CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG
NHÀ VĂN TÔ HOÀI
*
(Tác giả Nhật Tuấn) |
Năm 1988, cố Tổng Bí thư Nguyễn
văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ Mặc dầu mới chỉ có một “hớp không khí dân
chủ cũng đủ làm văn nghệ sĩ ho sặc sụa” ( nói theo một nhà văn Liên xô) gây nên
hội chứng “phản tỉnh” không chỉ các nhà văn trẻ, một số cây đa cây đề cũng bị
nhiễm “con virus” này, viết bài “tự chỉ trích” hoặc “phân bua” với thiên hạ
mình cũng suy nghĩ độc lập lắm đây. Chế Lan Viên có “ Bánh vẽ”, Nguyễn
Minh Châu có “Đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh hoạ” ,Đào Xuân Quý có
“ Nhớ lại”, sau này Nguyễn Khải có “Đi tìm cái tôi đã mất”, Nguyễn Đình
Thi có bài thơ gửi lại trước khi đi vào cõi vĩnh hằng.
Trong không khí “tái nhận thức”
đó, Tô Hoài cũng viết một cuốn hồi ký dầy cộp - “Cát bụi chân ai”, tuy không
nặng mùi “phản tỉnh”, nhưng cũng nói rõ vài chuyện xoay quanh Nhân văn Giai
phẩm, “dựng lại chân dung” một số nhà văn “cây đa cây đề” nhưng khác Xuân Sách
ở chỗ không đi vào văn chương, tư tưởng mà chỉ xoay quanh chuyện “đời tư”, sinh
hoạt, ăn uống ,bạn bè.
Nhân vật được Tô Hoài nhắc nhiều
nhất là Nguyễn Tuân từ trước 45 cho tới khi mất. Qua đó người ta thấy một số
nhà văn “con cưng” được Đảng o bế, cho đi nước này nước nọ, dẫu không đặc quyền
đặc lợi như quan chức cao cấp nhưng hơn hẳn so với dân đen .
Nguyễn Tuân rất kỹ tính khi uống
rượu :
“Tạng Nguyễn Tuân với cách thức
hương hoa ấy hợp với các thứ uống hảo hạng Chianti của Ý, Rôm Giamaich hay
Uýtky và Mao Đài. Mùa hè, làm cốc-tay thêm lát chanh với miếng đá, nhấm nháp cả
ngày. Không đụng đến rượu ngọt, dù nặng. Cái xa kê ngòn ngọt của Nhật thì vứt
đi. Có lần, đạo diễn Đình Quang ở Nhật về biếu ông bình rượu xa kê to tổ bố.
Ông cho chúng tôi uống cả. Những năm ấy, chuốc đâu ra những của quý như thế mà
vẫn kiểu cách của ông.”
Nguyên Hồng, ngược lại:
“Nguyên Hồng uống tạp, rượu nhắm
ổi xanh, hành sống, cà pháo muối xổi... Buổi tối, Nguyên Hồng ngủ lại ở cái gác
xép sân sau cơ quan. Chẳng biết cao hứng sao đi tìm tôi rồi ra chợ chiều cạnh
bến xe Kim Liên mua miếng thịt bò, mấy nhánh cần tây và mớ rau húng. Thịt xào
không mỡ với muối, rau húng chỉ cởi lạt, ngắt ăn cả nhánh. Hàng rau người ta
rửa rồi mới đem ra chợ bán chứ ăn cả đất đâu mà lo. Khéo vẽ vệ sinh lôi thôi…”
Xuân Diệu có vẻ phàm ăn:
“Không phải Xuân Diệu ăn, mà một
người nào khoẻ lắm gắp hộ, nhai hộ, biến Xuân Diệu thành con ma ăn, trông đến
thương. Một chuyến chúng tôi cùng nhau thăm nước Lào, ở khách sạn Apôlô. Mỗi
sáng Xuân Diệu nhắc: cậu không ăn sữa thì để riêng đấy cho mình, không ăn hết
bánh cuốn thì lấy đĩa sẻ ra cho vệ sinh để mình ăn nốt. Cố lên, ăn phất phơ thế
không được. Nhà bàn bưng ra nhiều món, Xuân Diệu cứ thong thả vừa nhai vừa ngắm
từng miếng và ăn đến hết. Đêm ấy đau bụng phải đi cấp cứu.”
Qua “Cát bụi chân ai” thấy chân
dung của phần lớn nhà văn cùng thế hệ tác giả như Trần Đức Thảo, Nguyễn Bính,
Phan Khôi…kể cả những văn thi sĩ ở “phía bên kia” như Vũ Hoàng Chương, Doãn
Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam…tất nhiên với giọng văn không lấy gì làm ưu ái.
Về Nhân Văn Giai phẩm, trước khi
đưa ra một số tình tiết “phản kháng” của văn nghệ sĩ, Tô Hoài “thủ” trước một
lập trường chính trị vững vàng theo Đảng:
”Nhưng mà những hoạt động gây sự
không phải chỉ ở vài bài báo trên Nhân Văn, mà cái chính là ý đồ chính trị
rộng ra nữa của một số giới không phải là những người làm báo Nhân Văn trong
tình hình nhạy cảm ở các đô thị lúc ấy…. không ai lưu tâm những người bỏ tiền
cho vốn in báo và những hoạt động chính trị đòi thay đổi và chia quyền lãnh đạo
đã âm thầm dấy lên, trong giới tư sản đương bối rối, trong một số trí thức ở
vùng mới giải phóng và ở đảng Dân Chủ. Báo Nhân Văn chỉ là một phần bề ngoài và
là một thủ thuật chính trị dựa vào “trăm hoa đua nở”. “
Vậy rõ ràng vụ Nhân văn Giai
Phẩm, Tô Hoài trước sau vẫn vững “lập trường cách mạng”, không có “phản tỉnh”,
“phản mê” gì hết. Tuy nhiên ông cũng đưa ra một vài hồi ức cho thấy không phải
nhà văn nào cũng “vững vàng” như ông.
Trong “ Nhìn lại một số sai
lầm trong bài báo và công tác“ báo Nhân Dân ngày 12 tháng ba năm
1958 , Tô Hoài sát phạt anh em:
”Càng thấy rõ những tư tưởng nguy
hại của một số người, từ báo Nhân Văn, không phải ngẫu nhiên tồn tại và có cơ
phát triển đối kháng, chống lại Đảng, chống lại chủ nghĩa xã hội trong khi giai
đoạn cách mạng đương chuyển nhanh, chuyển mạnh.” và tự kiểm
thảo: ”Tôi đã đánh giá thấp những hoạt động của tư tưởng chính trị và nghệ
thuật kiểu báo Nhân Văn vẫn sống sót, lại nhặt nhạnh dần thêm những rơi rớt lạc
hậu của từng người hoặc một phần nào trong tư tưởng mỗi người, vào lúc giai
đoạn cách mạng đương chuyển, nó dẫy giụa chống lại bước tiến mới của cách mạng
và đã tác hại không nhỏ.”
Tô Hoài nhớ lại, ngay sau khi đọc
bài báo:
“Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi Nguyên
Hồng xua xua tay, nói như hét vào mặt tôi:
- Tiên sư mày, làm thằng Câu Tiễn
ông thì không, Nguyên Hồng thì không!
Nguyên Hồng quỳ xuống trước tôi,
rồi cứ phủ phục thế, khóc thút thít.
- Tao về Nhã Nam.
- Về Nhã Nam?
- Ừ, Nhã Nam. Đủ, đủ lắm
rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam.”
Phải chăng mượn lời Nguyên Hông,
42 năm sau, Tô Hoài đã “chữa khéo” hành động của mình trong vụ Nhân Văn hồi đó
là “Câu Tiễn”?
Trong những năm tháng “khó khăn“
đó, Tô Hoài kể lại “hai hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên,
tuy chỉ làm có cái bìa sách cho nhà xuất bản nọ nhưng chắc là không khí sát
phạt ở các buổi họp khiến các anh ngại, đã xin ra Đảng”; Dương Bích Liên đã vẽ
“một tranh sơn dầu hai đứa trẻ gái gầy guộc xanh lét cả tóc” có
tên là “Hào” bị loại khi mang ra triển lãm; Nguyễn Sáng vẽ ký
hoạ trên báo Nhân Văn một đầu người ở cổ có vết khía, như cái lá. Người ta bảo
đấy là chân dung Trần Dần và cái sẹo còn lại khi anh định tự vẫn. Nguyễn
Sáng không được xét huân chương kháng chiến; Nguyễn Huy Tưởng thì “mấy đêm không
chợp mắt được.… Nguyễn Huy Tưởng nói: ”Nước Hungari trong phe xã hội chủ
nghĩa, nhưng trước nhất nước Hungari là nước Hungari đã ông thấy thế nào? Các
ông thấy thế nào? Tôi không hiểu, tôi không thể hiểu.”… Nguyễn Huy Tưởng băn
khoăn. Nguyễn Huy Tưởng có những ý kiến khác những lời bình trên các
báo.Tôi đùa: ”Ông là thằng cộng sản dân tộc”. Nguyễn Huy Tưởng cười hiền lành: ”Cậu
bảo tớ bắt chước Ti tô? Không phải, Nguyễn Huy Tưởng là cộng sản
Việt Nam. Nhưng mà nguy hiểm đấy. Chẳng nên đùa nhau thế.”. Nguyễn Huy
Tưởng nói nho nhỏ, cặp mày rậm nên con mắt hồn nhiên nhíu lại, buồn hẳn. Chúng
tôi không bao giờ đùa cợt và nhắc lại như vừa rồi nữa.”, Trần Dần, Lê Đạt,
Hoàng Cầm, Phùng Quán bị tước hội tịch trong 5 năm nhưng “Nhưng
đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại.
Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông “Nhân Văn cả nước”, mà
tràn lan đến những “Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm”, chẳng bị kỷ luật gì, nhiều
người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng
hạn, cũng bị quy chụp luôn.”, khi học giả Phan Khôi mất “ đi sau
xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng
Phương - cháu gọi bằng cậu”. Nhớ lại Phùng Cung, tác giả “Con
ngựa già của chúa Trịnh”, 11 năm tù biệt giam, Tô Hoài ngậm ngùi: “ Phùng Cung
công tác chạy hiệu ở văn phòng cơ quan hội Văn Nghệ từ trên Tuyên Quang. ở
rừng, những việc tủn mủn không tên, giấy tờ công văn, giữ sách thư viện, làm
sách mới, đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên
hoan.. Đọc truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh Phùng Cung đăng trên báo Nhân
Văn tôi cũng gật gù. “Thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm nên
cháo đấy, con ạ.”. Tôi không thể tưởng tượng ra được một Phùng Cung thế nào mà
bị bắt. Lại hơn mười năm sau. Chặp tối, một người bước vào cửa. Dáng ủ rũ, mặt
tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì
mờ mờ.”
Cũng trong cái thời nhà văn bị
theo dõi tới từng câu từng chữ ấy, Tô Hoài nhớ lại:
“Có một thời, những người “theo
dõi” báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong làm lính gác. Lính gác
thì phải có việc của lính gác, chẳng lẽ ăn lương để đứng không. Nhưng thật ra
người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có
vấn đề. Tự nhiên cảm thấy hình như có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu
từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề! Bỗng khó chịu cả cách diễn đạt khác nhau của
mỗi ngòi bút, thế là làm sao... Khốn thay, người ta viết văn thất bại nhưng vẫn
làm cán bộ theo dõi được. Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết.
Nguyễn Tuân cáu kỉnh nhẹ nhàng và chua chát:
- Có khi mày bảo chúng nó viết
đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi!
Nói vậy, Nguyễn Tuân vẫn là
Nguyễn Tuân , không có gì khác.
- Này, chúng nó đồn ầm lên ông
mới nói, nếu ông còn trẻ thì ông cũng bỏ đất này ông đi.
Nguyễn Tuân thong thả nói, như
cho mình nghe:
- Biết đuổi theo đứa nào mà cải
chính bây giờ, tao mà chết, nhớ chôn theo với tao một thằng phê
bình…”
Những trang viết thực như vậy quả
là những tư liệu đáng quý trong lịch sử văn học Việt Nam, tuy nhiên, cuốn “Cát
bụi chân ai” của Tô Hoài lại gây xôn xao bạn đọc ở phần “bật mí” những khía
cánh riêng tư của các ngôi sao văn học. Nhiều năm nay, thiên hạ đồn thổi về cái
sự “tình trai” của Xuân Diệu, trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài đã huỵch toẹt ra
chuyện đó:
“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm
cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Hai
bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp mình trần
truồng trong mảnh chăn dạ… Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là ai, ta là ai,
hai cơ thể con người quằn quại, quấn quít cánh tay, cặp đùi thừng chão trói
nhau lại, thít lại, giằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, lên cơn dữ dội,
dằn ngửa cái xác thịt kia. Rồi như chiêm bao, tôi rời rã, thống khoái, im lặng.
Giữa lúc ấy, hai bàn tay mềm như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng
như than bò vào mắt, xuống vú, xuống rốn, xuống bẹn... Cơn sướng lại cơn lên
cho đến lúc ngã cả ra, rúc vào nhau. …
Thực là một trang đặc tả mà ngay
đến các cây bút “hậu hiện đại” cũng chưa chắc viết nổi. Còn chàng
Hoàng Cát, một “tình trai” của Xuân Diệu, khi lên đường vào B được
Xuân Diệu tặng thơ với lời yêu đương thống thiết:
“Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga
Chưa chi ta đã phải chia xa!
Nhưng bóng em đi đã khuất rồi
Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!
Tình ta như mối dây muôn dặm
Buộc mãi đôi thân, dẫu cách vời…”
Ấy thế mà khi Cát trở về Hà Nội
viết “Cây táo ông Lành” đăng báo Văn Nghệ bị đòn hội chợ, Xuân Diệu đã làm mặt
ngó lơ.
Nhưng thê thảm nhất là kỷ niệm về
Nguyễn Bính. Nguyên thời làm báo Trăm Hoa, nhà thơ được một cô gái trẻ đem lòng
yêu, và sinh ra một bé gái tên Hiền. Khi cháu mới bập bẹ, cô gái trả con lại
cho Nguyễn Bính để đi bước nữa. Thế rồi một đêm mưa, Nguyễn Bính bế con ra dốc
hàng Kèn và trao cho một người đàn ông qua đường nào đó. Ôn lại chuyện cũ. Tô
Hoài xót xa:
“Bấm đốt ngón tay, đã trên ba
mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu oan nghiệt tối hôm ấy - nếu trời để
cho được sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn
nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền nhé…” Vâng tên cháu
là Hiền, nhưng lẽ ra cần nói rõ, cháu là con gái của nhà thơ dân tộc:
Nguyễn Bính.
“Cát bụi chân ai” dù thế
nào, vẫn biểu lộ lòng nhân hậu và sự trung thực trí thức của Tô Hoài. Chỉ
tiếc nó được viết sau khi ông nhà văn đã rời bỏ cái ghế Chủ tịch Hội văn Nghệ
Hà Nội, nơi ông đã ăn dầm nằm dề cả gần hai mươi năm nay. Giá
như ông chịu treo ấn từ quan sớm, chắc sự nghiệp của ông không
chỉ còn lại với thời gian một “chú dế mèn”
*
NHẬT TUẤN (tên thật Bùi Nhật Tuấn)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Nguyễn Đình Văn ngày 21.08.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Cám ơn trang nhà đã cho đăng những bài viết hữu ích, có giá trị về tư liệu tham khảo với bạn đọc
Trả lờiXóa