THƠ VĂN GIÁ VÀ GIÁ CỦA THƠ - Tác giả: Chu Giang (Sài Gòn)

1 comment

 

THƠ VĂN GIÁ VÀ GIÁ CỦA THƠ

*

Nếu số đầu tiên của báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn) được xem là mở đầu một thời kỳ Cải cách, Đổi mới ra mắt bạn đọc không phải vào Tháng Bảy mà là vào tiết Thanh minh chẳng hạn, thì đã không có bài viết này.

Nếu bài thơ Mùa thi đỏ lửa của nhà thơ Văn Giá tức Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Giá được viết vào một thời điểm khác mà không phải vào tiết Tháng Bảy thì đã không có bài viết này. Vì sao? Trước khi trả lời câu hỏi Vì sao?, xin bạn đọc cùng thưởng thức bài thơ này của nhà thơ Văn Giá - dù đã có trên Văn Nghệ:

MÙA THI ĐỎ LỬA

 

Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu
Chỉ có gió Lào cát trắng thừa thôi
Ở Quảng Trị cái gì cũng héo
Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi
Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm
Chỉ có Quốc lộ là hung dữ nhất thôi
Cô giáo coi thi xe máy về phố thị
Xe tải tông ngang
Nấm mộ chân đồi…
Ở Quảng Trị cái gì cũng ít
Chỉ có mộ người chi chít mà thôi
Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng
Hương khói đêm đêm cháy đỏ mặt người
Ước mai này không còn thi cử nữa
Các con ta chỉ thi với chính mình
Từng nấc thang đời con thong dong bước
Được làm người tự do
Ở Quảng Trị tất thảy đều cháy xém
Chỉ có làn da em gái trắng ngời
Cả Quảng Trị trong héo ngoài héo
Chỉ có em trong tươi ngoài tươi.

(Tháng 7-2019)

Đây là một bài thơ bình thường nếu không nói là tầm thường. Bài thơ chỉ nhằm khen cô gái Quảng Trị “trong tươi ngoài tươi”. Xưa nay có nhiều cách để khen. Dùng phép so sánh để khen là một thủ pháp. Như cách Nguyễn Du khen Thúy Kiều. Trong thơ tình hiện đại thì nhiều kiểu cách khen phái đẹp, khen người yêu người thương. Nhưng cách của thi sĩ Văn Giá là hạ thấp Quảng Trị tất cả, hoàn toàn, thậm xưng đến thậm tệ, như kiểu nói xấu, phỉ báng, hạ thấp A để khen ngợi, nâng cao B. Trong cuộc đời, khen - chê như thế không phải là cách xử thế của kẻ sĩ quân tử. Người biết điều được khen như thế cũng thấy hổ ngươi! Có khi là một ngụ ý xấu. Như kiểu “nói Sơn Tây chết cây Hà Nội”. Ở đây Văn Giá cụ thể hơn, sát sạt hơn: Cả Quảng Trị trong héo ngoài héo / Chỉ có em trong tươi ngoài tươi. Khen một cô gái bằng cách khinh bỉ, miệt thị, chê bai cả thiên nhiên, cả con người, cả văn hóa và lịch sử của quê hương cô… là một sự xúc phạm nặng nề đến người được khen và bạn đọc nói chung. Cái kiểu khen như thế thì khuyên Văn Giá đừng bao giờ đi qua đất Quảng Trị, đừng bao giờ trở lại đất Quảng Trị. Các cô gái Quảng Trị, người dân Quảng Trị đọc bài thơ này phải lấy làm phẫn nộ thì mới đáng là con người, con người Quảng Trị. Em trong tươi… là một hình ảnh thơ rất tục bẩn. Con người ta, hình sắc bên ngoài đã nói lên cái bên trong của nó rồi, trông mặt là bắt được hình dong rồi. Muốn thể hiện cái bên trong con người thì phải xem ở hành động của họ. Cần gì phải trực diện cái trong tươi. Đấy là ngôn ngữ của chuyên khoa Nội soi đại tràng, không phải ngôn ngữ của thi ca. Cái trong tươi của Văn Giá có thể bắt nguồn hay gần gũi với cách nói “nhà ấy trên tươi dưới nở nhé” là câu trêu đùa các chị em lâu ngày mới được ăn nằm với chồng!

Nhưng cũng có thể Văn Giá mượn sự khen cô gái để tỏ thái độ không thiện cảm gì với Quảng Trị - một vùng đất tiêu biểu của đất nước, của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập. Rất rõ trong khổ thơ sau:

Ở Quảng Trị cái gì cũng ít
Chỉ có mộ người chi chít mà thôi
Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng
Hương khói đêm đêm cháy đỏ mặt người.

Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng”. Nhìn ra chỉ có “chi chít mộ người”… Lạnh lùng quá. Cứ như Văn Giá là người ở xứ nào đến thăm Quảng Trị rồi mến một cô gái đẹp chứ không phải Văn Giá là một người Việt Nam. Mà Văn Giá đã, đang là một người Việt Nam ở cương vị phải thấy, phải hiểu, phải nhớ, phải cảm nhận Quảng Trị như một thực thể lịch sử - xã hội mà nó đã có, đã hiện diện trong hiện thực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Giá sinh ngày 7-5-1959. Vào Mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị năm 1972, ông mới 13 tuổi. Đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, vào năm 1980, là Trưởng khoa sáng tác Đại học Văn hóa, là một Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, xem Nhà văn Việt Nam hiện đại. Kỷ yếu của Hội Nhà văn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn. In lần thứ IV. H.2020. Mục Văn Giá. Có thể nói rất nhiều về Mùa hè đỏ lửa, về Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm… Nhưng chúng tôi thấy mấy câu sau của Cựu chiến binh Lê Bá Dương đã nói được tất cả:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Xuất xứ của mấy câu thơ trên là vào sáng ngày 27-7-1987, anh Lê Bá Dương đã ra chợ mua tất cả hoa ở một quầy hoa, anh ra sông Thạch Hãn thuê đò, ngược dòng, rải hoa xuống những khoảng sông mà đồng đội đã ngã xuống. Cả đi về hết 4 giờ. Khi anh trả tiền cho người chở đò, một bà cụ, thì bà cụ sụp xuống lạy anh, nói: Mi mằn rứa thì mệ sao dám lấy tiền… Văn Giá ơi, không phải “Cả Quảng Trị trong héo ngoài héo” đâu!

Có lẽ trong thơ ca cách mạng và kháng chiến, cho đến nay, chưa có một hình ảnh thơ, hình tượng thơ nào có sức khái quát, rung động, truyền cảm đến như thế:

Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…

Câu thơ Hương khói đêm đêm cháy đỏ mặt người của Văn Giá cần được chú thích để bạn đọc được tường: Thị xã Đông Hà và vùng đất Thành cổ và xung quanh, bị Mỹ hủy diệt bằng bom do máy bay các loại ném xuống. Do pháo các loại từ Hạm đội 7 bắn vào. Chiến sĩ và đồng bào hy sinh không kể xiết. Ở thị xã Đông Hà, vào đêm Giao thừa, đồng bào thắp hương khắp trong nhà ngoài sân ngoài vườn, ngoài đường đi… để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Chúng tôi đã có dịp đến nhà anh chị Nguyễn Hữu Cử – Nguyễn Thị Các, cán bộ Phòng Xuất bản Sở Văn hóa Quảng Trị, là bạn đồng môn, được mô tả lại tập quán đáng kính trọng đó. Không phải “đêm đêm” đâu!

Như phần đầu đã nói, Tháng Bảy ở Việt Nam là một tháng rất đặc biệt. Theo Âm lịch thì Tháng Bảy, vào ngày rằm tháng bảy là ngày Lễ hội Vu Lan, cho cả người theo đạo Phật hay không. Là ngày lễ Xá tội vong nhân. Là ngày lễ Đền ơn trả nghĩa mẹ cha. Theo Dương lịch thì ngày 27 tháng 7 là Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Ngày tưởng nhớ công ơn những Anh hùng - Chiến sĩ đã hy sinh cho nền Độc lập và những người có công với Cách mạng. Theo truyền thống văn hóa dân tộc thì Tháng Bảy - cả Âm lịch và Dương lịch, đều có những ngày Lễ trọng, Đại lễ. Và Quảng Trị là địa danh thiêng liêng nhất trong ngày Lễ trọng đó. Cũng xin nói thêm. Ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là bắt nguồn từ cảnh ngộ của một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở bờ Bắc còn vợ phải ở lại bờ Nam. Hàng ngày có thể nhìn thấy vợ lẫn với bà con bên bờ Nam mà không thể nào gặp được. Tâm trạng đó đã được nhạc sĩ đưa vào ca khúc sống mãi với thời gian.

Khi tôi định trích dẫn một chi tiết trong hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của nữ đạo diễn Xuân Phượng, tôi rút quyển sách, giở một trang bất kỳ thì được ngay trang 160 (bản in lần 2. Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 2021), đoạn văn này:

“… Bị hỏi dồn dập, T. tự thú: “Chúng tớ gặp nhau cảm động lắm. Cô bé có mái tóc dài, đôi mắt to ăn đứt các cô gái Hà Nội. Chuyện trò một chặp, cô ấy cho hôn một cái. Thừa thắng, tớ định xông lên nữa. Em Lan không từ chối nhưng giọng Quảng Trị ngọt như mía lùi: “Anh ơi, nếu yêu em, anh chịu khó chờ. Em xin thề mãi mãi yêu anh nhưng còn bom đạn như ri, không thể có hạnh phúc anh ạ”. Lan trong trắng quá, chân thành quá nên tớ không dám liều”.

… Hai ngày đêm sau chúng tôi quay về Vĩnh Mốc quay phim. Bọn Mỹ điên cuồng thả bom như bão lửa. Ông Ivens ra lệnh rút về địa đạo nghỉ ngơi. Trời sắp tối, chúng tôi đến gần hầm. Bỗng thấy rất đông người chạy ùa về phía vườn tiêu, nơi có địa đạo chung cho cả làng. Càng đến gần, tiếng than khóc vang lên thảm thiết. Ông Ivens cho đoàn dừng lại, máy quay chuẩn bị sẵn sàng. Dưới những gốc tiêu, một dãy thi hài đã được bó chiếu xếp thành một hàng dài. Anh Hoàng phụ trách Tuyên huấn Vĩnh Linh báo tin: “Bom Mỹ ném trúng miệng hầm, bị sức ép của bom, không một ai thoát chết”. Máy quay từ từ lia đến gần 5 xác trẻ em chân tay co quắp, mặt mày tái nhợt, nhìn bên ngoài không thấy một vết thương. Rồi hai người đàn bà đầu còn nguyên chiếc khăn trùm, rồi vài xác người chưa kịp bó chiếu. T. đang quay bỗng khụy xuống. Tôi đến gần. Thi thể một cô gái nằm dưới gốc tiêu, mặt đã được ai che một miếng vải. T. lắp bắp: “Trời ơi! Em Lan!”.

Một nỗi căm giận đến nghẹn ngào, cả đêm đoàn làm phim chúng tôi ngồi bên nhau. Marceline - vợ Ivens - khe khẽ đến cầm tay T. Ông Ivens lắc lắc mái đầu bạc, thở dài và cúi đầu đi về phía cuối hầm” (Sđd. Trg.160-161).

Nếu “Cả Quảng Trị trong héo ngoài héo” thì là những cái héo như thế. Và sự “trong tươi ngoài tươi” của Văn Giá vào tiết Tháng Bảy này là một cái gì không phải Việt Nam, không phải văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Theo nhà thơ Đỗ Hoàng thì bài “Mùa thi đỏ lửa” là ăn cắp từ ca khúc Ngẫu hứng phố của nhạc sĩ Trần Tiến, có từ 20 năm trước. Trích mấy câu:

… Ở Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi
Hà Nội cái gì cũng rẻ
Chỉ có đắt nhất tình người thôi
Hà Nội cái gì cũng buồn
Buồn thương đến thế mùa thu ơi…

Nói ăn cắp thì hơi quá. Có lẽ cả Văn Giá và Nguyễn Việt Chiến và Khuất Quang Thụy và Nguyễn Quang Thiều đều chưa biết (hay đã quên) ca khúc của Trần Tiến. Cũng chưa đọc Gánh gánh gồng gồng một cách nghiêm túc, tuy vẫn trao Giải thưởng đấy. Cải cách, Đổi mới báo Văn Nghệ là cấp thiết. Nhưng xem ra lực bất tòng tâm. Song, vạn sự khởi đầu nan. Mong tất cả hết lòng cố gắng thì vẫn sẽ thành công.

----------

Nguồn: http://tuanbaovannghetphcm.vn/tho-van-gia-va-gia-cua-tho-so-651/?fbclid=IwAR2WPBvmi2hHqoL15aWVxjwZ4MNE4V2G1E5D0Dabkrv-aUIZkIl587eKJ4U

*

Tháng 7-2021

CHU GIANG

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 


 

- Nhà thơ NGUYỄN KHÔI giới thiệu -

- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày 21.07.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

.


1 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của tác giả Chu Giang mà thấy thương ông Văn Giá!
    Thế mới biết học thực khác với học giả một trời một vực. Bằng cấp, học hàm học vị nhiều khi chỉ là đồ trang sức rẻ tiền!

    Trả lờiXóa