NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA
VUA
MINH MẠNG
*
Hoàng đế Minh Mệnh (明
命) tên huý là Nguyễn Phúc Đảm (阮 福 膽) sinh năm 1791, trị vì từ năm 1820 đến khi
mất năm 1841, là vị Hoàng đế thứ 2 của triều Nguyễn. Minh Mệnh được xem là một
vị vua năng động, quyết đoán, tinh thông nho học, hiểu biết, coi trọng học vấn
và là nhà chính trị, quân sự tài ba. Dưới thời ông rất nhiều cải cách từ nội
trị đến ngoại giao đã được thực thi giúp cho đất nước giai đoạn ông trị vì là
thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử chế độ quân chủ nhà Nguyễn nói riêng và
phong kiến Việt Nam nói chung.
1/. Về quân sự:
Hoàng đế Minh Mệnh là
người rất quan tâm đến quân sự quốc phòng, vì vậy quân đội dưới thời ông được
tổ chức khá hùng mạnh. Nhà vua nhiều lần thân hành ra thao trường chứng kiến
việc luyện tập của quân sĩ và đặt chế độ định kỳ duyệt tuyển. Ngay từ năm Minh
Mệnh thứ nhất (1820) nhà vua đã cho tổ chức lại quân đội thành các binh chủng
gồm bộ binh, thuỷ binh, kỵ binh, tượng binh và pháo thủ binh. Trong đó bộ binh
là chủ chốt được phân làm 2 loại kinh binh và cơ binh. Kinh binh là lính của
triều đình đóng chủ yếu ở kinh thành và một số tỉnh trọng yếu. Tổ chức bên
trong của kinh binh khá chặt chẽ được phân thành các doanh (gồm 4 doanh Thần cơ,
Tiền phong, Long vũ, Hổ uy), mỗi doanh lại chia làm 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội, mỗi
đội có 50 lính; đứng đầu có các Đội trưởng và Suất đội cai quản. Cơ binh là
lính riêng của từng tỉnh, cũng được chia thành các cơ, đội; đứng đầu có các
Quản cơ và Suất đội cai quản. Các loại binh khác được tổ chức gần giống bộ
binh, cũng chia thành các vệ, đội nhưng có đặc thù riêng của từng loại.
Hoàng đế Minh Mệnh
cũng rất chú trọng tăng cường trang bị cho quân đội thêm nhiều vũ khí, thuyền
bè, voi ngựa và các súng ống loại lớn. Đặc biệt thuỷ quân thời kỳ này kế thừa
các đội binh thuyền tinh nhuệ của vua cha Gia Long lại được tăng cường thêm một
số tàu đi biển lớn bọc đồng như Phấn Bằng, Thuỵ Long, Linh Phượng, Tường Hạc,
Thần Giao, Tiên Ly… nên đã gần như làm chủ được dải bờ biển dài và một số hải
đảo ngoài khơi. Những nơi bờ biển sung yếu hoặc gần Kinh đô, vua Minh Mệnh cho
xây dựng hàng loạt các pháo đài canh phòng như Trấn Hải, Định Hải, Điện Hải… và
không ngừng tăng cường phòng thủ. Vua cũng thường xuyên cử các đội tàu đi thăm
dò, tuần thám các hải đảo kể cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2/. Về kinh tế:
Hoàng đế Minh Mệnh
luôn chăm lo đời sống nhân dân, chú trọng phát triển kinh tế, khao khát cho dân
giàu, nước mạnh. Ông đã áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển
như khuyến khích khai hoang lấn biển; đẩy mạnh thuỷ lợi đào sông thoát lũ; hoàn
chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc bộ; tiếp tục đo đạc, hoàn thiện sổ ruộng đất (địa
bạ) trong toàn quốc; quy định lại chế độ thu thuế đinh, điền, thuế muối, thuế
khai thác mỏ, thuế sản vật, thuế buôn bán tại các cửa quan, bến chợ, thuế cảng
cho các thuyền buôn nước ngoài; khai mở nhiều ngành sản xuất mới…
Vì vậy trong 20 năm
trị vì của Hoàng đế Minh Mệnh, nền kinh tế Việt Nam đã có những thành tựu nhất
định, nhiều vùng đất mới được khai khẩn thành lập như huyện Tiền Hải tỉnh Nam
Định; huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình; đào xong sông Vĩnh Tế ở Nam kỳ, sông thoát
lũ Cửu An ở Hưng Yên; ruộng đất canh tác được mở rộng, dân số được tăng thêm.
Thời kỳ này nhiều loại máy móc mang tính mới mẻ phục vụ thiết thực đời sống
được chế tạo như máy xẻ gỗ chạy bằng sức trâu, sức nước; máy nghiền thuốc súng;
máy tưới nước cho đồng ruộng… Đặc biệt năm 1839 những người thợ Việt Nam đã
đóng thành công chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước đầu tiên và sửa chữa được một
số tàu thuyền mua của nước ngoài bị hư hỏng. Vua còn ban dụ cho lập nhà dưỡng
tế để giúp đỡ những người tàn tật, già cả, nghèo khó; bãi bỏ những việc gây
phiền phí cho dân như lệ bắt các địa phương tiến thú rừng cho các ngày lễ kị;
đặt lệ định kỳ báo cáo giá thóc gạo, lương thực ở các nơi; cấm tư thương đầu cơ
bán trộm thóc gạo; giảm thuế, chẩn cấp, xuất kho bán thóc rẻ cho dân các vùng
bị thiên tai đói kém; yêu cầu các tỉnh xuất lúa giống trong kho cho dân nghèo
vay để làm mùa khiến cho nông nghiệp không bị đình trệ, việc mất mùa không ảnh
hưởng đến đời sống nhân dân.
3/. Về ngoại giao:
Hoàng đế Minh Mệnh là
người chủ trương tự cường dân tộc nên trong mối quan hệ bang giao với các nước
đều khá cứng rắn và luôn giữ thế chủ động. Ngay khi mới lên ngôi, vua Minh Mệnh
đã xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý là một
nước lớn ở phía Nam nhưng triều đình nhà Thanh không chấp thuận. Năm 1839 khi
thấy nhà Thanh suy yếu ông đã chính thức công bố quốc hiệu Đại Nam, quốc hiệu
này tồn tại cho đến hết triều Nguyễn năm 1945. Trong quan hệ với nhà Thanh là
nước lớn Hoàng đế Minh Mệnh chủ trương thần phục nhưng đối với các nước nhỏ như
Ai Lao, Cao Miên, Chân Lạp ông chủ trương áp đặt quyền bảo hộ. Đối với phương
Tây, vua Minh Mệnh hầu như không có thiện cảm, đặc biệt là việc vua không thích
đạo Thiên chúa nên trong suốt thời gian trị vì, việc truyền bá đạo này hầu như
bị cấm. Mặc dù vua Minh Mệnh là người khá nặng tư tưởng bế quan toả cảng nhưng
thời kỳ này các tàu buôn của nước ngoài ra vào trao đổi mậu dịch với Việt Nam
khá tấp nập. Trong đó chủ yếu là các tàu của người Thanh và một số tàu của các
nước phương Tây như Pháp, Anh, Tây Ban Nha xin vào buôn bán tại các cảng cửa
Lác (Nam Định), cửa Hội (Nghệ An), cửa Đà Nẵng, cửa Đại Chiêm (Hội An), cửa Thị
Nại (Quy Nhơn), Vũng Lấm (Phú Yên), cửa Cần Giờ (Gia Định)… Nhà vua cũng là
người khá tân tiến và thích tìm hiểu nên thường khuyến khích quần thần học hỏi
phương Tây các công thức chế tạo máy móc mới, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo
tàu thuyền đi biển.
4/. Về văn hoá giáo dục:
Hoàng đế Minh Mệnh là
người rất coi trọng học vấn, khoa cử, bản thân nhà vua cũng là một học giả từng
làm thơ, soạn sách, luôn khuyến khích quần thần chăm chỉ đọc sách, biên soạn
sách vở và mong muốn trọng dụng người có kiến thức. Vua từng dụ rằng: Đạo trị
nước chép ở sách vở, không xem rộng xét kỹ không thể biết hết được. Nay thư
viện Thanh Hoà chứa nhiều sách lạ bốn phương, bọn khanh lúc rỗi việc mà có chí
đọc sách thì mượn mà xem[1]. Ngay năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), nhà vua đã
xuống chiếu sưu tầm sách cũ Trẫm để ý điển xưa noi theo chí trước, nghĩ rằng
nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm rõ rệt dấu xưa, giao
cho sử quan thuật lại… Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được
những bản biên chép điển cũ của triều trước thì không kể tường hay lược đem
nguyên bản tiến nộp hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng[2]. Do
đó trong ngoài đều đem các bản biên chép đến dâng nộp như Thượng thư Trịnh Hoài
Đức dâng sách Gia Định thông chí (3 quyển) và sách Minh Bột di ngư văn thảo,
Chiêm hậu Hoàng Công Tài dâng sách Bản triều ngọc phả và sách Kỷ sự, Cung Văn
Hy người phủ Quảng Đức dâng sách Khai quốc công nghiệp diễn chí (7 quyển),
Nguyễn Đình Chính người Thanh Hoa dâng sách Minh tương khải cáo lục (34 điều),
Võ Nguyên Biều người Quảng Ngãi dâng sách Cố sự biên lục (1 quyển), vua đều
khen và cho thưởng vàng lụa theo các bậc khác nhau. Các năm sau đó quần thần
tiếp tục biên soạn được khá nhiều sách có giá trị như Khâm định vạn niên thư,
Lịch triều hiến chương loại chí (49 quyển), Liệt thánh thực lục, Lịch đại kỷ
nguyên, Khang thế lục, Hội điển toát yếu (14 quyển)… Vua còn cho dựng Quốc sử
quán và sai các nho thần biên soạn quốc sử thực lục; cho sửa sang tông miếu đặt
các chức Miếu lang, Miếu thừa lấy người trong tôn thất để trông coi việc thờ
cúng; hoàn thiện việc xây dựng Hoàng thành, đặt tên đường phố trong Kinh thành;
thống nhất việc đo lường, y phục trong toàn quốc…
Đối với việc học hành
khoa cử nhà vua đặc biệt chăm lo, năm 1821 cho xây dựng nhà Quốc tử giám, ở
giữa làm Giảng đường, phía trước là Di luân đường, hai bên tả hữu làm phòng ở
cho tôn sinh, giám sinh; lại đổi đặt các chức Tế tửu, Tư nghiệp đứng đầu. Cũng
năm đó mở ân khoa thi Hương đầu tiên dưới triều Minh Mệnh, năm sau mở khoa thi
Tiến sĩ đầu tiên dưới triều Nguyễn, đồng thời cũng định lại quy chế thi cử.
Trước đây 6 năm tổ chức một khoa nay quy định thành 3 năm một khoa, năm trước
thi Hương thì năm sau thi Hội và thi Đình; lại đổi đặt danh hiệu học vị những
người trúng tuyển, Hương cống đổi thành Cử nhân, Sinh đồ đổi thành Tú tài;
không lấy Tiến sĩ Đệ nhất giáp chỉ lấy Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp; ngoài ra vua
Minh Mệnh cho lấy đỗ thêm những người có số điểm gần sát với hạng Đệ tam giáp
gọi là Phó bảng. Chỉ tính riêng các khoa thi Tiến sĩ, triều Minh Mệnh tổ chức
được 6 khoa vào các năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Minh Mệnh thứ 7 (1826), Minh
Mệnh 10 (1829), Minh Mệnh 13 (1832), Minh Mệnh 16 (1835), Minh Mệnh 19 (1838),
lấy đỗ được 56 Tiến sĩ và 20 Phó bảng[3].
5/. Về tổ chức bộ máy hành chính:
Ngay từ khi mới lên
ngôi, Hoàng đế Minh Mệnh đã cho cải định và thiết đặt thêm một số cơ quan trong
hệ thống bộ máy hành chính so với các triều đại trước như đổi đặt Văn thư phòng
sau đổi làm Nội các để giúp việc; đổi Nội đồ gia thành Nội vụ phủ, Ngoại đồ gia
thành Vũ khố; thành lập Cơ mật viện, Đô sát viện, Tôn nhân phủ; chỉnh đốn Lục
Bộ, đặt thêm các Khoa; định lại toàn bộ hệ thống quan chế, viên ngạch, phẩm
trật, lương bổng; cơ cấu lại tổ chức của hầu hết các cơ quan; đặt thêm nhiều
chức danh mới; quy định lại số lượng, viên ngạch cho mỗi đơn vị… Đặc biệt năm
Minh Mệnh 12-13 (1831-1832), nhà vua thực thi một công cuộc cải cách hành chính
lớn, trong đó chia định lại địa hạt trong cả nước; đổi các trấn, đạo thành
tỉnh[4]. Sau khi phân định lại các địa hạt, vua cho thiết đặt các chức quan coi
giữ và định quy tắc làm việc.
Nhà vua cũng cho đặt
lại các nghi thức thiết triều ở điện Thái Hoà, định lệ thiết triều tham dự tấu
việc[5], quy định chế cấp “Lục đầu bài” cho các nha dâng lên khi cần tâu việc,
định lệ các nha phụng giữ bản phê chữ đỏ (châu bản), định lại quy thức văn bản
và đệ trình văn bản… Vua là người chăm chỉ mẫn cán, việc chính sự trong ngoài
lớn nhỏ đều muốn xét qua, các văn bản quan trọng hầu như đều tự mình nghĩ soạn.
Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: Vua sáng suốt cẩn thận về chính thể.
Những chương sớ trong ngoài tâu lên nhất nhất xem qua, dụ tận mặt cho các nha
nghĩ chỉ phê phát, việc quan trọng thì phần nhiều vua tự nghĩ soạn, hoặc thảo
ra hoặc châu phê. Có bản phê bắt đầu từ đấy[6]. Vua thấy từ trước tới nay
chương sớ 4 phương tâu lên, các bộ thần đều mở phong bì phụ xem trước, thấy
việc gì không quan trọng thì bỏ không tâu, bèn sắc cho Lục Bộ từ nay chương sớ
có cái nào không hợp cũng đem việc trình rõ, không được tự ý bác đi để đề phòng
sự che lấp. Vua chuẩn định các chiếu văn khi ban bố đều phải niêm yết ở Phu văn
lâu, các Tri huyện 3 huyện trong Kinh kỳ phải dẫn kỳ lão, hương lý, thân hào
đến trước lầu để lạy xem. Vua lại cho đặt thêm các trạm dịch ở Kinh và các tỉnh
để việc chuyển phát công văn giấy tờ giữa các cơ quan được nhanh chóng kịp
thời.
Có thể nói, Minh Mệnh
là vị Hoàng đế rất chuyên cần, tâm huyết; đặc biệt ông là người rất năng động
và sáng tạo. Những cải cách trong thời đại ông trị vì được các nhà nghiên cứu
lịch sử so sánh với cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1471 và đánh giá là một
trong hai cuộc cải cách có quy mô lớn nhất và đạt hiệu quả cao nhất trong lịch
sử phong kiến Việt Nam. Đánh giá về con người cũng như sự nghiệp của Hoàng đế
Minh Mệnh, Trần Trọng Kim một sử thần cuối triều Nguyễn trong sách Việt Nam sử
lược đã có những nhận định khá xác đáng rằng: Trong đời Thánh Tổ làm vua, pháp
luật, chế độ điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ.
Nhưng chỉ vì ngài nghiêm khắc quá, cứ một mực theo cổ, không tuỳ thời mà biến
hoá phong tục; lại không biết khoan dung cho sự sùng tín, đem giết hại những
người theo đạo, lại tuyệt giao với ngoại quốc làm thành ra nước Nam ta ở lẻ loi
một mình. Đã hay rằng những điều lầm lỗi ấy là trách nhiệm chung cả triều đình
và cả bọn sĩ phu nước ta lúc bấy giờ, chứ không riêng chi một mình ngài, nhưng
ngài là ông vua chuyên chế một nước, việc trong nước hay dở thế nào ngài cũng
có một phần trách nhiệm rất to, không sao chối từ được. Vậy cứ bình tình mà xét
thì chính trị của ngài tuy có nhiều điều hay, nhưng cũng có nhiều điều dở; ngài
biết cương mà không biết nhu, ngài có uy quyền mà ít độ lượng, ngài biết có dân
có nước mà không biết thời thế tiến hoá. Bởi vậy cho nên nói rằng ngài là một
anh quân thì khí quá, mà nói rằng ngài là bạo quân thì không công bằng. Dẫu thế
nào mặc lòng, ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc
nước, tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công
việc hơn ngài vậy[7].
-------
CHÚ
THÍCH:
[1]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đại Nam thực lục, tập 2 (chính biên), bản
dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trg 40.
[2]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đại Nam thực lục, tập 2 (chính biên), bản
dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trg 63.
[3]
Ngô Đức Thọ chủ biên (1993), Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919, Nxb Văn
học, Hà Nội, trg 971.
[4]
Năm Minh Mệnh 12 (1831) phân định địa hạt từ Quảng Bình trở ra Bắc, năm Minh
Mệnh 13 (1832) phân định địa hạt từ Quảng Nam trở vào Nam.
[5]
Mỗi tháng đại triều 2 ngày: mồng 1 và rằm; thường triều 4 ngày: mồng 5, 11, 21,
25; tâu việc 9 ngày: mồng 3, 7, 9, 13, 17, 19, 23, 27, 29; đình nghị 4 ngày:
mồng 2, 8, 16, 24. Hàng ngày phải có 1 viên Thiêm sự hoặc Lang trung thường
trực ở triều phòng, đường quan thì hội ở công thự để làm việc. Nếu có việc khẩn
trọng thì phải tâu ngay không kể lệ này (Đại Nam thực lục chính biên, tập 2,
trang 208).
[6]
Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đại Nam thực lục, tập 2 (chính biên), bản
dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trg 39.
[7]
Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, trg 493
– 494.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CU TỐ LÀNG
TÔI của Đặng Xuân Xuyến:
Trần Chí Cường giới thiệu
Tác giả: Nguyễn
Thu Hoài - facebook: Nguyễn Thủy Nguyên
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét