TRẦN MẠNH HẢO - ĐÔI CÁNH ĐẠI BÀNG THƠ DÍNH NHÚM LÔNG GÀ - Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức (Hà Nội)

Leave a Comment

 

TRẦN MẠNH HẢO - ĐÔI CÁNH ĐẠI BÀNG THƠ

DÍNH NHÚM LÔNG GÀ

*

(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức)

Giữa “vương quốc thơ hội” bạt ngàn lau lách vườn – ao – chuồng, có cả giải thơ chửi trộm gà bỗng nổi lên một đại ngàn thơ khổ lớn bìa cứng dày 450 trang chạy từ máy in ra, chẳng khác gì một đỉnh cao sừng sững choán mắt đầm lầy thơ lõng bõng mấy câu vần vè quê mùa nhạt nhẽo?! Đó là tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo.

Sau trang bìa là một dòng tuyên ngôn chữ đậm:

“ÔI ĐẤT NƯỚC

ANH ĐÃ YÊU ĐẾN BĂNG HOẠI CẢ ĐỜI!”

Câu này chứng tỏ thi nhân là một cây bút lấy tình yêu đất nước làm gốc của tình yêu. Từ đó gốc ra cành, trổ lá, ra hoa, kết quả cho các tình yêu khác, như nhân dân, đồng đội cùng chiến hào, cha mẹ, vợ - con, bạn bè…

Cây bút Trần Mạnh Hảo không chỉ có thơ, anh còn viết tiểu thuyết, đặc biệt viết phê bình rất mạnh mẽ, đấu với nhiều giáo sư, tiến sĩ ngành văn rung chuyển sông núi… Thi sĩ viết bằng một kiến văn và trí tuệ rất sung mãn. Trần Mạnh Hảo có hai sở trường rất mạnh:

1- Văn chương Việt Nam, ông như “ma xó” dường như cái gì cũng tỏ.

2- Triết học Mác - Lênin, ông từng du học ở Nga, đằm mình sống trong hơi thở của môi trường triết học Mác-Lê.

Trần Mạnh Hảo làm thơ bằng nhiều uy lực của chữ nghĩa, chứ không phải chỉ bằng cảm xúc tự nhiên như hầu hết các cây bút ao chuôm quê nhà. Ngôn ngữ của ông là chiều sâu, là thông tin vượt qua cấp một, đạt đến cấp hai hoặc thứ nhà có đáy. Chẳng hạn ở bài “Tôi mang Hồ Gươm đi”:

Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa

Mà run cho mọi bóng cây nhoà

Mà im im hết nghìn tăm cá

Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa?! (tr.9)

Triết gia tổ phụ Aristote nói: Người bình thường chỉ thấy kết quả, nhưng người hiểu biết thấy từ nguyên nhân. Ông viết câu thơ:

Càng học ít càng buồn

Dù uống nước trong chẳng thấy được nguồn

(Paul Đức dịch từ bách khoa Compton).

Trần Mạnh Hảo thường dùng ngôn ngữ từ nguyên nhân, giản dị như trong bài “Sông Hồng”:

Con mới hiểu biển vì sao khát nước

Triệu năm còn ừng ực uống dòng sông

Vì sao Lạc Long Quân lấy sông Hồng làm đuốc

Soi nước Văn Lang từng bước Tiên Rồng

Con mới hiểu vì sao hạt thóc

Lại mang hình con mắt mỏi mòn trông (tr.14)

Tất nhiên, trước khi yêu đất nước, Trần Mạnh Hảo muốn mang tầm vóc một công dân thế giới với tình yêu phổ quát, như bài “Tự Do”:

Cây tùng bị nhốt ngoài cửa sổ

Chúng ta bị nhốt ở ngoài nhau

Khái niệm tự do làm ta khổ

Hạnh phúc giam cầm nỗi khổ đau (tr.23)

Thi nhân thường có tư duy đằm mình trong những ưu tư để xác định bản ngã cho mình. Bài “Tôi giấu tôi vào đâu”:

Vô ngã là tôi

Tôi là một cùng vũ trụ

Cái toàn thể giấu tôi vào trời

Trời thả tôi xuống đất

Mẹ dùng tình yêu nhặt được

Mẹ giấu tôi vào bụng

Nặng quá không mang nổi

Mẹ đẩy tôi ra cuộc đời… (tr.30)

Tình yêu quê hương của Trần Mạnh Hảo được thể hiện rất hiện thực trong bài khóc Nguyên Hồng:

Những nhân vật của anh

Người làm đĩ vẫn còn làm đĩ

Người ăn cướp vẫn còn ăn cướp

Người căm thù thì vẫn căm thù

Người yêu nhau thì vẫn yêu nhau

Không có anh dìu dắt

Những nhân vật của anh rồi biết về đâu (tr.48)

Trần Mạnh Hảo thương nhớ đồng đội mình không còn sau cuộc chiến:

Để sống dậy cuộc chiến tranh khói lửa

Đồng đội ơi xin vuốt mắt từng người

Xin nắm bàn tay chưa từng ôm bạn gái

Để biết vì sao mình lại ra đời

(Cuộc chiến tranh khôn nguôi, tr.228)

Rồi nhà thơ yêu thời đại của mình trải qua thời bao cấp đói khổ:

Bố ơi!

Đêm qua con mơ thấy mình được ăn thịt

Ngủ đi thằng bé còi xương

Văn chương của bố đồng lương của trời

À ơi khát vọng con tôi

Bao nhiêu người

Ngã xuống rồi

Còn mơ?

(Giấc mơ, tr.231)

Mảng thơ tình, cũng là thơ ái dục, cụ thể hơn là thơ làm tình tinh tế lấp ló chiếm cứ bậc nhất trong thơ Trần Mạnh Hảo, như ông đã tuyên ngôn trong bài “Cám ơn thân xác”:

Không trai gái chẳng còn người

Không em anh chỉ là loài rong rêu

Cám ơn thân xác mỹ miều

Làm gì có thứ tình yêu tinh thần

Khởi đầu nào cũng xác thân

Môi kia mắt ấy xoay vần càn khôn (tr.160)

Và đến thế giới này chỉ để yêu:

Tôi đã đến thế giới này để chết

Để yêu em cho hết mọi lem thèm

Kìa em đã ban cho niềm rên xiết

Không còn gì cho gió miết ghì em

(Đến thế giới này, tr.87)

Hiển nhiên, 450 trang thơ của Trần Mạnh Hảo còn nhiều bài thơ hay về tổ quốc, cha, mẹ, tình yêu, đồng đội, các danh nhân, chúng ta đành bỏ qua không thể trưng ra nổi trong khuôn khổ một bài viết. Giờ tôi muốn bàn đến cái khiếm khuyết trong thơ Trần Mạnh Hảo.

 

1- Trần Mạnh Hảo vẫn có dáng dấp nhà thơ cổ điển, chưa hẳn là một nhà thơ hiện đại tự do.

Chữ “tự do” tôi dùng ở đây không theo nghĩa chính trị mà theo nghĩa lịch sử nghệ thuật. Thời cổ đại, nghệ thuật thường được gọi là “nô bộc” dùng phục vụ cho nhà nước, nhà thờ và nhà giàu. Chẳng hạn, tài năng như Michelangelo hay Rafael… thường chỉ vẽ tranh cho các thánh tích sử của nhà thờ. Nhưng nghệ thuật hiện đại và tự do đã ra đời, từ đó các nghệ sĩ thoải mái được sáng tác theo chủ đề của cá nhân, nó được bình đẳng với các đề tài tôn giáo hay chính thống, mà không bị ức hiếp thành lép vế.

Trong thơ trần Mạnh Hảo đầy rẫy các bài “chào cụ”, gọi đúng hơn là “cúng cụ”, nào Bạch Cư Dị, Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ… rồi các danh nhân của Tây… Tóm lại, ông Hảo chưa khai phóng buông thả tự do hoàn toàn để miễn trừ đóng thuế cho các nhân vật văn hoá hay vùng đất nào đó.

 

2- Phong độ mỹ học thập thò nhấp nhô

Phong độ mỹ học là một cây bút đang viết lớn thì không thể viết nhỏ, đang viết hay thì khó mà dở. Chẳng hạn, các nhà phê bình Anh Quốc phát hiện: Shakespeare viết hay về bi kịch, ông không thể viết hay cả hài kịch?! Và ông đã thuê người viết hài kịch. Trần Mạnh Hảo có hàng trăm bài kiểu tứ tuyệt, chơi thơ, nghịch thơ, nhàn tản thơ, sinh hoạt thơ. Các bài thơ ngắn của Trần Mạnh Hảo hầu hết là những thán từ hay tiếng reo cho khoái cảm ái dục. Một con tầu lớn thì không thể đi vào lạch nhỏ, vì thế phong độ mỹ học của Trần Mạnh Hảo không được đều cho lắm. Thêm một lần nữa chứng tỏ Trần Mạnh Hảo làm thơ theo lối cổ, cứ sống, cứ thở, cứ làm thơ theo kiểu niềm tự hào của người có chữ. Chữ Hán ngày xưa viết ở đâu cũng có người xúm lại xem. Giờ chữ quốc ngữ thì làm gì khó và tự hào đến mức ấy?!

 

3- Chưa thấy đỉnh tháp tâm linh

Triết gia tổ sư Aristote nói: “Thần học là khó nhất, vì các môn học đều có đối tượng cụ thể, còn thần học đối tượng là thần thánh vô hình”. Tôi đọc thấy hình như Trần Mạnh Hảo không có bài nào dâng lên siêu nghiệm tâm linh. Hình như chỉ có hai bài láng máng như bài “Sát Phật”:

Thành Phật phải sát Phật

Gốc bồ đề một mình

Người nhập cùng tạo vật

Diệt diệt mà sinh sinh

Hoặc ở bài “Những cái không nhìn thấy”:

Phật, Chúa không nhìn thấy

Là niềm tin vô biên

Tâm hồn không nhìn thấy

Nơi tình em thôi miên (tr.132)

Có thể nói văn vẻ thế này, nếu thi nhân Trần Mạnh Hảo ở Campuchia thì chưa xây được Ăng-co-vát, ở sa mạc Sahara thì chưa kịp làm tháp Kê-ốp, ở châu Âu thì chưa xong đền thánh Vatican, còn ở Hà Nội thì chưa kịp cơi nới chùa Một Cột lên đỉnh tâm linh? Nơi yếu tố tâm linh của Trần Mạnh Hảo thiếu chiều cao, chính thế mà anh làm quá nhiều thơ tình và những mẩu cảm thán màn the? (thú thực tôi chưa có nổi một bài màn the, kể cả cho cha mẹ, cho vợ hay con)

Trần Mạnh Hảo theo tôi là một cây bút theo chủ nghĩa thế tục. Anh rất yêu đời. Yêu tổ quốc, yêu bạn gái của mình theo lẽ đời thường, ái ố hỉ nộ, theo cách tôn vinh những niềm vui khoái lạc. Nhưng thơ của anh chưa trở thành một mảnh đất thánh để cất cánh những giá trị thế tục lên cao. Vì thế tôi mới viết: đôi cánh đại bàng thơ của anh dính nhúm lông gà. Rất mong được anh hào hiệp thể tất!

----------

Facebook: https://www.facebook.com/paulnguyenhoangduc/posts/pfbid0NeNoYv1PXgNhXQspJfVFNVHGNqyNUj2MGRmhkQ8r5ftWZort8PZUQmX2L1cNc2jol

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

ll

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển

(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)

quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com

 

 

 

 

 

..........................................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 30.08.2022.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét