NGHĨ VỀ KẾT CẤU CHẶT CHẼ Ở THỂ TRUYỆN NGẮN - Tác giả: Trần Văn Nam (Hoa Kỳ)

Leave a Comment

 

NGHĨ VỀ KẾT CẤU CHẶT CHẼ

Ở THỂ TRUYỆN NGẮN

*

(Tác giả Trần Văn Nam)

Ba truyện ngắn trích trong tập truyện “Cát Vàng” của Lữ Quỳnh (do Văn Mới xuất bản): “Cuộc Chơi – Chỉ Còn Kẻ Ở Lại – Bóng tối Dưới Hầm”. “Cuộc chơi”: nói về cái chết rủi may của những người lính trong thời chiến. Hai người bày cuộc rút thăm để thi hành một nhiệm vụ, chắc là thám kích hay đi gỡ mìn gì đó. Người trúng thăm phải lên đường ngay trong đêm thì đã không chết, mà người đàn ông may mắn bắt thăm ở lại thì chết một tháng sau vì đạp phải mìn. Truyện ngắn này có thể phân thành ba hồi: cuộc đối thoại để bắt thăm giữa hai người lính một già một trẻ; cuộc đối thoại giữa người ở lại với thiếu nữ (người lính trung niên này có tình yêu đơn phương hướng về thiếu nữ); thứ ba là cuộc đối thoại giữa người lính trẻ với chủ quán (và người thanh niên này thì thờ ơ với thiếu nữ). Một truyện khá ngắn mà gồm ba hồi như vậy, cũng đã là dấu vết cho ta nhận ra tác giả rất chú trọng về kết cấu. Đây là ví dụ khởi đầu làm cho ta thấy kết cấu chặt chẽ khi viết truyện ngắn của Lữ Quỳnh.

 “Chỉ Còn Kẻ Ở Lại”, từ ngữ lấy làm nhan đề đã hàm ý về sự mất mát trong chiến tranh. Đây là truyện có kết cấu chặt chẽ. Tác giả sắp xếp truyện theo trình tự làm rõ nét dần dần về nhân vật: Trước tiên, ta biết đó là một thiếu nữ nhỏ nhắn, ngây thơ. Dễ mến khi thoạt trông đến nỗi Vĩnh (nhân vật trong truyện) đặt tên nàng là Chim Sẻ. Chim Sẻ thường kể về gia đình nàng, nào mẹ yêu dấu, nào cha bỏ đi Sài Gòn không về nữa, nhất là anh Tuấn đi lính biệt kích nhưng thật hiền, người anh mà lúc nào nàng cũng nhắc đến một cách thương mến. Rồi nàng nhờ chàng làm giùm bài thuyết trình trong trường, nàng đang là nữ sinh trung học. Thấy nàng quá trong trắng, chàng phải giữ lòng đừng lừa dối nàng. Gần trọn câu truyện, tác giả chủ ý làm nổi bật dáng vẻ ngây thơ của Chim Sẻ, chỉ có một thoáng sững sờ khi Chim Sẻ hôn chàng một cách thành thạo, nhưng tác giả làm ta nghĩ đó chẳng qua chỉ là bản năng tự nhiên khi người ta tỏ tình với nhau. Chỉ ở đoạn cuối, tác giả mới mở ra sự thật qua bức thư gửi cho chàng: nàng tên thật là Nguyễn Thị Lệ. Tất cả người thân mà nàng thường nhắc thì đều đã chết, cha thì mất trong kháng chiến chống Pháp, mẹ thì mất khi máy bay thả bom xuống vùng có cuộc chiến, cuộc chiến mà bà đã từng lo ngại “đến đời thằng Tuấn con Lệ có còn chiến tranh hay không”; và anh nàng buồn vì mẹ mất mà đi lính biệt kích. Họ không còn nữa trong cõi đời; và nàng thì bỏ học đã từ lâu, đã là một cô gái hư hỏng, sành sõi. Nàng phải viết bức thư cho chàng, tự cảm thấy mình không xứng đáng, vì thực sự nàng có tình yêu với chàng và không muốn lừa dối. Kết cấu chặt chẽ qua những câu đối thoại, qua những hành xử, làm cho độc giả cuốn hút theo lời kể về gia đình, về những người thân, cứ tưởng họ còn đang ở trong đời.

 “Bóng Tối Dưới Hầm” cũng là một truyện có kết cấu chặt chẽ, nhưng không kết cấu để Thắt-Gỡ một bí mật như truyện trên, mà bố cục theo diễn tiến Chuyện-Gì-Đến-Thì-Đến. Tuy là truyện ngắn, nhưng ta có thể phân ra đến sáu hồi. Hồi một: ba người trong vùng xôi-đậu đang trốn dưới hầm, quân lính Việt Nam Cộng Hoà hành quân lùng kiếm  phía trên. Dười hầm là một cán bộ, một thanh niên mới theo, và một cô gái thường dân sinh sống vùng bất an. Mẹ nàng phía trên hầm nhưng bặt tin tức từ lúc họ ở dưới hầm. Thiếu nữ lại có chứng động kinh di truyền có thể làm lộ chỗ ẩn trốn. Hai người đàn ông bàn tính phải đối phó khi nàng lên cơn, họ tưởng nàng đang thiếp ngủ. Hồi hai: kể về lai lịch người cán bộ. Anh ta đi khu chiến từ 1945, từng chia tay với cô gái hát bài “Từ ngày chinh chiến Mùa Thu”, rồi chứng kiến ngay sau đó cái chết của người nhạc sĩ tại bến đò do máy bay oanh tạc. Hồi ba: Ý nghĩ đội nấp hầm lên rồi tung lựu đạn để chạy thoát thân đến với hai người đàn ông. Họ đã sống dưới hầm hơn hai ngày đêm mà bà già và tin tức phiá trên thì mù mịt. Cô gái thức dậy gặng hỏi (vì nàng đã nghe hai người đàn ông thầm kín bàn cách đối phó cơn động kinh của nàng), gặng hỏi có phải họ sẽ bóp cổ hay đâm chết nàng. Hồi bốn: Tác giả kể về cuộc đời của cô gái, nàng mắc chứng động kinh di truyền từ người cha (ông đã có lần uống rượu, lên cơn điên, cắn miệng ly, nhai mẻ thủy tinh của ly). Từ ngày ông chết, hai mẹ con sống ở vùng quê dưới gọng kìm của hai bên lâm chiến, vì không biết cách nào lên sống trên tỉnh dù anh Ba nàng có lời khuyên (anh Ba đi lính trên tỉnh). Quân đội hành quân, họ chui xuống hầm bí mật để trốn và người đàn ông giữ thiếu nữ như một con tin dưới hầm đó. Hồi năm: Đêm khuya, hai người đàn ông lại bàn tính coi như bà già phía trên đã chết, hỏi nhau đã chuẩn bị sẵn sàng chưa. Kế hoạch của họ sẽ là đội nấp hầm và tung lựu đạn. Cô gái nghe hết đối thoại, và nàng chỉ đoán một cách chủ quan kế hoạch của hai người; nhưng tâm hồn nàng bỗng sáng lạ lùng.  Hồi sáu: Gần sáng, người đàn ông còn thiếp ngủ, người thanh niên thức dậy và khám phá cô gái đã chết; nàng tự cắt cổ tay tự tử, do suy nghĩ tự giải quyết cơn động kinh có thể xảy ra. Truyện có tình huống diễn tiến, xen kẻ việc kể về lai lịch các nhân vật, làm cho ta thấy cách giải quyết của họ có thể do nhiều động lực; do phải thi hành cứng rắn (người cán bộ); do hy sinh có tính nhân bản chỉ vì không muốn làm liên lụy cho người khác (cô gái tự tử). Cô gái chết trong yên lặng không ai hay, vì lúc gần sáng cả hai người đàn ông đã thiếp ngủ.

Ngoài ba truyện ngắn Cuộc Chơi, Chỉ Còn Người Ở Lại, Bóng Tối Dưới Hầm, qua đó ta thấy có những kết cấu chặt chẽ, những truyện ngắn khác tuy cũng không phải quá đơn giản, cũng có độ dài tương đương, nhưng thiết nghĩ đúng là truyện ngắn theo thể cách truyện ngắn, không bố cục phức tạp. Điều ta muốn nêu ra là ở thể truyện ngắn có cần hay không một kết cấu chặt chẽ làm người đọc thấy nó phức tạp (vì vậy mà độc giả nhận ra có thể phân thành nhiều hồi, giống như kiểu điện-ảnh cảnh này bắc qua cảnh khác không cần báo trước). Ta thử làm một so sánh. Truyện ngắn không phức tạp: ví như một luồng gió đóng góp vào vùng gió lốc; hay như một hành tinh theo quỹ đạo xoay xung quanh Mặt Trời trong hệ thống Thái Dương Hệ. Và truyện ngắn phức tạp: ví như một lốc xoáy nhỏ trong vòng vĩ đại của bão lớn; hoặc như mỗi hành tinh lại là một hệ thống nhỏ (Mặt Trăng xoay quanh Trái Đất) trong hệ thống lớn là Thái Dương Hệ; nghĩa là hệ thống trong hệ thống, truyện lồng trong truyện, tiểu thuyết nhỏ nằm trong tiểu thuyết lớn. Người hứng thú với loại truyện ngắn phức tạp thường thuộc khuynh hướng tân kỳ, mà cách viết-theo-dòng-ý thức (The Stream of Consciousness Method) là thể loại được ưa dùng. Viết-theo-dòng-ý-thức đã có nhiều sách báo văn chương Tây phương đề cập, và những bậc thầy của cách viết ấy là Marcel Proust trong tác phẩm “Tìm Lại Thời Gian Đã Mất” (À La Recherche du Temps Perdu, viết từ năm 1913), và William Faulkner trong tác phẩm “Âm Thanh và Cuồng Nộ” (The Sound and the Fury, viết năm 1931). Ta biết phim ảnh thể hiện phương pháp đó qua phim “Lão Ngư Ông và Biển Cả” (The Old Man and The Sea), hoặc phim “Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro” (The Snows of Kilimanjaro), cả hai truyện đều của Hemingway. Lão ngư ông trên biển một mình, cứ từng chập trên biển lại từng chập hiện ra chuyện trên đất liền trong tâm trí; khi lão mệt mỏi với giấc ngủ chập chờn vì cuộc săn cá quá lâu. Và truyện một người nằm bệnh (do thương tích làm độc) dưới chân núi Kilimanjaro ở Phi châu, cứ từng chập cảnh trong lều tại vùng hoang dã, rồi lại từng chập đến với tâm trí người bệnh sắp chết về chuyện tình phụ ở Paris hay chuyện chiến đấu tại Tây Ban Nha. Còn truyện ngắn không phức tạp mà ta đã ví dụ như một luồng gió trong vùng lốc xoáy, hay như một hành-tinh-không-có-vệ-tinh nên chỉ đơn giả xoay quanh Mặt Trời. Đó là loại truyện ngắn viết theo phương pháp tuyến-thời-gian, xuất hiện trong trật tự trước sau của một truyện dài. Nếu đặt truyện ngắn này vào một truyện dài giả sử như là có truyện dài ấy, thì truyện ngắn đó sẽ là một mảnh ở vị trí nhất định nằm trên tuyến thời gian của toàn thể câu chuyện.Ví dụ ở cuốn “Tess of The D’Urbervilles” của Thomas Hardy thuộc văn học Anh xuất bản năm 1891 (trước năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, có sách dịch tiểu thuyết này với nhan đề “Người Tình Đầu Tiên, Người Yêu Cuối Cùng”, không nhớ tên dịch giả), mà một đoạn ta có thể trích ra thành truyện ngắn đặt tên “Cuộc Thú Tội Đêm Tân Hôn”. Giới hạn để thành truyện ngắn này, gồm tình tiết đáng buồn như sau: Có một cô gái nghèo làm nghề vắt sữa bò ở một nông trại bên nước Anh. Nàng được một sinh viên gia đình đạo đức và khá giả đem lòng yêu thương và quyết định lấy làm vợ (chàng đến nông trại để nghiên cưú về chăn nuôi bò sữa). Trong đêm tân hôn, nàng thú tội đã thất thân trong quá khứ (mẹ nàng đã từng khuyên tuyệt đối không nên nói sự thật điều này), sau khi chàng cũng thú tội có những sai trái trong đời. Sau khi nghe xong, chàng bỗng thấy nàng là người xa lạ. Đêm tân hôn ấy, người trong vùng thấy hai bóng người đi ra từ khách sạn, chàng đi trước một khoảng xa, nàng đi sau, họ lặng lẽ như hai cái bóng suốt đêm dọc theo con sông dài. Sáng hôm sau, chàng đưa nàng trở về nhà cha mẹ và để lại cho nàng một số tiền lớn, còn chàng lấy vé tàu thủy ngay để đi qua xứ Ba Tây. Tình tiết ấy chỉ là môt khúc rẽ đời nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng này của Thomas Hardy. Cuốn tiểu thuyết rất phong phú về tâm lý, về sự kiện, về nơi chốn phiêu linh, về những trắc trở trải qua trong cuộc đời người con gái thuộc dòng họ D’Urbervilles (từ lúc thất thân với một tên công tử nhà giàu mà gia đình hắn đã giả danh nguồn gốc quý tộc thuộc dòng họ hiệp sĩ D’Urbervilles nay đã sa sút của tổ tiên nàng ngày xa xưa, cho đến khi nàng lên đoạn đầu đài trong một nhà tù vì hành động sát nhân do tiếng vẳng gọi huyền bí từ dòng dõi hiệp sĩ).

Nêu những ví dụ như trên trong hai cách viết trong thể truyện ngắn: viết như một tiểu-hệ-thống trong một đại-hệ-thống, và viết như một chặn đường trong tuyến trình thời gian. Cả hai, ta đều thấy trong tập truyện Cát Vàng của Lữ Quỳnh. Tùy theo sở thích của từng người, thích đơn giản theo thứ tự trước sau, hay thích rối rắm cần quy chiếu, mà truyện ngắn với thể kết cấu nào được hâm mộ. Ngoài ra, ta không quên Lữ Quỳnh cũng là một nhà thơ, cho nên khi gặp dịp thơ mộng thì tác giả hứng khởi làm phát lộ tính chất thi ca đó trong văn. Ví dụ trong truyện “Sông Sương Mù” có những đoạn đầy ấp thi tính, như trò chơi của cô bé thích ngắm những từ từ hiện ra trên sông lúc sáng sớm sương mù: “lúc đầu chỉ nghe tiếng chèo khuấy nước, tiếp theo là nửa con đò, rồi người lái với vành nón mờ nhạt hơi sương”. Còn lúc không phải dịp thơ mộng, tác giả có những liên tưởng rất thơ, như khi người thương binh cụt hai chân làm rớt cái mền ấm xuống đất trong đêm rét lạnh. Anh bị tê liệt, không làm sao lấy mền lên được. Cái mền, như một hạnh phúc đối với anh lúc đó: “Hắn như con ve sầu với đôi cánh bị dính chặt vào nhựa cây của đám trẻ nghịch ngợm, nhìn vòm trời xanh mà tuyệt vọng” (trong truyện Đêm Bão)./.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện CHUYỆN CỦA 

GÃ KHỜ, truyện ngắn của Đặng Xuân Xuyến:

*.

TRẦN VĂN NAM

Địa chỉ: Walnut, California,

Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

 

 

 

.................................................................................................

- Cập nhật từ email: thaiquocmuu1@aol.com, ngày 06.07.2021.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.  

0 comments:

Đăng nhận xét