TRẦN HƯNG ĐẠO VÀ TRẦN ÍCH TẮC: HAI CUỘC ĐỜI TRÁI NGƯỢC - Tác giả: Hoa Anh Đào ; Trần Chí Cường giới thiệu

Leave a Comment

 


TRẦN HƯNG ĐẠO VÀ TRẦN ÍCH TẮC:

HAI CUỘC ĐỜI TRÁI NGƯỢC

 

Có lẽ nhiều người sẽ cười chê khi tôi viết bài này để so sánh 2 nhân vật lịch sử trái ngược nhau. Cùng sống trong một thời đại, cùng là dòng dõi nhà Trần, nhưng hai con người này lại chọn hai hướng đi khác nhau. Để rồi, Trần Hưng Đạo trở thành một trong những nhân vật lịch sử kiệt xuất nhất trong lịch sử nước ta, nhân dân ta ngưỡng mộ là “Đức Thánh Trần” đời đời thờ phụng, được thế giới vinh danh là một trong 10 vị tướng xuất sắc nhất mọi thời đại. Trong khi, Trần Ích Tắc trở thành nhân vật Việt gian nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc, bị người đời cười chê và phải sống tha hương trên đất Trung Quốc trong suốt quãng đời còn lại, bị chính họ Trần mỉa mai với cái tên “Ả Trần” ví hèn nhác, rụt rè như đàn bà.

Hai người họ được sử sách mô tả là những con người nổi tiếng tài năng, hào hoa phong nhã bậc nhất, sành sỏi và tinh tế trong cả văn chương và các ngón chơi, kết giao với những bậc văn nhân học rộng tài cao nhất thời ấy. Vậy điều gì làm nên số phận khác biệt của hai con người này. Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu vài nét về hai nhân vật này đã:

Trần Ích Tắc - Một nước cờ sai, vết nhơ muôn đời.

Trần Ích Tắc (1254 – 1329) là con thứ 3 của vua Trần Thái Tông, em vua Thánh Tông, chú của vua Nhân Tông nhà Trần nước Đại Việt, tước hiệu là Chiêu Quốc Vương.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư mô tả như sau: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng [Trần Thái Tông], thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu…gồm 20 người, đều được dùng cho đời… Đến 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật…”

Đọc đoạn mô tả trên, chúng ta đều nhận ra tài năng và đức độ của con người này. Ông sẳn sàng bỏ tiền ra để nuôi ăn học những nhân tài của đất nước để thành tài, đỗ đạt làm quan, là người tinh thông sử sách và hiểu thế sự đời thường, Ông là hoàng tử, thuộc dòng dõi quý tộc nhà Trần.

Tuy nhiên, vào năm 1285, cả nước đang gồng lên chống lại 50 vạn quân Mông Nguyên thế mạnh như chẻ tre, nghiền nát bao nhiêu cánh quân Việt và khiến kinh thành Thăng Long thất thủ. Hai vua rời kinh đô, cùng toàn dân chống giặc, dù tình thế nguy nan nhưng tinh thần Sát Thát vẫn dâng ngút trời.

Trong khi đó, ngày 15 tháng 3, Trần Ích Tắc mang cả gia quyến, cùng một số người khác trong hoàng tộc, dâng thư hàng giặc. Lập tức, chàng hoàng tử tài hoa của vua Trần trở thành con bài quý trong tay nhà Nguyên.

Có lẽ Trần Ích Tắc tính rằng, thế nước nguy nan đến thế, quân Nguyên mạnh đến thế, vó ngựa của chúng đã làm cỏ khắp gầm trời, ngay cả nhà Tống ở Trung Quốc cũng bị chúng nuốt chửng thì sá gì chút Đại Việt cỏn con. Đại Việt chắc chắn thua trận, vua tôi nhà Trần đều thành tù binh cả thì lấy ai trị tội làm phản của ông ta. Việc ông ta sớm ra hàng là một nước cờ khôn ngoan, bởi khi đó ông ta sẽ là người duy nhất có thể ngồi lên ngôi báu. Ông hoàng Chiêu Quốc càng tin vào điều đó khi vừa hàng giặc, ông đã được hứa sẽ tâu với hoàng đế nhà Nguyên cho làm An Nam quốc vương.

Trần Ích Tắc không thể nào ngờ nổi, chỉ mấy tháng sau khi ông ta hàng giặc, đại quân Nguyên Mông đã bị đánh tan tác, Thoát Hoan tháo chạy về nước, Trần Ích Tắc và những kẻ đầu hàng khác lóc cóc chạy theo.

Không cam lòng, chưa đầy một năm sau, nhà Nguyên lại một lần nữa đưa quân vào Đại Việt, với lý do đưa “An Nam quốc vương” là Trần Ích Tắc lên ngai vàng. Rồi chỉ ít lâu sau, vị vương gia của nhà Trần đã lại theo quan thầy chạy trốn về phương Bắc, không một lần còn thấy lại quê hương. Thực ra sau lần đó, vào cuối năm 1293, nhà Nguyên vẫn có kế hoạch đưa Trần Ích Tắc về nước một lần nữa trong đợt xâm lược thứ tư,  nhưng vào đầu năm 1294, hoàng đế Hốt Tất Liệt qua đời nên việc này bị hủy và không bao giờ được nhắc đến nữa. 

Nói về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Có lẽ chúng tôi không cần phải nói nhiều về Ông – vị anh hùng mà biết bao thế hệ nhân dân ta sùng mến nhất.

Ông cũng là một quý tộc nhà Trần. Con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột của vua Trần Thái Tông. Cha ông có “mối hận” thâm thù với em ruột của mình là vua Trần Thái Tông. Việc này, một phần là do bàn tay đạo diễn của Trần Thủ Độ.

Như chúng ta đã biết, Trần Thủ Độ đã đạo diễn một màn kịch hết sức khéo léo, một cuộc đổi ngôi từ họ Lý sang họ Trần. Vào đầu thế kỷ 13, vua quan nhà Lý ăn chơi sa đọa dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Lý Huệ Tông nhu nhược phải nhờ đến thế lực họ Trần để dẹp các cuộc bạo loạn trong nước. Chính vì vậy, họ Trần dần dần xây dựng thế lực của mình trong cung. Năm 1224, vua Lý Huệ Tông bị ép buộc nhường ngôi cho con gái út của mình là Lý Chiêu Hoàng lúc đó mới 7 tuổi.

Cuối năm 1225, Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Thái Tông, triều đại nhà Lý cai trị Đại Việt hơn 200 năm đã chính thức kết thúc. Sau khi nhượng vị, Chiêu Hoàng trở thành Hoàng hậu của Trần Thái Tông cho đến khi bị phế truất vào năm 1237, vì bấy giờ sau khi Thái tử Trần Trịnh chết yểu vào năm 1234 bà vẫn chưa có thai tiếp

Chính vì việc Lý Chiêu Hoàng không thể sinh con tiếp nên mới gây ra mối “thâm thù” giữa Trần Liễu và Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông phải lấy chị ruột của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa Lý Ngọc Oanh, lúc này là vợ và đang có thai 3 tháng với Trần Liễu. Trần Thái Tông nhất quyết không chịu nhưng do sức ép từ phía triều đình và Trần Thủ Độ nên ông phải nghe.

Trần Liễu nổi dậy ở sông Cái nhưng thất bại, Thái Tông nể tình anh em, lại mang oan khuất nên ban đất An Sinh, cải làm An Sinh vương. Mang lòng hậm hực, Trần Liễu tìm khắp những người tài nghệ để dạy văn, võ cho Trần Quốc Tuấn mong sau này Trần Quốc Tuấn phục thù thay cha. Tháng 4 năm 1251, Trần Liễu ốm nặng. Lúc sắp mất, Trần Liễu cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.

Dù cha ông có hiềm khích lớn với nhà Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo luôn đặt việc nước lên trên, một lòng trung thành, hết lòng phò tá các vua Trần đánh ngoại xâm cứu nước. Đối với lời dặn của Trần Liễu trước khi mất, Trần Quốc Tuấn từng vờ hỏi các con. Ông hỏi Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào? Hưng Vũ vương thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”. Trần Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. Lại một hôm ông đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”. Trần Quốc Tuấn rút gươm kể tội: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra” và định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ vương vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Trần Quốc Tuấn mới tha. Sau đó, ông dặn Hưng Vũ vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”

Thay cho lời kết:

Hai con người tài năng, 2 số phận trái ngược, được lịch sử ghi lại. Có lẽ điều khác biệt lớn nhất ở họ chính là tham vọng về Mộng Đế Vương.

Chính Mộng đế vương đã đưa đẩy Trần Ích Tắc trở thành kẻ “bán nước cầu vinh”, là Việt gian nổi tiếng nhất trong lịch sử dân tộc. Mặc dù, khi làm quan cho nhà Nguyên, Ông vẫn thường viết nhiều bài thơ mô tả lòng da diết nhớ quê hương đất nước, giải thích tại sao Ông lại đầu hàng giặc. Nhưng tất cả đều là ngụy biện cho cái tham vọng quyền lực của Ông. Trần Ích Tắt đã bỏ rơi vận mệnh dân tộc, quên đi hàng vạn dân đen đang bị giày xéo trước móng ngựa xâm lăng của quân Mông Cổ. Ông bỏ mặc cha, anh, em, họ hàng thân thích của mình đang nằm trong vòng vây của quân thù. Vì mộng làm “An Nam quốc vương” Ông đã hết lần này đến lần khác quỳ gối trước ngoại bang. Vết nhơ này có lẽ không có gì gột tẩy được. Chỉ vì hám danh lợi, vì một ngôi vua bù nhìn Ông đã bán đi “danh dự của đời mình”, để cái tên “Trần Ích Tắc mãi mãi là vết ô nhục lớn nhất của nhà Trần nói riêng và lịch sử dân tộc ta nói chung”.

Về Hưng Đạo Đại Vương – Đức Thánh Trần của lịch sử dân tộc, Ông đã gác bỏ thù riêng, gác lại lời căn dặn của cha mình trước khi nhắm mắt (tội bất hiếu) để cùng với vua tôi nhà Trần chống giặc ngoại xâm. Để tránh cho dân tộc ta đại họa làm nô lệ cho người. Khi trong tay có hàng vạn binh sĩ, là thống chế của ba quân, chỉ cần có ý “tạo phản” Ông sẽ dễ dàng đảo chính, lên ngôi hoàng đế, đoạt lấy giang sơn, để “cha ông nơi chín suối có thể nhắm mắt”. Tuy nhiên, Ông đã gác qua mọi hư danh phù phiếm đó. Ông vĩ đại về tài năng của mình nhưng theo tôi chính cái nhân đức của Ông càng làm Ông vĩ đại hơn nữa. Tên tuổi Ông đã đang và sẽ sống mãi cùng với dân tộc.

Hai con người tài năng, nhưng cách tiếp cận với ngoại bang khác nhau làm nên 2 suy nghĩ khác nhau. Nước Việt Nam vẫn vậy, vẫn nhỏ bé trong mắt “gã láng giềng” khổng lồ hiếu chiến, chúng tưởng và hi vọng đè bẹp được ý chí bảo vệ lãnh thổ của dân tộc ta một cách dễ dàng bằng đạo quân xâm lược hùng mạnh. Thời đại nào cũng có Trần Ích Tắc, cho quân thù mạnh, đánh giá thực lực ta yếu ớt mà “quỳ lạy” trước ngoại bang. Nhưng dân tộc ta sẽ còn sản sinh không chỉ một, mà rất nhiều vị anh hùng như Trần Hưng Đạo. Bằng trí tuệ, tài năng, sự đức độ, lòng dũng cảm của mình có thể quật ngã mọi kẻ thù xâm lăng nguy hiểm nhất. Bảo vệ cho sự trường tồn của dân tộc ta, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Kim Yến đọc truyện ngắn

“CÔ” VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Hoa Anh Đào - nguồn: nghiencuulichsu

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét