NGUYỄN ĐĂNG AN VÀ CUỘC BỨT PHÁ TRUYỆN NGẮN KHÔNG NGƯNG NGHỈ - Tác giả: Bùi Việt Thắng (Hà Tĩnh)

Leave a Comment

 

NGUYỄN ĐĂNG AN VÀ CUỘC BỨT PHÁ

TRUYỆN NGẮN KHÔNG NGƯNG NGHỈ

(Tác giả Bùi Việt Thắng)

Cách đây hơn hai mươi năm Nguyễn Đăng An đã là tác giả tập truyện ngắn Thiên Nga lạc bầy (Nhà xuất bản Hà Nội). Trong Lời giới thiệu viết cho sáng tác mới của bạn mình dạo đó, tôi có nhấn mạnh một ý - đại thể - tác giả có cái hăm hở của người viết lần đầu xuất hiện trên văn đàn, muốn xới tung lên mọi chuyện, muốn viết khác lạ trong cái thời buổi thị trường đang chi phối mọi hoạt động của con người không loại trừ lĩnh vực sáng tạo văn chương. Bẵng đi hai mươi năm, do công việc đặc thù, hay nói khác đi là do số phận đưa đẩy, Nguyễn Đăng An không phải gác bút nhưng phải tạm rời bút để làm những công việc như ai đó nói là “ phải làm”. Ngoại lục tuần, bạn tôi lại tái xuất, lại thấy phải cầm bút để viết, để giãi bày và chia sẻ với người khác chỉ có thể bằng văn chương, cụ thể hơn là chỉ bằng truyện ngắn. Cùng lớp đại học Tổng hợp Văn khóa 14 (1969 - 1973), có anh Nguyễn Bá Thành cũng vừa ra mắt độc giả trong năm 2012 tập thơ có tiếng vang Lục thập (Nhà xuất bản Văn học). Và trên chúng tôi một lớp, anh Khuất Nga (từng là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao), bây giờ làm thơ với bút danh Khuất Bình Nguyên, cũng bắt đầu chăm chút cho Nàng Thơ mà mấy chục năm làm cái nghề kiểm sát, anh tạm thời có lúc “lơ là”. Hình như tình yêu muộn màng lại có cái sức hấp dẫn riêng của nó - đằm thắm, đắm đuối, sâu lắng và bền bỉ…

Khi trẻ người ta viết khác, khi đứng tuổi thì những trải nghiệm cuộc đời khiến người ta không thể viết như trước nữa. Ắt cũng là một lẽ thường tình. Viết bằng sự trải nghiệm, và đôi khi là thân phận của chính mình và người thân của mình khiến cho tác phẩm có cái vẻ “mang nặng đẻ đau”. Ý tôi muốn nói là khi ngoại lục tuần người ta dẫu có yêu văn chương đến mức nào đi chăng nữa thì sự thai nghén và ra đời một tác phẩm là không mấy dễ dàng. Nó khác hẳn cái tâm thế viết của các thế hệ 8x, 9x - họ cứ thế “bước ào vào văn chương”. Mặc dầu có trong tay đến mấy bằng đại học (trong đó có bằng cử nhân văn chương), Nguyễn Đăng An ngoại lục tuần lại vẫn đèn sách đi học viết văn!? Vào tháng 8 năm 2012, anh vẫn sách vở theo học lớp “Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn” do Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) mở. Sở dĩ anh theo học lớp này là vì anh đang ấp ủ cái ý đồ  tiếp tục sáng tác truyện ngắn. Đúng là trái đất tròn, và thật là thú vị khi “hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”, anh lại gặp tôi trong lớp học đặc biệt này khi tôi đến với tư cách là giảng viên. Anh là một người cầu thị khi đến với văn chương vì biết rằng đó là bể khổ, là “pháp trường trắng” như ai đó ví von, là thế giới của đam mê, là nơi dễ dàng thất bại cay đắng hơn là thành công bày sẵn. Nhưng tôi biết rất rõ anh là một người sống theo tinh thần hiện sinh - dám chấp nhận và đối đầu với mọi thử thách khác nhau của đời sống. Nói cách khác tinh thần dấn thân, tinh thần nhập cuộc ở anh rất mạnh mẽ. Anh thừa nhận các nhà văn tham gia hướng dẫn học viên đã “mở toang cánh cửa truyện ngắn” giúp cho người sáng tác thêm những lợi khí khi viết. Ấy là anh nói và viết thật tình như thế trên trang website của Khoa Viết văn - Báo chí sau khi lớp học kết thúc thành công ngoài mong muốn của ban tổ chức. Nhưng than ôi “ lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Cái gốc, cái rễ, cái nền móng của một người cầm bút sáng tác văn chương, theo tôi, là cái chất đời của người ấy - nghĩa là người ấy đã sống như thế nào chứ không phải sống bao nhiêu thời gian trên cõi trần này với thời gian vật lí đong đếm mỗi năm là 365 ngày mặt trời. Lại nữa càng không phải là các lí thuyết này nọ đang nhan nhản mọc lên ở ta do chỗ có cơ hội hòa nhập, mở cửa nên mọi thứ tràn vào như nước lũ.

Năm 2012 và đầu năm 2013 Nguyễn Đăng An xuất hiện khá ấn tượng trên báo Văn nghệ với hai truyện ngắn dự thi Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm và Lời thề chân lý, trên Tạp chí Nhà văn truyện Ba chàng trai làng Nhãn, trên Văn nghệ quân đội số 765 (2013) truyện Mẹ xóm Đoài, trên Văn nghệ Công an truyện Chuyện kể rằng… ngày ấy, trên tạp chí Sông Lam (Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An) truyện Biệt thự triệu đô. Anh chia sẻ với tôi và tôi thấy rất rõ sự hăm hở của người cầm bút đang ở thế thượng phong như Nguyễn Đăng An. Dịp Tết Quý Tỵ anh lại có truyện được chọn vào “tôp 10” truyện ngắn hay dự thi báo Văn nghệ - Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm một lần nữa lại đến gần hơn với độc giả và làm xao xuyến và đôi khi cả sự rúng động nhiều người, nhất là thế hệ U 60, 70… Trong Thư Ban Biên tập báo Văn nghệ Bản tổng phổ đa dạng, đặc sắc viết: “Một Nguyễn Đăng An da diết buồn thương và chia sẻ nỗi đau tê dại của con người thời hậu chiến đặt trong sự biến ảo của nhiều không gian, thời gian nghệ thuật”.

Tôi đọc thấy trong truyện ngắn Nguyễn Đăng An những câu chuyện về những nỗi đau có thật của con người trên cõi trần gian này, dù ở trên đất nước mình hay ở những chân trời xa xôi nào đó bên trời tây. Anh đã đi hàng ngìn dặm trên những nẻo đường châu Âu, châu Á với tư cách một phóng viên quốc tế. Anh đã gặp gỡ với rất nhiều người thuộc các màu da, quốc tịch, văn hoá và cả chế độ chính trị rất khác nhau. Anh đã từng tiếp cận các nguyên thủ quốc gia cũng như gần gũi những thường dân nơi mình dặt chân đến. Anh đã tiếp cận những người có quyền cao chức trọng cũng như chia sẻ với những người nghèo khổ nhất hành tinh… Nhưng tất thảy con người ta giống nhau ở nỗi khổ và khác nhau ở niềm hạnh phúc. Là bởi nỗi khổ thì có thẻ sẻ chia còn hạnh phúc thì ai ai cũng cố nắm giữ thật chặt cho riêng mình. Nỗi đau khổ của cô gái đẹp Việt Nam ở xứ người trong truyện Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm thì có khác gì nỗi đau của bà mẹ khi bị bứt ra khỏi quê nhà của mình trong truyện Mẹ xóm Đoài hay người bố trong truyện Biệt thự triệu đô ?! Nỗi đau của người lính từ mặt trận trở về trong những truyện Giọt nước mắt người lính  hay Đêm tân hôn đâu chỉ hiện diện ở Việt Nam mà ở tất cả các nước có chiến tranh giống như một cơn động đất hay sóng thần kéo đến hủy diệt con người và sự sống. Tôi nghĩ cái cấu tứ “nỗi đau này không của riêng ai” chan chứa, hằn sâu trong truyện ngắn Nguyễn Đăng An. Viết nhiều về nỗi đau của kiếp người, tôi nghĩ, Nguyễn Đăng An không muốn làm cho độc giả thêm buồn, thêm bi quan mà trái lại thấy tin tưởng hơn vào cái sức mạnh kì diệu của con người đủ dũng cảm vượt qua mọi thử thách nan nguy của đời sống.

Trong tập truyện thứ hai này, Nguyễn Đăng An không theo lẽ thường tình - những truyện viết trước xếp trước - anh lại để sau những truyện mới viết và mới in gần đây trên các báo và tạp chí văn chương. Có lẽ anh muốn làm một phép so sánh chăng? Nhưng như người ta nói mọi sự so sánh đều khập khiễng! Tôi nghĩ văn chương không có “thời”, không có “cũ - mới” mà chỉ có hay và không hay mà thôi. Nghĩa là nhà văn có tạo ra được những ám ảnh nghệ thuật hay không, có tạo được dư ba trong lòng người đọc hay không. Cuộc bứt phá trong truyện ngắn Nguyễn Đăng An lần này, tôi muốn nói ở đây, diễn ra cả ở trên hai bình diện với tất cả sự tận tâm tận lực của tác giả - vươn tới những tư tưởng nhân văn cao cả vì con người và chiếm lĩnh những tìm tòi nghệ thuật đối với một thể loại khó viết bậc nhất (một nhà văn lớn thế giới đã nói, đại ý “tôi không có đủ thời gian để viết một truyện ngắn”). Truyện ngắn Nguyễn Đăng An giàu chất đời nên khi tiếp nhận có cảm giác tác giả như người trong cuộc. Điều này khiến cho câu chuyện được kể lại luôn luôn luôn được soi chiếu bởi sáng của cái nhìn từ bên trong nhân vật, sự kiện. Chẳng hạn đọc Mẹ xóm Đoài, tôi nhận biết ngay những chi tiết trong đời sống riêng tư của tác giả đã chan hòa rất tự nhiên vào truyện. Nói cách khác khi viết Nguyễn Đăng An hay “ướm mình vào nhân vật” nên dù kể ở ngôi nào thì cái “tôi” cũng rất rõ nét. Phảng phất đâu đó một không gian - thời gian mà tác giả đã sống qua, đã trải nghiệm.

Nguyễn Đăng An có một lối văn nồng nàn, đắm đuối, tôi nghĩ, đáng lẽ đó là phẩm tính của một cây bút nữ cùng trang lứa như anh chẳng hạn. Công việc đặc thù đương lúc tại chức dường như buộc anh phải thường xuyên huy động tối đa lí trí để ứng xử và thậm chí đôi khi là đối phó trong cuộc sống. Cái phần tình, phần run rẩy xúc động và mê đắm vào thế giới của cái đẹp sáng tạo anh dành cho văn chương. Tôi là người đàn ông từng trải như anh nhưng không cầm lòng khi đọc  những truyện như Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm, Mẹ xóm Đoài, Đêm tân hôn, Giọt nước mắt người lính…Một bạn văn tỏ ra ngạc nhiên khi tôi xúc động như thế và có ý cho rằng tôi thuộc lớp người “muôn năm cũ”. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ quy luật của sáng tạo nghệ thuật là quy luật tình cảm. Truyện ngắn Nguyễn Đăng An thường có cái gây cấn, hồi hộp nhờ vào những tình huống tiêu biểu, giàu kịch tính và thường có những cái kết ấn tượng. Nhờ vào các tình huống nghệ thuật khá đặc sắc, mà tôi gọi đó là những “giá đỡ”, nên truyện của Nguyễn Đang An thường ngắn gọn, tập trung chủ đề như những cú “nốc- ao” nghệ thuật đối với độc giả.

Khi tập truyện thứ hai của Nguyễn Đăng An có trên tay quý vị, tôi tin sẽ có nhiều người đồng cảm và đồng điệu với tôi trong tiếp nhận tác phẩm - ở đó trên từng dòng, từng trang tác giả có dịp chia sẻ với mọi người những tâm sự bằng nghệ thuật ngôn từ vừa chân thành vừa day dứt về cuộc sống và con người thời đại. Cũng còn một vài khiếm khuyết của bạn tôi khi viết văn nhưng “đành lòng vậy cầm lòng vậy”. Tôi tin sự rộng lượng của quý vị độc giả đối với tác giả như tin vào sự rộng lượng và cao thượng của văn chương như xưa nay vốn vậy.

*.

BÙI VIỆT THẮNG

Địa chỉ: Phòng 1403, tòa nhà Hacisco, số 15,

ngõ 107, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Email: vietthangbui1951@gmail.com 

Điện thoại: 090.320.25.55.

 

 

 


.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn gửi ngày 10.12.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét