TẢN
MẠN CHUYỆN ĐI MỸ
*
Bữa
trước, nhân ku Zuck nhắc cái ảnh lại nhớ đến chuyến đi Mỹ hơn 20 năm trước. Năm
2000 tôi được một giáo sư của đại học Wisconsin-Madison mời dự hội nghị khoa
học, sau đó làm việc khoảng 20 ngày. Tiền ăn ở do phía bạn, quỹ khoa học
quốc gia (NSF) đài thọ. Lần đầu đi Mỹ kể cũng có vài chuyện đáng nhớ.
Nước Mỹ – xứ sở thiên đường
Thời
còn sinh viên, Đông – Tây ngăn cách bởi bức màn sắt. Liên Xô, thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa tất nhiên là nhất rồi nhưng đám sinh viên chúng tôi vẫn thầm ngóng nhìn sang
phương Tây với con mắt ngưỡng mộ. Đơn giản vì bên đó có Beatles, có quần bò áo
phông, có nhiều thứ mà bên này không có. Mấy thằng nói với nhau: ở đời chỉ mong
có lần được đến Paris, sờ chân tháp Elfen rồi chết cũng sướng.
Mơ
mãi rồi cũng thành hiện thực. Năm 1993 tôi được tới Paris, ngắm sờ tận nơi tháp
Elfen. Đã gần ba chục năm trôi qua mà vẫn ấn tượng mãi đến giờ. Zời ạ, sao lại
có cái cột điện lại to cao đến thế.
Mà
Pháp chưa là gì với Mỹ! Đỉnh cao phải là Mỹ. Tôi vẫn nhớ bộ phim hài
“Cảnh sát Pháp tai New York”, mấy tay sen đầm Phờ răng xe sang New York
mà ngơ ngơ ngác ngác như nhà quê ra tỉnh, nhìn cái gì cũng lạ.
Giấc
mơ không ai đánh thuế. Đã bõ công mơ thì mơ cho tới số, mơ một lần được đến Mỹ,
xứ sở thiên đường!
Nhưng
để đến chốn thiên đường phải bước qua cửa ải xin visa
Visa Mỹ – một đặc ân?
Thời
đó, xin visa đi Mỹ rất khó, không như bây giờ. Với người Việt lại càng khó, lí
do chắc ai cũng rõ. Báo Nga viết có đến 60% người xin visa bị từ chối. Nhớ lại
cảnh dòng người xếp hàng chầu chực cả chục tiếng, vào được bên trong nộp lệ phí
(50$) xong là bị từ chối tắp lự, chưa đến vòng phỏng vấn. Nhớ những khuôn mặt
đăm đăm vô cảm của mấy tay nhân viên bảo vệ. Rồi việc nhân viên lãnh sự
cố tình cho ngày phỏng vấn muộn, sau ngày hội nghị khai mạc. Khi tôi đề nghị
xin được dịch ngày phỏng vấn lên trước, anh ta tỏ thái độ không quan tâm và sau
đó còn cho số điện thoại và fax rởm để không liên lạc được.
Kể
hết chuyện xin visa thì dài, có nhiều điều không mấy thú vị. Lúc đó, tôi đã
hoàn toàn mất hứng và muốn bỏ cuộc nếu không bị ông bạn Trần Hưng 196 mắng chưa
gì đã đầu hàng. Ừ, Mỹ là thiên đường, phải cố đi một lần cho biết. Nhờ phía ban
tổ chức gọi điện sang can thiệp nên cuối cùng thì mọi việc cũng suôn sẻ.
Trên
tường phòng chờ phỏng vấn có treo dòng chữ: “Tất cả mọi người nộp đơn xin thị
thực đều có tiềm năng sẽ ở lại!”. Chắc họ nghĩ ai đến Mỹ cũng cố tìm cách ở lại?
Tôi
không nghĩ vậy!
Ngủ đêm tại sân bay O’Hare Chicago
Theo
kế hoạch, tôi bay đến Chicago, sau đó mua vé bus đi tiếp đến Madison. Bay
đến nơi, thủ tục biên phòng cũng đơn giản, chỉ tội hải quan kiểm tra đồ
ăn gắt, thu mất khúc giò khô salami vợ chuyển bị cho. Làm xong thủ tục thì trời
cũng đã chiều muộn, không còn bus để đi Madison. Tôi cũng muốn gửi vali lại sân
bay rồi nhảy tàu vào thành phố chơi đêm cho biết nhưng tìm không ra chỗ gửi
hành lí. Hỏi mãi mới biết sân bay đã ngừng dịch vụ gửi hành lí từ một năm trước
đấy. Tôi quen với bên Nga, các sân bay, nhà ga đều có dịch vụ này. Chẳng lẽ lại
lếch thếch vác vali vào thành phố đi chơi đêm? Thế là đành lang thang trong sân
bay rồi kiếm chỗ ngủ vật vờ qua đêm.
Đấy
là hè, tháng 6 năm 2000, một năm trước khi xảy ra sự kiện 11 tháng 9 năm 2001.
Hay là nước Mỹ đã linh tính, dự báo chuyện xấu có thể xảy ra nên đề phòng trước?
Đôi vợ chồng già giáo sư Mỹ
Sáng
hôm sau tôi mua vé bus đi Madison. Đi từ sân bay Chigago đến Madison mất hơn 3
tiếng. Ngồi xe, ngắm cảnh 2 bên đường nên cảm thấy cũng không lâu. Đến nơi,
muốn bắt taxi về khách sạn mà mãi không thấy có xe để bắt. Đang loay hoay chưa
biết làm thế nào thì có đôi vợ chồng già người Mỹ lại gần hỏi: anh cần gì,
chúng tôi có thể giúp gì cho anh? Tôi trả lời là muốn đi đến khách sạn mà chưa
biết gọi taxi thế nào? Ông bà nói khách sạn không xa, có thể đi bộ và sau đó họ
dẫn tôi về khách sạn. Nói không xa nhưng hóa ra cũng hơn cây số. Chúng tôi đi
theo con đường nhỏ dọc ven hồ, dưới những lùm cây, vừa đi vừa nói chuyện. Qua
nói chuyện mới biết ông bà là giáo sư của trường đại học Wisconsin –Madison và
đã nghỉ hưu. Ngoài cặp, tôi còn mang theo một vali nhỏ, không bánh xe, không
tay kéo. Đôi lúc ông chồng còn tranh đòi xách hộ vali.
Đến
Madison, trong lòng nước Mỹ, tôi thấy mọi người đều cởi mở, thân thiện. Hình
ảnh nước Mỹ ở đây khác hẳn với cái hình ảnh khi tôi vào sứ quán Mỹ tại Moscow
xin visa.
Cảnh sát Pháp ở New York
Đây
không hẳn là chuyện anh chàng nhà quê từ Moscow ra thành phố nhỏ Madison dân số
có vài trăm nghìn người, ngơ ngơ ngác ngác, nhìn cái gì cũng hoa mắt. Tuy
nhiên, khi đến một vùng đất mới, tiếp xúc một nền văn hóa mới đôi khi cũng dễ
vấp phải những trải nghiệm bất ngờ nho nhỏ gợi nhớ đến mấy chàng sen đầm Pháp
trong phim Cảnh sát Pháp ở New York với sự tham gia của danh hài Louis de Funès.
Vẫn
nghe nói là người Mỹ ăn mặc tự do, không tề chỉnh như nhiều nước khác
nhưng nghĩ đi hội nghị thì cũng nên ăn mặc chỉnh chu nên tôi đóng bộ comple, cà
vạt nghiêm chỉnh. Nhập khách sạn thứ 7, thứ 2 mới bắt đầu hội nghị, tôi có hơn
một ngày tự do. Lang thang đi dạo quanh trường, bắt tay bắt chân, ô ô ê ê làm
quen với một vài đồng nghiệp đến dự hội nghị ở cũng khách sạn. Để ý không thấy
ai mặc comple nên tôi thay đồ, chuyển sang quần sóc, áo cộc tay như đi du lịch.
Hội
nghị bắt đầu từ thứ 2, trưa giải lao mấy người rủ nhau đi dạo phố, tìm chỗ ăn
trưa. Trong khi ăn mọi người làm quen, tự giới thiệu về mình. Khi tôi kể mình
là người Việt, đến từ Nga thì hai ba cô tranh nhau nói: ô, chúng tao nhận ra
mày, hôm kia khi đến khách sạn mày mặc bộ comple.
Hoá
ra mình cũng được khối cô để ý, haha.
Người Việt ở Mỹ
Ngày
trước có người dọa sang Mỹ cần cận thận vì người Việt bên đó không ưa dân nói
giọng bắc, lơ mơ không phải đầu cũng phải tai. Hóa ra không phải vậy. Những
người tôi gặp đều tỏ ra thân thiện, tuy họ chưa thể đại diện cho tất cả.
Gần
khách sạn tôi ở có một cặp vợ chồng bán đồ ăn nhanh: hot dog, sandwich, cơm
hộp,… Một đôi lần tôi mua đồ ăn của anh chị rồi quen nhau. Anh chị kể: lúc đó
có phong trào vượt biên, họ cũng theo mọi người ra đi bằng đường biển. Bây giờ
nghĩ lại thấy thật kinh hoàng, có cho bao nhiêu tiền cũng không dám đi lại. Bão
biển, đói khát, cướp biển, hầu như nhà nào cũng có người chết. Sang đến Mã Lai,
nhập trại tị nạn cuộc sống cũng vô cùng khổ, bệnh tật,.. may cuối cùng
cũng đến được Mỹ. Tôi hỏi: tại sao lại đi, anh chị có dính với chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa? Trả lời: không, chúng tôi nông dân, lúc đấy khó khăn, thấy mọi
người đua nhau đi chúng tôi cũng bỏ nhà bỏ cửa ra đi.
Sang
Mỹ, trình độ không có nên khó hội nhập. Anh chị được cái chăm chỉ, mấy chục năm
ngày nào cũng như ngày nào, cứ tờ mờ sáng là đánh xe đưa đồ đi bán hàng, tối về
cơm nước xong lại lụi hụi chuyển bị cho ngày hôm sau. Thấy bảo mỗi tháng thu
nhập cũng được vài nghìn, không giàu nhưng cũng đủ sống và nuôi con ăn học.
Tôi
cũng chẳng biết, với anh chị, cuộc đánh đổi này là được hay mất? Thôi thì, ít
ra cũng hi sinh đời bố, củng cố đời con, đời F1 vất vả, các đời sau F2,
F3 sẽ khá hơn.
Có
một chủ nhật, tôi theo cậu người quen đang học thạc sĩ theo học bổng Fulbright
đến thăm một gia đình người Việt. Hôm đó, anh em, con cháu kéo nhau về tụ tập.
Mọi người đánh cờ, nướng thịt, tán chuyện.. Tụi trẻ con toàn nói bằng tiếng
Anh. Ông bố (em của gia chủ) nhắc ở đây toàn người Việt các con phải nói tiếng
Việt. Ông con cãi lại: “I am American” (tôi là người Mỹ). Ông bố bớp tai ông
con nói: “Mày mắt đen mũi tẹt, là người Việt Nam, Mỹ gì mà Mỹ”.
Tôi
có cảm giác giữa các thế hệ người Việt, tuy ruột thịt nhưng bắt đầu có sự xa
cách vì khác biệt văn hóa.
Hồ Chí Tình
Ở
Madison có một người Việt rất đặc biệt. Anh tên Tình nhưng mọi người gọi
là Hồ Chí Tình. Họ gọi như vậy vì anh như Triệu Tử Long, một ngựa một thương …
đứng ra bảo vệ Hồ Chí Minh trên đất Mỹ. Ai động đến cụ Hồ là anh mắng, anh
chửi. Mà anh là người tàn tật, 2 chân bị liệt, đi lại nhờ cái xe điều khiển
bằng tay. Tôi đến chơi nhà anh, căn hộ trong dãy nhà một tầng ngay sát bệnh
viện. Anh sống bằng tiền trợ cấp. Xe, nhà cũng do nhà nước Mỹ cấp. Thấy bảo
chính quyền cấp nhà ngay sát bệnh viện là để khi ốm đau, bệnh tật cho tiện. Nhà
nước Mỹ thế là khá là nhân đạo.
Anh
kể:
Trước
30 tháng tư anh có đi lính, lính văn phòng chứ chưa từng ra trận. Sau 30 tháng
4 anh bị đi cải tạo một thời gian rồi trả về địa phương. Vì có chút trình độ
văn hóa nên được tuyển dụng làm chân tòng teng, phục vụ trong hội đồng
nhân dân xã. Theo trào lưu anh đi vượt biên. Ngoài những nguy hiểm, đói khổ
chung của người vượt biên anh còn bị mọi người tẩy chay, hành hạ, vì nghĩ anh
là người của chính quyền cài. Khi ở trại tị nạn, có lần anh bị đánh vào chỗ
phạm làm 2 chân bị teo dần rồi liệt hẳn. Anh nói, đời tôi khổ vì quân đỏ coi
mình là quân xanh, quân xanh lại tưởng mình là quân đỏ.
Sang
Mỹ vì bệnh tật, cũng chẳng có chuyên môn nên sống hoàn toàn bằng trợ cấp, không
giàu nhưng cũng đủ sống. Trước đây anh không thích, thậm chí căm ghét chính
quyền trong nước. Một lần liều về Việt Nam, khi quay lại anh nói: ở nhà giờ
thay đổi dữ quá, về nhà sướng quá trời. Cũng dễ hiểu, ở bên Mỹ, chỉ sống bằng
tiền trợ cấp chắc cũng phải tằn tiện. Về VN được tiếng là Việt kiều Mỹ,
cũng đồng tiền đó tiêu pha thoải mái, làm gì mà chẳng sướng. Sau đó hàng năm
anh hay về dài dài.
Từ
dạo hay về Việt Nam quan điểm anh thay đổi hẳn. Chẳng hiểu vì lí do gì mà anh
trở nên thần tượng Hồ Chí Minh. Ai nói động gì đến Hồ Chí Minh là anh mắng, và
đứng ra bảo vệ.
Mọi
người kể: có một tay cựu chiến binh Mỹ, ngày trước bị bắt giam mấy tháng sau
được trao trả tù binh. Hàng năm, cứ đến ngày bị bắt anh ta lại ra trung tâm
thành phố, dựng chuồng cọp, cởi quần áo rồi bôi màu biến mình thành con thú bị
nhốt. Xung quanh là khẩu hiểu chống Việt Nam. Hồ Chí Tình hỏi: tại sao mày
chống Việt Nam? Trả lời: tao bị Việt Cộng bắt, nhốt và hành hạ. Hỏi: tại sao
mày bị bắt? Mày đến Việt Nam làm gì để bị bắt? Trả lời: tao được quân đội điều
động đến Việt Nam. Hồ Chí Tình: đấy, vì mày đến nước tao bắn giết nên mới bị
như vậy. Phải tao, tao bắn chết bỏ chứ còn mạng sống quay về là hồng phước của
Chúa, mày còn kêu ca cái gì? Mày cứ thử đến Việt Nam du lịch xem dân tao nó có
làm gì mày không, đối xử với mày như thế nào? Sau lần đó, người cựu chiến binh Mỹ không
một lần nào diễn ra cái trò phản đối Việt Nam nữa.
Trong
một lần về Việt Nam, anh có đón một cô nông dân nghèo Đồng Tháp sang. Cô biết
hoàn cảnh của anh, anh biết hoàn cảnh của cô. Hai người thỏa thuận với nhau rõ
ràng, anh đón cô sang Mỹ, cô chấp nhận làm bạn đời của anh. Hai người cưới xin,
thành vợ thành chồng. Đến chơi nhà anh, tôi hỏi: chị đâu rồi? Anh nói: nó theo
thằng Mẽo rồi. Hỏi ra thì biết ban đầu chị chấp nhận nhưng sau khi xong giấy
tờ, có quốc tịch, chị bỏ anh đi theo thằng Mẽo.
Âu
cũng là mỗi người một số phận.
Cặp vợ chồng già chơi chim
Tôi
có gặp một cặp vợ chồng già người Việt, ngày ngày ngồi bên hồ bẻ bánh mì, ném
vụn bánh cho chim ăn. Một lần đi ngang qua, tôi có chào hỏi và nói chuyện
với ông bà. Từ đó về sau cứ thấy tôi là ông bà lại bám lấy nói chuyện, không
muốn cho đi. Ông bà bảo con nó đón sang nhưng bận đi làm cả ngày, tiếng thì
không biết, TV xem chẳng hiểu, chẳng biết nói chuyện với ai. Buồn quá, cả ngày
ra hồ ngồi cho chim ăn. Đòi về Việt Nam thì con nó thương không muốn cho về, cứ
hứa sẽ đưa đi nơi này nơi nọ mà bận đã đi được đâu. Chúng tôi ở nhà sung sướng,
có hàng xóm, có bạn bè chứ sang đây khổ quá trời, chẳng biết nói chuyện với ai.
Chúng tôi bị lừa cậu à.
Tôi
cứ nghĩ, con cái nhiều khi phải mưu sinh nên không có điều kiện chăm sóc cha mẹ
lúc tuổi già một cách chu đáo. Đó cũng là cái khắc nghiệt của cuộc sống hiện
đại, đến lượt mình chắc rồi cũng phải hiểu và làm quen với nó.
Bà Ladynsky, người giáo sư Mỹ hết lòng vì
Việt Nam
Nói
đến người Mỹ ở Madison không thể không nhắc đến bà Judith Ladynsky. Trước
khi đến Mỹ tôi không biết và chưa từng nghe tên bà. Đến Madison, nghe
người Việt kể và ca ngợi về bà. Hiếm có người nào yêu và giúp đỡ Việt Nam nhiều
đến như vậy. Bà đi quyên tiền đưa sang Mỹ chữa chạy rất nhiều trẻ em Việt
Nam bị bệnh máu trắng. Đây là căn bệnh ung thư hiểm nghèo, chi phí chữa trị vô
cùng đắt đỏ, nhất là ở Mỹ. Sau này đọc báo tôi mới biết thêm về bà và
những đóng góp nhân đạo vô cùng to lớn cho Việt Nam. Theo nguyện vọng, khi mất
bà được an táng tại Việt Nam, mảnh đất nơi bà không sinh ra nhưng đã gắn bó nó
bằng tình yêu vô bờ bến của mình.
Cảm
ơn Chúa đã sinh ra bà, một trái tim vô cùng nhân hậu.
Come back home, sự cố tại sân bay O’Hare
Chicago
Bắt
đầu quen với cuộc sống yên bình của Madison thì cũng là lúc kết thúc chuyến
công tác. Tạm biệt Madison tôi quay lại Moscow. Lại đi bus về sân bay Chicago.
Xe đến nơi còn thời gian hơn nửa ngày nên tôi quyết định vào thành phố đảo qua
cho biết. Tôi xách va li, đi tàu từ sân bay vào downtown, trung tâm thành phố.
Thời gian ít nên không kịp tìm hiểu và thăm thú gì nhiều. Nói chung cũng chẳng
có gì đặc biệt ngoài các nhà chọc trời không phải là niềm đam mê của tôi. Quan
trọng là kiếm được một quán Việt Nam tử tế, ăn xong kiếm chỗ ngồi nhâm
nhi cà phê ngắm phố phường.
Chuyến
đi Mỹ tưởng xong, mọi việc kết thúc tốt đẹp thì xảy ra một sự cố bất ngờ. Khi
đi qua cửa an ninh, tự dưng chuông réo, ba bốn tay an ninh như từ dưới đất mọc
lên, ập tới rất nhanh. Ông mang cái gì trong cặp? Trong cặp tôi chỉ có đựng tài
liệu, mấy cái bài báo khoa học…. Họ lục cặp, xem bên trong, sờ sờ nắn nắn rồi
kéo khóa túi ngách bên ngoài lôi ra một con dao sắc nhọn. Thế cái gì đây?
Tôi ngơ ngác, không hiểu chuyện gì, tại sao trong cặp lại có dao?. Sau một hồi
định thần mới chợt hiểu là vì quá yêu chồng (sic) nên trước khi đi bà vợ chu
đáo, đút luôn cả dao dùng để cắt salami và mở đồ hộp mang theo mà quên không
nói cho chồng biết. Tôi giải thích sự tình, nói là đi hội nghị khoa học,
bla bla. Họ bật máy, bàn gì với nhau một lúc rồi quyết định cho tôi đi, dao thì
vứt vào thùng rác. Hú hồn!
Cũng
may chuyện xảy ra vào năm 2000, chứ mà lùi lại một năm sau sự kiện 11-9-2001
thì có lẽ giờ này đang còn đọc thơ trên đất Mỹ.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 2l
.
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của
Đặng Xuân Xuyến:
*.
BORISTO
NGUYEN
(tên
thật: Nguyễn Hùng Phong)
Địa chỉ: Thủ đô Moscow,
Cộng
Hòa Liên Bang Nga.
.............................................................................................................
-
Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 13.03.2022.
-
Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét