Chuyện về đối nhân xử thế: 3 CÂU CHUYỆN ĐẦU TUẦN - Tác giả: Nguyễn Toàn Thắng (Thái Bình)

Leave a Comment

 

Chuyện về đối nhân xử thế:

3 CÂU CHUYỆN ĐẦU TUẦN

*

Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu

(Cập nhật từ email: nguyentoanthang77@gmail.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: Truyền Nguyễn

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả)

 

LỜI ĐỘNG VIÊN AN ỦI TỪ MẸ

Lần đầu tiên họp phụ huynh cho con, cô giáo mầm non nói với người mẹ: “Con trai chị có bệnh tăng động, cháu không ngồi yên trên ghế được 3 phút.”

Trên đường trở về nhà, con trai hỏi mẹ cô giáo đã nói gì. Người mẹ nói với con trai: “Cô giáo nói con trai mẹ trước đây không ngồi trên ghế được một phút, giờ con đã ngồi được 3 phút rồi, con có tiến bộ.”

Tối hôm đó, cậu bé ăn hẳn 2 bát cơm mà không cần mẹ bón.

Không lâu sau, cậu bé vào tiểu học. Đi họp phụ huynh cho con, cô giáo nói: “Cả lớp có 50 em, trong lần kiểm tra toán này, con chị xếp thứ 48, có thể con có một chút vấn đề về trí tuệ.”

Trở về nhà, cô nói với con: “Cô giáo nói chỉ cần con chú ý một chút, con sẽ xếp trước 48 bạn.

Nghe mẹ nói vậy, ánh mắt cậu bé lóe sáng, gương mặt ủ rũ bỗng giãn ra. Ngày hôm sau đi học, cậu đi sớm hơn hẳn ngày thường.

Khi con lên cấp hai, người phụ nữ vẫn không tránh được những buổi họp phụ huynh. Trước khi về, giáo viên nói với chị: “Theo kết quả học tập hiện nay của con, việc thi vào trung học phổ thông sẽ hơi khó một chút.”

Trên đường về, chị xoa vai con và nói: “Cô giáo nói, chỉ cần con nỗ lực hơn nữa, rất có hy vọng là con sẽ đỗ vào trường công lập.”

Rồi cũng đến ngày cậu bé tốt nghiệp trung học phổ thông. Đến khi trường đại học có thông báo kết quả thi, cậu bé từ trường trở về, mang theo giấy thông báo trúng tuyển một trường đại học danh tiếng đưa cho mẹ, nước mắt rưng rưng: “Mẹ, con không phải là một đứa trẻ thông minh nhưng mẹ luôn ở bên cạnh cổ vũ, động viên, ghi nhận con.”

Lúc đó, người mẹ đã ôm con thật chặt, những giọt nước mắt lẫn lộn vui buồn lăn dài trên má.

Một lời nói hay sưởi ấm ba đông, nửa lời ác nghiệt lạnh sáu tháng ròng.” Một lời an ủi động viên sẽ giúp người khác có thêm động lực, niềm tin, hướng đến những điều tích cực.

Một lời cổ vũ khích lệ có thể thay đổi được cả quan niệm và hành vi của người khác, từ đó có thể thay đổi cả vận mệnh, số phận của con người.

 

 

CÁCH LAN TỎA LÒNG THIỆN LƯƠNG

Một hôm, đang đi trên đường, một người đàn ông bỗng nhìn thấy trên cột điện có một mảnh giấy viết mấy dòng chữ. Tò mò, anh ta đến gần để đọc thì thấy nội dung thế này: "Hôm qua, tôi có đánh rơi tờ 50 rupee trên con đường này nhưng vì mắt tôi không nhìn rõ nên không thể tìm ra nó. Vì thế, nếu ai có nhìn thấy thì hãy cho tôi xin lại nhé. Đây là địa chỉ của nhà tôi..."

Sau khi đọc xong, người đàn ông nghĩ 50 rupee chẳng phải là số tiền lớn, nếu ai đó đánh mất có 50 rupee thôi mà còn phải cất công viết lên cột điện để xin lại thì có lẽ là đối với họ, đây là số tiền rất quan trọng. Có lẽ họ không may mắn có được một cuộc sống dễ dàng.

Chính vì thế, người đàn ông đã tìm đến đúng địa chỉ đã ghi trên cột điện rồi gõ cửa. Ra mở cửa cho anh là một bà lão mù lòa. Sau khi hỏi han, anh biết rằng bà lão chỉ sống có một mình trong ngôi nhà này mà không có chồng hay con cháu gì.

"Bà ơi, cháu nghe nói bà đã đánh rơi một tờ 50 rupee, hôm nay cháu nhặt được nó nên đến để đưa lại cho bà", người đàn ông cất lời.

Bà lão vừa nghe nói như thế, đôi mắt lại rưng rưng như muốn khóc. Sau đó, bà từ từ nói với anh: "Từ hôm qua đến bây giờ đã có gần 100 người tìm đến nhà tôi, ai cũng nói như anh. Tôi không hiểu chuyện này là sao. Tôi không biết chữ, mắt cũng gần như mù lòa, chẳng nhìn thấy gì cả. Tôi cũng không đi ra đường để mà đánh rơi tiền. Thế nhưng lại có ai đó viết rằng tôi đánh rơi tiền ở giữa đường. Ban đầu có người nói như vậy với tôi, tôi còn không tin nhưng cả chục người rồi mấy chục người cứ tìm đến đây, hết người nọ đến người kia nói với tôi cùng một câu như anh thì tôi đã hiểu ra rồi. Có người tốt bụng nào đó thương cái thân già này nên đã viết như vậy nhưng tôi cũng không ngờ là trên đời này lại có nhiều người tốt đến thế...".

Vừa nói, bà lão lại vừa khóc, nhất định không nhận tiền của người đàn ông. Thế nhưng người đàn ông cũng nhất định không chịu rời đi. Cuối cùng, bà lão đồng ý nhận số tiền nhỏ bé và cảm ơn anh ta, kèm theo một điều kiện là anh ta phải vứt mảnh giấy dán trên cột điện kia.

Người đàn ông đồng ý, song khi quay lại chỗ cây cột điện, anh ta bất ngờ nghĩ: "Hẳn là khi nhận tiền, bà lão mù cũng đã yêu cầu tất cả mọi người phải vứt tờ giấy đó đi, song nó vẫn cứ ở trên đó. Vậy thì sao mà mình phải vứt chứ?".

Và rồi vừa đi, người đàn ông lại nghĩ tới người đầu tiên đã viết những dòng chữ trên cột điện. Người đó mới thực sự là ân nhân của bà cụ, cũng là ân nhân của anh và những người khác - người đã giúp họ có cơ hội để giúp đỡ một người đang cần đến nó và cho mọi người thấy rằng cuộc đời này thực ra vẫn còn rất nhiều người tốt.

 

 

NGƯỜI TÀI XẾ THÔNG MINH CỦA EINSTEIN

Nhà vật lý nổi tiếng Einstein thông minh ra sao thì đã có quá nhiều câu chuyện nói về nó, nhưng có lẽ nhiều người chưa biết 1 giai thoại thú vị liên quan đến tài xế riêng của ông.

Khi Thuyết tương đối của Einstein trở nên nổi tiếng, ông được mời đến diễn thuyết về lý thuyết này. Einstein thường đi bằng ô tô, và dù đi đâu thì ông cũng đi cùng với tài xế riêng của mình. Trong mỗi buổi diễn thuyết , tài xế của Einstein thường ngồi ở hàng cuối.

Một hôm, Einstein đang trên đường đi tới một buổi diễn thuyết thì đột nhiên tài xế của ông cất lời: “Thưa ngài, Thuyết tương đối của ngài đơn giản đến mức đến tôi cũng diễn thuyết được. Tôi đã nghe nó nhiều đến mức nhớ được từng lời mà ngài nói về nó”.

Thay vì cảm thấy bực mình, Einstein lại coi đó là một lời khen, vì ông rất vui khi được biết rằng, thậm chí tài xế của ông, người không có chút hiểu biết gì về khoa học mà còn hiểu được lý thuyết của mình.

Vào thời đó, các công nghệ truyền thông chưa phát triển như bây giờ, và thậm chí nhiều người còn chưa biết mặt Einstein. Vì thế, Einstein nói với tài xế của ông: “Vậy chốc nữa, tôi muốn anh là người trình bày lý thuyết của tôi”.

Người tài xế đồng ý. Khi họ đến điểm hẹn, 2 người thay đổi quần áo. Người tài xế ăn vận như một nhà khoa học, còn Einstein thì mặc như một tài xế rồi cả 2 bước vào sảnh lớn.

Cuối cùng, người tài xế bước lên bục và bắt đầu trình bày Thuyết tương đối của Einstein xuất sắc đến mức không ai nghi ngờ gì.

Sau buổi thuyết trình là màn đặt câu hỏi của những người tham dự. Hầu hết các câu hỏi ở buổi thuyết trình này đều giống như ở những buổi trước đây nên người tài xế đã dễ dàng tự xử lý được.

Tuy nhiên đến cuối cùng, có một người tham dự đã đặt ra một câu hỏi khó khiến người tài xế không biết phải trả lời làm sao.

Lúc này, anh ta biết rằng nếu bản thân thú nhận là tài xế của Einstein thì sẽ làm cho Einstein mất thể diện, cũng như gây ra ấn tượng xấu cho toàn bộ hội trường ngày hôm ấy.

Chính vì thế, sau khi suy nghĩ một lúc, người này đã trả lời: “Câu hỏi của anh dễ đến mức đến tài xế của tôi cũng có thể trả lời được. Anh ta đang ngồi ở hàng ghế cuối, anh cứ đến hỏi anh ta mà xem”.

Einstein kinh ngạc vô cùng trước phản ứng nhanh nhạy và hết sức thông minh của người tài xế. Ông đã trả lời câu hỏi đó và buổi thuyết trình đã kết thúc một cách tốt đẹp.

 


Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ, của Đặng Xuân Xuyến:


0 comments:

Đăng nhận xét