MƯA Ở BÌNH DƯƠNG - Truyện ngắn Ngô Văn Giá (Bắc Giang)

Leave a Comment

 

MƯA Ở BÌNH DƯƠNG

(Tác giả Ngô Văn Giá)

Bây giờ thì răng lợi đã tạm tạm. Bác sĩ bảo lên sẹo rồi. Để chừng một năm nữa khám lại xem sao. Tôi kiễng chân, ngoác mồm, nghiêng mặt nhòm vào trong gương. Quả là đã lên sẹo. Cái răng này đây. Một tối Bình Dương mưa gió…

Chuyến đi lần này thật xui. Tự nhiên cái răng phản chủ. Lợi sưng to kệnh. Nhức không chịu được. Thế này thì đứng trên bục giảng mất phong độ. Đêm vật vã. Phờ phạc hết cả người. Sau bữa cơm chiều nhếu nháo cho qua, tôi bảo học viên anh kiếm chỗ nào đưa tôi đi chữa cái răng chứ không thì gay quá. Sẽ kiếm liền. Thầy cứ yên tâm. Không lo đâu. Nhưng mà…mưa như trút nước thế này.

Tôi chui vào ô tô. Chiếc xe mới coóng. Nội thất vẫn còn nguyên mùi hăng hắc, ngai ngái. Bóng lộn. Tôi khen chủ tịch phường mà sang trọng thế này thì dân được nhờ. Nói xong, chột dạ, sợ hắn nghĩ mình cạnh khóe, tôi vội ự…hừm, ý tôi là ông chủ tịch phường mà ăn nên làm ra thì dân cũng phất theo, chứ làm cán bộ địa phương thời nay mà nghèo quá, lúi xúi quá, thì cũng không có uy tín với dân. Anh nghèo mà làm lãnh đạo thể nào cũng sinh ra tính xà xẻo. Nếu anh giầu có rồi thì anh không tham nữa. Thế là dân được nhờ…Nói xong, tôi tự thấy cái lý luận của mình là loại lý luận ma cô. Lại chột dạ. Tịnh không thấy ông học viên của tôi nói gì. Tự nhủ thôi không ba hoa nữa. Tôi hỏi có còn xa không. Học viên bảo gần thôi. Rồi lại im không nói gì. Ngoài trời mưa như trút nước. Càng ngày càng to. Trên đường không mấy người đi lại. Lúc này quãng chừng 7-8 giờ tối. Học viên phóng xe rất nhanh. Tôi chợn chợn. Lỡ đột nhiên có ai trong ngõ lao ra thì khốn. Tôi bảo không vội đâu anh ạ. Học viên không nói gì. Tôi ngồi ghế sau nhướn người nhìn qua tấm kính. Cái gạt nước quét liên hồi. Ô tô vọt qua một chiếc xe đẩy đang đi trong mưa. Chắc xe bán hàng rong. Vạt nước trắng xóa, cong như cầu vồng hắt trùm lên người đẩy xe. Tôi cau mày. Anh đi từ từ thôi. Tạt hết nước vào người ta rồi. Học viên không nói gì. Tôi liếc vào chiếc gương phía trước xe để xem mặt anh ta. Lạnh như một tấm sắt.

Xe tà tà rẽ vào một ngõ nhỏ rồi dừng lại. Học viên bảo thầy cứ ngồi trên xe để vào xem có làm không. Học viên không xưng tôi hay em, chỉ nói trống không. Chắc cách xưng hô trong này nó thế. Kệ, quan trọng gì. Một lúc sau học viên ra. Nó nghỉ rồi không làm. Đi chỗ khác. Lại đi. Lúc sau xe lại tà tà. Lần này thì ngay mặt đường to. Đúng là cơ sở nha khoa sáng choang, cửa kính bóng lộn, bên trong thấy dáng bác sĩ mặc blouse trắng đang lúi húi chữa bệnh. Cửa mở. Học viên xuống trước. Tôi theo sau. Học viên đẩy cửa bước vào. Tôi cởi giầy. Bác sĩ ngước lên, kéo khẩu trang xuống nói với học viên, phiền anh để giầy ở ngoài giùm. Học viên làm như không nghe thấy bảo khám cho ông thầy ngoài Bắc mới dzô cái. Bác sĩ không nói gì. Học viên mang giầy bê bết đất, nước mưa ướt nhẹp đi lại trong phòng. Tôi ái ngại, định nhắc lại thôi. Tôi hơi ngượng với bác sĩ và người trợ lý của ông. Bác sĩ quay sang tôi bảo anh vui lòng chờ mươi phút nữa được chứ. Tôi bảo không sao. Học viên bảo làm lẹ lên có được không. Bác sĩ không nói gì, ra chiều khó chịu. Tôi bảo, chờ một chút không sao, anh ngồi xuống đi. Học viên bảo thầy cứ ở đây lát nữa quay lại đón. Nói xong, học viên ra ngoài đánh xe đi. Tôi thở dài. Liếc nhìn phòng khám. Toàn thiết bị, dụng cụ sáng choang. Tất cả ngăn nắp trong một màu trắng lạnh. Qua tấm cửa kính nhìn vào phía trong, không hiểu người bác sĩ này cố ý hay tự nhiên bầy đặt một giá sách lớn, nhiều cuốn dày cộp, gáy sách xoay ra, toàn tiếng Anh tiếng Pháp gì đấy. Bằng vốn liếng ngoại ngữ còm, tôi cũng đọc ra mấy cuốn về y học, về tâm lý, mấy cuốn tiểu thuyết, đại loại vậy.

Lát sau, ông bác sĩ hỏi anh làm nghề dạy học? Tôi vâng. Bác sĩ hỏi ông Phú vừa rồi học gì. Tôi bảo anh ấy đang học lớp đại học tại chức. Ngành gì? Ngành…ăn theo nói leo. Ủa, ngành gì kỳ vậy? Vâng, thì ở ta vẫn kỳ vậy đấy ạ. Bác sĩ lại hỏi thầy ngoài Bắc quê ở đâu. Tôi quê Hà Nội mở rộng. Bác sĩ cười. Tôi bảo nghe giọng thì biết bác sĩ cũng người ngoài Bắc. Vâng, tôi theo bố mẹ vào Nam năm 1954, sau này tôi đi học nghề thuốc bên Anh quốc. Vâng. Nghĩa là bác sĩ…năm 1975 không sang bên kia? Vâng, tôi ở lại và vẫn theo nghề như thầy thấy đấy. Bác sĩ kết luận thầy bị viêm lợi có thể nguyên nhân do viêm tủy, nếu thầy còn ở đây dài ngày thì sẽ chụp phim và điều trị hết khoảng 1-2 tuần, còn nếu không, tôi chích chỗ mưng mủ ra, cho thầy một toa thuốc, thầy về uống sẽ đỡ tạm thời, sau đó thầy về ngoài ấy khám chữa sau. Vâng, bác sĩ cho tôi cách thứ hai, tiếc là tôi chỉ có một tuần ở đây thôi. Vậy thì cứ cách một ngày thầy lại đến đây tôi kiểm tra nhé. Kìa, xe đã đến đón thầy…

Trời vẫn mưa xối xả. Đang là đầu mùa mưa. Nhưng không mấy khi có những cơn mưa lớn như thế này. Học viên bảo thế. Tôi “báo cáo” tình hình chữa bệnh, rồi nhờ mấy ngày tới, nếu tiện, anh lại giúp chở tôi đến bác sĩ. Học viên bảo ngày mai sẽ đưa thầy đến chỗ thằng bạn để chữa, không đến đây nữa. Tôi bảo bác sĩ này có vẻ tay nghề cao, chữa cẩn thận lắm. Học viên bảo ông ta thuộc người chế độ cũ, khinh người lắm, loại này ngo ngoe là tụi tui bóp chết liền. Tôi lờ mờ đoán ra sự thể. Tôi không nói gì. Học viên được dịp tâm sự, có một số người của chế độ cũ ở lại, họ không có tác phong quần chúng, sống xa lánh, không tham gia các phong trào khu phố, con cái học hành xong phổ thông cho đi du học hết, học xong không thèm về. Rất có thể bọn này còn dính dáng đến phản động. Tụi tui cảnh giác nhất mấy cái vụ này. Tôi thận trọng thăm dò, đã hơn 30 năm hòa bình rồi, mà họ vẫn chưa hòa nhập với chế độ ư? Học viên cao giọng, bọn này khó dạy lắm thầy ơi, nhưng không lại được với tụi tui, giở trò quậy là cho biết điều liền. Tôi lại hỏi có lần nào chúng giở trò gì chưa. Nhiều chứ. Nhưng thằng bác sĩ này chưa dám. Có lần nhà ổng đón đứa con du học ở Mỹ gì đó về nghỉ hè, mở tiệc đón tiếp linh đình, xe lớn xe bé toàn dưới Sài Gòn lên, ở đây nó hổng có mời một ai, đang ăn nhậu phè phỡn, tui cho cúp điện cái rụp. Đang trưa, tụi này nóng há mồm mà không dám kêu…Nói xong học viên cười khành khạch.

+ + +

Như hẹn, hai hôm sau tôi bắt xe ôm xuống bác sĩ. Lớp học tan, tôi lặng lẽ chuồn ra cổng trường. Tôi tránh không gặp học viên. Đang ngồi trên xe ôm, học viên gọi điện. Đương tính đến rước thầy đi chữa răng. Tôi có một người bạn thân đến chơi, tiện thể đưa tôi đi chữa rồi. Ủa, tính chở thầy đi chỗ khác. Thầy đang đi đâu? Tôi vẫn đi đến chỗ hôm trước. Người ta hẹn mình, không đến cũng ngại. Với lại, đang uống toa thuốc của người ta, thì cứ nên theo anh ạ. Tùy thầy thôi. Học viên ngắt máy. Ha ha, thế là học viên đang có vẻ dỗi. Kệ. Nó chăm sóc mình như là một nghĩa vụ học viên với thầy, chứ nó yêu quý gì mình. Tốt nhất là mình tự lo. Đỡ phiền. Mà chúng đâu có phải là vô tư. Trong đợt dạy, nhóm năm nhóm ba, thay nhau mời thầy đi chiêu đãi, mời thầy đi “ca dao”, ca dao xong rồi thì “ô kê”, thậm chí còn gạ gẫm thầy đi “thư giãn”… Cuối đợt dạy, lại thi cử, điểm chác, lại thầy ơi để ý chiếu cố đến tụi này nghen. Thế là mắc nợ, nợ thì phải trả. Điểm chác thời nay trong chốn học đường, nhất là học đường tại chức cứ vay vay trả trả ma mãnh như thế đấy.

Khi ngồi chờ bác sĩ khoác lên người bộ blouse, tôi bảo, thành thật xin lỗi bác sĩ về cái vụ hôm trước. Bác sĩ mỉm cười. Tôi lại bảo, mấy ông cán bộ thời nay ghê lắm, họ tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm. Bác sĩ có vẻ không muốn bắt chuyện. Tôi gợi chuyện, bác sĩ hành nghề chữa bệnh cứu người thế này thu nhập có đủ sống không. Bác sĩ bảo cũng độ nhật qua ngày thôi. Mình có nghề, không hành nghề cũng thấy nhớ nghề thầy à. Vâng, tôi hiểu. Bên nghề dạy học như tôi cũng vậy đấy, có nhiều vị về hưu vẫn đi dạy, mặc dù họ có đời sống khá sung túc, con cái đề huề, hỏi ra họ cũng bảo nhớ nghề thì đi dạy thôi, chứ thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Tôi thầm nghĩ, hóa ra mình ăn ở với một nghề lâu năm, cũng tựa như ăn ở sinh sống lâu lâu một vùng đất, dần dần mình gắn bện với nó lúc nào không biết, mặc dù khi sống trong nó không phải lúc nào cũng dễ chịu…Đột nhiên bác sĩ bảo thầy có biết nhiều về cái ông học trò của thầy bữa trước không. Tôi lắc đầu. Đó là cán bộ chủ tịch phường này. Trụ sở phường ngay kế bên nhà tôi. Thầy thông cảm cho, hôm nọ tôi phải kiềm chế lắm mới không to tiếng với anh ta. Tôi ở đây phải nhịn nhục nhiều lắm.

Bỗng trí nhớ dẫn tôi về đêm mưa hôm trước…

- Hết bao nhiêu tiền?

- Năm trăm sáu mươi bẩy ngàn

Tôi vội nói, ấy chết để tôi trả chứ. Trên tay đã một chiếc ví to kệch, học viên xua tay, khỏi đi thầy. Tôi bảo không được, để tôi lo, tôi lo được, không dám phiền tới anh. Tôi móc ví ra lấy tiền. Học viên đã đưa mấy tờ tiền chẵn. Tôi đành thở dài. Thực lòng tôi không muốn một chút nào chuyện này. Vừa chân ướt chân ráo, chưa lên lớp giờ nào đã làm tiền học viên, mang tiếng chết.

- Có hóa đơn không?- Học viên hất hàm hỏi bác sĩ.

- Dạ, tệp hóa đơn nhà tôi vừa hết. Nếu anh cần thì ngày mai tôi sẽ làm rồi mang sang cho anh.

- Thôi khỏi. Nhưng ông làm ăn kinh doanh kiểu gì mà lại không có hóa đơn? Làm ăn đàng hoàng chứ đừng có bậy bạ nghe. Linh tinh lang tang tụi này không để cho yên đâu.

- Tôi đâu dám. Anh thấy đấy, từ trước đến nay tôi làm ăn đứng đắn, cốt giữ lấy cái đức của nghề. Anh đã nghe ai kêu ca về tôi chưa.

- Người ta không kêu ca về cái này thì người ta kêu ca về cái khác. Ông phải nhớ ông là ai.

Nói xong, học viên xoay tay nắm cửa định bước ra. Bác sĩ bảo tôi xin gửi tiền thừa. Khỏi thúi. Không dám phiền anh, anh cứ cầm lấy chỗ tiền thừa này giùm tôi, tôi đâu dám lấy. Tui đã nói là khỏi thúi. Nói xong, học viên bước nhanh ra khỏi cửa. Bác sĩ nhìn theo, định nói gì đó nhưng không kịp…

Khám răng xong, bác sĩ bảo thầy cho tôi xin gửi lại ít tiền thừa hôm trước chuyển giùm ông chủ tịch phường. Tôi ngần ngừ. Liệu có tiện không nhỉ. Thầy cứ cầm cái bao thư này nói là tôi gửi, không cần giải thích gì thêm. Thầy biết đấy, tôi không muốn cầm tiền thừa của ai, nhất lại là tiền thừa của ông ấy. Vâng, đã thế thì tôi cầm giúp bác sĩ. Thực ra số tiền cũng chẳng nhiều nhặn gì. Tôi thoáng nghĩ, bản thân tôi cũng nên trả số tiền hôm nọ cho học viên. Có thể là tiền riêng của học viên. Có thể sau này học viên tính vào quỹ tiền của lớp chưa biết chừng. Đã từng có chuyện, sau khi thầy tại chức rời lớp, các học viên xúm lại đọc cái thông báo viết bằng phấn trên bảng kê khai các khoản chi từng ngày đón tiếp thầy. Từ khoản chi ăn bữa, khoản chi uống bia, khoản chi tham quan, khoản chi hát “ô kê”, khoản chi mua trái cây…Tất tật, từng khoản một, ngày giờ rành rành. Cái đứa cán sự nó muốn trương to lên bảng để chứng tỏ với cả lớp rằng nó quang minh chính đại, rằng nó không thèm xà xẻo đồng nào vào quỹ lớp. Chao ôi, sau này khi tôi trở về, lỡ cũng có một cái thông báo to bằng cái chiếu trên bảng, lại thấy một khoản chi cho thầy chữa răng thì khốn…Bác sĩ bảo, tôi nhớ mãi câu nói của thầy hôm nọ về cái nghề ăn theo nói leo. Thầy cũng là người thích đùa. Tôi bảo, vâng, tôi nói thật đấy ạ. Ở ta có những nghề hay lắm. Bác sĩ có để ý không, thí dụ, còn có những nghề như leo trèo cắt dán, phông hoa loa đài, ấm tích phích chén, bưng bê kê kích nữa kia. Ha ha..thầy nói làm tôi buồn cười quá. Nghề gì vậy thầy? Tôi để cho bác sĩ đoán xem. Ngày kia gặp lại, bác sĩ thử trả lời nhé.

Trên đường về, tôi thầm nghĩ, tay bác sĩ này suốt ngày chúi mũi vào đống sách, lại những thăm với khám con bệnh thì làm sao mà biết được thời nay chán vạn thứ nghề. Ai đó nói rằng, còn lắm nghề ghê răng lắm, tỉ như những nghề chỉ tay năm ngón, nghề bới lông tìm vết, nghề đâm bị thóc chọc bị gạo, nghề ném đá giấu tay, nghề ngậm máu phun người, nghề đâm thuê chém mướn, nghề bê ghế liếm đít, nghề bán trôn nuôi miệng, nghề bán miệng nuôi trôn…

+ + +

Mấy hôm giảng dạy liên tục cả ngày cứ đằng đẵng mong chóng hết. Cuối cùng thì cũng sắp qua. Thấy răng đã đỡ, phần vì lười, phần không tiện xe cộ, phần vì cuối chiều trời hay mưa, tôi cũng chỉ trở lại chỗ bác sĩ cả thảy có hai lần. Không hiểu bác sĩ có đoán được cái nghề mà tôi đố hôm trước?

Lúc tôi chuẩn bị lên xe ra sân bay, trời nặng một màu chì. Mùa mưa miền Nam có khác. Một nhóm học viên đến tiễn. Ông học viên chủ tịch phường của tôi hỏi thầy có nhớ tay bác sĩ nha khoa hôm nọ? Tôi vẫn nhớ. Nếu tiện anh nói giúp là răng tôi đã khỏi rồi, tôi cảm ơn và…Trời, thầy đâu phải cảm ơn gì cái đám cặn bã ấy. Hôm qua tui cho tịch thu giấy phép hành nghề rồi? Sao lại…? Ổng mắc cái tội vừa khám bệnh vừa bán thuốc. Tui gài người đến chữa. Thế là bắt được quả tang ổng sai vợ lấy thuốc bán cho bệnh nhân. Tui cho tóm luôn, không há mồm cãi được một câu.

*.

Ngày 24 tháng 3.2011

NGÔ VĂN GIÁ

(Bút danh khác: Văn Giá, Chung Sơn, Thuần Vũ)

Địa chỉ: Khoa Viết Văn, Đại học Văn Hóa

103 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội.

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Ngô Thanh Tuấn ngày 11.11.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét