.(Nhà thơ Hoàng Cầm ; Nguồn ảnh: internet)
NHỚ HOÀNG CẦM
TỪ “KIỀU LOAN” ĐẾN ”VỀ KINH BẮC’
*
1
Còn nhớ những năm 2001 - 2003,
khi tòa soạn tạp chí Văn hiến Việt Nam ở 1B Chân Cầm, Hà Nội, Nguyễn Thụy Kha
cùng làm việc với chúng tôi nên anh thường tụ họp bạn bè ở đây. Nguyễn Trọng
Tạo, Nguyễn Đình Toán, Nguyễn Hoa, Bằng Việt, Hoàng Trần Cương, Tuyết Nga, Ngọc
Đại, Phan Huyền Thư…và thường xuyên hơn cả là nhà thơ Hoàng Cầm. Đơn giản vì
nhà Hoàng Cầm sát ngay đấy, ở 43 Lý Quốc Sư, và Nguyễn Thụy Kha thì luôn muốn
có ông trong mọi cuộc vui của anh. Kha nói: “Phải để Cụ được vui chơi cho bõ
những ngày khốn khổ”. Kha đã nhiều lần đưa Hoàng Cầm cùng rong chơi ra Bắc vào
Nam. Có lúc Kha còn thầm thì khoe với tôi: “Cụ vẫn còn “yêu” được nhé, oách
lắm”. Đã qua tuổi 80, đời luôn nghèo túng, lại từng tù tội nhưng Hoàng Cầm vẫn
đẹp lạ thường. Mảnh khảnh thư sinh, khuôn mặt búp sen hồng hào, môi đỏ tươi, mắt
xanh biêng biếc, nhà thơ “Bên kia sông Đuống” đến với đám văn chương hậu sinh
hâm mộ mình như một bạn đồng niên nhút nhát. Ông ít nói, lẳng lặng lắng nghe
mọi người lớn tiếng bàn chuyện văn chương, thế sự và chỉ cười, với nụ cười quen
thuộc trong câu thơ thủa nào ông viết về người mẹ quan họ “hàng xén răng đen”
của mình, nụ cười “như mùa thu tỏa nắng”. (Tác giả Nguyễn Thế Khoa)
Nhờ thế, những năm đó, tôi hay
được gặp nhà thơ Hoàng Cầm và thỉnh thoảng được trò chuyện cùng ông. Tôi có dịp
kể với Hoàng Cầm rằng cuối những năm 1960, ở nơi sơ tán của khoa Ngữ Văn Đại
học Tổng hợp Hà Nội trên vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên, tôi và Bế Kiến Quốc
từng ứa nước mắt khi đọc được câu thơ “Cúi lạy mẹ cho con về Kinh Bắc” và đã
cùng thức trắng nhiều đêm để chép lại toàn bộ tập thơ “Về Kinh Bắc” từ bản chép
tay không biết Quốc mượn được của ai. Hoàng Cầm thì bảo ông rất thích tờ tạp
chí mà chúng tôi đang làm. Ông ân cần chia sẻ: “Tay trắng khởi nghiệp, khó đấy,
khổ đấy nhưng đừng nản. Sẽ ngày càng có nhiều người ủng hộ, phải làm cho xứng
với cái tên Văn hiến Việt Nam”. Rồi Hoàng Cầm bày tỏ sự ủng hộ của ông bằng
cách liên tiếp gửi đến cho chúng tôi nhiều bài viết thật hay: “Men đá vàng”,
“Mở lối về cõi xưa Kinh Bắc”, “Sông Đuống bắt nguồn từ đâu?”, “Đường ta ta cứ
đi”, “Múa sạp thấu lòng Tử Phác”, “Màn quan họ mừng chiến thắng Điện Biên và
đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, “Ngày trở về Hà Nội”…những bài viết làm nên vệt
sáng Hoàng Cầm trên tạp chí Văn hiến Việt Nam thủa ban đầu.
2
Sau khi đỗ tú tài toàn phần ở
trường Thăng Long nổi tiếng của Hà Nội, chàng trai quê Kinh Bắc Bùi Tằng Việt
đã bước vào hoạt động văn chương báo chí ở Tân Dân xã của nhà viết kịch Vũ Đình
Long với việc dịch và phóng tác các tác phẩm nổi tiếng của Lamartine, Andersen,
Nghìn lẻ một đêm…với cái tên Hoàng Cầm. Hoàng Cầm thực sự xuất hiện trong văn
chương nghệ thuật nước nhà không phải bằng thơ trữ tình mà bằng kịch thơ. Đầu
tiên là kịch thơ ngắn “Hận Nam Quan” viết năm 1937, năm ông 15 tuổi, phục hiện
cuộc chia tay lịch sử của cha con Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi với những câu thơ
cháy bỏng lòng yêu nước và ý chí độc lập dân tộc:
Giống Đại Việt không bao giờ hèn yếu,
Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao…
Những trang sử đẹp như vàng với ngọc
Bóng muôn đời không thẹn với trăng sao…
Cuối năm 1942, Hoàng Cầm viết
tiếp kịch thơ“Kiều Loan”. Với câu chuyện về số phận bi thương của nàng Kiều
Loan thời cuối Tây Sơn đầu Nguyễn, thời nhiễu nhương bậc nhất trong lịch sử dân
tộc, “Kiều Loan” của Hoàng Cầm đã dựng lên một tấn kịch lớn về xung đột không
khoan nhượng giữa người yêu nước và kẻ bán nước, giữa anh hùng và tiểu nhân,
giữa lòng trung chính và sự phản trắc, giữa sự thức thời và thói cơ hội, giữa
cái thiện và cái ác, giữa tình riêng và nghĩa cả:
Nguyễn Huệ cớ sao thành phản nghịch
Để loài mãi quốc dựng ngôi vua…
Chí lớn từ xưa chôn chật đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang
Nếu “Hận Nam Quan” mới như hoạt
cảnh thơ ngắn đơn giản với chỉ hai nhân vật thì “Kiều Loan” là kịch thơ bề thế
5 hồi với kết cấu chặt chẽ, sự phát triển xung đột kịch đầy éo le, bất ngờ, hệ
thống nhân vật có tính cách và số phận khá phức tạp, đa dạng, ngôn ngữ thơ tài
hoa, sáng tạo, hài hòa giữa tính thơ và tính sân khấu.
Ở giai đoạn nở rộ của kịch thơ
trong văn chương kịch nghệ nước nhà (1940 -1960), trên nền mấy chục tác phẩm
của nhiều thi sĩ lừng danh như Yến Lan, Phạm Huy Thông, Vũ Hoàng Chương, Lưu
Quang Thuận, Nguyễn Đinh Thi, Lưu Trọng Lư…“Kiều Loan” của Hoàng Cầm và “Cung
phi Điểm Bích” của Hoàng Công Khanh đã bứt lên thật xa, trở thành hai tác phẩm
tiêu biểu nhất.
Ngay khi vừa viết xong, giữa năm
1943, Hoàng Cầm đã định tổ chức một Ban kịch để đưa “Kiều Loan” lên sân khấu
tại thị xã Bắc Giang quê hương nhưng kịch bản đã bị Công sứ Pháp ở đây là
Luciani gạch bỏ. Cuối năm 1943, Ban kịch Hà Nội của Chu Ngọc cũng định dựng
diễn “Kiều Loan” giữa Hà Nội nhưng ý định không thành vì kịch bản lại bị Phủ
Thống sử Bắc Kỳ bác khi kiểm duyệt.
Phải đến khi Cách mạng tháng Tám
thành công, khi Hoàng Cầm đưa “Kiều Loan” đến Hội Văn hóa Cứu quốc, tính nhân
văn và tính cách mạng của tác phẩm đã được những người lãnh đạo ở đây như Đặng
Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng hết sức khen ngợi và khuyến
khích dàn dựng. Ban kịch “Đông Phương” do Hoàng Cầm và họa sĩ Hoàng Tích Chù,
nhà văn Kim Lân cùng hai đạo diễn Trần Hoạt, Hoàng Tích Linh thành lập từ tháng
9/1945 lên ngay kế hoạch dàn dựng “Kiều Loan”. Rất nhiều bậc tài danh của giới
văn nghệ thủ đô lúc ấy đã tự nguyện chung tay chăm lo cho ngày ra mắt vở kịch
thơ này. Nhà thơ Trần Huyền Trân, Trưởng Ban kịch “Tháng Tám” đang thành lập,
cho mượn ngay cô đào chính tuyệt vời tài sắc Tuyết Khanh để đảm nhận vai chính
Kiều Loan. Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bìa cho program quảng cáo. Các họa sĩ Nguyễn
Tiến Chung, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Đình Hàm, Hoàng Tích Chù, Hoàng Lập Ngôn mỗi
người mỗi việc tham gia lo phục trang, trang trí, hóa trang. Các nhà văn Nam
Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng luôn đến động viên ban kịch tập luyện. Hai
nhà viết kịch Trúc Đường, Lưu Quang Thuận viết báo tuyên truyền trước cho vở.
Một ngày chủ nhật cuối tháng
11/1946, “Kiều Loan” hiện diện rực rỡ trên sàn diễn Nhà hát Lớn Hà Nội suốt hơn
bốn tiếng đồng hồ trong sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả thủ đô. Vì tình
hình chiến sự căng thẳng, “Kiều Loan” không thể có 5 buổi diễn như dự định mà
chỉ diễn được một buổi duy nhất. Nhưng có thể nói, cùng với “Bắc Sơn” của
Nguyễn Huy Tưởng (được dựng diễn trước đó, ngày 6/4/1946, cũng tại sân khấu Nhà
hát Lớn Hà Nội), “Kiều Loan” của Hoàng Cầm là hai vở diễn đánh dấu sự ra đời
của sân khấu cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Một sự ra đời thật
đáng tự hào...
3
Như vây, bắt đầu từ “Kiều Loan”,
tác phẩm lớn viết ở tuổi 20, được chính Hoàng Cầm và bạn bè cho ra mắt đông đảo
công chúng trên sân khấu sang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội trong “cái thủa ban
đầu lưu luyến ấy của nền dân chủ cộng hòa, Hoàng Cầm đã trở thành một trong
những người đặt nền móng của nền văn nghệ mới không chỉ với tư cách một nhà thơ
mà còn với tư cách một người hoạt động nghệ thuật trình diễn. Từ ông bầu kiêm
kịch sĩ của Ban kịch “Đông phương”, với các vở diễn “Bóng giai nhân”, “Hận Nam
Quan”, “Lên đường”, “Kiều Loan”... lưu diễn ở Hà Nội và các tỉnh vùng ven những
năm đầu độc lập và kháng chiến, giữa năm 1947, Hoàng Cầm đã gia nhập Vệ quốc
đoàn tại chiến khu 12. Tại đây, được sự khuyến khích của Chỉ huy trưởng Lê
Quảng Ba, ông đã tập hợp bạn bè văn nghệ lập nên Đội Tuyên truyền Văn nghệ của
Chiến khu gồm 11 anh chị em đem các tiết mục ca múa nhạc kịch đến phục vụ từng
đơn vị Vệ quốc đoàn, dân quân du kích và nhân dân khắp bốn tỉnh Bắc Ninh, Bắc
Giang, Lạng Sơn, Hải Ninh. Đây được coi là đội Văn công đầu tiên của Quân đội
Nhân dân Việt Nam. Ít lâu sau, Đội Tuyên truyền Văn nghệ này phát triển thành
Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc của tướng Chu Văn Tấn. Bài thơ “Đêm liên hoan”,
bài thơ nổi tiếng đầu tiên của Hoàng Cầm trong những năm đầu kháng chiến thực
ra là một tiết mục đối thoại thơ rất được ưa thích của Đoàn:
Đêm liên hoan, trời đầy sao vinh quang
Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tang
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn
Chính Hoàng Cầm và nhạc sĩ Phạm
Duy trong hai vai chiến sĩ Vệ quốc đoàn, một miền xuôi, một miền núi đã ngâm
diễn bài thơ này trong đêm liên hoan mừng cuộc gặp mặt giữa các đơn vị chủ lực
của Quân khu với đại biểu nhân dân Việt Bắc tại Thái Nguyên cuối năm 1947, được
cả ngàn người xem hoan nghênh nhiệt liệt. Cần nói thêm: Hoàng Cầm không chỉ là
một thi sĩ bẩm sinh mà còn là một nghệ sĩ biểu diễn bẩm sinh. Phạm Duy nhớ:
Hoàng Cầm có một giọng ngâm thơ trác tuyệt với khả năng diễn cảm kỳ lạ. Trong
suốt những năm kháng chiến chống Pháp, ông là giọng ngâm thơ rất được hâm mộ và
“Oanh vàng Kinh Bắc” là biệt hiệu bạn bè dành tặng giọng ngâm thơ của ông
Năm 1952, Hoàng Cầm được cử làm
Trưởng ban Chuyên môn cuộc tập huấn văn công toàn quân dài ngày tại Việt Bắc
với sự tham gia của hơn 600 diễn viên, cán bộ chuẩn bị phục vụ các chiến dịch
lớn trong hai năm 1953-1954. Cũng trong năm đó, ông được đại tướng Nguyễn Chí
Thanh điều về làm Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị và đảm nhận chức vụ
này cho đến khi về tiếp quản thủ đô.
Như vậy, gần như trong suốt cuộc
kháng chiến chống Pháp, Hoàng Cầm đã là người sáng lập và thủ lĩnh của Văn công
Quân đội. Trên cương vị này, Hoàng Cầm là người tiên phong trong việc khai
thác, phục hồi, phát triển các tinh hoa nghệ thuật dân tộc, làm nên những tiết
mục biểu diễn mới hết sức hấp dẫn, tiêu biểu là các tiết mục múa sạp, xòe,
quạt, lượn, nón và hoạt cảnh “Đôi lời quan họ” gom đủ những “Mời trầu”, “Lý cây
đa”, “Cây trúc xinh”, “Qua cầu gió bay”, “Ngồi tựa song đào”, “Trống cơm”, “Hoa
thơm bướm lượn”, “Người ở đừng về”...
Ở tư cách một nhà thơ, sau những
sáng tác sinh động, kịp thời rất được bộ đội và nhân dân ưa thích như “Đêm liên
hoan”, “Khóc anh Lê Lương”, “Tiếng hát sông Lô”, “Tâm sự đêm giao thừa”, Hoàng
Cầm bùng nổ với “Bên kia sông Đuống”, bài thơ làm nên một trong những đỉnh cao
của thơ ca kháng chiến …
4
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống…
Bài thơ “Bên kia sông Đuống” đánh
dấu sự bừng thức của Hoàng Cầm về quê hương. Trước đó, dù đã sáng tác khá nhiều
văn thơ kịch, Hoàng Cầm gần như chưa hề viết gì về quê hương. Ông chưa biết
những ký ức của 12 năm thơ ấu và niên thiếu sống ở quê hương Phúc Tằng, Việt
Yên, Phủ Lạng Thương, Song Hồ, Thuận Thành, Lang Tài, giữa các dòng sông Đuống,
sông Cầu, sông Thương, sông Ngũ Huyện Khê, bên những Thiên Thai, Bút Tháp, Đồng
Tĩnh, Huê Cầu, với “nét tươi trong” của tranh Đông Hồ và vẻ duyên dáng của
“những cô nàng môi cắn chỉ quết trầu”, “mặc yếm thắm”, “thắt lụa hồng”…đã ẩn
rất sâu vào tâm hồn mình. Chỉ đến khi nghe tin quê hương lọt vào tay giặc, đang
từng giờ từng phút bị tàn phá, dày xéo, yêu thương và căm giận cuồn cuộn trào
dâng, tất cả những ký ức đó chợt sống dậy mãnh liệt, ào ạt tràn ra ngọn bút,
giúp ông một đêm đã làm nên một “Bên kia sông Đuống” chấn động tâm can mọi
người Việt Nam yêu nước. “Bên kia sông Đuống” đã làm Hoàng Cầm hiểu ra một điều
quan trọng: quê hương Kinh Bắc chính là điều kỳ diệu nhất tạo hóa ban tặng ông,
là “thiên mệnh” thơ của ông. Từ đó, dòng thơ về quê hương của ông bắt đầu tuôn
chảy với “Tiếng hát quan họ” (Trường ca, 1956), “Trương Chi” (Kịch thơ, 1957),
“Men đá vàng” (Truyện thơ, 1989), “Mưa Thuận Thành” (1991), “Lá diêu bông”
(1993) và đặc biệt là “Về Kinh Bắc” (1960), tập thơ được coi là kiệt tác, với
48 tuyệt khúc trong 8 nhịp tuần du tâm linh độc đáo, được viết ra trong những
tháng ngày cô đơn tủi cực cùng khốn nhất cuộc đời Hoàng Cầm, sau cơn bão hủy
diệt mang tên Nhân văn. Kiệt tác thơ này, nực cười thay, vào năm 1982, bị coi
là “văn hóa đồi trụy”, đem lại cho Hoàng Cầm 18 tháng tù giam khi ông đưa bản
thảo cho nhà thơ đàn em Hoàng Hưng để tìm cách xuất bản (Hoàng Hưng còn bị giam
đến 36 tháng) …
Thật lạ lùng, khi cuộc đời dìm
Hoàng Cầm vào vực thắm của đói khổ, tuyệt vọng, thơ ông lại vụt sáng lên những
ánh sáng huyền hoặc nhất, quyến rũ nhất. Hoàng Cầm từng nói rằng những câu thơ
trong “Về Kinh Bắc” là những câu thơ ông ghi lại từ ai đó trong những giấc mơ.
Có lẽ đúng vậy, trước đấy và sau này, Hoàng Cầm không viết như “Về Kinh Bắc”.
Đây chỉ có thể là một tập “thần thi”, khi trong tột cùng khổ ải, thượng đế đã
cho đem thơ ấy đến như một “thần dược”, giúp Hoàng Cầm đủ sức chịu đựng để vượt
qua kiếp nạn lớn của cuộc đời. “Về Kinh Bắc’ là câu trả lời của thượng đế cho
những kẻ muốn chặn mọi đường sống của một thi tài, muốn bức tử thơ ca.
“Về Kinh Bắc” có vẻ như một bách
khoa thư về đất đai Kinh Bắc, văn hóa Kinh Bắc, lịch sử Kinh Bắc, con người
Kinh Bắc trong tâm tưởng Hoàng Cầm. Trong đó gần như đủ cả những gì ta cần biết
về cái nôi của văn minh sông Hồng, của văn hoá Việt Nam này: làng mạc, sông
núi, cây cối, chim chóc, đền chùa, hội hè đình đám, chuyện “Trai đời Trần’,
“Gái Hậu Lê”, chuyện Mỵ Châu, Ỷ Lan, Đặng Thị Huệ, Chiêu Hoàng, Ngọc Hân,
chuyện “Sương Cầu Lim”, “Khói Yên Thế”, “Nước sông Thương”, “Mưa Thuận Thành”,
chuyện chùa Dâu, Phật Tích, chuyện “hội Gióng”, “hội chen Nga Hoàng”, “hội Long
Khám”, “hội Vân Hà”, “hội đền Tám vua đời Lý”….
Nhưng Kinh Bắc trong “Về Kinh
Bắc” của Hoàng Cầm còn là một Kinh Bắc riêng của ông trong tâm tưởng. Như cái
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, mỗi khi ai mặc vào đúng điệu thì đều như
đang rập rờn trên sóng. Như những lá Diêu bông, cỏ Bồng Thi, miếu Hai Cô, cầu
Bà Sấm, bến Cô Mưa… không hề có ngoài Kinh Bắc đời nhưng lại lấp lánh kỷ niệm
trong Kinh Bắc thơ của ông:
Em mười hai tuổi theo tìm chị
Qua cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa…
(Qua vườn ổi)
Ngày mười bảy tuổi
Chót chơi đố cỏ Bồng Thi
Cỏ Bồng Thi phải cheo leo mỏm đá
Ù ù gió thổi…
(Cỏ Bồng Thi)
Từ không gian xa vời của truyện
Lamartin, Andersen, của Nghìn lẻ một đêm, từ thế giới cao cả của những nhân vật
kỳ vĩ như Nguyễn Trãi, Phi Khanh, Kiều Loan, từ không khí sục sôi ý chí “quyết
tử cho tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, Hoàng Cầm đã “Cúi lạy
mẹ con trở về Kinh Bắc”, tự làm một cuộc du hành tâm linh kỳ thú, âm thầm trở
lại với cuộc sống bình lặng với những con người thân thuộc gần gũi của quê
hương mình. Và trong cuộc hồi hương thiêng liêng này, nhà thơ không chỉ thu hút
mà còn làm thăng hoa hương sắc, hồn phách văn hóa Kinh Bắc cũng tức là hương
sắc hồn phách văn hóa Việt bằng một “Cõi Kinh Bắc thơ” nửa hư nửa thực, vừa lạ
vừa quen, anh hùng mà nghệ sĩ, mộc mạc mà diễm lệ, chân chất mà hào hoa, xưa cũ
lại mới mẻ tân kỳ và bao giờ cũng rất quyến rũ, ám ảnh, luôn làm sững sờ ngây
ngất các thế hệ Việt Nam.
Ta con chào mào khát nước
Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm
Cây ổi giơ xương
chống đỡ mùa đông xập về
đánh úp
Ô này tám đỏ ra hoa
Ta con chim cu về gù rặng tre
đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
đưa mây lành những phương trời lạ
về tụ nóc cây rơm
(Về với ta)
“Về Kinh Bắc” là tập thơ giúp ta
hiểu thế nào là sự bất diệt của thơ ca và thấm thía thế nào là dân tộc - hiện
đại, thế nào là truyền thống - cách tân, các cặp phạm trù nhiều người vẫn
thường nói nhưng cũng thường khi không hiểu rõ chúng.
Với “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm,
thơ không chỉ còn là thơ mà đã là quê hương, là tâm linh, là văn hóa, là sự bất
diệt...
*.
NGUYỄN THẾ KHOA
Địa
chỉ: phường Láng Thượng
quận Đống Đa, Hà Nội.
......................................................................................................
- Cập nhật từ
email: tahongtruong@yahoo.com.vn ngày 18.01.2021
- Bài viết không
thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi
rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét