KHÓI
LÁ VƯỜN
Thằng
bé hai tay bám song cửa sổ, mắt ngóng về phíá Tây, nơi có một dẫy đồi cỏ dại
đang tắm nắng chiều. Nó chăm chú xem Ông Mặt Trời sau một ngày tỏa nắng cho
muôn vật đang về nhà nghỉ ngơi,- Bà bảo thế! - Ông Mặt Trời hôm nay đẹp thật,
Mặt ông tròn vành vạnh như chiếc bánh đa đỏ, Ông đi giữa một tấm thảm mầu da
cam vàng rực và hình như có lúc đứng lại, nhìn nó cười.
- Bà
ơi! Ông Mặt trời về đến nhà rồi – Nó gọi như reo lên khi thấy Ông Mặt trời tụt
hẳn xuống mé sau đồi.
- Ừ!
Bà cũng xong cơm rồi. - Tiếng đáp vọng vọng ra từ chái bếp. Rồi một người gầy
mỏng tiến lại chỗ thằng bé, chìa tấm lưng sát vào nó và âu yếm nói:
- Nào,
bà cõng ra vườn!
Thằng
bé cuống quít dời tay khỏi chấn song, ôm quàng lấy cổ và quặp hai chân vào mạng
sườn bà, miệng reo: “Nhong! Nhong!” như cưỡi trên lưng ngựa. Bà cũng giả bộ hý
lên mấy tiếng ròi mới cất chân đi.
Mảnh
vườn phía sau nhà trồng mấy luống rau và non chục gốc cây ăn quả. Một cái ao
nhỏ ngoài vườn vừa để ngăn trộm vừa để lấy nước tưới. Bây giờ đang độ
cuối thu, suốt ngày hanh hao nắng rát khiến những ngọn rau lúc nào cũng thèm
khát nước và trên các cành cây ăn quả nhiều chiếc lá đã nhuốm vàng, chỉ một làn
gió nhẹ là rơi rụng.
Vừa
tới vườn, thằng bé đã vội tụt xuống lưng ‘ngụa’ rồi lăng xăng quẩn theo chân bà
nhặt từng chiếc lá khô nằm vương trên các luống rau và các lối đi nhỏ hẹp. Được
chiếc nào nó cũng đưa lên mắt tò mò ngắm nghía rồi hỏi bà lá gì. Khi biết lá
na, lá ổi hay lá hồng xiêm, nó mới chịu bỏ vào cái giành tre bên gốc bưởi.
Nhặt
xong lá rụng, nó ngoan ngoãn đứng trên bờ ao đợi bà xuống cầu xách nước. Rồi nó
lại lon ton sau bà xem cái vòi sen rào rào phun hàng trăm tia nước xuống
các luống rau đang khao khát. Chốc chốc nó lại nhoai người, xòe hai bàn tay
hứng vào miệng vòi để nước bắn tung tóe đầy mặt và thích thú reo lên “A! Mát
quá!” .
Ba
hôm trước, nó còn ở trên thành phố trong một căn phòng nhỏ hẹp tít trên tầng
năm khu nhà tập thể công nhân đầy các mảng tường rêu mốc. Ở đấy chẳng bao giờ
thấy Ông Mặt Trời. Ở đấy chẳng nhà nào có một mẩu vườn. Người ta trồng các cây
cảnh rẻ tiền trong những chiếc xô nhựa nham nhở các vết nứt hay những chiếc
chậu xi măng xám đen cáu bẩn bầy đặt trên các lan can cơi nới xấu xí. Ở đấy cả
ngày nó quanh quẩn với lũ đồ chơi cũ kĩ, đâu có một buổi chiều như ở đây với
bà.
Thấy
giành lá khô đã đầy có ngọn, bà bảo:
-
Đem đốt chỗ lá này đi!
-
Đốt nó để làm gì hả bà? – Thằng bé ngây thơ hỏi
-
Để mai có giành đựng và để lấy tro bón vườn.- Bà vừa giảng giải vừa đặt hai tay
lên hai chiếc quai giành. Thằng bé bắt chước theo. Nó cười sung sướng thấy có
mình giúp bà mới nhấc bổng được cái giành lên.
Ra
ngoài bờ ao, bà trút hết lá khô vào một hố đất rồi kéo cháu cùng ngồi xuống
bên. Thằng bé mở to mắt xem bà đốt lá. Nó thấy bà lần trong túi áo ra một bao
diêm, xòe một que châm vào miệng hố. Một đốm lửa nhen lên, ban đầu trông như
cái lưỡi nhỏ xíu hồng hồng yếu ớt bỗng chốc phồng lớn lên, rồi như một kẻ tham
ăn mọc thêm ba bốn cái lưỡi nữa to hơn, đỏ hơn liếm ra khắp phía, biến hố đất
thành cái lò đỏ rực. Từ miệng lò tỏa lên một làn khói màu xám bạc đem theo mùi
thơm vừa nồng nồng vùa hăng hắc của nhiều lá khô trộn lẫn. Thằng bé bỗng thấy
bà nhìn theo làn khói và nâng vạt áo lên chùi mắt. Nó hốt hoảng hỏi:
- Làm
sao bà lại khóc?
- Bà
có khóc đâu! Khói làm cay mắt bà đấy.- Bà buông vội vạt áo quay mặt đi, nuốt
xong tiếng thở dài mới quay lại nhìn cháu. Thằng bé vui mừng vì mắt bà đã khỏi.
Nó
cúi nhìn hố lửa và bị ngay một làn khói mới đặc hơn xộc lên mặt. Nó thấy mũi
cay cay ran rát vội nhìn xem bà có sao không. Nhưng lạ chưa: Đôi mắt bà lại
đang mê man nhìn làn khói. Nó ngạc nhiên hỏi:
- Bà
ơi! Khói làm cay mắt thế sao bà cứ nhìn nó?
Không
thấy bà trả lời, nó cầm tay bà nhè nhẹ lắc:
- Hay
bà nhìn thấy gì trong khói?
- Ờ!...Ơ!..-
bà bối rối chưa biết nói sao thì thằng bé lại tưởng bà bảo: "Ừ, ừ” đúng
đấy. Nó năn nỉ:
- Bà
nhìn thấy gì, hả bà?
- À!
– Giọng bà vui hẳn lên vì đã tìm ra cách nói – Bà thấy cô Tấm hiện lên trong
làn khói, cháu ạ!
- Thích
quá bà nhỉ! – Nó cười hớn hở - Cô Tấm trong chuyện cổ tích bà kể tối hôm
qua phải không?
- Phải
đấy!
- Thế
cô Tấm đang làm gì?
- Cô
Tấm đang đứng bên bờ giếng, trìu mến gọi con cá bống;
“Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người!”
- Bà
có thấy con Bống không?
- Có!
Nó nổi lên mặt nước, vẫy cái đuôi nhỏ xíu, toàn thân khoác bộ vẩy óng ánh như
dát bạc và hai mắt long lanh như hai viên hồng ngọc.
- Ôi,
đẹp quá! – Thằng bé trầm trồ khen nhưng bỗng xịu ngay mặt lại – Thế mà cháu
chẳng nhìn thấy một tị ti gì cả.
- Lớn
lên cháu sẽ nhìn được!
Nghe
bà dỗ dành, nó ao ước lớn nhanh bằng bà để có đôi mắt nhìn thấy những điều kỳ
diệu. Nó đứng lên ôm cổ bà, nhìn thẳng vào đôi mắt thần kỳ của bà xem có gì
trong đó. Nhưng dưới ánh chiều nhập nhoạng, đôi mắt ấy như đang khép nhỏ lại
với hai cái đuôi mờ mờ những vết nhăn chẳng có một hình ảnh nào. Nó áp mặt vào
má bà cho gần hơn và bất chợt nhận ra mắt bà rất giống mắt bố nó, đen và hiền.
Thế là nó sực nhớ tới bố:
- Bà
ơi! Mắt bà có nhìn được bố cháu trong làn khói không?
Nghe
cháu đột ngột hỏi, bà rùng mình như bị nhiễm lạnh.Trời ơi! Những giây phút vừa
qua cà đã đem những hình ảnh cổ tích đẹp nhất ra nói. Những tưởng nó sẽ vui
cùng với thế giới huyền ảo đó mà quên đi nỗi xa bố mẹ giúp bà dập tắt những nỗi
đau đang vò xới cõi lòng. Ai ngờ nó lại thốt ra câu hỏi bà thật khó trả lời. Mà
kì lạ thay, nó hỏi gần như lặp lại lời bố nó năm xưa đã hỏi bà?...
Năm
ấy, bố thằng bé cũng trạc tuổi nó bây giờ còn bà là một cô giáo làng xinh đẹp.
Mỗi chiều, tan trường về, khi đem con ra mảnh vườn này, cô giáo trẻ lại bồi hồi
thương nhớ chồng đang ở chiến trường miền Nam. Anh nhập ngũ khi đứa con mới
trong bụng mẹ ba tháng. Hồi anh ở nhà, hai vợ chồng như đôi chim câu chung tay
mọi việc vườn tược. Hạnh phúc nhất là khi đốt lá vườn. Ngồi tựa vai nhau bên
ngọn lửa hồng giữa mùi thơm của lá khô đang cháy, thì thầm bên nhau những
chuyện từ ngôi sao trên trời đến con cá dưới ao và ngày mai hy vọng... Buổi
chiều trước hôm chia tay, nhìn khói lá vườn, anh ôm chặt vợ và mơ màng bảo:
“Mai đây, mỗi khi em đốt lá vườn, dù ở phương trời nào anh cũng sẽ thả hồn về
với em trong làn khói! “. Và thật linh nghiệm, cô luôn thấy hình bóng anh trong
khói lá vườn.
Một
buổi chiều, cũng như chiều hôm nay, sau nửa năm vắng bặt tin chồng, lòng cô
giáo trẻ đang chất chưa lo buồn vì khói đã bốc lên mấy làn mà nhìn mãi vẫn
không thấy hình bóng chồng. Một nỗi lo sợ mơ hồ làm cô ứa lệ.
Đứa
con thấy mẹ lấy khăn tay lau mắt, xót xa hỏi:
- Sao
hôm nay mẹ khóc?
- Mẹ
bị khói cay mắt đấy!- Cô vội nói dối con. Nhưng nó rất tinh ý:
- Con
biết rồi, mẹ nhớ bố thì có! Lúc nãy con thấy mẹ ngắm mãi ảnh bố treo trên vách.
- Biết
không dấu nổi con, cô ôm nó vào lòng:
- Thế
con có nhớ bố không?
- Con
nhớ bố nhiều lắm!- Nó dụi đầu vào ngực mẹ.
Vườn
chiều im lặng, nghe rõ cả tiếng nổ lách tách rất nhỏ của lá khô bén lửa. Cô
giáo lại nhìn hút hồn một vào làn khói mới và nghe thoáng bên tai lời âu yếm
của con;
- Mẹ
nhìn thấy bố đấy ư?
Thương
nó cũng đang cồn cào nhớ bố, mặc dù vẫn không tìm thấy hình bóng chồng, cô vẫn
cả quyết gật đầu khiến nó mừng rối rít:
- Mẹ
thấy bố thế nào?
- Bố
mặc quân phục mầu xanh như trong ảnh ấy nhưng nom rắn rỏi và khỏe mạnh hơn
nhiều.
- Thế
bố đang làm gì?
- Bố
đang cùng đơn vị hành quân trong một cánh rừng già khi trời vừa tạnh mưa. Có
lúc mẹ thấy bố nhìn về phương Bắc. Chắc bố cũng nhớ mẹ con mình lắm!
Từ
đó, tuy không bao giờ còn được nhìn thấy chồng thả hồn về với mình như
hẹn ước, nhưng mỗi bận đốt lá vườn, cô giáo vẫn nhìn khói lên và tưởng ra
rất nhiều hình ảnh về anh để kể cho đứa con nghe. Khi thì bố nó đang đào hầm
dựng lán giữa rừng cao su bạt ngàn; khi thì đang moi hố chiến đấu trong trảng
cát dưới những chùm pháo sáng xanh lét như ma quỷ của địch bay lơ lửng trên
đầu; khi thì đang cùng đồng đội xé nát hàng rào giây thép gai của giặc...Những
hình ảnh đó đều bắt nguồn từ các bản tin chiến thắng của quân và dân ta ở chiến
trường được phát trên loa truyền thanh công cộng của làng. Cứ thế, đứa con lớn
dần lên với những hình ảnh hào hùng của bố nó cho đến ngày làng nhận tin báo
tử: Bố nó đã hy sinh khi tiến quân vào giải phóng một thành phố ven biển...
Không
được bà trả lời, thằng bé lại cầm tay bà lắc lắc:
- Bà
ơi! Bà có nhìn thấy bố cháu không?
- À!
À! – Bà đã thoát ra khỏi vùng dĩ vãng và thấy sáng lên một ý tưởng – Có! Có đấy
cháu ạ!
- Mắt
bà tài lắm mà! Thế bố cháu đang ở đâu?
- Bố
cháu đang ở trong xưởng máy cùng các bác công nhân đóng một con tàu biển rất
to.
- Đúng
rồi! Hôm dể cháu ở cùng bà, bố bảo sẽ đi làm ở nhà máy đóng tàu. Bố còn bảo,
bao giờ tàu chạy được ra biển, bố sẽ về thăm bà cháu mình, bà nhỉ?
Tối
hôm ấy, thằng bé không đòi bà kể chuyện cổ tích mà hào hứng nói cho bà nghe về
những con tàu nó đã được bố cho xem trong những cuốn sách. Những con tàu với
những ống khói rất to, trên boong treo đầy cờ rực rỡ đủ màu sắc. Nó bảo, lớn
lên nó cũng đi đóng tàu như bố rồi rúc ngực bà chìm ngay vào giấc ngủ. Bà kéo
chăn đắp cho cháu và chẳng phải giấu giếm nữa, bà để mặc nước mắt tuôn trào.
Tội nghiệp cháu tôi! Nó còn bé bỏng quá! Thấy được về quê ở với bà, nó mừng như
chó được thả xích chứ đâu biết cái tổ ấm gia đình của nó đang trong cơn giông
tố...
Cô
giáo trẻ đã khước từ lên dạy trường huyện để được ở làng để nuôi dưỡng bố mẹ
chồng đau ốm. Cô cũng khóa chặt lòng mình trước bao lời cầu hôn tha thiết, dành
trọn lòng yêu thương cho đứa con côi cút. Đứa con ấy đã đi ngang qua ba trường phổ
thông ỏ làng và ở huyện rồi lên thành phố học Đại học. Nó ra trường với tấm
bằng kỹ sư loại giỏi và may mắn được vào làm trong một nhà máy đóng tàu. Ngày
lĩnh lương tháng đầu tiên, nó lăn lội đạp xe vượt qua hai con phà và một
cây cầu, non trăm cây số về quê đưa mẹ ít tiền và bảo: “Con biếu mẹ ăn quà. Bao
giờ có nhà cửa, con sẽ đón mẹ lên thành phố ở!”. Năm sau nó có nhà thật nhưng
là nhà ở thuê. Tuy chật hẹp cũng còn hơn phải ở ba bốn người trong một căn
phòng chục mét vuông trong nhà máy. Năm năm sau, nó dẫn về thăm mẹ một cô gái
xinh xắn, hiền hậu nom thật dễ thương và giới thiệu: “Con dâu tương lai của mẹ
đây. Em cũng là cô giáo như mẹ, dạy ở một trường cấp hai ven thành phố”. Bà
nghe mà mát ruột. Phải chăng âm đức dầy dặn của gia đình đã đem đến cho bà một
cô con dâu hiền thục, cũng theo cái nghề cao quý như bà. Hai năm sau chúng làm
một đám cưới rất giản dị nhưng nồng hậu tình cảm của những người thân. Khi
chúng cho bà dược làm bà nội thì cũng là lúc bà được nghỉ hưu. Bà thanh thản
gửi lại nhà cửa ở quê lên thành phố chăm ẵm cháu. Căn nhà ở thuê càng thêm chật
hẹp nhưng luôn đầy ắp tiếng cười vui vẻ. Đến tuổi cháu đi Mẫu giáo, bà về lại
quê, tiếng là khỏi để vườn hoang nhà lạnh nhưng chính là để đỡ tốn kém cho con
cháu.
Nào
hay ở quê mới được một lứa rau đã có tin chẳng lành: Nhà máy con trai bà bị
giải thể. Nó thất nghiệp. Lương cô giáo cấp hai của vợ nó làm sao gánh nổi một
gia đình. Con nó phải thôi học Mẫu giáo. Thương cháu, bà lên định đem nó về quê
nuôi dạy. Nhưng bố nó bảo: “Thế thì chúng con nhìn nhau buồn đến chết!”. Nói
vậy thì bà đành chịu. Thôi thì lại về quê bòn mót mảnh vườn, chắt chiu đồng
lương hưu ít ỏi khi nào thành món lên chơi với con cháu, bù trì cho chúng đỡ
phần khốn khó.
Mỗi
lần gặp cháu, thằng bé như dây quấn lấy chân bà. Những khi chỉ có hai bà cháu,
nó thủ thỉ những lời con trẻ nghe mà yêu mà xót:
- Bà
ơi! Cháu được bố mẹ khen ngoan vì ở nhà một mình không khóc để mẹ đi dạy học và
bố đi công chuyện. Cháu chỉ sợ mấy con thạch sùng trên trần nhà chắt chắt
lưỡi kêu tắc tắc thôi bà ạ!- Đó là những ngày đầu bố nó đi tìm việc!
- Bà
ơi! Mẹ không làm cô giáo nữa rồi, mẹ đi làm nhân viên văn phòng cơ! Mẹ bảo công
ty mẹ to lắm. Sáng nào mẹ cũng trang điểm đẹp, mặc bộ đồ công sở mới mua, thơm
cháu hai bên má rồi mới đi làm. Bố ở nhà nhưng chẳng chịu chơi với cháu. Mặt bố
ủ ê, mở hết sách này đến sách khác, đọc tí tẹo rồi thôi! – Thế là cô con dâu
của bà đã đổi cái nghề cao quý nhất lấy một việc bình thường để có thu
nhập cao hơn nhiều phần. Con trai bà, không biết những ngày thất nghiệp kéo dài
lê thê đến bao giờ?
- Bà
ơi! Dạo này mẹ ít ăn cơm tối ở nhà. Mẹ bảo bận tiếp khách hàng của công ty.
Nhiều hôm mẹ về khuya, cháu ngửi trong hơi thở của mẹ có mùi nồng nồng mùi bia
rượu, giống như mùi bác hàng xóm phả ra mỗi lần đi nhậu về qua cửa. Bố cũng làm
sao ấy, bỗng nhiên hay hút thuốc lá. Mấy hôm nay lại không ngủ chung
giường với hai mẹ con nữa. Bố bảo ngủ riêng cho thoáng và ngủ trên chiếc chiếu
đồ chơi của cháu! – Trời ơi, gió bão đã đến căn nhà này rồi. Linh cảm của người
mẹ khiến bà bồn chồn tìm cách chuyện trò riêng với con trai, khuyên nó đừng
đánh mất niềm tin ở chính mình và với vợ. Mất niềm tin sẽ chỉ còn lại
những bi kịch. Nó chỉ một mực lắc đầu: “Không có gì đâu, mẹ ạ!”
Nhưng
bà về quê chưa đầy một tuần thì thấy nó dắt con nó về theo. Nó nói riêng với
bà: “Vợ chồng con đã thỏa thuận sống ly thân, mẹ ạ!” Bà nghe mà rụng rời chân
tay. Tình yêu của chúng đẹp thế mà sao rạn nứt nhanh đến thế? Con trai bà nói
tiếp: Tất cả lỗi tại con! Con bất tài không kiếm nổi việc làm. Con làm như
thế để cho cô ấy rộng đường đi tìm hạnh phúc, Tay giám đốc công ty tỏ ra săn
đón cô ấy lắm. Phần con, con sẽ vào Nam tìm việc. Mẹ nuôi cháu cho con, nhưng
con xin mẹ đừng bao giờ cho nó biết về mẹ nó. Hãy để nó tin, mẹ nó đi công tác
xa lâu ngày nữa mới về!”
Thằng
bé bỗng cựa mình gọi “Bố! Bố!” rồi nó lại ngủ ngay. Chắc nó vừa thấy bố trong
một giấc mơ đẹp? Không ngờ hình ảnh bố nó bà dựng lên trong khói lá vườn lại ăn
sâu vào tâm hồn nó đến thế. Phải rồi, bà sẽ nuôi dưỡng tuổi ấu thơ của nó bằng
những hình ảnh đẹp về bố nó. Bố nó với những con tàu mà cả đời bà chưa bao giờ
thấy nhưng bà sẽ gọi ra từ trí tưởng tượng của mình. Đôi môi héo đã lâu của bà
vừa nở cười trong đêm tối thì một làn gió vô hình của nỗi sợ hãi nấp kín
trong lòng từ bao giờ bỗng nổi lên dập nát tan ngay. Còn mẹ nó! Là đứa trẻ nó
sẽ khao khát tình mẹ, khao khát được mẹ yêu thương ôm ấp. Nó sẽ nhớ mẹ, nhớ ánh
mắt nụ cười, bàn tay nâng niu của mẹ. Nó sẽ hỏi về mẹ nó, bấy giờ biết nói
sao?...
Đêm
ấy bà ôm cháu ngủ như ôm một thiên thần nhỏ trong lòng mà không sao chợp
mắt được.
&
Lại
đến chiều phải đốt lá vườn.
Khi
que diêm xòe lửa, thằng bé ngả đầu vào vai bà nũng nịu:
- Bà
ơi! Tối nào cháu cũng thấy trong giấc ngủ nhưng không thấy mẹ bao giờ. Lát nữa
khói lên, bà nhìn xem có mẹ không, bà nhé!
Cả
cõi lòng buốt như bị kim châm, nhưng bà vẫn âu yếm gật đầu với chau. Rồi làn
khói đầu tiên mỏng như sương bạc và ngan ngát thơm cất lên. Bà đưa mắt nhìn
theo và không để cháu hỏi, bà cất giọng ấm áp:
- Bà
nhìn thấy mẹ cháu đây này!
Thằng
bé bật đầu lên khỏi vai bà, rối rít hỏi:
- Mẹ
cháu như thế nào?
- Mẹ
cháu vẫn khỏe mạnh và xinh đẹp như hồi ở nhà
- Mẹ
cháu đang làm gì?
- Mẹ
cháu đang ngồi một mình xem ảnh cháu trong cuốn sổ tay.
- Đúng
rồi! Cháu đã được mẹ cho xem cuốn sổ ấy nhiều lần. Mẹ dán ảnh cháu ở trang đầu,
bảo khi rỗi việc thì mở ra xem cho đỡ nhớ cháu. Chắc lúc này mẹ đang nhớ
cháu lắm bà nhỉ?
Bỗng
có tiếng òa khóc ở cửa vườn. Rồi bóng một người con gái ào tới chỗ hai bà cháu,
giang đôi tay bế thốc thằng bé lên, diết nó vào ngực mình và lướt vành môi lên
khắp khuôn mặt nó, giọng run rẩy:
- Con
ơi! Mẹ về vói con đây!
Nhờ
ánh lửa lá khô đang cháy, thằng bé nhận ra ngay ra mẹ. Nó quăng hai tay lên
quấn lấy cổ mẹ và thở hổn hển:
- Mẹ!
Me! Sao mẹ về nhanh thế?
- Mẹ
về nhanh vì mẹ rất nhớ con.
Người
con gái giàn giụa nước mắt vộ gỡ tay con, đặt nó xuống đất rồi quay sang quỳ
xụp dưới chân bà, nức nở:
- Mẹ!
Con là đứa có tội! Con đứng ngoài vườn đã lâu nhưng không dám vào vì sợ mẹ sẽ
nguyền rủa và đuổi con đi. Nhưng nghe những lời mẹ nói với cháu, con hiểu lòng
mẹ rất bao dung và cao thượng, con không kìm nổi đôi chân được nữa. Xin mẹ tha
tội cho con!
Bà
cúi xuống cầm tay nàng dâu nâng dậy, nghẹn ngào:
- Cả
một đời dạy học, mẹ hằng tin vào tính thiện của con người. Với con cũng
thế!
Cô
con dâu vân vê hai bàn tay bà, nước mắt vẫn lăn trên má:
- Con
vì nông nổi nên đã sa lòng trước ánh phù hoa mà quên giữ gìn nâng niu những
tình yêu thiêng liêng của mình, thiếu chút nữa để vuột mất những người thân yêu
mình nhất. Mấy ngày qua, những lúc thương chồng, nhớ con, con lại nghĩ về mẹ.
Mẹ một đời âm thầm đốt cháy cô đơn cay cực của riêng mình thành ánh sáng cho
gia đình và cuộc sống. Chính cái ánh sáng ấy đã chiếu rọi vào khoảng tăm
tối trong tâm hồn con, giúp con bừng tỉnh, biết lỗi quay về. Con nghĩ kỹ rồi mẹ
ạ! Con sẽ vào Nam tìm chồng rồi xin trở lại nghề dạy học.
Thằng
bé không hiểu hết những lời bà và mẹ nói. Nó ngợp trong vui sướng thấy mẹ từ
trong làn khói bước ra diệu kỳ như cô Tấm bước ra từ quả thị. Nó giang tay ôm
chặt hai chân mẹ, chỉ sợ mẹ biến mất. Mẹ nó lại ẵm bổng nó lên. Một trận mưa
của những cái hôn từ đôi môi mẹ lại rơi trên khuôn mặt nó. Môi mẹ ấm và thơm
nhưng sao ướt quá! Chắc mẹ vẫn còn khóc?
Mẹ
kỳ thật, vui thế mà lại khóc!
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bàng0
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Ninh Ninh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Khôi0
- Các bài viết của
(về) tác giả Vũ Thị Hương Mai0
- Các bài viết của
(về) tác giả Châu Thạch0
Mời thư giãn với
nhạc phẩm BA KỂ CON NGHE
của Nguyễn Hải Phong, qua tiếng
hát Bập Bênh Team:
*
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: 61B, ngõ 311, đường Đằng Hải,
quận
Hải An, thành phố Hải Phòng.
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.............................................................................................................
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.06.2022.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét