MỘT BÀI VIẾT KÌ QUẶC CỦA CHUYÊN GIA DỊCH THUẬT NGÔ TỰ LẬP - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment

 

MỘT BÀI VIẾT KÌ QUẶC CỦA

CHUYÊN GIA DỊCH THUẬT NGÔ TỰ LẬP

*

(Tác giả Chu Mộng Long)

Tôi biết ông Ngô Tự Lập với tư cách là chuyên gia dịch thuật, từng dịch cả những sách học thuật về lĩnh vực văn chương, triết học. Nhưng rất bất ngờ khi đọc một bài viết khá kì quặc của ông về câu chuyện dạy học văn ở phổ thông. Và cũng rất bất ngờ khi nhiều giáo sư, nhà giáo bị xỏ mũi bởi một bài viết bịa đặt và rất thiếu hiểu biết đến mức tối thiểu.

Tôi mượn từ "kì quặc" của bạn Lê Huy Bắc trong còm sau bài của ông Ngô Tự Lập được Phó Giáo sư Đoàn Lê Giang chia sẻ.

Chưa nói, trong toàn bộ bài viết, ông Ngô Tự Lập không có một dẫn chứng nào về sách giáo khoa phổ thông, rằng trong đó "toàn dạy lý thuyết văn học", chỉ mỗi tiêu đề "Tội lỗi của lý thuyết" (đã giết chết môn văn), đủ thấy ông không hiểu gì về lý thuyết lẫn sách giáo khoa phổ thông.

Lý thuyết (Theory) là hệ thống tri thức được đúc kết, khái quát từ thực tiễn trải nghiệm và nghiên cứu của những bộ óc khai sáng. Với tính chất ấy, tôi đố ông, môn học nào không cần lý thuyết? Toán học không cần lý thuyết, cứ đếm tiền bằng cộng tới như mấy bà hàng xén? Vật lý học không cần lý thuyết, chỉ cần quan sát trực quan các loại vật chất? Hóa học không cần lý thuyết, chỉ cần dùng mũi ngửi, lè lưỡi liếm là biết chất gì? Sinh học không cần lý thuyết, chỉ cần kinh nghiệm trồng cây và ăn quả như ông dẫn chứng trong bài là "đủ thú vị"? Nếu chỉ cần như vậy, nhân loại sinh ra nhà trường để làm gì?

Nếu đọc hiểu văn học một cách cảm tính như ông nghĩ, thì ngoài đời, cả người biết chữ lẫn không biết chữ có thể đọc văn, nghe văn và tán văn giỏi hơn giáo sư đấy!

Ông nhấn mạnh phê bình văn học bất cần lý thuyết, khác nào xem giờ học trong nhà trường giống như cái bữa cỗ ở nhà quê với mấy ông uống rượu ngồi quây quần tán nhảm văn chương. Thì đấy, hiện học văn theo phương pháp "khăn trải bàn" mà ông Thống ông Thuyết chủ trương, về hình thức, có khác gì thay mâm cỗ bằng tờ roki cho học sinh ngồi tán nhảm vào đó gọi là thảo luận, hợp tác nhóm?

Ngày xưa, người bình văn có học khác hoàn toàn với kẻ vô học tán văn. Khác ở chỗ có lý thuyết và không lý thuyết, tức bình trên một nguyên lý hay hệ hình thẩm mỹ và tán tùy tiện vô tội vạ. Các sách bình văn cổ điển ở phương Đông đều dựa trên nền tảng Kinh Dịch, các học giả tên tuổi như Lưu Hiệp, Dương Hùng, Thánh Thán, Viên Mai, Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Phan Huy Chú... đều lấy Âm Dương luận để bình. Kinh Dịch là lý thuyết về vũ trụ lẫn nhân sinh, kể cả lý thuyết về thẩm mỹ, về văn chương đấy.

Câu Goethe mỉa mai "lý thuyết chỉ là màu xám" ông có hiểu đó là lý thuyết gì không? Loại lý thuyết tù mù, lỗi thời, bất cập thực tiễn chứ không phải là tất cả lý thuyết, ông ạ. Ở ta, những lý thuyết về "phản ánh hiện thực", "tính giai cấp", "tính Đảng"..., mới chính là cái thứ "màu xám" đầy "tội lỗi" từng nhét vào đầu bao nhiêu thế hệ nhà văn lẫn học trò làm cho văn chương chẳng còn ra văn chương, sao ông không dám động đến?

Trừ loại giáo sư dạy lý thuyết bằng áp đặt chủ quan hoặc nói ba hoa sáo rỗng trên trời dưới đất, tôi đảm bảo, người có tri thức và thực tiễn sống động sẽ dạy lý thuyết cực hay, hấp dẫn và sâu sắc chứ không phải "nhạt nhẽo" như ông từng học.

Trong chương trình học văn từ xưa đến nay, từ cuối cấp trung học cơ sở đã có tập làm văn nghị luận, nếu không có lý thuyết với hệ thống khái niệm hay thuật ngữ làm công cụ, có khác gì biến thầy và trò thành anh mù cầm gậy? Và kết quả ở ta lâu nay, dạy học văn cứ như anh mù cầm gậy thật, lẽ nào ông không biết? Đó là lý do ai cũng có thể thành giáo sư văn học và có vô số người không học được gì thì bèn theo học văn. Môn văn không chết vì đội ngũ này mới là chuyện lạ.

Tôi khẳng định với ông, sách giáo khoa phổ thông từ trước cho đến sau mấy lần đã cải cách và đang cải cách, thực sự chẳng có lý thuyết nào đáng được gọi là "lý thuyết văn học" được đưa vào trong đó cả. Thay vì giảng văn tán nhảm ba hoa chích chòe hoặc chẻ sợi tóc làm tư trong các sách cũ, từ Chương trình 2000 đến Chương trình 2018, người ta đưa "Đọc hiểu văn bản" (coi trọng văn bản hơn học văn học sử về giai đoạn, tác giả và tác phẩm tiêu biểu), không có nghĩa là đưa vào đó lý thuyết với tư cách là hệ thống tri thức văn học đúng nghĩa. Sách giáo khoa 2018, lần đầu tiên có một ít tri thức trong mỗi chủ đề, nhưng chỉ là rất sơ lược về các khái niệm của thể loại; về tự sự thì có ngôi kể chuyện, nhân vật, tình huống, cốt truyện, tình tiết; về trữ tình thì có cấu tứ, hình ảnh, hình tượng thơ... Mỗi phần chỉ có mấy dòng sơ lược, thậm chí rất mơ hồ, chưa đủ để học sinh nắm khái niệm làm công cụ và phương pháp tiếp nhận văn học. Trọng tâm chỉ có văn bản và văn bản, không thể nói lý thuyết là "tội lỗi" làm cho môn văn trở nên khô khan, sáo rỗng như ông đã bịa đặt.

Không tin ông cứ mở sách ra xem, trọng tâm của sách giáo khoa cũ lẫn mới vẫn luôn là các văn bản, từ các áng văn kinh điển cổ trung đại đến các văn bản chắp vá trong thời hiện đại, cùng với một hệ thống câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu, cảm thụ văn bản rất rời rạc và vụn vặt. Nếu có yêu văn, người ta không yêu chính văn bản do tác giả đẻ ra thì yêu cái gì? Dạy học văn, không dạy học văn bản mà chỉ mượn văn bản khoe tiểu sử, sự nghiệp để khoe danh ông nhà văn, kể cả chuyện bếp núc của nhà văn như ông từng học trước đây thì có nhảm nhí không?

Ông hiểu sách Nghệ thuật như là thủ pháp của Shklovsky, rằng các nhà hình thức luận xem văn bản là thứ hình thức trống rỗng, vô hồn à?

Tôi dám chắc với ông, cái sự hay hay dở đều nằm ở văn bản. Toàn bộ đời sống văn học, bao gồm tác giả, bối cảnh lịch sử, xã hội, kết tinh ở văn bản. Tôi chưa nghe có ai nói, văn bản là "vô hồn: không còn lịch sử nữa, không còn xã hội nữa, không còn tác giả nữa, và cả người đọc cũng không còn". Lẽ nào ông nghĩ văn bản là cái trang giấy trắng, không có chữ, để "Môn Văn bị buộc phải trở nên là nhạt nhẽo"? Theo tôi, có thể, các văn bản trong sách giáo khoa gần đây, nhất là các văn bản đương đại "nhạt nhẽo" thật, thậm chí không phù hợp với lứa tuổi, sai kiến thức, vô bổ, phản cảm, nhưng không phải vì thế mà cho rằng, chính văn bản hay chính lý thuyết đã làm cho môn văn trở nên nhạt nhẽo và chết!

Văn bản văn học tự nó đánh thức toàn bộ thực tiễn sống động của sáng tạo văn học, kể cả thực tiễn tiếp nhận, ông lại đồng nhất với "lý thuyết màu xám", có kỳ quặc không?

Tôi không thể hiểu nổi, ông đã học ở đâu ra, rằng "đọc hiểu văn bản" chính là học lý thuyết? Lẽ ra, ông nên phê phán hệ thống câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu văn bản trong sách giáo khoa toàn là lý trí khô khan, vụn vặt, lẩn quẩn với những: Văn bản thuộc thể gì, nội dung đoạn văn nói về cái gì, chỉ ra ngôi kể chuyện trong truyện, cấu tứ hay hình ảnh của bài thơ, chỉ ra biện pháp tu từ... mới đúng. Đọc văn bắt đầu từ rung động của trái tim, những gì nhà văn miêu tả có tác dụng giáo dưỡng tâm hồn trẻ, nhưng những nhà làm sách đã biến người học thành đồ tể mổ văn theo cách của họ. Rồi ba cái thứ phương pháp của khoa học tự nhiên, của phòng thí nghiệm như "khăn trải bàn", "tay nặn bột", người ta đã áp đặt cho dạy học văn, đó mới là lý do giết chết môn văn.

Thời ông học văn, do nghèo về sách văn học, nghe thầy giáo tán nhảm hay ba hoa chích chòe thấy hay, thấy thú vị. Điều này cũng giống như tôi thời trẻ con ngồi hóng hớt các cụ nhà quê tán văn để khoe chữ, làm dáng mà cũng thấy hay hay. Đói thì ăn cơm nguội cũng thấy ngon. Chứ bây giờ, thế hệ trẻ giàu đủ thứ thông tin và giải trí, nếu thầy vẫn tán nhảm, ba hoa chích chòe, đố đứa nào nghe, trừ những đứa u mê hoặc tâm thần!

Nghe ông giảng "lý thuyết văn học bắt đầu từ Shklovsky xuất bản tiểu luận "Nghệ thuật như là thủ pháp" (1916)" rồi cho lý thuyết mới chỉ tràn vào Việt Nam sau đổi mới 1986, tôi không khỏi bật cười. Ông phê bình chuyên gia thi pháp học Trần Đình Sử và đồ đệ của ông Sử lạm dụng thi pháp học ném vào sách giáo khoa cải cách bắt học sinh phổ thông phải học như một nhà nghiên cứu thì có thể nghe được. Còn nói lý thuyết văn học bắt đầu từ chủ nghĩa hình thức Nga là hoàn toàn tào lao, múa rìu qua mắt thợ. Những Thi học (Poetica) của Aristotle, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp... nổi tiếng từ thời cổ đại không phải là lý thuyết sao? Kể cả trước Chủ nghĩa hình thức Nga từng có vô số sách lý thuyết với những trường phái khác nhau, hệ hình mỹ học khác nhau, cớ sao lý thuyết văn học cứ phải là lý thuyết về hình thức? Ngay ở Việt Nam, trước các sách thi pháp học của Trần Đình Sử, giáo dục Việt Nam chưa hề có lý thuyết văn học ư? Khi nào ông sang gặp lão sư Phương Lựu hỏi thử, có phải Việt Nam mới có lý thuyết văn học kể từ khi ông Trần Đình Sử mang thi pháp học về không nhé!

Ngay cả quyển sách như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm ra đời từ đầu thế kỉ 20, học sinh phổ thông đã phải tiếp cận với lý thuyết cơ bản trước khi đọc hiểu văn bản rồi đấy ông ạ!

Và ông thử ngó sang một chút sách miền Nam trước 1975 xem, có lý thuyết văn học không? Đủ các loại lý thuyết hiện đại của thế giới, hiện đại hơn cả món thi pháp học Trần Đình Sử, ông nhé.

Tôi mách thêm cho ông rõ, ở phương Tây, sau chủ nghĩa hình thức còn có rất nhiều lý thuyết khác, như Chủ nghĩa cấu trúc, Kí hiệu học, Hiện tượng luận, Phê bình mới, Phân tâm học, Lý thuyết đối thoại, Liên văn bản, Giải cấu trúc, Diễn ngôn v.v....

Hiện tôi đang mong giáo dục Việt Nam cập nhật đa lý thuyết chứ không chỉ độc tôn mỗi thứ thi pháp học hình thức theo "trường phái Trần Đình Sử". Tất nhiên, đối với giáo dục phổ thông, không nhất thiết bắt trẻ phải học lý thuyết như một nhà nghiên cứu, nhưng cũng không thể kéo dài mãi tình trạng thầy giáo như anh mù cầm gậy hướng dẫn trẻ em quờ quạng trong mớ tán nhảm rối rắm như bị tâm thần. Lý thuyết văn học ở phổ thông là những tri thức và công cụ cần thiết cho cảm thụ và đọc hiểu phổ thông, từ cảm thụ, đọc hiểu đến biết thực hành văn bản như những môn học khác. Khiếm khuyết lý thuyết mới là tội lỗi, ông Lập ạ!

Tình trạng mù lý thuyết trong đa số giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo, kéo theo làm cho học sinh học văn, làm văn như đứa mù rồng rắn theo đuôi đứa mù mới là điều đáng báo động chứ không phải bản thân lý thuyết là đối tượng cần phê phán.

Có phê phán lý thuyết, mong ông phê phần Tiếng Việt thì đúng hơn. Hiện nay ở phổ thông, trong lúc dạy học văn như anh mù cầm gậy, đúng hơn là như anh đồ tể mổ văn, thì dạy học tiếng Việt cứ như một nhà nghiên cứu ngôn ngữ chuyên nghiệp chứ không phải để sử dụng tốt tiếng Việt. Các nhà soạn sách phần tiếng Việt ngay từ cấp tiểu học đã đưa vào sách giáo khoa tất cả tri thức cao cấp của bộ môn ngôn ngữ học, từ âm vị học đến ngữ âm học, từ vựng học, từ ngữ pháp cấu trúc đến ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học, phong cách học..., trong đó toàn những thứ không cần thiết, rắc rối đến mức càng học càng... sử dụng sai tiếng Việt.

Cái đáng phê phán thì ông không phê phán, trong khi lại nhè vào lý thuyết với sự kết tội một cách kỳ quặc. Kỳ quặc nhất là ngay từ đầu bài viết, ông hót Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, rằng "vấn đề “văn mẫu” mà gần đây Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn kêu gọi xóa bỏ, cũng chỉ là một trong những hệ quả của sự sùng bái lý luận văn học mà thôi". Không biết ông Nguyễn Kim Sơn có nhận ra râu ông nọ cắm cằm bà kia trong cái lập luận vuốt đuôi trên không? Thưa ông Lập, văn mẫu không hề có liên quan gì lý thuyết cả. Văn mẫu là những bài giải mẫu các đề thi văn hoặc soạn văn, toàn những bài viết tán nhảm văn chương như bọn tâm thần nhưng người ta cho là mẫu mực bắt trẻ em phải học thuộc. Tôi có cả đống sách viết văn mẫu, không hề thấy một thứ lý thuyết nào với tư cách hệ thống tri thức văn học cả. Thứ sách viết văn mẫu ấy chỉ là học bài nào biết bài nấy để phục vụ cho các kì thi chứ không phải là tri thức chìa khóa với tư cách là phương pháp và công cụ để tiếp nhận văn học.

--------

Link bài của ông Ngộ Tự Lập. Thật lạ là tờ An ninh thế giới đăng một bài viết kỳ quặc đến mức bịa đặt và thiếu hiểu biết nghiêm trọng.

https://www.facebook.com/ngo.t.lap/posts/10225752159765255

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Các bài viết của (về) tác giả Chu Mộng Long0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*

CHU MỘNG LONG (tên thật Châu Minh Hùng)

Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn

170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,

thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Đinh Dũng ngày 07.02.2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét