ĐỌC THƠ VIẾT VỀ THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

ĐỌC THƠ VIẾT VỀ

THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

*

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

 

Tác giả: Trần Văn Lợi

TƯỢNG ĐÀI NGƯỜI ANH HÙNG LIỆT SĨ

TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã có biết bao thế hệ những Anh hùng Liệt sĩ hiến dâng cuộc đời cho đất nước. Với nguồn cảm xúc tôn kính và tri ân, các nhà thơ đều dành những trang viết trang trọng, xúc động ca ngợi người Anh hùng Liệt sĩ - những đồng đội đã một thời cùng đạn bom khói lửa, những người thân ra đi từ một làng quê hay dãy phố. Đó là những bức tượng đài về những  người Anh hùng Liệt sĩ sừng sững, trường tồn được tạc bởi thơ ca.

Một trong những bài thơ ra đời sớm nhất trong kháng chiến chống Pháp là tác phẩm “Viếng bạn” của nhà thơ Hoàng Lộc. Bài thơ ngắn nhưng đã tái hiện sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Vệ quốc quân. Cái khoảng cách giữa cõi sống và cõi chết thật mong manh, ngắn ngủi như giang tấc. Những câu thơ vừa diễn tả được lòng căm thù quân giặc, vừa biểu hiện được tình đồng đội, đồng chí và tình quân dân cá nước mặn nồng, thiêng liêng: 

“Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ…”

Những người lính ra đi và ngã xuống chẳng tiếc đời xanh, bởi quãng đời tươi đẹp nhất ấy đã hiến dâng cho một lý tưỏng cao cả: chiến đấu vì Tổ quốc. Họ ngã xuống thanh thản, trở thành những cột mốc nơi biên cương. Tư thế lúc hy sinh thật hào hùng và bi tráng: 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Sự hy sinh của các anh để cho đất nước được nở hoa độc lập. Và nơi những Anh hùng Liệt sĩ ngã xuống luôn tươi thắm màu hoa. Đó là hương thơm của niềm ngưỡng vọng, hương thơm của lòng biết ơn: 

Mộ anh trên đồi cao
Hoa hồng nở và nở
Hương thơm bay và bay...
… Trên mộ người Cộng sản
Hoa hồng đỏ và đỏ
Như máu nở thành hoa”

(Mồ anh hoa nở - Thanh Hải)

Cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, cả nước lên đường. Chính vì vậy, những hy sinh, mất mát từ cuộc chiến này đã không trừ một người nào. Trong thi phẩm nổi tiếng Núi Đôi, nhà thơ Vũ Cao đã ca ngợi sự hy sinh anh dũng của một nữ du kích bằng những câu thơ giản dị mà ám ảnh, xúc động; đau thương nhưng không bi luỵ: 

“… Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.

Trong câu chuyện tình này, cái Tôi cá nhân đã hoà cùng cái Ta dân tộc, tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, gắn liền với lý tưởng đấu tranh cao đẹp. Hình ảnh người nữ du kích sống trung thành, chết thuỷ chung mãi mãi là cánh hoa thơm trên đỉnh núi, là cánh hoa thơm trong lòng người. Người người chiến đấu vì sự hy sinh của những cánh hoa thơm ấy. 

Dù ở thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì anh Bộ đội Cụ Hồ luôn sống một cuộc đời giản dị mà cao đẹp và sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Và khi ngã xuống, các anh để lại “dáng đứng Việt Nam” với tư thế hy sinh hiên ngang, bất khuất:

“Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng
Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng - đứng - Việt - Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

 

Tên anh đã thành tên Đất Nước
Ôi anh Giải phóng quân
Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)

Sự hy sinh của các anh tô thắm những chiến công, tô thắm màu cờ Tổ quốc để cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Trong những năm chống Mỹ, cả nước làm thành một đoàn quân điệp điệp trùng trùng hướng về miền Nam ruột thịt. Một thế hệ luôn sống trong tâm trạng phấn khởi, háo hức bởi được cầm súng ra trận, bởi được góp phần mình vào sự nghiệp của dân tộc. Phần lớn họ đều có tuổi đời rất trẻ, tâm hồn lồng lộng gió thời đại. Và khi ngã vào lòng đất, nhiều người vẫn chưa một lần yêu:  

“Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”

(Đất nước hình tia chớp - Trần Mạnh Hảo)

Người lớp trước ngã xuống thì người lớp sau tiếp bước xông lên. Họ nối nhau thành đội hình dài vô tận, dài từ Bắc vào Nam, dài như… cuộc kháng chiến. Đã có rất nhiều người con của quê hương mãi mãi nằm lại trên các chiến trường. Mất mát và đau thương không thể nào kể xiết!

“Nếu đồng đội của tôi sống lại
Sư đoàn tôi sẽ thành mấy Sư đoàn…”

(Trường ca Sư Đoàn - Nguyễn Đức Mậu)

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có nhiều tác phẩm hay viết về sự hy sinh của những người lính như: Nấm mộ và cây trầm, Màu hoa đỏ, Cánh rừng nhiều đom đóm bay… Trong bài thơ Người gỡ mìn, Nguyễn Đức Mậu kể về người lính công binh chuyên làm nhiệm vụ gỡ mìn, tháo gỡ cái chết ra khỏi thân hình đất nước. Mặc dù chiến tranh đã chấm dứt nhưng tội ác của giặc vẫn lẩn khuất đâu đây và nỗi đau vẫn rình rập khắp nơi. Người lính đã nhận về mình cái chết để đem lại sự sống, để đất đai lại màu xanh cây lá và cho người đến xây nhà dựng cửa. Sự hy sinh ấy thật cao cả và đáng khâm phục biết bao: 

“… Nhưng trái mìn nằm kia
Cướp của anh tất cả
Thì còn lại đất đai muôn thuở
Nơi anh nằm thời gian xanh lá cây
Nơi anh nằm có ngôi nhà cho người đến ở
Hai chữ bãi mìn bàn tay anh xoá
Cái chết cuối cùng phải tháo kíp nơi đây…”.

Còn nhà thơ Trần Mạnh Thường thì “nói hộ” nỗi niềm của những liệt sĩ Côn Đảo năm xưa qua trường ca Chào anh em ở lại:     

“Dù vạn loài hoa phủ trên tấm mồ liệt sĩ vô danh
Các anh nằm đây với nỗi buồn con tàu mắc cạn
Cát nóng bỏng giấc mơ vượt biển
Những trái tim khát khao hiến dâng tới nhịp cuối cùng…”

Những chiến sĩ Cộng sản trung kiên đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Dù thân xác các anh phải “mắc cạn” nằm lại nhưng tâm hồn và ý chí chiến đấu vẫn khát khao “vượt biển” trở về đấu tranh, vẫn dõi theo bước đường cách mạng của toàn dân tộc.

Sống vì quê hương và chết vì quê hương, dù ngã xuống ở vị trí nào chăng nữa thì những liệt sĩ đều để lại niềm nhớ thương vô hạn cho mọi người, đặc biệt là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương. Đó là điểm tựa cho những người lính và hình ảnh người mẹ già, người vợ trẻ cứ hiện lên trong tâm trí người lính trước lúc hy sinh. Người ở hậu phương đảm nhận làm thay phần việc của người đã hy sinh nhưng không thể nào lấp được khoảng trống khi vắng các anh:

“Người cõng mẹ từ bệnh viện về không phải con trai mẹ mà là con dâu mẹ
Người bón từng thìa cơm cho mẹ không phải con gái mẹ mà là con dâu mẹ…
Con dâu của mẹ một nách hai con
Anh trên bàn thờ nhìn xuống vai chị gầy, ngân ngấn mắt”

(Con dâu của mẹ - Trần Quốc Thực).

Chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm nhưng trên khắp đất nước này còn bao gia đình chưa tìm thấy phần mộ của người thân và còn bao nấm mồ “khuyết danh”. Nỗi day dứt, trăn trở này không chỉ của một gia đình mà là của toàn dân tộc:

“Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không đánh mất tên anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”

(Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh - Văn Hiền)

Thời gian dần phủ màu xanh cây lá trên những quả đồi, trên những cánh rừng xưa, nhưng nỗi đau vẫn chẳng dễ nguôi ngoai. Dẫu vậy, những người vợ liệt sĩ vẫn gắng vượt lên những mất mát, nén nỗi đau để đảm đương việc nhà, việc nước:

“Quê nhà mấy trận bão giông
Mãi lo nước ngập trắng đồng lúa xanh
Mãi lo cơm đủ áo lành
Còn đâu lúc rảnh để thành Vọng Phu”

(Gió đất - Lê Đình Cánh)

Thật cao đẹp, thật đáng cảm phục và trân trọng biết bao khi tình yêu của những người lính đã hy sinh vẫn được nâng niu, gìn giữ, vẫn tinh khiết, trắng trong như thuở ban đầu:

“Bông hồng trắng mọc lên bên cửa sổ
Chị chẳng đếm những mùa cây thay lá
Có ngôi sao trên cánh rừng phương Nam
Lặng lẽ sáng
Một chàng trai trong khung kính xa vời…”

(Bông hồng trắng - Phạm Trọng Thanh)

Đọc lại những vần thơ trên, chúng ta càng thấy được sự hy sinh của thế hệ cha anh thật to lớn, đồng thời khắc ghi ân nghĩa sâu nặng với những người đã khuất và giáo dục, phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

-----------

Nguồn: baonamdinh.com.vn

 

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phú

ĐỌC THƠ VIẾT VỀ THƯƠNG BINH LIỆT SĨ

Đọc lại những bài thơ viết về đề tài Thương binh liệt sỹ, tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp những tứ thơ gần giống nhau trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ nhưng triển khai theo một cách riêng mang dấu ấn của thời đại, của tâm hồn người Việt trong những hoàn cảnh khác nhau

Đọc lại những bài thơ viết về đề tài Thương binh liệt sỹ, tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp những tứ thơ gần giống nhau trong hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ nhưng triển khai theo một cách riêng mang dấu ấn của thời đại, của tâm hồn người Việt trong những hoàn cảnh khác nhau. Ví như bài “Viếng bạn” của Hoàng Lộc và “Mồ anh hoa nở” của nhà thơ Thanh Hải. Cả hai bài thơ đều viết theo thể thơ 5 chữ với lối tự sự, trữ tình. Cũng là nỗi đau nghẹn thắt, nghẹn ngào trước sự hy sinh của đồng đội nhưng “Viếng bạn” là tác giả được chôn cất người đã mất “Hôm nay đã chặt cành - Đắp cho người dưới mộ”. Còn ở “Mồ anh hoa nở” thì: “Hôm qua chúng giết anh - Xác phơi đầu ngõ xóm” và: “Mắt trừng còn dọa dẫm - Thằng này là cộng sản - Không được đứa nào chôn”. Nhưng khi chúng quay đi thì bà con làng xóm đã đưa anh về yên nghỉ trên đồi cao bất chấp cả lời đe dọa lũ giặc. Và trên nấm mộ của người chiến sỹ đó luôn được đắp lên những bó hoa hồng: “Hoa hồng nở và nở - Hương thơm bay và bay”. Bài thơ của Hoàng Lộc viết trong thời kỳ chống Pháp mộc mạc mà không đơn sơ, lời thơ như chạm khắc ký thác. Còn nhà thơ Thanh Hải viết trong thời kỳ chống Mỹ đã nâng tứ thơ lên trở thành biểu tượng như là một tượng đài có vẻ đẹp bất tử… Và gần đây nhất tôi lại được đọc bài thơ “Mộ gió” của nhà thơ Trịnh Công Lộc viết về sự hy sinh của những người chiến binh giữ biển đảo không về. Không về cả về thể xác và chỉ có cuộc chiến đấu trên biển mới có những ngôi mộ gió - Ngôi mộ mà dưới đó hình nhân được làm bằng đất sét: “Mộ gió đây đất thành xương cốt - Cứ gọi lên là rõ hình hài” và: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt - Chạm vào nhói buốt Hoàng Sa”. Có những ngôi mộ gió trên biển đảo khơi xa thì lại có hàng ngàn ngôi mộ vô danh trên dãy Trường Sơn trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý. Với lối cấu trúc điệp chữ và điệp ý như những điểm nhấn là cả một dư ba vang vọng và day dứt, thiết tha và ngưng đọng: “Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng - Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn”. Có thể nói bai thơ như chạm khắc một tượng đài trùng điệp trải dài ngút ngàn nhưng không vô vọng với: “Mười ngàn đồng đội nằm rải Trường Sơn - Mười ngàn hài cốt chưa về khói hương - Mười ngàn khát vọng cùng về bên nhau…”. Các anh khi ngã xuống vẫn ở trong tư thế: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất - Nhưng anh vẫn đứng lên tựa vào xác trực thăng - Và anh chết trong khi đang đứng bắn - Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”. Một hình tượng thật đẹp, một vẻ đẹp bi tráng hào hùng của người chiến sĩ trong thời đại Hồ Chí Minh tỏa ra không chỉ là hào quang chiến thắng mà còn là hào quang của vẻ đẹp lý tưởng. Nhà thơ Lê Anh Xuân , tác giả của bài thơ nổi tiếng này sau đó cũng đã hy sinh trong một tư thế tiến công… Chính ngọn súng cũng là ngọn bút và máu các anh cũng là mực của những dòng viết này.

Trong các bài thơ viết về thương binh liệt sỹ, những bài hay và thành công nhất có sức lan tỏa rộng nhất, dễ thuộc nhất là những bài có cốt truyện như “Núi Đôi” của Vũ Cao trong kháng chiến chống Pháp và “Quê hương” của Giang Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Cả hai đều kể về câu chuyện tình yêu thật cảm động với một cô gái cụ thể và sự hy sinh trong những hoàn cảnh cụ thể. Với Vũ Cao thì: “Mới đến đầu thôn, tin sét đánh - Giặc giết em rồi dưới gốc thông - Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa - Em sống trung thành chết thủy chung” thì ở Giang Nam: “Giặc giết em rồi quăng mất xác - Chỉ vì em là du kích em ơi! - Đau đớn lòng anh chết nửa con người”. Giọng thơ Vũ Cao điềm tĩnh, đau đớn tột cùng nghẹn nuốt vào trong, thì Giang Nam là tiếng kêu xe ruột nghẹn thắt. Có một tượng đài bất tử được dựng lên từ sự hy sinh của hai cô gái đó. Một tượng đài thơ và chỉ có thơ mới lưu dấu mãi trong tâm hồn. Đó là: “Em sẽ là hoa trên đỉnh núi - Bốn mùa xanh ngát cánh hoa thơm” trong “Núi Đôi” và: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất - Có một phần xương thịt của em tôi” trongQuê hương. Có một Núi Đôi sừng sững thành địa danh chung trong lòng mỗi người thật ấn tượng thì lại có một Quê hương thật thấm đẫm, trong sự hy sinh hóa thân vào mỗi cành cây ngọn cỏ cội nguồn đất đai sông núi. Không phải ngẫu nhiên mà có những cặp bài thơ như một cặp bài trùng nổi tiếng của hai thời kỳ kháng chiến.

Có hai bài thơ dài khá thành công của hai nhà thơ nổi tiếng sau này viết khi họ còn là những người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc. Và viết về chính sự hy sinh của những người thân của mình đó là bài “Phan Thiết có anh tôi” của nhà thơ Hữu Thỉnh và “Nấm mộ và cây trầm” của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Người anh trai của Hữu Thỉnh hy sinh ở Phan Thiết khi cùng mọi người đi lấy nước cho đồng đội: “Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ - Mặt anh còn cách nước một vài gang”. Cái khoảng cách giữa lấy nước (cho sự sống) và cái chết thật mỏng manh: “Vài bước nữa - Thế mà không thể khác - Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi”. Còn người bạn thân đồng đọi tên là Hùng của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì: “Nhận cái chết cho đồng đội sống - Ngực chặn lỗ châu mai Hùng đứng thẳng - Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi”. Cứ ngỡ ở đây cả hai thi sĩ không làm thơ nữa mà họ chỉ ghi lại, gọi lên những phút giây oanh liệt ấy, những thời khắc lịch sử ấy… để rồi thăng hoa một chiêm nghiệm sự sống hồi sinh từ cái chết hữu hình. Với Hữu Thỉnh người anh trai vẫn sống trong ký ức của nhà thơ: “Không nằm trong nghĩa trang - Anh ở với đời anh xanh vào cỏ - Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình - Đồi ở đây cũng là con của mẹ”. Thì ở Nguyễn Đức Mậu có một biểu tượng: “Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn - Cây trầm cháy dở thay nén nhang”. Và: “Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ - Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị - Thân hy sinh thơm đất, thơm trời”. Đó cũng chính là tượng đài bất tử sống mãi với thời gian, sống mãi trong ký ức, sống mãi như là một sự trường tồn trong văn học.

Thơ viết về thương binh, những người “Tàn mà không phế”, những người không chỉ mất một phần máu thịt mà còn mang trong mình những cơn sốt sét rừng âm ỉ những di chứng của chất độc da cam. Lại có những “vết thương lòng” chia cắt không chỉ là thể xác mà cả tâm hồn, sự trống vắng cô đơn, sự thiếu hụt tình cảm của bao cô thanh niên xung phong trở về quá tuổi và vào chùa thành sư nữ. Nhà thơ Phạm Tiến Duật trong trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” viết thật xúc động về người nữ thương binh từng bị những mảnh bom xuyên vào đầu đau nhức những khi trái gió trở trời: “Sao sư thầy không gõ mõ - Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình - Có thể nào những giây phút thời bình - Còn có thể làm vết thương thủa nào tái phát”.

Chiến tranh đã đi qua nhưng khi trở lại dòng sông Thạch Hãn, người cựu chiến binh Lê Bá Dương đã nức nở, thổn thức: “Đò lên Thạch Hãn xin… chèo nhẹ - Đáy sông còn đó bạn tôi nằm - Có tuổi hai mươi thành sòng nước - vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Cũng như năm xưa trong kháng chiến chống Pháp nhà thơ - Người lính tây tiến Quang Dũng đã từng độc hành khúc tráng ca lẫm liệt bi thiết: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh - Áo bào thay chiếu anh về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Vâng, máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hóa thân vào mỗi ngọn núi dòng sông đất nước, đã hóa thân vào mỗi trang thơ, trang văn cho các thế hệ mai sau. Đó chính là tượng đài được dựng nên bất tử trong trái tim mỗi người…

-----------

Nguồn: vanhocnghethuathatinh.org.vn

 

Tác giả: Đoàn Minh Tâm

XÚC ĐỘNG THƠ LỤC BÁT VIẾT VỀ

THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

Thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung, thơ lục bát nói riêng có hẳn một dòng thơ viết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Ở thời điểm này, thật khó để thống kê đủ số lượng bài lục bát viết về đề tài này, nhưng chúng ta có thể ước chừng một con số lên đến hàng vạn bài của hàng nghìn tác giả từ các nhà thơ nổi tiếng cho đến những người cầm bút nghiệp dư.

Sở dĩ lục bát được ưa chuộng trong dòng thơ viết về thương binh, liệt sĩ ngoài những lý do về “chuyên môn” như đậm chất trữ tình và giàu nhạc điệu rất thích hợp để giãi bày tâm tư, tình cảm của người viết, theo tôi còn có một nguyên nhân sâu xa khác. Lục bát là một trong những thể thơ truyền thống của dân tộc.

Thiết nghĩ, trong thơ ca, việc sử dụng một thể thơ của người Việt, do người Việt sáng tạo nên để viết về những liệt sĩ, thương binh chính là sự tri ân trọn vẹn nhất của các nhà thơ đối với những người đã không tiếc máu xương mình cho Tổ quốc.

Xót thương và ngợi ca là hai cảm hứng chủ đạo trong thơ lục bát viết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Ở cảm hứng xót thương, nổi bật lên hình ảnh ngôi mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Những vần thơ lục bát đã theo các nhà thơ đi dọc chiều dài đất nước, theo từng bước quân hành, đến với nghĩa trang Trường Sơn: “Chắp tay cầu với hư vinh/ Trường Sơn thành nghĩa trang xanh bạn nằm” (Thai Sắc - Về thăm bạn ở Trường Sơn), đến với những ngôi mộ nằm nơi đất khách quê người: “Cánh đồng Chum phía ngàn lau/ Mối đùn mộ bạn xây màu cỏ cây” (Nguyễn Công Bình - Dấu gậy Trường Sơn), với những “mộ gió” giữa biển: “Ngã vào biển những chiến binh/ Sóng vun thành mộ lặng thinh bao đời” (Nguyễn Hữu Quý - Lính biển). Ngôi mộ trong văn hóa người Việt thuộc về cõi âm, mang nhiều ý nghĩa tâm linh, tượng trưng cho sự chia cắt giữa người sống và người đã mất. Sự xuất hiện với tần suất dày đặc của hình ảnh ngôi mộ vì vậy gợi nên bao xót thương, đau đớn, mất mát của dân tộc trước sự ra đi vì nước, vì dân của những liệt sĩ.

Bên cạnh hình ảnh ngôi mộ, nghĩa trang, sự cảm động, xót thương còn được biểu hiện qua những vần lục bát khắc họa bao tổn thương về thể xác và tinh thần của người thương binh. Nhiều người lính đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường: “Áo đạn xé, người đâu lành/ Trường Sơn một cánh tay anh gửi rừng” (Hồ Anh Tuấn - Ra sông giặt áo cho chồng), hay phải chịu những vết thương “cứ trở mình lại đau nhức nhối” làm đau lòng bao người chứng kiến: “Cậu Thao nửa tỉnh nửa điên/ Lúc thì hò hét, lúc nghiêng ngả cười” (Ninh Đức Hậu - Cậu Thao).

Ở một hướng tiếp cận khác, nhiều nhà thơ tập trung khắc họa những nỗi đau da cam đối với những thương binh, trong đó nhấn mạnh đến nỗi đau của họ khi chứng kiến con mình phải hứng chịu các di chứng da cam nghiệt ngã. Lệ Bình đã nói lên cái ngậm ngùi, nghẹn ngào không biết tỏ cùng ai của vợ chồng người thương binh khi biết con mình nhiễm chất độc da cam: “Bão giông thương phận cánh chuồn/ Đừng làm thức dậy nỗi buồn da cam/... Trở về từ chiến trường xa/ Ước mơ người lính làm cha chòng chành” (Lục bát ru trăng). Trong “Ru cát”, Nguyễn Trường Thọ đã kể một câu chuyện buồn về gia đình người lính nhiễm chất độc da cam. Mười hai lần sinh nở là mười hai lần vợ chồng người lính từ hy vọng đến thất vọng, từ niềm vui chuyển qua nỗi đau. Mười hai giọt máu của họ đã không thể cất tiếng khóc chào đời, đành nằm lại bên cồn cát trắng chơ vơ: “Một nấm cát, một cục đau/ Mười hai nấm cát đẫm màu khói nhang”.

Ở cảm hứng ngợi ca, các nhà thơ đi vào hai chủ đề chính. Trước hết, đó là khắc họa vẻ đẹp của những thương binh, liệt sĩ. Đó là vẻ đẹp ngoại hình: “Ngực chị trắng mướt cánh cò/ Môi em chín mọng một bờ sông trôi” (Mai Anh Tuấn - Miền vô danh), là vẻ đẹp trong chiến đấu: “Hy sinh chẳng chút ngại ngần/ Tuổi xanh đổi lấy ngày xuân khải hoàn” (Đàm Chu Văn - Giấc rừng). Bên cạnh đó là bất tử hóa sự hy sinh của các chiến sĩ. Để làm được điều đó, các nhà thơ sử dụng một “công thức chung”: Kết hợp giữa 4 lớp từ vựng. Thứ nhất là các từ, cụm từ chỉ thời gian ở thời tương lai như mai sau, ngàn năm...“Trắng ngần da thịt dòng La/ Ngàn năm vẫn hát câu ca ru người” (Trần Vũ Long - Đồng Lộc).

Thứ hai là những từ, cụm từ chỉ thiên nhiên như mây, trời, sông, hoa... “Khát bàn tay khẽ nhẹ êm/ Bồng bềnh mây khỏa trắng thêm màu trời” (Vũ Quang Tần - Ở ngã ba Đồng Lộc). Thứ ba là những từ, cụm từ mang tính đối lập tương phản hay tương hỗ có tác dụng tạo thành một vòng tròn tuần hoàn khép kín như “vuông tròn”, “hư thực”: “Vững bền hơn dãy Trường Sơn/ Những người lính hóa vuông tròn mai sau” (Nguyễn Thiên Sơn - Trưa ở nghĩa trang Trường Sơn). Thứ tư là những từ, cụm từ chỉ sự biến chuyển, thay đổi trạng thái như “hóa”, “thành”, “biến”: “Vô danh! Đâu phải không còn/ Tuổi tên quê quán... hóa hồn núi sông” (Ninh Đức Hậu - Xóm mộ liệt sĩ vô danh). Với sự kết hợp của 4 lớp từ vựng này, những liệt sĩ trong các vần lục bát đã hóa thành những tượng đài bất tử trong lòng đất nước, được nhân dân đời đời tưởng nhớ, tôn thờ: “Mời hồn lính trẻ về đây/ Mái nhà thanh đạm sum vầy khói hương” (Lê Đình Cánh - Đền thờ người lính).

Có thể nói, những vần lục bát về đề tài thương binh, liệt sĩ là tấm lòng biết ơn, là sự tri ân sâu sắc của các nhà thơ nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung gửi đến những người lính đã hy sinh máu xương mình cho Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, trường tồn.

-----------

Nguồn: qdnd.vn

 

Tác giả: Đoàn Mạnh Tiến

SỐNG MÃI NHỮNG BÀI THƠ

VIẾT VỀ THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ

Bảy mươi tư năm qua, đề tài thương binh, liệt sĩ đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, để các nhà thơ viết nên những vần thơ đầy ấn tượng. Cho đến hôm nay những vần thơ ấy vẫn còn sống mãi, bất chấp sự tàn phá của thời gian. Viết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Bài "Bàn chân thầy giáo" của nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong những bài được nhiều bạn đọc ưa thích. Mở đầu là hình ảnh đầy cảm động: "Thầy ngồi trên ghế giảng bài/ Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ/ Một bàn chân đâu rồi/ Chúng em không rõ". Rồi tác giả hồi tưởng, nhớ về quá khứ: "Sáng nào bom Mỹ dội/ Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi/ Thầy cầm súng ra đi/ Bài tập đọc dạy chúng em dang dở". Tiếp đó là những câu thơ tả thực khiến bao người đọc nghẹn ngào: "Năm nay thầy trở về Nụ cuời vẫn nguyên vẹn như xưa/ NHƯNG MỘT BÀN CHÂN KHÔNG CÒN NỮA!". Ba câu thơ này làm ta xúc động, nghẹn ngào bởi sự đối lập giữa nguyên ven nụ cuời và cái khiếm khuyết của cơ thể ("Bàn chân không còn nữa"). Sau chiến tranh, thầy đã trở lại trường, vẫn là người thầy thuở trước với nụ cười hiền hậu, thân thuộc những kẻ thù đã vĩnh viễn cướp đi của thầy một bàn chân. Nghe có cái gì đó đầy thương cảm trong những câu thơ chở nặng tình thương của những người học trò trước mất mát không thể gì bù đắp: “Ôi bàn chân! In lên cổng trường những chiều giá buốt/ In lên công trường những đêm mưa dầm/ Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo!". Hình ảnh những vết chân tròn in dấu lên công trường những chiều giá buốt, những đêm mưa dầm thật là xúc động. Và đến đây, những câu thơ của Trần Đăng Khoa bỗng giàu chất suy tư. Từ cái khiếm khuyết trên một phần cơ thể người thầy, tác giả liên hệ đến cái chưa hoàn hảo của đời mình, đây cũng là tấm lòng của nhà thơ cúi mình trước sự hi sinh và công hiến của những người thầy giáo đã từng khoác áo lính. Tấm lòng, tâm hồn người thầy chính là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta soi mình vào đó, nhìn nhận lại mình, tự thanh lọc tâm hồn mình để sống tốt hơn, hoàn thiện hơn, hoàn hảo hơn - những câu thơ đầy day dứt ám ảnh, băn khoăn, trăn trở: "Chúng em nhận ra bàn chân thấy giáo/ Như NHẬN RA CÁI CHƯA HOÀN HẢO CỦA CẢ CUỘC ĐỜI MÌNH. "Bàn chân thầy không còn nữa" - đó chính là chứng tích của những hi sinh mất mát giữa chiến trường đạn bom ác liệt, cũng là hiện thân cho tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy. Đến đây, nhà thơ phát huy cao độ trí tưởng tượng! "Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh/ Hay Tây Ninh, Đồng Tháp?/ Bàn chân đạp xuống đầu là giặc/ Cho lẽ sống làm người/ Em lắng nghe thầy giảng từng lời/ Nghe thầm vọng bàn chân đi đánh Mỹ/ Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường/ Em sẽ đi suốt chiều sâu đất nước/ THEO NHỮNG DẤU CHÂN NGƯỜI THẦY NĂM TRƯỚC". Qua những câu thơ trên, tác giả làm hiện lên sống động trước mắt người đọc hình ảnh chiến trường đạn bom khói lửa và hình ảnh hiên ngang, dũng cảm của người thầy với bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc, bàn chân xông pha trận mạc góp phần cùng đồng đội làm nên chiến thắng. Và Trần Đăng Khoa kết thúc bài thơ: “Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất/ VẪN DẪN CHÚNG EM ĐI TRỌN VẸN CUỘC ĐỜI". Bàn chân người thầy giáo thương binh tuy không còn hiện hữu trên đời nhưng lại đem đến cho các em học sinh bài học làm người, bài học về lòng yêu thươmg, dũng cảm, bài học về đức hi sinh. Trong hai câu kết này, sự đối lập giữa CÁI ĐÃ MẤT VÀ CÁI TRỌN VẸN đã làm đóng lại những cảm xúc nồng ấm và tạo nên sức ám ảnh của bài thơ. Bàn chân của thầy đã mất nhưng vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời, kì diệu thay!

Cũng viết về bàn chân người thương binh nhưng tác giả Thi Năng lại thể hiện ở góc độ khác. Những câu thơ nghe hào sảng, dõng dạc đầy chất ca ngợi, tôn vinh: "Dấu chân tròn in trên mặt đất/ Người thương binh đi giữa quê hương/ Sau chiến tranh người còn kẻ mất/ Bàn chân anh nằm lại chiến trường/ Anh hi sinh một phần thân thể/ Cho non sông rạng rỡ tương lai/ Thỏa chí trai dời non lấp bể/ Nào tiếc chi một mảnh hình hài/ Anh bước trên đường quê rộng mở/ Bình minh tỏa sáng đất hùng anh/ Dưới cờ sao hồng tươi rực rỡ/ Sống tự do, độc lập/ hòa bình". (Anh thương binh). Sau chiến tranh, người thương binh đã trở về. Nhưng nếu Tổ Quốc cần, họ sẵn sàng ra trận lần nữa - "Còn đau dớn nào hơn/ Nếu còn quân xâm lược?/ Còn tủi nhục nào hơn/ Phải cúi đầu nô lệ/ Tổ quốc yêu thương ơi!/ Mười năm đi bộ đội/ TÔI CÒN MỘT CÁNH TAY/ NẾU CẦN XIN CỨ GỌI") (Lê Nam - Nếu Tổ Quốc cần xin cứ gọi).

Trên đây, chúng ta đã nói về đề tài thương binh trong thơ. Còn đối với đề tài liệt sĩ, một trong những bài thơ gây ấn tượng đối với độc giả là bài Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân nói về sự hy sinh anh dũng của người lính ở sân bay Tân Sơn Nhất: “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn / Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng". Bài thơ này là bản thông điệp về sức mạnh vô biên của người liệt sỹ, cái chết của anh đã làm quân thù khiếp sợ: "Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng / Có thằng sụp dưới chân anh tránh đạn /Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm / Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tấn công". Tác giả đã vẽ lên bức tranh hùng tráng về người liệt sỹ, khí thế tiến công giặc Mỹ, tinh thần lạc quan cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn, người liệt sỹ khi hy sinh đã tạo nên DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM, đó cũng chính là tượng đài của Tổ quốc Việt Nam anh hùng. Anh bộ đội hy sinh dù không để lại "một tấm hình hay một dòng địa chỉ" cho riêng mình, nhưng người liệt sỹ ấy mãi mãi là bức tượng đồng được tôn vinh, gìn giữ và ghi nhận như những giá trị vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam. Người liệt sỹ được nâng lên thành hình tượng cao cả, vĩ đại, tượng trưng cho vẻ đẹp của dân tộc, của thời đại. “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ / Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường / CHỈ ĐỂ LẠI CÁI DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM TẠC VÀO THỂ KỈ / Anh là chiến sỹ giải phóng quân / TÊN ANH ĐÃ THÀNH TÊN ĐẤT NƯỚC". Sự hy sinh anh dũng, thanh cao và thầm lặng của người liệt sỹ đã làm cho anh trở thành hình tượng bất tử, có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa rộng lớn mang tính thời đại sâu sắc. Anh là biểu tượng cho đất nước, cho dân tộc, tỏa sáng đến mai sau. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh: "Ôi anh giải phóng quân! / Từ dáng đứng của Anh giữa đường bằng Tân Sơn Nhất / TỔ QUỐC BAY LÊN BÁT NGÁT MÙA XUÂN". Những hình ảnh này đã mở ra một chân trời mới tràn ngập niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai rạng rỡ của dân tộc Việt Nam. Như vậy, hình tượng người liệt sỹ hy sinh mang tầm vóc kỳ vĩ, mang tính sử thi rất rõ,

Còn trong bài Nâm mộ và cấy trâm, Nguyên Đức Mậu diễn tả một cách chi tiết, cụ thể về cái phút hy sinh của người liệt sỹ: "Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống / Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng / Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười / Tay Hùng còn vung lựu đạn ngang trời / Khẩu tiểu liên vẫn choàng trước ngực / Vành mũi lá sen cổn trong lửa táp / Nhìn nụ cười mình biết Hùng vui". Đó là cái chết lạc quan của người chiến thắng. Những câu thơ của Nguyễn Đức Mậu đã bộc lộ trực tiếp những cảm xúc của tác giả. Những cảm xúc này đã tạo nên trạng thái rung động thực sự, những hình ảnh, những kỷ niệm với người liệt sỹ cứ bay lượn đi về, đầy cảm phục, tiếc thương. Cảm xúc đã trở thành nhân tố chủ yếu, nhiều hình ảnh có sức gợi cảm mạnh mẽ khi nó kể tình được nhiều kỷ niệm gắn bó với người liệt sỹ: "Hùng ơi! Mai gió mùa Đông Bắc / Võng bạt canh khuya lại nhớ Hùng / Nhớ khi hai đứa xong phiên gác / Bao gạo gối đầu chăn đắp chung / Nhớ khi mình ôm giữa rừng /Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi / Quả khế rừng nâu con cá suối / Thương mình, Hùng hóa trẽ đi câu". Và tác giả đã thốt lên những câu thơ như những tình cảm không thể nén lại được làm người đọc rưng rưng nước mắt: "Chúng mình có ở cách xa nhau đâu? / MỘT THƯỚC ĐẤT SAO HÙNG KHÔNG NGHE MÌNH GỌI? / Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi / Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa".

Viết về những bài thơ về thương binh liệt sỹ, không thể không nói đến bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao. Trong bài thơ, tình yêu của người con trai và người con gái gắn với tình yêu quê hương, đất nước. Người con trai ra trận, ngày ngừng bắn anh trở về thăm quê thì được tin người yêu mình - cô gái du kích đã ngã xuống trên mảnh đất này đã thành liệt sỹ: “Mới đến đầu ao, tin sét đánh Giặc giết em rồi dưới gốc thông". Kẻ thù đã giết người yêu của anh, giết chết hạnh phúc lứa đôi của anh. Biết bao bàng hoàng, đau đớn đến vào lúc anh trở về thăm quê, lúc náo nức, hy vọng nhất. Trong bài thơ "Quê hương", Giang Nam cũng đã diễn tả tâm trạng, nỗi lòng người con trai lúc ấy: “Hôm nay nhận được tin em / Không tin được dù đó là sự thật / Giặc giết em rồi quăng mất xác / Chỉ vì em là du kích em ơi! / Đau xé lòng anh, chết nửa con người!". Trong bài thơ Núi Đôi, người trai cũng bàng hoàng, thảng thốt khi được tìm người yêu mất. Nhưng anh bộ đội đã không hề gục ngã. Cái chết của người yêu tuy có làm anh đau đớn nhưng anh vẫn tự hào, kiêu hãnh về cô gái, về người liệt sỹ bởi vì cho đến phút cuối đời mình, cô gái vẫn giữ được phẩm chất cao quý: trung thành, chung thủy: “Nửa đêm bộ đội vây đồn Thứa / EM SỐNG TRUNG THÀNH. CHẾT THỦY CHUNG". Câu thơ này đã chứa đựng sự tôn vinh, ngưỡng mộ và kính phục. Trước nỗi đau ấy, anh không cúi mặt mà ngước nhìn lên một cách kiêu hãnh: “Anh NGƯỚC NHÌN LÊN hai dốc núi / Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen". Ngước và nhìn lên tự hào về những kỷ niệm với người đã mất. Tám câu thơ cuối cùng đã nói lên tấm lòng của người lính, của mọi người dân đối với sự hy sinh của người liệt sỹ: "Ai viết tên em thành liệt sỹ / Bên những hàng bia trắng giữa đồng / Nhớ thương, anh gọi em: Đồng chí" / Một tấm lòng trong vạn tấm lòng/ Anh đi bộ đội sao trên mũ / Mãi mãi là sao sáng dẫn đường /EM SẼ LÀ HOA TRÊN ĐỈNH NÚI / BỐN MÙA THƠM MÃI CÁNH HOA THƠM".

Trong một bài viết nhỏ, không thể nói hết những câu thơ về thương binh liệt sỹ. Xin được kết thúc bài này bằng bài thơ: Viếng mộ người liệt sỹ của Nguyễn Quang Tuyên: "Hôm nay về viếng nghĩa trang / Cúi đầu đứng trước những hàng mộ xanh / Rưng rưng đứng trước mộ anh / Nén nhang hương tỏa nghiêng mình thành tâm / Anh nằm ở giữa lòng dân / Quê hương đất mẹ ôm anh trọn đời".

27 tháng 7 đã về, mùa tri ân đã về. Xin được coi bài viết này là những nén nhang thơm ngát, những lẵng hoa tươi thăm dâng lên vong linh những anh hùng liệt sỹ đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh./.

-----------

Nguồn: khxhnvnghean.gov.vn

 

Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

VỀ CÂU KẾT 2 BÀI THƠ “THĂM BẠN” VÀ

“ĐỒNG VỌNG” CỦA NHÀ THƠ ĐỒNG THỊ CHÚC

Khi đọc cảm nhận của tôi về bài thơ "Thăm Bạn" của nhà thơ Đồng Thị Chúc, nhà thơ Khang Minh có chút băn khoăn về câu kết bài thơ: “Phải chi nữ sĩ Đồng Thị Chúc cho thêm hai câu kết nữa thì hay quá Đặng Xuân Xuyến, vì đọc tới câu "Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua" có cảm giác thiêu thiếu cái gì đó, bài thơ chưa thể khép lại ở câu này được! Tiêng tiếc là!”. Tôi lại nghĩ khác anh, câu kết bài thơ như thế là hợp lý, tròn trĩnh mà còn gợi rất nhiều sau khi đã đọc bài thơ. Nếu nhà thơ Đồng Thị Chúc thêm một vài câu thơ nữa sẽ làm bài thơ kém duyên, mất hay.

Chuyện về một câu thơ, thậm chí cả bài thơ có những cảm nhận trái ngược là lẽ thường. Người này bảo hay, người kia bảo bình thường, hoặc người này hiểu thế này, người kia hiểu thế kia cũng là "chuyện thường ở huyện". Thơ mà! Thế nên dân gian mới gắn cho thơ, cho nhà thơ những cặp từ: “thơ thẩn”, “lẩn thẩn”,...

Trở lại chuyện câu kết bài thơ “Thăm Bạn” của nhà thơ Đồng Thị Chúc.

Bài thơ thật ngắn, chỉ có 6 câu nhưng chứa đựng nhiều nỗi niềm:

THĂM BẠN

 

Ghé nhà cửa đóng then cài

Đầy sân lá rụng thềm ngoài rêu phong

Dạo quanh trong khoảng thinh không

Mắt đưa tìm bóng, nào trông bóng người

 

Đành lòng quay gót trở lui

Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua.

*.

ĐỒNG THỊ CHÚC

Nhất là câu kết: "Một cơn gió lạc bùi ngùi bay qua" gợi nhiều cảm xúc với tâm trạng hụt hẫng, chán chường xen lẫn chút hờn tủi, cộng thêm chút hoang mang, lo lắng khi nhà thơ chợt nghĩ chuyện không hay của tuổi già có thể đến với bạn mình... khiến người đọc gai gai người, cùng hụt hẫng, thảng thốt theo tâm trạng chới với, "bùi ngùi" của nữ sĩ họ Đồng.

Một câu kết hợp lý, tròn trĩnh, vừa gợi cảm xúc để người đọc thăng hoa, vừa "đóng lại" để cảm xúc về chuyến "Thăm bạn" không lan man, loãng chuyện... Nếu nhà thơ thêm một vài câu thơ nữa sẽ phá mất bài thơ hay vì bố cục bài thơ đã chặt chẽ, câu kết bài thơ hợp lý và gợi được nhiều cảm xúc như thế, người có tay nghề sẽ không ai làm thế cả.

Hay như bài thơ "Đồng Vọng", một trong số những bài thơ hay của nhà thơ Đồng Thị Chúc, có câu kết lửng cũng thật hay, để lại nhiều ám ảnh với người đọc.

Bài thơ lấy cảm xúc từ câu chuyện có thật: Một lần trên đường đến cơ quan làm việc, bà "gặp đôi anh chị tuổi trung niên nét mặt khắc khổ, anh mặc bộ quân phục sỹ quan đã cũ, chị mặc cái áo xanh đã bạc màu, đèo nhau trên chiếc xe đap cà tàng", "đang đi thì xe đạp của họ xịt lốp và họ phải xuống xe loay hoay xem xét.". Nhìn họ, bà trào dâng cảm xúc rất lạ, và sau đấy một thời gian, bài thơ "Đồng Vọng" được ra đời:

ĐỒNG VỌNG

 

Hai người tình

Ngồi bên nhau

Hai mái đầu

Điểm bạc.

Chiếc áo anh đang mang

Vương bụi thời trận mạc

Chị - thân hình khô xác

Nép bên bờ vai anh

Vẫn trong chiếc áo xanh

Bạc qua mùa chờ đợi.

 

Trăng soi từ vời vợi

Gió về từ xa xăm...

*.

Hà Nội, Tháng 02-1992

ĐỒNG THỊ CHÚC

Cũng theo kể lại của nhà thơ Đồng Thị Chúc thì "đôi anh chị" ấy đã già, đã quá cái tuổi sung sức để thực hiện ước mơ thay đổi số phận. Họ có gì để thay đổi số phận khi họ chỉ có "thân hình khô xác" với mái tóc "điểm bạc" cùng tài sản giá trị nhất cả về vật chất lẫn tinh thần là "chiếc áo xanh" "Bạc qua mùa chờ đợi" giờ đã là ký ức, là kỷ niệm tình yêu một thủa?! Với họ, một bữa cơm ngon, một giấc ngủ đằm sâu hơn khi bớt đi được một chút canh cánh chuyện cơm áo gạo tiền đã là xa xỉ với ước mơ của họ thì nói gì đến ước mơ đổi đời, được giàu sang phú quý viển vông ở tận đẩu đâu. Hai câu kết: "Trăng soi từ vời vợi / Gió về từ xa xăm... " chỉ gợi ký ức xa vời, chả có giá trị với thực tại. Đau nhưng mà thực và cũng vì cái đau ấy mà bài thơ mới nhiều ám ảnh.

Đọc "Đồng Vọng", với hai câu thơ thật hay: "Trăng soi từ vời vợi / Gió về từ xa xăm... ", thể hiện sự tìm tòi và sáng tạo của nhà thơ Đồng Thị Chúc, tôi chợt nhớ đến những câu thơ như những lát cắt trần trụi, đau đáu xót xa của nhà thơ Phạm Đức Mạnh:

"Tháng Tư

những người lính kiệt sức vì đạn bom

thoi thóp sống

lết tìm nhau

nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất

hàn rỉ sét chiến tranh

bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội."

(Tháng Tư Màu Nhớ)

Những câu thơ trần trụi đến phũ phàng, không chỉ gián tiếp lên án cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn" mà còn là tiếng lòng nhà thơ Phạm Đức Mạnh xót xa trước chính sách đãi ngộ hoặc chưa thỏa đáng hoặc đã bị lãng quên của chế độ đối với những chiến binh vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Những câu thơ: "những người lính kiệt sức vì đạn bom / thoi thóp sống / lết tìm nhau / bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội” thật đau và đắng ngắt.

Cả hai bài thơ "Tháng Tư Màu Nhớ" và "Đồng Vọng" đều gián tiếp lên án cuộc nội chiến vô nghĩa, đều xót xa trước hiện thực cuộc sống "thoi thóp", mờ mịt, bị chế độ xã hội lãng quên chính sách đãi ngộ hoặc đãi ngộ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, biểu tượng của những người lính vừa trở về sau cuộc chiến. Hai bài thơ với hai gam màu khác nhau, hai cách viết khác nhau: một bên mang gam màu "kỷ yếu", thời sự của Hội chứng chiến tranh, và người viết đang cố gắng tìm tòi để làm mới diện mạo thơ mình theo cách viết "hiện đại", một bên là những lát cắt của cuộc sống thường nhật với gam màu dung dị của cuộc sống, và người viết chỉ nhẩn nha tìm tòi, sáng tạo theo lối viết nhẹ nhàng, nền nã đã định hình để phả vào thơ hương sắc chân thực của cuộc sống. Khác, nhưng cả 2 bài thơ đều là tiếng lòng của người cầm bút có trách nhiệm với tình yêu quê hương đất nước.

Sở dĩ tôi nhắc đến bài thơ "Tháng Tư Màu Nhớ" của nhà thơ Phạm Đức Mạnh bởi khi đọc những câu thơ tái hiện hình ảnh vợ chồng người cựu chiến binh trong bài thơ "Đồng Vọng" tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh người lính trong Hội chứng chiến tranh đã được thể hiện ở nhiều thể loại văn học nghệ thuật, hoàn toàn không có ý như đặt lên bàn cân để so sánh giá trị nghệ thuật giữa 2 bài thơ và tài thơ của 2 nhà thơ.

Trở lại bài thơ "Đồng Vọng" với 2 câu thơ kết thật hay, và không quá lời nếu nói đây là 2 câu thơ tài hoa của nhà thơ Đồng Thị Chúc:

"Trăng soi từ vời vợi

Gió về từ xa xăm..."

Một cái kết mở với những hình ảnh thật đẹp cho sáng tác thơ ca nhưng lại thật đau, thật đắt để bạn đọc liên tưởng tới tương lai vợ chồng người cựu chiến binh đã đợi chờ nhau suốt chiều dài cuộc nội chiến về ý thức hệ giữa 2 miền Nam Bắc: Phía trước vợ chồng họ là "Trăng", là "Gió", là những thứ chỉ dành cho thơ ca, những thứ chỉ dùng để "ru ngủ đời sống tinh thần", những thứ chẳng có chút giá trị với cuộc sống thực ở cõi người. Đã vậy "Trăng" còn "soi từ vời vợi", "Gió" còn "về từ xa xăm", lại thêm ba dấu chấm lửng ở câu thơ cuối bài như mũi kiếm xoáy thêm sâu vào tương lai mờ mịt của vợ chồng người cựu chiến binh. Ôi! Phần thưởng - cái giá đắng chát dành cho “lý tưởng” của những người lính trở về sau cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn" là đây sao?!

Đồng Vọng” đã vượt lên trên sự cảm thông của nhà thơ Đồng Thị Chúc trước tương lai mờ mịt của vợ chồng người cựu chiến binh để cất lên tiếng nói chân thực, trách nhiệm của người cầm bút với quê hương đất nước!

Thật tiếc, khi tuyển chọn "Đồng Vọng" in trong thi phẩm "Những Gương Mặt Mới", cố thi sĩ Trinh Đường đã thêm 2 câu: "Tiếng chim gì da diết / Hay từ quy thương xuân.” vào cuối bài thơ, mà theo ông để “cho thêm phần da diết." nhưng ông đâu ngờ chính 2 câu thơ "thêm ấy" đã làm cho bài thơ mất đi tính "chiến đấu", giảm hẳn sự ám ảnh với người đọc vì thế mà bài thơ kém hay.

*.

Hà Nội, đêm 03 tháng 03.2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe nhạc phẩm VẾT CHÂN TRÒN TRÊN CÁT

của Trần Tiến, qua tiếng hát Thái Bảo:

0 comments:

Đăng nhận xét