KHÔNG AI GIÀU BA HỌ, KHÔNG AI KHÓ BA ĐỜI - Tác giả: Võ Xuân Sơn ; Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Leave a Comment

 

KHÔNG AI GIÀU BA HỌ,

KHÔNG AI KHÓ BA ĐỜI

*

Trong bài trả lời phỏng vấn đầu năm 2021 cho báo Dân trí, chuyên gia Phạm Chi Lan lo lắng: "Xã hội hiện nay không thiếu cảnh, đứa trẻ sinh ra đã ở trên vạch đích, đứa con mười mấy tuổi đầu đã có xe hơi, có tài sản lớn là bất động sản. Cảnh bố mẹ có tiền, chở con đi học bằng xe hơi, không bắt con làm việc nhà, tận hưởng cuộc sống xa hoa… Đây là hệ lụy cho thế hệ tương lai, làm mất động lực làm việc cố gắng để kiếm tiền, gia tăng giá trị bền vững cho tương lai".

Tôi thấy chẳng có gì phải lo lắng cả. Nếu đứa trẻ này không có động lực để vươn lên, thì cơ hội cho những đứa trẻ khác sẽ nhiều hơn. Vấn đề không nằm ở chỗ động lực làm giàu của những thế hệ sau. Xã hội có qui luật của nó. Ông bà ta có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Vấn đề nằm ở chỗ, cái sự giàu của người này có chiếm đoạt cơ hội của những người khác hay không mà thôi?

Để giàu có, những người giàu đã chiếm đoạt tài nguyên đất nước, cản trở người khác tiếp cận với lợi ích do tài nguyên của đất nước mang lại. Để giàu có, những người giàu đã chiếm đoạt ngân sách quốc gia, vô hiệu hóa các khoản đầu tư, gây thua lỗ, từ đó làm mất đi thu nhập của quốc gia, hạn chế nguồn lực chia cho mọi người dân. Ví dụ như các lãnh đạo các tập đoàn nhà nước, như than khoáng sản, như điện lực, như hàng không… người nào cũng giàu sụ, nhưng doanh nghiệp nhà nước mà họ quản lí thì thua lỗ lớn.

Để giàu có, những người giàu đã ra sức thao túng chính sách để chiếm đoạt quyền lợi cho mình, ra sức tận thu, tận vơ vét, từ đó làm cạn kiệt thêm nguồn lực dành cho cho những người khác, bần cùng hóa những người khác một cách hợp pháp, có sự bảo kê của chính sách. Ví dụ như các chủ doanh nghiệp bất động sản, những kẻ đã chiếm đoạt bao nhiêu tài nguyên, bao nhiêu cơ hội, đã đẩy bao nhiêu người khác vào cảnh bị bần cùng hóa, đang thao túng chính sách để nguồn lực quốc gia phải tập trung cho họ.

Rồi những người giàu bằng cách chiếm đoạt tài nguyên, chiếm đoạt cơ hội, thao túng chính sách… sẽ dần dần chiếm đoạt chính quyền, trở thành những kẻ bóc lột người khác. Đất nước dần dần rơi vô tay một bọn chỉ biết chiếm đoạt cho riêng mình, hoặc cho tập đoàn lợi ích của chúng. Và những thế hệ sau của chúng, dù mất động lực để phấn đấu, nhưng vẫn thống trị những người tràn đầy động lực, nhưng mất hết cơ hội và nguồn lực.

Như vụ dịch vừa qua, đã có những kẻ lợi dụng quyền hạn của mình trong chính quyền, đè dân ra ngoáy mũi để trục lợi, phá cửa xông vào nhà, bẻ tay áp giải dân ra ngoáy mũi, bất chấp việc làm của họ gây thiệt hại cả tiền của và sinh mạng của người dân. Rồi những kẻ có quyền ra chính sách cứu hộ công dân Việt nam ở nước ngoài, đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi từ việc giải cứu công dân ở nước ngoài, chiếm đoạt tiền của của họ, chiếm đoạt cơ hội được trở về với quê hương của những công dân ít tiền. Đó chính xác là ví dụ về những kẻ giàu bất lương đã chiếm đoạt chính quyền và hệ lụy của việc chúng nắm giữ chính quyền.

Đó mới là cái cần phải lo. Cái câu mà ông bà ta nói “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, chỉ đúng khi có công bằng xã hội mà thôi.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời thư giãn với nhạc phẩm THẾ SỰ

của Ngọc Phụng, qua tiếng hát Ngọc Phụng:

Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Tác giả: Võ Xuân Sơn - Nguồn: facebook Xuân Sơn Võ

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét