TẬP THƠ ‘CHA KHÓC CON’
VÀ GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG
*
Lời Nói Đầu (Tác giả Phạm Đức Nhì)
Cách đây vài
tuần tôi có nhận được email của cô giáo Nguyễn Thị Hoàng (do Phú Đoàn -
chủ trang web Bâng Khuâng - chuyển) nhờ “phổ biến rộng rãi” để tìm người dịch
tập thơ Cha Khóc Con của nhà thơ Phạm Ngọc Thái sang Anh Ngữ đồng thời “chỉ
đường, vạch lối cho nhà thơ gửi tác phẩm đi tham dự giải Nobel quốc tế.”
Tôi đã
tra cứu và viết bài Phạm Ngọc Thái Và Giải Nobel Văn Chương để góp một phần nhỏ
trong việc “chỉ đường” để nhà thơ Phạm Ngọc Thái thực hiện ý nguyện của mình.
Độc giả có thể đọc bài viết theo link sau đây:
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2021/03/pham-ngoc-thai-va-giai-nobel-van-chuong.html
Tập thơ Cha
Khóc Con của Phạm Ngọc Thái (phiên bản Phú Đoàn chuyển cho tôi - được copy từ
Việt Nam Thư Quán) có 38 bài thơ (CHÚ THÍCH 1) ở dạng e-book. Để độc
giả tiện theo dõi, ở cuối bài viết có phần PHỤ LỤC gồm 38 tựa đề theo
đúng thứ tự và cái link dẫn đến e-book. Con số trong ngoặc đơn sau câu thơ được
trích dẫn chính là số thứ tự của bài thơ có câu thơ đó.
Một Số Ưu Điểm Của Tập Thơ
Đọc hết tập
thơ tôi thấy có một số ưu điểm quan trong sau đây:
1/ Ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu:
Cha Khóc Con
của Phạm Ngọc Thái thành công nhiều nhất ở chức năng truyền thông. Độc giả dễ
dàng hiểu được điều tác giả muốn nói, tâm tình tác giả muốn bộc lộ. Ngay cả khi
dùng chữ hơi vụng, làm mất đẹp câu thơ, độc giả cũng vẫn “bắt” được tâm ý của
ông.
Thí dụ:
Con mình vào với sử xanh
Bao giờ non nước tan tành
mới tan (1)
Điệp ngữ quá
vụng, câu thơ mất đẹp nhưng độc giả vẫn hiểu.
2/ Bút lực mạnh:
Khi làm thơ,
tác giả không xoay ngang, trở dọc, o bế, gò ép con chữ, câu thơ, đoạn thơ vào
một thủ pháp nghệ thuật nào. Nói theo ngôn ngữ phê bình có tính hài hước là ông
không thuộc nhóm những thi sĩ mắc bệnh táo bón – có khi cả buổi không rặn ra
một câu thơ.
Những suy
nghĩ, ý tưởng, tình cảm của ông tuôn xuống ngòi bút hay bàn phím tương đối dễ
dàng. Thời gian viết một bài thơ không lâu. Mấy chục bài thơ dài, bề thế trong
tập Cha Khóc Con ông hoàn thành chỉ trong 2 tháng 3 ngày - một thời gian kỷ
lục.
3/ Phóng khoáng trong việc áp dụng
luật vần
Cha Khóc Con
sử dụng 3 thể thơ: Lục bát vài bài, thơ mới trường thiên vài bài, còn lại là
thơ mới biến thể. Ngoài ra, tác giả còn pha trộn một số câu lục bát, thơ mới
trường thiên vào những bài thơ mới biến thể, không theo một quy củ nào để làm
hình thức thơ đa dạng hơn.
Thơ mới biến
thể của ông tương đối phóng khoáng trong việc áp dụng luật vần. Số chữ trong
câu thay đổi tùy hứng, rất nhiều chỗ gieo thông vận hoặc thông vận xa nên hội
chứng nhàm chán vần không đáng kể.
Ngay
cả trong thơ lục bát (6/8), khi “kẹt” ông cũng thoải mái đổi thành “lục thập
nhất”(6/11):
Thân thể cha đã héo mòn
Giờ lại phải gánh nỗi đau con, thành hai cuộc đời?
Khoan nói
đến hay dở, chỉ riêng thái độ mạnh dạn tháo bỏ cái gông cùm vần luật của ông đã
cho người đọc thơ “hơi khó tính” như tôi cái cảm giác thích thú và nể phục. Nếu
ông cải thiện để hình thức thơ thông thoáng hơn nữa cho “ăn nhịp” với những suy
nghĩ, ý tưởng, tình cảm đang tuôn xuống bàn phím thì - cộng với một nỗi đau,
một niềm uất hận to lớn nào đó trong cuộc đời – dòng cảm xúc của thơ sẽ rất
mạnh, cơ hội để bài thơ có hồn không nhỏ.
4/ Có cao vọng trong trò chơi văn
chương
Trong bài
Cha Vẫn Đây Mà Như Người Trong Mộ có 2 câu:
Nhưng khát vọng “danh” muôn đời bất diệt
Cha đã làm... đeo đẳng cả kiếp người... (12)
Cao vọng của
thi sĩ là điều tốt, nhiều khi cần thiết trên hành trình sáng tác và khám phá
thơ. Có cao vọng thì sẽ chuyên cần học hỏi, nghiên cứu đến đầu đến đũa lãnh vực
chuyên môn của mình để kiến thức và tài năng ngày một nâng cao. Tôi rất tôn
trọng và nể phục cái “gan” hiến cả cuộc đời mình cho thơ – cho cái “thi danh”
-của Phạm Ngọc Thái.
Chỉ tiếc
khát vọng “danh” lớn quá đã khiến ông có một số suy nghĩ và thái độ quá khác
thường. Tôi sẽ bàn về điểm này ở phần sau.
Dưới đây là
link dẫn đến tập thơ Cha Khóc Con:
Tập thơ cũng
có khá nhiều điểm sai sót
Chấm Câu Sai Văn Phạm
Trời Hà Nội. Cha hay dắt con ra Hồ Tây chơi lắm! (1)
Đã sinh ra rồi. Thường, ai chẳng muốn sống lâu (24)
Dù kiếp nào? Vẫn bên nhau, quấn quit (24)
Vài dòng thơ. Cha cầu nguyện vong hồn con siêu
thoát. (2)
Hãy hiện lên cho cha xem,
con đang bay theo thánh ở trên trời
Thì trái tim già? May ra, mới có thể yên lại
được…(26)
Rất nhiều
những dấu chấm (.) hoặc chấm hỏi (?) đặt không đúng chỗ, vừa sai văn phạm vừa
vô duyên.
Để gọn bài
viết, tôi chỉ trích dẫn vài câu.
Ý Tứ Trùng Lặp
Lá vàng thì vẫn còn kia
Đầu xanh đã bỏ, chia ly trọn đời. (1)
Già chưa chết mà đầu xanh đã bỏ (2)
Thân trẻ nay hoang phế trước người già (3)
Ngày tháng cha con mình quấn quít
Giây phút ngờ đâu bỗng tan hoang (4)
Chỉ tiếc cõi người con ngắn quá
Đang tuổi xuân xanh, hồn bay cao (5)
Từ nay con đã đi rồi
Nhân gian còn xót những lời cha kêu (6)
Nước mắt già rơi, theo năm tháng không nhòa...(24)
Nếu ghi hết
những câu trùng ý thì nhiều lắm. Đọc “Cha Khóc Con” giống như dạo chơi một thị
trấn nhỏ - “đi dăm phút đã về chốn cũ” - người đọc dễ cảm thấy nhàm chán. Cảm
xúc như bong bóng xì hơi.
Đoạn Kết “Nhẹ Tênh” Không Ấn
Tượng
Ngay bài thơ
đầu tiên Chuyện Về Ngôi Mộ Hai Cha Con Mai Sau nói về bao kỷ niệm riêng tư, êm
đềm, thắm thiết giữa hai cha con từ lúc con còn thơ dại cho đến lúc đột qụy ra
đi, thế nhưng bài thơ lại chấm dứt bằng hai câu:
"Tình cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"(1)
Tác giả đã
“chôm” hai câu ca dao, đổi chữ “Công” thành chữ “Tình” để đúc kết khối tình to
lớn đó. Đánh mất cái “riêng tư” của hai cha con nên đoạn kết – hai câu thơ chôm
- vừa nhạt phèo vừa trơ trẽn, hiệu ứng cảm xúc gần như không có.
“Hãy đợi bố nghe con!
Rồi bố sẽ đến bên con một sớm, một chiều” (2)
Ôi! Nếu bố
không nhất quyết chết theo con lúc ấy thì cái chuyện “đến bên con một sớm, một
chiều” đương nhiên cũng sẽ đến. Viết những lời Vĩnh Biệt Con Yêu – hàng mấy
chục câu thơ - đau xót, thiết tha mà cuối cùng lại kết bằng một lời hứa chẳng
có tý trọng lượng nào. Thật phí hoài công sức.
Trong 38 bài
thơ có rất nhiều bài có những câu kết “nhẹ tênh” như thế.
Tính “Cao Ngạo” Của Phạm Ngọc
Thái
Phạm
Ngọc Thái - về phương diện văn chương - là người vô cùng cao ngạo. Ông đã bộc
lộ tính cao ngạo ấy trong rất nhiều câu thơ, và đặc biệt, trong thư gởi Chủ
Tịch Hội Nhà Văn HỮU THỈNH cùng các Phó Chủ Tịch để khoe TUYỂN THƠ CHỌN LỌC.
Ông cũng ngạo mạn Thách Đấu Thơ với tất cả các thi sĩ hôi viên Hội Nhà Văn Việt
Nam.
1/
Những câu thơ có ngôn ngữ, giọng điệu cao ngạo tản mát khắp nơi trong 38 bài thơ
của tập thơ Cha Khóc Con. Tôi xin trích vài câu chia sẻ với độc giả.
Cầu nhân thế! Mai sau có lập cho tôi ngôi miếu
Nhớ đưa ảnh con vào, bên cạnh bóng hình tôi (22)
Thơ cha viết: Một tượng đài cao ngất!
Sẽ trường tồn trong nhân thế tháng năm
Cha đắc đạo xứ thi rồi, con chịu nghiệt oan chăng?
Cánh đại bàng thi ca có cứu nổi con đâu? (22)
Người cha thề ra tay hay bút
Viết đoản thiên tuyệt tác lưu danh
Con mình vào với sử xanh
Bao giờ non nước tan tành mới tan (1)
Thánh Phật rồi đây sẽ đón cha
Có con theo cạnh Chốn Ba Tòa
Cha sẽ bồng con trong trời đất
Nhân gian hương khói... khắp sơn hà...(4)
Thơ cha bay khắp nước nhà
Ra ngoài bốn bể, vẫn ca vang lừng (19)
2/ Thư giới
thiệu Tuyển Thơ Chọn Lọc
Dưới đây là
2 đoạn của “thư giới thiệu”:
“Đánh giá về ‘Tuyển thơ chọn lọc’? Với nhận
thức bản thân, tôi tin chắc chắn rằng: Trong dãy thi sơn có nhiều ngọn, tôi đã
lên đến điểm đỉnh một ngọn "Hy-ma-lay-a" kỳ vĩ gì đó...! Nhất là thơ
tình, của thi ca hiện đại Việt Nam.
Nhưng việc trở thành một nhà thơ lớn đến mức nào? Về
cơ bản, tôi có thể nhận thức đánh giá được. Nhưng tự nói về mình, như thế sẽ
không hay! Xin để cho đời với thời gian - Cho lịch sử văn đàn phán xét và đánh
giá.”
Đã vỗ ngực
ngạo nghễ nói câu “Trong dãy thi sơn có
nhiều ngọn, tôi đã lên đến điểm đỉnh một ngọn ‘Hy-ma-lay-a’ kỳ vĩ gì đó...!” ở
trên mà lại còn mở miệng thốt lên đoạn “Nhưng
tự nói về mình, như thế sẽ không hay! Xin để cho đời với thời gian - Cho (lẽ ra
không nên viết hoa) lịch sử văn đàn phán xét và đánh giá.” ở đoạn dưới
thì, như một người bạn tôi phát biểu:
“Tiền hậu
bất nhất’, ‘câu sau chửi cha câu trước’. Đầu óc tay này có vấn đề”
Xin độc giả
đọc trọn lá thư ở (CHÚ THÍCH 2)
3/ Thách đấu
thơ với Hội Nhà Văn Việt Nam
Ông yêu cầu
chọn 50 bài thơ hay nhất của 50 thi sĩ trong Hội Nhà Văn Việt Nam để “đấu” với
50 bài thơ của mình. Ai thua phải chung tiền.
Theo tôi,
cuộc đấu thơ này chỉ có thể là sản phẩm từ một cái đầu thiếu hiểu biết văn học
nhưng lại ngổ ngáo, hám danh.
Xin độc giả
đọc chi tiết ở phần (CHÚ THÍCH 3)
Hậu Quả Của Tính Cao Ngạo
Như đã nói ở
phần đầu, cao vọng của thi sĩ là điều tốt, nhiều khi cần thiết trên hành trình
sáng tác và khám phá thơ. Nhưng cao vọng quá lố - kiến thức và tài năng chỉ ở
mức lưng chừng Đồi Chè Cầu Đất (Đà Lạt) mà đã tự nâng mình chễm chệ ngồi trên
đỉnh Hymalaya thì cao vọng đó đã biến thành cao ngạo điên cuồng. Đây chính là
trường hợp của Phạm Ngọc Thái.
Tính cao
ngạo điên cuồng của ông đã có ít nhất 2 hậu quả sau đây:
1/ Búa Rìu Dư Luận:
Thơ của Phạm
Ngọc Thái có khá nhiều khuyết điểm nhưng cũng không đến nỗi tệ - ít ra cũng ở
mức “kha khá”. Nhưng tính cao ngạo điên cuồng đã làm nhiều người hiểu biết văn
chương dè bỉu, chê bai, và cái tên Phạm Ngọc Thái bỗng - ở nhiều nơi, nhiều lúc
- trở thành trò cười cho thiên hạ.
2/ Cao Ngạo Lấn Át Nỗi Thương Đau
Nỗi đau mất
con to lớn của Phạm Ngọc Thái đã tạo nên một khối cảm xúc mạnh mẽ. Nhưng tính
cao ngạo như điên cuồng còn mạnh hơn gấp nhiều lần, càng lúc càng phình to
thêm, đẩy khối cảm xúc đau thương ấy đi chỗ khác để chiếm hết chỗ trong tâm hồn
ông.
Đây cũng là
một nguyên nhân của hiện tượng đẻ non. Không ấp ủ, thai nghén mà cứ cho những
đứa con tinh thần của mình sòn sòn chui ra khiến nhiều đứa xác thân thì khiếm
khuyết, mặt mày ngơ ngác như ngây, như dại. Tôi sẽ giải thích ở phần kế
tiếp.
Thi Sĩ Mắn Đẻ - Đẻ Non, Không Ấp Ủ,
Thai Nghén
Độc giả chỉ
cần liếc qua danh sách ở phần PHỤ LỤC - được sắp xếp theo thứ tự thời
gian sáng tác - cũng dễ dàng nhận ra một điều: Thi sĩ rất “mắn đẻ”. Chỉ từ 22
tháng 7 đến 25 tháng 9 năm 2019 (2 tháng 3 ngày) ông đã cho ra đời 38 bài thơ
(đúng ra là 45 bài – trong đó bài 21 viết từ 1994). Có khoảng thời gian ông
“đẻ” liên tiếp 7 ngày, mỗi ngày một bài (các bài từ 14 đến 20) mà toàn là những
bài “bề thế” về độ dài mới đáng nể.
Những đứa
con đẻ non, không ấp ủ, thai nghén như thế, làm sao có được vóc hình toàn vẹn
và tinh thần minh mẫn như những đứa trẻ được mẹ mang trong bụng 9 tháng 10
ngày. Đành rằng khi nỗi đau chất ngất, cao hứng đến mức nổi điên, và nếu kỹ
thuật thơ nhuần nhuyễn, thi sĩ có thể vừa viết rất nhanh vừa đưa được cảm xúc
dâng tràn của mình vào thơ. Nhưng cái khoảng thời gian đó đâu phải dễ tìm. Nó
chợt đến và chợt đi như gió thoảng. Nếu không nhanh tay chộp được nó, cơ hội sẽ
mất ngay.
Đó là trường
hợp của Phạm Ngọc Thái. Ý chí của ông quá mạnh, đã lấn át nỗi đau và cảm xúc.
Khoảng thời gian quý báu ấy ông chỉ nghĩ đến “một tượng đài cao ngất” cho chính
mình và nhân tiện cho con “ăn theo” đi vào “bất tử”.
“Thơ cha viết: Một tượng đài cao ngất!
Sẽ trường tồn trong nhân thế tháng năm”
nên chẳng
cần thai nghén, ấp ủ, cứ lấy hết sức mình bóp bụng, “phùng mang trợn mắt” mà
rặn, mà đẻ.
Rất tiếc,
rặn đẻ như thế, luồng hơi nóng tỏa ra từ giữa những hàng kẻ - cảm xúc chân thật
của một người Cha Khóc Con - trong thơ rất ít, giá trị nghệ thuật của tập thơ
sẽ tự động tuột dốc.
Thơ Ít
Cảm Xúc
Tôi tin là
thi sĩ Phạm Ngọc Thái thương con hết mình. Khi con chết ông ôm một nỗi đau cao
ngất. Có điều cảm xúc đầy ắp nhưng đưa được khối cảm xúc ấy vào thơ hay không
lại là chuyện khác.
Theo tôi,
một bài thơ có 3 tầng cảm xúc:
1/ Cảm Xúc Tầng 1: Có được từ câu chữ -
trong túc cầu gọi là kỹ thuật cá nhân của cầu thủ. Câu chữ trong Cha Khóc Con
tuy không đẹp nhưng dễ hiểu. Có thể nói tập thơ thành công nhiều nhất ở chức
năng truyền thông. Độc giả dễ dàng “bắt” được điều tác giả muốn nói, tâm tình
tác giả muốn bộc lộ. Cảm xúc tầng 1 tương đối mạnh.
2/ Cảm Xúc Tầng 2: Có được khi thế trận của
bài thơ hợp lý, mạch lạc, kín kẽ, đoạn kết để lại ấn tượng mạnh mẽ - chữ tương
đương trong túc cầu là đấu pháp toàn đội, bàn thắng đẹp. Các bài thơ trong Cha
Khóc Con thường thiếu biện pháp tu từ, những thủ pháp nghệ thuật để tạo nét
đẹp, duyên dáng dễ thương cho thơ ca. Đặc biệt, đoạn kết thường “nhẹ tênh” như
gió thoảng, không tạo được ấn tượng sâu sắc cho độc giả. Cảm xúc tầng 2 không
đáng kể.
3/ Cảm Xúc Tầng 3: Có được khi cảm hứng
của thi sĩ dâng cao, lấn át lý trí. Lúc ấy độc giả sẽ cảm thấy một luồng hơi
nóng chạy trong người. Luồng hơi nóng đó không phải tỏa ra từ câu chữ mà hình
như từ giữa những hàng kẻ, tạo cảm giác sung sướng khoan khoái cao độ cho người
đọc thơ sành điệu – ngôn ngữ túc cầu gọi là “đá xuất thần”. Nếu thi sĩ nổi
điên, để cảm xúc từ nỗi đau thương, niềm uất hận … lấn át lý trí, đánh bật cái
được gọi là “kẻ thù của thơ ca” ra khỏi đầu thì lúc đó ta sẽ có hồn thơ. Lời
thơ không có sự kiểm soát của lý trí sẽ hoàn toàn là tiếng lòng chân thật. Theo
tôi, đó là mục đích tối hậu của việc làm thơ và đọc thơ.
Ông Phạm
Ngọc Thái có nỗi đau cao ngất; nỗi đau sẽ sinh ra cảm xúc nhưng ông đã không
đưa được khối cảm xúc ấy vào thơ.
Sau đây là
vài lý do:
a/ Mắn
đẻ, lại đẻ non không thai nghén nên những đứa con (tinh thần) ra đời không được
vẹn toàn như những đứa trẻ bình thường khác.
b/ Ý tứ
trùng lặp, cảm xúc liên tục “gặp lại chính mình” nên cụt hứng, xì hơi.
c/ Tính cao
ngạo quá lớn đã lấn át nỗi đau mất con.
Nói đến con
cái ông cha ta có câu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Câu này áp dụng vào thơ thì
lại càng chí lý. Phạm Ngọc Thái quá tham lam nên tập thơ Cha Khóc Con của ông
cái “lượng” đã làm hại cái “phẩm”
Tiêu Chí Để Thẩm Định Giá Trị Thơ Không
Đúng
Ông
Phạm Ngọc Thái phát biểu:
Nguyên tắc
trước hết phải nhận định bài thơ đó có khả năng tồn tại trường cửu với tháng
năm, sống lâu dài với nghìn năm văn hiến Thăng Long hay không? Nếu bài thơ hoặc
tác phẩm thi ca mà không có khả năng sống trường cửu với đời, chỉ để làm văn
nghệ cổ động phong trào nhất thời, hoặc phục vụ mục đích chính trị - Thì đó là
loại thơ rồi sẽ ra... "rác".
1/ Con trai
nhà thơ mất ngày 22 tháng 7 năm 2019. Dù bài thơ đầu tiên của tập Cha Khóc Con được viết ngay sau đó
thì khi phổ biến trước ngày 17/ 7 năm 2020 tập thơ mới chỉ sống với “cõi
người”” trên dưới một năm. Làm sao biết được nó sẽ “sống lâu dài với nghìn năm văn hiến Thăng Long”?
2/ Có những
bài thơ được nhiều người “biết mặt, nhớ tên”, thậm chí có chỗ đứng vững chắc trong
Văn Học Sử của dân tộc, nhưng không phải vì nó hay, có giá trị nghệ thuật cao,
mà vì một (hay nhiều) lý do khác.
Thí dụ:
Bài
thơ Tình Già của Phan
Khôi: Có chỗ đứng trong văn học sử vì là cái mốc khởi đầu cho trào lưu Thơ Mới
nhưng giá trị nghệ thuật của bài thơ còn ở mức khiêm tốn nếu so với các thi
phẩm đương đại.
Cho nên việc
nhà thơ Phạm Ngọc Thái dự đoán tập thơ Cha Khóc Con sẽ trường tồn với thời gian
rồi dựa vào sự dự đoán của mình để khẳng định nó là tập thơ hay thì phải nói đó
là lối suy luận ngây ngô, không nền móng.
Tiêu Chí Thẩm Định Thơ Hay Của Ủy
Ban Giải Nobel Văn Chương (Nobel Committee for Literature)
Tôi bình thơ
thường dựa vào 3 tiêu chí: tứ thơ, kỹ thuật thơ (trong đó có hình thức thơ) và
cảm xúc. Các thành viên trong Ủy Ban Giải Nobel Văn Chương chỉ để ý
đến 2 tiêu chí: Nội dung và hình thức (Tứ thơ và Thi Pháp). Họ rất chú trọng
đến “cái gì đó mới”
“Tiêu
chí đơn giản, nhưng khó. Bạn được trao giải thưởng không phải cho một tác
phẩm duy nhất, mà là công việc cả đời. Tác phẩm phải có cái gì
đó mới về nội dung hoặc hình thức hoặc cả hai. Và đó là cách bạn
giành giải Nobel Văn Chương”. (CHÚ THÍCH 4)
Nếu nhìn tập
thơ Cha Khóc Con dưới con mắt
của những người chấm giải:
1/ Tứ Thơ: Nỗi đau của người cha mất con -
chuyện thường tình trong xã hội, không có gì mới lạ.
2/ Hình Thức Thơ: Tập thơ Cha Khóc Con sử dụng 3 thể thơ: Lục
bát, thơ mới trường thiên, thơ mới vần liên tiếp. Tuy thơ mới vần liên tiếp có
nhiều phá lệ - số chữ trong câu tùy tiện, về vần thì nhiều thông vận và thông
vận xa, giảm được một cách đáng kể hội chứng nhàm chán vần – nhưng đó cũng vẫn
là “đường xưa lối cũ”.
Như vậy, cả
về nội dung (content) lẫn hình thức (form) tập thơ Cha Khóc Con của Phạm Ngọc
Thái cũng đang dẫn độc giả đi vào con đường đã có hàng triệu dấu giầy. Tiêu chí
“MỚI” – tiêu chí quan trọng nhất trong Giải Nobel Văn Chương – hoàn toàn vắng
mặt.
Lý Do Tôi Viết Bài Về Tập Thơ “Cha
Khóc Con”
1/ Sự cần
thiết:
Tập thơ được
một số nhân vật khoa bảng, có máu mặt trong giới phê bình ca tụng một cách thái
quá không căn cứ - ảnh hưởng xấu đến việc thưởng thức thơ trong làng văn, đặc
biệt là gìới trẻ. Tôi muốn góp vài lời công đạo cho thơ.
2/ Đây là
tập thơ tác giả có ý định dự tranh giải Nobel Văn Chương
Đọc một số
thơ của những tác giả đoạt giải Nobel Văn Chương, tôi nhận ra 2 điểm:
a/ Chúng
hoàn hảo hơn những thi phẩm “cao cấp” thường được ngợi khen, ca tụng trên các
thi đàn - rất khó tìm ra lỗi kỹ thuật.
b/ Có nét
độc đáo riêng hoặc có cái gì đó đặc biệt mới lạ về hình thức hoặc ý tưởng. (Họ
chú tâm không đúng mức đến cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tầng 3 nên không - hoặc
hiếm khi - đề cập đến “Tiếng Người Chân Thật”).
Cái khó và
thường gây tranh cãi khi so sánh, tuyển chọn các tác phẩm cho giải Nobel Văn
Chương là “độ mới lạ và nét độc đáo của thi phẩm”. Chúng trừu tượng quá, không
thể cân đo đong đếm cụ thể được.
Còn tập thơ
Cha Khóc Con thì sao? Đọc lướt qua là đã thấy đầy dẫy lỗi kỹ thuật. Ngay cả cái
việc chấm câu - lỗi văn phạm sơ đẳng nhất – cũng tràn lan. Hình thức thơ tuy
không cũ rich thì cũng là “áo mặc đã mấy mùa”. Tứ thơ Cha Khóc Con thì “xưa như
trái đất”. Tóm lại, chẳng có gì mới mẻ.
Vâng, chỉ
đọc lướt qua tập thơ, đã thấy điều mình muốn tìm. Đọc kỹ một lần nữa, tầm vóc
của tập thơ, tầm vóc của thi sĩ đã hiện ra rõ mồn một.
Chọn tác
phẩm (và tác giả) thắng giải Nobel thì khó; còn chọn tác phẩm (và tác giả) để
loại ngay vòng đầu thì nhiều khi lại rất dễ.
KẾT LUẬN
Trên đây chỉ
là vài nhận xét chủ quan của tôi về vài ưu và khuyết điểm của tập thơ. Giá trị
nghệ thuật, tầm vóc của tập thơ cao thấp thế nào? Có xứng đáng dự tranh Giải
Nobel Văn Chương hay không? Điều đó rất cần thêm sự thẩm định công tâm của độc
giả.
Nếu
đọc xong bài viết này mà thi sĩ Phạm Ngọc Thái vẫn quyết chí dự tranh giải
Nobel thì nên dịch Tập Thơ Cha Khóc Con ra Anh Ngữ để người yêu thơ ở những
nước khác có cơ hội tiếp cận với thi tài của ông và nếu may mắn được đề cử, Ủy
Ban Chấm Giải cũng có cơ hội hiểu và cảm nhận phần nào giá trị nghệ thuật của
tập thơ hầu có cơ sở quyết định có nên cho nó tiến vào vòng trong hay không.
Bởi theo
điều lệ thì chỉ khi vào được vòng chung kết (short list: 5 ứng viên) tác phẩm -
nếu không nằm trong 13 ngôn ngữ quy định - mới được chuyên gia ngôn ngữ của
Viện Hàn Lâm dịch sang tiếng Thụy Điển (hoặc các ngôn ngữ thông dụng khác).
Dù sao
cũng xin chúc thi sĩ Phạm Ngọc Thái may mắn.
Địa Chỉ Để Gởi Tác Phẩm Dự Tranh Giải:
Nobel Committee for Literature
Swedish
Academy
Källargränd
4
111 29
Stockholm
Sweden
CHÚ THÍCH 1
Bài Giới Thiệu Tập Thơ “Cha Khóc Con” trên trang web Phạm Ngọc Hiền cho
biết ngoài bài thơ Chuyện Về Ngôi Mộ Hai Cha Con Mai Sau thay lời giới thiệu, tập
thơ còn có 44 bài khác chia làm hai phần:
Phần một: KHÓC CON gồm 20 bài.
Phần hai: CHA PHẢI SỐNG gồm 24 bài.
http://phamngochien.com/gioi-thieu-tap-tho-cha-khoc-con-cua-pham-ngoc-thai
Như vậy khi đến tay tôi tập thơ đã bị “gạt bỏ” 7 bài.
CHÚ THÍCH 2
Độc giả có thể đọc nguyên văn lá thư theo link sau đây:
https://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=25846
CHÚ
THÍCH 3
Độc giả có thể đọc chi tiết chuyện thách đấu theo link sau đây:
https://www.nhuygialai.com/2015/07/pham-ngoc-thai-thach-dau-ca-hoi-nha-van.html
CHÚ THÍCH
4
“the criteria are simple, but tough. You get awarded not for a single
work, but for a life’s work. You are expected to come up with something new in
terms of content or form or both. And that is how you win the Nobel Prize in
Literature.”
PHỤ LỤC:
Tựa Đề 38 bài thơ trong tập Cha Khóc Con được xếp theo thứ tự để độc giả
dễ theo dõi.
PHẦN 1: KHÓC
CON
1/ Chuyện Về Ngôi Mộ Hai Cha Con Mai Sau
2/ Vĩnh Biệt Con Yêu 25.7.2019
3/ Thương Con Và Lời Cầu Nguyện Thế Nhân 27.7.2019
4/ Bên Nấm Mồ Con 28.7.2019
5/ Ru Con 31.7.2019
6/ Tiếng Một Người Cha 1.8.2019
7/ Cha Gượng Sống Vì Con 3.8.2019
8/Nửa Thương Con Trẻ, Nửa Cười Gió Đông (*) 4.8.2019
9/ Thế Là Hà Nội Vắng Con 5.8.2019
10/ Con Sống Mãi Trong Thơ Cha 6.8.2019
11/ Cha Sống Không Con 7.8.2019
12/ Cha Vẫn Đây Mà Như Người Trong Mộ 8.8.2019
13/ Một Buổi Sáng Cuối Thu 9.8.2019
14/ Thân Già Héo Đành Ngậm Cười Sống Tiếp 11.8.2019
15/ Nam Mô Di Phật Trời Cao 12.8.2019
16/ Dòng Máu Của Cha 13.8.2019
17/ Tiễn Con 14.8.2019
18/ Cha Chỉ Biết Viết Từ Lòng Cha Thôi 15.8.2019
19/ Cha Cũng Cứu Được Giọt Máu Hồng Của Cha 16.8.2019
20/ Hồn Cha Còn Vọng Ngàn Năm 17.8.2019
21/ Dắt Con Đi - cuối thu 1994
PHẦN 2: CHA
PHẢI SỐNG
22/ Ngày Đầu Tiên Ở Viện 21.8.2019
23/ Cha Phải Sống, Con Ơi 22.8.2019
24/ Cha Đã Làm Bổn Phận Một Người Cha 23.8.2019
25/ Quan Âm, Nguời Hiển Linh 25.8.2019
26/ Con Chính Là Ông Nội Hóa Thân 26.8.2019
27/ Con Là Một Kiệt Tác Của Cha 28.8.2019
28/ Ngày Đầu Tiên Ra Viện 29.8.2019
29/ Cuốn Tiểu Thuyết Cuối Đời Của Cha 2.9.2019
30/ Sống Chỉ Để Lưu Danh 4.9.2019
31/ 49 Ngày Của Con 8.9.2019
32/ Mỗi Lần Nhìn Đến Ảnh Con 10.9.2019
33/ Để Tuổi Tên Con 14.9.2019
34/ Nỗi Đau Lớn Nhất Của Đời Cha 16.9.2019
35/ Con Đi Vào Vĩnh Cửu 21.9.2019
36/ Đời Con Hóa Bản Trường Ca 23.9.2019
37/ Con Tôi Đó Chính Là Ánh Sáng 24.9.2019
38/ Được Người Con Trai Như Thế Mà Mất 25.9.2019
*
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ:
Email: nhidpham@gmail.com
.............................................................................................................
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.03.2021.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét