CÂY GẠO HỌ TRẦN VÀ CHIẾC PHÈNG LA BẤT TỬ - Truyện ngắn Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 


CÂY GẠO HỌ TRẦN

VÀ CHIẾC PHÈNG LA BẤT TỬ

*

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Khi chiều vừa nhạt nắng, đang vượt qua cánh đồng để về làng, tôi chợt nghe có tiếng chuông nhà thờ đổ từng chập như nấc cụt, lại đúng bảy tiếng, báo hiệu có người về nước Chúa. Nghe tiếng chuông báo tử này, ngừơi có đạo lặng làm dấu, đọc thầm kinh “Vực sâu”.

Đến đầu làng, gặp anh Thinh con bác phó Lai, tôi hỏi :

- Ai chết mà chuông báo tử vậy anh ?

- Có ai chết đâu nào.

- Sao từ cánh đồng Giáo Phòng tôi đã nghe bảy tiếng chuông ?

- Bác Hảo ơi, bác nhầm đấy, gần ba mươi năm nay, cái làng Hải Bình này cũng khối

người lầm như bác, huống hồ bác lại từ xa về.

Anh Thinh cười cười trả lời tôi, vừa giơ tay chỉ lên cây gạo :

- Bác quên rồi à ? Chuông chiếc gì đâu, cái phèng la trên ngọn cây gạo họ Trần nhà

bác đấy. Sốt cả ruột, cứ có tí gió lên là nó la làng la xóm. Hai mươi tám năm rồi, không hiểu anh Hùng anh buộc bằng thứ dây gì mà bền thế.

Tôi giật thót người, lạnh cả mình. Hóa ra cái phèng la vẫn còn buộc trên ngọn cây gạo từ cuối năm 1965 đến nay.

Tôi mời anh Thinh một điếu ba số gọi là có tý khói ngoại cho nó thơm thảo cái tình kẻ đi xa về. Quái, kki hút thuốc, anh Thinh vẫn không chịu ném cái tăm ngậm trong miệng ra. Nhà anh từ đời ông nội đi đâu miệng cũng ngậm cái tăm, kể cả những đận cả làng cả nước đói lăn đói lóc. Chính vì cái tật ngậm tăm trong miệng này mà bố anh, bác phó Lai đã bị quy làm thành địa chủ. Bác phó Lai dạy con : “giấy rách giữ lấy lề, có đói chết mà ngậm cái tăm ra đường, làng nước ngừơi ta cũng không khinh rẻ mình được”. Khi quay vào nhà mình rồi, anh Thinh còn nói vọng lại :

- Cái phèng la ấy à, cả làng cầu Chúa khản cả tiếng nó vẫn không rơi xuống, cầu cả huyện, cả tỉnh, rồi cầu trung ương vẫn không ai giúp làng kéo nó xuống được. Gớm thật, anh Hùng buộc bằng cái gì mà bền thế. Cả làng xác xơ ra vì mất ngủ.

Hồi bác phó Lai còn sống, sáng nào thức dậy, ngó lên cây gạo họ Trần, bác cũng chép miệng bình luận một câu : “Nó buộc bằng cái đếch gì mà bền thế các ông ?”.

Cách đây hơn một trăm năm, làng Hải Bình của tôi vẫn còn là bãi biển. Có bốn ông tổ gồm một họ Nguyễn, hai họ Phạm, ba họ Vũ và bốn là họ Trần tới quai đê lập ấp rồi thành cái làng Hải Bình Đoài này. Bốn ông tổ làng hè nhau trồng bốn cây gạo, cây nào mang họ của ông tổ ấy. Từ ngày có trí khôn, tôi đã thấy bốn cây gạo đều cao hơn tháp chuông nhà thờ Hải Bình, gốc chừng ba vòng tay ôm không xuể. Nghe người ta đồn rằng tháp chuông nhà thờ xứ Lạc Đạo phía trên làng tôi cao nhất Đông Dương. Nhưng trong mắt tuổi thơ tôi, tháp chuông nhà thờ Lạc Đạo ăn thua gì, so với cây gạo làng tôi cũng chỉ là con tép.

Mùa xuân từ các làng khác nhìn về làng mình, tôi thấy giữa trời vươn lên bốn cây đuốc rừng rực đỏ mà tự hào đến xuýt sái cổ về tầm cao và vẻ đẹp rực rỡ của làng tôi. Nhiều buổi sáng thức dậy, bầu trời làng tôi náo nhiệt và ồn ã như có giặc. Đó là cuộc chiến tranh bất tận của hai loài chim quạ và chèo bẻo giành nhau ngọn của bốn cây gạo để làm tổ. Trong cuộc chiến ác liệt giành quyền sở hữu ngọn cây, quạ tuy hèn nhưng được ưu thế to xác, lại lắm mồm và thường biết kéo bè kéo lũ để hăm dọa kẻ địch. Chèo bẻo dù ít hơn nhưng gan cóc tía, tuy nhỏ con nhưng dữ dằn ít có loài chim nào bằng. Lạ thay, loại chim khác hẳn loài người, đến kỳ yêu đương, giao phối và sinh nở, chúng hưu chiến liền, chèo bẻo làm tổ trên cao và quạ làm tổ dưới những cành gạo thấp hơn.

Thuở nhỏ chăn trâu, cắt cỏ, tôi thường theo sau anh Hùng, con cả bác trùm Bách đi chui bụi lủi bờ hết bắt chim con đến vơ vét trứng chim cu, lúc thò tay vào lỗ chim chả, khi dùng nỏ cao su bắn chim cú mèo. Về khả năng leo trèo tôi đâu có thua gì anh Hùng, nhưng chúng tôi tuyệt nhiên không bao giờ có ý định ngông cuồng trèo lên cây gạo bắt chim.

Bởi vì cây gạo đã cao, lại thân quá lớn, da nó sần sùi toàn một thứ gai đến chồn cáo nhìn còn bỏ chạy.

Khoảng tháng mười một năm 1965, ngày chủ nhật, tôi từ nơi trọ học trên thị trấn Liễu Đề về, chưa kịp ngồi xuống cái ổ rơm, mẹ đã thì thào :

- Trên huyện, người ta chắc đồn về việc anh Hùng lắm nhỉ ?

Tôi ngạc nhiên hỏi lại mẹ :

- Anh Hùng nào cơ ?

- Anh Hùng con bác trùm Bách đó, người đã dám rủ con bơi qua sông Đáy cắt cỏ

năm kia năm kìa đó.

- …

- Con phải nghe đài đọc báo chứ, cả xã, cả huyện, cả tỉnh người ta đang phục lăn

anh Hùng vì tinh thần bắn máy bay của anh ấy.

Khi mẹ con tôi đang chuyện trò thì nghe tiếng phèng la đánh liên hồi báo động. Quả thực tiếng phèng la kêu to có lẽ ngang ngửa với tiếng chuông nhà thờ làng tôi. Mẹ tôi giục :

- Vào hầm đi con. Đấy, tiếng phèng la của anh Hùng đánh lên từ ngọn cây gạo họ Trần đó.

Mẹ tôi và tôi ngồi cạnh căn hầm chữ V thì hai máy bay Mỹ bay rất thấp, men sông Đáy vào, qua làng tôi, tiếng nó đinh tai nhức óc làm rung cả đất. Đồng thời với tiếng máy bay là tiếng súng trường bắn đuổi vang từ trên nóc cây gạo xuống. Ngoài ra, từ phía bờ đê sông Đáy, cũng có hàng loạt tiếng súng trường bắn đón đầu máy bay Mỹ.

Ngày hôm đó, người tôi cứ bần thần xúc động về anh Hùng con bác trùm Bách. Làm sao mà anh ấy có thể trèo lên cây gạo to cao và nhiều gai đến như vậy ? Lại tha được chiếc phèng la to bằng cái mâm đồng, nặng gần chục kí, vốn dùng để đánh trong hội trống, trong khi rứơc kiệu thánh và nhất là đánh lên từng hồi sau quan tài của dân làng khi khiêng ra nghĩa địa ? Mới ngày nào, anh Hùng cùng tôi rước lễ cho cha Thơ. Anh hơn tôi ba tuổi nên luôn được giúp chính, tức là cậu giúp lễ đứng bên tay phải cha, luôn cầm chiếc chuông nhỏ rung lên khi kinh “Cáo mình” đến đoạn đấm ngực và lúc Cha dâng mình thánh Chúa.

Ngày chủ nhật xúc động đó, khi đám máy bay Mỹ đã bỏ bơm ở đâu đó phóng ra biển, vẫn cứ phải qua làng tôi. Khi tiếng súng của anh Hùng còn chưa dứt, tôi đã chạy ra, đứng dưới cây gạo họ Trần, gọi tên anh Hùng đến khản cổ. Rằng anh Hùng ơi, em phục anh lắm, em kính trọng anh lắm. Nhưng vì cây gạo cao quá, đồng thời gió bấc thổi mạnh quá, anh Hùng không nghe được tiếng gọi của tôi. Cứ ba ngày anh Hùng lại leo ra một cành cây gạo, thả dây xuống để bên dưới tiếp tế cơm nước và đạn cho anh. Tôi đã viết cho anh một cái thư có thể là hay nhất xã, cảm động nhất làng để bày tỏ lòng kính yêu của tôi đối với anh Hùng, nhờ sợi dây đưa cơm mang lên cho anh.

Mặc dù mới lấy vợ được năm tháng, anh Hùng đã làm đơn kính gửi chi bộ cho phép anh trèo lên ngọn cây gạo họ Trần, ở hẳn trên đó chừng nào bắn rơi được ít nhất một cái máy bay Mỹ mới thôi. Phương án đánh Mỹ đầy ngoạn mục và sáng tạo này của anh Hùng mau chóng được chi bộ làng và Đảng bộ xã phê duyệt. Chỉ có mẹ và vợ của anh Hùng can anh nên anh nghĩ lại, rằng trèo lên ngọn cây gạo đó đâu phải chuyện đùa, rơi xuống một cái chết như chơi. Hai người đàn bà này đã khóc thút thít tiễn anh lên ngọn cây gạo, đến nỗi Chủ tịch xã phải dìu họ về nhà để khỏi chứng kiến cảnh trèo cây của anh Hùng.

Suốt một buổi sáng hì hục với một tấm thân bị gai đâm ứa máu, cuối cùng anh Hùng đã trèo lên được ngọn cây gạo. Anh thả dây xuống để kéo lên từ từ từng cái một : nào súng trường, nào đạn, nào chiếc phèng la báo động, chăn màn, quần áo, những thanh tre thanh gỗ để làm chòi và những tấm ni lông để lợp. Từ xa trông lên, chòi báo động và chòi chiến đấu của anh Hùng trông như một cái tổ quạ vĩ đại. Khi vừa chiếm lĩnh được ngọn cây gạo, anh Hùng hăng hái kéo lên ngọn cờ Tổ quốc, có vẻ như anh thách thức đám tàu bay ngoài biển, có giỏi thì thử bay qua ngọn cây gạo của ông xem ! Nhưng hai ngày sau, huyện chỉ thị cho anh phải kéo cờ xuống, lộ mục tiêu, với lại, sợ máy baythấy có cờ nó tránh, khó bắn hơn.

Quả thực, từ ngày có tiếng phèng la báo động và tiếng súng bắn đón đầu máy bay của anh Hùng, bà con làng xóm có yên tâm hơn, người già cả nhút nhát bớt sợ tiếng máy bay thần sấm, con ma… rú rít rùng rợn hơn. Sau khi huyện trang bị cho anh Hùng cái ống nhòm của Trung Quốc, anh đã nhìn thấy máy bay từ ngoài biển và kịp báo động cho bà con xuống hầm hoặc phòng ngừa, cho đội du kích dưới đất chuẩn bị hướng nòng súng lên trời.

Khi đã ở trên ngọn cây gạo vừa đúng một tháng, vào khoảng cuối tháng mười hai năm 1965, một chiếc máy bay khi ném bom về bay qua làng tôi đã bị bắn cháy và rơi xuống biển. Anh Hùng tuyên bố chính anh đã bắn chiếc máy bay F105 đó. Nhưng có đến chín làng ven biển và ba đơn vị pháo phòng không cùng nhận mình bắn rơi máy bay ấy. Mặc dù anh Hùng viết thư xuống báo cáo rằng chiếc máy bay bay thấp tí nữa đâm vào ngọn cây gạo của anh. Rằng anh đã bắn nó khi nó chỉ cách ngọn cây gạo có một cây sào. Rằng, sau đó anh lại bắn đuổi mấy phát nữa và nó đã bốc cháy bên màng tang anh, nóng rát. Rằng cái mùi cháy khét của nó còn thấm trong cái chăn chiên mà anh gửi xuống cho đồng đội dưới đất ngửi, không lại bảo anh nói điêu. Nhưng cấp trên tuyên bố cần phải có thời gian xác minh xem đơn vị nào, cá nhân nào đã bắn rơi cái F105 ấy.

Cả làng tôi, tất cả mọi người dù chưa biết chữ, trừ trẻ con dưới mười tám tuổi, đều ký vào một bức thư chung gửi lên cấp trên rằng chính mắt mọi người đã nhìn thấy cái máy bay bốc cháy từ trên ngọn cây gạo của họ Trần, người bắn trúng nó tí tẹo nữa là chết cháy, chứ lại dân làng Hải Bình vừa theo Đảng, vừa đi đạo đâu có nhẽ nói ngoa. Anh Hùng chưa chịu xuống đất, anh phải một mình bắn rơi máy bay Mỹ chứ quyết không bắn rơi một cách tập thể như trên vừa kết luận. Vả lại, có anh trên ngọn cây làm công tác báo động, làng xóm được nhờ hơn nhiều.

Chi bộ làng Hải Bình đã kết nạp anh Hùng vào Đảng trong một đêm đầu năm 1966.

Thời gian đi qua cùng với tiếng máy bay Mỹ gầm thét, tiếng phèng la báo động vang rền và tiếng súng trường bắn máy bay của anh. Anh Hùng trở thành con chim chèo bẻo của làng của nước, quyết bắn rơi quạ Mỹ trên điểm cao nhất của quê hương. Tên anh được nhắc liên tục trên làn sóng đài phát thanh tỉnh và đài truyền thanh của huyện. Anh trở thành tấm gương cho đám trẻ sắp bước vào tuổi thanh niên là lứa chúng tôi.

Sau Tết con ngựa năm 1966, tôi đang bước vào học kỳ hai của năm học cuối cùng phổ thông trong ngôi trường sơ tán thì nghe một tin dữ về anh Hùng. Rằng anh Hùng đã đột nhiên biến mất sau khi đã bắn rơi một máy bay Con Ma vừa bay ngoài hạm đội vào. Có lẽ nó sợ anh nên bay thấp hơn cả ngọn cây gạo nơi anh đứng bắn. Chính vì vậy nó mới dễ trúng đạn. Chính huyện đội và tỉnh đội cũng xác nhận anh Hùng đã bắn rơi cái máy bay đó.

Theo bõ Lý kể lại rằng khi ông leo lên sân thượng nhà thờ chuẩn bị giật chuông trống nhất thì nghe có tiếng máy bay vào từ phía biển. Nó bay thấp hơn cây gạo họ Trần. Bõ nhìn thấy lửa súng trường của anh Hùng bắn xuống cái máy bay. Rồi nó bốc cháy liền. Nó rơi xuống ở huyện bên cạnh. Bõ còn nhìn thấy một bóng người rơi xuống sông làng. Bõ tin rằng đó là tên phi công nhảy dù xuống. Bõ liền kéo chuông nhà thờ báo động, cái ký hiệu được học từ trước, rằng địch nhảy dù xuống làng ta. Thế là nam phụ lão ấu cả làng lao ra tay súng, tay dao, tay gậy quyết bắt cho bằng được tên giặc lái. Nhưng mọi người quần cho tới sáng cũng chẳng phát hiện ra tên giặc lái đâu.

Khi ngừơi liên lạc dưới đất bắn một phát súng trường chỉ thiên để anh Hùng thả dây liên lạc xuống theo quy ước thì bộ chỉ huy dưới đất vô cùng sửng sốt vì anh Hùng không có trên ngọn cây. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết về sự mất tích của anh Hùng. Hay là anh đã hy sinh vì nằm trên ngọn cây. Nhưng nếu anh chết trên ngọn cây, chỉ sau một tiếng đồng hồ, quạ đã la làng lên rồi kéo nhau đến dự tiệc. Hay anh bị giặc chộp mất từ cửa máy bay ? Ngừơi ta đề nghị phong anh danh hiệu anh hùng nhưng cần phải điều tra cho ra về sự biến mất của anh.

Sau khi anh Hùng mất tích một tuần lễ, bọn thanh niên chúng tôi theo gương anh tình nguyện vào bộ đội, rồi lên đường vào Nam chiến đấu. Trong số mười hai anh em đi B đợt năm 1966 của làng Hải Bình chúng tôi, cuối năm 1975 chỉ còn tôi và một thương binh sống trở về làng. Lúc đó, sau chín năm bặt tin, tôi mới biết rằng trong lúc bắn máy bay trong đêm năm 1966 xa xôi ấy, anh Hùng đã trèo ra chót một cành cây nhỏ, cành cây đột nhiên gãy làm anh rơi xuống sông cùng với khẩu súng khiến bõ Lý tưởng lầm là tên phi công nhảy dù ra. Sau gần một tháng, người ta mới vớt được xác anh Hùng trôi tấp vào gần bót Kim Đài nơi kề cửa sông Đáy. Chiếc máy bay Con Ma mọi người ngờ là do anh Hùng bắn rơi, thực chất là một chiếc Míc của ta chiến đấu với máy bay địch bị chúng hạ đang trên đường rơi vèo qua làng tôi sát sạt cây gạo họ Trần. Mặc dù vậy, xã và huyện vẫn truy điệu anh Hùng như truy điệu một dũng sĩ diệt Mỹ.

Từ năm 1975 đến nay, lần này (1993) là lần thứ tám tôi về thăm quê. Lần nào người ta cũng nhắc đến anh Hùng như vừa mới ngày hôm qua thôi anh còn ngồi trên ngọn cây gạo, báo cho bà con chỉ một chớp mắt nữa là bom đạn có thể nổ trên đầu. Chiếc phèng la đưa đám ma anh treo lên ngọn cây gạo hai mươi tám năm rồi vẫn còn nguyên đấy. Cứ trời đổi hướng gió hay cả gió một tý là cái phèng la trên cây gạo lại kêu rền, cao thấp tùy theo cường độ của gió. Có lúc tiếng của nó khản đặc như tiếng ho của kim loại, khi lại như tiếng chuông rè, lúc là tiếng não bạt của phừơng trống, rồi lại như tiếng nồi niêu xoong chảo đang đêm ai ném giữa sân nhà. Những đêm đông và những chiều gió biển, tiếng phèng la kia nghe như hệt tiếng chuông nhà thờ đang kéo giật cục, báo rằng có người vừa trút linh hồn. Thảo nào, chiều hôm qua, đang còn đi trên đồng Giáo Phòng, tôi giật mình nghe tiếng chuông báo tử, theo bản năng, tôi cũng chợt làm dấu thánh, nhẩm vội một kinh “Vực sâu”.

… Sáng nay, đang chuẩn bị đồ đạc để từ giã mẹ già về lại Sài Gòn thì anh Chính trưởng ban y tế xã, vừa đậu bằng bác sĩ tại chức trường đại học y khoa, hớt hãi đến báo cho tôi : bà cụ trùm Bách mẹ của anh Hùng đã mất cách nay ba ngày bên làng Thiên Giáo, sáng nay động quan, nghe đâu lại đưa về nghĩa địa làng ta chôn cạnh mộ anh Hùng.

Mấy lần về quê đợt trước, tôi đã biết cụ bà trùm Bách cùng ngừơi con dâu tên Mỵ, vợ góa anh Hùng đã dọn sang làng bên cạnh ở với thằng con anh Hùng giờ đã con đàn cháu đống. Có lần đến thăm, tôi hỏi chị Mỵ :

- Sao chị với bác bỏ làng đi ?

- Tại cái phèng la trên ngọn cây gạo ấy chú ạ. Đêm đêm, tiếng nó kêu như tiếng ma ám lấy mẹ con tôi. Mỗi lần nghe gió đập cái phèng la vào ngọn cây gạo, tôi lại nát ruột gan, như thể nhà tôi lại phải rơi xuống sông một lần nữa vậy. Còn bà cụ thì phát điên lên. Tối nào cụ cũng cầu Chúa và Đức Mẹ ban cho mình được điếc đặc cả hai tai. Nhưng Chúa lại không cho cụ điếc chú ạ. Chúa tiếp tục thử thách sự đau khổ của mẹ con chúng tôi. Đành đổi thổ ngơi ông bà cho người ta để lấy căn chòi ngoài đồng làng Thiên Giáo này đó. Cụ trốn được tiếng phèng la, lại được gần thằng cháu nội, đứa con anh Hùng để lại. Chú biết không, lúc anh Hùng hi sinh, cháu nó còn trong bụng mẹ…

- Sao cụ với chị không làm đơn xin cấp trên tìm cách lấy cái phèng la kia xuống ?

- Ôi, làm có đến hàng xấp chả ăn thua. Xã với huyện có cho rao ai lấy được cái phèng la xuống sẽ thưởng cho một triệu đồng, rồi nâng đến năm triệu nhưng chẳng ai dại leo vào chỗ chết. Có hai tay ở huyện bên ham tiền leo lên cây gạo, nhưng họ mới leo được năm bảy mét đã rơi xuống gãy xương. Vả lại, từ khi anh Hùng lâm nạn, ai cũng đồn ma cây gạo họ Trần ghê lắm. Có lần xã tính cho người chặt cây gạo họ Trần. Ông trưởng họ Trần huy động bà con trong họ cả trăm người ra bao vây gốc gạo, thề quyết sống mái. May có bác Tùng trưởng ban tuyên huấn luyện về bảo : Sao lại chặt cây gạo anh Hùng ? Đây là truyền thống, cây tuyên truyền giáo dục cháu con, anh nào chặt nó tù mọt gông. Bác Tùng lại bảo : phải để nguyên cái phèng la báo động trên đó, nhắc nhở làng Hải Bình dù trăm năm nữa cũng vẫn phải cảnh giác với quân thù…”.

… Năm 1985, sau khi cả nước đã có hòa bình mười năm, một đêm mẹ tôi đang mơ ngủ, chợt nghe gió rung tiếng phèng la. Mắt nhắm mắt mở, mẹ tôi nhảy vội xuống giường tìm căn hầm tránh máy bay Mỹ. Đến khi vấp ngã chảy máu chân, mẹ tôi mới biết mình lầm. Rõ là lẩm cẩm, người già hay lẫn mà. Mẹ cười cười bình phẩm về cái vụ vấp ngã kia và tiếp tục kể cho tôi nghe về tác động của tiếng phèng la đối với dân làng. Rằng có mấy bà già mới mười hai giờ đêm đã tưởng chuông trống nhất khi nghe tiếng phèng la kêu, vội đến nhà thờ ngồi chờ mấy tiếng mới có lễ. Nhưng sau hai mươi mấy năm, giờ người giáo dân làng Hải Bình đã phân biệt được tiếng phèng la trên cây gạo và tiếng chuông nhà thờ.

Tôi theo anh bác sĩ Chính ra phía nhà thờ đưa tiễn bác trùm Bách về nghĩa địa làng. Chúng tôi cùng dân làng Hải Bình nối đuôi nhau đưa tiễn mẹ người anh hùng năm xưa về với đất. Anh Chính ghé tai tôi nói nhỏ :

- Đợt này tớ xin nghỉ chức Trưởng trạm y tế xã ?

- Sao vừa đậu bằng bác sĩ đã nghỉ ngang xương vậy ?

- Trên phê bình quá. Năm nào cũng hạng bét về sinh đẻ có kế hoạch. Làng Hải Bình ta mắn đẻ nhất nước. Nhà nào cũng tám, chín, mười đứa con. Là nhà báo, về trung ương nhờ ông viết bài sao cho nhà nước cho một cái trực thăng, bay qua cây gạo họ Trần, tháo cái phèng la xuống cho nó bớt đẻ đi.

Tôi tỏ ra không hiểu ý anh Chính. Anh lại nói thầm vào tai tôi cái ý tưởng không được nghiêm chỉnh cho lắm trong lúc quan tài ngừơi mẹ anh Hùng đang hạ huyệt :

- Cái phèng la đêm đêm vô cớ đánh thức đám trai lực điền dậy. Nó còn biết làm gì ngoài cảnh ôm nhau như ếch…

Đã cuối thu, trời se lạnh. Sương mù đã lảng vảng trên ngọn cây gạo họ Trần. Mọi người cầu kinh lần cuối và người ta lấp đất lên nấm mộ người mẹ. Cạnh đó là ngôi mộ của anh Hùng trơ trọi cây thánh giá gỗ giữa đám cỏ gai.

Chợt gió lại đập cái phèng la vào ngọn cây gạo, phát ra một tiếng nghèn nghẹn như tiếng nấc của vòm trời. Chị Mỵ cùng đám con cháu đang khóc lóc chợt ngừng bặt, mắt ngó lên tìm tán cây gạo.

Tôi nhìn thằng con trai chị Mỵ giờ đã hai mươi bảy tuổi, giống anh Hùng đến giật mình. Đứa cháu nội của người quá cố chợt ngồi xuống nấm mộ bố nó ở bên, đoạn nói với chị Mỵ :

- Mẹ, ngày mai con quyết trèo lên cây gạo tháo cái phèng la của bố xuống.

Chị Mỵ chợt òa khóc.

Hình như bắt đầu có gió mùa đông bắc.

Tôi thầm nói với lòng mình, cũng như nói với ngừơi quá cố : “Với những con người ở cái làng luôn luôn bị báo động này, chiến tranh hình như vẫn chưa chấm dứt”.

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,

quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn

Email: hungdimy@yahoo.com

.  

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 29.03.2021

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  


0 comments:

Đăng nhận xét