PHIM ‘ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM’: NHỮNG ‘DẤU RĂNG NANH’ TRƠ TRẼN - Tác giả: Hứa Tất Đạt ; Đinh Hoàng Long giới thiệu

Leave a Comment

 


PHIM ‘ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM’:

NHỮNG ‘DẤU RĂNG NANH’ TRƠ TRẼN

*

Sự trơ trẽn đầu tiên chính là việc “phóng tác” tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi mà mấy ngày qua, rất nhiều bằng hữu đã viết, đặc biệt là bài viết của bạn “gái cũ” của mình – tiến sĩ Hà Thanh Vân. Mình không cần nhắc lại.

Tiếp theo, sự “lộ diện” của một kịch bản marketing rất tinh vi và chi tiết. Bắt đầu bằng việc các văn bản của các trường phổ thông từ phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học, và cả các trường đại học – gọi chung là hệ thống giáo dục – lộ ra rằng, chương trình tiếp thị đã đi trước từ rất lâu, trước khi bộ phim được hoàn thành và tung ra, bằng các chiêu trò “vé tập thể”. Rõ ràng rằng, bằng phương pháp này, doanh số đã được “cộng dồn” trước khi sản phẩm được tung ra. Kinh tế thị trường chúng ta chấp nhận cuộc chơi này. Song, nó trơ trẽn, khi nhà sản xuất hiểu rằng “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi được “nằm trong” sách giáo khoa – và đương nhiên, không có gì hợp lý hơn việc, các trường phổ thông tổ chức xem phim cho học sinh – một hình thức “tự nguyện” có tính toán và có tổ chức. Có tính toán là rõ rồi, còn có tổ chức – thì khỏi nói, có lẽ ai cũng hiểu.

Trơ trẽn hơn, họ dựng hẳn một trang trên wiki để viết về bộ phim, mà lờ hẳn bộ phim truyền hình rất nổi tiếng trước đó. Xem như đó là “tác phẩm điện ảnh chuyển thể” đầu tiên từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi.

Hoạt động “kiếm tiền” tiếp theo đó là: tác phẩm “Đất rừng phương Nam” bản “tái bản” cũng đồng thời được tung ra đúng thời điểm bộ phim được tung ra. Với hình ảnh minh họa chính là những khuôn hình của bộ phim – nói là “sự thông minh” trong tiếp thị cũng chưa hẳn, nhưng rõ ràng, nó là một hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước.

Và, sự kiện kiểm duyệt bằng hình thức “phát ngôn” của ông Cục trưởng Cục điện ảnh, nó cũng là một hành vi lươn lẹo. Lươn lẹo một cách thô thiển… Mà kẻ khù khờ nhất cũng có thể nhận ra nó là cái gì.

Vậy, câu chuyện tôi định nói là gì? Xin thưa, đó là LỊCH SỬ & CHÍNH TRỊ. LỊCH SỬ NAM BỘ & NGƯỜI HOA

Có nhiều bằng hữu nói với tôi, hoặc vài comment nhắc tôi về tác phẩm: “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Bộ” của tác giả Đào Trinh Nhất ấn bản năm 1924 – nhằm nói về những người “khai phá” Nam Bộ. Tôi đã đọc. Và không chỉ đọc nó, mà còn đọc nhiều tác phẩm lịch sử khác…

Việc đọc, nó cho chúng ta một cái nhìn tổng quan hơn rất nhiều. Chứ không phải chỉ là những cái nhìn phiến diện, hời hợt, mang tính bề nổi. Việc đọc của tôi, xin được đặt ngược lại vài câu hỏi như sau:

1. Nam Bộ: 1600 – 1859

Tại sao lấy mốc 1600? Đơn giản, đó là mốc đánh dấu thời điểm mở ra giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh. Chúa Nguyễn vào Nam, song vùng đất cai quản chỉ đến Phú Yên ngày nay. Nam Bộ ngày ấy là một vùng hoang hóa, thuộc Chân Lạp.

Sự kiện nhà Thanh lật đổ nhà Minh bên Trung Quốc đã tạo nên những cuộc nổi dậy với ngọn cờ “phản Thanh phục Minh” – mà tổ chức lớn nhất, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất có tên gọi là Thiên Địa Hội.

Năm 1680, dưới sự truy đuổi gắt gao của quân đội nhà Thanh, một bộ phận tàn binh của TĐH đã dong buồm xuôi Nam. Mạc Cửu – cùng với dân binh theo mình đã cập bến Hà Tiên, tại nơi đó ông ta đã lập ấp, xây làng và khẩn hoang đất đai tạo nên một vùng đất rộng lớn kéo dài từ Kompongsom đến tận Cà Mau.

Ở một diễn biến khác, năm 1679, Long môn tổng binh – một vị tướng của nhà Minh tên Dương Ngạn Địch cùng phó tướng Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm và tổng binh Trần Thượng Xuyên cùng phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền cập bến cả biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, xin được làm “tôi tớ” Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn không thể từ chối, nhưng không biết tiếp nhận thế nào, liền giao cho hai viên Tổng binh chiếm cứ vùng đất Đông Phố (Biên Hòa ngày nay) – Trần Thượng Xuyên và Mỹ Tho – Dương Ngạn Địch.

Chiêu “mượn đao” siêu việt.

Cái “deal” (thỏa hiệp) của Chúa Nguyễn là:

- Đất khẩn hoang, tự khai hoang, tự làm ăn, tự ở, tự bảo vệ

- Chịu sự “quản lý” của Chúa, nhưng “miễn nộp tô thuế”.

Đương nhiên là tóm lược, chi tiết mời mở sách sử ra đọc. Một cái deal “quá hời” cho cả hai bên.

Ở phía bên kia, Mạc Cửu bị quân Chân Lạp liên tục tấn công và cướp phá. Nên cũng “theo chân” nhóm Dương – Trần, quy phục Chúa Nguyễn để được nhận sự bảo hộ “tương tự”. Nguyên vùng đất Nam Bộ mang tiếng “thuộc” Chúa – nhưng Chúa chẳng có miếng nào.

Năm 1747, một nhóm thương gia Phúc Kiến đã cập bến Cù Lao phố, thấy nơi đây toàn người Hoa, lại sầm uất (sau gần 80 năm gầy dựng), nên đã sinh lòng tham, mở cuộc “đâm chém” giành giật quyền kiểm soát – sách sử không nói rõ, nhưng bản chất, cũng là những nhóm người Hoa thuộc “hậu duệ” Thiên Địa Hội lang bạt khắp khu vực Đông Nam Á (mở lịch sử Singapore, Mã Lai, Indo, Thailand đọc đều có tình cảnh tương tự).

Năm 1776, trong cuộc truy đuổi nhà Nguyễn của quân Tây Sơn. Tây Sơn đã chiếm giữ thành Sài Gòn, cử Nguyễn Lữ ở lại “canh chừng”… Nguyễn Ánh đã “dùng” các đội quân người Hoa nổi lên, đánh bại Nguyễn Lữ - tái chiếm lại thành. Trong sự kiện này, “cuộc đồ sát cù Lao phố” đã xảy ra. Có lẽ, khỏi giải thích cũng hiểu rằng, người Hoa bị đồ sát bởi cái tội “chống lưng” cho Chúa Nguyễn.

Sự thất bại của Nguyễn Lữ là sự thất bại của việc “thu phục lòng dân”. Người Hoa “trung thành” với Chúa Nguyễn? Nói thẳng là KHÔNG. Nhưng, người Hoa đang “hưởng lợi” từ Chúa Nguyễn. Cái deal trước đây chưa được “deal lại” – sự sai lầm (có thể nói như vậy) của nhà Tây Sơn là “tham vọng nhất thống giang sơn bằng sức mạnh” – nên đã để cho các thế lực người Hoa tự “chọn lựa” sự “trung thành”.

Nên nhớ rằng, phong trào Minh Hương chỉ “trung thành” với hoàng đế nhà Minh mà thôi. Chúa Nguyễn mượn tay người Hoa để “giữ” lấy vùng đất Nam Bộ - dù cho, Chúa Nguyễn không hưởng bất cứ một hoa lợi nào từ vùng đất này.

Gia Long – Nguyễn Ánh đã “lật đổ” nhà Tây Sơn, giành lại ngai vàng quyền lực. Câu hỏi đặt ra rằng: tại sao, những người Hoa đã chống lưng cho Nguyễn Anh khởi binh ở miền Nam – một vùng đất vô cùng trù phú, mà khi thành công, Nguyễn Ánh không chọn Sài Gòn làm “kinh đô” mới cho triều đại của mình, mà vẫn phải quay về Phú Xuân – Huế, nơi mà chính ông ta từng “mắng nhiếc” thuộc hạ tại Giếng Tiên (Phú Quốc) rằng: “Phú Xuân là nơi sông không sâu, núi không cao, trai thời đa trá, gái thời đa đoan” – có lẽ, phàm những ai là người Phú Xuân – Huế đều không thể quên câu nói này của Nguyễn Ánh?!?!?

Câu trả lời cũng không khó trả lời. Ông ta không thể ở lại Sài Gòn – nơi vùng đất thuộc về “người Hoa”….

Tua nhanh lịch sử… Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha mở cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Danh tướng Nguyễn Tri Phương đã được cử vào chống giặc. Sách sử đã ghi chép khá chi tiết. Liên quân Pháp – Tây Ban Nha thất bại. Nguyên nhân thất bại là gì? Không khó để trả lời: nguồn lương thực không có. Toàn bộ dân miền Trung không tiếp tế lương thực cho quân đội nước ngoài. Và sự thất bại là hiển nhiên. Người Pháp quay xe – à quên, quay tàu về phương Nam, tiến đánh Sài Gòn – Gia Định. Nguyễn Tri Phương lại được cử vào chống giặc. Thành Gia định được gia cố còn vững chãi gấp nhiều lần thành Đà Nẵng… Cuộc chiến kéo dài gần một tháng. Thành Gia Định thất thủ. Nguyên nhân vì sao thất thủ? Không khó để có câu trả lời rằng: bụng của lính Pháp – Tây Ban Nha “no căng” nhờ lương thực của người Hoa cung cấp.

Có lẽ, những người Pháp đã “đi trước” một bước, với một cái deal nào đó “thơm” hơn cái deal cũ, và họ đã thành công. Do vậy, không khó để nhận ra rằng, các cuộc thương lượng cắt đất sau đó của nhà Nguyễn cho người Pháp lần lượt là 3 tỉnh miền Đông, rồi đến 3 tỉnh miền Tây – toàn bộ Nam Kỳ rơi vào tay người Pháp dưới sự “trợ lực” từ người Hoa.

Từ đó, có thể thấy “lòng dân” nó quan trọng như thế nào. Sự thất bại của nhà Tây Sơn, cũng như sự thành công của thực dân Pháp đều có “dấu chân” của người Hoa Nam Bộ… điều tương tự mà người Pháp cũng làm được ở Bắc Bộ - dưới sự trợ giúp hậu cần từ các cộng đồng giáo dân cực đoan ven biển. Nói không quá, nếu “có lòng dân”, Tự Đức chưa chắc đã phải “mất nước nhục nhã” như vậy. Bởi về thực lực ngày đó, quân đội nhà Nguyễn thừa sức cầm cự với quân Pháp, và với sự hữu hạn về hậu cần, chắc chắn việc đánh chiếm Việt Nam sẽ còn rất lâu sau này.

2. Việt Nam: 1884 - 1975

Sau chiến thắng Sài Gòn – Gia Định, thẳng tiến bình định và chiếm toàn bộ Nam Bộ, người Pháp đã tấn công miền Bắc. Sự thất thủ thành Hà Nội năm 1882, đã dẫn đến Hòa ước Giáp Thân (1884). Nội dung của Hòa ước này là gì? Sách sử ghi rất cụ thể. Mình tóm lược 2 ý lớn:

- Trả các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trước thuộc Bắc Kỳ nay thuộc về Trung Kỳ và trả tỉnh Bình Thuận trước thuộc Nam Kỳ hoàn lại cho Trung kỳ.

- Chia nước Việt Nam ra làm ba xứ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), Nam Kỳ (Cochinchine) dưới ba chế độ khác nhau; mỗi kỳ có một chế độ cai trị riêng như là ba nước riêng biệt:

+ Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp – do người Pháp toàn quyền điều hành và quyết định;

+ Bắc Kỳ là xứ Pháp bảo hộ, hệ thống hành chính quan lại vẫn sử dụng người Việt như thời nhà Nguyễn.

+ Trung Kỳ thuộc triều đình nhà Nguyễn, nhưng mọi hoạt động đều được giám sát bởi một khâm sứ người Pháp.

Ở Nam Bộ, dưới sự kiểm soát và bóc lột gắt gao bằng chính sách thuế cao… Những người Hoa sau này đã “nổi dậy” chống lại người Pháp – như là một sự phản kháng lại “sự phản bội” của người Pháp với họ mà thôi.

Không quá khó để thấy rằng, gần như 100% địa chủ ở Nam Bộ đều là người Hoa, những người giàu nhất Sài Gòn cũng là người Hoa… Chắc chưa một ai hỏi: Tại sao? Thực ra có một người trả lời giúp rồi – hãy đọc Hồi ký Lý Quang Diệu thì sẽ rõ.

Có thể nói rằng, việc chia cắt đất nước thành 3 vùng này vô hình dung đã “truất” bỏ hoàn toàn quyền lực của triều đình nhà Nguyễn đối với vùng đất Nam Bộ. Các cuộc nổi dậy của các hội người Hoa trong giai đoạn này ở Nam Bộ đều xuất phát từ sự “mất quyền lợi” trên mảnh đất của mình vào tay người Pháp, chứ không phải từ bất cứ chủ nghĩa yêu nước nào ở đây cả.

Năm 1913, Phan Phát Sanh một người gốc Hoa ở Chợ Lớn, 23 tuổi, sau một thời gian lưu lạc vùng Bảy Núi (An Giang) học về bùa chú, đã tự “vỗ ngực” xưng Thái Tử (con vua Hàm Nghi), rồi tự xưng Vua, lấy tên là Phan Xích Long, tự xưng Hoàng đế mở cuộc cách mạng chống Pháp. Câu hỏi đặt ra rằng: ông ta là người Hoa Chợ Lớn, có cha đẻ tên là Phan Núi, là một viên chức cảnh sát của chính quyền bảo hộ Pháp, lại tự xưng “hoàng đế”?!?!?

Không câu trả lời từ lịch sử?!?!?! Sự thật nằm sau là “sự chống lưng” của các hội kín tại Nam Kỳ, mà đứng đầu các bang hội Nam Kỳ khi đó là Thiên Địa Hội – lúc này, Thiên Địa Hội đã kết nối lại với “tổng đàn” ở Trung Quốc, sau cách mạng Tân Hợi 1911 thành công, các hoạt động của Thiên Địa hội đã được thiết lập với những mục tiêu khác, không còn “phản Thanh phục Minh” nữa… Mà nó là gì, thì lịch sử đã trả lời sau đó…

Khởi nghĩa Phan Xích Long bị dập tắt. Phong trào hội kín Nam Kỳ đi vào hoạt động bí mật. Cái tên Thiên Địa Hội “biến mất” trong đời sống thường ngày, nhưng nó không “biến mất” trong hồ sơ người Pháp.

Những người cộng sản – đứng đầu là Hồ Chí Minh đã thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương – về bản chất, tại sao cần phải vậy? Hầu hết các sách lịch sử đều viết khá rõ các nguyên nhân dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản… Song, trong các nguyên nhân đó, người ta không nhắc đến cái Hòa ước 1884.

Nói thẳng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ chính thời điểm này – điều mà những người Cộng sản giai đoạn đầu (những năm 1930s) chưa thể “thấu hiểu” được tư tưởng của Người, mà đã “chống đối” lại những đề xuất của Người trong quá trình tiến hành cách mạng tại Việt Nam.

Cái hòa ước 1884 là một hòa ước bán nước rất rõ ràng. Và nếu như không khéo léo. Nếu như những người Cộng sản “giành” quyền độc lập từ người Pháp, thì đất Nam Bộ hôm nay sẽ mang một cái tên Pháp, còn những người thắng cuộc chỉ có thể giữ được Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Có thể, sẽ có người cười mỉa, khi đọc đến những dòng này… Song, hãy khoan… Hãy đọc lại sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa trước 1941 ở Nam Kỳ, từ giai đoạn Cần Vương đến 1940… Tại sao thất bại? Vẫn là câu chuyện “lòng người”. Lòng người Nam Bộ giai đoạn này không phải là “lòng của người Nam Bộ” mà là “lòng người Hoa”. Nếu người Pháp có “thất bại” hoàn toàn tại Đông Dương thì “chiếu theo Hòa ước Thiên Tân”, Nam Bộ lại trở thành một vùng đất của “Quốc dân Đảng”… Chứ không phải là “trả về” cho người Việt. Cái cay độc của thực dân Pháp trong việc “cài cắm” các vùng đất theo “lịch sử” của nó, để “phòng hậu họa” sau này là thế… Sự thâm độc sâu thẳm là thế…

Tiếp tục. Năm 1945 Cách mạng Tháng 8 thành công. Người Pháp quay trở lại tái chiếm miền Nam – tại sao họ không trở lại từ miền Trung hoặc ngay từ miền Bắc? Câu trả lời đã nói bên trên. Họ xem Nam Bộ là đất của Họ. Sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ngay từ khi vừa giành chính quyền, đã công bố tuyên ngôn độc lập, và cho xây dựng ngay một bản hiến pháp bằng câu từ khẳng định: Lãnh thổ Việt Nam trải dài từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái – nó như một lời tuyên ngôn, xóa bỏ toàn bộ những hiệu lực của Hòa ước 1884 trước đây.

Song, người Pháp có “buông” trả!?!? Câu trả lời lịch sử đã nói. Tuy nhiên, một chi tiết cần nhắc đến. Thời điểm 1945, trong giai đoạn Nam Bộ Kháng chiến, miền Bắc đã thực hiện cuộc “Nam tiến lần 1”, số liệu ghi chép có khoảng 60.000 dân quân được chi viện vào Nam chống Pháp… Nhưng, không có bất kỳ một thông tin nào về “sự trở về” của đoàn quân này. Họ đã đi đâu? Làm gì? Điều gì đã xảy ra với họ?

Câu trả lời nằm ở “Thiên địa hội”.

Cũng cuộc trường kỳ gian khổ đó, Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc, những chàng trai Hà Nội lên đường… Dù phải hy sinh rất nhiều, nhưng vẫn còn người trở về. Còn đoàn quân Nam tiến năm xưa, không một dấu tích.

1954, khi hai miền chia cắt. Năm 1963, cuộc binh biến ở miền Nam, tại sao Ngô Đình Diệm chạy vào Chợ Lớn mà không chạy chỗ nào khác? Ai giết Ngô Đình Diệm? Nếu hiểu và có khả năng liên kết các sự kiện lịch sử, câu trả lời: Hội Tam Hoàng (cũng chính là Thiên Địa Hội trước đây). Tại sao lại như vậy? đơn giản, vẫn là các cái deal, deal bên nào đưa ra “có lợi” hơn thì nhận.

Năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chủ trương của Đảng vẫn muốn là sự thống nhất trong hòa hợp… Song, biên giới Tây Nam bị xâm phạm, ai đứng “bảo trợ” sau lưng Polpot? Câu trả lời cũng là “Hội Tam Hoàng” – và cách mạng “Tư sản 1978” là cuộc cách mạng “bị bắt buộc” phải làm. Bởi nếu không, miền Nam sẽ lại rơi vào vết xe đổ của lịch sử.

Lịch sử và Chính trị luôn có sự gắn bó khăng khít với nhau. Nó không đơn giản chỉ là những gì chúng ta thấy… mà phải còn là những điều chúng ta thấu hiểu. Thấu hiểu bối cảnh, thấu hiểu hoàn cảnh, thấu hiểu con người, thấu hiểu sự quyết định của những nhà lãnh đạo tại chính thời điểm đó. Và do vậy, có cái có thể nói được – chúng ta gọi là lịch sử; và có cái chúng ta phải “tạm lãng quên” – nhưng không bao giờ được quên. Đó là Chính trị vậy.

Tóm lại, những “dấu ấn” lịch sử còn đó… Có những cái deal phía sau đó… Và có những câu chuyện chính trị nằm sâu thẳm sau đó… Nó được “khỏa lấp” và đánh đổi cho hòa bình hôm nay… sự đánh đổi đó có “điều khoản” không nhắc lại, không khơi gợi…

Vậy, tại sao những nhà thực hiện bộ phim lại “khơi gợi” nó, đặt nó “trang trọng” như là một điểm “nổi bật” trong lịch sử nước nhà? Họ - những nhà sản xuất – muốn gì?

Chưa hết, những nhà kiểm duyệt – cái Cục có trách nhiệm kia – đã ngu ngơ chính trị đến thế sao? Không lẽ không thể hiểu những điều sơ đẳng, trong bài học vỡ lòng của các lớp lý luận chính trị trước khi được bổ nhiệm, quý vị đã vứt bỏ vào sọt rác, để đổi lại những đồng tiền no đẫy hay quý vị cũng đang trong một hệ thống “toan tính” điều gì?

Đừng ai nói là bộ phim này chỉ mang tính giải trí đơn thuần. Những kẻ mộng du còn đặt lên giả thuyết rằng, nó là tác phẩm nghệ thuật mà có thể đoạt giải Oscar, có làm như vậy thì khán giả Mỹ, khán giả quốc tế mới xem… Ảo tưởng và mộng du.

Nội việc họ sản xuất phim, làm truyền thông, tiếp thị tận trường học, in tái bản sách… nguyên một bộ comple tài liệu truyền thông phủ kín… Nhằm “lật lại” những điều “nhạy cảm” chính trị trong lịch sử - những điều mà ngay lịch sử của cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc đều “không nhắc tới”. Không nhắc – không có nghĩa là “dối trá”. Không nhắc, là bởi vì nó là một giai đoạn lịch sử mà ở đó “tổ tiên có sai lầm”… dân tộc này đã phải trả giá bằng máu và xương của hàng triệu người để “sửa chữa” sự sai lầm đó… Nó gắn liền với rất nhiều phe phái chính trị quốc tế, trong một ma trận chính trị quốc tế… Mà ngày nay, phải sử dụng những trí tuệ ngoại giao đỉnh cao để “khỏa lấp” dần các khoảng trống… Vậy nhưng, bọn nhân danh nghệ thuật ngu muội lại muốn dựng lại những nhơ nhuốp ấy, và gọi đó là nghệ thuật… Nực cười.

Cục điện ảnh – nếu quý vị có liêm sỉ. Hãy ngưng ngay việc phát hành bộ phim.

Cục phát hành sách – quý vị nên thu hồi lại những quyển sách với những hình ảnh trang phục “Thiên địa hội”…

Bởi, tất cả đều là “tư liệu” cho đời sau.

Tôi không muốn nghĩ đến cảnh, con trai tôi phải theo chân Ông Cố nó đổ xương máu cho đất nước – dân tộc này một cách vô ích nữa. Do vậy, đừng tạo những mầm mống phản loạn cho tương lai.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Giải phẫu thẩm mỹ và kỳ vọng cải sốl

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Kho sách0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:

Đinh Hoàng Long giới thiệu

Tác giả: Hứa Tất Đạt - nguồn: facebook Tat Dat Hua

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét