BÀN QUA VỀ CHỦ NGHĨA ‘THẮM TƯƠI’... NƠI BÀI VIẾT CỦA PHÓ GIÁO SƯ NGÔ VĂN GIÁ - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

BÀN QUA VỀ CHỦ NGHĨA ‘THẮM TƯƠI’...

NƠI BÀI VIẾT CỦA PHÓ GIÁO SƯ

NGÔ VĂN GIÁ

*

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

Bài viết “Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi” của ông Văn Giá, in trên báo Giáo Dục & Thời đại ra ngày hôm nay 10/8/2021

Nhà phê bình trứ danh Hoài Thanh từng nói: “Xem một bài phê bình thơ, tôi xem những câu thơ trích ra khen trước. Nếu đó là những câu thơ hay thật, tôi mới đọc bài bình. Còn nếu nó không hay, hoặc tầm thường, hoặc dở, tôi sẽ không đọc bài bình thơ”. Bắt chước Hoài Thanh, tôi cũng xin in các câu thơ của Nguyễn Thành Phong được Văn Giá trích ra để khen, xem chúng ở đẳng cấp nào.

Xin trích:

“Một ngày bỗng thèm muốn

Bước chân đi la đà

Cỏ cây xanh màu cũ

Tang bồng sông núi xa”

(Những gánh nặng…).

“Đêm ta ngồi giữa ba dòng sông sâu

Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở

Nghe nước kể chuyện những đời người

Cay đắng và vinh quang

Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi”

(Đêm ngồi ngã ba sông)

Và đây nữa:

“Đi đi suốt làm thành số phận

Khắp địa cầu đâu cũng dấu dân ta

Ngực lặng cúi trong cơ hàn xa khuất

Mắt trĩu buồn đau đáu hạt sương sa…”

(Sao vẫn còn người Việt ra đi…)

Văn Giá khoái nhất “món thắm tươi” này, nên bình đi bình lại câu “lòng cứ thắm tươi”: “Chính vì đặt mình vào vị thế ấy, thật tự nhiên, người thơ trữ tình này tự tố cáo mình trong một câu thơ gan ruột: “Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi”.

Văn Giá nâng chủ nghĩa “thắm tươi” lên mà khái quát: “Tôi cho rằng, bản thân nhà thơ Nguyễn Thành Phong cũng không thể ngờ câu thơ như một tự họa bản mệnh thi sĩ của chính mình. Nó là một bản mệnh gồm hai mặt: Cuộc sống mà người thơ đã lâm vào và sức sống mạnh mẽ, tự tại của chủ thể, theo đó mà nới rộng ra cùng với cõi nhân gian và đất nước.”

Văn Giá triết lý “thắm tươi” một cách bí hiểm mù mờ tiếp: “Thơ chẳng qua là một phóng chiếu của đời sống tiểu sử và tinh thần phức tạp, bí ẩn của người nghệ sĩ vào câu chữ”.

Nhà thơ tự ngẫm đời mình: “Anh là một người trai từng trải/ Bỗng có ngày non dại dưới mây xa” (Có một chút dịu dàng).

“Mưa xa mưa xa mưa xa

Một đời dài như cơn gió

Bàn chân từng hạt mưa nhỏ

Khi khoan khi nhặt về gần…”

“Một kiếp sống chỉ tính bằng chớp mắt

Cũng lộng lẫy huy hoàng trời nước giao nhau”

(Đêm ngồi ngã ba sông).

“Bọc trăm trứng vẫn hồng trong tâm tưởng

Khắp địa cầu giăng mắc mịt mờ xa...”

(Những nhà thơ chiến trường).

“Trưa ngồi dưới bóng phong ba

Rưng rưng tôi gọi: Trường Sa làng mình...”

(Trường Sa làng mình).

“Trời biên tái bay đầy mây trắng

Và dịu lành xanh mắt thẳm Hương Sơn”

(Nợ gì với Hương Sơn).

“Như đội quân kỳ

Những lá cờ biểu trưng cho sức sống

Xanh ngút ngàn dọc các triền kênh rạch

Châu thổ Cửu Long Giang tràn tầm mắt”...

“Trong lòng ta yên tĩnh và đắm đuối

Nơi bắt đầu những rộn rã đấy thôi”

(Từ mình).

 “Phố hiểu thế phả chút mùi thật nhẹ

Cho ta thở căng tràn xua ăm ắp tối tăm xa”...

 “Lá khô cũ vun thêm vào đống rấm

Trong vườn xưa khói ấm thơm nồng

Nghe rét ngọt giữa chiều đang trở gió

Cây âm thầm chuyển nhựa cuối ngày đông”

(Dưới mái hiên quê).

“Ừ giêng, cỏ đã xanh mềm

Và hoa hồng trước cửa thềm đã khoe

Anh đang đứng lặng yên nghe

Bao nhiêu xao xuyến rung về phía em”…

Trên đây là những “câu thơ” Văn Giá trích ra để khen nhà thơ Nguyễn Thành Phong. Tôi đọc đi đọc lại các câu thơ trong tập “Đêm ngồi ngã ba sông” do Văn Giá trích ra khen hay rồi bình luận rất tầm phào, khiên cưỡng, buồn cười, lời bình chẳng nhập gì vào câu thơ dẫn ra khen. Tôi khẳng định những câu thơ trên do Văn Giá trích ra chẳng có câu nào hay cả, toàn là câu tầm thường, thậm chí dở.

Bình thơ mà thơ trích ra khen không hay thì bình làm gì cho uổng công, thưa ông Văn Giá? Để kết bài, Văn Giá viết:

“Chưa hẳn được tròn vai như thế, nhưng cái ý hướng của thi sĩ Nguyễn Thành Phong đã ngả về phía ấy. Cũng là một trong những cách ứng xử mang tinh thần kẻ sĩ. Phía cuối con đường của một “kiếp nhọc nhằn” là vậy, “lòng cứ thắm tươi”…”

Trong bài bình vẩn vơ này, Văn Giá cứ đai đi đai lại cụm từ “LÒNG CỨ THẮM TƯƠI”, như là chủ đề tư tưởng của ông, đưa nghệ thuật thắm tươi, chủ nghĩa thắm tươi mà khen hết lời câu thơ dở nhất của Nguyễn Thành Phong, dở nhất trong lịch sử văn học Việt Nam xưa nay là câu của Nguyễn Thành Phong do Văn Giá dùng làm đầu đề cho bài viết “KIẾP SỐNG NHỌC NHẰN LÒNG CỨ THẮM TƯƠI”

Trời ơi, đã “thắm tươi” rồi sao lại còn ngô nghê, thô mộc văn nói “CỨ” nữa là cớ làm sao hở trời ?

Có phải Văn Giá xỏ (hay đểu) Nguyễn Thành Phong hay không mà đi khen câu thơ dở nhất của Phong, dở nhất, sến súa nhất từ xưa đến nay “Kiếp sống nhọc nhằn LÒNG CỨ THẮM TƯƠI”…

Tôi đánh vào tìm kiếm google: “về từ “thắm tươi” trong thơ ca Việt Nam”, tịnh không có một đáp án nào. Than ôi, từ THẮM TƯƠI nó là bố sến, là bố quê mùa, ai mất khả năng xấu hổ mới đưa nó vào thơ.

Tôi có một cháu gái con cô em út, đã đỏ mặt xấu hổ muốn chui vào lỗ nẻ vì anh người yêu của nó chào nó cùng ba cô bạn ra về rằng: chào các em nhé, chúc các em thắm tươi mãi nhé! Ba con bạn của cháu gái ôm bụng cười gần chết, chê cháu tôi mày kiếm đâu ra cái thằng quê mùa sến súa vô cùng tận này vậy? Sau đó, con cháu gái tôi bỏ ngay anh chàng người yêu theo “chủ nghĩa thắm tươi” của ông nhà thơ Nguyễn Thành Phong và ông phê bình mù thơ Văn Giá ngay tắp lự.

Khi tôi đang viết những dòng này,thì thằng “bạn mày tao” là nhạc sĩ Trần Tiến gọi điện: mày khỏe không? Tôi trả lời: khỏe! Rồi khoe: tao đang thắm tươi đây. Thằng Trần Tiến cười sặc sụa trong điện thoại: bố khỉ mày sến nó vừa chứ… Mai kia xuống tao “thắm tươi” nhá. Tôi cúp máy, định bụng hết dịch covid sẽ xuống Vũng Tàu, đưa bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của Văn Giá cho Tiến hát theo nhạc “Ngẫu hứng phố”; chắc lúc đó hai thằng quỷ sứ đã vào tuổi U80 sẽ cười hết cỡ vì “thắm tươi” quá, “thắm tươi” quá, giời ơi .,.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền,  

quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Email: cokhicon@gmail.com

Điện thoại: 091 841 00 42

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn, ngày 11.08.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét