NHỮNG NGÀY HỌC TIẾNG BA LAN
MÉO CẢ MIỆNG
Mùa thu 30 năm
trước (1989) chúng tôi sang Ba Lan học đại học. Một năm học tiếng ở Đại học Ngoại
ngữ, Thanh Xuân, Hà Nội với cô giáo Barbara Machejko, cô Oanh, thầy Hiến và cô
Hoá cho chúng tôi cảm giác mình đã nắm vững ngôn ngữ của Chopin, của
Mickiewicz. Vì sinh viên Việt Nam học thuộc bài rất nhanh, ngữ pháp chia cách
rào rào, đọc, hát véo von, có đứa còn làm thơ ‘po polsku’ mới ghê chứ. Tóm lại
là giỏi, tự tin lắm.
Bay sang Moscow, đi
tàu tới biên giới, đến ga trung tâm Warszawa, câu chuyện tương tự như bao nhóm
lưu học sinh khác, không cần phải kể lại làm gì. Nhưng chuyến tàu từ Warszawa
đến trường tiếng ở Lodz mới thật sự là lúc lớp tôi, trên 20 bạn, xâm nhập thực
tế cuộc sống bình thường của người Ba Lan. Lý do là chúng tôi không ngồi cùng
nhau mà tuỳ vé Đại sứ quán mua cho, cứ ngồi chen vào các khoang tàu (przedzial)
cùng hành khách Ba Lan, đi về ga Lodz Fabryczna.
Tôi cùng ba bạn cả
nam cả nữ ngồi vào một khoang như thế, và hành khách Ba Lan duy nhất có mặt là
một anh lính về phép thăm nhà. Có lẽ lần đầu tiên trong đời anh gặp một lúc mấy
sinh viên từ Việt Nam lại “bi bô” nói tiếng Ba Lan. Anh lính trẻ và chúng tôi
say sưa nói chuyện, thời gian trôi qua sao mà nhanh. Đến một ga trước bến cuối
anh ta xuống tàu, chào chia tay và được một cô bạn trong nhóm chúng tôi
tặng chiếc quạt giấy màu xanh đỏ, xếp lại được, và có hình chim chóc hay Chùa
Một Cột gì đó.
Điều làm chúng tôi
ngỡ ngàng là cả nhóm điểm lại trí nhớ thì thông tin duy nhất chúng tôi ghi được
từ câu chuyện chỉ có đúng một nội dung: Anh lính trẻ về quê thăm nhà, anh đã có
bạn gái. Còn tên anh ta là gì, họ gì, đóng quân ở đâu, về nhà chỗ nào, không
một ai nhớ nổi dù anh lính đã nói hết cho biết. Chúng tôi thực sự choáng vì cảm
tưởng trình độ tiếng Ba Lan tưởng là siêu giỏi của mình đã tan vỡ, không nắm
bắt được gì từ câu chuyện đời thực của một người Ba Lan nói đúng tốc độ bình
thường.
Môi trường học
tiếng ở Thanh Xuân hoá ra chỉ để diễn tập vào các vai trò không có thật, giáo
viên chỉ dùng những từ đã học quen, ngữ pháp thì rất tốt nhưng biết để đọc và
viết may ra không sai, còn nghe và nói coi như số không tròn trĩnh.
Cảm giác đó theo
đuổi tôi ít nhất là suốt hai năm đầu ở Ba Lan. Trong lớp ở trường tiếng thầy
giáo nói gì cũng hiểu, nhưng ra phố mới thực sự là ú văn ớ. Đã có huyền thoại,
không phải từ khoá tôi, rằng sinh viên Việt Nam muốn mua gà mái già để về nấu
phở nhưng không nhớ từ “kura” mà chỉ biết “kurczak” (gà) nên đã vào cửa hàng
vừa vỗ cánh phành phạch, vừa hô “nie kurczak, kurczak mama”. Thực tế là ai đi
cửa hàng lần đầu cũng dùng tay rất nhiều để chỉ và vận dụng “cặp đối lập Tak -
Nie” (Có - Không) nhuần nhuyễn thì mới không đói. Vì thời đó Ba Lan còn nghèo,
chưa thoát khỏi kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa, làm gì có các món ăn sẵn đóng gói đẹp
đẽ như bây giờ. Thịt vẫn cần ông rzeznik chặt từ tảng to ra chia thành cân,
lạng. Gà vẫn cả con nằm một đống trong thùng to tướng, mua thì chỉ người ta
nhặt cho, cân xong gói vào giấy. Xét ra cũng hay, không hại môi trường bằng túi
nilon và giấy bóng kính như bây giờ.
Nhưng tiếng Ba Lan
còn khó với tôi vì thiếu kinh nghiệm sống và ít va chạm ngoài phố. Có lần chạy
nhanh qua đường tàu điện để đón tàu kịp lên Quảng trường Tự do (Plac Wolnosci),
chỗ bắt đầu tới trung tâm Lodz, tôi bị một người Ba Lan trên tàu điện thò cổ ra
quát một tiếng rõ to. Tôi giật bắn mình và toát mồ hôi mà không hiểu vì xấu hổ
đã chạy ẩu qua đường hay vì không hiểu ông ta nói gì, cảnh báo mình Cẩn Thận,
hay chửi là Đồ Ngu.
Học ngành xã hội với vốn liếng zero, cứ tay
không bắt giặc:
Trong cả khoá sang
Ba Lan năm 1989 chỉ có tôi và một bạn nam nữa học ngành luật nên vào lớp Xã hội
Nhân văn (humanistyczne), còn tất cả là học khoa học tự nhiên. Các bạn đó đều
có thành tích giỏi toán, lý...đầy mình, các bằng cấp, huy chương, kể cả thi
Olympiad quốc tế, nên có vốn sẵn cho việc chuẩn bị lên đại học. Còn tôi ghè
răng vào tảng đá xã hội, chính trị, lịch sử bằng tiếng Ba Lan mà vốn kiến thức
mang theo coi như lạc lõng.
Nhà tôi có truyền
thống khoa bảng Nho học nhiều đời, đến bố tôi thì vững cả Hán văn, văn học
Pháp, ông ngoại (ở cùng) giỏi tiếng Pháp từ nhỏ, và sau bố mẹ tôi đều đi học
Liên Xô, mang về khá nhiều sách báo, tranh ảnh tiếng Nga. Tôi nhớ năm 4 tuổi mẹ
đọc cho tập chính tả câu thơ đầu tiên là của Vương Bột, “Lạc hà dữ cô vụ tề
phi; Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” và bản dịch Việt (của Tản Đà) “Cái cò
bay với ráng sa; Sông thu liền với trời xa một màu”. Sau này tôi đua với bạn
xem ai thuộc nhiều câu Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm (cả phần Hán Việt và Việt
ngữ) và ngoài những gì dạy ở trường tôi tự tham khảo Quốc văn Giáo khoa thư,
đọc văn chương Tiền Chiến, Tự lực Văn đoàn, sách sử cả Bắc và Nam (trước 1975).
Đến tuổi lớn lên, vào thời Văn học Đổi mới tôi cũng rất say mê đọc Nguyễn Huy
Thiệp, Phạm Thị Hoài... xem kịch Lưu Quang Vũ nhưng vốn văn sử châu Á đó đem
sang Ba Lan coi như vô dụng, và sẽ phải làm lại từ đầu, bằng thứ ngôn ngữ nghe
trúc trắc, khó vào.
Thôi không còn cách
nào khác là đi tìm mua sách về ráng mà đọc cho nhớ. Tôi mua cả các tạp chí cũ
để về đọc, tra từ điển tối ngày. Mới đầu nhìn vào tờ báo chỉ thấy...toàn ảnh vì
mắt tự nhiên chạy đến ảnh, dễ hiểu, và lảng tránh các cột chữ đen kịt, nhìn như
rừng cây. Điều quái dị nhất là có khi thấy cả câu đọc lên quen mà không hiểu
toàn bộ nghĩa. Khổ, vì hồi đó mới sang đã biết gì về nước Ba Lan đâu mà hiểu
ngữ cảnh xã hội cúa bài báo. Thế mà cứ phải kiên trì đọc, chú thích từ mới đầy
ra rìa trang báo, rồi gom lại một đống trên bàn, mấy tháng sau đọc lại vẫn như
mới vì quên hết rồi.
Nghe đài cho tới lúc “thông tai”:
Phần nghe thì được
anh Nguyễn Đức Hà (Hà Bọ, nay ở Toronto) từ Wroclaw đến thăm và chỉ cho cách là
mua một cái đài, để trong phòng cứ bật kênh thời sự Polskie Radio suốt ngày
đêm, để tiếng “rót vào tai cho quen”. Tôi và bạn cùng phòng, Nguyễn Duy Tùng
(nay ở Warszawa) làm theo ngay. Tôi không rõ cách này đã giúp chúng tôi “thông
tai” tiếng Ba Lan bao nhiêu nhưng hai thằng đồng ý là có một ông hay một bà Ba
Lan “thường trú” trong phòng nói suốt ngày cho mình nghe thì cũng tốt.
Đài Ba Lan cũng
phát nhiều bài hát và các cuộc nói chuyện của khán giả gọi vào tâm sự buổi tối
nên phần nào các “audiencje” đó cũng thêm vào trải nghiệm sống của chúng tôi
những tháng đầu tiên. Sau này lên đại học ở TH Warszawa, tôi sống chung phòng
với hai sinh viên Ba Lan trong akademik Zwirki i Wigury, và cả hai bạn đó đều
mê nghe Radio Zet, kênh FM chơi nhạc nhiều hơn Polskie Radio kênh 1, gọi thân
ái là Jedynka. Tôi quen dần với giọng của Andrzej Wojciechowski, người sáng lập
và dẫn chương trình của kênh Radio Zet (Zetka) nhưng thấy giọng phát thanh viên
của đài nhà nước Polskie Radio, những người tôi chẳng nhớ tên, vẫn ấm hơn,
trong hơn, từ tốn và sang trọng hơn.
Từ khoảng 1995-96
tôi sang Paris học nghề phát thanh ở RFI mới ngộ ra rằng nghe đài giúp học
tiếng nhiều. Bản tin thời sự đầy ắp sự kiện, tên người, địa danh, số liệu phải
nén vào chỉ 2-3 phút, buộc người nghe phải giỏi tiếng để nắm bắt nhanh. Cảm ơn
anh Hà.
Một chiêu luyện tiếng nữa là đi xem phim:
Vẫn để học tiếng và
để cuộc sống đỡ nhàm chán, chúng tôi rủ nhau đi xem phim ở rạp. Người đi đầu
trong các cú wyjazd xem phim là Nguyễn Hoài Giang (nay ở Hà Nội). Phim Ba Lan,
phim Hollywood, Giang đều tìm trên báo các buổi vé rẻ, ở rạp (kino) thường xa,
giờ oái oăm, để rủ chúng tôi đi. Cứ trèo lên tàu điện đi vào phố chính
Piotrkowska ở Lodz, rồi đổi tàu đi tiếp. Có khi xem xong phim là nửa đêm, mấy
thằng gồm có tôi, Hoài Giang và Nguyễn Anh Dũng (nay ở Warszawa) bước ra phố
mùa đông tuyết rơi mù mịt, tìm tàu điện tramwaj chẳng còn, thế là đành lội
tuyết cuốc bộ tìm ra bến xe bus đêm, hỏi trẹo cả miệnh thì người ta cũng chỉ
cho hướng đi về nhà sinh viên ở Dom Zoo, phố Lumumba.
Dạo đó Ba Lan đã tự
do về văn hoá nên nhập nhiều phim Mỹ, chúng tôi xem toét hết cả mắt. Vì phim Mỹ
họ để nguyên bản tiếng Anh, chỉ chạy phụ đề màu trắng bằng tiếng Ba Lan, nên để
“học tiếng” chúng tôi dán mắt vào đọc và chẳng nhớ là thu nạp được nội dung
phim qua nghe tiếng Anh, đọc tiếng Ba Lan hay...đoán mò.
Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói:
Ai học tiếng Ba Lan
hoặc các tiếng châu Âu đề thấy dù mình cố phát âm chuẩn, kể cả khi có akcent
khá đúng, toàn bộ câu nói của “phe ta” vẫn không giống người ta. Điều này có lý
do từ cả cấu trúc thanh quản, thói quen dùng lưỡi và môi để nói tiếng Việt,
khác cách bật hơi từ phổi, ra họng qua lưỡi ra môi, lên mũi của người châu Âu.
Bố tôi đã học cả Pháp và Nga, nói người châu Âu “nói như hát opera”, còn người
mình nói “như chim hót”. Khác nhau cơ bản.
Người học nào đã
qua tuổi bắt chước hệt như trẻ em Tây hay dùng âm gần đúng để thay thế cho âm
có trong tiếng châu Âu, vì thế chúng ta chỉ nói gần giống nhưng không bao giờ
giống họ về âm sắc, sức vang của ngôn ngữ. Nó cũng như một số bạn Ba Lan, Mỹ,
Pháp nói tiếng Việt giỏi nhưng nghe vẫn “ồm ồm” khác tiếng ta, lộ ra cách bật
hơi quá mạnh, bỏ dấu quá rõ.
Tiếng Ba Lan thuộc
nhóm Tây Slavic, các phụ âm (spolgloski, consonants) rất cứng, như các tiếng
Đức, Hà Lan, và các nguyên âm (samogloski, wovels) không còn độ mềm như tiếng
Nga. Tuy thế, âm điệu của tiếng Ba Lan vẫn thuộc nhóm Slavic nên nghe dịu hơn
tiếng Đức. Đó là những điều tôi nghe và đọc được sau này, còn hồi mới sang thì
chỉ chăm chăm làm sao nói cho đúng. Nói sai người ta không hiểu, chấm hết.
Thật may là cùng đi
có bạn Đỗ Thăng Long, ca sĩ của năm (nay ở Warszawa). Long chỉ cho tôi và một
số bạn cách đặt vị trí của lưỡi, và cách nhả hơi khi phát âm các phụ âm khó và
gần giống nhau (theo cái tai Việt Nam) là c, z, dz...Ai đã học tiếng Ba Lan
chắc biết âm nặng như rz, sz, cz cứ uốn lưỡi lên là nói đúng, nhưng các phụ âm
nhẹ đi cùng i như ci, zi, zie, sie...mới là khó. Khi đã luyện được, bạn tự
nhiên thấy nói gì cũng dễ và không còn nói câu đơn giản như “Co sie dzieje?”
(Chuyện gì đó?) như thể nó là “Xôi xéo dày ê”.
Nói, nghe, đọc,
viết. Ai bảo học ngoại ngữ là dễ? Đó là công việc cực kỳ gian khổ, khổ hơn các
bạn ở Việt Nam học tiếng Anh để nói với Tây, với Mỹ rất nhiều. Ở VN các bạn là
chủ nhà, họ đến thì phải theo mình, tiếng Anh của bạn có chưa chuẩn lắm vẫn
chém gió về các thứ ở Việt Nam cho Tây nghe. Còn chúng tôi khi đó phải học cấp
tốc một thứ tiếng không phổ biến trên thế giới, phải nhập tâm toàn bộ cuộc
sống, văn hoá nước người ta chỉ trong vòng 9 tháng học và vài tháng hè.
Học nhiều nhưng để
nói với ai?
---------
Phần tiếp xin kể về
những người Ba Lan đầu tiên có kiên nhẫn nghe tôi nói tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếc
là không ghi âm ghi hình những cuộc tiếp xúc đó để có tư liệu soạn phim hài.
Mời
nhấp chuột đọc thêm về nhà thơ Nguyễn Khôi:
- Đi Tây và đọc thơ
Nguyễn Khôi bên trời Tâyl
- Nhà văn Nguyễn
Khôi và tác phẩm “Sống Chụ son sao”l
- Tác giả Nguyễn
Khôi với “Bàng Gia vọng tộc”l
- Phỏng vấn nhà thơ
Nguyễn Khôil
- Mơ quê trong “Xóm
Cỏ” của Nguyễn Khôil
- Sớm Thu - Thu Sớm,
Thu buồn hay vuil
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
LÝ THANH (tên thật: Nguyễn Giang)
Quê gốc: phường Đình Bảng, thị
xã Từ Sơn, Bắc ninh.
Cư trú: thị trấn Gravesend, Hạt
Kent, Anh Quốc.
Email: giangdart@gmail.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com
ngày 14.05.2022.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét