Chuyện về đối nhân xử thế:
4
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN
*
Nguyễn Toàn Thắng giới thiệu
(Cập nhật từ email:
nguyentoanthang77@gmail.com
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả)
CHỊU Ô UẾ THANH
DANH ĐỂ CỨU NGƯỜI...
Xưa có thầy thuốc họ Ngụy tinh
thông y thuật, lại thường thích làm điều thiện. Phàm là những người đến mời ông
chữa bệnh, bất luận bần cùng nghèo túng hay phú quý giàu sang, ông đều tận tâm
chữa trị, không cầu báo đáp.
Đối với người bệnh vô cùng nghèo
khổ, ông còn quyên tặng tiền bạc và thuốc thang. Nếu là người nhà quê đến thành
phố tìm ông khám bệnh, đầu tiên ông sẽ để họ uống ít cháo, ăn chút bánh. Đợi họ
ăn xong mới bắt đầu chẩn mạch.
Một hôm, có một gia đình mời ông
đến khám bệnh. Sau khi khám bệnh, gia đình này phát hiện trong nhà mất 10 lạng
bạc. Con trai người bệnh nghi ngờ ông Ngụy đã lấy trộm, nhưng lại không dám
chất vấn trước mặt thầy thuốc.
Có người dạy anh ta cầm một nén
hương đến quỳ trước cửa nhà thầy thuốc. Ông Ngụy thấy anh ta như vậy, khó hiểu
hỏi: “Anh làm gì vậy?”.
Con trai người bệnh liền kể lại
về việc mất ngân lượng. Ông mời anh ta vào phòng riêng và nói: “Xác thực việc
này là có. Tôi tạm thời lấy vì việc khẩn cần gấp, vốn là dự tính ngày mai khi
khám bệnh sẽ lại lặng lẽ trả lại. Hôm nay anh đã hỏi ra, có thể lấy ngay về.
Nhưng xin anh đừng nói cho người ngoài biết!”
Nói xong, ông liền đưa anh ta 10
lạng bạc. Chẳng mấy chốc những lời gièm pha thầy thuốc Ngụy đã lan ra khắp
vùng.
Chẳng bao lâu sau bệnh nhân đã
khỏi bệnh. Một ngày nọ, hai cha con dọn dẹp giường ngủ bất ngờ phát hiện gói
bạc dưới tấm đệm, trong lòng kinh động, rồi ân hận thốt lên: “Thì ra không bị
mất bạc, chúng ta đã hại lầm thầy Ngụy rồi. Chúng ta phải đứng trước dân chúng
mà trả lại tiền cho thầy Ngụy, không thể để ông chịu oan ức được nữa!”
Vì vậy hai cha con cùng nhau đến
trước cửa nhà lão thầy thuốc, hai tay lại cầm cây hương quỳ trước cửa. Lão thầy
thuốc trông thấy, cười nói: “Hôm nay lại vì điều chi à?”
Hai cha con họ hổ thẹn nói: “Bạc
không bị mất, là chúng tôi trách lầm thầy, thật là đáng chết. Hôm nay chúng tôi
đến để trả lại bạc cho tiên sinh. Thằng nhỏ vô tri, tùy ý tiên sinh đánh chửi!”
Lão thầy thuốc vừa cười vừa nâng
hai cha con dậy, nói: “Có gì đâu? Không cần để nó trong lòng!”.
Cậu con trai người bệnh lúc đó
liền hỏi ông: "Vì sao thầy cam lòng chịu nhục cũng không tranh biện?"
Ông cười đáp: “Cha ngươi và ta là
người làng xóm, ta từ trước đến nay vốn biết ông ta cần kiệm, quý tiếc tiền
bạc. Khi đó ông ta đang ốm nặng, nghe nói mất 10 bạc, bệnh tình ngược lại sẽ
càng thêm nặng, thậm chí sẽ không khỏi. Cho nên ta thà mang gánh chịu ô nhục,
mà để cha ngươi biết mất bạc đã tìm được, đem đau buồn chuyển thành vui vẻ,
bệnh tự nhiên sẽ khỏi!”.
Nghe tới đây, hai cha con lại một
lần nữa quỳ xuống khấu đầu: “Cảm tạ hậu đức của tiên sinh, không tiếc tự ô uế
thanh danh của mình để cứu sống tôi. Tôi nguyện kiếp sau làm trâu làm ngựa để
báo đáp đại ân đức của tiên sinh!”
LỜI BÀN:
Phàm đã làm người, đều cần coi
trọng chữ Đức, Mạnh Tử nói: “Người không có liêm sỉ thì không phải là con
người”. Nhất là người làm nghề y dược với sứ mệnh cứu người giúp đời thì càng
cần đề cao đạo đức, tuân theo y đức.
Thế nên, nếu người không đủ đức
thì tốt nhất là chuyển nghề, chớ làm ngành y dược. Thiếu đức mà làm nghề y dược
thì gây tai họa lớn cho mọi người và cộng đồng, cũng tạo tội nghiệp lớn cho bản
thân và người nhà, hại người hại mình mà không tự biết...!
ĐỘC TRỊ ĐỘC
Thương cha
Một ông lão tuổi ngoài 70 ở một
mình tại New Jeasey, con trai ông – Vincent đã phạm tội và phải chịu án tù
trong ngục. Ông sống rất cô đơn, vì thế ông muốn có một mảnh vườn cà chua để có
thể hàng ngày chăm bẵm, vun xới. Có lẽ chỉ điều đó mới làm ông quên đi sự đơn
độc trong ngôi nhà mình. Nhưng mảnh vườn quá cằn cỗi, mà sức ông đã già nên ông
không thể nào xới đất lên và gieo hạt được.
Nghĩ đến những lúc Vincent còn ở
nhà, ông liền viết một bức thư gửi con trai:
Vincent,
Cha muốn trồng một mảnh vườn cà
chua nhưng đất cằn cỗi quá, cha không nghĩ mình có thể gieo hạt được. Sức cha
đã yếu, cha cũng không còn có thể xới đất lên được nữa. Cha biết nếu con còn ở
đây có lẽ cha sẽ không bao giờ phải lo về việc này, vì con sẽ luôn luôn giúp
cha cày cuốc, như trước kia con luôn luôn làm.
Thương con rất nhiều,
Papa.
Người con trai chỉ gửi lại một
bức thư nhưng nội dung vô cùng hãi hùng:
Cha à, đừng bới đất khu vườn lên,
con chôn xác người ở dưới đó!
Ngày hôm sau, một đội cảnh sát
đến bao vây nhà ông lão vào lúc 4h sáng và xới tung mọi ngóc ngách khu vườn
lên. Sau 3 tiếng tìm kiếm, họ không tìm được dấu vết nào nên đành xin lỗi ông
lão và ra về.
Người con trai lại gửi thư lần
nữa, lần này anh nói:
Cha à, giờ cha có thể gieo hạt
được rồi đấy, con chỉ có thể giúp cha như thế này thôi
Thương cha rất nhiều,
Vincent”
…
Tôi vô tình đọc được câu chuyện
này trong một buổi chiều muộn, và đó có lẽ là một trong những câu chuyện về gia
đình hay nhất mà tôi từng được đọc qua. Với con cái, không có khoảng cách, thời
gian hay không gian, khiến họ chần chừ khi giúp đỡ và yêu thương cha mẹ. Người
con trai Vincent, dù đã phạm tội gì đi chăng nữa thì đối với cha mình, anh ấy
vẫn là một người con hiếu thảo sâu sắc. Giữa bộn bề cuộc sống ngoài kia, có rất
nhiều người cứ viện cớ này nọ để không quay về với cha mẹ, không chìa tay ra
nâng đỡ cha mẹ lúc về già; thế nhưng Vincent, với tất cả tội lỗi anh đã phạm,
vẫn cứ yêu thương cha theo cách của riêng mình. Tôi nghĩ hành động này của anh,
thậm chí còn vượt cả một câu “Con thương cha mẹ” sáo rỗng mà không một cử chỉ
yêu thương nào.
Với những người đi học, đi làm xa
nhà, thì số lần gặp cha mẹ trong cuộc đời này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Người
chỉ về được dịp hè, người về được dịp Tết, thậm chí có người vài năm mới về một
lần. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó, có người nói rằng: “Nếu bố mẹ còn sống được
20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể
còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố
mẹ. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa;
chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp”. Rồi chúng ta sẽ về đâu khi
mái nhà ấy không còn cha mẹ nữa, chúng ta sẽ “dưỡng thương” thế nào khi trở về
mà không có ai mừng vui, rạng rỡ, chăm sóc ta như một đứa trẻ thơ?
Thế đấy, chúng ta luôn về nhà với
một tâm trạng thất bại nhất. Hãy dành cho ba mẹ, những người đã cả đời hi sinh
vì con cái những khoảng thời gian ý nghĩa, những chuyến trở về đầy bất ngờ và
chẳng vì điều gì khác ngoài lí do “con nhớ nhà, con về chơi để ba mẹ đỡ buồn và
gia đình mình sum họp”.
CHUYỆN NHỎ - KHÔNG
SAO ĐÂU
Tại một quán ăn ở Thượng Hải, có
một cô hầu bàn phụ trách mang thức ăn lên cho chúng tôi, nhìn cô ấy trẻ trung
tựa như một chiếc lá non.
Khi cô ấy bê cá hấp lên, đĩa cá
bị nghiêng. Nước sốt cá tanh nồng rớt xuống, rơi xuống chiếc cặp da của tôi đặt
trên ghế. Theo bản năng tôi nhảy dựng lên, nộ khí xung lên, khuôn mặt trở nên
sầm xuống.
Thế nhưng, khi tôi chưa kịp làm
gì, con gái yêu của tôi bỗng đứng dậy, nhanh chóng đi tới bên cạnh cô gái hầu
bàn, nở một nụ cười dịu dàng tươi tắn, vỗ vào vai của cô bé và nói: “chuyện nhỏ
thôi, không sao đâu”
Nữ hầu bàn vô cùng ngạc nhiên,
luống cuống kiểm tra chiếc cặp da của tôi, nói với giọng lúng túng: “Tôi… để
tôi đi lấy khăn lau…”
Không thể ngờ rằng, con gái tôi
bỗng nói: “Không sao, mang về nhà rửa là sạch rồi. Chị đi làm việc của chị đi,
thật mà, không sao đâu, không cần phải đặt nặng trong tâm đâu ạ.”
Khẩu khí của con gái tôi thật là
nhẹ nhàng, cho dù người làm sai là cô hầu bàn.
Tôi trừng mắt nhìn con gái, cảm
thấy bản thân mình như một quả khí cầu, bơm đầy khí trong đó, muốn phát nổ
nhưng không nổ được, thật là khốn khổ.
Con gái bình tĩnh nói với tôi,
dưới ánh đèn sáng lung linh của quán ăn, tôi nhìn thấy rất rõ, con mắt của nó
mở to, long lanh như được mạ một lớp nước mắt.
Tối hôm đó, sau khi quay trở về
khách sạn, khi hai mẹ con nằm lên giường, nó mới dốc bầu tâm sự:
Con gái tôi phải đi học ở London
3 năm. Để huấn luyện tính tự lập cho nó, tôi và chồng không cho nó về nhà vào
kỳ nghỉ, chúng tôi muốn nó tự lập kế hoạch để đi du lịch, đồng thời cũng muốn
nó thử trải nghiệm tự đi làm ở Anh Quốc.
Con gái tôi hoạt bát nhanh nhẹn,
khi ở nhà, mười đầu ngón tay không phải chạm vào nước, những công việc từ nhỏ
tới lớn cũng không đến lượt nó làm. Vậy mà khi rơi vào cuộc sống lạ lẫm tại Anh
Quốc, nó lại phải đi làm bồi bàn để thể nghiệm cuộc sống.
Ngày đầu tiên đi làm, nó đã gặp
phải rắc rối.
Con gái tôi bị điều đến rửa cốc
rượu trong nhà bếp. Ở đó có những chiếc cốc thủy tinh cao chân trong suốt, mỏng
như cánh ve, chỉ cần dùng một chút lực nhỏ là có thể khiến chiếc cốc bị vỡ,
biến thành một đống vụn thủy tinh.
Con gái tôi thận trọng dè dặt, như
bước đi trên băng, không dễ dàng gì mà rửa sạch hết một đống lớn cốc rượu. Vừa
mới thả lỏng không chú ý, nó nghiêng người một chút, va vào một chiếc cốc,
chiếc cốc liền rơi xuống đất, “xoảng, xoảng” liên tục những âm thanh vang lên.
Chiếc cốc hoàn toàn biến thành đống thủy tinh vụn lấp lánh trên mặt đất.
“Mẹ ơi, vào thời khắc đó, con có
cảm giác bị rơi xuống địa ngục.” giọng nói của con gái tôi vẫn còn đọng lại sự
hồi hộp lo lắng.
“Thế nhưng, mẹ có biết người quản
lý ca trực đó phản ứng thế nào không? Cô ấy không hề vội vàng mà bình tĩnh đi
tới, kéo con lên và nói: Em gái, em không sao chứ?”
Sau đó, cô ấy quay đầu lại nói
với những người khác: Các bạn mau đến giúp cô gái này dọn dẹp sạch đống thủy
tinh nhé!
Đối với con, ngay đến cả một chữ
nửa câu trách móc cũng không có!”
Lại một lần nữa, khi con rót
rượu, không cẩn thận làm đổ rượu vang nho lên chiếc váy trắng của khách, khiến
cho chiếc váy trở nên loang lổ.
Cứ tưởng vị khách đó sẽ nổi trận
lôi đình, nhưng không ngờ cô ấy lại an ủi con: “không sao đâu, rượu ấy mà,
không khó giặt.”
Vừa nói, vừa đứng lên, nhẹ nhàng
vỗ vào vai con, từ từ đi vào phòng vệ sinh, không nói toang lên, cũng không làm
ầm ĩ, khiến con tròn mắt như con chim yến nhỏ vì quá đỗi ngạc nhiên.
Giọng nói của con gái tôi, mang
đầy tình cảm: “Mẹ à, bởi vì người khác có thể tha thứ lỗi lầm của con trước
đây, nên mẹ hãy coi những người phạm sai lầm kia như con gái của mẹ, mà tha thứ
cho họ nhé!”
Lúc này, không khí trở nên tĩnh
lặng như màn đêm, tròng mắt của tôi ướt đẫm lệ…
Tha thứ cho người khác chính là
tha thứ cho chính mình. Như tác giả nổi tiếng Andrew Matthews từng viết: “Bạn
tha thứ cho mọi người vì chính lợi ích thiết thân của bạn. Nó sẽ làm cho bạn
hạnh phúc hơn.”
Bạn thân mến, chúng ta cảm động
khi người khác cảm động, điều đó khiến chúng ta có thể thay đổi hành vi và lời
nói của chính mình, hãy để những thiện ý này lưu truyền mãi về sau … như thế,
mỗi ngày của chúng ta sẽ đều là hạnh phúc và may mắn!
KHÔNG AI HOÀN HẢO
VÀ CHẲNG AI LÀ
NGƯỜI VÔ DỤNG!
Ngày
xưa, ở ngôi làng nọ của Ấn Độ, có anh chàng gánh nước bằng hai chiếc bình, một
chiếc bị nứt, còn chiếc kia thì nguyên vẹn.
Khi
gánh nước, anh treo mỗi chiếc bình vào một đầu đòn gánh. Chiếc bình nguyên vẹn
không bao giờ để rơi một giọt nước nào trên đường về. Còn chiếc bình nứt thì
dẫu có đổ đầy đi chăng nữa, khi về đến nhà cũng chỉ còn lại một nửa.
Chiếc
bình tốt luôn tỏ vẻ hãnh diện, tự hào về sự hoàn hảo của mình. Còn chiếc bình
nứt lúc nào cũng thấy vô cùng xấu hổ, luôn mang trong mình cảm giác thất bại.
Một
ngày nọ, ở bên bờ sông, chiếc bình nứt đau khổ nói với người gánh nước: “Ông
chủ ơi, con cảm thấy rất xấu hổ và có lỗi với ông”.
Người
gánh nước hỏi: “Tại sao con lại nghĩ như vậy? Con xấu hổ vì điều gì chứ?”
Chiếc
bình nứt bèn trả lời: “Suốt hai năm qua, vì vết nứt bên hông mà con chỉ đem về
được một nửa bình nước, nhọc công phí sức của ông mà thôi”.
Người
gánh nước bình thản đáp: “Hôm nay, trên đường về nhà, con hãy nhìn sang hai bên
vệ đường nhé”.
Khi
người gánh nước quẩy bình trên vai về nhà, chiếc bình nứt đã nhìn thấy những
bông hoa tươi đẹp dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. “Những bông hoa thật đẹp”,
chiếc bình nứt nhủ thầm, tự cảm thấy vui hơn một chút.
Nhưng khi
về đến nhà, nó lại vô cùng xấu hổ vì thấy một nửa bình nước đã bị rò rỉ dọc
đường.
Người
gánh nước liền nói với nó:
“Con
có nhìn thấy những bông hoa bên vệ đường không? Và con có nhận thấy những bông
hoa chỉ nở ở bên đường phía con không? Thật ra, ta đã sớm biết về vết nứt của
con, nên đã chủ tâm gieo một số hạt hoa ở vệ đường phía bên con. Mỗi ngày khi
ta gánh nước về nhà, con đã tưới tắm cho chúng bằng những giọt nước rơi ra từ
chỗ rò rỉ của con mà con không hề hay biết. Suốt 2 năm qua, trong nhà ta không
bao giờ thiếu những bông hoa đẹp cắm trên bàn. Nếu như không phải vì vết nứt
của con thì ta cũng chẳng thể có được những bông hoa đẹp để trang trí trong nhà
mình”.
Vậy
đấy, việc trên đời chẳng bao giờ là hoàn mĩ. Người trong đời cũng nào có hoàn
hảo được đâu?
Nhưng
đôi khi nhược điểm lúc này lại trở thành ưu điểm lúc kia.
Đôi
khi, nỗi đau mà bạn phải chịu lại trở thành sức mạnh truyền cảm hứng.
Vậy
nên, chớ gặp việc đau buồn mà nản chí, chớ gặp cảnh đau thương mà tự hủy hoại
chính mình.
Bởi
mỗi việc đến với ta trong đời đều là nhân duyên, an bài tốt nhất.
Không
có gì hoàn hảo và cũng không có gì là vô dụng cả !
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
0 comments:
Đăng nhận xét