tây,
đã chỉ ra. Và còn có một nguyên nhân khác, xuất phát từ động cơ tồi tệ của
những thế lực, những cá nhân, không chịu thừa nhận sai lầm, vòng vo lảng tránh
thực tế, cốt để trục lợi, hay giữ uy quyền.
Để đạt
được những mục tiêu nào đó, con người không chỉ gặp phải những trở ngại đương
nhiên, mà còn là những giới hạn. Tuy nhiên hành xử trước thực tế này, trong
phạm vi cá nhân, con người có thể mạo hiểm-dũng cảm, để vượt qua giới hạn.
Nhưng đối với những chủ thể hoạch định đường lối mang tầm quốc gia, thì việc
nhận ra những giới hạn, chính là điều sống còn, bởi nó không được phép phiêu
lưu-mạo hiểm. Điều đó, khiến họ bắt buộc phải nhận ra đầy đủ những cái “Nhưng”,
tạo ra cái giới hạn kia.Tất nhiên sẽ có những cái “Nhưng” khách quan-tất yếu
không thể loại bỏ. Còn lại là những cái “Nhưng” chủ quan như luật pháp, thể
chế, hay chỉ là những yếu tố tâm lý, tính cách...
Rõ ràng
chỉ có nhận thức đầy đủ những cái “Nhưng” của ngày hôm nay, đặc biệt là những
cái “Nhưng” mang tính quyết định, thì mới có thế nhận ra cái giới hạn đang chờ
đợi ở phía trước. Và cũng cần lưu ý rằng, không phải giới hạn nào cũng có thể
vượt qua nhờ quyết tâm và nỗ lực. Vấn đề mấu chốt là cần phải loại bỏ tối đa
những cái “Nhưng” có thể.
Với phạm
vi cá nhân, đã có không ít những cuộc đời nỗ lực hết mình đi tìm cái đẹp, cái
bất biến, cái quy luật diệu kỳ..., thậm chí cả những điều tưởng như bình dị, để
rồi đến một lúc nào đó bỗng nhận ra:
"Ta ngỡ tưởng vươn tay hái được
Mà ngàn năm còn đứng giữa cheo leo..." (*).
Cũng
thật dễ hiểu, bởi bàn tay và cuộc đời thì ngắn, lại còn bị rào cản bởi biết bao
nhiêu những cái “Nhưng” khác nữa. Bởi vậy, đôi khi con người dường như không thể, thậm chí không bao giờ
chạm tới, cái mà chỉ có thể thấy được bởi khát vọng, ảo ảnh, hay đức tin.
Và phải
chăng sự ngộ ra cái cột mốc, cái giới hạn đang chờ đợi, cũng có giá trị như một
khám phá, một phần thưởng dành cho mọi kiếp người, đã khát khao và miệt mài
không ngừng nghỉ,vì những mục tiêu cao đẹp. Vì vậy, cái phút giây "ngộ
đạo" ấy, thật đáng yêu, đáng được trân trọng, đáng được tha thứ, đáng được
hưởng sự thanh thản biết bao! Khoảnh khắc ấy cũng đẹp như chính "cánh
hoa" không chạm tới được kia.
Cuộc
sống với những cái “Nhưng”, tạo nên những giới hạn, và cũng tạo nên những kỳ
tích. Nhưng quả thật, loài người không thể tha thứ, cho những thế lực tạo ra
những cái “Nhưng” cản ngăn sự phát triển của xã hội. Người ta một mặt luôn
khuyến khích sự nỗ lực lược bỏ những cái “Nhưng” không đáng có, mang đậm tâm lý
đặc thù như: tự ty, mặc cảm, sợ hãi..., mặt khác cũng kịch liệt lên án những
chủ thể hoang tưởng, bốc đồng, đốt cháy giai đoạn, dẫn dắt xã hội hướng đến
những mục tiêu nào đó, mà bất chấp hiện thực cùng khả năng thực tế. Đặc biệt
luôn dành sự quý trọng cho những cá nhân với những nỗ lực lớn lao, không chỉ
thành công vượt qua giới hạn, mà còn cả sự bất thành - để ngộ ra những giới hạn không thể vượt qua, trên con
đường chinh phục cuộc sống.
-----------------
(*) Được trích trong trường ca “Khúc hát hoa ban” của Đạo diễn
điện ảnh Mai An Nguyễn Anh Tuấn.
Mời thư giãn với nhạc
phẩm MỘT ĐỜI NGƯỜI MỘT RỪNG CÂY
của Tràn Long Ẩn, qua tiếng hát Hồng Nhung:
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ: Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.
....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 13.03.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích
đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét