PHAN TẠI LAO KHỔ VÌ SÂN KHẤU - Tác giả: Lê Hoài Nguyên (Hà Nội)

Leave a Comment

 

PHAN TẠI LAO KHỔ VÌ SÂN KHẤU

*

Báo Thời mới Hà Nội ngày 21-1-1960 đưa tin:

(Tác giả Lê Hoài Nguyên)

Ngày 19-1-1960, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xử 5 tên Lưu Thị Yến tức Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Chúng là những tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành, hoạt động có tổ chức, thực hiện âm mưu của địch, tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý đê hèn nhất, những hoạt động phá hoại thâm độc nhất, để hòng cuối cùng lật đổ chế độ tươi đẹp của chúng ta ở miền Bắc.

Phiên tòa do ông Nguyễn Xuân Dương, chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội làm chánh án, ông Phùng Bảo Thạch, Phó Hội trưởng Hội Nhà báo Việt Nam và ông Nguyễn Tử Cát, ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn Hà Nội làm Hội thẩm, ông Dương Văn Đàm làm công tố ủy viên và có luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các bị can.”

Phần tội trạng của Phan Tại báo đưa:

Phan Tại  trước đây trong vùng tạm chiếm đã làm việc tuyên truyền cho địch chống lại kháng chiến, sau hòa bình trở lại tích cực cổ động cho Nhân văn, vận động người góp tiền cho Nhân văn, định mở rộng đoàn kịch lấy tiền ủng hộ Nguyễn Hữu Đang và đồng bọn đẩy mạnh hoạt động phá hoại, lợi dụng sân khấu và điện ảnh để phản tuyên truyền.”

Tôi được gia đình Phan Tại cho biết  thực tế cuộc đời hoạt động của ông như sau:

Phan Tại sinh năm 1920 trong một gia đình buôn bán đồ cổ ở phố Hữu Môn thị xã Hưng Yên, có bảy người con hai trai, năm gái. Đó là một gia đình sống sung túc, yên ấm, mọi người hòa thuận, yêu quý nhau. Về nếp sống của ông bà, Phan Tại viết trong hồi ký:

Ở cửa hàng phố Hiến, bà có để một ống tiền xu, bà dặn các cô chú tôi: Nếu các con thấy ăn mày là đàn ông, các con cho một xu; là đàn bà ( đàn bà khổ hơn đàn ông rất nhiều) các con phải cho hai xu; là người tàn tật và người già là khổ nhất, các con phải cho ba xu. Một hôm có bà lão ăn mỳ đến xin, co vân tôi lúc đó mới 6, 7 tuổi ngồi trong quầy cầm ba đồng xu ném vào cái nón rách của bà cụ. Ông nội tôi nhìn thấy bảo: “Ăn mày cũng là người, lần sau con phải cầm tiền bằng hai tay mang ra tận nơi nói rằng: Cháu đãi cụ”.

Năm Phan Tại 22 tuổi, đang là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì mẹ mất. Về chịu tang mẹ, ông bỏ học để phụng dưỡng bố, nuôi dạy các em, nối tiếp công việc kinh doanh. Nhưng do phóng khoáng, thành thật tin người, do thời thế công việc kinh doanh thất bại thảm hại, đẫn đến phá sản, đến năm 1945 ngôi nhà hương hỏa của tổ tiên để lại cũng phải bán nốt. Phan Tại và các em phải làm nhiều nghề để kiếm sống như rang cà phê, bán giải khát, bán phở, bán bún thang, làm dây đàn, là bánh chưng, bánh đậu xanh, mở quán cà phê, làm đèn xếp, kéo củi, kéo xa...

Ngày 19-8-1945 Phan Tại nhận lời tham gia Sở Văn hóa Thông tin Hưng Yên phụ trách vẽ tranh tuyên truyền cho thành phố và các huyện phủ. Vợ mới chết, con gái đầu lòng mới sáu tháng tuổi, Phan Tại phải tự mình nuôi con bằng nước cơm pha đường.

Đầu năm 1946 Phan Tại cùng em rể là họa sĩ Pham Khanh lên Hà Nội mở quán cà phê ca nhạc, được ông Trần Huy Liệu cắt băng khai trương nhưng bị vắng khách.

Giữa tháng 10-1946 ông nhận được thư của một người bạn ở Hải Phòng nhắc xuống ngay thực hiện chương trình tập luyện kịch hát cho ngày ra mắt tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, chương trình đầu tiên của Đoàn công tác Hội thuộc Bộ Chỉ huy Liên khu Ba do Lê Quang Hòa và Hoàng Minh Thảo lãnh đạo. Do khó khăn về tài chính Phan Tại đã phải vay tiền của gia đình để mua sắm thiết bị cho đoàn văn nghệ hoạt động. Từ 18-11-1946 Đoàn bắt đầu biểu diễn ở Nhà hát Hải Phòng.

Trưa ngày 19 -11 Nhà hát Hải Phòng bị quân đội Pháp tấn công. Đoàn văn nghệ không đầu hàng, bị hy sinh mất 8 người. Phan Tại cùng đồng đội bị bắt. Ngày 21-11-1946 họ được trao đổi với tù binh Pháp của tự vệ khu 7 bắt được.

Phan Tại trở về Sở Thông tin Hưng Yên tiếp tục công tác, lập lại đoàn kịch mới.

Cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Phan Tại tìm đường lên Việt Bắc thì ở chợ Thi,  Hưng Yên gặp và gia nhập Đoàn kịch Ngàn Phương từ Hà Nội về. Trong diều kiện khó khăn, Đoàn kịch Ngàn Phương tan rã. Phan Tại quyết lập một đoàn kịch mới phục vụ cho đồng bào bản địa và tản cư từ Hà Nội, Hải Phòng về.

Đầu năm 1947 Phan Tại và Phạm Khanh nhận được giấy mời về làng Đọ tức Đỗ Thượng, Quang Vinh, Ân Thi, Hưng Yên dự thành lập Hội Văn hóa Kháng chiến Hưng Yên. Hội Văn hóa Kháng chiến Hưng Yên được thành lập với họa sĩ Lương Xuân Nhị làm Hội trưởng, Thi sĩ Vũ Đình Liên làm Phó Hội trưởng, Nhà văn Hoàng Như Mai làm Tổng Thư ký, kịch sỹ Phan Tại làm Trưởng ban Sân khấu…

Ông Hoàng như Mai viết:

Hội Văn hóa Kháng chiến Hưng Yên hoạt động sôi nổi. Hội đã tổ chức được nhiều đêm diễn kịch, nhạc, múa đặc sắc, thu hut đông đảo khán giả ở Chợ Thi, ở Kim Động và cả ở Cổ Khúc, Đông Hưng, (Thái Bình). Vở kịch Tiếng trống Hà Hồi đã được tổ chức công diễn nhiều lần,  và sau này được công diễn trong lòng thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn.”

Trong ba năm 1947, 1948, 1949 Đoàn kịch Kháng chiến Hưng Yên được nhận danh hiệu Đoàn kịch gương mẫu của Hội Văn nghệ Khu Ba, được nhận một khoản trợ cấp tài chính do nhà văn Học Phi trao tặng.

Chiến sự lan rộng tại đồng bằng Bắc Bộ, Pháp tấn công Thái bình. Tại Tiên Hưng Thái Bình, Phan tại cùng một số anh em văn nghệ sĩ bị quân Pháp bắt và đưa về Hà Nội.

Tại Hà Nội, với sự giúp đỡ của Sỹ Tiến, Tạ Tỵ,  Phan Tại tổ chức biểu diễn vở Tiếng trống Hà Hồi của Hoàng Như Mai. Vở kịch yêu nước đã gây chấn động trong khán giả sau nhiều năm.

Đoàn kịch của Phan Tại còn tiếp tục dựng các vở tiến bộ yêu nước khác như Tâm sự kẻ sang Tần của Vũ Hoàng Chương, Viễn khách của Hoa Thu- Lê Huyền linh, Người bán kiếm của Văn Phú, Bến nước Ngũ bồ của Năng Hiền- Phan Tại- Hoàng Công Khanh, Đức Phật của Phan Tại - Đinh Hùng - Hoàng Công Khanh.

Năm 1953 trong điều kiện Việt Nam lúc đó chưa có trường đào tạo nghề điện ảnh, Phan Tại đã thực hiện làm đạo diễn bộ phim truyện nhựa màu đầu tiên của nước ta Bến cũ tại Sài Gòn

Phan Tại trở thành một trong những cái tên đắt giá nhất trong giới nghệ sĩ Hà Nội.

Trước ngày tiếp quản Hà Nội Ông được một số bạn bè khuyên nhủ và Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn Trọng Luật mời vào Sài Gòn nhưng đã từ chối, tìm cách ở lại Hà Nội.

Trong hồi kí ông viết:

Rồi ngày tiếp quản thủ đô rực rỡ cờ sao. Chúng tôi: Trần Khánh, Hữu Độ, Trịnh Thịnh, Dương Quảng thắng bộ đồ đẹp nhất đi đón Bác Hồ.”

Phan Tại cùng một người bạn là nhà làm phim Vũ Minh gặp Phạm Văn Khoa xin đem máy móc gia nhập Quốc doanh Điện ảnh Việt Nam và thực hiện bộ phim Tranh tối tranh sáng đang làm dở của ông. Nhưng người bạn cũ đang phụ trách Điện ảnh quốc doanh lúc đó từ chối.

Sống trong những này của chế độ mới trong con người nghệ sĩ Phan Tại tình yêu sân khấu lại bùng lên mạnh mẽ. Ông bàn với Trần Huyền Trân thành lập Hội những người yêu kịch thu tiền tháng như Hội bánh, một loại hội của các bà buôn bán ở Hàng Buồm ngày trước. Hội viên đóng góp quỹ dựng vở và tới ngày biểu diễn là có vé xem đưa đến tận nhà với chỗ ngồi tốt nhất.

Từ 1954 đến 1958 trước ngày bị bắt Phan Tại đã dựng các vở:

Năm vở nhạc kịch Con chim vành khuyên, Cái bắp cải, Con trâu, Con chuột, Ghế bán chợ giời.

Các vở kịch khác:

Hướng sao Bắc Đẩu tố cáo vụ thảm sát Phú Lợi tại miền Nam

Cảnh giác hoạt động tình báo Liên Xô chống phát xít Đức.

Cái thật ở Mỹ chống nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Ổ bịp bợm về sự thối nát sa đọa của ngụy quyền Sài Gòn.

Thày Tú của tác giả Pháp Marcel Pagul

Kim Tiền của Vi Huyền Đắc

Đây là thời kỳ phức tạp ở miền Bắc. Xã hội căng thẳng vì những sai lầm do công tác Chỉnh huấn và Cải cách ruộng đất mang lại. Khi Đảng Lao động Việt Nam sửa chữa sai lầm, mở rộng dân chủ thi khuynh hướng đấu tranh chống lại chủ nghĩa Mao, tệ quan liêu của chính quyền đã nảy nở trong văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân mà người ta quen gọi là Vụ Nhân Văn Giai Phẩm hoặc Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là tên gọi đúng nhất với hình thái của nó. Nhóm Văn nghệ sĩ làm báo Nhân Văn Giai Phẩm là trung tâm hình thành sớm nhất và có vai trò lớn nhất , ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Xung quanh trung tâm này đã hình thành nhiều nhóm hoạt động dân chủ khác mà mục tiêu cũng là dân chủ như Nhân Văn Giai phẩm. Đó là nhóm Giáo sư giảng dạy và sinh viên ở hai trường đại học Sư Phạm và Tổng Hợp, nhóm lãnh đạo đảng Dân chủ và nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận Tổ quốc, nhóm Văn nghệ sỹ giới sân khấu và điện ảnh. Ngoài ra không thể không kể đến hàng vạn giáo viên, trí thức, học sinh và người dân cũng mua, đọc các báo của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và chịu ảnh hưởng tư tưởng của nó.

 

Phan Tại có tham gia Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm không. Nếu có thì ông đã làm những gì?

Trước hết nhà Phan Tại số 39 Trần Quốc Toản, có thời gian cho bà Thụy An ở nhờ, như là một câu lạc bộ của văn nghệ sĩ Hà Nội lúc đó, tụ tập, cũng là nơi có mặt của mhiều nhân vật chủ chốt của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Phan Tại tham gia sáng lập và Ban biên tập báo Sáng Tạo tờ báo tư nhân và cũng là tờ báo đầu tiên của giới điện ảnh- sân khấu cũng là một tiếng nói mạnh mẽ về dân chủ. Phan Tại tham gia Ban vận động thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam do Vũ Phạm Từ làm Trưởng ban với tư cách Ủy viên thường trực. Ông còn thành lập Đoàn kịch Sáng Tạo dựng các vở Đôi mắt của Phan Vũ, Cải tử của Lỗ tấn, Cô Thục của Chu Ngọc… và đang chuẩn bị dựng Vũ Như Tô của nguyễn Huy Tưởng vốn vẫn bị giới phê bình macxit kết án tư tưởng không lành mạnh. Trong những vở Phan Tại đã dựng Kim Tiền và Thày Tú bị phê phán về tư tưởng. Đặc biệt vở Thày Tú bị Nhà văn Bửu Tiến viết bài trên báo Nhân Dân  kết án vở kịch bôi nhọ chế độ, đến buổi thứ 15 thì bị Tố Hữu ra lệnh cấm biểu diễn. Trong những lần đi Sài Gòn Phan Tại còn mang về một số bộ phim mới của trường phái Tân hiện thực và cho chiếu ở Hà Nội như Hăm lét, Kẻ cắp xe đạp, Rạp chiếu bóng Thiên Đường, Anh gắng nuôi con…

Vì lẽ đó Phan Tại bị khép vào tội một trong những phần tử nguy hiểm của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Có lẽ còn vì những lý do khác nữa mà người ta đưa ông ra tòa án xét xử cùng Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Lê Nguyên Chí.

Tại các nhà tù Phan Tại vẫn vẽ tranh tuyên truyền cho Bộ Công an, vẫn hoạt động sân khấu phục vụ cho các bạn tù. Ông được giao thành lập đoàn kịch trong tù gồm 30 diễn viên tù nhân. Ông đã dựng 15 vở kịch nói, cải lương, chèo… dựng tượng Hồ Chủ Tịch ngay trong nhà tù Yên Hòa, Phú Thọ. Ông cho rằng đây lại là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm sân khấu của ông vì không phải lo đầu tư trang phục, phông màn, không phải lo bán vé cho khán giả lại ấm lòng vì sự mến mộ của các bạn tù và bà con lân cận.

Tuy nhiên chế độ dinh dưỡng nhà tù và lao động hà khắc đã bào mòn sức khỏe của ông.

Từ năm 1964, sau khi ra tù, Phan Tại phải kiếm sống bằng những công việc nặng nhọc. Có thời gian ông xin vào Thành phố Hồ Chí Minh làm chân dung những người đã khuất bằng xi măng rỗng cho tro cốt vào để thờ tại gia. Ông phải nhận làm thuê tượng đài ông Nguyễn Sinh sắc ở Sa Đéc, tượng Công Nông Binh ở Đồng Tháp mà không được ghi tên tác giả.

Vì tình yêu sân khấu một lần nữa ông lại đốt cháy mình với vở Số Đỏ với danh nghĩa của Nhà xuất bản Văn học. Vở diễn Số Đỏ biểu diễn nhiều đêm ở Cung Văn hóa Thiếu Nhi và gây tiếng vang lớn nhưng lại bị Vũ Hà đạo diễn ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhảy vào phá rối cướp công.

Từ 1982, Phan Tại tập trung làm chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng và là bạn của ông bằng tượng, phù điêu. Ông đã làm được hàng trăn bức tượng và phù điêu về Đặng Thế Phong, Lê Thương, Tử Phác, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Nguyên Hồng, Phùng Quán, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Trần Dần, Trần Huyền Trân, Quang Dũng, Sĩ Tiến, Ngọc Bảo...

Hầu hết số tượng này đã được gia đình tặng lại cho gia đình bè bạn của ông.  Tháng 9-2012 chị Phan Y Lan trưởng nữ của Phan Tại đã hiến tặng 26 bức các nhà văn cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Phan Tại ra đi ngày 5 tháng 5 năm 2007 trong cảnh một ông già 87 tuổi đi bệnh viện mà không có thẻ bào hiểm y tế, dù được con cháu tận tình chăm sóc vẫn không qua khỏi tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Hôm đưa tiễn Phan Tại, tang lễ không được thông báo trên đài truyền hình vì là ngày thứ 7 truyền hình không làm dịch vụ này. Không có các cơ quan Hội, đoàn thể nào, chỉ có một số bạn bè thân, một số văn nghệ sĩ quen biết và gia đình đưa tiễn.

Nhà văn Băng Sơn một người bạn của ông viết:

Từ tháng Năm này trở đi, không ai còn gặp trên đường phố một con người tầm thước, đẹp trai, mùa thu đông chuyên mặc chiếc áo khóa màu beige, đầu đội mũ phớt và trên miệng lúc nào cũng có chiếc tẩu nhả khói, con người nhiều tài năng, dễ gần và cũng có phần chủ quan… đã là đạo diễn lừng danh một thời…đã để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ trong lòng nhiều thế hệ khán giả từ vùng châu thổ sông Hồng đến Hải Phòng, Hà Nội.”

 

Cuối cùng đạo diễn- họa sỹ  Phan Tại là gì?

Đạo diễn Ngô Y Linh người em rể của ông nói rằng Anh là một người ngây thơ về chính trị.

Ông có kể cho con gái ông rằng: Sau hai năm kết án trước khi chuyển đi trại giam mới, Giám thị nhà tù Hỏa Lò hỏi ông Anh có biết anh mắc tội gì không? Không, tôi không biết tôi mắc tội gì. Bị tù hai năm rồi mà không biết mình mắc tội gì. Vậy anh cho tôi một cái tội để tôi ghi vào đây.

Ngày nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ cởi trói cho văn nghệ sĩ ông viết trong hồi ký: Hơn 40 năm mới được làm người.

Với những gì sự thật của cuộc đời hoạt động nghệ thuật của một con người như Phan Tại và công lý của hôm nay thật khó kết án và bỏ tù ông, đối xử với ông như thế.

*

LÊ HOÀI NGUYÊN (tên thật Thái Kế Toại)

Địa chỉ: 140/33 Khuất Duy Tiến, Nhân Chính

quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật từ email: tuonglaikhongxa2020@gmail.com ngày 25.07.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 


0 comments:

Đăng nhận xét