BÀI THƠ ‘XÓM NÚI’ CỦA MAI TIẾN NGHỊ - Tác giả: Hà Huy Hoàng (Quảng Ngãi)

Leave a Comment


ĐỌC BÀI THƠ ‘XÓM NÚI’

CỦA MAI TIẾN NGHỊ

*

XÓM NÚI

(Để tặng Nhà thơ Lò Cao Nhum)

 

Bản giờ san sát nhà như phố

Ngõ nhỏ quanh co ấp khói chiều

Cơm lam thịt nướng kề rượu ngoại

Áo cóm quần bò lẫn khăn piêu

 

Góc nhỏ trên sàn trà độc ẩm

Laptop cạnh bên chiếc điếu cày

Lấp loáng nắng tia xuyên vòm lá

Bạn ngồi ngất ngưởng giọng thơ say

 

Hối hả đua chen khách lãng du

Dừng chân bên quán dáng thờ ơ

Thổ cẩm sợi Tàu nhìn nhức mắt

Khèn Mèo lủng lẳng bám cột gầy

 

Phì phò dưới ruộng trâu cày ruộng

Nghé ọ trên bờ nhảy tung tăng

Lũ vịt dúi mình tìm tôm tép

Nườm nượp người đi... nhòa sương giăng

 

Nửa phố nửa quê là xóm núi

Giọng người đồng mình vẫn trinh nguyên

Nóc nhà vẫn nở hoa khaukut

Khói lam ấm áp vờn chiều nghiêng.

*.

MAI TIẾN NGHỊ

LỜI BÌNH

(Tác giả Hà Huy Hoàng)

Lần đầu tiên tôi được nghe đến cái tên Mai Tiến Nghị khi tôi may mắn đọc được truyện ngắn "Mặt trời chói lóa" của ông.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như tầm năm 2002 hay 2003 gì đó, khi tôi vinh hạnh có chung bài cùng ông ở một tờ tạp chí, tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tất nhiên, bài được đăng của tôi là thơ, bài thơ có cái nhan đề là "Ước".

Truyện "Mặt trời chói lóa" nói riêng và truyện ngắn của ông nói chung nặng tính triết lý về nhân quả. Hay, sâu sắc và ám ảnh vô cùng.

Thế nhưng, hôm nay, tôi xin phép mọi người hãy tạm quên một Mai Tiến Nghị văn sĩ, mà chúng ta hãy tiếp cận ông - một Mai Tiến Nghị thi sĩ nhé.

Tôi luôn có cảm giác là ông rất ít làm thơ, nhưng một khi đã làm thì chắc chắn phải hay, phải đọng lại điều gì đó chứ không thể "thơ trôi xuôi như nước chảy xuôi dòng" được.

Vâng, tôi không hề ngoa ngôn. Xin bạn yêu thơ hãy đọc thật kỹ thật sâu "Xóm núi" của ông đi ạ.

"Xóm núi" - tên một bài thơ mà ông đã viết tặng cho người bạn đồng môn của mình: Nhà thơ Lò Cao Nhum - trong một lần ông lên mạn ngược thăm chơi cùng bạn. Nhà bạn ông ở bản Lác, thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình - những địa danh đã in sâu trong những vần thơ hùng tráng của Quang Dũng thi nhân.

"Bản giờ san sát nhà như phố

Ngõ nhỏ quanh co ấp khói chiều

Cơm lam thịt nướng kề rượu ngoại

Áo cóm quần bò lẫn khăn piêu

 

Góc nhỏ trên sàn trà độc ẩm

Laptop cạnh bên chiếc điếu cày

Lấp loáng nắng tia xuyên vòm lá

Bạn ngồi ngất ngưởng giọng thơ say"

Khi đọc qua hai khổ thơ đầu của "Xóm núi" này, ta thấy thú vị bởi sự đan xen giữa làng và phố, giữa truyền thống và hiện đại cứ chồng vắt lên nhau. Và trong hết thảy chúng ta đều có cái ý nghĩ bạn ông - Lò Cao Nhum thi sĩ, đồng thời cũng là một quan chức hoặc một đại gia của vùng đất này thì phải? Bởi không quan chức không đại gia sao có laptop xịn, rượu ngoại mà dùng?

Và cũng qua những dòng thơ này, ta sẽ thấy được cái tài "tả chân" rất hay, rất trung thực của Mai Tiến Nghị. Ông tả việc tả cảnh tả vật dụng quá ư sắc nét, ông thành thật trăm phần trăm chứ không hề giấu giếm chút nào. Nghĩa là cả hai dùng rượu ngoại thì ông nói thật dùng rượu ngoại, tuyệt nhiên không hề thi vị hóa để biến rượu ngoại khi vào thơ hóa thành rượu lá rượu ngô - một thứ đặc sản dân giã mà quý mà ngon của đồng bào miền núi.

Mà hình như bạn ông - nhà thơ Lò Cao Nhum cũng chả mấy bận tâm về những điều không đáng bận tâm này: Rượu nào chả rượu, chúng ta cứ rượu cứ thơ cứ ngất ngưởng say thôi, hỡi người bạn thành Nam thân quý của tôi ơi!

"Hối hả đua chen khách lãng du

Dừng chân bên quán dáng thờ ơ

Thổ cẩm sợi Tàu nhìn nhức mắt

Khèn Mèo lủng lẳng bám cột gầy"

Mặc dù không nói thẳng ra, nhưng tôi tin thi sĩ họ Mai cũng có chút chạnh lòng khi sản phẩm dệt may cổ truyền của người đồng bào vùng cao cứ mỗi ngày, mỗi ngày tiến dần đến mai một, xóa nhòa. Giờ đây, họ không còn miệt mài, cặm cụi để trực tiếp làm ra sản phẩm nữa, thay vào đó, nhập ngay hàng Tàu về may vá, thêu thùa cho nhanh cho tiện.

Cái "nhìn nhức mắt" của nhà thơ cũng có thể hiểu là cái nhìn... gai tinh con mắt vậy.

Nếu là sản phẩm của chính bà con mình làm ra, thay vì "nhìn nhức mắt" thì nhà thơ sẽ viết "nhìn vui mắt" là điều hoàn toàn có thể. Tại sao không?

"Khèn Mèo lủng lẳng bám cột gầy". Chao ôi, tiếng khèn mà lủng lẳng bám được vào cột gầy thì hay và vi diệu biết nhường nào. Thi sĩ chính là đây chứ còn xăm soi, lần tìm đâu nữa chứ?

"Phì phò dưới ruộng trâu cày ruộng

Nghé ọ trên bờ nhảy tung tăng

Lũ vịt dúi mình tìm tôm tép

Nườm nượp người đi... nhòa sương giăng

 

Nửa phố nửa quê là xóm núi

Giọng người đồng mình vẫn trinh nguyên

Nóc nhà vẫn nở hoa khaukut

Khói lam ấm áp vờn chiều nghiêng"

Thú thật, khi đọc hai khổ thơ này, đặc biệt là khổ thơ trên, tôi tưởng như mình đang đọc thơ của Bàng Bá Lân hay Anh Thơ vậy. Và khi thưởng thức trọn vẹn "Xóm núi", tôi lại nghĩ đến Bàng Sĩ Nguyên trong "Vợ chồng đi chợ xuân" - một bài thơ phải nói là tuyệt bút.

Chúng ta không thể không xuýt xoa bức tranh về vùng cao ở bản Lác được Mai thi sĩ đặc tả quá sinh động và tài tình. Thơ như văn xuôi, thứ văn xuôi được thấm đẫm hồn cốt của thi ca đích thực.

Và, ở hai đoạn thơ trên, nếu tinh ý, ta thấy hình như nhà thơ cũng có ý an ủi cho bạn của mình, đồng thời cũng tự trấn an cho chính bản thân của mình thì phải? Thi nhân đã rất khéo léo khi tự nhủ "Giọng người đồng mình vẫn trinh nguyên/ Nóc nhà vẫn nở hoa khaukut". Phải chăng, nhà thơ như ngầm bảo: Đúng là bây giờ, cái xứ sở vùng cao xa xôi của bạn ta cũng không thể nào tránh được cơn lốc dữ dội và tàn nhẫn của thời buổi kim tiền, nhưng trong chất giọng của người đồng bào nơi đây, hay chính xác hơn là hồn thiêng của bản làng hãy còn nguyên vẹn, không lai căng, biến tướng. Hoa khaukut vẫn còn nở trên nóc nhà sàn thể như hoa cứ mãi lặng lẽ tỏa hương thơm trong tâm tưởng, trong tình cảm yêu thương của mỗi chúng ta?

"Khói lam ấm áp vờn chiều nghiêng" - câu thơ kết đã khép lại bài thơ, đồng thời cũng mở ra một chiều kích khác, một thế giới khác, một nỗi niềm như tiếng lòng thi nhân thầm thĩ với bạn của mình: Cho dù mai kia vật đổi sao dời như thế nào đi chăng nữa thì tình bạn tình thơ của chúng ta mãi mãi ấm áp và đẹp như làn khói chiều của quê hương mình, bạn nhé.

Câu thơ đa nghĩa, hay và gợi đến nao lòng.

Nhà văn mà làm thơ như này thì bản thân người viết mấy dòng này cùng khối người làm thơ khác dù có chạy vắt giò lên cổ cũng khó lòng mà đuổi kịp.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ ĐÊM CUỒNG SAY:

*.

Quảng Ngãi, 11/01/2023

HÀ HUY HOÀNG

Địa chỉ: Thôn Nga Mân, xã Phổ Cường,

huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Điện thoại: 098 328 26 79

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật nguyên bản từ sách tác giả gửi tặng tháng 10 năm 2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến      

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét