CHẢY MÁU CHẤT XÁM - Tác giả: Hiệu Minh ; Đinh Như Quang giới thiệu

Leave a Comment

 


CHẢY MÁU CHẤT XÁM

 

Để nhân tài đất Việt ra đi là một phép thử tốt. Nếu đủ tự tin vào làm việc tại các công ty nước ngoài, liên doanh đa quốc gia hay các viện nghiên cứu quốc tế để xem mình là “ai”.

Năm 1946, cụ Hồ trong một chuyến sang Pháp đã mang về đội ngũ trí thức trẻ như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh, Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo… Sau này, họ trở thành những cán bộ đầu ngành, đặt nền móng khoa học cho nước nhà. Một thời chất xám từng chảy về đất Việt.

 

Chảy máu chất xám

Thời tôi du học Ba Lan (1970-1977), trước khi đi, chủ tịch tỉnh gặp và dặn dò, các em đi học, nhớ quay về xây dựng quê hương. Ra Hà Nội tập trung mấy tháng học chính trị cũng nguyên câu đó, ra đi nhớ hẹn lời thề và hầu hết chúng tôi về thật, ai ở lại coi như vong ơn bội nghĩa.

Nhưng về được mấy năm, trước thảm cảnh cơm áo gạo tiền, nhiều người tìm đường quay lại chốn cũ dưới vỏ bọc nghiên cứu sinh, thực tập sinh, phiên dịch lao động xuất khẩu, thậm chí đi làm công nhân trong nhà máy. Cơm áo không chỉ đùa với khách thơ.

Sau này đã khác, do hội nhập, điều kiện chính trị đã thay đổi, học sinh Việt Nam du học khắp thế giới từ Nga sang Trung Quốc, từ Pháp sang Mỹ, tới cả Úc hay châu Phi, do nhà nước chi, do gia đình tự túc, do tự đi tìm đường cứu… thân.

Tiến trình toàn cầu hóa và thế giới phẳng đã làm cho chất xám lửng lơ tìm nơi tối ưu cho mình, không còn bị ràng buộc bởi đạo đức với Tổ quốc như thế kỷ trước.

Cổ nhân đã dạy “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”, quyết định sự tiến hay lui của dân tộc. Không có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện để nhân tài phát triển thì “nguyên khí” sẽ bay đi.

“Đất lành chim đậu”, một qui luật tự nhiên của dòng chảy chất xám từ quê ra tỉnh, từ miền núi xuống đồng bằng, từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, lịch sử cả ngàn năm nay.

Từ thế kỷ 18 đã có làn sóng chất xám chảy từ châu Âu sang châu Mỹ. Những năm 1930, một dòng chảy từ Đức sang Anh và Mỹ vì ở Đức không được tự do ngôn luận, các nhà khoa học Do thái rất giỏi nhưng bị ngược đãi.

Những năm 1950, người Anh nhắc tới “Brain Drain” (chảy máu chất xám) do nhiều nhà khoa học của Anh quốc tìm đường sang Mỹ vì đồng tiền bát gạo và điều kiện làm việc tốt hơn.

Một quốc gia như Đức vẫn có tới 140 ngàn trí thức ra đi vì … tiền. Đông Âu tan rã, hàng triệu người có trí tuệ bỏ xứ sở ra đi. Hàng trăm giáo sư, viện sỹ Liên Xô tìm đường cứu mình trước khi Elsin hay Putin tới cứu.

 

Ra đi vì nhiều lý do

Họ ra đi vì nhiều lý do, bất đồng với lãnh đạo, không có môi trường phát triển, nhưng tựu chung là lý do kinh tế.

Mỗi người sinh ra đều có giấc mơ về tiền bạc, danh vọng, địa vị, có người mơ tri thức hơn người như các bạn thi chương trình lên đỉnh Olympia. Trí thức không là ngoại lệ.

Thế giới nay đã phẳng lại càng “phẳng” đối với người tài. Nơi nào lương cao, chế độ ổn định, môi trường làm việc thân thiện lại có điều kiện vươn lên tại sao nhân tài không chọn “tạm” làm quê hương mới.

Bạn đọc thử phỏng vấn giáo sư Ngô Bảo Châu và hỏi tại sao ông ở lại Pháp và sau này sang Mỹ định cư, nhờ đó mà ông được giải toán học Fields tương đương với giải Nobel trong toán học. Có người sẽ nghĩ với cái bút chì và tờ giấy, ông ở lại Việt Nam vẫn có thể thành đạt như thường.

Đúng là nghiên cứu Toán không cần tới phòng thí nghiệm hàng triệu đô la như Hóa hay Lý, nhưng môi trường xung quanh vô cùng quan trọng đối với người say mê.

Giả sử giáo sư Châu về một viện ở Hà Nội làm việc vì lòng yêu Tổ quốc. Bên cạnh là một tiến sỹ lo buôn xe máy cũ từ Nhật về, xa tý nữa là một giáo sư chuyên chạy áp phe đất cát, viện trưởng suốt ngày họp hành, chẳng nghĩ ra được phương hướng gì cho anh em.

Trên đường về nhà bằng chiếc xe máy tồng tộc, đường bụi bặm, nóng nực, mưa chút là ngập lụt. Đón con ở nhà trẻ về thấy mặt sưng do cô giáo tát, tới ngày 20-11, lễ tết vẫn phải phong bì. Ra vào cửa quan khúm núm.

Làm giấy khai sinh cho đứa con mới đẻ, gặp cô bé ở phường bằng tuổi cháu, toàn nói trống không, chỏng lỏn mắng người già như mắng người ở…

Trong một dịp đi công tác nước ngoài người ta bỗng thấy mình… tài, mời ở lại, trả lương đủ cho cả gia đình sống gồm tiền nhà, tiền điện nước, tiền đi lại, có xe hơi, con cái được học nơi chất lượng ngang quốc tế tại Việt Nam.

Môi trường sống trong lành, có bảo hiểm y tế, làm lâu có lương hưu tới lúc nhắm mắt xuôi tay, mình chết vợ được hưởng nốt lương hưu cho tới khi gặp mình ở âm ty, thử hỏi giáo sư có ở lại không.

 

Thảm họa cho nước nghèo

Đối với nước nghèo chảy máu chất xám rất tai hại, nhất là nơi có chế độ nhà nước trợ cấp cho ngành giáo dục cao và đại học như Việt Nam. Bỏ bao tiền của đào tạo, người tài đủ lông đủ cánh, nước khác giầu “rước” về với những quyền lợi khó từ chối.

Bên nghèo mất chất xám đã đau, nhưng vì phát triển lại phải thuê chất xám về giúp, giá thành đội lên gấp bội.

Hàng năm, châu Phi mất khoảng 4 tỷ đô la Mỹ hàng năm để thuê 150 ngàn chuyên gia nước ngoài đến làm việc, vì nơi đây tỷ lệ chất xám bỏ tổ quốc ra đi vào loại cao trên thế giới. Ở Mỹ La tinh, Jamaica và Haiti vẫn nghèo vì đến 80% chất xám ở nước ngoài.

Trong một bài viết cách đây mấy năm, tôi có nhắc về việc nắn dòng chảy chất xám.

Quốc gia lớn thu hút chất xám chính bằng sức mạnh kinh tế. Người Mỹ rất thành công trong việc nắn dòng chảy chất xám tự nhiên vào nước họ.

Sau chiến tranh, những nhà khoa học Đức vĩ đại như Wernher von Braun hay Einstein đã được mời về với một sự ưu đãi đặc biệt.

Đó là chìa khóa đi đến thành công của chương trình vũ khí nguyên tử hay tên lửa hành trình sau này của Hoa Kỳ. Rất nhiều nhà khoa học được giải thưởng Nobel tại Mỹ nhưng không phải sinh ra ở đó.

Ấn Độ và Trung Quốc khá thành công trong việc cử người đi học, khuyến khích ở lại làm thêm một thời gian tại nước sở tại để có kinh nghiệm và tiền bạc rồi quay về.

Nhà nước có ưu đãi lớn cho kiều dân, chính sách visa và quốc tịch mềm mỏng, cộng thêm một vài lợi thế khác.

Chính phủ Trung Quốc dành cho các chuyên gia Hoa kiều cao cấp được hưởng chế độ lương đặc biệt, con cái được học trong những trường lớp tốt nhất để họ có cảm giác không thấy sự khác biệt lớn giữa làm việc ở nước ngoài hay tại quê nhà.

 

Chất xám Việt Nam liệu có bị chảy máu?

Những năm 60-70, hàng chục ngàn trí thức trẻ được đào tạo ở các nước Xã hội Chủ nghĩa cũ đã quay về xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chất xám một thời đã ra đi và quay về mà không cần một lời kêu gọi. Họ về cội nguồn vì nghĩa lớn đó là tình yêu đất nước.

Ngày nay, với xu thế toàn cầu hoá đã có trí thức Việt nam ra đi nước ngoài làm việc.

Số đó cũng chỉ chiếm khoảng 1-2% toàn bộ những người được đào tạo đại học và trên đại học, con số quá nhỏ bé so với Trung Quốc (5%), Ấn Độ (7%), Châu Phi (50%) hay Mỹ La tinh (60%).

Nếu như phần trăm kia cao chút nữa thì hẳn chúng ta có lý do để tự hào vì phần trăm càng lớn nghĩa là trí thức càng có giá. Để làm việc ở môi trường quốc tế, trí thức phải giỏi thực sự, có trình độ cao về ngoại ngữ.

Thay vì lo chất xám chảy đi, nên nhìn những “trí ngủ” đang ngồi tại các viện nghiên cứu không biết làm gì ngoài vài đề tài khoa học phi thực tế, với đồng lương và trợ cấp đề tài còm cõi mà đồng tiền ấy lại do dân nghèo đóng thuế.

Có bao nhiêu “tiến sỹ giấy” đang “ăn bám” đất nước, “nguyên khí ảo” đang ngồi than cơ chế.

Để nhân tài đất Việt ra đi là một phép thử tốt. Nếu đủ tự tin vào làm việc tại các công ty nước ngoài, liên doanh đa quốc gia hay các viện nghiên cứu quốc tế để xem mình có là “ai”.

Sau vài năm công tác, va chạm trong cạnh tranh khốc liệt sẽ học được thêm nhiều, tự hoàn thiện bản thân và quay lại giúp đất nước vẫn vừa.

Giáo sư Ngô Bảo Châu ngồi bên Mỹ vẫn giúp ngành toán Việt Nam phát triển. Nếu ông về Hà Nội đi xe máy chen lấn thì chắc ông sẽ quên mất bài toán thế kỷ.

Việt Nam có đội ngũ trí thức kiều dân khá lớn, nhiều người có trình độ cao, hiểu biết luật pháp quốc tế và mối quan hệ rộng rãi, chính là kho báu chưa khai thác.

Việt Nam là nơi “đất lành” thì “chim sẽ đậu”, cả chim nội lẫn chim ngoại.

Cần có chính sách tốt về kiều dân, VISA hay quốc tịch mềm dẻo, sở hữu tài sản công bằng, luật về đầu tư nước ngoài thông thoáng có tính đến yếu tố người Việt, không phân biệt nguồn gốc, đánh giá con người qua khả năng hơn là lý lịch.

Đôi lúc cần lắng nghe sự khác biệt – lý do chính của việc ra đi – sẽ thu hút được chất xám ngoại, giữ nguyên khí không bay đi. Thấy họ đọc tin nước Việt, lên tiếng về những bất cập thì đó tín hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.

Tôi tin nhiều trí thức hải ngoại vẫn mong ngày nào đó quay về cố hương. Tất cả phụ thuộc vào khả năng nắn dòng chảy chất xám hướng về đất Việt như cụ Hồ Chí Minh từng làm cách đây hơn 70 năm.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Hiệu Minh - nguồn: soha.vn

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét