BỒ
ĐÀO NHA - VIỆT NAM VÀ OS LUSIADAS CỦA THI HÀO LUIS DE CAMOẼS
(1525-1580) - HUYỀN THOẠI LẬP QUỐC BỒ ĐÀO NHA
Khi
viết những dòng chữ quốc ngữ ngày nay, ta cám ơn những người Bồ Đào
Nha, đã đem các dấu Bồ Đào Nha vào ngôn ngữ giàu âm thanh tiếng Việt,
nếu không có những dấu này, thì Việt Nam chắc phải dùng chữ x, y, z,
v, w.. thêm vào cuối chữ như đánh điện tín thì thật là rườm rà, kỳ
dị..
Theo
Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659: Từ năm 1615 đến 1788 có 145 tu sĩ Dòng
Tên thuộc 17 quốc tịch đến truyền giáo tại Việt Nam, có 74 người Bồ
Đào Nha, 30 người Ý, 10 người Đức, 5 người Pháp, 4 người Tây Ban Nha, 2
người Ba Lan và còn lại các nước khác 1, 2 người. Linh mục Francisco
de Pina người Âu Châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt, Pina sinh năm 1585 ở
Bồ Đào Nha. Ông tới Đàng Trong năm 1617 sống tại Hội An, Thanh Chiêm,
Pina chết đuối bờ biển Quảng Nam ngày 15-2-1625, vì trong khi đi thuyền
nhỏ ra tàu Bồ Đào Nha lấy đồ phụng tự, gió bão bất chợt lật
thuyền, ông mặc áo choàng tu sĩ nên không bơi được, ông được làm lễ an
táng trọng thể tại Hội An.
Bồ
Đào Nha nằm phía Tây bán đảo Tây Ban Nha, là nơi hội nhập và tiếp
xúc nhiều nguồn dân tộc văn hóa khác nhau từ phía Bắc, les Celtes,
các bộ tộc từ Germain, từ văn minh
La Mã, từ Tây Ban Nha. Từ 1200 trước công nguyên, người Phéniciens từ vùng Liban đã đến mở thương điếm tại nhiều nơi và thành lập
Lisbonne. Sau đó đến người Hy Lạp, người Carthaginois, và đế quốc La
Mã. Năm 711 Hồi Giáo từ phương Nam thống trị bán đảo Tây Ban Nha suốt 4 thế kỷ.
Nước
Bồ Đào Nha hình thành từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, các vương triều
đầu tiên đã lãnh đạo kháng chiến đánh đuổi sự thống trị Á Rập Hồi
Giáo, để giữ gìn bản sắc Thiên Chúa Giáo, và sau đó chống lại sự
thống trị vương triều Tây Ban Nha.
Thời
hoàng kim Bồ Đào Nha bắt đầu từ thế kỷ XV, vương triều vua Henri le Navigateur (nhà Hàng Hải). Việc sáng
chế ra chiếc tàu Caravelle đã đưa người Bồ Đào Nha đi thám hiểm thế
giới, tàu nặng 50 tấn, hai đầu nâng cao lên, từ 2 đến 4 cột buồm, năm
chiếc buồm vuông lớn, lòng tàu có thể chứa được 400 đến 500 thùng
rượu vang, trang bị 40 súng thần công. Tàu còn trang bị nhiều phát
minh mới như : địa bàn, dụng cụ đo được vận tốc thuyền, định hướng
các vì sao.. Khác với những con thuyền nhỏ chỉ đi dọc bờ biển. Tàu
Caravelle vượt được đại dương vòng qua mũi Hảo Vọng qua Ấn Độ Dương
đến Trung Quốc, vượt qua Đại Tây Dương đến Châu Mỹ.
Ước
vọng ban đầu của Henri le Navigateur là muốn liên kết với hai vùng
Thiên Chúa Giáo, Phương Đông (Ethopie, Syrie.. ngày nay) và Phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Vatican,
Pháp..) để chống lại đế quốc Ottoman (1299-1923) và Hồi Giáo, đã
chiếm ngự cả vùng Địa Trung Hải và phía Đông Nam Châu Âu. Rồi từ đó,
các cuộc phiêu lưu đầu tiên đã khám phá ra đảo Madère (1419), quần
đảo Açores (1427-1452). Cap-Vert (1444) họ thiết lập các thương điếm,
khai phá những đảo còn hoang vu hay chiếm thuộc địa làm nơi dừng chân
và từ năm 1440 đến 1482 bắt đầu thám hiểm Phi Châu. Thời đại huy hoàng
Bồ Đào Nha đã phát sinh những danh nhân có óc phiêu lưu thám hiểm, họ
đã đặt nền móng cho sự giao thương thế giới, họ đã mang lại những
gia vị đậm đà từ Á Châu: tiêu, quế, hồi.. và những cây trồng như
khoai tây, bắp, cao su.. từ Châu Mỹ mà Âu Châu không biết đến.
Họ
đã đem những giá trị nhân bản Thiên Chúa Giáo đến các nước, mà ngày
nay trở thành giá trị nhân bản của nhân loại: Nhân quyền, tôn trọng
nữ giới, gia đình một vợ một chồng, đến các cơ sở trường học,
giảng dạy giáo dục phổ quát cho mọi người, các cơ sở từ thiện, xã
hội.. Các nhà truyền giáo đầu tiên đến Trung Quốc đã ngạc nhiên, khi
thấy đàn ông được nhiều vợ và giá trị người phụ nữ thật thấp kém.
Phụ nữ quý phái bị bó chân, ngón chân bị cong vào, nhỏ như chân trẻ
em, không thể đi một mình được, một phong tục dã man tàn bạo được xem
là tiêu chuẩn sắc đẹp. Các nước Á Châu đề cao lòng nhân, lòng từ bi,
cũng như lòng bác ái của Tây Phương nhưng không tạo dựng những cơ sở
từ thiện xã hội, nhà thương, trường học, cô nhi viện, trại tế
bần.. Tại Ấn Độ những kẻ bần
cùng trong xã hội giai cấp paria mãi mãi kiếp bần cùng làm các nghề
hạ tiện không thể nào thoát ra, nhiều vùng phụ nữ sau khi chồng chết
bị gây mê đem lên giàn hỏa, để chiếm đoạt gia tài.. Tại Trung Quốc
“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, trẻ sơ sinh gái, sinh ra bị bỏ
rơi. Tại Ấn Độ trẻ sơ sinh gái bị nhận vào bình sữa cho chết, “cho
bé gái bú sữa”. Trẻ em lên tám lên mười đã được gả vợ lấy chồng
vì khi đến tuổi thành niên tiền hồi môn quá cao là một gánh nặng cho
gia đình nghèo. Tại Trung Nam Mỹ, những tù nhân bộ lạc khác, những
người thua cuộc trong trò chơi ném banh, bị rạch ngực móc tim và ném
xác từ kim tự tháp lăn xuống đất..
Thời
đại Phục Hưng Âu Châu thế kỷ XV-XVII bắt nguồn từ Firenze nước Ý với
Dante (1265-1321), Michel Ange (1475-1564) từ văn chương, hội họa sang đến
các lãnh vực khác khôi phục lại
những giá trị Hy Lạp từ triết học Socrate, Platon, Aristote..
đến những khái niệm dân chủ, tự do, nhân quyền.. những cơ sở trường
học, hàn lâm viện.. Các trường đại học Âu Châu như Bologne, Sorbonne,
Oxfort, Cambrique, Salamanca, Louvain, Coimbra.. đầu tiên được thành lập
để giảng dạy Thần học, phát triển trở thành nơi giảng dạy nhiều bộ
môn y học, triết học, khoa học. luật học, kinh tế.. làm đầu tàu cho
sự phát triễn, phát minh, sáng chế.. đã tạo nên sức mạnh Tây Phương,
trong lúc thế giới Trung Quốc, Ấn Độ, Á Rập, Nam Mỹ.. vẫn dậm chân
một chỗ với nền văn minh cổ xưa, những tập tục hủ lậu. Cuộc cách
mạng bình đẳng “mọi người đều có khả năng giác ngộ thành Phật”, bị
đồng hóa ngay tại Ấn Độ, Đức Phật trở thành kiếp thứ chín của
thần Shiva, Phật trở thành một vị thần. Từ thế kỷ thứ mười, Phật
Giáo đã bị Hồi Giáo tiêu diệt đánh đuổi khỏi Ấn Độ.
Năm
1492-1493 cuộc du hành đầu tiên của Christophe Colomb.
Năm
1500 vua Manuel Ier gửi Thuyền trưởng Pedreo Álvares Cabral chỉ huy 13
chiến thuyền, với nhiệm vụ tìm đồ gia vị và mở một thương điếm tại
Calicut, gặp ngọn gió không thuận chiều
thay vì đến mũi Hảo Vọng, họ tình cờ khám phá ra Nam Mỹ,
vùng đất Ba Tây (Brésil). Và từ đó họ khai phá một vùng rộng lớn
nhất Nam Mỹ, trở thành một quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha.
Mối
quan hệ Việt Nam và Bồ Đào Nha có truyền thống từ thế kỷ 15, mối
quan hệ với Châu Mỹ mới khám phá và các vùng Phi Châu, Á Châu đã
tạo nên sự giao lưu các sản phẩm.
Họ
đã đem về cây bắp, các loại khoai, khoai tây, cây cao su.. từ Nam Mỹ về
Á Châu, Âu Châu, và trở thành cây trồng lương thực, kỹ nghệ chính
nhiều nước. Cây bắp được người Bồ Đào Nha đem từ Nam Mỹ vào Trung
Quốc trước, một sứ thần Việt Nam đi sứ mang về nên còn gọi là cây
Ngô. Một phóng sự truyền hình Pháp còn cho biết có một thuyền
Caravelle chở bầy trâu từ vùng Đông nam Á, có lẽ từ Đàng Trong Việt
Nam sang Ba Tây, thuyền bị đắm ngoài cửa biển, bầy trâu bơi vào đất
liền, sinh sản bao nhiêu đời thành bầy trâu hoang dã, trâu thích ứng
trên địa hình sình lầy sông nước Amazone, ngày nay cảnh sát Ba Tây lập
cả một đội binh chuyên cỡi trâu đi tuần.
Năm
1505 Francisco de Almeda lập đế quốc Bồ Đào Nha tại Á Châu, trở thành
vị Phó Vương Ấn Độ đầu tiên, ông cho xây nhiều thành trì tại bờ biển
Malabar, Kilwa ở Đông Phi Châu và gửi nhiều đoàn thám hiểm đến đảo
Maldives và Ceylan. Từ đó phát sinh ra phong trào thám hiểm, kích
thích sự phát triển kinh tế toàn
cầu, những phát minh khoa học và kỹ thuật. Từ đó các quốc gia Tây
Phương định hình là những quốc gia hiện đại tân tiến. Bồ Đào Nha đế
quốc Âu Châu đầu tiên tại Á Châu đã mang lại một trật tự mới trên
thế giới trong sự trao đổi văn hoá, chính trị, kinh tế giữa các lục
địa Âu Châu, Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu, và mở đường cho sự khai
triển các quốc gia Tây Phương khác Anh, Pháp, Hoà Lan, Tây Ban Nha..
Bồ
Đào Nha lập thương điếm tại Goa Ấn Độ, Malacca Mã Lai năm 1511, đến
Ayutthaya, Xiêm La năm 1511, xây một thành tại Comlombo, Tích Lan năm 1518,
tiếp xúc với Đại Việt Đàng Trong tại Hội An năm 1524, dựng một cột
đá tại Cù Lao Chàm. Năm 1550 Giáo sĩ Gaspar de Santz Gruz đến vùng Can
Cao, thuộc Khmer. Năm 1555 đến Nagasaki Nhật, năm 1555 hành lập thương
điếm tại Ma Cao, Trung Quốc.
Tại
Việt Nam họ dừng chân tại Hội An, Chúa Nguyễn cho mời Jean de la Croix, người Bồ Đào
Nha ra Huế giúp mở Phường Đúc đối diện phía thượng nguồn chùa Thiên
Mụ, ông có vợ người Việt và đào tạo thợ đúc đồng. Các vạc đồng
còn lại ngày nay tại Huế được đúc từ đời Hiền Vương Nguyễn Phúc
Tần (1659-1682). Thuyền Hòa Lan vào thương mại với Đàng Ngoài, và
thuyền Bồ Đào Nha thương mại với Đàng Trong, họ mua hồ tiêu, quế, lụa
và các thứ gia vị khác.
Quyển
tự điển đầu tiên của Việt Nam là quyển Việt-Bồ-La của Alexandre de
Rhodes biên soạn, từ thành quả của những người truyền giáo trước đó
người Bồ Đào Nha như Pina. Kho tàng văn khố Bồ Đào Nha còn lưu trử
rất nhiều sử liệu về Việt Nam, Đàng Trong.
Và
đặc biệt thi hào Bồ Đào Nha, Luis de Camões (1525-1580), người mà nước
Bồ Đào Nha lấy ngày mất 10 tháng 6 là lễ quốc khánh trong năm,
Camões đã từng bị đắm thuyền tại cửa biển sông Cửu Long, khi vùng
đất này chưa thuộc về Việt Nam. Trong Os Lusiadas in đầu tiên năm 1572
kể cuộc hành trình của Vasco de Gama, cảm hứng từ Odyssée của thi
hào Homère, ông đã lấy kinh nghiệm vượt biển của mình để kể lại hay
đến mức, Voltaire tưởng rằng ông có tham dự cuộc hành trình, thật ra
lúc đó ông chưa sinh ra. Tôi đã đến thăm mộ ông trong tu viện Jeróminos
tại Lisbonne đối diện với mộ Vasco de Gama, hai bậc vĩ nhân nước Bồ
Đào Nha.
Luis
de Camões, sinh tại Coimbra năm 1525, gia đình ông cư ngụ tại nơi này,
ông nội và cha ông đều là những nhà hàng hải, dòng dõi quý tộc
nhỏ, người nổi tiếng nhất trong tổ tiên là một du tử hát du ca ngâm
thơ, ông học tại Coimbra, một trong
những trường đại học danh tiếng đầu tiên của Âu Châu, thành lập từ
năm 1290 từ Lisbonne và dời về Coimbra năm 1308. Các trường học Âu Châu
ngày xưa học bằng tiếng La Tinh, Camões hấp thụ nơi đây một kiến thức
sâu rộng văn hóa La Tinh, ông đọc Homère, Platon, Aristote, thần thoại Hy
Lạp.. qua các bản dịch La Tinh, ông được nuôi dưỡng trong văn chương Ý,
ông nói thạo tiếng Tây Ban Nha như tiếng mẹ Bồ Đào Nha của ông.
Mười
tám tuổi ông đã nổi tiếng về thi ca, được mời đến triều đình vua
Jean III, nơi đây yêu ‘với một nàng thiếu nữ mắt xanh’ ông ca tụng trong
nhiều bài thơ. Nhưng mối tình mang cho ông nhiều đau khổ, ông chỉ là
quý tộc nhỏ, người ông yêu là những thiếu nữ dòng dõi quyền thế cao
sang là Catarina de Ataïde, bạn hầu cận của hoàng hậu, có sách nói
ông yêu Maria công chúa. Thất vọng với tình yêu ông vào quân đội sang Maroc ở Ceuta đánh
người “Maure”, nơi đây ông bị thương chột một mắt. Trở về lại Lisbonne
ông sống đời thác loạn trong các quán rượu, nhà điếm, ông viết nhiều
bài thơ tình tuyệt mỹ, thơ không in ra nhưng được nhiều người truyền
tụng. Năm 1552 lại tranh chấp và đấu kiếm với một quan án sát triều
đình, ông này bị thương nặng, Camões bị tù 6 tháng và được phóng thích với điều kiện đi phục
vụ một lãnh địa hải ngoại, mùa xuân
năm 1553 ông lên thuyền đi sang Goa, lãnh địa Bồ Đào Nha tại Ấn
Độ, trên đường ông tham gia chiến trận tại bờ biển Malabar ở Arabie và
trên biển Hồng Hải. Sau đó ông được gửi sang Macao, tại đây ông viết Os Lusiadas trong
một hang động, ngày nay còn di tích tại Macao. Ông còn đi thám hiểm
đảo Sumatra, Java, Bornéo và Timor, rồi du hành trong lục địa Trung Hoa.
Ông lên tàu trở về Bồ Đào Nha sau ba năm, không may thuyền bị đắm tại
cửa biển sông Cửu Long, có tài liệu chép là Hà Tiên, ông mất người
vợ Trung Hoa ông yêu thương và cả tài sản, nhưng ông bơi được vào bờ,
một tay cầm bản thảo Os Lusiadas, nhờ sự trợ giúp người đầy tớ trung
thành người Java, Camoẽs được dân địa phương đưa vào Can Cao (Mỹ Tho)
gặp những người đồng hương đã có thương điếm tại đó và được bạn bè
giúp đỡ đáp tàu sang Goa khoảng năm 1561, tại đây ông lại gặp nhiều khó
khăn và bị tù vì nhiều nợ nần, ông yêu một phụ nữ da đen và ca tụng
trong nhiều bài « Thơ cho nàng
nô lệ Barbara ». Và trong những ngày tháng tại Goa ông hoàn tất Os
Lusiadas, lòng nhớ quê hương thôi thúc, khoảng năm 1567 ông lại nhận một
nhiệm vụ tại Mozambique trên đường về. Ông ở đây ba năm với người đầy
tớ Java trung thành. Mùa xuân năm 1570 thuyền ông cập bến Cascais phía
Tây Lisbonne. Phút giây này được ông tả những dòng cuối cùng trong Os Lusiadas
hình ảnh cuộc trở về của Vasco và các bạn đồng hành :
«Phút giây nhìn lại trùng phùng.
Quê hương muôn thuở ngàn trùng dấu yêu.
Con thuyền vào bến tịch liêu,
Một vùng sông Tage mang nhiều nhớ
thương.. »
Ông
trở về Lisbonne sau cuộc giang hồ hơn 17 năm, năm đó ông 45 tuổi. Ông
sống mười năm còn lại cuộc đời, ở tuổi chín muồi, ông chờ đợi nơi
sự thành công các tác phẩm, danh tiếng, giàu có và vinh quang. Ông
chờ đợi nơi vị vua trẻ Sébastien, từ năm 1557 nối ngôi ông nội vua Jean
III lúc lên ba tuổi. Những trang thơ cuối cùng ông đặt niềm hy vọng nơi
vị vua này :
«Cho Ngài tôi phụng sự Ngài,
Cánh tay dũng cảm tôi nơi chiến trường.
Hồn tôi chắp cánh Thi Nương.
Chỉ trông chờ chút huệ ân của
Ngài ».
Thi Thần hoan lạc đón mời,
Hát lên, tôi hứa những lời ngợi ca.
A Lịch Sơn, Ngài sẽ là (Alexandre)
An Sinh số phận khác xa tấm
lòng.(Achille)
Camoẽs
đã cảm nhận những ngày hoàng hôn của đế chế Bồ Đào Nha, một quốc
gia nhỏ bé không đông dân, sau nữa thế kỷ tung hoành từ Đại Tây Dương
qua Ấn Độ Dương, đến những xứ sở Mã Lai, Nam Dương, Việt Nam, Trung
Quốc, Nhật Bản.. bên bờ Thái Bình Dương. Những tia nắng cuối cùng
của mùa thu rực rỡ, vinh quang của đế chế Bồ Đào Nha đã soi rọi trên
thi ca Camoẽs.
Sau
khi xuất bản đầu tiên năm 1572, nó được mọi người hâm mộ, ông nhận
được một trợ cấp nhỏ bé 15000 réis của hoàng gia Bồ Đào Nha. Nhưng
không may trong lúc đó « một trận dịch hạch » lớn hoành hành
khắp Âu Châu làm tiêu hao phân nửa dân số, trận dịch chấm dứt nhưng
những vùng dịch vẫn còn đây đó. Truyền thuyết kể rằng ông sống
những ngày tháng cuối đời trong nghèo đói và ông bệnh hoạn triền
miên, người đầy tớ Java trung thành phải đi xin ăn để nuôi ông và ông
chết trong nhà thương thí, như một kẻ vô danh ngày 1-6-1580.
Hai
năm trước khi ông mất là sự tàn tạ của đế chế Bồ Đào Nha. Ngày
4-8-1578 vị vua trẻ Sébastien
(Sebastião Ier) không nghe lời khuyên triều đình, đem quân đánh Maroc,
với 25 ngàn quân. 800 chiến thuyền vua bị tử trận tại Alcácer-Quibir
mất cả xác, đội quân bị đánh tiêu tan. Chỉ một năm sau khi Camoẽs mất
ngày 16-4-1581, nước Bồ Đào Nha trở thành một tỉnh của Tây Ban Nha.
Sau bốn thế kỷ vinh quang, đất nước Bồ Đào Nha bị tàn phá bởi hai
kẻ thù truyền kiếp người Maure và người Castillan. Nhưng niềm hy vọng
Bồ Đào Nha không hề tắt nhờ thiên trường ca sử thi của Camoẽs, ca
ngợi một quá khứ hàng hải oanh liệt, nuôi dưỡng huyền thoại vị vua
trẻ không chết sẽ trở về trở thành chủ nghĩa Sébastianisme, chờ đợi
một ngày phục sinh.
Cuộc
phiêu lưu khám phá của Bồ Đào Nha cũng quan trọng như cuộc chiến
thành Troie của người Hy Lạp, nó mở con đường được các nước Tây Ban
Nha, Hoà Lan, Anh, Pháp.. đi theo.
Camoẽs giải thích như một sứ mệnh các quốc gia Tây Phương. Kipling gọi
là « gánh nặng người da trắng » mang nền văn minh đến cho thế
giới.
Camoẽs
còn để lại nhiều kịch bản và thi ca trử tình trên 500 bài thơ. Tác
phẩm ông đã làm ông nổi tiếng sau khi mất, và di hài ông được tìm
lại và đưa vào nơi trang trọng nhất Tu viện Jeróninos cùng với Vasco
de Gama, và vua Henri nhà Hàng hải..
Lusiades
từ chữ Lusitanie là một tên khác của Bồ Đào Nha, trường ca Os Luiadas
được xem là một kho tàng văn hoá của dân tộc Bồ Đào Nha, và là một
kiệt tác thi ca nhân loại ngang tầm với các sử thi của Homère Hy Lạp.
Virgil, Dante của Ý, Goethe của Đức, Cerventès của Tây Ban Nha,
Shakespeare của Anh. Molière, Guillaume de Lorris, Victor Hugo của
Pháp.. Tác phẩm thi ca mang các giá
trị thâm sâu trong linh hồn, trong tiềm thức và vô thức người Bồ Đào
Nha. Nó được dịch ra đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha 15 năm sau ngày
mất Camoẽs năm 1580, Thế kỷ XVIII, XIX hai nước Anh và Ý tranh đua nhau
nhiều bản dịch phổ biến Os Lusiadas. Bản dịch ra tiếng Pháp đầu tiên
năm 1735 xuất bản tại Paris bởi Duperron de Castéra và từ đó có hơn 12
bản dịch khác.
Tác
phẩm vĩ đại này cho đến nay người Việt Nam chưa biết tới. Ngôn ngữ
Camões được xem là ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha là một dân tộc
yêu chuộng thi ca, cả các tác phẩm triết học cũng được diễn tả bằng
thi ca.
Bồ
Đào Nha là một dãi đất hình chữ nhật, khoảng 560 km chiều dài và
từ 110 đến 220 km chiều ngang với bờ biển 830 km, đối diện với Đại
Tây Dương, Bồ Đào Nha có đường biên giới với Tây Ban Nha 1215 km.
Nước
Bồ Đào Nha ngày nay dân số hơn 10 triệu người, mật độ 111,43 dân trên
1km2, nhưng năm 2017 có 283 triệu người nói tiếng Bồ Đào Nha trên thế
giới, đứng hàng thứ 9 tiếng nói được xử dụng nhiều nhất trên thế
giới. Sau thế kỷ huy hoàng dẫn đầu cuộc khám phá, Bồ Đào Nha rơi
vào thời kỳ suy thoái trước hai cường quốc Anh và Pháp chiếm lĩnh
thuộc địa toàn cầu. Đầu thế kỷ XX, Bồ Đào Nha trở thành một nước
trì trệ, lạc hậu dưới thời kỳ cầm quyền độc tài của các tướng
lãnh quân đội và sau đó của Salazar, dân bỏ nước tha phương cầu thực
khắp Âu Châu, làm các nghề tay chân, làm vú em.. Hình ảnh Bồ Đào Nha
là những người phụ nữ mặc quần áo đen, làng xóm những người ngủ
gà ngủ gật theo mùa và thức dậy ca hát fado những bài ca trữ tình
buồn bã. Nhưng từ năm 1974 cuộc Cách mạng hoa Cẩm chướng (Oeillets) đã
đánh thức dân tộc Bồ Đào Nha, các nước thuộc địa Mozambique, Angola, Cap Vert, São Tomé,
Đông Timor.. được trao trả độc lập,
Mário Soares Tổng Thống dân sự đầu tiên được bầu ra sau 60 năm
chế độ quân sự độc tài. Năm 1986,
Bồ Đào Nha gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu với hai thập niên phát
triển nhanh chóng, nhờ sự trợ giúp của Liên Hiệp Châu Âu, Bồ Đào Nha
đã thay hình đổi dạng, kinh tế phát triển, hiện đại hóa cấu trúc
kinh tế xã hội, đời sống dân Bồ Đào Nha hoàn toàn thay đổi, tiến đến
gần ngang hàng với các nước Âu Châu khác.
Người
Bồ Đào Nha dân không đông, chỉ bằng một phần mười dân Việt Nam ngày
nay, tài nguyên thiên nhiên không nhiều, trước mặt là biển cả, bị Hồi
Giáo chiếm đóng hơn 4 thế kỷ, nhưng nhờ đâu đã phát triễn mở đầu
thời đại giao thương khắp địa cầu. Trong khi nước ta chỉ biết đánh cá
quanh quẩn đi dọc sông ngòi, theo bờ biển ?. Tinh thần quật khởi
của Bồ Đào Nha đã được nuôi dưỡng bằng thiên trường ca Os Lusiadas,
không chỉ là một tác phẩm văn chương, mà còn là một tác phẩm triết
học mang tính hiện đại đầy những giá trị nhân bản Thiên Chúa Giáo,
được phủ lên dưới hình thức một tác phẩm thi ca cổ đại và thế tục.
Os
Lusiadas (Les Lusiades) gồm 8816 câu thơ, gồm 12 thi ca khúc, so với L
́Enéide có 12 thi ca khúc. Mỗi thi ca khúc có trăm khổ thơ, mỗi khổ
thơ gồm 8 câu. Tôi sẽ chuyển ngữ thành thơ lục bát, sau chuyến đi du
lịch từ nam đến bắc Bồ Đào Nha, qua các thành phố, thăm các di tích
văn hoá lịch sử, các thánh đường, đài điện huy hoàng một thời oanh
liệt, đã cho tôi nguồn cảm hứng, tìm hiểu tác phẩm thi ca vĩ đại dân
tộc này, như một cơ hội để học hỏi thêm, sau khi tôi đã diễn ca thơ
lục bát Odyssée, Iliade của Homère,
Những khúc ca thần diệu của Dante, Tiểu Thuyết Hoa Hồng của Guillaume
de Lorris và Jean de Meun.
Les
Lusiades kể lại cuộc du hành của Vasco de Gama, bằng chính kinh nghiệm
bản thân của Camoẽs sau hơn 17 năm phiêu lưu qua những địa danh Vasco đã
đi qua. Ngay từ Thi Ca Khúc thứ I,
đã đưa chúng ta đến cuộc phiêu lưu Vasco dọc theo bờ biển qua mũi Hảo
Vọng qua phía Đông Phi Châu, lên phía Bắc Ấn Độ Dương cập bến vào
vương quốc Mélinde, ngày nay là Somalie, sau mười tháng hải hành, theo
phong cách ảnh hưởng từ Odyssée và Enéide, người thuyền trưởng Vasco
được vua Mélinde tiếp đón trọng thể như một người bạn. Lời kể trực
tiếp ngôi thứ ba, như trong Odyssée, Ulysse kể chuyện cho vua Alcinoos,
tiếp nối hành trình cuối cùng đưa đoàn thuyền Bồ Đào Nha đi đến
đích Ấn Độ. Tại Calicut trên bờ biển Oman, phía nam bán đảo, Vasco
được tiếp đón bởi Samorin, vua Hindou vây quanh bởi các cận thần theo Hồi Giáo ác cảm với
Thiên Chúa Giáo. Không thể thiết lập mối quan hệ lâu dài, cần phải
có nhiều phái đoàn khác để bảo đảm sự hiện diện lâu dài tại Ấn
Độ. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ là tìm được con đường từ phía nam
sang phương đông, đoàn thuyền Vasco đi
trở về, trước khi vinh quang về đến Lisbonne, tháng tám 1499, hai năm
sau khi khởi hành, thi hào Camoẽs làm sống lại cuộc phiêu lưu thần
thoại Vasco de Gama, trở thành duy nhất trong văn chương thế giới.
Camoẽs đã lồng vào cuộc phiêu lưu lịch sử của Vasco de Gama, những
thần thoại mang tên các vị thần Hy Lạp: thần Vệ Nữ, thần
Téthys,.. pha trộn ít nhiều các tình tiết Odyssée của Homère chuyện
vua Alcinoos, tiên nữ Circé, tiên nữ Calypso, lời tiên tri của Casandre,
lời tiên tri Tethys.
Để
tưởng thưởng các chinh nhân Bồ Đào Nha mệt nhọc sau cuộc phiêu lưu,
thần Vệ Nữ chuẩn bị một cuộc tiếp đón long trọng trong đảo Tình
Yêu, tiếp đón các nhà hàng hải trong quần áo ngắn, hay trần trụi và
ban tặng tất cả mọi hoan lạc. Người đẹp nhất trong các nàng, hoàng
hậu Téthys, thần nữ Biển Cả dìu bước thuyền trưởng đến đỉnh núi,
nàng không chỉ đãi bữa tiệc thịnh soạn mà còn một đêm tình yêu.
Nàng còn tiết lộ lời tiên tri dân tộc chàng, sứ mệnh cai quản toàn
cầu. Rồi với một nghi lễ diệu kỳ, thần nữ đưa chàng vào một nơi bí
mật, vô hình, cho chàng chiêm ngưỡng «bộ máy thế giới».
Một đồ hình vũ trụ thu nhỏ, trong đó có thế giới truyền thống, có
trái đất. Téthys còn chỉ rõ cho người anh hùng. Nơi và định mệnh Bồ
Đào Nha, một dân tộc mới được Chúa chọn. Trong Iliade, Téthys là nữ
thần Biển Cả mẹ của Achille. Camoẽs đã phối hợp Téthys và tiên nữ
Circé đãi tiệc Ulysse..
Lusiades
kể chuyện không theo một tiến trình từ đầu đến cuối, Có nhiều thay
đổi nhận thức, nhịp điệu, quay trở lại phía sau, đôi khi cắt đứt.
Nhất là làm cho sự chú ý độc giả
đôi khi đảo lộn bởi những chương khúc khác biệt, chuyện kể
trong một chuyện kể, như trong các truyện thời trung cổ. Một chuyện
gây xúc động và nổi tiếng nhất, chuyện lịch sử được ghi chép trong
sử sách Ignès de Castro «Hoàng hậu Chết» người tình của
Thái tử Pedro, bị ám sát bởi lệnh vua cha không muốn chàng kết hôn
với nàng. Năm năm sau khi Thái tử lên ngôi vua, chàng đã cho quật mồ
nàng lên đặt ngồi trên ngai phong làm Hoàng hậu và bắt các quan triều
đình nhận lệnh ám sát nàng đến hôn bàn tay và tôn vinh «Hoàng
hậu Chết».
Như
các thiên trường ca Cổ đại, còn có nhiều chuyện khác trong Les
Lusiades, hai chuyện nổi bật gây xúc động trong trí tưởng tượng chúng
ta như những điều cấm đoán người Bồ Đào Nha vượt qua để hoàn thành
sứ mệnh. Lúc đoàn thuyền Vasco de Gama ngày khởi hành để ra khỏi sông
Tage, giữa đám đông đứng dọc bờ sông phía Belem, một nhân vật đáng
kính « ông già Restelo » đã
tiên tri cuộc chinh phục thế giới và khuyên nhủ nên từ bỏ tham vọng
này. Đó là những lời tiên tri chống chủ nghĩa đế quốc Bồ Đào Nha,
có lẽ biểu lộ từ lương tâm nhà thơ Camoẽs, nó bắt nguồn từ cảm
hứng trong thơ Homère, tiên tri Calchas và Casandre..Vài tháng sau khi
thuyền vượt qua Mũi Bão Tố, về sau trở thành Mũi Hảo Vọng, dưới
lốt một con quái vật khổng lồ Adamastor, mà các thần thánh trừng
phạt vì tội nổi loạn, đã hiện ra báo trước cho các thủy thủ, các
hiểm nguy khi vượt qua giới hạn khi vượt khỏi khả năng con người.
Chứng kiến cảnh hoàng hôn đế chế, sự bắt đầu suy sụp của Đế Quốc Bồ Đào Nha, Camoẽs tin tưởng
sự vĩ đại của con người là đi đến tận cùng khả năng có thể, nhưng
cho biết rằng sự kiêu ngạo thái quá có thể đưa đến cái chết của
linh hồn. Sống, hành động, chiến thắng, như điều nói với vị vua
Sébastien vào cuối trường ca là «thách đố với quỷ trong địa
ngục», Camoẽs là người một mình ca tụng sự vinh quang khám phá thế
giới của dân tộc Bồ Đào Nha và đồng thời cay đắng cho sự yếu kém
một nước nhỏ bé, gần như là một sự điên cuồng vượt quá sức mình..
Sự biểu lộ mới mẻ đó cho ta những cảm giác kỳ lạ khi đọc Les
Lusiades.
Tài
năng thi ca của Camoẽs, đã để lại một tác phẩm tuyệt tác trong kho
tàng văn học nhân loại, được Unesco vinh danh thi hào của thế giới.
---------------
NIÊN BIỂU THỜI
ĐẠI CAMOẼS, SỬ THI OS LUSIADAS
VÀ MỐI QUAN HỆ
VIỆT-BỒ
1460-1497 Triều
đại vua Lê Thánh Tông.
1488-1498
Bartolomeu Dias người Âu Châu đầu tiên vượt qua mũi Hảo Vọng vào Ấn Độ
Dương với ba chiếc tàu Caravelle.
1492-1493 Cuộc du
hành đầu tiên Chistophe Colomb người Genois (Ý) với sự chu cấp của Nữ
Hoàng Tây Ban Nha.
1494 Hiệp ước ký
kết giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, 370 dặm phía Tây Cap Vert thuộc về
Bồ Đào Nha, phía Đông thuộc Tây Ban Nha.
1497-1499 Cuộc du
hành Vasco da Gama và người em Paulo, với ba chiếc tàu khám phá ra Ấn
Độ..
1500 Khám phá
chính thức Brésil bởi Perdro Álvares Cabral.
1501 Xây dựng tu
viện Jeróminos. Lập bản đồ Cantino, bản đồ thế giới đầu tiên.
1505-1511 Thành
lập Đế quốc Bồ Đào Nha tại Á Châu. Don Francisco de Almeida được phong
Phó Vương tại Ấn Độ.
1507 Chiếm Ormuz
1509-1515 Afonso de
Albuquerque Toàn Quyền Quốc Gia Ấn
Độ. (Lúc đó Ấn Độ chỉ là nhiều vương quốc nhỏ)
1510 Chiếm Goa
1511 Chiếm
Malacca.
1513 Người Bồ Đào Nha đến Trung Hoa.
1515 Vua François Ier bắt đầu cai trị nước
Pháp.
1519 Fernão de Magalhãs (Migellan) đi chuyến đi
đầu tiên vòng quanh thế giới qua Thái Bình Dương. 265 người đi, chỉ
còn 18 người trở về sau 3 năm.
Charles Quint bắt
đầu cai trị đuổi Luther ra khỏi Saint Empire romain germanique.
1524 Vasco da Gama
được phong Phó Vương trở lại Ấn Độ.
1524 Camoẽs sinh ra tại Coimbra.
1525 Pierre de Ronsard ra đời.
1527 Mạc Đăng Dung tiếm ngôi.
1532 Viện Đại Học Bồ Đào Nha dời từ
Lisbonne đến Coimbra.
1532-1788. Nhà Lê
Trung hưng. Nguyễn Kim khôi phục nhà Lê từ Lào.
1533 Montaigne sinh ra.
1534 Ignace de Loyola lập Dòng Tên tại Paris.
1535 Vua Charles Quint chiếm Tunis. Jacques
Cartier người Pháp khám phá Canada.
1536-1541. Michel
Ange vẽ bức bích họa Ngày phán
xét cuối cùng.
1540 Các tu sĩ
Dòng Tên Jésus đến Bồ Đào Nha.
1542 François
Xavier đến Goa.
1543 Người Bồ
Đào Nha tiếp xúc với Nhật Bản. Cuộc cách mạng khám phá khoa học
Copernic. Nguyễn Kim chiếm lại Thanh Hoá, Nghệ An.
1545 Trịnh Kiểm
chỉ huy các đạo quân phò vua Lê.
1547 Cervantes ra đời.
1547-1548. Camões
làm nghĩa vụ quân sự tại Ceute, bị thương một mắt.
1548 Tomé de Sousa được phong Toàn Quyền tại
Brésil.
1552 Camoẽs bị tù nhiều tháng tại Lisbonne.
1553 Camoẽs sang Ấn Độ.
1557 Thành lập Macao. Camoẽs sang Viễn Đông.
1558 Nguyễn Hoàng làm Trấn Thủ Thuận Hóa. Macao
được triều đình nhà Thanh ký kết trở thành nhượng địa Bồ Đào Nha.
1558 Camoẽs bị
tù tại Goa.
1561 Bản đồ thế
giới đầu tiên được in ra.
1563 Camoẽs in
tại Goa tác phẩm Ode ao Conde do Redondo.
1564 Shakespeare
sinh ra tại Anh,
1567 Comoẽs đến
Mozambique
1568 Bắt đầu
triều đại Dom Sebastião (Sébastien)
1570 Camoẽs trở
về Lisbonne sau hơn 17 năm du hành.
1572 Xuất bản Os
Lusiadas. Vua Dom Sebastião thưởng cho Camões số tiền 15000 réis. Cuộc
thảm sát Saint-Barthélemy giết đạo Tin Lành.
1576 Camoẽs xuất
bản hai tập thơ ngắn.
1578 Vua Dom
Sebastião chết trong trận chiến Ksar-el-Kébiy (Maroc) Hồng Y Don Henrique
trở thành vua Bồ Đào Nha.
1580 Camoẽs mất
tại Lisbonne.
1580 Don Henrique
mất. Tây Ban Nha xâm lăng, Philippe II vua Bồ Đào Nha.
1582 Linh mục
Dòng Tên Matéô Ricci đến Trung Quốc.
1588 Armada thất
trận. Anh phát triển hải lực
1592 Nhà Lê chiếm
lại Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng.
1593 Xiêm La chiếm
Lovek. Chân Lạp suy thoái.
1600 Công ty Ấn
Độ của Anh được thành lập
1601 Công ty Ấn
Độ của Hòa Lan được thành lập.
1611 Nguyễn Hoàng
chiếm Phú Yên của Chămpa.
1612-1614 Sứ quân
Tokygawa Ieyasu cấm đạo Công giáo tại Nhật.
1615 Ba tu sĩ
Dòng Tên Francesco Buzum (người Ý) Diago Carvalho, Antonio Dias (người Bồ
Đào Nha) đáp thuyền buôn Bồ Đào Nha đến Cửa Hàn ngày 18-1-1615.
1617 Tu sĩ
Francisco Pina đến Hội An ông là người đầu tiên nói thạo tiếng Việt.
1618 Tu sĩ Dòng
Tên Christophe Borri giỏi Toán, Thiên văn và Hàng hải đến Đàng Trong ở
Nước Mặn. Năm 1621 trở lại Macao, năm 1623 ông về Goa sau đó về đại
học Coimbra dạy Toán. Ông tác giả
sách Bàn về nghệ thuật đi biển, bằng tiếng Bồ, chỉ dẫn cách
đi Ấn Độ bằng tiếng Ý. Ba tầng trời : khí, hành tinh, thiên khung,
và sách Thiên Văn bằng tiếng La Tinh.
1619 Thành lập Batavia và buổi đầu Hòa Lan
xâm chiếm Java.
1620 Chúa Nguyễn ngừng nộp thuế, đất nước
Đại Việt chia làm hai sông Gianh làm biên giới, chúa Trịnh Đàng Ngoài,
chúa Nguyễn Đàng Trong.
Các tu sĩ Dòng
Tên trong đó có Pina và Christophe Borri soạn thảo một sách giáo lý
chép tay bằng chữ Đàng Trong (chữ Nôm) và chữ quốc ngữ.
1624 Linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes đáp
thuyền buôn Bồ Đào Nha từ Macao (Áo Môn) tới Cửa Hàn (Đà Nắng) sau 19
ngày vượt biển bị bão ở gần đảo Hải Nam. Cư ngụ tại Thanh Chiêm
(Dinh Chàm) thủ phủ Quảng Nam Dinh và học tiếng Việt tại đó.
1625 Francisco Pina cùng một người Việt chèo
thuyền con ra thuyền Bồ Đào Nha lấy các đồ phụng tự bị bão lật
thuyền chết đuối ṭai Hội An.
1627 Chiến tranh
Trịnh Nguyễn lần thứ nhất.
1630 Lệnh cấm
Công giáo đầu tiên.
1637 Thương điếm
của Hòa Lan ở Phố Hiến.
1640-1668 Lập lại
độc lập quốc gia Bồ Đào Nha, sau cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha (1644-1668) duc de Bragance
xưng vương João IV.
1651 Alexandre de
Rhodes xuất bản hai sách quốc ngữ đầu tiên.
1647-1658 Linh mục Dòng Tên Fikippo de Marini đến ở
Đàng Ngoài.
1653 Chúa Hiền
sáp nhập Khánh Hòa.
1658-1663 Lm Dòng
Tên Joseph Tissanier đến ở Đàng Ngoài.
1659 Bento Thiện
viết Lịch sử An Nam.
1672 Thương điếm
của Anh tại Phố Hiến.
1672 Cuộc chiến
thứ bảy và cuối cùng giữa Trịnh Nguyễn.
1677 Cao Bằng
thất thủ, Nhà Mạc chấm dứt.
1729-1734 Khám
phá mỏ vàng và kim cương tại Brésil, kinh tế hưng thịnh, hoàng gia Bồ
Đào Nha giàu có trong nhiều thập niên.
1755 Trận động
đất lớn phá hủy toàn bộ Lisbonne hàng ngàn người chết.
1766 Nguyễn Du ra
đời tại Thăng Long.
1775 Họ Trịnh
chiếm Phú Xuân, họ Nguyễn đại bại.
1776 Tây Sơn chiếm
Gia Định.
1778 Nguyễn Nhạc
xưng Hoàng đế tại Quy Nhơn.
1780 Nguyễn Ánh
xưng Vương tại Gia Định. Hà Tiên sát
nhập lãnh thổ họ Nguyễn.
1786 Nguyễn Huệ
ra Bắc phò Lê diệt Trịnh, tháng 8 rút đại binh về Phú Xuân.
1787. Nguyễn Đăng
Tiến cùng Nguyễn Du khởi nghĩa chống Tây Sơn tại Tư Nông, Thái Nguyên
bị bắt, Vũ Văn Nhậm tha chết cho muốn đi đâu thì đi.
1788-1890 Nguyễn
Du đi giang hồ ba năm trên đất Trung Quốc.
1789 Nguyễn Huệ
lên ngôi vua Quang Trung, chiến thắng quân Thanh tại Thăng Long. Cuộc cách
mạng Pháp.
1790 Sứ bộ Tây
Sơn Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn gặp Nguyễn Du tại Hoàng Châu.
1790-1793, Nguyễn
Du về Thăng Long với anh Nguyễn Nể đang làm quan Tây Sơn, mối tình ba
năm Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
1792 Ngày 16
tháng 9 Vua Quang Trung qua đời.
Nguyễn Nể được lệnh vào Phú Xuân dạy học cho vua Cảnh Thịnh mới lên
mười.
1799 Nguyễn Ánh
chiếm Quy Nhơn.
1801 Nguyễn Ánh
chiếm Phú Xuân, xưng vương Gia Long.
1802 Vua Gia Long
ra Bắc. Nguyễn Du từ Quỳnh Hải đến gặp tại Phù Dung dâng sớ, dâng
ngựa, lương thực được phong Tri huyện tại nơi này.
1804. Gia Long
được nhà Thanh nhìn nhận đặt tên nước Việt Nam.
1807-1808 Napoléon
xâm lăng Bồ Đào Nha. Hiệp ước Fontainbleau chia đôi Bồ Đào Nha bởi Pháp
và Tây Ban Nha.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
CAMÕES. Les Lusiades. Robert Lafont. Paris 1992
ĐỖ QUANG CHÍNH. Lịch sử chữ Quốc Ngữ
1620-1659. Tủ sách Đường Mới. Paris 1985.
GUIDES BLEUS PORTUGAL. Hachette Paris. 2018
GUIDES VERT MICHELIN. PORTUGAL. Paris 2020
*
PHẠM
TRỌNG CHÁNH
Tiến
sĩ Khoa Học Giáo Dục
Địa chỉ: Viện Đại Học Paris Sorbonne.
Email: phamtrongchanh@free.fr
.............................................................................................................
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.10.2022.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét