BÀN CHỮ ‘LỄ’
BẰNG SIÊU HÌNH HỌC TOÀN THỂ
*
(Tiểu luận suy lý kiểu mẫu so với luận giải Á
Đông vụn vặt)
Dăm ngày nay, xuất hiện nhiều bài
viết trên facebook về luận điểm của một giáo sư rằng nên bỏ khẩu hiệu “tiên học
lễ”. Hầu hết những bài viết phản biện mới chỉ là mẩu vụn vặt chưa thành bài.
Nhân gian có câu “Xa để thử lòng chung, gần để thử lòng kính, có việc gấp để
thử lòng tin”. Chữ Lễ là một khởi đầu trọng thể có mấy ngàn đời từ thời thánh
hiền Khổng Tử đã ăn nhập và song hành cùng văn hóa Việt Nam. Vậy mà khi khẩn
cấp vấp phải nguy cơ phải quăng vứt nó đi, mà các học giả Việt lại chỉ có khả
năng bàn dăm câu ba điều ú ớ… Điều này cũng chứng tỏ tư duy vần vèo mấy vần thơ
lẻ của người Việt nói riêng, người Á Đông nói chung còn nặng căn lắm, chưa dễ
mà cải thiện.
Triết gia Mỹ Dewey đến Tàu có
nói: người Trung Hoa không có óc siêu hình học và triết học. Bác học thiên tài
Einstein đến Tàu thì bảo: người Hoa dốt nát không chịu tư duy vì từ chối hiện
thực lẫn logic hình thức… tất nhiên tầm của người Việt thì còn dưới trướng
nhiều.
Vậy nhân cơ hội này, tôi muốn bàn
tổng thể hơn về chữ LỄ dưới cái nhìn siêu hình học, mà theo hiểu biết của tôi
có thể định nghĩa: Siêu hình học là cái nhìn bao quát toàn thể về mọi đối
tượng. Nghĩa là: một vật thể sẽ được quan sát bằng những gì rộng hơn bao quanh
bản thân nó đang phơi lù lù.
Quốc gia nào cũng có quốc lễ, và
mở màn quốc lễ là Chào cờ, một mảnh vải được qui ước và chọn là biểu tượng cho
quốc gia. Đi đón phái đoàn của nước ngoài hay đơn giản hơn là hai đội bóng thi
đấu với nhau, người ta phải cử quốc ca và chào cờ của nước bạn, sau đó là nước
mình. Nước chủ nhà mở cửa đón khách, trải thảm ra tận đường, và giàn nhạc cử
bài U-véc-tuy (ouverture), theo gốc chữ Latin có nghĩa là: mở cửa chào mừng
khách.
Lễ thiết yếu có khi người ta mở
cửa đón khách. Lễ không bao giờ có, cần hay bắt buộc với những người ở một mình
trong góc tối, phòng the hay đảo hoang. Triết gia Hegel nói: khi chúng ta nhìn
nóc nhà thờ hay mặt trời thì ánh mắt của chúng ta sẽ gặp nhau (ngược lại khi
mắt ta chỉ xẩm sờ góc tối, ngắm đũng hay nhìn đáy, thì mắt ta không thể giao
hòa với số đông). Khi con người mở cửa ra thì trời đất chuyển xoay. Thai nhi
chui khỏi lòng mẹ khóc thét lên chính là nó nhận biết vũ trụ rộng lớn vô tận so
với lòng mẹ nó, và có người khác trước hết mẹ đang ru nựng, an ủi vỗ về, rồi nó
được truyền tay cho người khác bế, được đặt tên làm khai sinh, thai nhi đã làm
cuộc nhảy vọt từ tử cung của mẹ vào thế giới toàn thể vô biên vô tận và có danh
tính.
Đó cũng là cuộc nhảy vọt toàn thể
của bất cứ ai khi mở cửa nhà mình! Dân tộc Hy Lạp và La Mã là những dân tộc văn
minh đã ký bản khai sinh đầu tiên cho giờ phút mở cửa này. Mở cửa tức là gặp
người khác, gặp con đường dẫn ta đến quảng trường, dẫn đến công lý, và cái
người khác được gọi là KHÁCH đó đã trở thành chuẩn mực và lẽ sống của ta. Chữ
Khách được gắn với chữ Thể thành “Khách thể” – là chuẩn mực cho mọi công lý và
khoa học. Chữ khách, người khác còn trở thành đầu mối của tình yêu để dựng xây
xã hội và quốc gia. Cùng lúc đó tiếng sấm tuyên ngôn của Thiên Chúa nổ trên đầu
tạo văn hiến cho Kinh Thánh, đó là “Thiên Chúa là tình yêu” và “Hãy yêu tha
nhân như chính mình ngươi!” Người Hy – La đề cao đức Hiếu khách lên hàng đầu và
trọng đại , bởi vì người khách là thuốc dẫn con người cá nhân ra thế giới phổ
quát. Bởi vậy bất cứ nhà nào phạm lỗi xúc phạm khách là tội nặng ô nhục và khó
tha thứ bậc nhất, kẻ đó đã mắc lỗi về danh dự!
Lễ là giành cho người khác! Bởi
khi ta ở một mình ta không cần dùng lễ. Rô-bin-son một mình trên đảo hoang, tụt
khố hay gào thét một mình chẳng ai ngăn cản cả, vì anh ta không cần dùng lễ với
những người xung quanh hay xã hội. Nhưng chính anh ta lại tự giác coi mình là
cá thể có xã hội, anh khắc dao vào gậy đánh dấu ngày tết, ngày lễ, để rồi khi
được cứu về thành phố, anh đã gia nhập trở lại dễ dàng.
Quốc gia lớn nhất là Lễ, như
Khổng Tử xưa đã xác định, trong các nghi thức : Lễ, nhạc, xạ, hương. Thì Lễ
luôn đứng đầu. Và đứng đầu lễ là Chào, như Chào cờ vậy.
Người khác quan trọng đến mức,
trong sách Phúc Âm, Thiên Chúa còn xác định “người khác là ân sủng của đời ta”.
Chẳng hạn một chàng trai muốn yêu một cô gái, rồi cô ta mang lại sung sướng
hạnh phúc cho chàng, thì đó chính là: người khác đã đem đến ân sủng cho mình.
Sau lời chào của Lễ, thì các lễ
vật cũng là những lời thay chủ mang tiếng chào. Người ta gửi thư từ cho nhau,
thổ lộ, nhung nhớ, hẹn hò, rồi gặp mặt … đó cũng là những tiếng chào của con
tim. Đặc biệt Việt Nam có phong tục chào “dạm ngõ” tức là nhà trai mang lễ vật
sang nhà gái đánh tiếng làm thân, rồi lễ “Ăn hỏi” to hơn … Tất cả các lễ vật
đều phải mang lời chào tương xứng với nội dung chào. Như chào dạm ngõ thì ít, nhưng
chào ăn hỏi thì lễ vật phải tương xứng với giá trị của cô gái về sắc đẹp lẫn
tâm hồn và cả môn đăng hậu đối.
Khi sứ giả được nhà vua hay quốc
gia ủy thác đi sứ cũng vậy, sẽ mang lễ vật tương xứng với đất đai hay phò mã
hoặc cái gì khác. Khi quốc gia nhận lễ vật, tức thì các thỏa thuận được mở ra,
trái lại quốc gia đó từ chối lễ vật, đặc biệt chém sứ giả thì hai dân tộc buộc
phải chìm trong chiến tranh núi xương sông máu…
Chữ Lễ là mang ý nghĩa hình thức
nhiều nhất, vì lời chào không phải là thực thể. Có câu chuyện giữa dân miền Bắc
và miền Nam rằng, người Nam bảo “dân Bắc kỳ thật, mời người ta ăn cơm khi đi
qua, không mời ăn thật mà cũng mời?!” Trái lại người Bắc lại nghĩ người Nam máy
móc, khi lời mời đó chỉ là tiếng chào.
Về Hình thức, tiếng gốc Latinh là
chữ Form. Trước kia các sách miền Nam dùng từ rất hay gọi là Mô thức. Nghĩa là
nó không chỉ bao hàm hình thức đơn giản mà còn chính là nội dung ở bên trong.
Chẳng hạn nhiều chuyên gia mỹ học nói: Hội họa lấy hình thức chính là nội dung,
bởi vì nó chẳng có nội dung nào ngoài hình thức của bề mặt sơn – vẽ cả. Chữ
Form còn được kéo dài ra thành Formula, nghĩa là Công thức và Thể thức. Ở đây
muốn nói: Tương quan giữa hình thức và nội dung. Hình thức và Nội dung là cặp
tương quan ngoài và trong không thể tách rời. Không thể nhắc đến cái này mà bỏ
qua cái kia. Khi Lễ chào hỏi, thì không chỉ có lời chào thơn thớt môi miệng mà
tâm hồn ta cũng phải tương kính người khác. Vì thế loại chào rơi, mời rơi liền
bị phát hiện liền…
Nhân đây, tôi cũng đưa ra so sánh
về cái gọi là tài năng của số đông nhà thơ vần vèo quần chúng, các sự kiện đời
bị họ bỏ qua đã đành, các sự kiện chữ nghĩa cũng bị hội nhà thơ quần chúng bỏ
qua. Tại sao? Có vài vần vèo trơn miệng xẩm xoan sao có thể bàn vào nghĩa lớn?!
Bạn đọc có thể bỏ qua việc nhạt nhẽo của mấy vị thơ phú nhưng không thể tảng lờ
việc dốt nát vô trách nhiệm của mấy vị chỉ lo bâu ghế và giải thưởng đâu?!
Mở cửa nhà là bước ra đường cái,
gặp người khác, gặp khách thể, gặp quảng trường, gặp công lý, gặp lập hiến, rồi
lịch sử quốc gia văn hiến sống theo pháp luật. Đó là chặng đường tất yếu liên
tục như hiệu ứng Domino. Nếu bỏ “tiên học lễ” là lời chào đầu tiên nghĩa là bỏ
tất cả, chẳng còn gì hết. Khi vào bất cứ nhà nào, việc đầu tiên ta sẽ bật công
tắc để điện thắp sáng cả ngôi nhà, bỏ Lễ tức là không bật công tắc để đưa ngôi
nhà cũng như quốc gia vào hoạt động!
*.
Hà Nội, ngày 30 tháng 11-2021
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Địa
chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn
Xiển
(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)
quận Thanh Xuân, thành phố Hà
Nội.
Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com
.............................................................................................................
- Cập nhật từ
messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 02.12.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét