PHIM ‘ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM’ VÀ NHỮNG PHẢN ỨNG TRÁI CHIỀU - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 


PHIM ‘ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM’ VÀ

NHỮNG PHẢN ỨNG TRÁI CHIỀU

 

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu

 

Tác giả: Nguyễn Tuấn Khanh

“LƯỠNG” VÀ “CHÔM”

Trong ngôn ngữ bình dân của miền Nam, hay còn gọi là tiếng lóng của nhiều thập niên trước – lưỡng và chôm – thường được biết đến với cách định nghĩa khác nhau.

“Chôm” là một hành động trộm cắp, một cách qua mặt và lấy đi trong một bối cảnh nào đó có tính thủ thuật. Còn “lưỡng”, được mô tả như một hành động gian trá trộm cắp, nhưng có tính toán và thủ đoạn. Và thậm chí là có vẻ “điếm đàng” trong đó.

Câu chuyện bộ phim Đất Rừng Phương Nam gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam về nội dung là một chuyện. Nhưng bên cạnh đó, một nội dung khác cần phải được nhắc tới đó là chuyện giới trí thức lãnh đạo học đường nhiều nơi, lại tìm cách “lưỡng” tiền của phụ huynh, bằng chuyện ra công văn tổ chức cho học sinh phải đi coi bộ phim này, mà theo ngôn từ của các công văn thông báo là chuyện học tập quan trọng.

Có nơi thì gọi việc bán vé cho học sinh đi coi phim như là một tiết học mở rộng nâng cấp tri thức “tích hợp liên môn”, có nơi thì gọi là để “khơi gợi tình yêu nước”, tìm hiểu về “truyền thống”. Nói chung là trường nào cũng giỏi diễn đạt để “lưỡng”. Và ngôn ngữ của việc “lưỡng” tiền phụ huynh nghe rất kêu, âm vang như trống trận của lòng yêu nước thời bình.

Đáng ngạc nhiên rằng trước khi phim ra mắt, tức là đa số giới lãnh đạo của các trường trung học và đại học cũng chưa biết gì về bộ phim, và nhiều người cũng chẳng được coi trước qua bộ phim đó như thế nào ngoài tấm ảnh poster, nhưng các công văn lại nói như đinh đóng cột về một giá trị cần phải được nhận thức, phải học thuộc từ bộ phim sắp chiếu.

Rõ là có một đường dây marketing rất công phu và chi tiết đến mức khiến những ngón tay có học thức của các vị lãnh đạo giáo dục phải gõ ra những điều “tha thiết”, hối thúc học sinh phải “yêu nước qua phim”, và việc coi phim được kẹp vào ruột giáo dục nhà trường. Chính họ cũng không lường được phản ứng xã hội với bộ phim này như thế nào lúc này. Thậm chí sau đó, cũng không có trường nào có tổ chức kiến giải nội dung phim bị tranh cãi, nhằm gỡ rối cho những học sinh, sinh viên của mình đã bị thúc hối đến rạp.

Nhiều lời tố cáo của phụ huynh, khi so sánh với thực tế, cho thấy tiền bán vé cho học sinh, sinh viên không nhằm vào giá trị tri thức của lớp trẻ, mà dường như là cho một mục đích nào đó, cụ thể và tồi tệ hơn. Một phụ huynh trên Facebook đưa ra dẫn chứng về việc các nhà trường buộc học sinh mua vé từ 80.000 đồng cho đến 95.000 đồng, cao hơn hẳn giá vé gốc tại rạp là từ 45.000 đồng đến 65.000 đồng. Hơn nữa, giới phụ huynh còn nói chuyện ai cũng biết, vé mua với số lượng lớn đều có phần trăm giảm giá, và còn phần giảm giá khác, vẫn đặc biệt dành cho sinh viên học sinh. Không ai giải thích số tiền lớn thừa ra từ bán vé, rồi sẽ dùng vào việc gì, và tại sao những người lãnh đạo giáo dục lại nâng giá như bọn buôn bán chợ đen?

Đó là những bài toán bí mật, mà lời giải của chúng, có thể đoán là đều nằm trong việc thực hiện marketing cho bộ phim, thỏa thuận với những người có quyền sinh sát ở các cơ sở giáo dục quốc gia. Những thỏa thuận đó không tiết lộ trên các công văn thúc hối đầy tính cấp bách của tri thức. Nhưng từ góc tối của sự hăng hái từ các công văn đồng loạt hô to “yểm trợ và học tập từ phim”, người ta có thể suy đoán được bằng một chữ đơn giản, là “lưỡng”.

Nhắc lại, “lưỡng” của miền Nam là một cách ăn cắp, có pha trộn sự tính toán điếm đàng, điệu nghệ hơn “chôm” một bậc. Lưỡng có tính toán, tạo vỏ bọc tri thức trơn láng trong chuyện tổ chức đi coi phim. Và lưỡng điếm đàng là nâng giá một cách tự nhiên, coi phụ huynh là đám đông dễ dàng bị moi túi, không khác gì những con bò bị vắt sữa đến giọt cuối mà chỉ dám kêu đau khe khẽ.

Sau làn sóng dư luận bàn luận trên các trang mạng, nhiều trường cảm thấy “thốn” như bị lộ, nên vội vã rút lại lời kêu gọi xem phim, hoặc ra công văn bao biện cho chuyện đã làm. Đây không phải là lý do để ngành công an mở cuộc điều tra sao, về việc đột nhiên có một loạt các trí thức lãnh đạo giáo dục đột nhiên có cùng tư tưởng yêu nước, cùng một thời điểm, cùng sự mơ hồ về nội dung sản phẩm, nhưng cùng dứt khoát ra lệnh cho học sinh phải ra sức học tập từ phim? Sự lạm dụng tiền bạc trên đầu hàng ngàn phụ huynh, và cả sinh viên học sinh như vậy, được gọi tên bằng gì?

Đừng thở dài, và cũng đừng nản chí. Hãy một lần nữa nhìn thẳng vào nền giáo dục Việt Nam qua sự kiện “giải cứu tri thức từ phim” bị thất bại này, để biết và tinh tường chuyện con em Việt Nam hôm nay đang và sẽ trưởng thành qua những điều kỳ lạ như thế nào.


Tác giả: Hạ Nguyên

BÌNH CŨ, RƯỢU MỚI

 

Mấy ngày nay, phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đang tạo nên một không khí văn hóa thật sôi nổi trên mọi diễn đàn. Chưa bao giờ một bộ phim Việt lại được bàn luận nhiệt tình như thế, ngay từ những suất chiếu sớm, trước khi phim ra rạp chính thức. Không khí rộn ràng ấy khiến tôi có phần e ngại, vì sau khi rời rạp, cảm giác hụt hẫng khiến tôi không thực sự hứng thú với việc viết gì đó về bộ phim này. Lại thêm việc anh hùng võ lâm tụ hội, bao nhiêu tinh hoa phê bình đã tràn lan hết từ báo chí đến facebook, khiến nói thêm dễ thành nói thừa. Nhưng rồi tôi cũng viết, bởi từ trước đến nay, tôi viết trước hết là để cho mình...

 

1. Những thay đổi hợp thời của một bộ phim “hồi cố”

Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn là những chất liệu tuyệt vời để làm một bộ phim “hồi cố” – gợi bao nhớ thương của biết bao thế hệ khán giả. Nhưng với dung lượng của tiểu thuyết và phim truyền hình, hai tác phẩm trên đều ngồn ngộn nhân vật, tình tiết, xử lý như thế nào để chuyển thể thành phim điện ảnh thật sự là một bài toán khó. Vậy nên việc đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và biên kịch Trần Khánh Hoàng có nhiều thay đổi mạnh mẽ ở cốt truyện để tạo nên một kịch bản kịch tính, hấp dẫn là những sáng tạo hợp lí.

Thị hiếu của lứa khán giả gen Z hiện nay đã đổi khác nhiều so với thế hệ 7X, 8X, 9X bưng chén cơm mắt không rời tivi ngày trước. Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật phải thức thời mạnh mẽ nhất trong các loại hình nghệ thuật, nhất là trong thời buổi hậu đại dịch, các rạp phim phải cạnh tranh gắt gao với các ứng dụng xem phim trực tuyến, việc theo sát thị hiếu đại chúng gần như là tôn chỉ hàng đầu của các nhà làm phim thương mại. Vậy nên kịch bản của Đất rừng phương Nam đã lựa chọn “hy sinh” mạch truyện khám phá đất và rừng U Minh, hành trình khai hoang mở đất của người nông dân Nam bộ trong tiểu thuyết gốc để tập trung vào mạch truyện chạy giặc, đánh Tây vốn dễ mở nút, thắt nút cho những cao trào, kịch tính.

Với lựa chọn đó, An thay vì rong ruổi cùng Cò và tía nuôi đi “ăn ong”, bắt rắn, săn cá sấu trong rừng U Minh; khai hoang khẩn ấp làm ruộng cùng một miệt với gia đình chị Út Trong, chú Võ Tòng; thì trong bộ phim này, An được “dẫn dắt” bởi Út Lục Lâm – một tay giang hồ trộm vặt rồi “sang tay” ông Tiều – một người Hoa hành nghề sơn đông mãi võ, bán thuốc dạo nhưng thực chất là thành viên có máu mặt của Thiên Địa hội – Nghĩa Hòa đoàn. Hai nhân vật Út Lục Lâm và người đàn ông sơn đông mãi võ vốn là sáng tạo của bản phim truyền hình Đất phương Nam 1997, nhưng trong bản phim ấy, họ cũng chỉ là những nhân vật phụ có vai trò làm đầy đặn thêm những trải nghiệm của An về tình người Nam bộ và sự đa dạng bản sắc của vùng đất bao dung Nam kì lục tỉnh. Nhưng Nguyễn Quang Dũng và Trần Khánh Hoàng đã thấy ở hai nhân vật này những yếu tố có thể biến kịch bản của Đất rừng phương Nam thành một bữa tiệc giải trí đa màu sắc: tay thảo khấu Út Lục Lâm với những mảng miếng hài hước giang hồ từ từ đưa cậu bé công tử bột Sài thành nhập cuộc bụi đời; ông Tiều trượng nghĩa, giỏi võ nghệ mang đến những pha hành động mãn nhãn kháng Pháp phục Nam.

Với những quyết định mạnh bạo như vậy, Đất rừng phương Nam đã nhanh chóng trở thành một bộ phim hài hành động thức thời. Khán giả già, trẻ đến rạp thường không mong đợi gì hơn vừa được cười thỏa thuê, vừa thót tim, giật mình trước cảnh rượt đuổi bắn giết.

Thế mạnh casting của Nguyễn Quang Dũng lại được phát huy khi vừa quy tụ được những khuôn mặt quen thuộc trên màn bạc từ Trung Dân, Công Ninh, Hồng Ánh, Kiều Trinh, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật; vừa lăng xê được lớp diễn viên trẻ diễn xuất rất thuyết phục Huỳnh Hạo Khang, Bùi Lý Bảo Ngọc, Băng Di, Tuấn Trần… Và tất nhiên, với một đạo diễn chắc tay như Nguyễn Quang Dũng, tính thẩm mĩ của hình ảnh cũng là điều khỏi bàn cãi. Bối cảnh được thiết kế khá công phu, những thước phim được trau chuốt lung linh như MV ca nhạc trong trẻo, tươi sáng cũng làm nao lòng nhiều khán giả trẻ.

Đó là những thế mạnh rất đáng ngợi khen cho một ekip thông minh và tâm huyết. Tuy nhiên…

 

2. Hồn cốt phương Nam ở đâu trong "Đất rừng phương Nam"?

Trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, đề tài thiên nhiên Nam bộ và đề tài yêu nước kháng Pháp song hành cùng nhau, nương tựa lẫn nhau. An từ một cậu bé thành phố “mọt sách”, lơ mơ về đời sống; sau những chuyến đi rừng cùng tía nuôi và Cò mà được bước ra khỏi trang sách, khám phá mảnh đất phương Nam đẹp mỡ màng, trù phú. Từ tình yêu thiên nhiên và con người Nam bộ, An từ từ nhận thức được những tội ác tàn bạo của giặc Pháp với đất và người nơi đây, cậu bé tự nguyện xin được vào du kích đánh Tây, bảo vệ quê hương. Nghĩa là chính vẻ đẹp hùng vĩ, trữ tình bạt ngàn của vùng đất phù sa đã bồi đắp nên niềm tự hào và tình yêu nước nơi cậu bé An.

Hãy cùng nhau đọc lại những trang văn tràn ngập vẻ đẹp sinh thái đi trước thời đại của nhà văn Đoàn Giỏi:

“Chúng tôi giở những nắm cơm vắt ra. Ăn xong, bấy giờ bóng nắng mới bắt đầu lên. Gió cũng bắt đầu thổi rao rao theo với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi nhè nhẹ tỏa lên phủ mờ những bụi cây cúc áo, rồi nhè nhẹ tan dần theo hơi ấm mặt trời. Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần dần biến đi.

Chim hót líu lo. Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng. Mấy con kỳ nhông nằm vươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh... Con Luốc động đậy cánh mũi, rón rén mò tới. Nghe động tiếng chân con chó săn nguy hiểm, những con vật thuộc loại bò sát bốn chấn, to hơn ngón chân cái kia, liền quật chiếc đuôi dài chạy tứ tán. Con núp chỗ gốc cây thì biến thành màu xám vỏ cây. Con đeo trên tấm lá ngái thì biến ra màu xanh lá ngái.”

Nhưng trong bộ phim điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng, chính vì triệt để khai thác chất hài hành động trong hành trình của An, phim đã vô tình “đoạn tuyệt” với cội nguồn “đất rừng phương Nam” của mình. Dù ngồn ngộn những hình ảnh đẹp của rừng tràm Trà Sư, ao Bà Om; từ Sóc Trăng đến Đồng Tháp, An Giang nhưng cái đẹp của bối cảnh là cái đẹp “làm nền” của những thước phim quảng bá du lịch; thiên nhiên không hề được khai thác như một nhân vật, một linh hồn dữ dội mà bao dung với con người tứ xứ đổ về mưu sinh. Cảnh cánh cò bay lả bay la bằng công nghệ CGI thiệt trân; cảnh đom đóm tạo hình cả nhà thương nhau trong đêm trăng rằm như chiến dịch quảng cáo đèn đom đóm của Cô gái Hà Lan cuối thế kỉ trước. Những cảnh cưỡi trâu, bắt cá thòi lòi, bắt rắn, săn cá sấu trong phim chỉ được thêm vào để ekip chứng tỏ sự tâm huyết của mình chứ không hề có chút vai trò tự sự nào trong bộ phim đẹp đẽ mà vô hồn.

Trong bộ phim truyền hình Đất phương Nam năm 1997, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã khiêm nhường bỏ đi từ “rừng” trong tên phim vì điều kiện kinh phí không cho phép đoàn phim tái hiện được hết cái hùng vĩ bạt ngàn của rừng U Minh. Vì vậy, vị đạo diễn gạo cội này đã lựa chọn bù đắp những khiếm khuyết về bối cảnh bằng cách tập trung khắc họa tính cách con người Nam bộ chất phác, thẳng ngay, trượng nghĩa, chí tình. Nhiều nhân vật, tình tiết được thêm thắt để vừa tạo nên kịch tính cho phim; vừa tạo ấn tượng mạnh về lối sống nhân nghĩa, hào sảng của người phương Nam. An đi đến đâu cũng được cưu mang, đùm túm bởi ai cũng thương thằng nhỏ côi cút như con chim non lạc mẹ. Dần dần, An nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ bởi sống trong ăm ắp tình thương như cá tôm miệt này.

Bản phim điện ảnh Đất rừng phương Nam giữ nguyên nhan đề gốc của tiểu thuyết, có lẽ họ tự tin ở khả năng khai thác bối cảnh của mình (dù rừng U Minh hoang sơ, hung hiểm chẳng thấy đâu; chỉ thấy một thứ “rừng” hiền lành “hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng” của khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư). Phim điện ảnh cũng giữ lại gần như đầy đủ hệ thống các nhân vật của bản truyền hình, thậm chí còn thêm vào lực lượng hùng hậu của các bang hội Hoa kiều; nhưng cái hồn vía, cái tình người phương Nam chơn chớt nghĩa nhơn lại chẳng thấy đâu. Mạch phim nhanh và ôm đồm khiến khán giả chưa kịp thấm thía cảm động thì đã phải cười ngặt nghẽo vì những miếng hài khá vô nghĩa và giật mình bởi những tiếng súng, cú đấm, đá song phi như Tiểu lý phi đao Tuyệt đại song kiều.

Lời thoại của phim hiện đại và hầu như mất hút phương ngữ Nam bộ, yếu tố quan trọng làm nên tinh thần bộc tuệch ăn sóng nói gió của người dân xứ này (có lẽ nhà sản xuất muốn phim phủ sóng toàn quốc nên lời thoại phải là từ toàn dân như các bài tập làm văn trong nhà trường). Áo bà ba, khăn rằn, vài ba câu cải lương, câu hò, cảnh trên bến dưới thuyền, đá gà độ, cầu tõm… không đủ để tạo dựng được một phông nền văn hóa nếu người làm phim cạn cợt cội nguồn, hồn vía xứ sở.

Chỉ riêng việc chọn Trấn Thành vào vai bác Ba Phi đã là minh chứng rõ nét nhất cho sự cạn cợt vốn liếng văn hóa của ekip. Theo kịch bản của bộ phim này, vai Ba Phi là một nhân vật cực kì quan trọng, vì chính ông là người tạo nên không khí sử thi cho cảnh nhân dân nổi dậy khi đoàn hát của thầy giáo Bảy bị lính Pháp tấn công. Ông đã nói lên những lời phản tỉnh, hiệu triệu đầy sức nặng, thậm chí đủ sức cứu vãn cảm xúc nhạt nhòa của người xem suốt bộ phim. Người diễn viên đủ tầm vóc để tạo nên không khí bi tráng ấy nhất định phải là một ông già Nam bộ lẫm liệt, từng lời nói là lời gan ruột chắt chiu từ căm phẫn đau thương “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ. Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó!”; chứ nhất quyết không phải một diễn viên ngoài ba mươi râu dán chưa chắc và chưa phân biệt được thoại kịch với thoại phim.

Có lẽ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam sẽ không bị xét nét nhiều đến thế nếu không tựa lưng vào nhan đề, cốt truyện của hai tác phẩm lớn một thời vang bóng. Tôi đã phì cười trước bình luận hóm hỉnh của một tài khoản facebook: nên đổi tên phim thành “Rất đừng phương Nam”. Từ trường hợp của bộ phim này, điện ảnh Việt có thêm một bài học đắt giá: đừng phục cổ, hồi cố khi chưa thật sự thấm nhuần hồn cốt của tiền nhân.

 

 

Tác giả: Bùi Đức

TIÊU CHUẨN KÉP VÀ ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM

 

“Đất rừng phương nam”, trường hợp điển hình của tiêu chuẩn kép và đánh tráo khái niệm.

Thông thường khi một bộ phim ra rạp sẽ có khen, có chê. Đối với những nhà làm phim lớn hoặc tên tuổi thì luôn có một lượng fan trung thành sẵn sàng khen hết nấc để quảng bá bộ phim. Tuy nhiên ở “Đất rừng phương nam” lại khác. Người ta bảo những ồn ào quanh nó là "tranh cãi" nhưng thực ra những ý kiến khen nó hay hầu như không có mặc dù nó được "bảo hiểm" bởi nhiều cái tên đình đám. Lần này, trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng, các tài khoản chuyên "bơm", "thổi" phim lên đều có phản ứng rất yếu ớt đuối về lý lẽ mà quay sang bài ca kêu gọi ủng hộ phim Việt, tha thứ, tâm hướng phật .... bla bla. Từ đây, sự ngụy biện mang tính tiêu chuẩn kép và đánh tráo khái niệm được sử dụng phổ biến. Cốt để lấy doanh thu chứ thực tâm thực ý vì những điều tốt đẹp thì thôiiiii, nếu có một chút lương tâm thì đã không bấm máy. Nói vậy cho nhanh.

Tạm chia làm 2 phần, phần liên quan đến nội dung bộ phim và phần liên quan đến chiêu trò truyền thông.

Ở phần liên quan đến nội dung: không phải đến khi phim ra mắt, người ta mới nói mà từ khi có trailer, rất nhiều ý kiến đánh giá, đây chỉ là phiên bản ăn theo sự nổi tiếng của bản truyền hình một cách trơ trẽn. Không có nổi một bài hát chủ đề mà phải bê lại Bài ca Đất phương nam để ăn theo cái bóng ngày xưa. Thử tưởng tượng những bộ phim như Tây Du Ký về sau đều sử dụng nhạc nền huyền thoại của bản 1986 sẽ ra sao? Thiếu sáng tạo và ăn bám lộ liễu chứ còn sao nữa.

Nhưng điểm đáng nói hơn đó là nội dung phim nát bét. Từ khâu lựa chọn diễn viên, bối cảnh, màu phim đến cả những chi tiết như phục trang, cách dùng từ... đều rác. Sau nhiều lần chày cối, cuối cùng phe bênh vực phim đuối lý đã có một nước đi còn ngu hơn kiến thức lịch sử của chính họ đó là đổ thừa cho sự hư cấu. Tiêu chuẩn kép ở đây là nếu thuận lợi thì sẽ mặc định những gì phim nói đến đều "hợp lý", các băng ổ nhóm phản diện ngoài đời được rửa mặt đóng vai trò "giải phóng", bằng không thì tui tưởng tượng ra vậy, sáng tạo mà. Điều này đồng nghĩa với việc kiến thức lịch sử trong phim bằng 0, kết hợp với bối cảnh xa lạ, thì ý nghĩa giáo dục, khơi gợi niềm tự hào... mà phim tự nổ hoàn toàn không có. Từ một tác phẩm văn học thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, miêu tả sinh động đất và người Nam bộ trở thành một thứ rác không có ý nghĩa giáo dục, lại chẳng truyền tải được văn hóa Nam bộ thì còn gì để nói?

Trong khi phim nó nát như vậy thì từ phía nhà sản xuất lại có biện pháp xử lý cực kỳ củ chuối đó là đổi tên các hội nhóm trong phim. Sự đánh tráo khái niệm này phải ngây thơ dữ lắm mới chấp nhận được. Thay tên thì khác quái gì trong khi về mặt bản chất nó vẫn là những hội nhóm côn đồ ngoại lai? Đến đây tôi nhớ một trường hợp khác đó là "Bụi đời Chợ Lớn". Phim mắc lỗi nghiêm trọng đó là để các băng nhóm lộng hành thậm chí đóng vai chính nghĩa nên đã bị khai tử khỏi hệ thống rạp Việt (mà mảng hành động thì Bụi đời Chợ Lớn ăn đứt “Đất rừng phương nam” là cái chắc). Thế nhưng không biết vì một lý do thần kỳ nào đó mà “Đất rừng phương nam” chẳng ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn không bị cắt suất chiếu mà vừa chiếu vừa sửa. Vẫn đủ để chạy doanh thu để có cái mà gáy.

Còn về khâu quảng bá và đưa phim tới công chúng cũng gây nhiều bức xúc. Tất nhiên phim chẳng khen được điểm nào vậy nên những bài viết lăng xê cho phim (có cả báo chính thống) quay sang chiêu trò lợi dụng sự thương hại. Hàng loại nhân vật lớn trong lĩnh vực điện ảnh thay vì nói chuyện chuyên môn thì lại sướt mướt với luận điệu "đừng bóp chết phim Việt", "hãy cho phim Việt một cơ hội", "để cho tính sáng tạo được tự do". Như đã nói, một bộ phim ăn bám hào quang của người tiền nhiệm nhưng không tôn trọng bất cứ gì thuộc về giá trị cốt lõi của bản gốc thì có đáng để khóc lóc vậy hay không? Hỏi là trả lời.

Người hâm mộ không quay lưng với phim Việt mà cụ thể trong trường hợp này là chỉ trích đích danh bộ phim “Đất rừng phương nam”. Thế nhưng nhà sản xuất và các bài viết kêu gọi cho phim lại lấy danh nghĩa "phim Việt" một cách chung chung như là chiêu trò hòa vào tập thể, như một cách đổ lỗi cho khán giả. Nó giống như một thứ tiêu chuẩn kép lệch lạc. Khi anh thành công thì vinh quang mình anh hưởng, hào quang rực rỡ mình anh có nhưng khi vướng lùm xùm thì tất cả phim Việt đều phải gánh thay anh. Nên nhớ rằng để cho cái phim rác “Đất rừng phương nam” này ra rạp, bao nhiêu phim khác đã phải dời lịch chiếu, bóp suất chiếu, tất cả chỉ để chạy doanh thu cho nó. Khóc lóc gì hỡi người ơi.

Lại nói về bóp suất chiếu. Tần suất dày đặc ở mọi rạp không nói lên độ hot của phim. Ngược lại nó nói lên độ mặt dày, xem thường khán giả của phía phát hành. Nói đến đây, nhiều cháu fan cứng gào lên "không thích thì đừng coi". Không phải, rạp phim là nơi mọi người đến ngoài mục đích coi phim còn hội ngộ bạn bè, hẹn hò hoặc đơn giản muốn tìm không gian thư giãn. Việc ép buộc toàn bộ suất chiếu giờ đẹp chỉ là cái phim rác này thực ra chỉ là trò vét bất chấp mà thôi. Không phải ngẫu nhiên mà những phim ra rạp dịp tết đều có doanh thu ổn định mặc dù chất lượng như hạch.

Cuối cùng phải nói đó là khâu quảng cáo phim rất là không đàng hoàng. Có cả 1001 chiêu trò ép (dưới danh nghĩa khuyến khích) mua vé tập thể hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên... Càng làm cho bộ phim như một sản phẩm làm ra để đào mỏ.

Tóm lại, sự phản ứng gay gắt đối với “Đất rừng phương nam” bắt nguồn từ nhiều chiều, nhiều hướng, xuất phát từ hầu như tất cả những gì liên quan đến bộ phim. Việc nhà sản xuất chỉ lựa chọn một vài điểm nhỏ xíu để chỉnh sửa giống như hớt bọt trên bãi rác không thể hiện được chút thành ý nào chứ đừng nói là sửa đổi. Nhưng nó vẫn sẽ ra rạp, vẫn sẽ kiếm tiền vì mục đích chân chính của nó vẫn luôn là lợi nhuận. Chừng nào vẫn thâu tóm được các cụm rạp độc quyền phát chiếu giờ vàng thì chừng đó vẫn chắc chắn thu được lợi nhuận.

Con cá sấu nó khóc là lúc nó đang ăn no thật là no. Nhìn bức ảnh ở dưới, không biết ai đang bóp ai, ai đang không cho ai thở???

 

 

Tác giả: Nguyên Thái

TỪ HÀNG GHẾ KHÁN GIẢ... KHÁCH QUAN

 

Tôi chưa bao giờ anti anh Trấn Thành, cũng không phải là fan anh ấy. Nếu phim anh ta hay sẽ khen, dở sẽ chê. Quan điểm đâu đó rõ ràng.

Riêng với phim Đất rừng phương Nam theo tui là Út Lục Lâm vai chính. Mảng miếng của anh này quăng thì trớt quớt thành ra không có duyên (tôi chỉ cảm thấy hài trên sân khấu chứ phim thì cái hài trong nét diễn này là không hay một tí nào). Hài không hài bi không bi, chiến tranh không chiến tranh, phiêu lưu không phiêu lưu (chả hiểu phim thuộc cái thể loại nào mà đạo diễn muốn hướng tới?). Mà thật sự tôi ghét nhất cái tư tưởng "nạn nhân" trong phim này. Sinh ra làm ăn cắp rùi dạy thằng nhỏ ăn cắp, xong đổ thừa là do hòan cảnh nên phải ăn cắp, và ăn cắp là đúng là hiển nhiên (cái tư tưởng này rất là bệnh hoạn và nguy hiểm). Tôi tưởng An sẽ cảm hoá được Út Lục Lâm từ bỏ nghề ăn cắp, ai dè đâu, Út Lục Lâm thuần phục luôn An, khi An thốt lên câu "anh Út dạy em ăn cắp", nghe xong tui bị ngớ luôn trời. Phim này xây dựng vai Út Lục Lâm là chăn dắt và An là tự nguyện đượcc chăn dắt. Tóm lại vì cái nghèo và mồ côi nên có quyền được ăn cắp.

Cha An là người hoạt động cách mạng lại có tư tưởng bảo thủ và vì chuyện cá nhân mà dám hy sinh chuyện lớn, đem chuyện yêu nước ra làm trò đùa. Phim bản 1997 thì tôi không nhận ra, nhưng cho đến khi xem bản điện ảnh 2023 này tôi mới thấy rõ bản chất "con ông cháu cha", vì An đi tới đâu là cũng có người nhiệt tình săn đón và giúp đỡ. Ở bản 1997 thì xem tôi cảm nhận được cái tình người và sự đùm bọc lẫn nhau. Nhưng ở bản 2023 thì tôi thấy rằng vì An có thân thế, cha là Hai Thành (không rõ chức vụ gì, chỉ biết làm cách mạng), nên đi tới đâu cũng được ưu ái giúp đỡ (nó thể hiện quá rõ khi những người đó hỏi về thân thế của An, và có khúc Út Lục Lâm nói thằng này sướng đi tới đâu cũng có người nuôi).

Hơn nữa, việc đề cao "Thiên địa hội" là những con người dám đứng lên đấu tranh cho đất nước Việt Nam mới ghê... Những cảnh này tôi lại chất vấn, ủa, người Việt Nam đâu không đứng lên, lại để một dàn hội nhóm gốc Hoa cầm đầu đứng lên vậy nè? Ý đạo diễn là gì?

Vai Võ Tòng thì xẹt ra được ba khúc, hai khúc sau xẹt ra như "ma" được gọi hồn là tự nhiên ở đâu trên trời xẹt xuống lãng ơ, rùi lấy cung bắn xẹt hai cái hết phim.

Vai Út Trong bản 1997 đẹp thuần khiết mộc mạc bao nhiêu thì bản 2023 trái ngang lắm nhìn là biết con gái thành phố về quê tập bơi xuồng (xem sẽ rõ).

Vai bác ba Phi thì đúng là phi logic, nói chuyện đạo lý trong bối cảnh mà đang xáp lá cà và mấy câu thật sự rất vô tri kiểu như đang khuyên một thằng nghiện đừng hút xì ke, nghe xong là đi vào lòng đất chứ không thể cảm hóa nổi. Anh Trấn Thành đã thành công các vai diễn trong các bộ phim trước đây, riêng vai bác Ba Phi thì thật lòng "không có cửa" với chú Mạc Can.

Vai Tư Mắm cũng không đủ thâm độc như bản 1997, kiểu như diễn chưa tới nên thấy không đạt, mà cách trang điểm của Tư Mắm thấy cũng không hợp với thời đó lắm.

Về trang phục thì ối giời ơi.... cạn lời!

Thoại của mấy đứa nhỏ thì y như ông bà cụ non, nghe kì kì.

Và nhiều phân cảnh tưởng như đang coi phim Hồng Kông. Tóm lại là phim dở nếu không muốn nói là quá dở.

Xem xong thì chốt lại Đất phương Nam bản 1997 mãi đỉnh!

 

 

Tác giả: Dang Chanh Trung

MỘT PHƯƠNG NAM XA LẠ…

 

Bỏ qua những trận tranh cãi ác chiến trên mạng xã hội, hôm nay quyết định cho cả team đi coi Đất rừng Phương Nam. Cũng phải coi đã rồi muốn nói gì mới được.

Dĩ nhiên trong tâm thế gạt qua cái tiểu thuyết mà mình yêu thích từ năm lớp 3. Cái cuốn sách ngày xưa in đen thui xấu hoắc, có vài trang hình minh họa. Ba mình đã cất công đóng bìa cứng, lấy bút sáp tô màu mấy bức tranh. Cái mênh mông kỳ diệu và đầy huyền bí của Đất rừng Phương Nam đã xuất hiện trong trí tưởng tượng của mình từ đó.

Trước khi đi coi phim có ý định khi về sẽ viết một cái đó nhưng về không biết viết gì luôn. Chỉ thấy một phương Nam thật xa lạ.

Xa lạ trong tính cách con người. Cả phim không tìm đâu một cái nét gì của dân Nam kỳ, không đọng lại một cảm xúc gì luôn. Những nhân vật cứ gườm gườm, kết thúc đầy bất ngờ như khi xuất hiện.

Xa lạ với những nhân vật từng đại diện là cầu nối cho chú bé An đến với miền đất phương Nam. Bà Tư ù, ông tía nuôi là ông Ba bắt rắn và quan trọng nữa là thằng Cò, tất cả đều bị bỏ qua để dành đất cho thằng Út Lục Lâm không rõ vai trò gì. Một Võ Tòng hiền lành, trượng nghĩa cũng phải nhường chỗ cho superman. Út Trong xuất hiện như là một nàng tiên. Xa lạ trong cách nhà làm phim gắn chữ “yêu nước” lên nhân vật của mình.

Trong khi khán giả cần tìm, chờ đợi cái mộc mạc, ngang tàng, hào sảng của một dân Nam kỳ lại phải khó chịu khi coi một Trấn Thành lúc thì là một gã say sưa, bốc phét (chứ không phải nói láo) lúc thì gân giọng yêu đất, yêu nước. Nói nào ngay giữa chốn đông người cướp diễn đàn, “giật micro” nói đạo lý, dạy đời thì bị bắn là đúng rồi.

Mình không dám coi đó là bác Ba Phi. Nghĩ phim cũng gan, sáng tạo dữ trời dám cho một biểu tượng của dân Nam bộ sống và chết lãng nhách như vậy.

Một con Tư Mắm đẹp, vừa sành điệu, vừa ác, vừa mưu lược thâm độc còn hơn cả quan Tây. Coi thằng Tây bất chợt mình cười văng cả bắp rang khi liên tưởng tụi Tàu nó làm mấy thằng Nhật ngờ nghệch trong mấy phim kháng Nhật.

Xa lạ trong cái đời sống sông nước. Cái bối cảnh hoành tráng ở Trà Sư cũng chỉ để khoe chứ không thể hiện được cái gì. Không nhìn ra một chút đời sống của người phương Nam. Con mẹ Tư Mắm không đi bán mắm chỉ đi õng ẹo với ông Tiều. Trong khi mình chờ coi các nhà làm phim tái hiện thế nào cái ghe bán mắm ở sông nước miền Tây. Tương tự là cái ghe Sơn Đông mãi võ.

Xa lại trong cái đời sống văn hóa, cái gánh hát ở đình không biết là cải lương hay hát tuồng hát bội.

Xa lạ trong cảnh sắc về đất phương Nam kể cả những đại cảnh mà nhà làm phim thấy tự hào. Mình không nhận ra cái gì phương Nam ngoài cái bãi bùn cửa Trần Đề và cái rừng tràm Trà Sư.

Xa lạ trong toàn bộ các câu thoại. Nói, nói, nói mà không để lại cảm xúc gì.

Mình thấy như người ta tạo ra một cái vũng (như cái vũng nước trâu đằm) rồi thả câu chuyện và tất cả nhân vật vào đó. Mặc sức ngoi ngóp.

Trong hành trình của An (tiểu thuyết, phim truyền hình), đó là một dòng chảy lớn, các nhân vật lần lượt xuất hiện tô, dặm cho một bức tranh đẹp, cảm động về đất và người phương Nam. Những điều đó đã nuôi lớn An, dung dưỡng cho cậu tình yêu với mảnh đất này. Còn các nhân vật trong ciné thì được xâu chuỗi với nhau, bang hội, gườm gườm, đầy nghiêm trọng và rời rạc.

Bản ciné này như một người hoang tưởng, tự coi phim chưởng, đọc truyện kiếm hiệp rồi nghĩ mình là đệ nhất võ lâm rồi thượng đài MMA. Đưa mình cho người khác đấm thì cũng phải thôi. MMA, đấu tự do mà, mình quá ngây thơ trong khi đối thủ thì hiểm ác.

Mình cũng hết sức tôn trọng không gian sáng tạo của nhà làm phim. Nhưng nếu được, làm ơn đừng nhắc, đừng đụng chạm Đất rừng phương Nam, bác Ba Phi, đừng nhắc An, Cò… Còn chày cối nói đây chỉ là mở đầu cho việc phát triển phần 2 thì quá ngạo mạn, coi thường khán giả, coi thường những người đã bỏ tiền mua vé chỉ để coi cái trailer cho phần 2.

Hơn hết là coi thường những người đang sống và yêu quý cái vùng đất phương Nam này.

Lúc đó mình sẽ tiếc mất gần 2 tiếng để coi phim và sẽ đi tìm bạn diễn viên cũng là nhà đầu tư nào đó cao giọng nói đi coi không thích thì cứ gặp bạn í sẽ được đền tiền vé gấp đôi.

Viết xong, đọc lại thấy mình viết dở như phim...

 

 

Tổng hợp: Đoàn Xuân Mỹ

MẤY GÓC NHÌN VỀ PHIM ĐIỆN ẢNH

"ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM"

 

NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU,

CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Tôi cho rằng ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh rất khác nhau. Sẽ có những điều chỉ có lời văn mới thể hiện được, như nhà văn Đoàn Giỏi đã miêu tả rất tài tình sông nước Nam Bộ. Nhưng phim ảnh lại cần thêm nhiều tình tiết để hấp dẫn khán giả hơn nên khó mà đòi hỏi phim ảnh phải giống hệt như tác phẩm văn học.

Hơn nữa, nếu chỉ minh họa 100% tác phẩm văn học thì công chúng cần gì xem phim nữa? Điện ảnh, với ngôn ngữ đại chúng và gần gũi, dễ gây cảm xúc, có lợi thế rất lớn tạo ra các cảm xúc mới, giá trị mới cho cộng đồng. Nhiều tác phẩm điện ảnh đã đạt được sự toàn mỹ về cảm xúc và tinh thần. Tuy nhiên cũng có rất nhiều bộ phim chỉ làm được một phần nhỏ nhiệm vụ ấy.

Tôi đã xem "Đất rừng phương Nam" và theo dõi dư luận về bộ phim. Quả thực, một bộ phim không có cảnh nóng, không có yêu đương trai gái mùi mẫn mà khiến dư luận quan tâm cũng chứng tỏ những phim chính luận hay, có ý tưởng vẫn được công chúng mong mỏi. Nhưng dư luận đôi khi quá quan tâm đến một vài chi tiết, hình ảnh chưa hợp lý mà bỏ quên đi những hình ảnh tích cực, những cảm xúc mới mẻ mà bộ phim mang lại.

Tôi cho rằng điều quan trọng là phim đảm bảo được tinh thần của tiểu thuyết, còn ngay cả nguyên tác cũng là tác phẩm hư cấu nên chúng ta có thể dành nhiều không gian cho sự sáng tạo. Điều quan trọng của một tác phẩm nghệ thuật là tạo ra các cảm xúc tích cực, tạo ra mỹ cảm mới cho cộng đồng.

Theo tôi, trước tiên là nên đánh giá "Đất rừng phương Nam" một cách độc lập, một bộ phim trọn vẹn bao gồm câu chuyện, diễn xuất, âm nhạc, hình ảnh. Trong trường hợp này, tôi nghĩ không phải 100% khán giả ra rạp xem phim đều đọc tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi, cũng như toàn bộ đều đã xem bản truyền hình năm 1997.

Nhiều khán giả trẻ sinh ra sau khi bộ phim truyền hình đã chiếu. Thế nên tôi nghiêng về cảm xúc đem lại cho khán giả mà ở đây tôi thấy là tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và cả kích thích trí tò mò tìm hiểu về giai đoạn ấy. Sau khi tò mò thì khán giả tùy nghi nghiên cứu theo sở thích của mình. Đó cũng là giá trị của một tác phẩm điện ảnh hay, nó khiến người ta muốn tìm hiểu sâu hơn nữa.

 

NGHỆ SĨ NHÂN DÂN, ĐẠO DIỄN KHẢI HƯNG

"Đất rừng phương Nam" là phim tập tục, là phim giải trí chứ không phải là phim lịch sử. Nhiều người trên mạng xã hội hay ở đâu đó phân tích lịch sử rất minh triết về việc sử dụng các hội đoàn gì đó trong phim. Nhưng tôi không quan tâm đến điều đó. Những người làm phim truyện có thể dựa theo hơi hướng nào đó, một tác phẩm và có thể đẩy lùi cả trăm năm về trước hoặc tương lai cũng chẳng sao, miễn là chạm đến trái tim của người xem.

Nếu để nhặt sạn thì rất nhiều và bất kể phim nào cũng có thể nhặt sạn. Nhưng ĐRPN đầu tư tốt, nghiêm túc, âm nhạc hay, âm thanh tốt, quay phim đẹp, đạo diễn dàn dựng các cảnh đông người công phu mà có lẽ "Đất rừng phương Nam" là phim có cảnh đông người nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tất cả các nhân vật muốn miêu tả trong đám đông ấy đều nổi bật lên, đó là điểm cộng cho phim.

Nếu so với truyện "Đất rừng phương Nam" thì phim vẫn còn thiếu nhiều lắm nhưng chẳng sao cả bởi phim chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết. Tôi nghĩ không nên vùi dập một bộ phim như thế mà nên động viên nó để có thể làm tốt hơn.

Tinh thần của bộ phim "Đất rừng phương Nam" không hề mất đi. Có thể ở góc độ của phim truyền hình cách đây gần 30 năm, người ta nhìn nó bằng con mắt khác và bây giờ nhìn bản phim điện ảnh với con mắt khác, của những người trẻ hơn. Đó là điều chúng ta cũng phải học chứ đừng phê phán vội.

Nhìn ở góc độ phê phán lịch sử thì không sai nhưng nếu áp dụng vào đây thì có nên không? Vì "Đất rừng phương Nam" không phải là phim lịch sử, không nói đến lãnh tụ hay đề cập đến sự kiện cụ thể nào. Có thể đoàn phim không nghiên cứu, tên hội đoàn đề cập trong "Đất rừng phương Nam" có thể trùng tên với hội đoàn Trung Quốc nhưng điều đó không quan trọng.

Đừng bấu víu vào đấy để xé toang ra thành chuyện to tát rằng phim phản động, điều đó không đáng mà nên khuyến khích những bộ phim thế này. Tất nhiên phim vẫn có nhiều điểm có thể thay đổi, phải thay đổi theo góc nhìn của tôi - một nhà làm phim U80. Song vì đang học cách nhìn của người trẻ nên tôi sẽ không bao giờ nói giá như thế này, giá như thế kia, bởi tôi có làm phim đâu mà phát ngôn?

Phim nào có tiếng tôi đều đi xem nhưng thật lòng mấy năm nay tôi không ưng tác phẩm nào, kể cả những phim thu vài trăm tỷ của Trấn Thành. Còn với ĐRPN, theo quan điểm của tôi là một bộ phim ổn. Nếu điện ảnh có nhiều phim dân dã và công phu thế này là điều rất đáng khen.

 

ĐẠO DIỄN BÙI THẠC CHUYÊN

Một bộ phim truyện luôn luôn được định nghĩa là hư cấu, tưởng tượng, dù cho có được chuyển thể, phóng tác, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật. Do đó để có những bộ phim hay, tác giả cần phải để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng và đi xa hết mức có thể, thậm chí thoát ly hoàn toàn cái thực tế mà bộ phim dựa vào.

Giống như các loại hình nghệ thuật khác, một bộ phim truyện làm ra để khán giả khám phá thế giới tưởng tượng của tác giả. Một bộ phim truyện hư cấu tuyệt đối không phải là bằng chứng lịch sử hay căn cứ thực tế cho bất cứ một luận điểm nào, chủ thuyết nào.

Tất nhiên khán giả hoàn toàn có quyền đánh giá một bộ phim về tất cả những gì mà nó thể hiện. Nhưng phán quyết cuối cùng của khán giả đưa ra một cách văn minh là bộ phim đó hay hoặc dở, tôi thích hay không thích.

Nếu phán quyết của khán giả chuyển sang cái nhìn đúng-sai, ví dụ như làm hiểu sai vai trò của cách mạng hoặc làm sai lệch sự thật lịch sử hoặc góp phần làm tăng số lượng tội phạm... từ đó dẫn đến việc đòi cắt xén, thậm chí là đòi cấm chiếu thì thực sự những khán giả đó đang không công bằng với bộ phim.

Sự tranh cãi là cần thiết và tích cực nhưng xin đừng cực đoan. Nghệ sĩ yếu ớt và nhạy cảm, họ không muốn cãi và không thể cãi lại được với những "lý luận sắc bén, những lập luận chặt chẽ, những bằng chứng xác đáng không thể bác bỏ" của những khán giả cực đoan. Họ chỉ có thể ngừng tưởng tượng.

Chắc không khán giả nào mong muốn người nghệ sĩ sẽ ngừng tưởng tượng, kể cả những khán giả cực đoan nhất. Vì như thế sẽ chẳng còn phim hay để mà xem nữa.

 

NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TRỌNG TRINH

Việc thẩm định lại phim "Đất rừng phương Nam" đương nhiên ảnh hưởng, thậm chí còn làm tổn thương người sáng tạo. Nếu muốn chính xác thì mua truyện về đọc còn một khi đã là điện ảnh, người nghệ sĩ được quyền phóng tác làm sao để tạo ra một câu chuyện mang đến cảm xúc cho người xem.

Khi xem "Đất rừng phương Nam" tôi thả lỏng theo cảm xúc của mình bởi phim rất đẹp, quay cầu kỳ, thực hiện nhiều đại cảnh, diễn viên xuất sắc. Lúc đầu tôi nghĩ đây đáng lẽ không phải phim của các nhà sản xuất tư nhân làm mà lẽ ra nhà nước phải đặt hàng. Người ta nói phim sai lịch sử nhưng tôi không thấy thế.

Từng làm một series hài phương Nam, tôi thấy tính cách con người trong này rất đáng yêu. Hơn nữa cảnh rất đẹp. Tâm hồn tính cách người Nam Bộ rất hào sảng, hồn hậu. Đừng soi xét cho rằng phải đúng ngày, đúng tháng, đúng cứ liệu lịch sử. Kể cả phim lịch sử nước ngoài cũng chỉ bám lấy mốc sự kiện nào đó chứ không tả cụ thể mà hư cấu để tạo ra tác phẩm điện ảnh hấp dẫn, cuốn hút khán giả.

Tôi đánh giá lần này Nguyễn Quang Dũng làm phim ổn, cuốn hút từ đầu đến cuối. Là người trong nghề mà lâu lâu tôi mới thấy một bộ phim cuốn hút như vậy. Về diễn viên, tôi chỉ hơi gợn về diễn xuất của Trấn Thành trong vai bác Ba Phi trong khi các diễn viên khác diễn dung dị, vai nào cũng xuất sắc. Tôi đã làm chùm phim về bác Ba Phi do nghệ sĩ Thanh Nam đóng và đó là người miền Tây hào sảng, dung dị, rất đời, hóm hỉnh, hào sảng nhưng Thành diễn hơi cương nên bị bật ra khỏi dàn diễn viên. Đó là điều đáng tiếc.

Khi xem phim tôi không để ý đến Thiên Địa Hội, chỉ bị cuốn vào câu chuyện, âm nhạc tốt - quay phim đẹp - diễn viên giỏi. Đây có thể nói là một trong những phim hay nhất về miền Tây Nam Bộ và chúng ta phải tự hào về điều đó.

 

NHÀ BIÊN KỊCH TRỊNH THANH NHÃ

Việc tên đất, tên tổ chức từng có trong lịch sử và được nhắc lại trong một bộ phim mang tính xã hội như vậy thì nên chính xác hơn. Riêng trường hợp ĐRPN, câu chuyện bị đẩy về đầu thế kỷ 20, khi đó các tổ chức chưa có liên kết nào cả và khoảng thời gian đó chưa có khái niệm Việt Minh.

Nói về tác động của cộng đồng mạng lên một bộ phim hư cấu, tôi thấy nhà sản xuất như vậy là rất cầu thị nhưng sự việc vừa qua đúng là đã làm cho câu chuyện làm phim trở nên phức tạp hơn nhiều, làm những người yếu bóng vía có thể nản. Truy cùng diệt tận một lỗi nhỏ trong phim, làm như vậy là hơi quá và biến thành câu chuyện chính trị.

Điều đó không công bằng với một tác phẩm nghệ thuật trong khi vấn đề chính là bộ phim đó có mang lại cảm xúc cho người xem hay không. Ở góc nhìn của một người sáng tác, tôi mong mọi người đừng hẹp hòi quá, đừng đem những hiểu biết lịch sử mang tính đóng khung áp vào một tác phẩm nghệ thuật. Đương nhiên một người làm việc cẩn trọng hoàn toàn có thể tránh được những ý kiến như vậy của cộng đồng mạng. Mà cộng đồng mạng là cái gì đó khá tự do, lộn xộn, nếu cứ đuổi theo như vậy thì rất sợ hãi, không ai làm việc được. Theo tôi, "Đất rừng phương Nam" là phim tốt.

 

NHÀ BÁO NGỌC NICK M

Tranh cãi quanh một bộ phim phụ thuộc thể loại nó theo đuổi. Nếu phim làm về một thời kỳ lịch sử cụ thể sẽ phải tuân thủ chính xác các sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ, còn một bộ phim hư cấu nếu có tuân theo lịch sử hay không thì không quá quan trọng bằng việc khán giả xem có thấy phim hợp lý hay không, chất lượng phim thế nào.

Nhiều bộ phim giả tưởng, viễn tưởng hay xuyên không cũng dùng nhân vật lịch sử, chi tiết từng xảy ra trong lịch sử, thậm chí còn biến đổi đảo đi. Nhìn toàn cảnh vụ việc phim ĐRPN tôi thấy đây là vấn đề rất bình thường, quan trọng ngay từ đầu nhà làm phim đã xác định rõ thể loại và ý tưởng của phim thế nào. Trừ khi phim làm về một nhân vật có thật, dựa trên sự kiện có thật trong lịch sử mà làm sai lệch mới là điều đáng nói.

"Đất rừng phương Nam" là thương hiệu phim ngay từ bản truyền hình đã được xếp vào hàng kinh điển nên khi làm bản điện ảnh dù ít dù nhiều vẫn tạo được sự quan tâm lớn của dư luận. Do vậy đây có thể coi là dự án phim bom tấn mà khán giả đều mong chờ bất cứ chi tiết và thông tin nào liên quan đến phim. Thêm nữa phim quy tụ nhiều ngôi sao nên toàn bộ thông tin đưa ra đều được quan tâm. Phim ra rạp bị mổ xẻ và làm quá lên là chuyện bình thường và hoàn toàn có thể lường trước được.

"Đất rừng phương Nam" có thể coi là trường hợp điển hình trong phim Việt. Cá nhân tôi thấy việc bộ phim gây tranh cãi là điều bình thường, quan trọng là nhà sản xuất thấy sự chỉnh sửa đó có hợp lý không và việc họ chỉnh sửa lại là hợp lý, tránh gây tranh cãi.

 

 

Tác giả: Mi Ly và Đậu Dung

TIẾP NHẬN NGHỆ THUẬT

CẦN CỞI MỞ VÀ MINH CHÍNH

 

Thời gian qua những cuộc bàn tán đa chiều, thậm chí gay gắt, về các tác phẩm nghệ thuật (phim Đất rừng phương Nam là một ví dụ) được coi là tín hiệu tốt, giúp đời sống sáng tạo có sự đối thoại và tác phẩm không chìm vào quên lãng. Những người làm nghệ thuật và lý luận - phê bình cũng mong công chúng cởi mở và minh chính hơn khi đánh giá tác phẩm. Tuổi Trẻ giới thiệu bàn tròn mini với các tiếng nói đa chiều sau đây.

 

ĐẠO DIỄN PHAN ĐĂNG DI:

"TÔN TRỌNG TÍNH HƯ CẤU VÀ CÁ NHÂN"

Khán giả có quyền nêu ý kiến. Nhà làm phim có quyền làm phim. Nhưng cả hai quyền đó cần dựa vào một nguyên tắc cơ bản: đặc điểm đầu tiên của mọi tác phẩm nghệ thuật là tính hư cấu và tính cá nhân trong biểu đạt.

Nếu không thừa nhận những tính chất cơ bản này thì mọi tranh cãi sẽ không có hồi kết và không thể phân định đúng sai.

Luật Điện ảnh một số nước khẳng định tác phẩm điện ảnh là hư cấu.

Công nhận như vậy ngay từ đầu thì sẽ không có tình trạng áp thước đo "sự thật", "lịch sử" để đánh giá một tác phẩm hư cấu.

Người làm phim cần được bảo vệ bằng nguyên tắc cơ bản này.

Thứ hai, những tranh cãi chứng tỏ tác phẩm được quan tâm, nhưng nếu đi đến chiều hướng kết tội một cách võ đoán, quy chụp, thao túng hoặc kích động dư luận thì không thể chấp nhận được.

Nó ảnh hưởng rất xấu đến sự sáng tạo của nghệ sĩ, tác động tiêu cực đến nền điện ảnh cả về tinh thần, kinh tế lẫn sức cạnh tranh.

Và có một chiều hướng không hay là ép nhà làm phim tự nguyện chỉnh sửa một bộ phim đã có giấy phép phát hành đàng hoàng. Như vậy, những người thao túng dư luận sẽ nghĩ là họ có quyền tác động, gây áp lực đến sáng tạo của người khác.

Nhà quản lý cần đứng trên lập trường vững chắc để phân định đúng sai, lên tiếng khi cần thiết để đời sống sáng tạo điện ảnh được lành mạnh và những nhà làm phim cảm thấy được bảo vệ.

 

TIẾN SĨ HỒ KHÁNH VÂN:

"CÙNG MỞ RỘNG CHÂN TRỜI CHỜ ĐỢI"

Theo lý thuyết tiếp nhận, khi một tác phẩm ra mắt, khán giả luôn có một "chân trời chờ đợi". Thông thường sẽ có ba trường hợp xảy ra.

Một là khán giả thất vọng. Hai là khán giả hài lòng. Và dạng thứ ba là tác phẩm vượt quá "chân trời chờ đợi", có thể vì hay quá, vượt qua kỳ vọng; hoặc là mới lạ quá, khiến họ chưa đón nhận được, cần có thời gian để giải mã và hiểu tác phẩm hơn.

Khi nào văn học nghệ thuật còn sống, sẽ luôn còn những trường hợp như thế.

200 năm qua, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đi qua một cung đường tiếp nhận mà đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng.

Hiện nay tác phẩm được ghi nhận là kinh điển của Việt Nam, nhưng trong quá khứ, Truyện Kiều có lúc bị vùi dập, bị cho là vô giá trị, là một "dâm thư".

Đó là tín hiệu tốt khi công chúng quan tâm và tiếp nhận chứ không quay lưng, thờ ơ, cho thấy đời sống văn học nghệ thuật đang thở, đang sôi động.

Nếu chỉ có độc thoại hoặc không ai buồn cất tiếng thì rất buồn tẻ, đáng báo động, có thể dẫn đến cái chết của những tác phẩm.

Đến một lúc nào đó, xã hội sẽ có cái nhìn tương đối phù hợp với giá trị thực của tác phẩm, cần có thời gian bởi xung quanh tác phẩm luôn có nhiều yếu tố chi phối: văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội...

Bên cạnh đó, chúng ta cần đối thoại trên tinh thần tôn trọng và bình đẳng; tránh quy chụp, vùi dập, bóp méo và xuyên tạc, dùng những thứ ngoài nghệ thuật để nói về nghệ thuật.

 

GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT CẢI LƯƠNG VIỆT NAM TRIỆU

TRUNG KIÊN: "DƯ LUẬN ĐÚNG SẼ LÀM ĐÚNG QUỸ ĐẠO"

Nói về sáng tạo, rất khó để đưa ra giới hạn, điểm dừng vì còn tùy thuộc rất nhiều vào từng hoàn cảnh cụ thể, tài năng nghệ sĩ và cả khả năng tiếp nhận của công chúng.

Công chúng lại chia ra nhiều tầng lớp, bộ phận, lứa tuổi... khác nhau nữa. Không dễ gì thỏa mãn được tất cả.

Nhưng công chúng là khách hàng tiêu thụ sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Trước khen - chê của công chúng, nghệ sĩ nên bình tĩnh để soi xét đúng - sai, nhìn lại mình và nhìn lại người.

Nếu họ nói đúng thì mình điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Ngược lại, nghệ sĩ cũng hãy tôn trọng ý kiến đó như tôn trọng bất cứ sự đa dạng nào trong xã hội.

Kể cả khi những lời chê bai kết lại thành làn sóng, nghệ sĩ hãy đón nhận một cách tích cực cả hai chiều, phân tích kỹ những phản ứng đó và biết đâu đám đông đó cũng có cái lý của họ.

(Ở đây, tôi không đề cập đến bộ phận công chúng chưa xem, nghe, đọc tác phẩm đã "té nước theo mưa", lao vào chỉ trích, vùi dập sáng tạo của nghệ sĩ, tạo thành một làn sóng chê bai bùng nổ trên mạng xã hội).

Lời chê đúng là "người thầy" của sáng tạo nghệ thuật, còn hơn lời khen sai nhưng rất nguy hiểm. Dư luận (nếu đúng) sẽ tạo ra một sức ép để văn hóa nghệ thuật đi theo đúng quỹ đạo cần thiết.

 

NHÀ VĂN LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG:

"CÔNG CHÚNG CŨNG CẦN THỜI GIAN ĐỂ TƯƠNG THÍCH"

Thực ra những tác phẩm gây tranh cãi bao giờ cũng có hai mặt tích cực, tiêu cực. Một tác phẩm ra đời được công chúng đón nhận, đánh giá, kể cả những quan điểm trái chiều, cũng chứng tỏ tác phẩm không bị lãng quên.

Tuy nhiên, nó cũng cho thấy có những không gian mà nghệ sĩ sáng tạo ra, công chúng không chạm vào hoặc đồng cảm được. Thậm chí có trường hợp nghệ sĩ đi quá xa với sự tiếp nhận của công chúng, tạo ra sự đột ngột, khó đồng cảm ngay được. Điều đó cũng dễ hiểu.

Một tác phẩm văn học nghệ thuật muốn "sống" được phải có công chúng. Cũng qua sự đánh giá tác phẩm của công chúng, nghệ sĩ hiểu tác phẩm của họ hơn.

Nhưng cũng phải nhìn nhận trong vấn đề tiếp nhận, có những tác phẩm văn học nghệ thuật đòi hỏi trình độ hiểu biết về lịch sử, văn hóa, phông nền văn hóa lẫn kiến thức cơ bản về nghệ thuật.

Nhất là trong dòng chảy của nghệ thuật hôm nay, có những tác phẩm văn học, điện ảnh... đầy những bước đi đầy tính phiêu lưu, sáng tạo và có biên độ mở.

Tuy nhiên, công chúng vẫn cần thời gian để tương thích với sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Bên cạnh những ý kiến, góp ý trên tinh thần xây dựng - đến từ những người có chuyên môn sâu, những nhà phê bình, nghiên cứu - thì cũng có chuyện trong tiếp nhận, có một số luận điểm cực đoan đến từ việc chưa hiểu tính chất loại hình nghệ thuật, chưa hiểu bản chất của sáng tạo nghệ thuật...

Thêm sự "tiếp tay" của mạng xã hội, tất cả nhiều khi đẩy một tác phẩm văn học nghệ thuật vào con đường bị vùi dập, nghệ sĩ thui chột khả năng sáng tạo. Điều đó không tốt cho môi trường văn hóa nghệ thuật.

 

TIẾN SĨ ĐÀO LÊ NA:

"TRANH LUẬN CẦN VĂN MINH"

Các nhà làm phim có quyền sáng tạo bất cứ thứ gì, nhưng nghiên cứu phim luôn cho thấy điện ảnh có sức mạnh tạo ra ký ức cộng đồng. Vì sao phim điện ảnh Đất rừng phương Nam lại gây tranh cãi?

Phim ra sau lấy cảm hứng về chất liệu từ hai nguồn có trước (Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và phim Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) được nhiều người yêu thích và đi cùng tuổi thơ của họ, gắn với ký ức cộng đồng, chắc chắn sẽ gây ra những tranh luận trái chiều. Điều đó cũng dễ hiểu.

Về những tranh cãi liên quan đến phim, tôi nghĩ cũng tốt.

Tuy nhiên, trong những ngày "nóng như lửa" vừa qua, tôi cho rằng tranh luận không phải là vấn đề, cách tranh luận mới là vấn đề cần bàn luận.

Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách và muôn vàn khó khăn. Để làm ra được một bộ phim là công sức của bao người.

Nếu phim có vấn đề nào đó, sự tranh luận cũng nên văn minh và mang tính xây dựng.

Chưa hết, người này và người kia cãi nhau qua lại tạo ra một tiền lệ xấu trong việc thưởng thức và tiếp nhận tác phẩm điện ảnh nói riêng và tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung. Thiếu một độ tỉnh táo, bình tĩnh.

Không ít người hay xem "văn hóa" như một giá trị truyền thống lâu đời, nhưng thực ra chúng ta đang tạo ra văn hóa mỗi ngày. Trên mạng, ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình nhưng bày tỏ như thế nào để đẹp hơn? Đó là một dấu hỏi mở.

 

DIỄN VIÊN HẠNH THÚY:

"HÃY XEM PHIM VỚI CON MẮT MINH CHÍNH"

Tác phẩm nghệ thuật có nhiều chức năng: giải trí, tuyên truyền, thông tin... Có tác phẩm làm tốt chức năng này, có tác phẩm làm tốt chức năng khác. Nhưng không phải tác phẩm nào cũng có thể thỏa mãn tất cả chức năng.

Tác phẩm làm ra bằng sự tâm huyết, chỉn chu có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác.

Khán giả hãy xem các tác phẩm ấy với con mắt minh chính hơn để đừng áp đặt, cá nhân và chủ quan.

Có tình trạng nhiều người đang xem phim qua những review, qua status trên Facebook, qua lời kể của người khác...

Đôi khi người ta chỉ gẩy ra một chi tiết để chê nhưng với người nghe thì chi tiết đó lại là cả một vũ trụ.

Bạn có quyền khen chê nhưng hãy xem phim bằng con mắt của chính mình.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Giải phẫu thẩm mỹ và kỳ vọng cải sốl

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Kho sách0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:


0 comments:

Đăng nhận xét