PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM ‘TIẾNG VIỆT LÀ MỘT PHƯƠNG NGỮ CỦA TIẾNG TRUNG QUỐC’ - Tác giả: Nguyễn Hải Hoành (Hà Nội)

Leave a Comment

 

PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM

‘TIẾNG VIỆT LÀ MỘT PHƯƠNG NGỮ

CỦA TIẾNG TRUNG QUỐC’

*

(Tác giả Nguyễn Hải Hoành)

Trong bài facebook đăng hôm 12/3/2023 “Người Trung Quốc nghĩ gì về tiếng nói và chữ viết của người Việt Nam”, tôi có viết ở dòng cuối cùng: “Vị hoạ sĩ Trung Quốc này không phải là người thiếu thiện cảm với Việt Nam, nhưng quan điểm của ông ta về lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam đúng là có chỗ cần phản bác.”

Hôm nay xin phản bác quan điểm sai lầm thứ nhất của vị khách Trung Quốc ấy: “Tiếng Việt là một phương ngữ của Hán ngữ”.

Đây là quan điểm khá phổ biến của người nước ngoài: khi thấy tiếng Việt có nhiều từ có âm đọc gần giống Hán ngữ, họ bèn nghĩ rằng tiếng Việt là một phương ngữ của Hán ngữ. Ví dụ từ gốc Hán “học tập”, “lịch sử”, tiếng Quảng Đông đọc là “học chập”, “lich sư”…, âm đọc khá giống nhau.

Đây là một hiểu lầm căn bản về tiếng Việt. Thực ra, sự giống nhau về âm đọc ấy là do tổ tiên ta khi tiếp nhận chữ Hán đã nghĩ ra “CÁCH ĐỌC HÁN-VIỆT ĐỐI VỚI CHỮ HÁN” –– không đọc chữ Hán bằng tiếng Hán mà chỉ đọc bằng tiếng Việt, mỗi chữ Hán được đặt một cái tên tiếng Việt gọi là “TỪ HÁN-VIỆT”, tức từ tiếng Việt gốc Hán. Từ Hán-Việt có âm đọc mô phỏng gần sát âm tiếng Hán, trừ khi gặp những âm tiếng Hán khác âm tiếng Việt. Ta có thể thấy nhiều từ Hán-Việt dùng các âm “b, g, v, đ…” không có trong tiếng Hán, ví dụ 地 tiếng Hán đọc "ti", từ Hán-Việt đọc “địa”; 编 tiếng Hán đọc "pen", từ Hán-Việt đọc“biên”; 远 tiếng Hán đọc "giuẻn", từ Hán-Việt đọc“viễn”…

Do toàn bộ từ Hán-Việt chỉ đọc bằng âm tiếng Việt, cho nên loại từ mới gốc Hán này tuy hiện chiếm hơn nửa tổng lượng từ vựng tiếng Việt nhưng không hề làm thay đổi ngữ âm của tiếng Việt, vì thế dĩ nhiên tiếng Việt không trở thành một phương ngữ của Hán ngữ.

Như vậy, nhờ sử dụng “Cách đọc Hán-Việt”, tổ tiên ta đã Việt Nam hoá phần âm đọc chữ Hán, biến nó thành chữ viết của người Việt và gọi thứ chữ Hán đọc âm Việt ấy là CHỮ NHO, cuối cùng gọi là CHỮ TA.

Chữ Nho chính là ký tự ghi từ Hán-Việt. Khi dạy, học và dùng chữ Nho, mọi người hoàn toàn nói và nghe bằng tiếng Việt, cho nên học chữ Nho dễ hơn học Trung văn, tức chữ Hán đọc bằng tiếng Hán. Nhờ thế người Việt Nam tiếp thu chữ Hán rất tốt. Tiến sĩ chữ Nho Việt Nam sang Trung Quốc thi tiếp lại đỗ Tiến sĩ, thậm chí Trạng nguyên, tuy chẳng biết nói/nghe tiếng Trung Quốc. Ví dụ Khương Công Phụ người Thanh Hoá thế kỷ VIII.

Sau khi chữ Quốc ngữ được phổ cập, dân ta ngày càng bớt dùng chữ Nho mà chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ để ghi từ Hán-Việt. Từ đó trở đi lượng từ Hán-Việt tăng lên bội phần, làm cho nhiều từ mất gốc Hán, không còn lấy chữ Hán làm gốc nữa, trở thành một biến tướng của từ Hán-Việt.

Từ Hán-Việt thuộc vào loại từ mượn (loan words), hầu hết là những từ thuộc khái niệm trừu tượng, ví dụ “đạo”, “văn”, “giáo”… trong khi vô vàn những tiếng thuần Việt như “mày”, “tao”, “thằng”, “con” … lại không thể có từ Hán-Việt tương ứng.

Theo thống kê của chúng tôi, khoảng 8300 chữ Hán trong “Hán-Việt tự điển” Thiều Chửu khi phiên âm sang tiếng Việt hình thành khoảng 1840 đơn từ Hán-Việt, hầu hết không phải là từ thuần Việt, và số âm tiết của chúng chưa bằng 10% tổng số âm tiết tiếng Việt. Bởi vậy, do thiếu quá nhiều từ đối ứng một-một với từ thuần Việt nên không thể dùng từ Hán-Việt để nói như một ngôn ngữ mà chủ yếu chỉ để viết.

Tóm lại, sau khi tiếp nhận chữ Hán, tiếng Việt có thêm nhiều từ mới (là từ Hán-Việt) nhưng không thể cấu tạo thành một ngôn ngữ nói mới. Vì thế tiếng Việt vẫn như cũ, tuyệt nhiên không thể là một phương ngữ của Hán ngữ.

Xét về thời gian, từ Hán-Việt chỉ ra đời sau khi chữ Hán vào Việt Nam, còn tiếng Việt thì đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước với nhiều đặc điểm khác xa tiếng Hán, ví dụ ngữ âm tiếng Việt nhiều gấp hơn chục lần Hán ngữ.... Vì từ Hán-Việt được đọc bằng tiếng Việt, cho nên nó không hề làm thay đổi ngữ âm tiếng Việt, do đó tiếng Việt không thể trở thành phương ngữ Hán ngữ.

Xét về mặt ngôn ngữ cũng vậy. Ngôn ngữ học dùng khái niệm “Ngữ hệ” (còn gọi “Họ ngôn ngữ”, Language family) để phân loại: các ngôn ngữ cùng tổ tiên thì thuộc cùng một ngữ hệ. Căn cứ để phân loại là đặc điểm đối ứng và quy luật diễn biến về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp giữa các ngôn ngữ. Trong khoa học nhân văn khó tìm được các chỉ tiêu phân loại chính xác, vì thế tới nay vẫn chưa xác định được ngữ hệ của tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật.

Tiếng Việt và tiếng Hán tuy có điểm giống nhau –– đều là ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic), có thanh điệu, dùng hư từ và thứ tự từ để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp…, nhưng ngôn ngữ học xác định hai ngôn ngữ này thuộc hai ngữ hệ khác nhau: Hán ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan), tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic). Việc xác định ngữ hệ tiếng Việt có một số tranh cãi, cuối cùng quan điểm hợp lý của A.G.Haudricourt (1911-1996) được đa số tán thành. Như vậy, về lý thuyết, do khác ngữ hệ cho nên tiếng Việt không thể là phương ngữ của Hán ngữ, mà là một ngôn ngữ độc lập, ngang hàng với Hán ngữ. Coi tiếng Việt là phương ngữ của Hán ngữ là sự đánh giá thấp tiếng Việt -- một ngôn ngữ rất mạnh về ngữ âm và từ vựng.

Tiếng Quảng Đông cùng ngữ hệ với tiếng Hán, nên có thể là phương ngữ của Hán ngữ. Nhưng các thứ tiếng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc thì không phải là phương ngữ của Hán ngữ. Ví dụ tiếng dân tộc Tráng (Choang) thuộc ngữ hệ Tai-Kadai, không phải là phương ngữ của Hán ngữ.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

*

NGUYỄN HẢI HOÀNH

Địa chỉ: phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh

quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.   

 

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 17.03.2023

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét