VÀI NÉT U MẶC TRONG THƠ TRẦN MẠNH HẢO - Tác giả: Từ Nguyên Thạch ; Vũ Thị Hương Mai giới thiệu

Leave a Comment

 


VÀI NÉT U MẶC TRONG THƠ

TRẦN MẠNH HẢO

*

Viết về thơ Trần Mạnh Hảo không dễ. Viết về cái hay, nét tài hoa hay sự thông minh thì thiên hạ và bạn bè ông viết hết rồi. Đành nói về cái u mặc trong thơ ông vậy.

Xin bắt đầu bằng những bài thơ tình mà ông dành số lượng lớn trong tập thơ. Thơ ông viết về tình yêu cũng lắm ngọt ngào nhưng theo một cách khác - không lạm dụng vào nhớ nhung sầu muộn, hờn ghen và nước mắt như thói thường. Với ông, tình yêu là một lạc thú nhục cảm nhưng không trần tục mà nhuốm màu thiêng liêng. Trong lạc thú có lẫn đớn đau. Trong đam mê có cuồng si tận hiến. Trong hạnh phúc có đày đọa. Đó mới là một tình yêu đích thực:

Lửa dẫu tắt tình than còn nghi ngút

Đêm nồng nàn em lút cả bình minh

Con chim yêu dập nát nửa thân mình

Còn ngoái cổ tỏ tình rên rỉ hót

(NGHI NGÚT, trang 73)

Chỉ ông mới “tỏ tình” bằng tiếng “rên rỉ”. Nó giúp ta nhận ra một con tim khát khao đến với tình yêu. Hãy đọc tiếp. Thơ tình ông có đụng đến “áo quần” đấy mà không trần tục. Đề cập đến giường chiếu “xoay vần” mà sao quá thiêng liêng:

Yêu đến độ hai ta cùng mất hút

Gió cuốn đi không còn chút áo quần

Như sao trời quên để lại dấu chân

Ta cứ thế xoay vần theo nhật nguyệt

(NGHI NGÚT, trang 73)

Đôi khi chúng ta kinh ngạc vì khi yêu ông muốn “bế cả trời”, “bồng cả trần thế”. Sức mạnh nào đã giúp ông làm được nếu không phải là tình yêu:

Anh muốn bế cả trời không thể bế

Anh muốn bồng cả trần thế trong em

Mắt môi ai thương nhớ đủ lem thèm

Kìa suối tóc chợt buông rèm cửa sổ

(GIÓ BƯỚM THỔI MÌNH ĐI, trang 142)

Một sớm thu ông nhận ra vẻ đẹp của trời đất. Không thể hững hờ, ông giục hãy hối hả yêu. Trong sự vui sướng ấy ta nhận ra có một chút gì đau đớn của tàn phai làm ta nuối tiếc:

Quang sáng thu hồng phúc mắt nai

Kìa em ngày tháng có đâu dài

Mà không yêu hết tình mây nước

Thương nhớ thu buồn chết với ai?

(THU SỚM, trang 152)

Ông dường như lúc nào cũng thấy không kịp với con ngựa thời gian. Nhưng khi đã ghì lấy đóa hồng trong vòng tay thì ông xin được bước đi “chầm chậm”, “từ từ” vì sợ hạnh phúc tan biến trong tay mình:

Hoa hồng xinh làm hoa bướm nát nhừ

Yêu chầm chậm để từ từ tan biến

(YÊU ĐỂ CHẾT, trang 454)

Thơ tình Trần Mạnh Hảo đưa ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước vẻ đẹp hư ảo của tình yêu, thật khó nói hết.

Nhưng không phải chỉ u mặc trong tình yêu, thơ ông viết về cuộc đời mới thật sự quăng ta vào cơn cuồng nộ kiếp người. Chỉ vài chấm phá, ông chỉ cho ta thấy nét khốn khổ đớn đau nơi người mẹ kính yêu của mình:

Mẹ như cây chuối bờ rào

Lá khô còn đắp ấm vào thân cây

Sờ lên mái tóc rễ cây

Chợt nghe mưa bụi trắng tay người về…

(TẾT NÀY MẸ VẪN ĐỢI CON, trang 77)

Ông có một tuổi thơ cơ cực, như trong nhiều hồi ức ông viết. Nó trở thành nỗi ám ảnh suốt đời ông. Đến nỗi mà ông không dám nhìn ngắm hoàng hôn phía chân trời, vì ông sợ cái màu “đỏ hoét” như trong mắt mẹ:

Bếp nhớ mẹ lửa khóc bầm than rét

Đêm chui chăn tìm hơi mẹ ngày xưa

Con sợ ngắm những chân trời đỏ hoét

Thương gà con tìm cánh mẹ trời mưa…

(NGÀY XƯA CÓ MẸ, trang 95)

Hình ảnh người mẹ lui tới rất nhiều lần trong thơ ông. Ta đọc và chia sẻ nỗi ngậm ngùi. Nhưng cũng từ đây ta nhận ra một người mẹ đẹp ngời sống mãi trong trái tim ông:

Mẹ từng đẹp cả mùa xuân lá nõn

Áo tứ thân khăn mỏ quạ mắt nâu buồn

Mùa hạ mẹ ra đường trời nghiêng nón

Đón thu về áo mẹ lá bàng tuôn

(NGÀY XƯA CÓ MẸ, trang 95)

Nét u mặc được đẩy lên cao trào khi ông viết về con. Khi đọc hai câu dưới đây ta bắt gặp trong nụ cười trầm mặc của ông những giọt nước mắt:

À ơi con bế con chơi

Búp bê đầy đặn còn người còi xương

(NHỮNG ĐỒ CHƠI CỦA CON TÔI, trang 266)

Và những câu thơ dưới đây đã thật sự lấy đi phút bình yên của người viết. Người đọc bị ném vào cơn cuồng nộ kiếp người, để mà đau:

Ngày mừng thôi nôi con

Người bạn họa sĩ tặng cha bức tranh tĩnh vật

Cha treo lên cho vui cửa vui nhà

Sản vật trong tranh la liệt

Nào cá chép tôm hùm, nào rượu thịt, nào rau

Nào sơn hào hải vị của ai đâu

Bữa ăn con đòi thịt đòi tôm

Con chỉ đũa lên bức tranh tĩnh vật

Con đòi ăn con dỗi con hờn

(CON TRAI TÔI VÀ BỨC TRANH TĨNH VẬT, trang 219)

Trong tuyển thơ ông cũng đề cập nhiều đến nghề cầm bút. Cái nghề không đưa ông tới giàu sang nhưng lại đưa ông gần với bao tiếng thị phi ở đời. Ông nhiều người ưa nhưng cũng lắm kẻ ghét. Là vì ông không biết nể nang ai mà cứ viết thật lòng mình. Tất nhiên có đúng có sai. Vì ông cũng là con người. Nhưng ông chấp nhận. Ông phải đánh đổi. Đôi khi cả sự nghiệp, cuộc sống:

Bữa cơm nghèo rau dưa muối mắm

Con còi xương, bụng ỏng nhô đầu

Cha còn cái cuối cùng không thể đem ra bán

Là lương tâm mình là một trái tim đau

(CON TRAI TÔI VÀ BỨC TRANH TĨNH VẬT, trang 220)

Đêm đêm, nhìn con ngủ ông mở lòng tâm sự:

Cha đã xỉu bao lần trên bản thảo

Mà câu thơ còn hồi hộp lo âu

Cái nghề văn chương tai ương bất chợt

Bút cha cầm, khi được viết khi treo

(CON TRAI TÔI VÀ BỨC TRANH TĨNH VẬT, trang 220)

Trong tập thơ, ông cũng dành nhiều trang đối thoại với chính mình. Có lẽ đó là lúc ông cảm thấy thư thái nhất, vì không sợ ai thù ai ghét. Đó cũng là lúc ông chân thật với lòng mình:

Ngẩng đầu trời vẫn mênh mông

Cúi xuống chợt thấy anh không còn gì

Anh còn con đường chưa đi

Anh còn vạt cỏ sắp ghì ôm anh…

(ANH CÒN, trang 152)

Ông phát hiện một điều rất trầm thống khi nhìn vào giấc ngủ của mình. Hốt nhiên nhận ra cuộc đời đầy đớn đau này tạm bợ xiết bao:

Ta đã ngủ triệu năm

Trước ngày oa oa khóc

Ta còn cả triệu năm

Để ngủ hoài trong đất

(ĐỪNG SỢ MẤT NGỦ, trang 253)

Hóa ra mọi yêu thương, giận ghét trong đời khi vào thơ ông hóa thành một nỗi niềm mênh mông. Một nỗi niềm rộng lớn yêu thương cuộc đời mà chỉ có ở nhà thơ:

Nhà thơ là ông già nghìn tuổi

Ở trong đứa trẻ mới ra đời

Trí khôn mà giống niềm thơ dại

Như mắt tinh đời hóa khóe môi

(NHÀ THƠ, trang 441)

Vâng, một khóe môi đang cười với chúng ta: nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Quỳnh Nga0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:


Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CẠN LÒNG:

Vũ Thị Hương Mai giới thiệu

Tác giả: Từ Nguyên Thạch -

nguồn: facebook Từ Nguyên Thạch

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét