THƠ: 'TỪ CHẾT SANG TRỜI BIẾC' HAY TỪ MẶT PHẲNG TỚI KHÔNG GIAN? - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

Leave a Comment

 


THƠ: "TỪ CHẾT SANG TRỜI BIẾC"

HAY TỪ MẶT PHẲNG TỚI KHÔNG GIAN?

*

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

"Từ chết sang trời biếc" là tập thơ mới nhất của Nguyễn Bình Phương do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành tháng 9-2001. Có lẽ, Nguyễn Bình Phương, một cây bút trẻ kinh niên (vì đã được tham dự ba Hội Nghị Nhà Văn Trẻ tòan quốc) đang là người sung sức nhất trên cả hai lĩnh vực: tiểu thuyết và thơ. Mấy cuốn tiểu thuyết của anh ra liên tục, khiến người khen thì khen hết lời, người chê thì chê hết sức. Hi vọng, tập thơ này của anh sẽ không bị dư luận chia làm hai thái cực khen chê đối nghịch kiểu nước lửa ấy...

Nguyễn Bình Phương trong "Từ chết sang trời biếc" không chơi trò siêu thực. Mà thực ra, thơ ca Việt Nam từ 1932 đến nay không hề có chủ nghĩa siêu thực, ngay dù Hàn Mặc Tử được Chế Lan Viên cho là có "yếu tố siêu thực" đi chăng nữa. Với lại, chính phương Tây đã bỏ siêu thực từ những năm 30 đầu thế kỷ XX, hơi sức đâu theo voi ăn bã chữ. Nguyễn Bình Phương cũng không chơi thơ "hiện đại". Bởi chủ nghĩa hiện đại phương Tây ra đời sau thế chiến thứ nhất, bao gồm các trường phái phủ nhận mọi thứ nguyên lý nghệ thuật cổ điển, hiện thực và lãng mạn trước nó. Nguyễn Bình Phương viết như là anh đang sống, đang thở, đang mơ, đang nghi ngại, bập bùng, run rẩy, khẽ khàng, ngơ ngơ, đọc lên thật xúc động: "Biển đã chết sau rất nhiều lo nghĩ / Biển trả cho đêm một ảo ảnh tròng trành / Trong sương sớm ban mai còn lại mình anh / Hình bóng cũ của trái tim bé nhỏ/ Đập bâng quơ trên những dải mây mờ.."(Ban mai)

Thơ Phương là hình bóng cũ "của trái tim bé nhỏ" chứ không hẳn là trái tim, vẫn hằng "Đập bâng quơ trên những dải mây mờ "của thi tứ, của không gian trang giấy được mở ra vô chiều, thăm thẳm, bảo cụ thể đấy mà không cụ thể, bảo hư không đấy mà không hư không. Thơ anh không thể dùng hệ ngữ nghĩa mặt phẳng mà lý giải. Đến với anh, cần một thời gian khác, không gian khác, ví như một đoạn thơ trong bài "Ngợi ca": "Em da trắng mùa hè thật xa xôi / Giấc ngủ mỏng đường chỉ tay rất nhẹ / Tháng hai nhớ em mưa bụi đón bên hè / Ý nghĩ ngả sang thời gian khác".

Ý nghĩ chúng ta vừa sinh ra đã trượt qua "thời gian khác", không còn níu bám vào thời gian cũ được nữa. Cuộc sống chúng ta đang mất đi trong mỗi satna từng giấc mơ, từng buồn vui, từng ý nghĩ . Nhà thơ muốn níu lại tất cả, nhưng tất cả đang trượt đi, vụt đi, không kịp nhận ra mình đang tham gia vào cuộc đời mình, tham gia vào cuộc đời kẻ khác, tham gia vào suy tư, mơ mộng của những biến thiên chóng mặt: "Đường mịn cỏ vàng / Lũ trẻ lạc trường vẩn vơ thành bướm dại / Ý nghĩ tàn những giấc mộng xưa / Không kịp nhìn lên vầng trán của mình"... (Những thứ tự)

Chừng như thơ Phương đang tự đầy tâm hồn bé nhỏ, quạnh hiu của anh trên một hành trình vô vọng: cố sức tìm cách "Nhìn lên vầng trán mình" mà không phải thông qua một kẻ khác - tấm gương. Có khi vầng trán chúng ta cao hơn trời, vì trời còn có thể ngước lên nhìn thấy chút vô vọng xanh. Hay là vầng trán chúng ta vốn không có thật, ở sát trên đôi mắt mà nghìn trùng xa cách ? Khát vọng nhìn cái không thể nhìn, với cái không thể với, muốn trường tồn trong cõi không thể trường tồn là những thảng hoặc thi ca Nguyễn Bình Phương, ngay cả khi anh nói về người yêu mình: thực đấy mà hư đấy, còn đấy mà mất đấy, những ám ảnh buồn, hạnh phúc như cây hương nghi ngút tự ăn hết đời mình mà khói. Tôi xin trích bài "Thơ ngắn về em" sẽ thấy phong cách Nguyễn Bình Phương chừng như là muốn phá bỏ mọi phong cách để vơ vẩn đẹp, ngơ ngác yêu, lạ lẫm buồn, nghi ngút sống: "Thắp lửa lên bỗng thấy xa vời / Em là ngọn nến nhỏ sáng dần đôi môi tôi / Yêu có nghĩa vừa bay vừa nghĩ ngợi ... Tóc ngắn mắt buồn / Mơ những điều không ai mơ / Sông đã chảy sang bên kia giấc ngủ / Em tỉnh dậy trời xanh thành người lạ"...

Nguyễn Bình Phương chừng như muốn làm con "Sông đã chảy sang bên kia giấc ngủ", sang bên kia thực, sang bên kia hư, sang bên kia thơ, sang bên kia chính bản thân mình, như lòai người hằng hi vọng sau thế giới này là thế giới bên kia? Nhà thơ bước sang bên kia logic, sang bên kia hiện thực như ánh sáng bước qua trang sách, như gió bước qua mào gà, sét bước qua cổ thụ, như bản thân anh bước qua "chiếc áo ngủ điêu tàn" trong bài "Vọng từ giá sách": "-Ánh sáng đều đều rơi ở trang bên / Ngổn ngang chữ làm sao em sang được ....-Gió / Chỉ gió / Chênh vênh đậu trên mào gà đỏ / Mình hồ nghi bao nhiêu tháng bảy / Sét không đánh vào trán tuổi thơ / Cây cổ thụ ngạo nghễ cháy / - Vĩnh biệt vĩnh biệt niềm đam mê chân mây / Anh chỉ là chiếc áo ngủ điêu tàn / - Tôi ngắt vật gì rất trắng / Giếng nước một ánh nhìn đen ..."

Những câu thơ trên buồn thảng thốt, gây một ấn tượng chợt lạ, chợt quen, chợt còn, chợt mất, những hình ảnh tưởng không ăn nhập vào nhau lại biết tìm nỗi vu vơ mà liên minh thi tứ, mà giao kết hồn người. Phương mang đến cho thơ một "ánh nhìn đen" trên sa-mac-giấy- trắng, có khi dữ dội, tang thương như "Cây cổ thụ ngạo nghễ cháy" vì vừa ăn hết một tiếng sét giữa trời. Sau đấy là thế giới của "Chiếc áo ngủ điêu tàn" phủ đêm lên cả cổ thụ cháy, cả gió trên mào gà đỏ, để trang giấy còn có chỗ nằm mơ. Phương chừng như muốn thơ mình học vầng trăng phép chui vào con mắt ngủ để mong thành một ban mai khác, nhưng mà trăng không thể bay ra: "Qua con mắt khép hờ / Mặt trăng đi thẳng vào giấc ngủ / Cuối đường gặp một ban mai bàng bạc ... Trong giấc ngủ đầy mộng mị / Trăng không thể bay ra".

Đôi mắt đêm đã nuốt trăng vào mắt ngủ, hệt như trang giấy biết cách nuốt chữ vào mặt phẳng để thơ vươn tới không gian tâm hồn người đọc. Không gian thơ Nguyễn Bình Phương có khi là một vệt dài giấc ngủ như câu thơ thật hay: "Giấc ngủ là con đường xa" trích trong cụm thơ nơi bài "Than thở": "Những gương mặt đảo điên mơ màng ngủ / Giấc ngủ là con đường xa / Hoa đã nở trên tay người lạ / Vệt sáng qua sông thoang thoảng hương nhài / Lạ lùng ơi lạ lùng không dừng lại". Thế giới trang giấy anh bị gió cuốn đi như cuốn chiếu, nhưng gió giống như thơ còn biết cầm một ánh trăng mang theo làm của ăn đường: "Gió không mang đến hương thơm của nắng / Mà mang đến một ánh trăng" (Con đường bí mật). Chừng như nhà thơ ăn ở với gió, vay gió, trả gió, lúc kéo gió ngồi lại trên mào gà, lúc lại nhờ gió mang đi, e sách vở, đồ đạc, người ngợm không là gà nhưng lại cất tiếng gáy, xem chừng rất gở: "Có nhiều điều trong gió chẳng chịu đí ... Và ai đã chưa phải là gà / Cất tiếng gáy...". Tôi yêu câu thơ Nguyễn Bình Phương "Cây già nghe bao quả thức" quá, đành trích đoạn: "Gương dài soi chẳng hiện hình / Những con đường trắng phong phanh / Cây già nghe bao quả thức / Người đi người đen như mực / Nhà vắng mèo hoang dạo chơi / Một lời tỏ tình vừa cất / Xác những ve sầu buông rơi"...

Thơ Phương dù rất kỹ ở câu chữ nhưng rốt ráo vẫn là để tạo không khí thơ, không gian thơ, run run những tia mắt tơ hồng, những ám ảnh nhoè mờ mà rõ ràng như sờ nắn được, như ánh sáng qua gương không chịu hiện hình. Xuyên suốt thơ anh vẫn là một niềm run rẩy mong manh, một nỗi sợ vô hình âm ỉ khói, sợ như là vũ khí của lòai nai, sẽ động hờ là chuồn như gió trốn. Bài thơ ngắn "Nỗi sợ" là một bài hay: "Trong giấc ngủ xa vời có một ánh trăng / Trong ánh trăng một ngọn đèn nho nhỏ / Sáng ngập ngừng nỗi sợ đời tôi". Ngọn đèn mắt muỗi ấy có khi là nơi bám víu của thơ, của đời anh, một kẻ mạnh là một kẻ biết sợ. Anh còn nhiều câu thơ hay xin trích: "Hoa sẽ làm tôi như ngày xưa", "Không còn trời màu ngọc vang vang", "Những gì đã chết sống trong hương lài", "Không ai làm đường xưa vang động", "Hồ Dâm Đàm rẽ nước để trời xanh bay xuống / Nếu trời xanh bay trượt ra ngòai anh dám đỡ không?". Tuy nhiên, anh còn tật nhiều lời, cần phải biết cách gọt mình đi, ít ra là như gọt bút chì chẳng hạn .

Anh tên Bình Phương mà ưa thơ lập phương, từ mặt phẳng trang giấy, vươn hồn ra không gian thi tứ. Có khi, vượt ra ngòai sức hút trang giấy, thơ anh rơi vào cõi không trọng lượng trong một vòm trời thiếu dưỡng khí. Nếu người đọc không cấp cứu o-xy, câu thơ anh có thể chết. Thơ Phương là lòai thơ không dễ đọc, thích chênh vênh ở biên độ trọng lượng và phi trọng lượng, ở chỗ có thơ và không thơ. Ít ra, với tôi, thơ Nguyễn Bình Phương khá hay và mới vì đọc xong còn thấy mình có thêm một nỗi buồn đẹp, một nỗi sợ đâm hoa, một niềm mơ ngủ như ánh trăng về sáng, một day dứt như những đường cong mê hoặc dù tạc bằng đá, huống nữa là con người: "Bãi đá cổ những đường cong day dứt".,.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bình Phương0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ HỒN QUÊ:

*.

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: 21/22 Xuân Thủy, phường Thảo Điền, 

quận 2, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Email: cokhicon@gmail.com

Điện thoại: 091 841 00 42

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com, ngày 12.11.2023.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét