CON NGƯỜI TRẦN DẦN
- MỘT THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ BẤT
LƯƠNG
CỦA NHÓM “NHÂN VĂN”
*
Cuối năm 1956, trong lúc tình hình cách mạng gặp
khó khăn, thì một số phần tử xấu trong giới trí thức văn nghệ, tưởng rằng thời
cơ “làm ăn béo bở” đã đến, vội vã dương lá cờ rách Nhân văn nhảy lên võ đài,
khua môi múa mỏ, với dã tâm, bóp méo, xuyên tạc những khuyết điểm của ta về văn
nghệ, tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng trong văn nghệ, và từ địa hạt văn nghệ,
lan sang các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, bôi xấu, vu cáo toàn bộ sự lãnh
đạo của Đảng, hòng cản trở bước tiến lên xã hội chủ nghĩa của miền Bắc nước ta.
Nói đến những phần tử Nhân văn có đồng chí đã
dùng một hình ảnh rất đúng, là một lũ vắt đói máu đánh hơi thấy bước chân
người, tua tủa ngóc đầu dậy, hi vọng sẽ chiếm lại quyền được tự do hưởng cái
khoái lạc hút máu xa xưa. Trong những mũi nhọn mà bọn Nhân văn chĩa vào sau
lưng Đảng ta, “Con người Trần Dần” – cái gọi là “hồi ký của Hoàng Cầm” – là một
mũi tên vô cùng thâm độc.
Cũng cần nói vài lời về việc thi hành kỷ luật
Trần Dần, mà Nguyễn Hữu Đang – một trong những đầu sỏ Nhân văn – đã “thọc bàn
tay” [1] vào cái hồi ký của Hoàng Cầm, đề lên rất to là “một vụ án văn học” (?)
Trần Dần là một người đã mặc bộ áo của một quân nhân cách mạng, trong kháng
chiến dù được sự giáo dục ân cần của Đảng, Trần Dần đã không gột rửa được tư
tưởng đồi trụy vẫn đâm dây mọc rễ âm ỉ trong đầu óc, không diệt được những thị
hiếu cá nhân đốn mạt do không có điều kiện phát triển chỉ bị ép, bị dồn ứ lại,
đến khi hòa bình lập lại, cậy mình có chút ít thành tích kháng chiến, lại công
khai đứng lên đòi quyền cho những tư tưởng xấu xa, những thị hiếu đê hèn được
tự do “đua nở”, đòi hủy bỏ sự lãnh đạo của Đảng trong văn nghệ. Táo tợn hơn
nữa, Trần Dần chửi bới tổ chức, phá hoại kỷ luật tự giác, là sức mạnh, là lẽ
sinh tồn của quân đội, coi đội ngũ như cái chợ muốn đến lúc nào thì đến, muốn
đi lúc nào thì đi, mà đi thì nhiều hơn đến. Đối với một phần tử xấu như thế,
tất nhiên tổ chức của quân đội phải thấy sự giáo dục là cần thiết là cấp bách.
Sau khi bền bỉ giải thích, giúp đỡ hàng nửa năm trời, Trần Dần vẫn lầm tưởng là
cá nhân mình to hơn vận mạng của quân đội, không những không chịu hối cải mà
còn văng mạng hơn, bừa bãi hơn, hống hách hơn. Tổ chức quân đội cực chẳng đã,
phải dùng đến biện pháp kiên quyết là giữ Trần Dần lại để kiểm thảo trong doanh
trại. Biện pháp ấy cũng rất thông thường và cũng rất nhân đạo, ở chỗ muốn cứu
vớt cho con người Trần Dần khỏi sa vào cạm bẫy của tư sản bảo vệ danh dự và kỷ
luật của quân đội. Tất cả những người trung thành với cách mạng đều công nhận
như thế, đều phải công nhận như thế. Nhưng Trần Dần, và bè lũ Nhân văn sau này
không công nhận như thế! Trần Dần phản ứng bằng cách beo da cổ ra, cứa khẽ vào
ngoài da bằng lưỡi dao nạo râu, “giả vờ” tự tử như gần đây Trần Dần đã tự bộc
lộ trước đông đảo văn nghệ sĩ. Được chữa khỏi, Trần Dần tỏ vẻ hối lỗi hứa hẹn
sửa chữa, hứa hẹn sẽ nói cho gia đình, bạn bè nhận rõ sự ích lợi của việc kiểm
thảo. Nhưng tới thời kỳ Nhân văn thì Trần Dần lại trở mặt và nhập bọn cùng
Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Phan Khôi, Lê Đạt, Hoàng Cầm v.v… đầu cơ chính trị
quanh cái sẹo ngoài da ấy và âm mưu sinh cơ lập nghiệp lên trên cái sẹo ấy.
Từ cái dao vu vạ của Trần Dần, Hoàng Cầm đã thêu
dệt lên những truyện gì và để làm gì.
Ở đây tôi cũng cần nói thêm rằng, nhóm Nhân văn,
thường núp dưới danh nghĩa “đòi tự do sáng tác”, chống lại lối “viết theo chỉ
thị, viết theo đơn đặt hàng” nhưng khi cần đem ngọn bút bỉ ổi của họ để bôi đen
chế độ miền Bắc, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng trong văn nghệ hòng lấp liếm và
đòi quyền tái sinh cho những thú tính đang chồm dậy thì bọn họ sẵn sàng “viết
theo chỉ thị, viết theo đơn đặt hàng” của những âm mưu đen tối, của sự vu cáo
hèn hạ nhất và cái hồi ký: “Con người Trần Dần” không phải là con đẻ của riêng
Hoàng Cầm, mà là đứa con nhiều bố của Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Phan Khôi, Trần
Duy. Họ đã bàn bạc, cắt xén, thêm bớt bịa tạc, sửa đổi – dụng ý biến cô K.
(người yêu của Trần Dần) từ một cô gái không ngây thơ gì thành một thiếu nữ
thùy mị, nết na, đau khổ chịu đựng như một người tử vì đạo, cho người đọc phải
xót thương căm phẫn, dụng ý ví cả cái cục cằn của Trần Dần ra cho “người ta tin”,
dụng ý tả phòng Trần Dần bị giữ kiểm thảo (hiện nay là phòng làm việc của đồng
chí chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) như một ngục thất, có hầm đá và chấn song sắt
để cho người ta thấy chế độ miền Bắc là tàn bạo, cốt sao nêu việc thi hành kỷ
luật Trần Dần thành một “vụ án văn học” đủ ảo não lâm ly, lừa bịp được người
đọc.
Bản thân Trần Dần cũng sửa chữa và thông qua cái
gọi là hồi ký này, hí hửng chắc nó sẽ là một đòn quật lại lãnh đạo.
Nhưng, như chúng ta đều biết, kẻ ngửa mặt lên mà
nhổ nước bọt thì nước bọt chỉ rơi toẹt vào mặt kẻ nhổ. Chân tướng Trần Dần và
cả bọn Nhân văn, nhờ có Nhân văn, chỉ càng ngày càng hiện lộ ra xấu xa bẩn thỉu
tột cùng.
Để làm cho cái việc “trà đạp con người vu cáo”
kia, càng có vẻ nghiêm trọng, theo chỉ thị của bọn đầu sỏ Nhân văn, Hoàng Cầm
phải tô vẽ Trần Dần thành ra một con người hợp với lý tưởng của mình. Nhưng sự
vu cáo của Hoàng Cầm đã quật lại Hoàng Cầm và cả nhóm Nhân văn. Nên con người
thực của Trần Dần, cộng với lý tưởng hóa của Hoàng Cầm, không những không thể
trở thành một con người mới của thời đại chúng ta mà loanh quanh luẩn quẩn rút
cục vẫn lộ ra điển hình của kiểu người xa đọa, yêng hùng rơm, đã bị ngọn gió
cách mạng thổi bay đi khá xa, nay lại ngoi ngóp trở về. Thật đúng câu phương
ngôn: con chó dù cộc cứ ve vẩy là không thể dấu được mẩu đuôi của nó.
Bắt đầu Trần Dần hiện ra dưới “ngòi bút nghệ
thuật bịp bợm” của Hoàng Cầm, thấp thoáng như một mỹ nữ uốn éo sau mành, dấu
không cho người ta thấy hết “vẻ đẹp” nhưng về quan điểm nghệ thuật thì đã khá
rõ cái bộ mặt lạc hậu, phản động:
“Ở bộ đội Sơn La từ đầu năm 1947, nổi tiếng có
một anh Trần Dần nào đó thường vẽ và làm thơ có nhiều cái rất lạ, anh em văn
nghệ xung quanh thì rất thích, nhưng đồn rằng bộ đội thì không hiểu và một số
cán bộ chính trị ở đơn vị thì lấy làm bực mình” .
Hoàng Cầm đề cao Trần Dần bằng “cái lạ”. Nhưng
cái lạ đó thực lạ không? Tôi đã đọc Trần Dần từ cái thuở Dạ Đài, tôi đã được
xem những tranh vẽ anh bộ đội chân tay như chân khổng lồ, đầu bé múp như đầu
chim sẻ. Người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, đã được đọc những bài thơ
sặc mùi Đinh Hùng:
“Ta
từ biển vắng về đây mộng
Giữa
lúc Thăng Long lụi ánh đèn”
(“Cô nàng lịch sử”)
Của Trần Dần trên những tờ báo Nghệ thuật của bộ
đội Sơn La. Thật không phải là những cái lạ, vì nếu ta dở đến những tác phẩm
mốc meo trong kho hàng ế của những trường phái văn nghệ tượng trưng, suy tàn,
siêu thực, lập thể, đa đa trong các nước tư bản hồi đầu thế kỷ thứ 20, ta sẽ
thấy vô số những cái lạ như thế, đang nằm chờ lớp bụi của thời gian phủ lên cho
mồ yên mả đẹp. Nhưng cái nguy hiểm trong dã tâm của Hoàng Cầm là ở chỗ đối lập
ngay văn nghệ với chính trị: Chống lại với đường lối văn nghệ phục vụ chính trị
của Đảng ta “anh em văn nghệ thì rất thích, cán bộ chính trị thì bực mình”. Có
thật “anh em văn nghệ thì rất thích” không? Vì sao mà thích? Ở bộ đội Sơn La
lúc đó có bao nhiêu anh em văn nghệ? trong số đó những ai thích? Hoàng Cầm cố
nói mập mờ, cũng như Trần Duy, khi thấy báo chí vạch ra những luận điệu xuyên
tạc khả ố của Nhân văn, tai thì đỏ lên rồi, nhưng vẫn xoa tay tuyên bố: “Nhưng
mà quần chúng ủng hộ Nhân văn” thật là bịp bợm, thật là gian ngoan!
Ai cũng thường biết. Hoàng Cầm chỉ cố ngoặc “anh
em văn nghệ xung quanh” vào là chỉ để làm cái bệ đứng cho Trần Dần khỏi đổ mà
thôi. Giả sử có “anh em văn nghệ rất thích” mà bộ đội đại biểu cho quần chúng
không hiểu thật, thì Trần Dần viết văn để làm gì ? Anh em văn nghệ chỉ cần phục
vụ riêng cho anh em văn nghệ thôi ư? Và nếu công, nông, binh bảo với những kẻ
viết văn loại Hoàng Cầm, Trần Dần rằng: “Các vị viết văn cho các vị đọc với
nhau, còn chúng tôi cày ruộng, cấy lúa, đúc máy, đánh giặc, riêng cho chúng
tôi, các vị chớ ăn cơm, mặc áo, ngồi xe, hưởng sự yên ổn là công sức của chúng
tôi” thì Hoàng Cầm, Trần Dần trả lời lại ra sao? Hay là trả lời rằng: “Chúng
mày phải làm cho chúng tao tự do hưởng?” Cái lối đề cao những quan niệm hủ lậu
như thế đã lỗi thời rồi, không còn chỗ đứng ở những nơi nào mà con người đã
giành được quyền làm người rồi, khá nên đậy nó lại, chôn sâu nó đi?
Hoàng Cầm đề cao việc Trần Dần viết và vẽ, mà bộ
đội không hiểu, coi đó như là một thành tích đáng khoe khoang, không biết có
nhớ tới Mao Chủ tịch, nói: trí thức mà không phục vụ nhân dân thì giá trị không
bằng một cục phân không?
Nhưng chủ yếu tất cả những hằn học của Hoàng Cầm
trong cái hồi ký này là chĩa đánh vào cán bộ chính trị của Đảng. Trong khuôn
khổ một bài văn hai trang giấy, Hoàng Cầm nổ súng vào cán bộ chính trị tới mười
tám lần! Với dụng ý gì vậy? Cái đó thật quá rõ ràng.
Cán bộ chính trị là linh hồn, là guồng phát điện
của bộ máy cách mạng. Không có cán bộ chính trị nhất định đường lối của Đảng
không thể xâm nhập vào nhân dân, nhất định đường lối của Đảng không thể thực
hiện được đúng đắn. Hồi bí mật, cán bộ chính trị là ngọn gió thổi lên những
ngọn lửa chiến đấu âm ỷ trong lòng quần chúng, trong kháng chiến người cán bộ
chính trị là người bạn cùng sinh tử với quân đội, với nhân dân, đi sát quân
đội, đi sát nhân dân từng bước một để hướng dẫn quân đội và nhân dân đấu tranh
giữ gìn Tổ quốc. Trong hòa bình, cán bộ chính trị phải vận động quần chúng hàn
gắn vết thương của đất nước, xây dựng kiến thiết miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã
hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Cán bộ chính trị với quân đội, với nhân
dân phải thành một khối khăng khít như xương với thịt, như cá với nước. Hoàng Cầm
đánh vào cán bộ chính trị, định làm tan rã cái tình xương thịt đó, định phá
hoại cái nghĩa cá nước đó, hỏi có ích cho cách mạng hay có hại cho cách mạng?
Thế là xây dựng cho Đảng hay phản Đảng?
Ta cũng cần phải khẳng định với nhau rằng nói cán
bộ văn nghệ và cán bộ chính trị là chỉ nói cái sự phân công của bộ máy cách
mạng thôi. Về căn bản, người cán bộ văn nghệ phải thực hiện đường lối của Đảng
trên lĩnh vực văn nghệ, người cán bộ chính trị phải thực hiện đường lối của
Đảng về mọi mặt, trong đó có cả lãnh đạo, phê bình văn nghệ. Không thể có và
không thể dung thứ một mâu thuẫn nào giữa cán bộ làm công tác chính trị và cán
bộ làm công tác văn nghệ cho nên không thể có và không thể dung thứ thứ văn
nghệ phẩm nào mà “anh em văn nghệ thì rất thích” và “cán bộ chính trị thì bực
mình” . Hoàng Cầm làm như cái việc cán bộ chính trị bực mình với tác phẩm văn
nghệ là một tình trạng phổ biến hay là một điều tất yếu. Thực chất Hoàng Cầm
xuyên tạc sự thật với dụng ý rất xấu xa: tách rời văn nghệ với chính trị, đòi
cho văn nghệ thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Ta thấy gần đây, những loại bài
viết, bức vẽ, của những phần tử Nhân văn làm cho người ta bực mình rất nhiều.
Không những bực mình mà còn phẫn nộ nữa. Nhưng những người bực mình và phẫn nộ
không phải chỉ riêng có cán bộ chính trị, mà là cả một khối quần chúng rộng
lớn; không những ở miền Bắc đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà cả ở miền Nam
đương anh dũng đấu tranh chống ách phát xít của bè lũ Mỹ-Diệm. Số quần chúng ấy
bao gồm cả tuyệt đại đa số anh chị em nghệ sĩ Bắc Nam. Vì sao như thế? Chính là
vì những bài viết bức vẽ ấy không phát hiện sự thật mà bóp méo sự thật, không
“giúp Đảng thấy vấn đề” mà đả kích vào Đảng, không nói lên đời sống đấu tranh
của quần chúng mà bôi nhọ thậm chí đến chửi rủa quần chúng, không thúc đẩy miền
Bắc tiến lên, mà định ngăn chặn bước tiến lên của miền Bắc. Anh em văn nghệ
chân chính nào mà thích được cái kiểu văn chương nghệ thuật đầu độc của nhóm
Nhân văn.
Từ việc trình bày xuyên tạc cái quan hệ giữa văn
nghệ và chính trị Hoàng Cầm đi đến nhận định: “Sau việc này sự mâu thuẫn giữa
văn nghệ sĩ và cán bộ chính trị bắt đầu phát triển khá mạnh trong con người
Trần Dần”. Hoàng Cầm lại nêu lên một lời than thở của Trần Dần: “Ôi già! Cái
con số cán bộ chính trị bóp chết nghệ thuật thì không ít đâu!” giữa lúc tình
hình có nhiều khó khăn, đang cần đến sự tận tụy của cán bộ chính trị nói chung
và cán bộ ngoại ngành, Hoàng Cầm viết như vậy khác nào nổ mìn vào nền móng của
cách mạng?
Đặt nổ mìn vào uy tín của cán bộ Đảng như thế
rồi, Hoàng Cầm lại khéo léo che đậy, làm như dã tâm của mình có thể che được
mắt quần chúng của Hoàng Cầm rên la có vẻ khẩn khoản: “Làm thế nào để Trung
ương Đảng biết rõ tình hình?”! Hồi xưa, học sinh các trường Pháp thuộc có lối
chơi ác, chĩa ngòi bút vào sau gáy bạn, rồi gọi bạn cho bạn quay lại để ngòi
bút sọc vào má. Cái lối kêu gọi Trung ương của Hoàng Cầm cũng không khác lối
chơi ác ấy. Có khác là nó hiểm độc hơn, nguy hại hơn, và không lừa bịp được ai.
Vì cũng chẳng phải đợi lâu la gì cái mũi kim trong bọc mới thò đầu ra: Đồng chí
Nguyễn Chí Thanh là một trong những ủy viên Trung ương Đảng phụ trách ngành
quân sự. Sự chăm sóc giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đối với phong trào
văn nghệ như thế nào, những anh em văn nghệ sĩ Liên khu IV trước kia và Liên
khu Việt Bắc sau này, đã có dịp được gần gũi đồng chí, đã đều hiểu rõ. Tuy bận
nhiều công tác nặng nề, quan trọng đồng chí vẫn chú ý đến từng bài thơ, bản
nhạc, bức vẽ của anh em đem sự hiểu biết và sáng suốt của mình, đem ánh sáng
của đường lối văn nghệ Mác–Lênin, chỉ dẫn cho từng bước đi dò dẫm của anh em
lúc đi chỉ mới có nhiệt tình mà chưa thấm nhuần được sâu sắc về cách mạng. Khi
thấy Trần Dần đưa ra cái “đề án chính sách văn nghệ” sặc mùi tư bản của Dần,
đòi “Trả lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ,” đòi “Thành lập một chi hội văn
nghệ trong tổ chức của quân đội” đòi “hủy bỏ mọi chế độ quân đội hiện hành”
trong văn nghệ quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhìn rõ cái thực chất, tư
sản, của bản dự án ấy nên nghiêm khắc giải thích và ân cần dặn dò anh em phải
đề phòng, Hoàng Cầm tả lại như thế nào “Đột nhiên trong không khí hào hứng của
gần ba mươi anh em văn nghệ sĩ đang sẵn sàng cởi mở hết để xây dựng một trong
những chính sách lớn của Đảng bỗng có một câu quật lại”. Rồi Hoàng Cầm tiếp với
một giọng láo xược: “Giá câu nói ấy ở mồm một người thường thì cũng sẽ thường
thôi”. Nói tới đồng chí Trung ương như vậy, Hoàng Cầm có từ Trung ương đâu? Hơn
hai năm nay, Hoàng Cầm, Trần Dần và bè lũ Nhân văn, không nghe lời chỉ bảo anh
em của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đã sa vào cạm bẫy của lũ lái buôn văn nghệ
kiểu Minh Đức như thế nào, đã rơi vào những tổ quỷ của những lực lượng chống
Đảng chống chủ nghĩa xã hội miền Bắc thế nào, nhân phẩm và ngòi bút của bọn họ
đã xa đọa thế nào, trong một dịp khác, nếu cần, sẽ bị lôi ra ánh sáng. Ở đây,
tôi chỉ bóc trần cả một “chiến lược” của nhóm Nhân văn là núp dưới lá chắn
“phục tùng sự lãnh đạo của Đảng” để dễ đánh vào tất cả các cấp bộ của Đảng, từ
một đơn vị cơ sở như bộ đội Sơn la cho đến Trung ương Đảng mà đồng chí Nguyễn
Chí Thanh là đại diện thôi. Hoàng Cầm gọi tổ chức lãnh đạo văn nghệ cao nhất
của Trung ương là “bè phái độc quyền”, gán ghép việc Trần Dần bị giữ lại kiểm
thảo để khỏi sa vào hố tội lỗi, với việc phê bình tập thơ Việt Bắc của đồng chí
Tố Hữu, cho là một cách giả thù, cũng không ra ngoài cái âm mưu vấy bùn lên cán
bộ Đảng, đối lập tổ chức văn nghệ của Đảng với văn nghệ sĩ, xuyên tạc những
việc làm rất quang minh chính đại của Đảng.
*
Để chứng tỏ rằng chính trị không thể lãnh đạo
được văn nghệ, hay, nói cho đúng cái ý mà Hoàng Cầm muốn cho người ta nhầm
hiểu, xong vẫn quanh co dấu diếm không dám nói toạc ra, là Đảng ta không lãnh
đạo được văn nghệ, Hoàng Cầm luồn vào trong “hồi ký” những nhận định hoàn toàn
viển vông, sai lạc. Hoàng Cầm cho văn nghệ kháng chiến ta là: “Văn chương khói
lửa mịt mù”, “nhìn vào trong sách chỉ thấy lổn nhổn những bộ máy lắp đi lắp lại
và một lô danh từ, hình ảnh trống rỗng, thùng rống kêu to” Hoàng Cầm cho rằng
lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng ta là: “Gò bó theo ý thích chủ quan của một vài
người” cho nên thơ ca của chúng chỉ là “hoa giấy đóng hộp bày trong tủ kính”.
Nhưng thâm ý của Hoàng Cầm không chỉ nói riêng về mặt lãnh đạo văn nghệ. Cầm
còn mạt sát cán bộ, nhân dân ta một cách trắng trợn hơn: “Đảng cần nhiều khối
óc, cần nhiều bàn tay, cần nhiều trái tim, chứ Đảng không cần đến những con
người máy, giật thế nào làm thế ấy”. Luận điệu của Hoàng Cầm là luận điệu chung
của nhóm Nhân văn, của Trần Duy trong người khổng lồ, của Yến Lan trong tĩnh
vật, của Lê Đạt trong mấy người tự tử, của Châm văn Biếm trong thi sĩ máy v.v…
Bọn Nhân văn vẫn rêu rao chống công thức, tìm cái mới, trăm hoa đua nở, chống
công thức lại giống nhau thế, tìm tòi những gì mà ra rặt một giọng như thế, đua
nở thế nào mà nở rập khuôn như thế? Rõ ràng là chống công thức chỉ có nghĩa là
chống Đảng, tìm thế chỉ tòi ra bộ mặt bỉ ổi, và đua nở thế chỉ nở ra sâu, ra
mọt, ra trùng. Giọng lưỡi Nhân văn thật cũng một cốt một đồng với giọng lưỡi
tác động tinh thần của Thụy An đã dám bảo văn nghệ sĩ kháng chiến [2] là hèn,
là nô lệ chính sách.
Tìm sâu vào khía nhìn của bè lũ Nhân văn đối với
văn nghệ cách mạng thật ra cũng không thấy gì ngạc nhiên. Nó là cái nhìn của
bọn thù địch đối với văn nghệ cách mạng. Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, những
người có thiện chí đều phải công nhận rằng nền văn nghệ dân tộc của chúng ta đã
bước sang một bước ngoặt lịch sử. Những lời khóc gió than mây của thời kỳ Phong
hóa, Ngày nay thống trị văn đàn, những điệu tâm hồn rã rời, điên loạn, kiểu
Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, đã hoàn toàn cởi giáp bó giáo trước sức sống của
văn nghệ cách mạng, văn nghệ kháng chiến anh hùng của thời đại trong văn học từ
lúc này không phải là Tố Tâm, là Loan, Dũng cưỡi con ngựa đi trong đồn điền để
nghĩ việc giải phóng con người, là Nguyễn thèm khát phiêu lưu để phiêu lưu nữa,
mà là nhưng công nhân trong Vùng mỏ, là anh du kích trong Truyện Tây Bắc, trong
Con trâu, là anh bộ đội cách mạng trong Xung kích, trong Đất nước đứng lên, là
ngàn vạn triệu anh hùng vô danh, anh hùng bằng xương bằng thịt đã đứng lên bảo
vệ Tổ quốc bảo vệ con người. Cái việc dũng cảm của văn nghệ sĩ bây giờ là dám
rời bỏ căn phòng của mình mà đi xuống hầm mỏ với công nhân, đi lên công trường
với dân công đi vào tổ đổi công với nông dân đi vào đơn vị với quân đội, không
phải là ngồi ở tiệm cà phê viết “Tiếng sáo tiền kiếp”, hay phát hiện những sự
thật tưởng tượng mà là dũng cảm. Cái dũng cảm kiểu cởi truồng đi ra phố chỉ có
thể đi đến đồn công an vì phá hoại mỹ quan.
Công nông binh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
nhờ sự lãnh đạo của Đảng đã từ bùn lầy nước đọng từ những nhà tù hay từ những
cuộc sống đau đớn nhục nhã gấp mấy lần nhà tù, đứng lên đánh đuổi và chiến
thắng một đế quốc hùng mạnh như đế quốc Pháp có Mỹ giúp từ những nô lệ không có
quyền sống, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đã thực sự thành người, với ý nghĩa chân
chính nhất của tiếng người, hơn nữa, thành những anh hùng luôn luôn lao động
luôn luôn chiến đấu cho Tổ quốc, luôn luôn sáng tạo mọi mặt để sáng tạo ra lịch
sử cách mạng Việt Nam, kẻ nào gọi những người anh hùng đó là không tim, không
óc, là máy, đều là những kẻ mang tim óc của đế quốc, đều là cái máy phá hoại vô
lương tâm nhất của quân thù. Không thể là cái gì khác.
Văn nghệ cách mạng, văn nghệ kháng chiến của
chúng ta đã bắt đầu đi sâu vào đời sống công nông binh, đã bước đầu miêu tả
được hình ảnh nguyện vọng, ý chí của họ. Đó là nền văn nghệ vẻ vang nhất, trong
sáng như mặt trăng mặt trời không có sự khạc nhổ hằn học nào phạm đến được. Cái
tiếng kêu cứu đói “tự do sáng tác” đòi “chống công thức” kiểu Nhân văn – Giai
phẩm, thực chất chỉ là đòi quyền đầu độc của thứ văn nghệ dật gân kiểu Mỹ.
*
Đoạn trên tôi đã nói, muốn bơm to việc thi hành
kỷ luật Trần Dần thành một vụ án văn học đầy oan khuất, như oan bà Thị Kính,
Hoàng Cầm phải sáng tạo ra một Trần Dần ngay thẳng, chính trực, trong sạch,
phải miêu tả Trần Dần thành một thứ anh hùng quần chúng, dũng cảm, hy sinh, và
có tý ty khuyết điểm như cục cằn nóng nảy – cho có vẻ thật, cho người ta tin,
theo mẹo của Lê Đạt – có như thế thì khi Trần Dần “bị oan” người ta mới đau
xót, căm thù chế độ đã “chà đạp con người trong trắng Trần Dần và nhân phẩm văn
nghệ sĩ xuống bùn đen”. Nhưng tiếng kêu của đàn quạ không thể giống được tiếng
hót của thiên nga, và bộ mặt của Trần Dần, tuy được anh phó sơn Hoàng Cầm tô vẽ
bằng đủ các màu sắc lòe loẹt, cuốc vẫn không hóa ra được gà, và Trần Dần tô vẽ
cũng vẫn lộ ra một Trần Dần yêng hùng kiểu nhân vật tiểu thuyết Lê Văn Trương.
Tả Trần Dần giảng viên một lớp văn công, Hoàng
Cầm viết mấy trăm anh chị em được học Trần Dần “đều thấy vui trong lòng như một
người đi trong đêm rét, được thấy lửa ấm của một túp nhà”. Những anh chị em ấy
đã được Dần “thổi vào tâm tư một cái tự hào rất lớn”. Và đi tới tin Dần “như
một người đau khổ ngày trước tin ở số mệnh”. Nhóm Nhân văn thường hay bôi nhọ
những người trung thành với cách mạng là nịnh hót. Nhưng nịnh hót lẫn nhau, để
lừa bịp quần chúng lại là một thủ đoạn thiện nghệ của “văn sĩ” Nhân văn. Sánh
được với sự Hoàng Cầm nịnh hót tâng bốc Trần Dần chỉ có những tay bồi bút của
Mỹ Diệm tâng bốc Phan Khôi là “anh hùng của ba trăm nô lệ”. Chưa nói cái thực
chất kiêu ngạo độc đoán của Trần Dần ở lớp học ấy đã bị anh chị em cán bộ và
diễn viên phản đối rất nhiều, chỉ nói riêng cái cách “tô hồng” của Hoàng Cầm,
ta cũng thấy thật lố lăng, khó ngửi. Anh chị em văn công, nhất là văn công quân
đội, vì giác ngộ cách mạng mà đi phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân. Họ có ngọn
lửa cách mạng sáng rực trong tim óc mà anh chị em có thể chịu đựng gian khổ,
đói rét đi kháng chiến, sao Hoàng Cầm lại ví cái sự đi làm công tác cách mạng
của anh em như đi “trong đêm rét”? Và cho rằng có được Trần Dần giảng cho mới
thấy được “lửa ấm của một túp nhà” ? Phải có Trần Dần anh chị em mới được “thổi
vào tâm tư một cái tự hào rất lớn”? Tôi nghĩ, không tự hào không thể đi kháng
chiến được. Cái tự hào của anh chị em văn công quân đội là ở trong lòng anh chị
em đâu phải đợi Trần Dần thổi vào? Chưa biết anh chị em văn công có được Trần
Dần thổi cho cái gì không, nhưng chắc chắn là Trần Dần đã được Hoàng Cầm thổi
vào ruột cái sự hợm hĩnh đến phồng tướng lên, và bây giờ xì ra như một cái bong
bóng đầy hơi xú uế. Còn như Cầm bảo anh chị em tin Dần như “một người ngày
trước đau khổ tin ở số mệnh” thì chỉ là một lời mạt sát thô bỉ mà anh chị em
văn công quyết không tha thứ.
Cái việc Hoàng Cầm vu cho anh chị em văn công tin
yêu Trần Dần thì tự Hoàng Cầm đã chứng minh ngược lại ở ngay đoạn sau, đoạn tả
Trần Dần “tấn công” một chị diễn viên khiến “cô ấy sợ, và chạy trốn” (nguyên
văn của Hoàng Cầm) đến nỗi “con voi Dần phải ôm đầu chảy nước mắt!” đã tự nó
nói lên cái sự thật của anh chị em tin yêu Trần Dần là thế nào rồi. Và nó bịp
bợm đã lòi đuôi.
Tả “con người văn nghệ” của Trần Dần, Hoàng Cầm
cũng tài lắm. Nào là Dần “thức thâu đêm suốt sáng để sáng tác”, nào Dần “gầy
rộc đi, mắt trũng xuống nhưng có những tia sáng mới” nào Dần “tìm tòi lối diễn
tả riêng biệt nhưng độc đáo”. Bợm hơn nữa, Cầm vờ trách Dần “bắt chước” Mai-a
để Dần có dịp tự đề cao: “Tâm hồn có giống nhau thì mới ảnh hưởng nhau sâu sắc
được chứ?” Nhưng có cái không giống nhau giữa Mai-a và Trần Dần là Mai-a thì
suốt đời trung thành với lá cờ đỏ xã hội chủ nghĩa và Trần Dần thì bôi nhọ lá
cờ đỏ:
Không
thấy phố
Không
thấy nhà
Chỉ
thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.
Với Trần Dần chỉ cần một bóng đàn bà đi qua cuộc
đời là đủ để Trần Dần nhìn lá cờ của Tổ quốc biến màu. Cái khác đó Dần không
dám nói mà Cầm cũng không dám nói. Cho nên Cầm tả Dần rất “đẹp” cũng chỉ để tỏ
rằng chế độ ta xấu, lá cờ ta xấu. Dần không đẹp được, nên lá cờ của ta Dần bôi
nhọ chỉ là Dần tự chôn mình. Cầm bảo Dần “tìm cái độc đáo”, nhưng “cái độc đáo”
của Dần trước cách mạng là giống Đinh Hùng, sau cách mạng là “bắt chước Mai-a”.
Nhưng giống Đinh Hùng thì Dần giống như trong ruột giống ra, mà bắt chước Mai-a
thì Dần chỉ bắt chước được cái kiểu thơ xuống dòng.
Rồi Hoàng Cầm lại tả Trần Dần yêu cô K.. Nào là
Dần “chưa từng yêu tuy đã gần 30 tuổi” - Điều này thì cũng đúng thôi. Dần chưa
từng yêu, nhưng anh em quen Trần Dần ai cũng biết trước cách mạng Trần Dần đã
nhiều lần trụy lạc. Hoàng Cầm là bạn thân Trần Dần chắc không phải không biết
trước kia Trần Dần có một cuộc đời sa đọa đến thế nào, trong lúc đó Dần mới 20
tuổi.
Hoàng Cầm vẫn còn quan niệm ở một nhà văn thì
những tật xấu cũng là biểu hiện của thiên tài, nên Cầm viết về Dần: “Dần thường
bừa bãi” nên “giao thiệp với người đàn bà này anh (Dần) cũng rất bừa bãi” Dần
“xấn xổ đòi “tình yêu”. Cầm không cho việc Dần làm thế là đáng xấu hổ cho một
quân nhân cách mạng. Việc Dần đào ngũ, bỏ doanh trại đi hàng tháng vì mê gái
Cầm gọi là “đôi ba lần làm trái với nội quy sinh hoạt của bộ đội.
Thực chất hành động của Trần Dần là hành động của
lính lê dương, không phải là hành động của quân đội nhân dân.
Để quy kết cho việc Phòng Văn nghệ Quân đội chưa
đồng ý cho Dần lấy cô K. thành một sự “bóp nghẹt tự do luyến ái” Cầm cãi cho cô
K. là một người rất yêu tổ quốc. Vì ngày giải phóng thủ đô đã chạy ra đường,
vẫy chào quân đội, miệng hoan hô không biết mỏi. Cố nhiên tuyệt đại đa số nhân
dân thủ đô ngày giải phóng, ùa ra đón lá cờ của Tổ quốc, với tất cả nỗi sung
sướng trong lòng là những người yêu nước. Nhưng với cô K. một người đàn bà trên
20 tuổi, vốn không phải giáo dân, bỗng dưng trở thành “con nuôi” của một cụ
đạo, một mình sống với cụ đạo ấy trong vùng tạm chiếm. Cụ đạo bỏ giáo dân đi
Nam, dễ dàng trao lại cho cô “con nuôi” mấy dinh cơ lớn ở Hà nội thì việc đó có
nên xét kỹ không? Có nên chỉ lấy một việc “hoan hô bộ đội” cho rằng đủ để đảm
bảo về chính trị không? Biện bác như vậy, Hoàng Cầm ngây thơ về chính trị thật
hay là cố tình làm ra ngây thơ? Điểm này tự độc giả sẽ xét đoán. Bọn phản động
đội lốt thày tu thường vu cho Chính phủ ta cấm đạo. Hoàng Cầm nhấn mạnh vấn đề
người yêu của Trần Dần là người có đạo, cho đấy là lý do để đơn vị không tán
thành tình yêu của Trần Dần. Việc nhấn mạnh ấy có dụng ý gì? Điểm này cũng tự
độc giả sẽ xét đoán. Có một điều không mấy người biết mà Trần Dần, Hoàng Cầm
cũng không khoe, là con chó của cô K. mà Trần Dần nói đến trong “Nhất định
thắng” không phải là một con chó vàng, chó vện tầm thường đâu, mà là một chú
chó “béc dê” cũng là vật ủy quyền của cha cố nọ.
Có anh hùng thì phải có giai nhân: Theo Hoàng Cầm
thì cô K. cũng là một người con gái mới yêu lần đầu (cố nhiên) và rất ngây thơ,
và đã chịu đựng như chúa Giê-su, chịu đóng đinh trên thánh giá.
“Thế rồi sống bằng gì hả anh? Chính phủ có kết
tội những người có nhà cho thuê không hở anh? Bộ đội có cho tôi lấy anh không
hở anh? Anh đi… anh có về nữa không anh ơi! Liệu cháu nó có mất bố không hở
anh? Liệu tôi có góa chồng sớm không hở anh? Tóm lại đủ những lời lẽ bi thiết
gieo một tấn bi kịch ba hồi ba cảnh yêu đương ly biệt và đau khổ. Thảo nào mà
Hoàng Cầm chẳng thấy nào là chua chát lạ lùng nào là đau đớn như có búa nện vào
óc, đinh đóng vào tim, có giây trói chặt chân tay nào là như bị kim chích vào
gan nào là lòng tôi như dao chém. Tim, gan, lòng, có cũng đủ cả bốn món.
Đến đây, tấn kịch oan khuất đã có đầy đủ nhân vật
chính: Trần Dần một “nhà văn cách mạng” hay xấn xổ đòi tình yêu, giống Mai-a bị
vu cáo; cô K. một thiếu nữ ngây thơ, thanh sạch bị đau khổ, con nuôi tâm tình
của một nhà tu hành đạo đức; Hoàng Cầm, một người bạn hào hiệp ở quán cà phê; một
con chó bẹc dê, lại thêm một bà cụ hàng xóm, một đứa bé chưa biết đặt tên là gì
để Kỷ niệm nhân phẩm văn nghệ sĩ bị chà đạp xuống bùn đen; một nhát dao cứa nhẹ
vào da cổ, chỉ còn thiếu một lời luận tội, một vai phản diện. Lời luận tội
Hoàng Cầm đã rao sẵn: Kẻ nào hô ra hai tiếng phản động để gọi cả làng ra đánh
chết Trần Dần, và vai phản diện, vai mà Hoàng Cầm cũng đã rắp sẵn: lãnh đạo! Từ
những ngày Tết mưa lã tã, cái bè phái độc quyền trong văn nghệ bắt đầu họp đứng
họp ngồi để tìm cách đối phó… Hoàng Cầm không tiếc lời chế riễu đả kích vào
những tư tưởng, những nguyên tắc căn bản của Đảng ta về lập trường quan điểm,
về giai cấp, cho là những câu to lớn rút ra trong hàng chục pho sách chính trị
để quy kết cho một mối tình! Hoàng Cầm đã cho lãnh đạo là thủ phạm vụ án văn
học Trần Dần! Thực là một mánh khóe xảo trá không thể tha thứ.
Vẫn còn thiếu khúc mở nút cho tấn kịch mà Hoàng
Cầm đã mất bao nhiêu tâm huyết để dàn cảnh, cho có đầu có đuôi, cho cái việc
Trần Dần “siêu nhiên xuất chúng” trở thành một Thị Kính hàm oan, cho việc phá
hoại kỷ luật thành một cuộc tình duyên bị phá hoại tàn bạo, cho việc bảo vệ
nguyên tắc thành một sự báo thù, tất cả những việc ấy gán ghép lại, quặc vào
nhau, chằng chịt khăng khít, sao cho buộc tội được lãnh đạo, buộc tội được Đảng
có hiệu quả. Khúc mở nút ấy Hoàng Cầm cũng “sáng tạo” ra rất tài tình: Đại hội
lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô! Mồm luôn nói đến phục tùng sự lãnh đạo của
Đảng, giải quyết tấn kịch lại dùng cả đến Đảng Cộng sản Liên Xô – mặc dầu ở
cùng tờ Nhân văn số 1 ấy, có bài của Hoàng Huế chửi Liên Xô – tư tưởng thì vẫn
thường coi nền vô sản chuyên chính của ta là “ngu khờ nắm chính quyền”. Tất
nhiên Hoàng Cầm phải nghĩ rằng thánh cũng không nhìn thấy được cái thâm ý chống
Đảng trong cái hồi ký của mình. Thế là Hoàng Cầm yên trí sử dụng Đại hội thứ 20
Đảng Cộng sản Liên Xô làm phương tiện giải quyết tấn kịch:
“Sau khi học tập nghị quyết của Đại hội lần thứ
20 Đảng Cộng sản Liên Xô, cái tin vui từ trong lòng tôi tự dưng tỏa ra: Trần
Dần chắc chắn sẽ được về! – Quả nhiên v.v…”.
Hoàng Cầm cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô phát
hiện sai lầm của đồng chí Sta-lin thì cũng phát hiện ra sai lầm của Đảng ta.
Vậy Đảng ta thả Trần Dần về, tức Đảng ta sai, Trần Dần đúng. Chắc Hoàng Cầm, và
bọn Duy, Đang, Khôi, Dần, Đạt phải nốc với nhau hàng vò rượu, hút với nhau hàng
chục “Ken cờ” để tán thưởng cái diệu kế: Dùng Đảng Cộng sản Liên Xô đả kích
Đảng Lao động Việt Nam. Quả nhiên, vở kịch con người Trần Dần “thành công rực
rỡ”. Ở miền Bắc nó làm rớt nước mắt của một vài người “nhân đức” như kiểu Thụy
An, Trương Tửu, ở miền Nam nó làm cho những tên bồi bút của Mỹ - Diệm, bỗng
nhiên đều hóa thành những chiến sĩ phất lá cờ đầu bảo vệ tự do, chính nghĩa,
nhâu nhâu lên tiếng rủa sả chế độ miền Bắc dã man, tàn bạo, chà đạp con người
lên tiếng ca tụng những người dũng cảm chống cộng như Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê
Đạt, Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hữu Loan v.v…, nghĩa là
cả nhóm Nhân văn–Giai phẩm. (Chỉ tiếc các “chiến sĩ” của Mỹ-Diệm chưa nói đến
tên Minh Đức).
Hoàng Cầm lập luận: nhờ ánh sáng của Đại hội lần
thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô mà Trần Dần được minh oan! thật cứ để Hoàng Cầm
tha hồ đắc sách, ngậm ống đu đủ thổi cho Trần Dần vốn đã phềnh, lại phềnh thêm:
“Trước mắt tôi là một người có sức mạnh chống chọi với tủi nhục, thành kiến”…
“Trước mắt tôi là một người chí tình, tha thiết” “Trước mắt tôi là một con
người dũng cảm có thủy có chung” “Trước mắt tôi là một chuyện kéo bè kéo cánh
để vu cáo trắng trợn … một vụ án văn chương vô cùng oan ức, một tài năng và một
tâm hồn trong sạch bị giày xéo… Trước mắt tôi là Trần Dần”.
Hồi kèn xuất trận của Hoàng Cầm và bè lũ Nhân văn
thật là dóng dả.
Chỉ đáng buồn thay cho Hoàng Cầm, Trần Dần và bè
lũ Nhân văn là nhân dân miền Bắc rất sáng suốt không để cho bọn mượn tiếng
“đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác–Lênin với
tinh thần thực tiễn” để chửi vào Đảng rất cụ thể, hệt như chiến thuật mà bọn
chống cộng nhà nghề quốc tế vẫn dùng.
Chỉ đáng buồn thay cho Trương Tửu, Trần Duy,
Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt là Nhân văn chưa ra được số sáu là số kêu gọi biểu tình
chống Chính phủ, thì đã bị công nhân nhà in Xuân Thu chặn lại, khiến cho Nhân
văn không thi thố được tội ác trọn vẹn.
Chỉ đáng buồn thay cho bạn bè lũ Nhân văn là miền
Bắc tuy có phản động lén lút, nhưng không đủ đông đủ mạnh để gây ra một vụ phản
cách mạng như ở Hung-ga-ri.
Chỉ đáng buồn thay cho bè lũ Nhân văn là Giai
phẩm–Nhân văn không được trở thành những văn kiện lịch sử công thần cho một
chính phủ kiểu Im-rê Nát-dơ mà lại trở thành những bằng chứng vạch rõ dã tâm và
tội ác của cả bè lũ Nhân văn.
Cho nên Trần Dần mà Hoàng Cầm định tả thành người
có thủy có chung thì cũng chỉ có thủy có chung với thân thế Dạ đài mà tuyên
ngôn là: “Chúng tôi, lũ người vong gia thất thổ, thác sinh vào buổi sao mờ”.
[3]
Cho nên Trần Dần mà Hoàng Cầm định tả thành một
thứ anh hùng nhân dân vẫn chỉ hiện nguyên hình thành một thứ anh hùng cao bồi
chỉ thiếu áo có chim cò kiểu Mỹ.
Những tư tưởng lạc lõng của Trần Dần đối với nền
văn nghệ nhân dân, cũng xứng đáng thay thế những thứ quần áo, chim cò, mà thanh
niên ta đang bài trừ trong phong trào hai nên ba chống.
Tôi nói thẳng một cách “thô bạo” thế này, chắc
không hợp với khẩu vị của nhóm Nhân văn vốn ưa những điều lắt léo, bóng gió.
Nhưng sự thật là như vậy, “tôi biết nói sao!”.
________________________
[1] Chữ dùng của Hoàng Cầm
[2] Nguyên văn: kháng kháng chiến. Chúng tôi cho
rằng bản gốc có lỗi in ấn (talawas).
[3] Tuyên ngôn của nhóm văn nghệ tượng trưng do
Trần Dần thảo ra năm 1946, sau Cách mạng tháng Tám.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 11, tháng 4 năm 1958
– Số đặc biệt chống tư tưởng phản động của Nhân văn-Giai phẩm, trang 75-86. Bản
điện tử do talawas thực hiện.
________________________
Huyền Kiêu tên thật: Bùi Lão Kiều (Ất Mão [1915]
- Ất Hợi [1995]), bút hiệu: Huyền Kiêu (do Kiều mà ra), nguyên quán ở tỉnh Hà Đông, cư ngụ ở Hà Nội. Vào những năm 40
của thế kỷ 20, ông viết văn, làm thơ, và cộng tác với các báo ở Hà Nội,
và trở nên nổi tiếng
Trong cuộc chiến tranh chống Pháp (1945-1954),
ông tản cư ra chiến khu, công tác ở chi hội Văn nghệ Liên khu III.
Sau hiệp định Genève (1954), ông hồi cư về Hà
Nội, công tác ở tạp chí Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Văn
học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho đến năm 1975.
Sau sự kiện 30 thàng 4 năm 19 75, ông vào sống ở
Thành phố Hồ Chí Minh và mất ở nơi đó vào ngày 8 tháng 1 năm 1995 (Ất Mão), thọ
80 tuổi.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời thư giãn với nhạc phẩm NỐI VÒNG TAY LỚN
của Trịnh Công SƠn, qua tiếng hát Thúy Khanh và Hồ Quang Hiếu:
Ngô Thanh Tuấn giới thiệu
Tác giả: Huyền Kiều - nguồn: hungviet.org
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn:
internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét